Bài 26: Chân Lý Giải Thoát Chúng Ta

Chúng ta nghiên cứu tiếp một phần khác của giáo huấn Công Giáo. Ở PHẦN THỨ NHẤT, chúng ta đã học biết những gì Thiên Chúa phán dạy chúng ta về chính Ngài, về chúng ta, và về thế gian (KINH TIN KÍNH). Ở PHẦN THỨ HAI, chúng ta học cách tuyên xưng Đức Tin và phương thế giúp chúng ta nhận được sức mạnh để sống theo Đức Tin (CÁC PHÉP BÍ TÍCH). Trong phần này, vấn đề chúng ta chú tâm đề cập là cách sống Đức Tin. Nhưng trước hết, chúng ta cùng nhau điểm qua một số ý niệm rất cần thiết để hiểu luân lý Kitô giáo; đó là tự do, lề luật và lương tâm.

Câu hỏi hướng dẫn

    • Tự do là gì?
    • Chúng ta được tự do làm bất cứ gì mình muốn hay không?
    • Vì sao con người cần lề luật?
    • Luật Vĩnh Cửu (còn gọi là Thiên Luật) là gì?
    • Luật Tự Nhiên (Nhiên Luật) là gì?
    • Những đặc tính của Luật Tự Nhiên là gì?
    • Mọi người có nhận thức được Luật Tự Nhiên không?
    • Luật Tự Nhiên có thể thay đổi không?
    • Chúng ta có thể bị sai lầm trong hiểu biết về LuậtTự Nhiên hay không?
    • Thần luật tích cực là gì?
    • Thuyết tương đối luân lý là gì?
    • Lương tâm là gì?
    • Có những loại lương tâm nào?
    • Lương tâm hình thành như thế nào?
    • Sự tương quan giữa tự do và lề luật là gì? Phải chăng lề luật đối nghịch với tự do?

1. Tự Do

1.1 Con người có tự do không?

Chúng ta thường xem tự do là điều hiển nhiên, nhưng thực ra có một số trường phái tư tưởng phủ nhận sự hiện hữu của tự do. Đại để, các trường phái này có thể chia thành hai phe cực đoan và đối kháng nhau; đó là thuyết tiên định (determinism) và thuyết bất tiên định (indeterminism).

    • THUYẾT TIÊN ĐỊNH. Những người theo thuyết tiên định phủ nhận sự hiện hữu của tự do vì họ cho rằng mọi quyết định của con người đều được ấn định bởi một số nhân tố nào đó. (a) Một số người quan niệm hành vi của con người tùy thuộc vào gien, tức là tùy thuộc vào những gì con người kế truyền từ cha mẹ. Và như thế, họ nói rằng hành vi của con người được ấn định bởi TỰ NHIÊN. (b) Những người khác quan niệm nhân tố này là SỤ DƯỠNG DỤC. (c) Người theo THUYẾT TIÊN ĐỊNH THỂ LÝ (physical determinists) quan niệm hành vi con người là hệ quả tất yếu của tính nhân quả cứng nhắc của các sự kiện tự nhiên. (d) Những NHÀ THUYẾT TIÊN ĐỊNH SINH HỌC (biological determinists) chủ xướng rằng hành động của con người là hệ quả của bản năng sinh vật. (e) Còn những NHÀ TIÊN ĐỊNH THUYẾT TÂM LÝ (psychological determinists) khẳng định rằng ý chí chấp nhận sự thôi thúc mạnh nhất hoặc chọn đối tượng có giá trị cao cả.
    • THUYẾT BẤT TIÊN ĐỊNH. Những người theo thuyết bất tiên định tin rằng ý chí hành xử độc lập, không bị tác động bởi bất kỳ nguyên do nào, thậm chí cũng không bị thúc đẩy bởi trí năng. Thuyết bất tiên định chủ xướng rằng ý chí hoàn toàn thoát khỏi mọi hình thức của tính nhất thiết, kể cả sự nhất thiết phải có một ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY (motive) để hành động. Tuy nhiên, điều rõ ràng là loại tự do như thế chỉ là một dạng tiềm thể của tự do vì nếu KHÔNG BIẾT mình có những sự chọn lựa nào, con người sẽ không thể quyết định, sẽ không thể HIỆN THỂ HÓA (actualize) khả năng thực hiện chọn lựa của mình; nếu một người không nhận ra điều nào đó là THIỆN, là TỐT ĐẸP (vốn là một hoạt động cần sự thể hiện của TRÍ NĂNG), thì người đó không thể thể hiện khả năng chọn lựa của mình. [ Xem phần định nghĩa về tự đo dưới đây]

