Bài 22: Sự Bắt Đầu Lại

Câu hỏi gợi ý

    • “Bí Tích Chữa Lành” là gì? Đó là những bí tích nào?
    • Vì sao cần phải có các bí tích này?
    • Tính chất của sự thống hối là gì?
    • Bí Tích Thống Hối là gì?
    • Có những cách nào khác để thực hiện việc thống hối không?
    • Người chưa chịu bí tích Rửa Tội có thể đi xưng tội được không?
    • Vì sao cần đến bí tích này sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội?
    • Đức Kitô lập bí tích này khi nào và lập như thế nào?
    • Phải chăng ăn năn tội hoặc thống hối vì tội lỗi là một loại hình cảm xúc?
    • Chất thể và mô thể của bí tích Giải Tội là gì?

1.“Chúng ta chứa đựng kho báu trong những bình sành.”(II Côrintô 4:7)

1.1 Các Bí Tích Chữa Lành

Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (GLCG) mục 1420 giảng giải rằng sự sống chúng ta nhận được từ Thiên Chúa không vững bền vì nó được chứa đựng trong những bình rất dễ vỡ.

Nhờ các bí tích khai tâm Kitô giáo, con người lãnh nhận sự sống mới nơi Đức Kitô. Nhưng chúng ta mang sự sống này “trong những bình sành”, và sự sống này “vẫn tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (II Côrintô 4:7; Côlôsê 3:3). Chúng ta còn sống trong “ngôi nhà dưới thế”, vẫn gánh chịu khổ đau, bệnh tật, và cái chết (II Côrintô 5:1). Sự sống mới này của con cái Thiên Chúa có thể bị suy yếu và thậm chí bị mất đi do tội lỗi.

Bởi vậy, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã lập ra hai phép bí tích để THÊM SỨC MẠNH cho những gì đang suy yếu, và PHỤC HỒI những gì đã đánh mất. Đó chính là lòng nhân từ vô biên của Chúa chúng ta! Mục 1421 Sách GLCG (xem thêm Sách Giáo Lý Yếu LượcGLYL, mục 295) viết:

Chúa Giêsu Kitô, vị thày thuốc chữa lành linh hồn và thân xác chúng ta, Đấng đã tha tội cho người bại liệt và phục hồi sức mạnh thể xác cho người ấy (xem thêm Máccô 2: 1-12), đã muốn Hội Thánh của Ngài, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, tiếp tực công cuộc chữa lành và cứu độ của Ngài. Đó là mục đích của hai bí tích chữa lành: bí tích THỐNG HỐI, và bí tích XỨC DẦU BỆNH NHÂN.

1.2 Bí Tích Thống Hối

Bí Tích Thống Hối được Đức Giêsu Kitô thiết lập để tha thứ những tội lỗi mà con người mắc phạm SAU KHI đã nhận lãnh bí tích Rửa Tội, hoặc nói theo lời của Sách GLYL, mục 297 (xem thêm GLCG, mục 1425-1426, 1484):

để những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội có thể ĂN NĂN TRỞ LẠI một khi họ xa lìa Người vì tội lỗi.

Bí Tích Rửa Tội không mặc nhiên làm cho người lãnh nhận nó trở nên thánh. Khi chịu Phép Rửa và gia nhập Hội Thánh, người này nguyện hứa sẽ gắng hết sức làm mọi sự để cứu rỗi linh hồn mình và nên thánh, tận dụng mọi phương thế mà Đức Giêsu Kitô đã thiết lập nơi Hội Thánh. Bí Tích Thống Hối là một trong những phương thế đó. Chính vì thế, Sách GLYL (mục 299; xem thêm GLCG mục 1427-1429) khẳng định:

Lời kêu gọi hoán cải của Ðức Kitô luôn vang vọng trong đời sống những người đã lãnh bí tích Rửa Tội. Việc hoán cải này là một CUỘC CHIẾN ĐẤU liên tục của toàn thể Hội Thánh, tuy có đặc điểm là thánh thiện, nhưng lại bao gồm các tội nhân.

Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta rằng tội lỗi luôn là một phần trong đời sống chúng ta. Thánh Gioan viết trong thứ Thứ Nhất (1:8):

Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta

Ngay cả trong các kinh nguyện, chúng ta luôn thừa nhận mình sa ngã. Điển hình, mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta thốt lên:

Xin tha tội cho chúng con. (xem thêm Luca 11:4; Mátthêu 6:12)

Và khi nguyện cầu Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta đọc:

Cầu cho chúng con là kẻ có tội …

Chúng ta không thể xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa hay sao? Vì sao cần phải có bí tích? Qua Bài 17, chúng ta đã biết sự minh giải về nguyên nhân căn bản của các phép bí tích, về nguyên do vì sao Thiên Chúa chọn những dấu chỉ nào đó và đặt chúng thành những bằng chứng cho biết Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta. Bí Tích Thống Hối là bằng chứng hữu hình cho biết tội lỗi của người nào đó đã được tha. Nếu người này xưng tội trực tiếp với Thiên Chúa, bằng cách nào anh ta biết được mình đã được ơn tha thứ? Vì lẽ đó, Thiên Chúa thiết lập tòa án nơi thế trần để ban phát Lẽ Công Bằng và Lòng Thương Xót của Ngài.

1.3 Những tên gọi của Bí Tích này

Những tên gọi khác nhau đặt cho Bí Tích này đã thể hiện bản chất của nó. Mục 296 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1422-1424) liệt kê các tên gọi đó như sau:

Bí tích này được gọi là bí tích Thống Hối, bí tích Giao Hòa, bí tích Tha Thứ, bí tích Xưng Tội và bí tích Hối Cải.

Vì sao có những tên gọi như thế?

    • Bí Tích Hối Cải: Đây là bí tích mà nhờ nó tội nhân quay trở lại với Thiên Chúa.
    • Bí Tích Thống Hối: cho thấy sự hối cải bao hàm sự làm việc đền tội, sự đền tạ.
    • Bí Tích Xưng Tội: cho thấy rõ là ơn tha thứ chỉ nhận lãnh được nếu tội nhân thú tội trong bí tích.
    • Bí Tích Tha Thứ: thể hiện hiệu quả của sự thống hối, hoặc sự ăn năn tội.
    • Bí Tích Giao Hòa: vì nó giao hòa con người với Thiên Chúa và tha nhân.

1.4 Đức Giêsu lập Bí Tích này khi nào?

Mục 298 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1485) viết:

Ðức Kitô sống lại đã thiết lập bí tích này khi Người hiện ra với các Tông đồ vào chiều ngày Phục Sinh và nói với họ: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần; anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Gioan 20: 22-23).

2. Sự hối cải tâm hồn và sự thống hối nội tâm

2.1 “Hãy xé lòng chứ đừng xé áo”. (Joel 2:13)

Xé áo, cạo râu, gọt tóc, rắc tro lên đầu là những biểu hiện của sự ăn năn, hối lỗi. Nhưng ngôn sứ Joel nói rằng Thiên Chúa không cần những hành vi như thế, Ngài cần sự hối cải tâm hồn và sự thống hối nội tâm. Mục 1430 Sách GLCG (xem thêm GLYL mục 300) viết:

Cũng như các tiên tri thuở trước, lời kêu gọi hối cải và thống hối của Đức Giêsu không nhằm trước tiên tới những việc bên ngoài, “mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu”, ăn chay và hy sinh hãm mình, nhưng nhằm đến sự hối cải tâm hồn, sự thống hối nội tâm. Nếu không có sự hối cải tâm hồn thì các việc thống hối bên ngoài sẽ vô dụng và giả dối; ngược lại, sự thống hối nội tâm thúc đẩy diễn tả tâm tình ấy bằng những dấu chỉ hữu hình, bằng những cử chỉ, và việc đền tội. (xem thêm Joel 2:12-13; Isaiah 1:16-17; Mátthêu 6:1-6; 16-18)

2.2 Hai phần chính của sự thống hối

Mục 1431 Sách GLCG trình bày hai phần chính của sự thống hối:

[1] Thống hối nội tâm là sự định hướng lại cuộc sống của chúng ta một cách triệt để, là trở về, là trở lại cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, là đoạn tuyệt với tội lỗi, QUAY LƯNG lại với sự dữ, và CĂM GHÉT những hành động xấu xa mà chúng ta đã mắc phạm.

[2] Đồng thời, sự thống hối nội tâm củng bao gồm ước muốn và QUYẾT TÂM thay đổi cuộc sống với niềm trông cậy vào lòng thương xốt của Thiên Chúa và niềm tin vào sự trợ giúp của ân sủng Ngài.

