Bài 31: Không Được Có Thần Linh Nào Khác

Câu hỏi hướng dẫn

    • Phải chăng Mười Điều Răn phản ánh lòng yêu thương của Thiên Chúa?
    • Luật Tự Nhiên (Nhiên Luật) có ẩn chứa trong 10 Điều Răn hay không?
    • Thế nào là tội nghich với Điều Răn thứ nhất?
    • Lời dạy của giáo hội về mê tín dị đoan là gì?
    • Tội tự phụ (tội nghịch với đức cậy) là gì?
    • Những hình thức thờ ngẫu tượng thời nay?
    • Tội phạm sự thánh là gì?
    • Khi chúng ta tôn kính ảnh tượng Đức Mẹ và các thánh, phải chăng chúng ta cũng sa vào việc thờ ngẫu tượng?
    • Thế nào là những hành vi nhân đức thờ phượng?
    • Những hình thức phụng thờ?

1. Mười Điều Răn

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) mục 2066 viết:

Việc phân chia và đánh số các Điều Răn có thay đổi theo dòng lịch sử. Sách giáo lý này dựa theo cách phân chia các Điều Răn của Thánh Augustine đã trở thành truyền thống trong Giáo Hội Công Giáo. Các hệ phái Luther cũng theo cách phân chia này. Các Giáo Phụ Hy Lạp phân chia hơi khác; cách phân chia đó được gặp thấy trong các Giáo Hội Chính Thống và các cộng đồng Cải Cách.

1.1 Sách Xuất Hành 20:2-17

2 "Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

3 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. 4 Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. 5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Ðối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

7 Ngươi không được dùng danh Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Ðức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

8 Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. 9 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 10 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. 11 Vì trong sáu ngày, Ðức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Ðức Chúa đã chúc phúc cho ngày sa-bát và coi đó là ngày thánh.

12 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

13 Ngươi không được giết người.

14 Ngươi không được ngoại tình.

15 Ngươi không được trộm cắp.

14 Ngươi không được ngoại tình.

15 Ngươi không được trộm cắp.

16 Ngươi không được làm chứng gian hại người.

17 Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta."

1.2 Sách Đệ Nhị Luật 5:6-21

6 "Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

7 Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

8 Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. 9 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Ðối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. 10 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời.

11 Ngươi không được dùng danh Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

12 Ngươi hãy giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi. 13 Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. 14 Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. 15 Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sa-bát.

16 Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi.

17 Ngươi không được giết người.

18 Ngươi không được ngoại tình.

19 Ngươi không được trộm cắp.

20 Ngươi không được làm chứng dối hại người.

21 Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta.

1.3 Công thức giáo lý truyền thống (Traditional Catechetical Formula) (thường viết là: Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn)

1. Thờ phượng một Đức Chúa Tời và kính mến Người trên hết mọi sự.

2. Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

3. Giữ ngày Chúa nhật.

4. Thảo kính cha mẹ.

5. Chớ giết người.

6. Chớ làm sự dâm dục.

7. Chớ lấy của người.

8. Chớ làm chứng dối.

9. Chớ muốn vợ chồng người.

10. Chớ tham của người.

1.4 Sự theo Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta tuân giữ các Điều Răn (còn gọi là Mười Lời) và các Mối Phúc Thật

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL), mục 434 (xem thêm GLCG mục 2052-2054, 2075-2076) thuật lại việc một thanh niên đến nhờ Đức Giêsu cho biết mình nên làm gì để được hưởng sự sống đời đời.

Khi người thanh niên hỏi câu này, Đức Giêsu trả lời:” Nếu anh muốn vào cõi sống, hãy giữ các điều răn “, rồi Người thêm: ” Hãy đến theo Ta “ (Mátthêu 19:16-21). Việc theo Đức Giêsu bao gồm cả việc tuân giữ các điều răn. Lề luật không bị xóa bỏ, nhưng chúng ta được mời gọi tìm lại lề luật nơi Con Người của Thầy chí thánh, Đấng thực thi trọn vẹn lề luật nơi chính mình, Đấng mạc khải trọn vẹn ý nghĩa của lề luật, và chứng nhận tính trường tồn của lề luật.

Sự giải thích này bác bỏ lập luận của những người cho rằng Đức Giêsu đến thế gian với một phương sách mới; phương sách này không đòi hỏi phải tuân giữ Mười Điều Răn. Họ nói rằng Đức Giêsu đã dạy về những Mối Phúc Thật thay cho các Điều Răn. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ về Tám Mối Phúc Thật, chúng ta sẽ thấy các Mối Phúc Thật không thể hiện thực nếu không có Mười Điều Răn. Do đó, chúng không thay thế Điều Răn. Chúng không làm cho các Điều Răn thành ” cổ hủ “. Thực ra, các Mối Phúc Thật CẦN ĐẾN Mười Điều Răn; chúng CỦNG CỐ và LÀM CHO ĐIỀU RĂN MANG TÍNH BẮT BUỘC HƠN.

(3) "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. (11) Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế “. (Mátthêu 5:3-12)

Thánh Gregory thành Nyssa (một nhà thần nghiệm ở Tiểu Á, sống vào khoảng năm 380 sau Công Nguyên) định nghĩa "mối phúc thật" là

kho tích mọi điều được minh định là thiện hảo; từ kho này không thiếu một điều gì cần cho khát vọng thiện hảo. Có lẽ ý nghĩa của mối phúc thật sẽ rõ ràng hơn nếu đem so với đối nghĩa của nó. Như vậy, đối nghĩa của mối phúc thật là nỗi đau khổ. Đau khổ là sự bị dằn vặt bởi những sầu muộn, đau thương.

1.5 Mười Điều Răn là một thể thống nhất

Chúng ta đều biết, ba Điểu Răn đầu đề cập đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, và bảy giới răn sau đề cập tới trách nhiệm của chúng ta đối với tha nhân (xem thêm GLCG mục 2067). Ba giới răn đầu chiếm ưu tiên vì Thiên Chúa phải được chúng ta yêu thương trên hết mọi sự. Điều này có nghĩa là tại mọi thời điểm và trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần phải dành cho Thiên Chúa THỜI KHẮC tốt nhất và NỖ LỰC cao nhất của chúng ta.

