Bài 09: Nước Trời Nơi Trần Thế

Câu hỏi hướng dẫn

    • Sự liên quan giữa sự Nhập Thể với Ba Ngôi Cực Thánh là gì?
    • "Messiah" là gì? "Christ (Kitô) là gì?"
    • Ba sứ mệnh (three-fold mission) của Đấng Messiah là gì?
    • Loại hình và hình ảnh về Đấng Messiah là gì?
    • Tín hữu Công Giáo có thờ kính Mẹ Maria không?
    • Ân sủng đặc biệt nhất của Mẹ Maria là gì?
    • Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Immaculate Conception) được giải thích như thế nào trong khi chúng ta vẫn xem Mẹ Maria là con cháu của tổ tông Adam-Eve?
    • Giải thích về sự khiết trinh trọn đời của Mẹ Maria.
    • Đức Mẹ được đưa về trời khi nào? Đức Mẹ có chết không?
    • Vì sao nên cầu nguyện cùng Mẹ Maria? Đức Mẹ có tách biệt khỏi sự chiêm niệm về Đức Kitô không?

Trong bài trước, chúng ta đã được biết Đức Giêsu Kitô làm người như thế nào. Chúng ta đã tìm hiểu về nhân dạng của Ngài khi đặt vấn đề: "Đức Giêsu Kitô là ai? Ngài làm gì?" Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những gì Ngài đã làm.

1. Ba Ngôi Cực Thánh và mầu nhiệm Nhập Thể

Chúng ta từng tìm hiểu trong những bài nói về sự thiện toàn của Thiên Chúa và đời sống nội tại tự hữu của Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn truyền sức sống của Ngài cho con người. Sự truyền sức sống của Thiên Chúa cho mọi người được gọi là Nhiệm Cuộc Thần Linh (Divine Economy). Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG mục 236) giải thích:

Các Đấng Giáo Phụ phân biệt Theologia Oikonomia. Thuật ngữ thứ nhất chỉ mầu nhiệm sự sống nội tại Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi công trình của Thiên Chúa mà qua đó Thiên Chúa tỏ lộ mình và truyền sức sống của Ngài. Nhờ OikonomiaTheologia được mạc khải cho chúng ta, nhưng ngược lại, Theologia soi sáng toàn thể Oikonomia. Các công trình của Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết Ngài trong bản thể của Ngài; còn mầu nhiệm sự sống nội tại tự hữu của Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu biết các công trình của Ngài. Cũng tương tự như thế trong các tương quan nhân loại. Con người bộc lộ bản thân qua hành động; và càng biết tường tận một ai đó, chúng ta càng hiểu rõ hành động của họ..

Một trong những bài trước đây cho chúng ta biết cách thức mà Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần đuợc sai đến. (Sự sai đến này được gọi theo đúng thuật ngữ tôn giáo là " Sứ Mệnh Thần Linh" , xem bài 5, mục 4). Ngôi Con được sai đến để cứu chuộc; còn Ngôi Thánh Thần được sai đến để thánh hóa.

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG 258) dạy như sau:

Toàn bộ Nhiệm Cuộc Thần Linh là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì Ba Ngôi nhưng chỉ có một bản thể và cùng một thể tính nên Nhiệm Cuộc Thần Linh cũng chỉ có một và cùng một hoạt vụ: " Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần không phải là ba căn nguyên sáng tạo nhưng chỉ là một căn nguyên sáng tạo mà thôi. " [ Văn kiện Công Đồng Florence (1442): DS 1331; và Công Đồng Constantinople II (553): DS 421]. Tuy nhiên, mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo thể tính riêng trong Ba Ngôi. Do đó, theo đúng Tân Ước, Giáo Hội tuyên xưng " một Thiên Chúa là Cha mà bởi Người muôn vật được tạo thành; và Ngôi Con mà nhờ Người muôn vật được tạo thành; và Ngôi Thánh Thần mà trong Người muôn vật được tạo thành " [ Công Đồng Constantinople II: DS 421]. Chính sứ mệnh thần linh là sự Nhập Thể của Ngôi Con và sự trao ban ơn thánh linh của Ngôi Thánh Thần đã biểu lộ thể tính riêng của các Ngôi Vị Thiên Chúa.