Sự hối cải tâm hồn được kèm theo bằng nỗi niềm sầu khổ hữu ích mà các Giáo Phụ gọi là nỗi đau của tinh thần và sự ân hận trong tâm hồn. [Công Đồng Trent (1551) DS 1676-1678; 1705; Giáo Lý Rôma, II, V, 4]

Sự căm ghét những hành vi xấu xa cũng hàm nghĩa là chúng ta nhận ra mình đã XÚC PHẠM THIÊN CHÚA, Đấng Toàn Thiện, và là Đấng mà chúng ta phải hết mực kính yêu. Việc chúng ta lánh xa hành vi xấu không những là hệ quả của sự cảm nhận rằng mình thật ngu dại khi làm điều xấu xa như thế, mà đó còn là sự thừa nhận rằng chúng ta đã xa lìa Đấng mà chúng ta phải yêu trên hết mọi sự.

2.3 Công trình của ân sủng Thiên Chúa

Sự hối cải không thể đến với hối nhân nếu không có sự soi sáng của Thiên Chúa. Sau khi chúng ta sa ngã, chính Thiên Chúa là Đấng đưa tay nâng đỡ chúng ta trước. Ngài yêu thương chúng ta trước (lời trong Thư I Thánh Gioan, 4:9). Mặc dù Thiên Chúa bị con người xúc phạm nhưng Ngài luôn là người đầu tiên tạo sự giao hòa. Mục 1432 Sách GLCG giảng giải:

Lòng người nặng nề và chai cứng. Thiên Chúa phải ban cho con người một tâm hồn mới. (xem thêm Ezekiel 36: 26-27) Hối cải trước hết là công trình của ân sủng của Thiên Chúa, Đấng làm cho lòng chúng ta trở lại với Ngài: “Hãy đưa chúng con trở về với Ngài, LẠY CHÚA, để chúng con được hồi phục!” (Sách Ai Ca 5:21). Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chúng ta bắt đầu lại. Chính lúc hiểu ra sự cao cả của tinh yêu Thiên Chúa, tâm hồn chúng ta bị dày vò vì sự khủng khiếp và sự nặng nề của tội lỗi, và chúng ta bắt đầu cảm thấy sợ phạm tội xúc phạm đến Ngài cũng như sợ phải xa lìa Ngài. Lòng người hối cải khi nhìn lên Đấng đã bị tội lỗi của chúng ta đâm thâu (xem thêm Gioan 19:37; Sách Zacaria 12:10)

Hãy nhìn máu Thánh Đức Kitô để hiểu rằng máu đó quí giá biết bao đối với Thiên Chúa, là Cha của Ngài. Máu ấy khi đổ ra để cứu độ chúng ta đã mang đến cho thế trần ơn thống hối.

2.4 Chúa Thánh Thần, Đấng “vạch trần” tội lỗi

Chúa Thánh Thần là LỬA, và lửa thì mang tới ÁNH SÁNG và SỨC NÓNG (tức là nghị lực, sức mạnh). Ngài rọi ánh sáng vào TÂM TRÍ chúng ta để chúng ta tự vấn lương tâm và nhận ra tội lỗi của mình. Nhưng Chúa Thánh Thần cũng ban dũng lực và sự kiên trì cho Ý CHÍ của chúng ta để chúng ta trỗi dậy, thực hiện sự khởi đầu mới. Mục 1433 Sách GLCG viết:

Khởi từ ngày Phục Sinh của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần đã cho thấy “thế gian sai lầm vì tội lỗi” (xem thêm Gioan 16: 8-9), thế gian đã không tin vào Đấng mà Thiên Chúa Cha đã sai đến. Nhưng đồng thời, Chúa Thánh Thần, Đấng vạch trần mọi tội lỗi, cũng chính là Đấng An Ủi, là Đấng tuôn đổ vào lòng mọi người ân sủng của Ngài để họ ăn năn và hối cải. (xem thêm Gioan 15:26; Công Vụ Tông Đồ 2: 36-38; Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificantem 27-48).

2.5 Những hình thức thống hối chính yếu trong đời sông Kitô hữu

Sách GLYL (mục 301; xem thêm GLCG mục 1434-1439) viết:

Việc thống hối được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt qua việc ăn chay, cầu nguyện, bố thí. Các hình thức thống hối này, và nhiều hình thức khác, có thể được người Kitô hữu thực hành trong đời sống hằng ngày của họ, đặc biệt trong Mùa Chay và ngày thứ Sáu là ngày sám hối.