Mặt khác, chúng ta biết rõ là chúng ta luôn luôn thể hiện khả năng chọn lựa của chúng ta _ ngay từ những giây phút đầu tiên của ngày vào buổi sáng khi chúng ta phải chọn lựa xem nên thức dậy hay ngủ nữa cho tới những giây phút cuối cùng của ngày vào ban đêm khi chúng ta phải chọn lựa lúc nào thì nên đi ngủ.

Kinh Thánh minh chứng cho sự hiện hữu của khả năng này. Trong Sách Thứ Luật (Đệ Nhị Luật) (30:19-20), dân Israel được phán dạy như sau:

19 Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống, 20 nghĩa là hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất Ðức Chúa đã thề với cha ông anh (em), là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, rằng Người sẽ ban cho các ngài.

Sách Huấn Ca (15:14-17) nhắc lại điều này:

14 Từ nguyên thuỷ, chính Chúa đã làm nên con người, và để nó tự quyết định lấy. 15 Nếu con muốn thì hãy giữ các điều răn mà trung tín làm điều đẹp ý Người. 16 Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước, con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. 17 Trước mặt con người là cửa sinh cửa tử, ai thích gì, sẽ được cái đó.

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) mục 1730 khẳng định:

Thiên Chúa tạo dựng con người là hữu thể có lý trí, ban cho họ phẩm giá của một nhân vị có khả năng khởi xướng và điều khiển hành động của mình.

1.2 Vậy, tự do là gì?

Nhiều người quan niệm rằng tự do là có thể làm những gì mình ưa thích, hoặc những gì mình muốn làm. Tuy nhiên, định nghĩa này ngay lập tức vấp phải những vấn đề trong cuộc sống thực tế, vì có rất nhiều điều chúng ta muốn làm nhưng không sao làm được do năng lực hạn chế của con người. Chúng ta muốn bay như chim, muốn bơi như cá nhưng không thể làm được. Chúng ta muốn hát tuyệt vời như Pavaroti, nhưng thiên nhiên hẳn đã không cho chúng ta tài nghệ đó. Ở đâu mà tự do được định nghĩa là có thể làm mọi thứ mình ưa thích, thì ở đó tự do không hiện hữu.

Vậy, quan điểm Kitô giáo về tự do là gì? Mục 1731 Sách GLCG viết:

Tự do là khả năng, vốn bắt nguồn nơi lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động, để làm việc này hoặc việc khác; và như thế, hành xử có suy tính và với trách nhiệm của bản thân. Với ý chí tự do, con người tạo dựng cuộc sống của chính mình. Tự do của con người là sức mạnh giúp trưởng thành về chân, thiện, mỹ; tự do đạt được sự hoàn hảo của nó khi qui hướng về Thiên Chúa, Đấng Toàn Phúc.

Chúng ta cùng nhau khảo sát định nghĩa này.