Khi nói về Nhiệm Cuộc Thần Linh, chúng ta thường qui gán một hoạt động nào đó cho từng Ngôi Vị (chúng ta gọi đây là những thuộc tính riêng _ appropriations). Chúng ta qui gán sự sáng tạo cho Ngôi Cha; sự cứu chuộc cho Ngôi Con; và sự thánh hóa cho Ngôi Thánh Thần.

2. Những Loại Hình Và Hình Ảnh Về Đấng Messiah; Những Lởi Tiên Tri

2.1 Sự Chuẩn Bị Cho Một Dân Riêng

Chúng ta đã biết sau sự sa ngã của con người, Thiên Chúa không từ bỏ tổ tông chúng ta và hậu duệ của họ. Ngay sau đó, Thiên Chúa hứa cho con người một phương cách để nhờ đó con người nhận lại được những đặc ân đã đánh mất. Chúng ta cùng đọc lại ” Protoevangelium “ (Tin Mừng Tiên Khởi), đoạn trong Sách Sáng Thế 3:15 chép lời Thiên Chúa phán với ma quỉ:

15 Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."

Thiên Chúa đã chuẩn bị cho con người chờ đón Đấng Messiah bằng cách lập những giao ước vói con người ở những giai đoạn khác nhau. Đáng Cứu Độ sẽ đến từ dân tộc mà Thiên Chúa đã lập giao ước và đã chọn.

Chương 4 Sách Đệ Nhị Luật chép lời của Môise giảng dạy cho dân Israel như sau:

7 Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? 8 Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?...

20 Còn anh em, thì Ðức Chúa đã chọn lấy anh em và đưa ra khỏi cái lò nung sắt là Ai-cập, để anh em trở nên dân Người, nên cơ nghiệp của Người, như ngày nay. ...

32 Anh (em) cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh (em), từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? 33 Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh (em) đã nghe, mà vẫn còn sống không? 34 Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh (em) không?

35 Chính anh (em) đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng Ðức Chúa là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa. 36 Từ trời, Người đã cho anh (em) nghe tiếng Người, để dạy dỗ anh (em); dưới đất, Người đã cho anh (em) thấy ngọn lửa lớn của Người, và anh (em) đã nghe các lời Người phán ra từ trong đám lửa.

Những giao ước nào Thiên Chúa đã lập với loài người?

    1. Tổ tông chúng ta (GLCG mục 70): giao ước hôn phối.
    2. Noah (GLCG mục 71): giao ước gia đình
    3. Abraham (GLCG mục 72): giao ước dòng tộc.
    4. Moses (GLCG mục 72): giao ước dân riêng.
    5. David : giao ước với vương quốc

2.2 Những loại hình và hình ảnh về Đấng Messiah

Có một số nhân vật hoặc sự việc trong Cựu Ước cho chúng ta một cái nhìn thoáng về Đấng Messiah sẽ là người như thế nào. Điều đề cập trên được gọi là "loại hình", "hình ảnh", hoặc "hình bóng". Bất cứ người nào, sự việc hoặc điều nào trong Cựu Ước thể hiện một thực thể trong tương lai đều được gọi bằng những thuật ngữ trên. Thí dụ, manna mà Chúa ban cho dân Israel trong sa mạc là loại hình (hình ảnh) của Phép Thánh Thể. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy nhiều hình ảnh về Đức Kitô.

    • Abel: thơ ngây, vô tội nhưng bị người anh là Cain sát hại.
    • Melchisedech : thượng tế và là quốc vương, xuất thân từ dòng họ không tiếng tăm, đã dâng bánh và rượu.
    • Noah: cứu dân khỏi đại hồng thủy.
    • Isaac: người con duy nhất của Abraham mà Thiên Chúa lệnh cho ông phải đem hiến tế.
    • Joseph (Giuse, con của Jacob): bị bán làm nô lệ nhưng đã cứu cả gia đình khỏi nạn đói.
    • Con chiên Paschal : được hiến tế thay cho dân.

