Bài 03: Đức Tin - Chúng ta đáp lời Thiên Chúa

Câu hỏi hướng dẫn

    • Niềm tin nhân loại là gì?
    • Niềm tin siêu nhiên là gì?
    • Có phải chúng ta tin vì chứng minh được mọi điều Thiên Chúa nói không?
    • Đức Tin có hợp lý không?
    • Chúng ta có thể tự sức mình mà có đức tin không?
    • Đức Tin và khoa học có mâu thuẫn nhau không?
    • Các nhà truyền giáo có nên áp đặt Đức Tin lên các tín hữu không?
    • Tin có phải là một bản năng mù quáng của trí khôn không? Hay là một cái gì thuộc con tim?
    • Thần học là gì?
    • Thống nhất đời sống là gì?
    • Tại sao Đức Tin cần thiết?

1. Khái niệm & Đối tượng Đức Tin

Từ "niềm tin" (Hi lạp pistis, Latinh fides) có hai nghĩa, một khách quan và một chủ quan. Khách quan, "niềm tin" chỉ về những cái chúng ta tin. Trong trường hợp này, tất cả những gì chúng ta học trong các lớp này đều là thành phần của Đức Tin. Khi nói về "Đức Tin", chúng ta chỉ về các nội dung hay đối tượng này của niềm tin chúng ta.

Từ "niềm tin" còn có một nghĩa khác, nghĩa chủ quan. ("Chủ quan" có nghĩa là cái gì có trong chủ thể hay người tin, chứ không phải các sự thật mà chúng ta tin). Theo nghĩa thứ hai này, niềm tin chỉ về thói quen hay nhân đức nhờ đó người ta chấp nhận những sự thật hay thực tại được Thiên Chúa mặc khải. Đây là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài này.

Trong cả hai trường hợp, niềm tin không phụ thuộc vào tình cảm. Các tình cảm thì có thể đến rồi đi, chúng có thể lên hay xuống.

1.1 Niềm Tin nhân loại

Trong bài dẫn nhập đầu tiên ("Nhờ đâu bạn biết?"), chúng ta đã bàn về ý nghĩa của niềm tin. Trước tiên chúng ta đã mô tả niềm tin nhân loại là gì, và chúng ta đã thấy nó quan trọng như thế nào trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Lý do là vì niềm tin có nghĩa là chấp nhận lời của một ai đó mặc dù chúng ta không đích thân chứng kiến sự kiện người ấy đang nói đến. Chúng ta tin những điều cha mẹ nói cho chúng ta biết về mình, chúng ta tin những gì các thầy cô dạy chúng ta, các ông chủ phải tin các báo cáo của các nhân viên mình, các doanh nhân tin lời của khách hàng của mình và ngược lại… Không có niềm tin nhân loại, chúng ta không thể sống trọn vẹn đời sống của mình, vì như thế chúng ta lúc nào cũng sẽ phải tìm cách chứng minh điều người khác nói với mình có thật không. Chúng ta sẽ không học hỏi được nhiều, nếu chỉ dựa trên những gì mình trực tiếp quan sát được.

1.2 Niềm Tin siêu nhiên

Trong bài trước, chúng ta đã học biết rằng Thiên Chúa cũng đã nói với con người. Giống như trong trường hợp của niềm tin nhân loại, chúng ta được tự do chấp nhận hay bác bỏ những gì Thiên Chúa đã nói. Đức Tin là sự chấp nhận Lời Thiên Chúa đến với chúng ta qua Thánh Kinh và Thánh Truyền, được Huấn Quyền của Hội Thánh Công Giáo giữ gìn và dạy chúng ta.

Số 25 của Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược [GLYL] hỏi:

Con người đáp lại thế nào với Thiên Chúa Đấng tự mặc khải về chính Người?

Và câu trả lời là:

Được ân sủng Thiên Chúa nâng đỡ, chúng ta đáp lại Thiên Chúa với sự vâng phục của đức tin, nghĩa là chúng ta hoàn toàn suy phục Thiên Chúa và chấp nhận sự thật của Người vì chính Người là Sự Thật bảo đảm cho chúng ta.