Tuy nhiên, có sự hợp nhất giữa hai phần nói trên của Mười Điều Răn. Mục 2069 Sách GLCG viết:

Người ta không thể tôn trọng người khác mà không chúc tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của họ. Người ta không thể tôn thờ Thiên Chúa mà không yêu mến mọi người vì đều là thụ tạo của Ngài. Mười Điều Răn hợp nhất đời sống đối thần (đời sống tôn giáo) với đời sống xã hội của con người.

Sách GLYL (mục 439) thêm rằng Mười Điều Răn tạo nên một THỂ THỐNG NHẤT.

Mười Điều Răn tạo thành một thể thống nhất và không thể phân chia vì mỗi giới răn đều liên kết với các giới răn khác và với toàn thể Mười Điều Răn. Do đó, phạm một giới răn là vi phạm toàn bộ lề luật.

1.6 Mười Điều Răn cần được hiểu theo bối cảnh của Giao Ước

Sách GLYL (mục 437; GLCG mục 2058-2063, 2077) dạy:

Mười Điều Răn phải được hiểu dưới ánh sáng của Giao Ước, trong đó, Thiên Chúa tự mạc khải và cho biết ý muốn của Ngài. Bằng việc tuân giữ các điều răn, dân Chúa nói lên sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa và đáp lại sáng kiến yêu thương của Ngài với lòng biết ơn.

Mục 2060 Sách GLCG giảng giải thêm:

Sự ban giới răn và Lề Luật là một phần của giao ước mà Thiên Chúa ký kết với dân Ngài. Theo Sách Xuất Hành, sự mạc khải ” Mười Lời “ được ban giữa việc chuẩn bị lập giao ước và việc kết thúc giao ước (xem thêm Sách Xuất Hành 19) – sau khi dân đã cam kết ” thi hành “ điều Chúa phán, và ” tuân phục “ điều đó. (xem Sách Xuất Hành 24:7). Mười Điều Răn chỉ được lưu truyền sau khi nhắc nhớ đến giao ươc. (ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, đã lập giao ước với chúng ta tại núi Horeb) [Đệ Nhị Luật 5:2]

Mục này cần được hiểu thấu đáo để đón nhận, tuân theo và chu toàn các Điều Răn.

Hơn nữa, các Giới Răn không truyền cho đông đảo nhiều người mà truyền cho từng người trong chúng ta. Sách GLCG (mục 2063) giảng giải:

Giao ước và cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người cũng được xác nhận qua sự kiện là tất cả các bổn phận đều được phát biểu ở đại từ ngôi thứ nhất (”Ta là Chúa… “) và nói với chủ thể khác (” Ngươi “). Trong tất cả các điều răn của Thiên Chúa, ĐẠI TỪ NHÂN XƯNG SỐ ÍT để chỉ người đón nhận. THIÊN CHÚA TỎ BÀY THÁNH Ý CỦA NGÀI CHO RIÊNG TỪNG NGƯỜI, nhưng đồng thời cũng bày tỏ thánh ý đó cho muôn người …

1.7 Luật Tự Nhiên, Lề Luật Cũ, và Lề Luật Mới

Chúng ta đã nghiên cứu chủ đề này trong Bài 26 . Mười Giới Răn (Thiên Luật Tích Cực) là tuyên ngôn sáng tỏ về những gì Luật Tự Nhiên đòi hỏi nơi. Do đó, luật này chi phối không những đối với tín hữu Công Giáo hoặc Kitô giáo nói chung, mà còn đói với tất cả mọi người. Đức Giêsu Kitô khẳng định những giới răn của Lề Luật Cũ và đưa ra thêm nhiều yêu cầu khác nữa:

"Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn". (Mátthêu 5:17)

Đức Giêsu làm cho lề luật trở nên chính xác hơn. Sống công chính, hiền lành, hoặc thiện hảo; như thế vẫn chưa đủ: chúng ta phải trở nên thánh thiện.

Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. (Mátthêu 5:20)

Vậy anh em hãy nên trọn lành, như Cha anh em trên trời là Ðấng toàn thiện. (Mátthêu 5:48)

Đức Giêsu nói rõ về những chuẩn mực cao hơn mà Luật Mới đề ra. Ngài trình bày những dị biệt giữa lề luật cũ và mới, giữa trước đó và bấy giờ.

Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng … Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết … (Mátthêu 5:21-22; 27-28; 31-32; 38-39; 43-44)

Như Thông Điệp Veritatis Splendor (mục 15) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết:

Đức Giêsu cho chúng ta biết rằng KHÔNG NÊN HIỂU các giới răn là MỨC TỚI HẠN không thể vượt qua, NHƯNG phải hiểu đó chính là CON ĐƯỜNG trong cuộc lữ hành luân lý và tâm linh hướng đến SỰ TOÀN THIỆN và cốt lõi của con đường này là đức mến (xem thêm Thư Côlôsê 3:14).

Bởi vậy, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô trình bày trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte (số 31) như sau:

Khi hỏi những người dự tòng:” Các anh chị có muốn nhận Phép Rửa hay không? “ thì đồng thời ý chúng ta muốn hỏi là: ” Các anh chị có mong muốn trở nên thánh thiện hay không?“

Khi ai đó hiểu rõ điều nói trên thì thái độ của người này đối với hành vi xấu hoặc hành vi tội lỗi sẽ không phải là thái độ của người hỏi câu sau:” TẠI SAO TÔI KHÔNG ĐƯỢC LÀM ĐIỀU ĐÓ? “ mà đúng hơn là thái độ của người hỏi rằng:” TÔI CẦN GÌ TỪ VIỆC LÀM ĐÓ? “ Mục 18 trong Thông Điệp Veritatis Splendor viết:

Những ai sống ” theo xác thịt “ sẽ cảm thấy Lề Luật của Thiên Chúa là GÁNH NẶNG, hay đúng hơn là SỰ PHỦ NHẬN, hoặc SỰ HẠN CHẾ quyền tự do của họ. Trái lại, những ai được thôi thúc bởi đức ái và ” bước đi theo Thần Khí “ (Galát 5:16), những ai khao khát phục vụ tha nhân đều tìm thấy trong Lề Luật của Thiên Chúa một phương thế căn bản và thiết yếu để thực thi đức ái vốn là điều họ tự nguyện chọn lựa và tự nguyện sống theo đó. Thực ra, họ cảm nhận một THÔI THÚC TỪ NỘI TÂM CHỈ BẢO CHO HỌ KHÔNG DỪNG LẠI Ở NHỮNG ĐIỀU BÓ BUỘC TỐI THIỂU nhưng SỐNG THEO LỀ LUẬT VỚI Ý NGHĨA TRỌN VẸN CỦA NÓ – sự thôi thúc này khiến họ nhận ra Lề Luật là một CẦN THIẾT THỰC SỰ chứ KHÔNG CÒN LÀ SỰ ÉP BUỘC. Bao lâu chúng ta còn ở thế trần thì đây vẫn còn là cuộc lữ hành nhiều bất trắc, nhưng chúng ta có thể THÀNH CÔNG TRONG CUỘC LỮ HÀNH NÀY NHỜ ÂN SỦNG; ân sủng giúp chúng ta có được QUYỀN TỰ DO TRỌN VẸN của người được là con cái của Thiên Chúa (Thư Rôma 8:21); nhờ đó, chúng ta sống đời sống luân lý một cách xứng đáng với ơn gọi cao cả là trở nên” những người con của Chúa Con “ [phần chữ in hoa nhấn mạnh là của người viết].

1.7 Những nghĩa vụ nêu lên trong Mười Điều Răn có mức độ nghiêm trọng thế nào?

Mười Điều Răn nêu lên (1) một số nghĩa vụ quan trọng, và (2) một số điều bắt buộc mà về bản chất là nhẹ nhưng có thể trở thành nghiêm trọng tùy theo ý đồ (hoặc động cơ) của người thực hiện, hoặc do hoàn cảnh. Điều này được giảng giải ở mục 2072 và 2073 của Sách GLCG .

Vì nêu lên những bổn phận căn bản của con người đối với Thiên Chúa và đối với người lân cận, Mười Điều Răn, trong nội dung chính yếu của nó, mạc khải NHỮNG NGHĨA VỤ QUAN TRỌNG. Về cơ bản, Mười Điều Răn là BẤT BIẾN, có giá trị bắt buộc ở mọi lúc và mọi nơi. Không ai có thể miễn chuẩn. Mười Điều Răn đã được Thiên Chúa ghi khắc trong lòng mọi người.

Sự tuân giữ các Điều Răn cũng bao hàm những bắt buộc mà theo bản chất tự nó là NHẸ. Chẳng hạn, điều răn thứ năm cấm nhục mạ kẻ khác bằng lời nói, nhưng đây sẽ là lỗi phạm nghiêm trọng hay không còn tùy vào các hoàn cảnh hoặc ý đồ của người nói lời nhục mạ đó.

1.8 Nhiệm vụ không sao thực hiện được của con người

Mục đích của đời sống Kitô giáo vượt ngoài tầm bản tính đã bị thương tổn của chúng ta. Những yêu cầu của đời sống đó đều TỘT BỰC, vì lòng yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta quá lớn lao; một tình yêu tột bực. Sự đáp trả của chúng ta cũng phải tột bực như thế. Nhưng ở vị thế con người, sự đáp trả này là một ước mơ không sao thành hiện thực được. Chính vì thế, Đức Giêsu Kitô dạy chúng ta phải nhờ cậy nơi Ngài và ân sủng của Ngài.

"Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được ". (Gioan 15:5)

Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được ." (Máccô 10:27)

Tình yêu tột bực của Thiên Chúa dành cho chúng ta phải được đáp lại bằng tình yêu tương xứng. Làm sao chúng ta thực hiện được việc đền đáp này? Các nguồn lực của chúng ta đều hạn hẹp. Chính Thiên Chúa đến giúp chúng ta; Ngài CHO CHÚNG TA MƯỢN mọi nguồn lực chúng ta cần. Vậy thì chúng ta có thể tìm thấy NHỮNG NGUỒN LỰC này ở đâu? Xin thưa: ở trong CÁC PHÉP BÍ TÍCH và trong SỰ CẦU NGUYỆN.

    • Bằng việc CẦU NGUYỆN, chúng ta hằng luôn xin Thiên Chúa phù trợ chúng ta. Và Thiên Chúa, với lòng nhân hậu vô biên và tình yêu trường tồn của Ngài đối với từng người trong chúng ta, chắc chắn sẽ đáp lại lời thỉnh nguyện của chúng ta. Chính vì lẽ này mà Thánh Augustine nói rằng chúng ta là ” những người khất thực hằng ngày, những con nợ thường ngày “ đối với Thiên Chúa (cotidie petitores, cotidie debitores).
    • Chúng ta cần thường xuyên lãnh nhận các PHÉP BÍ TÍCH, nhất là BÍ TÍCH GIẢI TỘI (còn gọi là BÍ TÍCH HÒA GIẢI), và BÍ TÍCH THÁNH THỂ. Khi nhận lãnh đúng với những điều kiện chuẩn định, sự xưng tội hằng tuần và rước lễ hằng ngày chính là phương cách của Thiên Chúa biến đổi chúng ta từ tội nhân trở nên thánh nhân. Ân sủng của Thiên Chúa ban cho chúng ta qua các Bí Tích này sẽ giúp chúng ta làm được những việc mà không sao chúng ta có thể làm với sự hèn yếu của con người. Thiên Chúa ban cho chúng ta Đức Mến để chúng ta dùng nhân đức này đáp lại Tình Yêu của Ngài.