3. Những Tên Gọi Của Đức Giêsu

3.1 "Giêsu" (Jesus)

Sách GLCG (mục 430) dạy chúng ta:

Trong tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ), Jesus (Giêsu) có nghĩa là : " Thiên Chúa Cứu Độ." Khi loan tin cho Đức Mẹ, thiên sứ Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; thánh danh này diễn đạt được cả bản thể và sứ mệnh của Ngài [xem thêm Luca 1:31]. Vì chỉ Thiên Chúa có quyền tha tội nên trong Đức Giêsu là con vĩnh cửu của Ngài đã làm người, chính Thiên Chúa " sẽ cứu dân của Ngải khỏi tội lỗi." [Mátthêu 1:21; xem thêm Máccô 2:7].

Điều này có quan trọng gì đối với những Kitô hữu bình thường như chúng ta hay không? Sách GLCG (435) viết:

Thánh danh Giêsu nằm ở trung tâm kinh nguyện Kitô giáo. Mọi kinh nguyện đều kết thúc bằng công thức "nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con". Tột đỉnh của Kinh Kính Mừng là câu: "và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ." Lời Tâm Nguyện của Giáo Hội Đông Phương, gọi là Lời Khấn Nguyện Chúa Giêsu (Jesus Prayer), thưa lên rằng: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội." Nhiều Kitô hữu, điển hình là Thánh Nữ Joan of Arc, lìa trần với đôi môi thốt danh thánh Giêsu.

3.2 "Đức Kitô", "Đấng Messiah", "Đấng Được Xức Dầu Thánh"

Sách GLCG (436) viết:

Chữ "Christ" (Kitô) là tiếng Hy Lạp được dịch từ chữ Messiah trong tiếng Do Thái; và có nghĩa là " người được xức dầu thánh". Danh hiệu này trở thành tên riêng của Đức Giêsu vì Ngài chu toàn một cách hoàn hảo sứ mệnh thần linh mà chữ " Christ " (Kitô) biểu thị. Quả vậy, ở Israel, những ai được thánh hiến cho Thiên Chúa để thi hành sứ mệnh Ngài giao phó đều được xức dầu thánh nhân danh Thiên Chúa. Đó là trường hợp của các vua, các thượng tế; và trong một vài trường hợp hiếm hoi, là các ngôn sứ. [xem Sách Xuất Hành 29:7; Leviticus 8:12; 1 Samuel 9:16; 10:1; 16:1, 12-13; Sách Các Vua, Quyển I 1:39; 19:16]. Và chắc chắn hơn hết mọi trường hợp nói trên là trường hợp của Đấng Messiah, là người được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc của Ngài [xem thêm Thánh Vịnh 2:2; Tông Đồ Công Vụ 4:26-27]. Hẳn nhiên là Đấng Messiah được xức dầu thánh bởi Thánh Thần của Thiên Chúa để đồng thời là vua, là thượng tế và là tiên tri [xem thêm Isaiah 11:2; 61:1; Zechariah 4:14; 6:13; Luca 4:16-21]. Đức Giêsu đã thực hiện niềm hy vọng của dân Israel về Đấng Messiah trong ba sứ mệnh của Ngài: là thượng tế, là tiên tri và là vương đế.

3.3 Con duy nhất của Chúa Cha

Sách GLCG (443) dạy chúng ta:

Phêrô nhận ra tính siêu việt cùa vị thế con Thiên Chúa của Đấng Messiah vì Đức Giêsu đã tỏ bày rõ ràng điều này cho mọi người được hiểu. Trước câu hỏi của những kẻ kết tội Ngài tại Thượng Hội Đồng : " Vậy thì phải chăng ông là Con Thiên Chúa?" Đức Giêsu đáp : " Các ông nói đúng, chính Ta đây." [Luca 22:70; Matthêu 26:64; Mac cô 14:61-62]. Trước đó, Đức Giêsu thường xưng mình là " Ngôi Con", người biết Ngôi Cha, để phân biệt Ngài với những sứ giả mà Thiên Chúa đã sai đến với dân của Người trước đó; Đức Giêsu cao trọng hơn mọi loài thụ tạo, kể cả các thiên thần [xem Matthêu 11:27; 21:34-38; 24:36]. Ngài phân biêt vị thế người con của Ngài với vị thế người con của các môn đệ qua việ Ngài không bao giờ nói : " Cha của chúng ta", ngoại trừ trường hợp Ngài dạy các môn đệ: " Vậy, các con hãy cầu nguyện như thế này : ' Lạy Cha chúng con ở trên trời'", và Đức Giêsu thường nhấn mạnh sự phân biệt này qua câu nói :" Cha Thầy và cũng là Cha của anh em" [Matthêu 5:48; 6:8-9; 7:21; Luca 11:13; Gioan 20:17]