(Cũng xem các số 142-143 của Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo [GLCG])

Đức Tin siêu nhiên là một trong ba nhân đức gọi là "đối thần". Hai nhân đức đối thần kia là đức Cậy và Đức Mến. Tại sao Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến gọi là "đối thần"? Từ "đối thần" (tiếng Anh là "theological") bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp Theos ("Thần") và logos ("lý lẽ", "lời", "cắt nghĩa"…). Có ba lý do cơ bản để gọi ba nhân đức này là "đối thần"—đó là vì cả ba nhân đức đều có Thiên Chúa làm

    • nguồn mạch: các nhân đức này bắt nguồn từ Thiên Chúa, và chúng tăng trưởng khi Thiên Chúa đổ đầy hơn vào linh hồn, vì vậy chúng ta cần cầu nguyện với Thiên Chúa để chúng có thể lớn lên trong chúng ta;
    • động cơ, lý do hay chỗ dựa: lý do để chúng ta tin, cậy, hay yêu mến là chính Thiên Chúa chứ không phải yếu tố nào khác, như dựa trên bất kỳ tạo vật nào;
    • mục đích hay đối tượng: chúng ta tin Thiên Chúa và tin có Thiên Chúa, chúng ta hi vọng và trông cậy Thiên Chúa, chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người khác vì Chúa.

Đức Tin là lời đáp của con người với Thiên Chúa Đấng tự mặc khải. Đức Tin là nhân đức siêu nhiên giúp soi sáng trí khôn và trợ giúp ý chí con người để vững vàng ưng thuận mọi điều Thiên Chúa đã mặc khải, không phải vì có những bằng chứng hiển nhiên nhưng vì dựa vào thẩm quyền của Thiên Chúa là Đấng mặc khải và vì Người không lừa dối ai hay bị ai lừa dối.

2. Các đặc tính của Đức Tin

2.1 Đức Tin là một ân huệ

Lý trí không đủ để giúp chúng ta biết về các sự thật siêu nhiên: cần phải có đức tin như một ân huệ của Thiên Chúa. Khi Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Mêsia, Đức Giêsu bảo ông rằng không phải nhờ lý lẽ nhân loại mà ông biết được điều này. Thánh Mátthêu (16:17) kể:

Ðức Giêsu nói với ông: "Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời.

Hiến Chế Mặc Khải Dei Verbum (số 5), trích trong GLCG số 153, tuyên bố:

Để được niềm tin này, cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và qui hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và ban cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý".

2.2 Đức Tin là một hành vi nhân linh, không ngược với tự do con người

Đức tin là một hành vi nhân linh. Mọi hành vi nhân linh đều đòi hỏi con người phải biết điều mình đang làm và muốn làm điều ấy. Mọi hành vi nhân linh đều phải có hiểu biếtý muốn.

Vì Đức Tin là một loại hiểu biết, nó đòi con người phải biết, mặc dù không hiểu hết được những gì được mặc khải cho mình. Biết có nghĩa là chấp nhận, và chấp nhận đòi hỏi ý muốn chấp nhận, đòi hỏi sự ưng thuận của ý chí.

Tự do là gì? Sách GLCG số 1731 dạy chúng ta:

Bắt nguồn từ trong lý trí và ý chí, tự do là khả năng hành động hoặc không hành động, làm cái này hay làm cái kia, và như vậy tự mình thực hiện những hành động có suy nghĩ và trách nhiệm. Nhờ ý chí tự do, mỗi người tự quyết định về cuộc đời mình.

Do đó, vì là một hành vi nhân linh, một hành vi đòi hỏi trí khôn và ý chí, nên Đức Tin là một hành vi đòi hỏi tự do.