2. Điều Răn Thứ Nhất bao hàm Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến

Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ. (Sách Xuất Hành 20:2-5; xem thêm Sách Đệ Nhị Luật 5:6-9)

Điều răn thứ nhất bao hàm đức tin, đức cậy và đức mến. Khi chúng ta nói đến Thiên Chúa, chúng ta tuyên xung Ngài là Đấng hằng hữu, bất biến, mãi mãi vẫn là chính Ngài, trung tín, công bằng, không chút bợn nhơ. Do đó, khi đón nhận lời của Thiên Chúa, nhất thiết chúng ta phải hoàn toàn tin nơi Ngài và nhận biết quyền uy của Ngài. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhân hậu và từ bi vô biên. Ai lại không đặt trọn lòng tin cậy nơi Ngài? Và ai suy niệm về kho tàng của sự thiện hảo và yêu thương mà Ngài tuôn đổ trên chúng ta mà lại không yêu thương Ngài? Vì thế, cả khi khởi đầu và khi kết thúc các điều Ngài truyền dạy trong Kinh Thánh, Thiên Chúa dùng lời này:” Ta là THIÊN CHÚA “. [Giáo Lý Rôma 3, 2,4; trích dẫn trong GLCG mục 2086]

Chúng ta sẽ bàn thảo về các nhân đức mà Điều Răn Thứ Nhất buộc chúng ta phải thực thi. Khởi đầu là ba nhân đức đối thần. Chúng ta đã đề cập về Đức Tin trong Bài 3. Ở đây chúng ta xem xét khía cạnh luân lý liên quan tới Đức Tin và hai nhân đức đối thần khác là Đức Cậy và Đức Mến.

Mục 442 của Sách GLYL hỏi: "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi (Sách Xuất Hành 20:2) bao hàm điều gì?" Lời đáp:

Câu này có nghĩa là tín hữu phải giữ và thực hành ba nhân đức đối thần, và tránh các tội nghịch lại các nhân đức ấy.ĐỨC TIN giúp tin tưởng vào Thiên Chúa và loại trừ những gì trái ngược, chẳng hạn như cố tình nghi ngờ, cứng tin, lạc giáo, bội giáo, ly giáo. ĐỨC CẬY giúp tin tưởng chờ đợi sự hưởng kiến Thiên Chúa và ơn phù trợ của Ngài, tránh sự ngã lòng và tự phụ. ĐỨC MẾN giúp yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và phải loại trừ tội lãnh đạm, vô ơn, nguội lạnh, lười biếng, bạc nhược tinh thần, và tội oán ghét Thiên Chúa phát sinh từ kiêu ngạo.

2.1 Đức Tin

Sách GLYL, mục 386 (xem thêm GLCG mục 1814-1816; 1842) giảng giải về nhân đức tin:

Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài mạc khải cho chúng ta, và những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin bởi vì Thiên Chúa là Chân Lý. Bằng đức tin con người tự nguyện phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa. Vì thế, người tin tìm kiếm để nhận biết và thi hành ý muốn của Thiên Chúa vì ” đức tin hoạt động nhờ đức ái “ (Thư Galát 5:6)..

Điều Răn Thứ Nhất đòi hỏi chúng ta làm gì liên quan tới Đức Tin?

Sách GLCG (mục 2088) dạy:

Điều răn thứ nhất đòi hỏi chúng ta NUÔI DƯỠNG và GIỮ GÌN đức tin một cách KHÔN NGOAN và TỈNH THỨC, và loại bỏ tất cả những gì đối nghịch với đức tin.

Nhiều người hiểu lầm rằng NUÔI DƯỠNG đức tin nghĩa là luôn tìm mọi cách để cảm nhận tốt đẹp về Thiên Chúa. Tuy nhiên, như chúng ta từng nghiên cứu trong những bài học trước đây, Đức Tin không nằm ở cảm xúc, nhưng nằm trong nhận thức. Do vậy, để hiểu biết nhiều hơn nữa, con người phải

    • TÌM HIỂU nhiều hơn nữa. Rất đúng khi chúng ta ĐẶT RA NHỮNG CÂU HỎI, nêu lên những thắc mắc. Chúng ta là những người con luôn mong muốn ngày càng biết nhiều hơn về Thiên Chúa là Cha của mình. Chúng ta không bao giờ dừng tìm hiểu vì Thiên Chúa là Đấng Vô Hạn. Luôn luôn có nhiều điều cần tìm hiểu về Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta nguyện xin Ngài cho chúng ta biết nhiều hơn nữa về Ngài. Chúng ta xin điều này bằng sự cầu nguyện. Chúng ta cũng có thể tìm sự trợ giúp của vị linh hướng, là người đồng hành với chúng ta trong việc tìm những lời giải đáp cho mọi thắc mắc hiện đến trong tâm trí chúng ta. Sự hiểu biết sâu đậm về Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta lớn mạnh trong niềm tin cậy Ngài và tránh được sự xa rời Ngài.
    • NGHIÊN CỨU nhiều hơn nữa. Nếu chỉ đưa ra những câu hỏi, nêu lên những thắc mắc thì vẫn chưa đủ. Chúng ta còn phải TÌM RA NHỮNG GIẢI ĐÁP ĐÚNG (không phải bất cứ câu trả lời nào cũng được); những giải đáp đúng cần được tìm trong những nguồn đáng tin cậy. Các nhà khoa học luôn kiểm chứng sự đáng tin cậy trong mọi bằng chứng họ thu thập được. Trong sự tiếp cận với Đức Tin, chúng ta cần có tinh thần của nhà khoa học. Chúng ta phải đoan chắc rằng các văn liệu mà chúng ta nghiên cứu không phải là những chế tác của những người tự nhận là ” nhà chuyên môn “. Chúng ta cần tìm đến những người lưu truyền lời dạy đích thực của Đức Giêsu Kitô. Có nhiều loại sách viết về Đức Tin và nhiều văn liệu của Hội Thánh rất đáng để nghiên cứu. Vị linh hướng có thể giúp chúng ta chọn những sách phù hợp để chúng ta đọc và dùng làm SÁCH LINH ĐẠO (spiritual reading).
    • LẮNG NGHE nhiều hơn nữa. Chúng ta cần lắng nghe Đức Kitô nhiều hơn nữa; Ngài là Đấng phán dạy chúng ta trong các Sách Tin Mừng. Chúng ta cũng phải lắng nghe Đức Giáo Hoàng nhiều hơn nữa; Ngài là người kế tục việc truyền dạy chúng ta với tư cách là vị đại diện của Đức Kitô nơi trần thế. Và kế tiếp, chúng ta cần chú tâm đến sự hiện diện của Chúa trong những điều chúng ta lắng nghe.

Người ta phạm tội nghịch với Đức Tin qua những cách nào?