Tuy nhiên, do công ăn việc làm và cuộc sống gia đình nên những Kitô hữu bình thường không thể ăn chay mỗi ngày. Vậy, có những hình thức thống hối nào mà các tín hữu bình thường có thể thực hiện hằng ngày hay không? Trong tác phẩm Forge (mục 78), Thánh Josemaria Escriva dẫn giải một vài điều về sự thống hối:

Tinh thần thống hối không phải là hy sinh hãm mình trong một số ngày nào đó còn những ngày khác thì không.

— Tinh thần thống hối có nghĩa là biết cách vượt thắng bản thân mỗi ngày, tự nguyện làm những việc nhỏ lẫn việc lớn vì lòng yêu thương mà không màng được mọi người biết đến.

Ngài trình bày thêm những hình thức thống hối mà tín hữu bình thường có thể thực hành (trích trong Bài Giảng “In the Footsteps of Christ,” [Theo Chân Đức Kitô] Sách Friends of God 138 [Bạn Hữu Của Thiên Chúa]):

Việc thống hối là thực hiện đúng thời gian biểu mà chúng ta đã đặt ra cho chính mình cho dù thể xác có chống chế, hoặc tâm trí muốn tránh né do mơ tưởng những điều vô bổ khác.

Việc thống hối là khởi sự đúng giờ, và nếu không có lý do chính đáng, thì không bỏ ngang công việc mà chúng ta cảm thấy quá khó hoặc quá cực nhọc khi thực hiện.

Hình thức thống hối khác là tìm cách thu xếp hài hòa bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, đối với tha nhân và đối với bản thân bằng cách đặt ra những yêu cầu cho chính mình sao cho chúng ta có đủ thời gian cho từng bổn phận đó. Chúng ta cũng có thể thực hành thống hối bằng cách giữ đúng giờ cầu nguyện đã định vì lòng yêu mến Chúa cho dù thân xác mỏi mệt, bải hoải, hoặc lòng chúng ta có đôi lần lạnh nhạt.

Việc thống hối hàm nghĩa là luôn làm việc bác ái cho mọi người chung quanh, khởi đầu từ những người trong gia đình. Đó là ân cần, dịu dàng đối với những người khổ đau, người bệnh tật, người đau yếu. Đó là ôn tồni đưa ra lời giải đáp cho những người đang gây cho chúng ta phiền toái, bực dọc. Việc thống hối còn hàm nghĩa là sẵn lòng ngưng công việc hoặc thay đổi kế hoạch của chúng ta khi cần thiết, và nhất là khi có liên quan đến những nhu cầu thiết yếu và chính đáng của nhiều người khác.

Việc thống hối nằm ở sự vui vẻ chịu đựng ngàn lẻ một chuyện bực dọc nhỏ nhặt xảy đến hằng này; nằm ở sự không bỏ bê công việc dù hiện thời chúng ta mất đi niềm hăng say lúc đầu; nằm ở sự chúng ta vui vẻ ăn uống những gì được phục vụ, không cằn nhằn chê mặn chê nhạt.

Đối với các bậc cha mẹ, và nói chung, đối với những người đảm trách việc giáo dục hoặc giám sát, hình thức thống hối là sửa sai cho đối tượng khi cần thiết. Khi thực hiện việc sửa sai, nên lưu tâm đến loại lỗi lầm và hoàn cảnh của người cần được uốn nắn, sửa sai; không nên để bản thân bị cuốn theo quan điểm chủ quan vốn thường phiến diện và nhiều cảm tính.

Tinh thần thống hối giữ chúng ta không quá tin vào những chi tiết mơ tưởng mà chúng ta đưa vào các hoạch định về tương lai của chúng ta, trong đó chúng ta ngỡ đã nhìn thấy trước những sự việc tốt đẹp và những thành công xán lạn. Chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa bức vẽ xoàng xĩnh của chúng ta, và để Ngài thêm vào đó những nét đẹp và sắc màu theo ý của Ngài. Được như thế thật vui sướng biết bao!

3. Cơ cấu căn bản của Bí Tích Thống Hối: Chất Thể (Matter) và Mô Thể (Form)

Mục 1447 Sách GLCG trình bày đôi nét về lịch sử của nghi thức Bí Tích Thống Hối.