    • Tự do BẮT NGUỒN NƠI LÝ TRÍ VÀ Ý CHÍ. Sự thực thi tự do đòi hỏi kiến thức và lý trí. Tự do là khả năng để thực hiện những sự chọn lựa THÔNG MINH VÀ HỢP LÝ. Làm thế nào ta có thể chọn lựa nếu KHÔNG BIẾT có những tùy chọn nào? Tự do chọn lựa có nghĩa là biết có những sự lựa chọn nào, và hiểu rõ những hệ quả sẽ đến từ các lựa chọn đó. Nếu chỉ biết đôi chút về từng lựa chọn, ta sẽ phân vân, lưỡng lự; thậm chí ngưng quyết định. Ta càng biết rõ về từng sự lựa chọn, quyết định của ta càng dứt khoát; hành động chọn lựa của ta càng tự do bao nhiêu, ta càng trở nên xác quyết bấy nhiêu. Hơn nữa, khi sự chọn lựa có liên quan tới tính chất tốt hoặc xấu của sự việc, thì hoạt động của lý trí ứng với lựa chọn này được gọi là LƯƠNG TÂM. (Xem phần 3 dưới đây).
    • Tự do là khả năng HÀNH ĐỘNG HAY KHÔNG HÀNH ĐỘNG. Đây được gọi là QUYỀN TỰ DO THỰC HIỆN. Ý chí của ta tự do chọn lựa hay không chọn lựa, thực thi hay không thực thi.
    • Tự do là khả năng LÀM VIỆC NÀY HOẶC VIỆC KHÁC; tức là một khi quyết định hành động, ta có thể chọn các qui trình hành động khác nhau để đạt được mục đích đã định. Điều này được gọi là QUYỀN TỰ DO ẤN ĐỊNH.
    • Có khả năng hành động hay không hành động, làm việc này hoặc việc khác hàm nghĩa là trước đó, ta đã XEM XÉT, CÂN NHẮC, SUY TÍNH về nhiều tùy chọn khác nhau đặt ra trước ta.
    • Ta không bị thúc ép hành động hay không hành động, làm việc này hoặc việc khác; nên sự hành động hay không hành động tùy thuộc nơi ta. Ta nhận lãnh TRÁCH NHIỆM CÁ NHÂN về hành động đó.
    • William May viết trong cuốn An Introduction to Moral Theology (Dẫn Nhập Về Thần Học Luân Lý) (trg 22):
      • Chân lý chính yếu của mạc khải Kitô giáo là con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa, và có quyền tự do chọn lựa. Để tạo dựng hữu thể mà Ngài có thể ban sự sống của chính Ngài cho hữu thể đó, Thiên Chúa đã tạo nên những ngôi vị (thiên thần và loài người) có khả năng tạo lập hoặc chấm dứt cuộc sống của chính chúng thông qua quyền tự do chọn lựa. Con người thuộc về chính họ, sui iuris, tức là trong khả năng hoặc quyền chủ trị của chính họ. Những lựa chọn và hành động của họ thực sự là CỦA CHÍNH HỌ, không phải là những chọn lựa và hành động của người khác. Nếu sự trao ban sự sống và tình thương của Thiên Chúa là quà tặng, thì điều đó phải được nhận lãnh một cách tự do, không thể áp đặt lên người khác, hoặc ấn định bởi sự gì khác ngoài quyền tự do chọn lựa của người trao ban và người được ban tặng.
    • Với quyền tự do, con người LÀM CHỦ hành động của mình. Và cũng giống như quyền sở hữu sự vật đưa chúng ta tới việc chăm sóc và CHỊU TRÁCH NHIỆM về chúng, thì quyền làm chủ hành động của chúng ta đưa chúng ta tới việc đảm nhận trách nhiệm về những hành động đó. Nếu chúng tốt đẹp, chúng ta được khen ngợi; nếu chúng xấu, chúng ta bị khiển trách.
    • Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định (trong cuốn Be Not Afraid [Đừng Sợ Hãi], trg 98):
      • Vì thế, nơi con người, tự do là khả năng TỰ QUYẾT ĐẦY TRÁCH NHIỆM. Nó nằm ngay tâm điểm của siêu việt tính dành riêng cho con người với tư cách là một ngôi vị. Nó cũng nằm ở nền tảng của đạo lý, nơi nó xuất hiện như một khả năng chọn lựa, một khả năng cho rất nhiều chọn lựa khác nhau.
    • Với quyền tự do, chúng ta TẠO LẬP CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH CHÚNG TA. Qua sự thực thi ý chí tự do, ta đặt ra đường hướng ta muốn tiến bước. Mục tiêu mà ta nhắm tới phải phù hợp với sự trưởng thành nhân cách của ta. Ta hoàn toàn tự do đảm nhận trách nhiệm rèn luyện bản thân tiến tới sự trưởng thành về CHÂN LÝ và SỰ THIỆN HẢO. Chỉ có sự thật (chân lý) mới làm tâm trí thỏa mãn; và chỉ có sự thiện hảo mới làm ý chí mãn nguyện. Bởi vậy, chúng ta bất an khi không có chân lý, và lo âu khi vắng bóng tính thiện.
    • Sau cùng, tự do sẽ HOÀN HẢO khi nó HƯỚNG ĐẾN THIÊN CHÚA, là Đấng toàn thiện và là hạnh phúc của chúng ta. (Mục kế tiếp sẽ trình bày thêm về vấn đề này).