Sách GLCG (mục 2088 and 2089) viết rằng chúng ta có thể phạm tội nghịch với Đức Tin qua sự nghi ngờ và sự vô tín. Từ sự vô tín nảy sinh sự lạc giáo, ly giáo hoặc bội giáo.

    • SỰ NGHI NGỜ CỐ TÌNH về đức tin là tội thờ ơ hoặc không nhìn nhận là chân thật những điều Thiên Chúa mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin. SỰ NGHI NGỜ VÔ TÌNH là sự do dự khi tin, là sự khó khăn khi vượt qua những vấn nạn về đức tin, hoặc sự lo lắng gợi lên bởi những khó hiểu của đức tin. Nếu được chất chứa một cách cố ý, sự nghi ngờ có thể dẫn tới sự mù quáng tâm linh.
    • SỰ VÔ TÍN là sự thờ ơ với chân lý mạc khải hoặc cố tình từ chối chân lý đó.
        • SỰ LẠC GIÁO là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin bằng đức tin đối thần và công giáo; hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy;
        • SỰ BỘI GIÁO là sự chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo;
        • SỰ LY GIÁO là từ chối vâng phục Đức Giáo Hoàng, hoặc từ chối hiệp thông với các thành viên của Hội Thánh thuộc quyền Ngài.'
    • [Điều 751 Bộ Giáo Luật].

2.2 Đức Cậy

Mục 387 Sách GLYL viết (xem thêm GLCG mục 1817-1821; 1843):

Đức cậy là nhân đức đối thần giúp chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô, và cậy nhờ sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần để xứng đáng hưởng đời sống vĩnh cửu và kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế.

Mục 2090 Sách GLCG viết thêm: đức cậy cũng bao hàm

sự sợ xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa và sợ bị trừng phạt.

Điều Răn Thứ Nhất đòi hỏi chúng ta làm gì liên quan tới Đức Cậy?

    • Nó đòi hỏi chúng ta phải tin cậy vào lời hứa của Thiên Chúa không những về SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (là CỨU CÁNH của kiếp nhân sinh), mà còn về CÁC PHƯƠNG THẾ SIÊU NHIÊN mà chúng ta cần để đạt được cứu cánh đó.
    • Sự tin cậy vào những phương thế đó được thể hiện trong việc thường xuyên lãnh nhận các PHÉP BÍ TÍCH và trong việc CẦU NGUYỆN liên lỉ, vì đây là những phương cách để chúng ta nhận được sự phù trợ của Thiên Chúa.
    • Nó cũng đòi hỏi chúng ta phải CHIẾN ĐẤU chống lại tội lỗi cùng những khuyết điểm của chúng ta. Như lời giảng của Thánh Josemaría trong Christ is Passing By (Bài giảng The Interior Struggle, mục 76 và 77)
    • Chúng ta đừng lừa dối bản thân; trong cuộc đời, có lúc chúng ta đầy nghị lực và chiến thắng, nhưng cũng có lúc chúng ta suy kiệt và bại trận. Điều này luôn đúng trong cuộc lữ hành nơi thế trần của Kitô hữu, thậm chí của cả những Đấng mà chúng ta tôn kính trên bàn thờ. Các con không nhớ trường hợp Thánh Phêrô, Thánh Augustine, Thánh Phanxicô hay sao? Cha thực sự không thích đọc sách tiểu sử các thánh vốn thường trình bày một cách chân chất và thiếu lập luận xác đáng rằng hành động của các Thánh đã được chứng nhận trong ân sủng ngay từ khi mới sinh. Không đúng như thế. Các câu chuyện về cuộc đời thực tại của những anh hùng Kitô giáo rất giống những trải nghiệm của chính chúng ta; họ đã chiến đấu và chiến thắng; cũng có lúc họ chiến đấu và bại trận. Nhưng rồi họ ăn năn, hối lỗi và trở lại tiếp tục chiến đấu…
    • Chúng ta phải xác quyết với chính mình là kẻ thù đáng sợ nhất của tảng đá không phải lưỡi rìu hoặc một dụng cụ tương tự nào khác, mà chính là dòng nước liên tục trôi qua nó; từng giọt từng giọt thấm qua các vết nứt cho tới lúc phá tan cấu trúc của tảng đá. Nguy cơ lớn nhất của Kitô hữu là đánh giá thấp về tầm quan trọng của các cuộc chiến đấu nhỏ. Sự khước từ chống trả trong các cuộc chiến nhỏ nhặt sẽ dần dần làm cho Kitô hữu đó mềm yếu, nhu nhược và vô cảm, không còn tinh nhạy với thanh âm của giọng nói của Thiên Chúa.

Người ta phạm tội nghịch với Đức Cậy qua những cách nào?

Người ta phạm tội nghịch với đức cậy qua hai cách có vẻ trái ngược nhau; đó là: sự ngã lòng và sự tự phụ. (mục 2091 và 2092 Sách GLCG).

    1. Do SỰ NGÃ LÒNG, con người không còn hy vọng Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ cho mình, không còn hy vọng có sự trợ giúp để đạt tới ơn cứu độ, hoặc không còn hy vọng được ơn tha thứ các tội lỗi của mình. Điều này nghịch với sự thiện hảo của Thiên Chúa, nghịch với sự công chính của Ngài – vì Thiên Chúa luôn trung tín với những lời hứa của Ngài – và nghịch với lòng thương xót của Ngài.
    2. Có hai loại TỰ PHỤ. Hoặc [1] con người quá cậy dựa vào khả năng của mình (hy vọng mình có thể được cứu độ mà không cần sự trợ giúp từ ơn trên); hoặc [2] ỷ lại vào sự toàn năng và lòng thương xót của Thiên Chúa (hy vọng sẽ được ơn tha thứ của Ngài mà không cần hối cải, và được hưởng vinh quang mà không cần lập công).

Hai thái độ cực đoan trên dường như đối nghịch nhau, nhưng hậu quả sau cùng của cả hai đều là THIẾU SỰ PHẤN ĐẤU CỦA BẢN THÂN ĐỂ NÊN THÁNH.