Sách GLCG (số 160) dạy:

Để được coi là nhân bản, "sự đáp lời của Đức Tin của con người với Thiên Chúa phải có tính tự nguyện, và… vì vậy không một ai có thể bị cưỡng bách lãnh nhận đức tin trái ý mình. Đúng thế, tự bản chất của nó, hành vi Đức Tin có đặc tính tự nguyện." [DH 10; x. CIC, điều 748, #2] "Thiên Chúa kêu gọi con người phụng sự Ngài trong tinh thần và chân lý. Do đó con người bị ràng buộc nơi lương tâm chứ không hề bị cưỡng bách… Sự kiện này được tỏ lộ đầy đủ nhất nơi Đức Kitô Giêsu." [DH 11] Thật vậy, Đức Kitô mời gọi người ta tin và hoán cải, nhưng Ngài không bao giờ ép buộc ai. "Ngài đã làm chứng cho chân lý, nhưng Ngài không muốn dùng sức mạnh để ép buộc những kẻ chống đối Ngài phải chấp nhận chân lý. Vương quốc của Ngài… mở rộng nhờ tình yêu mà Chúa Kitô bị treo trên Thập Giá đã dùng để thu hút mọi người đến với Ngài." [DH 11; x. Ga 18:37; 12:32]

2.3 Đức Tin không ngược với lý trí. Đức Tin & Khoa Học

Đức Tin và khoa học có mâu thuẫn nhau không?

Aristốt xưa có nói rằng muốn học thì phải tin, phải có niềm tin. Nhiều điều chúng ta học được không phải nhờ kinh nghiệm trực tiếp nhưng nhờ một người khác—các thầy cô, tác giả, chuyên gia trong lãnh vực chuyên môn của họ. Mặc dù họ có thể sai lầm, hay có thể không nói sự thật, chúng ta vẫn tin họ. Nhưng nói về niềm tin siêu nhiên là chúng ta nói về Thiên Chúa, Đấng không lừa dối và không thể sai lầm.

Vì vậy không thể có mâu thuẫn giữa Đức Tin và khoa học. Có hai lý do:

    1. Thiên Chúa cho chúng ta cùng một trí tuệ hiểu được cả những vật thọ tạo và những thực tại siêu nhiên.
    2. Các đối tượng của Đức Tin là Thiên Chúa hay các tạo vật của Người. Đối tượng của khoa học là các tạo vật.

Sách GLYL số 29 dạy:

Mặc dù Đức Tin vượt trên lý trí, song không bao giờ có thể có mâu thuẫn giữa Đức Tin và khoa học, vì cả hai đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa ban cho chúng ta ánh sáng lý trí và ánh sáng Đức Tin.

Khoa học mà đi ngược với Đức Tin là khoa học sai. Không thể có một khẳng định đúng trên bình diện siêu nhiên mà lại sai trên bình diện con người. Cũng vậy, một chân lý tự nhiên không bao giờ có thể nghịch với một chân lý siêu nhiên.

Hiến Chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng, số 36) của Vaticanô II dạy:

Bởi vậy, các nghiên cứu có phương pháp trong mọi ngành tri thức, nếu tiến hành một cách khoa học thực sự và theo các tiêu chuẩn luân lý, sẽ không bao giờ thực sự trái nghịch với Đức Tin, vì các thực tại trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra. Hơn nữa, những ai kiên nhẫn và khiêm tốn cố gắng nghiên cứu sâu xa những bí ẩn của sự vật, thì vẫn được bàn tay Thiên Chúa dẫn dắt, mặc dù họ không ý thức điều này, vì Thiên Chúa là Đấng bảo trì muôn loài và khiến chúng hiện hữu theo bản tính riêng của mỗi loài.

2.4 Tính siêu nhiên

Các chân lý do Thiên Chúa mặc khải thì vượt quá khả năng con người; vì vậy con người cần có ơn Chúa để có thể tin. Cầu xin ơn đức tin là điều hợp lý.

Tìm cách chứng minh Đức Tin là việc làm vô ích, vì Đức Tin vượt trên trí tuệ tự nhiên hạn hẹp. Tuy nhiên, có thể chứng minh rằng bất cứ điều gì ngược với sự thật thì đều sai.

2.6 Tính giáo hội

Sách GLYL (số 30) hỏi: "Tại sao Đức Tin là một hành vi cá nhân và cũng là một hành vi giáo hội?" Và Sách GLYL trả lời như sau:

Đức tin là một hành vi cá nhân vì nó là lời đáp tự do của con người với Thiên Chúa Đấng tự mặc khải. Nhưng đồng thời Đức Tin cũng là một hành vi giáo hội được diễn tả trong lời tuyên bố, "Chúng tôi tin". Trên thực tế chính là Giáo Hội tin: và như vậy, nhờ ân sủng Chúa Thánh Thần, Đức Tin của Giáo Hội đi trước, sinh ra và nuôi dưỡng Đức Tin của mỗi Kitô hữu. Vì lý do này, Giáo Hội là Mẹ và Thầy.