3.4 "Thiên Chúa"

Sách GLCG (446, xem thêm mục 447-449) viết:

Trong bản dich Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp, thánh danh YHWH trong tiếng Hebrew mả Thiên Chúa dùng để tỏ mình cho Môise [xem Sách Xuất Hành 3:14], được chuyển ngữ thành "Kyrios", "Lord" (Thiên Chúa). Từ đó, chữ "Lord" trở thành danh từ rất thường dùng để chỉ thiên tính của Thiên Chúa dân Israel. Tân Ước dùng trọn vẹn ý nghĩa của chữ "Lord" cho Chúa Cha và điểm mới là dùng cho cả Đức Giêsu, nên bởi đó, Ngài được nhận ra Ngài là Đức Chúa [xem I Cor 2:8].

3.5 "Adam Mới"

Sách Giáo Lý Công Giáo (504) dạy chúng ta:

Bởi phép Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu được thụ thai trong lòng trinh nữ Maria vì Ngài là Adam Mới, người khởi đầu công trình tạo dựng mới: "Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến." [I Corintô 15:45,47]. Ngay từ lúc Ngài được thụ thai, nhân tính của Đức Kitô đã tràn đầy Thần Khí, "vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Ngài vô ngần vô hạn" [Gioan 3:34]. Từ "nguồn sung mãn của Ngài" của Đấng dẫn dắt nhân loại được cứu chuộc "tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" [Gioan 1:16; xem thêm Colossê 1:18].

4. Đấng Trung Gian Hòa Giải Duy Nhất: Vị Thượng Tế, Tiên Tri và Vua

4.1 Thượng Tế

Thư gửi tín hữu Do Thái (5:1-4) tóm tắt về vai trò của thượng tế như sau:

(1) Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. (2) Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; (3) mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. (4) Không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi.

Vị thượng tế là người dâng lễ vật hiến tế. Giao Ước Mới, tức Tân Ước, phải có vị Thượng Tế mới.Thư gửi tín hữu Do Thái (5:5-6; 6:20) giải thích đó chính là Đức Giêsu Kitô:

(5) Cũng vậy, không phải Ðức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người: Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, (6) như lời Ðấng ấy đã nói ở một chỗ khác: Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê.

(20) Ðó là nơi Ðức Giêsu đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta, sau khi trở thành vị Thượng Tế đời đời theo phẩm trật Menkixêđê.

Thư gửi tín hữu Do Thái tiếp tục trình bày nơi chương 7 sự khác biệt giữa những thượng tế của Lề Luật Cũ với vị Thượng Tế của Lề Luật Mới:

(23) Lại nữa, trong dòng tộc Lêvi, có nhiều người kế tiếp nhau làm tư tế, bởi vì họ phải chết, không thể giữ mãi chức vụ đó. (24) Còn Ðức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. (25) Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ. (26) Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. (27) Ðức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. (28) Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng manh yếu đuối trong mình, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.

Do vậy, sự hiến tế từ tay cùa các vị thượng tế trong Lề Luật Cũ trở nên hèn mọn so với sự hiến tế bởi vị Thượng Tế duy nhất trong Lề Luật Mới. Thư gửi tín hữu Do Thái (10:11-14) giải thích:

(11) Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Ðền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi. (12) Còn Ðức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. (13) Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. (14) Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo.

Sách GLCG (662) giải thích thêm:

Đức Giêsu Kitô, vị thượng tế duy nhất của Giao Ước vĩnh hằng mới, " đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, … nhưng đã vào chính cõi trời, để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta. “ [Do Thái 9:24]. Đức Kitô mãi mãi thực thi quyền thượng tế của Ngài, vì Ngài " hằng sống để chuyển cầu “ cho ” những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. “ [Do Thái 7:25]. Vì là ” Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai, “ Đức Kitô là trung tâm và là vị thừa tác chính của nghi thức tế lễ tôn vinh Chúa Cha trên trời [Do Thái 9:11; xem thêm Khải Huyền 4:6-11].