2.3 Đức Mến

Sách GLYL (mục 388; xem thêm GLCG mục 1822-1829, 1844) viết:

Đức mến là nhân đức đối thần giúp chúng ta kính mến Chúa trên hết mọi sự, và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình. Đức Giêsu lấy đức mến làm giới răn mới, là sự viên mãn của lề luật.” Đức mến là mối dây liên kết tuyệt hảo “ (Côlôsê 3:14), là nền tảng và đem đến cho các nhân đức khác sự sinh động, cảm hứng và thôi thúc. Không có đức mến,” tôi sẽ chẳng là gì cả và … chẳng ích gì cho tôi “ (I Côrintô 13:1-3)

Điều Răn Thứ Nhất đòi hỏi chúng ta làm gì liên quan tới Đức Mến?

Đức tin vào tình yêu Thiên Chúa bao hàm ơn gọi và nghĩa vụ đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng một đức mến thật lòng. Điều răn thứ nhất dạy chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và yêu mến mọi thụ tạo nhờ Ngài và vì Ngài [Sách Đệ Nhị Luật 6:4-5] (GLCG mục 2093)

Hãy lưu ý rằng Sách GLCG dạy là chúng ta phải yêu thương vì đó là SỰ ĐÁP LẠI Thiên Chúa, Đấng "yêu thương chúng ta trước" (I Gioan 4:19).

Cũng cần lưu ý thêm là tình yêu đối với tha nhân được thôi thúc bởi cùng lý do là Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, chứ không phải vì tha nhân yêu thương chúng ta. Dù người khác không tỏ lộ lòng yêu thương đối với chúng ta, chúng ta vẫn phải trao cho họ tình yêu thương mà chúng ta nhận được nơi Thiên Chúa.

Người ta phạm tội nghịch với Đức Mến qua những cách nào?

Mục 2094 Sách GLCG liệt kê những cách phạm tội nghịch với Đức Mến:

- SỰ LÃNH ĐẠM là tội thờ ơ hoặc từ chối thể hiện tình yêu của Thiên Chúa; không công nhận sự thiện hảo của tình yêu Thiên Chúa và phủ nhận sức mạnh của tình yêu này.

- SỰ VÔ ƠN là tội quên lãng hay từ chối nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, và không đáp lại tình yêu này bằng tình yêu của mình.

- SỰ NGUỘI LẠNH là tội do dự hay thờ ơ trong việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Sự nguội lạnh cũng bao hàm sự từ chối dấn thân theo đức mến.

- SỰ LƯỜI BIẾNG hoặc UỂ OẢI VỀ MẶT THIÊNG LIÊNG có thể dẫn tới sự khước từ niềm vui xuất phát từ Thiên Chúa và rời xa sự thiện hảo của Thiên Chúa.

- SỰ CĂM GHÉT THIÊN CHÚA do kiêu ngạo. Tội này chống lại tình yêu của Thiên Chúa, phủ nhận sự tốt lành của Ngài và cố ý nguyền rủa Thiên Chúa là Đấng cấm mọi tội lỗi và đặt ra các hình phạt.

3. Điều Răn Thứ Nhất cũng đòi hỏi các nhân đức thờ phượng (Virtue of Religion)

3.1 Định nghĩa và các hành vi nhân đức thờ phượng

Nhân đức thờ phượng là gì?

Nhân đức thờ phượng là một dạng đặc biệt của công bằng. Sách GLYL (mục 381) định nghĩa ” công bằng “ là

sự quyết tâm trả cho người khác những gì thuộc về họ. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng".

Mục 2095 Sách GLCG viết:

đức mến dẫn dắt chúng ta trả lại cho Thiên Chúa những gì chúng ta, vốn là thụ tạo của Ngài, mắc nợ Ngài. Nhân đức thờ phượng giúp chúng ta sống tâm linh này.

Như thế, mục 443 Sách GLYL hỏi: "Ý nghĩa của lời Chúa truyền dạy: 'Ngươi phải thờ phượng Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi và thờ phượng một mình Ngài mà thôi' (Mátthêu 4:10) là gì?" Lời đáp:

Những lời này có nghĩa là phải THỜ PHƯỢNG Thiên Chúa là Chúa Tể tất cả những gì hiện hữu, phải dâng cho Ngài SỰ PHỤNG THỜ RIÊNG và CHUNG một cách xứng đáng; phải NGUYỆN CÀU với Ngài bằng tâm tình ngợi khen, cảm tạ, và cầu khẩn; phải dâng lên Ngài NHỮNG HY LỄ, nhất là hy lễ thiêng liêng của cuộc đời chúng ta kêt hiệp với hy lễ toàn thiện của Đức Kitô[ phải giữ NHỮNG LỜI HỨA và NHỮNG LỜI KHẤN đã dâng lên Ngài.

Những điều sau đây được gọi là HÀNH VI của nhân đức thờ phượng:

    1. THỜ LẠY (GLCG mục 2096 & 2097)
    2. Thờ lạy là hành vi đầu tiên của nhân đức thờ phượng. Thờ lạy Thiên Chúa nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa và Cứu Độ, là Đức Chúa và là Chúa Tể của mọi loài hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót. Sách Đệ Nhị Luật trích dẫn lời Đức Giêsu nói: "Ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phụng thờ một mình Ngài mà thôi" [Luca 4:8].
    3. Thờ lạy Thiên Chúa là tôn kính và tuyệt đối qui phục Ngài vì nhận biết ”tính hư vô của thụ tạo“, nghĩa là thụ tạo không thể hiện hữu nếu không bởi Thiên Chúa. Thờ lạy Thiên Chúa là ca ngợi Ngài như Đức Maria ngợi khen Thiên Chúa trong Kinh Magnificat, là chúc tụng Ngài với lỏng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc cao trọng và danh Ngài chí thánh. Sự thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất giải thóa con người khỏi thái độ tự khép kín, khỏi ách nô lệ tội lỗi và khỏi tội thờ ngẫu tượng thế gian.
    4. CẦU NGUYỆN (GLCG mục 2098)
    5. Các hành vi tin, cậy, mến mà điều răn thứ nhất truyền dạy được chu toàn trong kinh nguyện., Nâng tâm hồn lên tới Thiên Chúa là cách diễn tả chúng ta thờ lạy Ngài: lời kinh ngợi khen và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và nguyện xin. Cầu nguyện là điều kiện hết sức cần thiết để có thể tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. "Phải cầu nguyện luôn và không được ngã lòng" [Luca 18:1]
    6. HY LỄ (GLCG mục 2099 & 2100)
    7. Thật là điều chính đáng dâng lên Thiên Chúa hy lễ như dấu chỉ của việc thờ lạy và tạ ơn, khẩn cầu và hiệp thông: "Mọi việc được thực hiện để được gắn bó với Thiên Chúa trong sự hiệp thông thánh thiện, và như thế chúng ta được hưởng phúc lành, đều là hy lễ đích thực". [Thánh Augutine, De civitate Dei 10, 6 PL 41, 283[
    8. Để có thể là hy lễ thật, hy lễ bên ngoài phải là sự diễn tả của hy lễ tinh thần: "Hy lễ được Chúa nhận là tinh thần khổ đau …" [Thánh Vịnh 51:7]. Các tiên tri thời Giao Ước Cũ thường tố cáo các hy lễ được thực hiện mà không xuất phát từ nội tâm hoặc không kết hiệp với lòng yêu thương tha nhân [xem thêm Amos 5:21-25; Isaiah 1:10-20]. Đức Giêsu nhắc lại lời của tiên tri Hosea "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế". [Mátthêu 9:13; 21:7; Hosea 6:6]. Chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô dâng trên thập giá như sự tận hiến cho tình yêu của Thiên Chúa Cha và để cứu độ chúng ta [xem thêm Do Thái 9:13-14]. Khi kết hợp mình với hy lễ của Ngài, chúng ta có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa.
    9. CÁC LỜI HỨA VÀ LỜI KHẤN (GLCG mục 2101 & 2102)
    10. Trong nhiều hoàn cảnh, Kitô hữu được kêu gọi để tuyên các lời hứa. Các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối và Truyền Chức Thánh luôn kèm theo những lời hứa. Do lòng đạo đức cá nhân, Kitô hữu cũng có thể hưa với Thiên Chúa thực hiện việc này, đọc kinh nguyện kia, làm phúc bố thí, hành hương … Việc trung thành tuân giữ những lời đã hứa với Thiên Chúa chứng tỏ sự tôn trọng đối với uy linh Thiên Chúa và đối với tình yêu dâng lên Thiên Chúa, Đấng hằng trung tín.
    11. Lời khấn là lời hứa có suy nghĩ và tự nguyện dâng lên Thiên Chúa liên quan tới một điều thiện khả thi và tốt đẹp hơn mà người khấn phải chu toàn bằng nhân đức thờ phượng [ Điều 1191 ♯ 1, Bộ Giáo Luật]. Lời khấn là một hành vi đạo đức, qua đó Kitô hữu tự hiến cho Thiên Chúa hay hứa một điều thiện dâng kính Ngài. Bằng việc chu toàn các lời khấn, Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa điều họ đã hứa và dâng hiến cho Ngài. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy Thánh Phaolô lo lắng chu toàn mọi điều Ngài đã khấn hứa [Công Vụ 18:18; 21:23-34[.

3.2 Bằng cách nào con người thực hiện quyền của mình ;à được thờ phượng Thiên Chúa trong chân lý và tự do?

Mục 444 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2104-2109, 2137) viết:

Mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải tìm kiếm chân lý, đặc biệt là những gì liên quan đến Thiên Chúa và Hội Thánh của Ngài. Và một khi đã nhận biết Ngài, mỗi người đều có quyền và bổn phận luân lý phải đón nhận Ngài, trung thành với Ngài bằng việc dâng lên Ngài sự thờ phượng đích thực. Đồng thời, phẩm giá con người đòi hỏi về phương diện tôn giáo không ai có thể bị ép buộc hành động trái với lương tâm, và cũng không ai được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, riêng tư cũng như công khai, một mình hay chung với những người khác, trong ranh giới của trật tự công cộng.

4. "Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta": Những xúc phạm đến tôn giáo

Mục 445 Sách GLYL hỏi: "Thiên Chúa cấm đoán điều gì khi Ngài qua mệnh lệnh 'Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta' (Xuất Hành 20:2)". Lời đáp: (xem thêm GLCG mục 2110-2128; 2138-2140)

Giới răn này cấm:

    1. SỰ ĐA THẦN và SỰ THỜ NGẪU TƯỢNG, tức là thần thánh hóa một thụ tạo, quyền lực, tiền bạc, hoặc ma quỉ.
    2. SỰ MÊ TÍN, tức là một lệch lạc trái với sự tôn thờ Thiên Chúa đích thực. Mê tín biểu lộ dưới những hình thức khác như bói toán, ma thuật, phù thủy và chiêu hồn.
    3. SỰ VÔ ĐẠO, là sự biểu hiện bằng hành động THỬ THÁCH THIÊN CHÚA trong lời nói hay trong hành động bằng VIỆC PHẠM THƯỢNG, nghĩa là xúc phạm đến người hay vật đã thánh hiến, nhất là Bí Tích Thánh Thể; và VIỆC MẠI THÁNH, là hành động liên quan tới mua hoặc bán những vật linh thiêng.
    4. SỰ VÔ TÍN, VÔ THẦN, tức là phản bác sự hiện hữu của Thiên Chúa, thường phát xuất từ một quan niệm sai lạc về quyền tự lập của con người.
    5. THUYẾT BẤT KHẢ TRI, là thuyết cho rằng con người không thể nào biết về Thiên Chúa; thuyết này liên quan tới thuyết lãnh đạm tôn giáo và thuyết cách sống vô thần.

Về BÓI TOÁN và MA THUẬT, mục 2116 và 2117 Sách GLCG trình bày rõ:

MỌI HÌNH THỨC BÓI TOÁN phải bị loại bỏ: cậy nhờ Satn hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những thực hành khác, là những việc người ta nghĩ một cách sai lầm rằng có thể "ven mở" tương lai [xem thêm Đệ Nhị Luật 18:10; Sách Giêrêmia 29:8]. Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức biểu lộ ý muốn thống trị thờ gian, lịch sử, và cuối cùng là con người; đồng thời, biểu lộ ước muốn liên minh với các thế lực bí ẩn. Những điều này nghịch lại với sự cung kính và tôn trọng, được kết hợp với sự kính sợ đầy yêu mến mà chúng ta phải dành cho một mình Thiên Chúa mà thôi.