Tin là một hành vi của một tín hữu với tư cách là tín hữu, với tư cách một thành viên của Giáo Hội.

Thánh Cyprianô (De unit. 6: PL 4, 519) nói:

Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha mình nếu không có Hội Thánh là mẹ mình.

3. Các bước dẫn đến Đức Tin

Có nhiều cách để đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa dẫn đưa mỗi người đến với Ngài qua một con đường khác nhau. Tuy nhiên, nếu phải phân tích các bước lôgích dẫn đến Đức Tin, chúng ta có thể phân biệt bốn giai đoạn. Cần lưu ý rằng Thiên Chúa có thể không cần đến các bước này, và chỉ trong một hành vi ân sủng mạnh, một người có thể bất ngờ thấy rằng mình có Đức Tin.

A. Phán đoán lý thuyết về cái đáng tin: "Điều này có thể tin được." "Tin điều này là hợp lý."

Thiên Chúa cho chúng ta nhiều dấu hiệu để tin. Đó là các lý do để tin, các sự kiện chứng tỏ rằng tin là hợp lý. Các sự kiện đáng tin này là:

1. Các lý do bên ngoài con người

a. Các lý do bên ngoài [nghĩa là không thuộc thành phần của] chính sự thật được mặc khải

    • Các phép lạ
    • Các lời tiên tri

b. Các lý do bên trong [nghĩa là thuộc thành phần của] chính sự thật được mặc khải

    • sự cao siêu của giáo huấn mặc khải
    • đời sống tuyệt vời của Hội Thánh (bất chấp nhiều khuyết điểm của các cá nhân trong Hội Thánh)

2. Các lý do bên trong con người

a. Chung cho mọi người: sự thoả mãn tuyệt vời các khát vọng của con người về sự công chính, thánh thiện và Thiên Chúa. Đức Tin Công Giáo thoả mãn và vượt quá mọi khát vọng chân thực và cao quí của trí khôn và ý chí con người.

b. Riêng nơi mỗi cá nhân: kinh nghiệm cá nhân về sự bằng an mà thế giới không thể cho (x. Ga 14:27)

Các lý do trên chứng tỏ rằng tin hoàn toàn không phải là kết quả của bản năng mù quáng.

B. Phán đoán lý thuyết về điều phải tin (credendum) trong thực tế: "Điều này phải tin." "Buộc phải tin điều này."

Từ Latinh "credendum" có nghĩa là "phải tin".

C. Phán đoán thực hành về điều phải tin trong thực tế: "Tôi phải tin điều này." "Tôi muốn tin điều này."

Ở đây ý chí quyết định và ra lệnh cho trí khôn mở ra cho đối tượng phải tin. "Tôi phải tin điều này ngay lúc này." Bước này cần có sự trợ giúp của ơn siêu nhiên. Vì vậy hành vi đức tin không thể chỉ là kết quả của lý luận thuần tuý con người, vì nó dẫn đến một hành động siêu nhiên.

D. Hành vi tin: "Tôi tin điều này."

Đây là sự ưng thuận và chấp nhận cuối cùng. Đó là hành vi tin.

4. Làm thế nào gia tăng hiểu biết về Đức Tin của chúng ta?

Như đã nói trên kia, Đức Tin có thể hiểu theo hai nghĩa: nhân đức nhờ đó chúng ta tin, và nội dung niềm tin của chúng ta. Và chúng ta đã thấy rằng Đức Tin hiểu như là nhân đức thì do Thiên Chúa đổ vào linh hồn chúng ta.