Qua nhiều thế kỷ, hình thức cụ thể mà qua đó Hội Thánh thực thi quyền tha tội đã lãnh nhận từ Chúa đã có nhiều thay đổi. Trong những thế kỷ đầu, việc giao hòa cho những Kitô hữu phạm những tội rất nghiêm trọng sau khi họ đã lãnh Phép Rửa (thí dụ: thờ ngẫu tượng, giết người, hoặc ngoại tình) luôn gắn liền với một kỷ luật rất khắt khe; theo đó, hối nhân phải làm việc đền tội công khai, thường kéo dài nhiều năm, trước khi họ nhận lãnh ơn giao hòa. Đối với “hàng hối nhân” nói trên (vốn chỉ liên quan tới một số tội rất nghiêm trọng), hối nhân rất hiếm khi được lãnh nhận ơn giao hòa; và ở nhiều miền, hối nhân chỉ được nhận ơn giao hòa một lần trong đời mà thôi. Vào thế kỷ thứ 7, các nhà truyền giáo người Ireland, dựa theo truyền thống đan viện Đông Phương, đã đưa vào Âu lục hình thức “thống hối riêng”, không đòi hỏi phải làm việc đền tội công khai và quá lâu trước khi được lãnh nhận ơn giao hòa với Hội Thánh. Từ đó, bí tích được thực hiện riêng tư giữa hối nhân và tư tế. Cách thức mới này tạo nên viễn cảnh về việc người ta có thể được nhận ơn giao hòa nhiều lần, và như vậy, mở đường cho việc năng lãnh nhận bí tích này. Cách thức này cho phép gộp chung sự tha các tội trọng và các tội nhẹ trong cùng một lần cử hành bí tích. Bởi những tính chất thiết yếu này, đây chính là hình thức thống hối mà Hội Thánh thực thi cho tới ngày nay.

Tuy nhiên, các yếu tố chính của Bí Tích hoàn toàn không thay đổi.