CÁC THỰC HÀNH MA THUẬT hay PHÁP THUẬT mà người ta muốn dùng để chế ngự các sức mạnh bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình, và để có quyền lực siêu phàm trên người khác – dù là để chữa bệnh – đều nghịch lại nhân đức thờ phượng một cách nghiêm trọng. Các việc này càng đáng lên án hơn khi có dụng ý làm hại người khác, hoặc cậy nhờ đến sự can thiệp của ma quỉ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường gồm các thực hành bói toán hoặc ma thuật. Hội Thánh cũng khuyên các tín hữu xa lánh các việc đó. Khi dùng các phương thuốc gọi là cổ truyền, không được kêu cầu các quyền lực sự dữ, cũng không được lợi dụng sự cả tin của người khác.

Về SỰ PHẠM THÁNH, mục 2120 Sách GLCG viết:

SỰ PHẠM THÁNH là sự xúc phạm hoặc có thái độ bất xứng đối với các bí tích và các hành động phụng vụ khác, và đối với những người, những đồ vật, những nơi đã thánh hiến cho Thiên Chúa. Sự phạm thánh là một tội nghiêm trọng, nhất là khi phạm đến Bí Tích Thánh Thể, vì trong bí tích này, chính Mình Thánh Đức Kitô hiện diện với chúng ta. [xem thêm Bộ Giáo Luật, Điều 1367, 1376]

Về SỰ MẠI THÁNH, Sách GLCG (mục 2121 và 2122) trình bày:

SỰ MẠI THÁNH được định nghĩa là việc mua hoặc bán những thực tại thiêng liêng.[xem thêm Công Vụ Tông Đồ 8:9-24]. Khi phù thủy Simon muốn mua quyền năng thiêng liêng mà ông thấy đang hoạt động nơi các tông đồ, Thánh Phêrô đã trả lời: "Tiền bạc của anh tiêu tan luôn với anh cho rồi vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua ân huệ của Chúa!" [Công Vụ Tông Đồ 8:20]. Như thế, Phêrô đã giữ đúng lời của Đức Giêsu: "Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy". [Mátthêu 10:8; Isaiah 55:1]. Không thể chiếm lấy những của cải thiêng liêng cho mình và tùy ý sử dụng chúng như chủ nhân hoặc sở hữu chủ của chúng, vì chúng xuất phát từ nguồn mạch là Thiên Chúa. Con người chỉ có thể đón nhận cách nhưng không từ Thiên Chúa.

"Ngoài những của dâng cúng do nhà chức trách có thẩm quyền ấn định, thừa tác viên không được xin gì khi ban các bí tích, và luôn luôn phải liệu sao để đừng để những người nghèo không được hưởng nhờ ơn các bí tích chỉ vì họ túng thiếu" [Điều 848 Bộ Giáo Luật]. Thẩm quyền Hội Thánh ấn định "những của dâng cúng này" theo nguyên tắc là dân Kitô giáo đóng góp và cấp dưỡng cho các thừa tác viên của Hội Thánh. "Thợ thì đáng được nuôi ăn". [Mátthêu 10:10; Luca 10:7; II Côrintô 9:5-18; I Timôtê 5:17-18]

5. Phải chăng tín hữu Công Giáo cũng thờ ảnh tượng thần thánh?

Thực ra, đây là câu hỏi nơi mục 446 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2129-2132, 2141): "Giới răn của Thiên Chúa:’ Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình… ‘ (Xuất Hành 20:3) có phải là cấm việc tôn thờ ảnh tượng hay không?"

Lời đáp:

Trong Cựu Ước, giới răn này cấm trình bày Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt Thể, bằng bất cứ hình thức nào; nhưng khởi từ mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa, việc Kitô hữu tôn kính ảnh tượng thánh thiêng được xác nhận (qua Công Đồng Nicea II năm 787 sau CN) vì sự tôn kính này được đặt nền tảng trên mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người, qua đó Thiên Chúa siêu việt trở nên hữu hình. Đây không phải là sự thờ lạy ảnh tượng nhưng là SỰ TÔN KÍNH ĐẤNG ĐƯỢC TRÌNH BÀY TRONG ẢNH TƯỢNG; chẳng hạn như ảnh/tượng Đức Kitô, ảnh/tượng Đức Trinh Nữ Maria; ảnh/tượng các Thiên Thần, các Thánh.

Sách GLCG (mục 2130) giảng giải thêm:

Tuy nhiên, trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã truyền lệnh hoặc cho phép làm những hình ảnh trình bày bằng biểu tượng ơn cứu độ nhờ Ngôi Lời Nhập Thể; tiêu biểu là tượng con rắn đồng, Hòm Bia Giao Ước, Thiên Thần Cherubim (Minh Thần, một trong chín phẩm thiên thẩn, thường được vẽ có cánh, tay cầm sách tượng trưng kiến thức uyên thâm) [xem thêm Sách Dân Số 21:4-9; Sách Khôn Ngoan 16:5-14; Gioan 3:14-15; Xuất Hành 25:10-12; Sách Các Vua, quyển I 6;23-28; 7:23-26]

Nhiều người trong chúng ta yêu thích giữ hình ảnh và kỷ vật của những người mà họ yêu thương. Những vật này nhắc nhớ đến những người có dấu ấn đậm nét trong lòng chúng ta. Chúng ta khong yêu tấm ảnh, nhưng yêu thương người trong tấm ảnh đó.

Chúng ta là những con người thu nhận tri thức thông qua giác quan. Khi nhìn ảnh tượng Thiên Chúa Ba Ngôi hoặc Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta liên tưởng đến những Đấng ấy. Như vậy, thay vì đưa chúng ta xa rời Thiên Chúa, thì giác quan lại dẫn chúng ta đến với Ngài. Nhờ vậy, chúng ta có thể dâng mọi giác quan của chúng ta lên cho Thiên Chúa để được Ngài chúc phúc và thánh hóa.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 391-400.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 1846-1874.

Websites

v. 2010-12-27

Transl.: Nguyễn Anh Dũng