Còn về nội dung Đức Tin? Chúng ta có thể làm gì để gia tăng nội dung này không? Có. Ngoài những việc khác, chúng ta có thể làm những việc sau đây

    1. Đọc Kinh Thánh, đặc biệt Tin Mừng. Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI khuyến khích phương pháp gọi là lectio divina (đọc sách thánh đúng nghĩa) với bốn giai đoạn: (i) lectio hay là đọc bản văn một cách chăm chú và cẩn thận, tìm ra "thông điệp" Chúa muốn truyền đạt cho chúng ta (một số người quen viết những đoạn này ra những mẩu giấy để có thể sử dụng lại lần sau); (ii) meditatio hay là suy gẫm về đoạn văn; (iii) oratio hay khẩu nguyện, cầu nguyện dựa trên những hứng khởi của đoạn văn; và (iv) contemplatio hay chiêm niệm.
    2. Đọc một số sách thiêng liêng về giáo lý có uy tín;
    3. Dự các khoá học về Đức Tin;
    4. Cầu nguyện, đã nói ở trên;
    5. Thánh Thể.

Thần học là khoa học về Đức Tin.

    • Như mọi khoa học, Thần học giúp chúng ta biết Đức Tin một cách có hệ thống.
    • Với sự trợ giúp của lý trí, Thần học cố gắng hiểu biết rõ hơn các chân lý Đức Tin.
    • Nó giúp cho chân lý Đức Tin trở nên dễ hiểu hơn đối với tín hữu.
    • Cố gắng này với lòng chân thật thì bắt nguồn từ Thiên Chúa và giúp đến gần Thiên Chúa hơn.

Tất cả các nhà thần học tốt nhất đều là những vị thánh.

5. Chúng ta cần Đức Tin bao nhiêu?

Nếu chúng ta không tin những gì cha mẹ nói cho chúng ta biết về các ngài, về lịch sử gia đình chúng ta, về bản thân chúng ta, hẳn các ngài sẽ rất buồn và đau khổ. Cũng vậy, nếu chúng ta không tin Thiên Chúa, chúng ta không thể làm đẹp lòng Ngài. Chúng ta sẽ xúc phạm đến Ngài. Sách GLCG (số 161) dạy chúng ta:

Tin vào Đức Giêsu Kitô và Đấng đã sai Ngài đến cứu rỗi chúng ta là cần thiết để được ơn cứu rỗi ấy.

Có thể chỉ cần tin là được cứu không?

Đây là tuyên bố của Martin Luther: một mình đức tin (sola fide) là đủ để được cứu rỗi. Nhưng Kinh Thánh nói rất rõ rằng, không chỉ tin, người ta còn cần phải hành động theo niềm tin của mình nữa. Chúng ta hãy đọc các đoạn sau:

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (Mt 7:21)

Tại sao anh em gọi Thầy: "Lạy Chúa ! Lạy Chúa!", mà anh em không làm điều Thầy dạy? (Lc 6:46)

Ngày đó, Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm;

(7) những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời;

(8) còn những ai chống Thiên Chúa mà không vâng phục chân lý và chạy theo điều ác, thì Người sẽ nổi trận lôi đình, trút cơn thịnh nộ xuống đầu họ. (Rm 2:6-8)

Thật vậy, người ta được Thiên Chúa coi là công chính, không phải vì nghe biết Lề Luật, nhưng là vì tuân giữ Lề Luật. (Rm 2:13)

Thật vậy, nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào đền tội đuọc nữa, (27) mà chỉ còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và ngọn lửa nóng bừng thiêu hủy những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa. (Heb 10:26-27)

Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (I Cr 13:2)

Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Ðức tin có thể cứu người ấy được chăng? (15) Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, (16) mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?

(17) Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. (18) Ðàng khác, có người sẽ bảo: "Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin. (19) Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ. (20) Hỡi người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô dụng không? (21) Ông Ápraham tổ phụ chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là Ixaác trên bàn thờ đó sao? (22) bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo. (23) Như thế ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép: Ông Ápraham tin Thiên Chúa, và vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.

(24) Anh em thấy đó, nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi. (Gc 2:14-24)

Tuy nhiên có một số người viện dẫn đoạn Êphêsô 2:8-9 như sau:

Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; (9) cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện.

Để trả lời, ta chỉ cần tiếp tục đọc hết câu 10, nói đến các việc lành. Câu này nói như sau:

Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Ðức Giêsu Kitô, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

6. Đức Tin có phải chuyện riêng tư không?