4.2 Tiên Tri

Vai trò của Đấng tiên tri là rao giảng. Đây đích thực là những gì Đức Giêsu đã thực hiện, không những bằng lời nói mà còn bằng việc làm của Ngài. Mọi sự việc trong cuộc đời Đức Giêsu đều là bài học cho chúng ta. Bởi thế, chúng ta phải tìm hiểu về cuộc đời của Đức Giêsu đã được ghi chép trong các sách Phúc Âm. Nếu chúng ta thường xuyên dùng Phúc Âm làm kinh nguyện, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta đang học suy tưởng bằng tâm trí của Ngài, nói những lời của Ngài và hành xử theo cùng một cách như Ngài hành xử. Sách GLCG (427 – 429) khẳng định:

Trong việc dạy giáo lý, phải giảng dạy Đức Kitô là Ngôi Lời Nhập Thể và là Con Thiên Chúa; những điều khác phải được qui chiếu về Đức Kitô; đồng thời cũng dạy rằng chính Đức Kitô là Đấng giảng dạy; bất cứ ai giảng dạy giáo lý đều phải là của Đức Kitô, phải để Đức Kitô nói qua miệng lưỡi của họ… Mỗi giáo lý viên phải áp dụng cho chính mình lời nhiệm mầu sau đây của Đức Giêsu: "Lời giảng của Thầy đây không phải là của Thầy, nhưng là của Đấng đã sai Thầy" [Tông Huấn Catechesi tradendae 6; xem thêm Gioan 7:16].

Bất cứ ai được mời gọi "để giảng dạy về Đức Kitô" trước tiên phải kiếm tìm "mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô"; người đó phải chấp nhận "mất hết mọi sự. . ." để "được Đức Kitô và được kết hợp với Người", và "để biết chính Đức Kitô và quyền năng phục sinh của Người và để cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng trong cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết." [Philiphê 3:8-11].

Từ những hiểu biết đầy yêu thương đối với Đức Kitô sẽ nảy sinh khát vọng tuyên xưng Ngài, truyền bá Tin Mừng và dẫn dắt những người khác tin theo Đức Giêsu Kitô. Nhưng đồng thời, sự hiểu biết kỹ hơn về Đức Tin sẽ làm cho Đức Tin dễ được đón nhận hơn.

Thánh Josemaría Escrivá, Đấng sáng lập Opus Dei, thường nhấn mạnh đến ý nghĩa của đời sống thầm lặng của Đấng Cứu Thế. Trong bài giảng " Đức Kitô Chiến Thắng Bằng Tính Khiêm Nhường " (trong Christ is Passsing By, số 20), Ngài nói:

Hãy để tôi nói lại về sự chân tình và sự bình dị trong cuộc đời Đức Giêsu mà tôi từng nhiều lần đề cập với các bạn. Những năm tháng thầm lặng của Đức Giêsu không phải là không có ý nghĩa gì, cũng không phải chỉ là thời gian chuẩn bị cho những năm tháng sau đó là thời gian Người xuất hiện trước dân chúng. Từ năm 1928 tôi đã hiểu rõ là Thiên Chúa muốn toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu là tấm gương cho mọi Kitô hữu. Tôi nhận thấy điều này liên hệ đặc biệt với cuộc sống thầm lặng của Đức Kitô, những năm tháng mà Người sống kề cận với những con người bình thường. Thiên Chúa muốn mọi người nhận biết thiên hướng của họ trong những năm tháng sống lặng lẽ, bình dị. Vâng ý Thiên Chúa có nghĩa là từ bỏ tính vị kỷ của chúng ta, nhưng không có lý do gì buộc chúng ta phải tách bản thân khỏi cuộc sống bình thường của những con người bình thường có cùng hoàn cảnh, công việc, và vị thế xã hội như chúng ta.