3.1 Chất thể

    1. CHẤT THỂ XA: Đó là TỘI LỖI của hối nhân. Chúng ta cần phân biệt chất thể trọn vẹn và chất thể cần thiết (chất thể cần và chất thể đủ).
        • CHẤT THỂ XA VÀ TRỌN VẸN: Đó là BẤT KỲ TỘI NHẸ NÀO mà người xưng tội hối hận, hoặc NHỮNG TỘI LUÂN LÝ BỊ QUÊN TRONG LẦN XƯNG TỘI TRƯỚC ĐÂY. Cụm từ “chất thể trọn vẹn” có nghĩa là NHỮNG ĐIỀU TỐI THIỂU cần phải có để Bí Tích Xưng Tội THÀNH SỰ (hợp thức). Nói cách khác, người nào chỉ xưng thú những khuyết điểm, những điểm yếu của mình thì không thể nhận được sự giải tội vì có tội nào đâu để xá giải.
        • CHẤT THỂ XA CẦN THIẾT: Đó là CÁC TỘI TRỌNG/ TỘI NẶNG VỀ LUÂN LÝ đã mắc phải sau lần xưng tội hợp thức mới đây. (xem thêm mục 304 Sách GLYL : CẦN PHẢI xưng những tội nào?). Cụm từ “chất thể cần thiết” hàm nghĩa là chất thể này PHẢI được xưng thú để Bí Tích Xưng Tội thành sự. Nếu CỐ TÌNH BỎ QUA chất thể này, thì sự xưng tội không thành sự và người xưng tội mắc thêm TỘI PHẠM SỰ THÁNH. Nếu thực sự quên sót, người này không nên lo âu bởi sự quên đó, vì các tội của mình đã được tha thứ. Trong lần xưng tội kế tiếp, nếu nhớ tội này thì xưng ra với linh mục giải tội. Mục 1456 Sách GLCG trích dẫn văn kiện của Công Đồng Trent (1551) [DS 1680 (ND 1626); xem thêm Sách Xuất Hành 20:17; Mátthêu 5:28] nói về điều này:
          • Khi xưng tội, các hối nhân phải kể hết mọi tội trọng mà họ ý thức được sau khi xét mình kỹ lưỡng, dù những tội trọng này rất thầm kín và chỉ phạm đến hai giới răn cuối của Mười Điều Răn; vì những tội này làm thương tổn linh hồn một cách trầm trọng hơn và nguy hiểm hơn những tội phạm một cách tỏ tường.
        • Mục này viết thêm như sau (1457):
          • Khi các tín hữu của Đức Kitô cố gắng xưng thú tất cả các tội mà họ nhớ được, chắc chắn là họ trình bày mọi tội đó trước lòng thương xót của Chúa để mong được tha thứ. Còn ai làm khác đi và cố tình giấu một số tội, thì họ đã chẳng trình bày tội gì trước lòng nhân hậu của Chúa để được ơn tha thứ ban qua tay linh mục, “vì nếu người bệnh quá xấu hổ không cho thày thuốc xem vết thương, thì thuốc không thể chữa lành những gì mà nó không biết.” [Công Đồng Trent (1551): DS 1680 (ND 1626); xem thêm Thánh Jerome, In Eccl. 10, 11: PL 23:1096.].
    2. CHẤT THỂ GẦN: Đó là những HÀNH VI của hối nhân (tức là những việc hối nhân cần làm đối với tội lỗi của mình). Có ba hành vi cụ thể sau (xem thêm mục 1448 Sách GLCG ):
      • SỰ ĂN NĂN TỘI. Điều này đã được trình bày ở phần trên. Đối với người ân hận vì tội lỗi của mình, thì trước hết, người đó phải XÉT MÌNH thật kỹ lưỡng. Về việc xét mình, Sách GLCG (mục 1454) viết:
        • Để lãnh nhận bí tích Giao Hòa, hối nhân cần chuẩn bị bằng việc xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa. Những bản văn thích hợp nhất cho việc xét mình được tìm thấy trong Mười Điều Răn, trong giáo huấn luân lý của các Sách Tin Mừng, và các Thư Tông Đồ, như Bài Giảng Trên Núi và lời giáo huấn của các Tông Đồ. [xem thêm Mátthêu 5-7; Thư Roma 12-15; Thư Côrintô I, 12-13; Thư Galát 5; Thư Ephêsô 4-6; v.v…].
      • Sự ăn năn tội có hai cách: cách trọn và cách chẳng trọn. Sách GLCG trình bày về sự ăn năn tội cách trọn ở mục 1452, và cách chẳng trọn ở mục 1453. Sự khác biệt giữa hai cách này nằm ở nguyên nhân thôi thúc.
        • [1] Khi sự ăn tội xuất phát từ lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì sự ăn năn tội này được gọi là ĂN NĂN TỘI CÁCH TRỌN (ăn năn vì đức mến). Cách ăn năn tội này xóa bỏ các tội nhẹ, và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng nếu hối nhân quyết tâm đi xưng tội sau đó ngay khi có cơ hội sớm nhất. [Công Đồng Trent (1551): DS 1677]
        • [2] Ăn năn tội CÁCH CHẲNG TRỌN, (hoặc HỐI HẬN) cũng là một hồng ân của Thiên Chúa, một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Sự ăn năn tội này phát sinh do thấy sự xấu xa của tội lỗi hoặc do sợ bị luận phạt đời đời và sợ các hình phạt khác mà kẻ tội lỗi phải chịu (ăn năn do hãi sợ). Sự dằn vặt lương tâm như thế có thể khởi đầu cho tiến trình nội tâm, mà nhờ tác động của ân sủng, tiến trình này sẽ được hoàn tất bởi ơn xóa giải của bí tích. Tuy nhiên, sự ăn năn tội cách chẳng trọn tự nó không thể đem lại ơn tha các tội trọng, nhưng chuẩn bị cho hối nhân đón nhận bí Tích Thống Hối. [Công Đồng Trent (1551): DS 1678; 1705].