Sách GLCG (số 1816) dạy:

Người môn đệ Chúa Kitô không những phải giữ và sống đức tin, mà còn phải tuyên xưng và làm chứng cách vững vàng về đức tin, và truyền bá đức tin…

Toàn thể đời sống của một người Kitô hữu phải là sự tỏ lộ Đức Tin của mình. Mọi khía cạnh đời sống của họ phải được soi sáng bởi Đức Tin và phải chứng tỏ Đức Tin. Chúng ta hãy suy gẫm các đoạn Sách Thánh sau:

Người công chính sống bởi Đức Tin. (Dt 2:4)

Đức Tin hoạt động nhờ Đức Ái. (Ga 5:6)

Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết. (Gc 2:20-26)

Các bằng chứng của Đức Tin chân chính là sự thống nhất đời sống trong lao động, đời sống gia đình và xã hội. Ví dụ:

    • các bác sĩ phải bảo vệ sự thánh thiện của sự sống con người từ lúc thụ thai tới lúc chết tự nhiên
    • các luật sư phải bảo vệ sự thánh thiện của hôn nhân
    • các doanh nhân phải tuân giữ các đòi hỏi của cả công bằng và bác ái nữa.
    • các nhà chính trị phải làm hết sức mình để các giá trị nhân bản và Kitô giáo chân chính được bảo tồn và cổ võ trong xã hội
    • các cặp vợ chống phải chứng tỏ Đức Tin qua việc họ vui vẻ chấp nhận con cái từ Thiên Chúa.

Thánh Josemaria dạy rằng chúng ta không thể gạt bỏ Đức Tin ra bên lề hoạt động nghề nghiệp của chúng ta (The Way 353). Công Đồng Vaticanô II nói sai lầm lớn nhất của thời đại chúng ta là phân cách Đức Tin và đời sống. Khi chúng ta chiều theo các hoạt động ngược với Đức Tin, các hoạt động ấy làm suy yếu Đức Tin và dẫn chúng ta tới nguy cơ mất Đức Tin.

Chúng ta không những phải cố gắng duy trì Đức Tin. Chúng ta cũng phải quảng bá Đức Tin (x. Mt 5:15) (GLCG 166). Chúng ta có bổn phận tạo hình cho toàn thể xã hội bằng các giáo huấn và tinh thần của Kitô giáo, vì các giáo huấn này dựa trên bản tính đích thực của con người.

7. Gương Đức Mẹ

Đức Maria là mẫu gương Đức Tin thực hành trong đời sống. Sách GLCG (các số 148-149) dạy chúng ta:

Đức Trinh Nữ Maria đã thực hiện sự vâng phục của đức tin cách hoàn hảo nhất. Với đức tin, Đức Maria đã đón nhận lời loan báo và lời hứa do thiên thần Gabrie mang tới, tin rằng "đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể làm được," và Mẹ đã đưa ra sự ưng thuận: "Tôi là nữ tì của Chúa, xin hãy làm cho tôi như lời của ngài" (Lc 1:37-38; x. St 18:14). Bà Isave đã chào Đức Maria: "Em là người diễm phúc vì đã tin Chúa sẽ hoàn tất những gì Ngài đã làm với em" [Lc 1:45]. Chính vì niềm tin này mà mọi thế hệ sẽ tuyên xưng Đức Maria là người diễm phúc.

Trong suốt cuộc đời của Mẹ, và cho tới cơn thử thách cuối cùng, khi Giêsu Con của Mẹ chết trên Thập Giá, đức tin của Mẹ đã không bao giờ dao động. Mẹ Maria đã không ngừng tin rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất lời hứa của Ngài. Bởi vậy Giáo Hội tôn kính nơi Đức Maria sự thực hiện niềm tin tinh tuyền nhất.

Đọc Thêm

    • Compendium of the Catechism of the Catholic Church, nos. 25-32.
    • Catechism of the Catholic Church, nos. 142-182.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Two: Fundamental Dogmatic Theology, Chapters 9-10. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 59-143.
    • William G Most, Catholic Apologetics Today. Answers to Modern Critics, Chapter 18 "Faith Alone: Luther's Discovery?". Illinois: Tan Books, 1986, pp 106-113.

Websites