Tôi mơ – và giấc mơ đã thành sự thật - về rất đông những con cái Thiên Chúa thánh hóa bản thân với tư cách là những công dân bình thường, cùng san sẻ những ước vọng và nỗ lực của mình vời đồng nghiệp và bạn hữu. Tôi muốn reo lên với họ về chân lý nước Trời: nếu các bạn đang sống một cuộc đời bình thường, điều đó không có nghĩa là Đức Kitô đã quên các bạn hoặc không mời gọi các bạn. Người mời gọi các bạn yên sống với những hoạt động và vấn đề của thế trần. Người muốn các bạn biết rằng khuyng hướng, nghề nghiệp, tài năng của các bạn không bị gạt ra khỏi thiên ý của Người. Đức Kitô sẽ thánh hóa và biến đổi chúng thành lễ dâng đẹp lòng Chúa Cha.

4.3 Vua

Vai trò của vị vua hẳn nhiên là cai trị và lãnh đạo. Tuy nhiên, vai trò đó cũng bao hàm trọng trách của một mục tử. Chương 18 Sách Tin Mừng theo Thánh Gioan chép lời Đức Giêsu trả lời quan Tổng Trấn Philatô:

(36) Ðức Giêsu trả lời: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nay Nước tôi không thuộc chốn này". (37) Ông Philatô liền hỏi: "Vậy ông là vua sao?" Ðức Giêsu đáp:"Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này:đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi".

Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 10, chúng ta đọc những lời Đức Giêsu đã nói như sau:

(11) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên. (12) Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, (13) vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên. (14) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết các chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, (15) như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho chiên. (16) Tôi còn có những chiên khác không thuộc đàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.

4.4 Hội Thánh, Thân Thể Của Đức Kitô: Một Dân Tộc Tư Tế, Tiên Tri và Vương Giả

Khi chịu Phép Rửa, chúng ta trở nên chi thể trong Thân Thể Nhiệm Mầu của Đức Kitô. Và vì Đức Kitô là Thượng Tế, là Tiên Tri , và là Vua nên chúng ta cũng thĐức Maria là mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là con người thật. Như thế, Đức Maria được xem là Mẹ Thiên Chúa. Sách GLYL (95) dạy rằng: ông phần vào ba chức vị này. Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL mục 155) hỏi:

Bằng cách nào mà dân Thiên Chúa thông phần vào ba chức vị của Đức Kitô là Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế?

Câu đáp như sau:

    • Dân Thiên Chúa thông phần vào chức vị tư tế của Đức Kitô khi chịu Phép Rửa được Chúa Thánh Thần thánh hiến để dâng các hy lễ thiêng liêng.
    • Họ thông phần vào chức vị tiên tri của Đức Kitô vì nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, họ trung kiên với đức tin đó, đào sâu hiểu biết đức tin và trở thành chứng nhân cho đức tin.
    • Dân Thiên Chúa thông phần vảo chức vị vương đế của Đức Kitô qua sự phục vụ tha nhân; theo gương Đức Giêsu Kitô, Đấng là Vua vũ trụ, nhưng tự hạ mình làm tôi tớ cho mọi người, nhất là những người nghèo túng và đau khổ.

Chúng ta cùng đọc thêm trong Sách GLCG (783 – 786):

Đức Giêsu Kitô là Đấng mà Chúa Cha xức dầu thánh bằng ơn Thánh Linh và phong làm thượng tế, tiên tri và vương đế. Dân Thiên Chúa thông phần vào ba chức năng này của Đức Kitô và mang trọng trách về sứ mệnh và sự phục vụ xuất phát từ ba chức năng này. [xem thêm Gioan Phaolô II, thông điệp Redemptor Hominis, 18-21].