      • SỰ XƯNG TỘI. Mục 1457 và 1458 Sách GLCG giảng dạy về bổn phận phải xưng tội như sau:
        • Theo luật Hội Thánh, “sau khi đến tuổi khôn, mọi tín hữu buộc phải xung các tội trọng của mình một năm ít là một lần.” [Bộ Giáo Luật, Điều 989; Công Đồng Trent (1551): DS 1683; DS 1708]. Ai biết mình mắc tội trọng, cho dù đã hết sức ăn năn nhưng chưa nhận được ơn xóa giải của bí tích, thì không được lãnh nhận Phép Thánh Thể; trừ khi người đó có lý do rất hệ trọng cần được rước lễ, và không thể đến với linh mục giải tội [Công Đồng Trent (1551): DS 1647; 1661; Bộ Giáo Luật, Điều 916; Bộ Giáo Luật Đông Phương, Điều 711]. Trẻ em phải lãnh nhận bí tích Thống Hối trước khi rước lễ lần đầu [Bộ Giáo Luật, Điều 914].
        • Việc xưng các lỗi phạm hằng ngày (các tội nhẹ), tuy không thật sự cần thiết, vẫn được Hội Thánh thiết tha khuyến khích [Công Đồng Trent: DS 1680; Bộ Giáo Luật, Điều 988 # 2]. Quả thật, việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, chống lại những khuynh hướng xấu, và để Đức Kitô chữa lành cho chúng ta để rồi chúng ta thăng tiến trong đời sống theo Chúa Thánh Thần. Năng hưởng nhờ hồng ân của lòng thương xót của Thiên Chúa Cha qua bí tích này, chúng ta được thúc đẩy trở nên hay thương xót như Ngài. (Xem thêm Luca 6:36)
      • Thánh Josemaria tóm lược các đặc tính của sự xưng tội hợp thức thành bốn điểm sau. Ngài giảng rằng sự xưng tội cần phải
          • RÕ RÀNG. Hối nhân nên nói rõ ràng, và xưng thú tội mình với thái độ giản dị, bình thường.
          • ĐẦY ĐỦ. Hối nhân nên trình bày những gì cần phải xưng thú, chẳng hạn như các tội trọng đã phạm kể từ lần xưng tội trước đó, và chi tiết liên quan tới những tội đó vốn có thể thay đổi mức độ nặng/ nhẹ của tội (chẳng hạn như ý đồ phạm tội, hoàn cảnh mắc tội …).
          • CỤ THỂ. Đặc biệt trong trường hợp tội trọng, hối nhân cần nói chính xác mình đã phạm hay không phạm.
          • NGẮN GỌN. Hối nhân chỉ nói những gì cần phải xưng thú, không kể lể dài dòng.
      • ĐỀN TỘI. Mục 1459 và 1460 Sách GLCG giải thích hai ý nghĩa trong mục đích của sự đền tội hoặc thực thi việc thống hối.
        • Có nhiều tội gây thiệt hại cho tha nhân. [1] Phải làm hết sức để ĐỀN TRẢ NHƯNG TỔN HẠI (thí dụ, trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình đã vu khống, bồi thường các thương tích). Riêng đức công bằng đã đòi hỏi như thế. Nhưng tội lỗi cũng gây thương tổn và làm suy yếu cho chính người phạm tội cũng như cho mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa và với tha nhân. Sự giải tội xóa bỏ tội lỗi nhưng không chữa trị những rối loạn tinh thần do tội lỗi gây nên [Công Đồng Trent (1551): DS 1712]. [2] được giải thoát khỏi tội lỗi nhưng tội nhân còn phải HỒI PHỤC ĐẦY ĐỦ SỨC KHỎE THIÊNG LIÊNG bằng cách làm một việc gì đó để đền bù cho tội lỗi đã phạm: người đó phải thực hiện việc đền tội. Sự đền tội này cũng được gọi là “sự thống hối”.
        • Việc đền tội mà linh mục giải tội ấn định cần lưu ý tới hoàn cảnh cá nhân của hối nhân, và mưu cầu điều thiện hảo thiêng liêng cho người ấy. Việc đền tội phải tương ứng tối đa với mức nghiêm trọng và bản chất của các tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách đọc kinh cầu nguyện, dâng cúng, làm việc từ thiện, phục vụ tha nhân, hãm mình, hy sinh, và nhất là kiên tâm nhận lãnh thánh giá chúng ta phải vác. Những việc đền tội này giúp chúng ta nên giống Đức Kitô, Đâng duy nhất đã đền thay cho tội lỗi của chúng ta một lần cho mãi mãi. Chúng sẽ làm cho chúng ta trở nên đồng thưa tự với Đức Kitô Phục Sinh bỏi vì “chúng ta cùng chịu đau khổ với Ngài”. [Thư Roma 8:17; 3:25; Thư Gioan I, 2:1-2; Công Đồng Trent (1551): DS 1690].

3.2 Mô thể

Mô thể (form, còn gọi là mô thức) của Bí Tích này là lời giải tội: “Và ta tha tội cho con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen.”

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 295-306. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1420-1460. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996

Websites