Khi gia nhập cộng đồng dân Chúa thông qua đức tin và Phép Rửa, chúng ta tham dự vào ơn gọi làm tư tế của dân Thiên Chúa. "Đức Chúa Kitô, vị thượng tế được chọn giữa loài người, đã biến đổi cộng đồng dân mới này thành 'vương quốc và những tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người'. Những người chịu Phép Rửa, nhờ sự tái sinh và nhận lãnh Thánh Thần, đều được thánh hóa để trở thành ngôi nhà thiêng liêng và đón nhận tước vị tư tế thánh thiện". [Lumen Gentium 10; xem thêm Do Thái 5:1-5; Khải Huyền 1:6] (Lumen Gentium : Ánh Sáng Muôn Dân; Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh của Công Đồng Vatican II)

"Dân thánh Chúa cũng thông phần vào chức vị tiên tri của Đức Kitô", nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin, một cảm thức riêng của cộng đồng dân Chúa, cả giáo dân và giáo sĩ, khi cộng đồng này "trung kiên với đức tin…… đã được truyền lại cho các thánh một lần cho mãi mãi", [Lumen Gentium 12; xem thêm Giuđa 3] và khi họ đào sâu sự hiểu biết về đức tin và trở thành chứng nhân của Đức Kitô giữa thế gian.

Sau cùng, Dân Chúa thông phần vào chức vị vương đế của Đức Kitô. Ngài thể hiện vương quyền của Ngài qua sự thu hút mọi người đến với Ngài thông qua cái chết và sự Phục Sinh của Ngài [xem thêm Gioan 12:32]. Đức Kitô, vị Vua và Chúa Tể càn khôn, tự hạ mình phục vụ mọi người, vì Ngài đến "không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người". [Mátthêu 20:28]. Đối với Kitô hữu, "cai trị là phục vụ con người" nhất là khi phục vụ "những người nghèo và người đau khổ. Nơi những người khốn cực này, Giáo Hội nhận ra hình ảnh của Đấng tạo dựng Giáo Hội vốn khó nghèo và chịu nhiều đau khổ" [Lumen Gentium 8; 36]. Dân Chúa thể hiện vương vị của mình bằng cách sống theo ơn gọi phục vụ tha nhân cùng với Đức Kitô.

Dấu thánh giá tạo vương vị cho tất cả những ai tái sinh trong Đức Kitô và sự nhận lãnh Thánh Thần sẽ thánh hóa họ trở thành các tư tế để rồi, ngoài sự phục vụ đặc biệt cho cộng đồng dân Chúa, mọi Kitô hữu nhiêt tâm và sùng mộ đêu nhận ra mình là thành phần thuộc dòng giõi vương đế và có chức vụ tư tế. Thật vậy, đối với linh hồn, có gì vương quyền cho bằng sự thống lĩnh và sai khiến xác thể tuân theo ý Thiên Chúa? Và có gì đúng với chức tư tế cho bằng sự dâng hiến một lương tâm trong sạch và lễ vật tinh tuyền của lòng đạo hạnh cho Thiên Chúa nơi cung thánh lòng chúng ta? [Leo Thánh Cả, Sermo 4, 1: PL 54, 149]

5. Đức Maria Đồng Trinh Đầy Ơn Phúc - Mẹ Của Ngôi Lời Làm Người

5.1 Mẹ Thiên Chúa

Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và là con người thật. Như thế, Đức Maria được xem là Mẹ Thiên Chúa. Sách GLYL (95) dạy rằng:

Mẹ Maria thực sự là mẹ Thiên Chúa vì bà là mẹ của Đức Giêsu (Gioan 2:1; 19:25). Đấng đã được đầu thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần và đã thực sự trở thành con của bà chính là Ngôi Con vĩnh hằng của Thiên Chúa Cha. Ngôi Con cũng là Thiên Chúa.

5.2 Sự Vô Nhiễm Nguyên Tội

Chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa không chỉ liên quan tới Đức Giêsu Kitô. Còn một nhân vật khác mà Thiên Chúa đã cho biết trước khi nói về chương trình cứu chuộc của Ngài. Trong Sách Sáng Thế Ký 3:15, chúng ta đọc về người phụ nữ không ở dưới sự khống chế của ma quỉ:

15 Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."

Sách GLYL (96, xem Sách GLCG 487-492, 508) dạy chúng ta:

Từ trước muôn đời Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm Mẹ của Ngôi Con Thiên Chúa. Để chu toàn thực hiện sứ mệnh này, Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội ngay từ lúc được thụ thai. Điều này có nghĩa là, nhờ ân sủng của Thiên Chúa và công nghiêp cứu chuộc sau này của Đức Giêsu Kitô, Đức Maria được gìn giữ khỏi tội tổ tông ngay từ khoảnh khắc được hình thành trong bụng mẹ.

5.3 Sự khiết trinh trọn đời

Hơn nữa, chúng ta được dạy rằng thiếu nữ này là một trinh nữ. Sách Ngôn Sứ Isaiah (7:14) viết:

Vì thế, chính Thiên Chúa sẽ cho các người dấu hiệu này : là trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel.

Thánh Matthêu (1:22-23) khẳng định rằng những gì ngôn sứ Isaiah tiên báo đã thực sự xảy ra:

Tất cả điều này xảy ra để ứng nghiệm lời của Thiên Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ: " Này đây, Trinh Nữ sẽ chịu thai và hạ sinh một con trai, và thiên hạ sẽ gọi con trẻ là Emmanuel," nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.'

Sách GLYL (99; xem Sách GLCG 499-507, 510-511) giải thích:

Mẹ Maria khiết trinh trọn đời hiểu theo nghĩa Đức Mẹ "vẫn trinh nguyên khi hoài thai Ngôi Con; trinh nguyên khi sinh Người; trinh nguyên khi bồng ẵm Người; trinh nguyên khi nuôi Người nơi ngực mình; mãi mãi khiêt trinh" (Thánh Augustine). Vì thế, khi Phúc Âm nói về "anh em và chị em của Đức Giêsu" tức là nói đến họ hàng thân cận của Đức Giêsu, theo cách nói thường dùng trong Thánh Điển.

5.4 Được Đưa Lên Trời

Chúng ta không biết Mẹ Maria có qua đời hay không. Một số người tin rằng Đức Mẹ chìm vào giấc ngủ trước khi được đưa về trời. Nhưng nhiều người khác, trong đó có Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, nói rằng Mẹ Maria đã qua đời, vì như thế mới thông phần vào cái chết của Đức Kitô. Điều khẳng định của Giáo Hội là Mẹ Maria được Chúa đưa lên trời cả hồn và xác sau khi Mẹ từ giã cuộc sống thế trần. Sách GLCG (966) viết:

"Sau cùng, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, người thanh sạch không vướng chút vết nhơ của tội tổ tông, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, đã được Thiên Chúa đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả hồn và xác và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương mọi loài trên trời dưới đất để xứng hợp với Con của Người là Chúa Tể của các chúa, và là Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết ". [Lumen Gentium 59; cf Pius XII, Munificentissimus Deus (1950): DS 3903; xem thêm Khải Huyền 19:16]. Sự lên trời của Đức Nữ Đồng Trinh Đầy Ơn Phúc là sự thông phần vào mầu nhiệm Phục Sinh và là sự trông chờ phục sinh của các Kitô hữu khác.

5.5 Mẹ Của Tất Cả Mọi Người

Khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá, Ngài trao phó mọi người, mà đại diện là Thánh Gioan, cho Mẹ của Ngài. Thánh Gioan ghi lại cảnh đó ở chương 19 như sau:

(26) Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Ðức Giêsu nói với thân mẫu rằng: "Thưa Bà, đây là con của Bà". (27) Rồi Người nói với môn đệ: "Ðây là mẹ của anh". Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Như thế Mẹ Maria là mẹ của loài người. Chức vị làm mẹ tinh thần của Mẹ Maria mang tính phổ quát. Sách GLYL (100, xem thêm GLCG mục 501-507, 511) viết:

Mẹ Maria chỉ có một người con duy nhất là Đức Giêsu; nhưng từ Ngài, chức làm mẹ tinh thần của Mẹ Maria lan tỏa tới tất cả những người đã được Đức Giêsu Kitô cứu chuộc. Đứng vâng phục bên Adam mới là Đức Giêsu Kitô, Đức Trinh Nữ chính là Eve mới, là mẹ đích thực của mọi sinh linh. Đức Mẹ Đồng Trinh Maria là hình ảnh của Giáo Hội, là sự thể hiện toàn hảo nhất của Giáo Hội.

Đọc Thêm

    • Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL), 81-102.
    • Giáo Lý Công Giáo (GLCG), 484-521.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Three: Dogmatic Theology, Chapters 41-44. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 295-341.

Websites