1.3 Tự do hướng đến điều gì?

Thánh Thomas Aquinas (xem thêm Summa Theologiae [Tổng Luận Thần Học], phần I-II, câu hỏi 5, mục 8), dạy chúng ta rằng có một điều trên cõi đời nơi chúng ta KHÔNG ĐƯỢC TỰ DO chọn lựa; đó là khát vọng hạnh phúc. Ngài viết:

... trong những sự thiết yếu, ai cũng khát khao hạnh phúc.... khát khao hạnh phúc không là gì khác hơn là mong ước ý chí của mình được mãn nguyện. Và thực sự mọi người khao khát điều này.

Ở trên chúng ta nói rằng chúng ta bất an và hoang mang cho tới khi chúng ta tiến được tới chân lý và sự thiện hảo. Tuy nhiên, chân lý thế trần và sự thiện hảo tạo tác bị giới hạn, còn khát vọng của chúng ta thì vô biên. Vì thế, chỉ có điều nào vô hạn, điều nào bất tận mới làm thỏa nỗi khát vọng của chúng ta về chân lý và sự thiện hảo.

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Chân Thật vô cùng, và là Đấng Tốt Lành vô biên. Hơn nữa, Ngài còn là sự Hoàn Mỹ. Chỉ có Thiên Chúa mới làm no thỏa mọi nỗi khát vọng thâm sâu của chúng ta. Do đó, tự do sẽ hoàn hảo, sẽ hữu ích cho chúng ta khi nó đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Thánh Augustine diễn đạt điều này trong lời kinh nổi tiếng của Ngài viết trong cuốn Confessions (Tự Thú I, 1):

Lạy Chúa, Chúa tạo dựng chúng con cho chính Chúa, tâm hồn chúng con mãi bất an cho tới khi chúng được yên nghỉ nơi Chúa!

1.4 Tự do của con người có giới hạn và phạm sai lầm

Tự do khởi phát từ tri thức và ý chí nên sự thiếu hiểu biết, sai lầm về phán đoán, yếu nhược về ý chí sẽ hàm nghĩa là tự do của chúng ta trở nên sai lạc.

Sách GLCG (mục 1732 và 1739) viết rằng

Bao lâu tự do không gắn mình với sự chí thiện là Thiên Chúa, thì luôn có khả năng chọn lựa giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu; và như thế là chọn lựa giữa sự vươn lên hoàn thiện với sự sa ngã và phạm tội. Sự tự do này đặc trưng cho hành vi nhân linh. Nó là cơ sở để khen ngợi hoặc khiển trách, của công trạng hoặc luận phạt.

Tự do và tội lỗi.Tự do của con người có giới hạn và có thể sai lầm.Thực ra, con người đã sa ngã. Con người đã phạm tội theo ý riêng mình. Do từ chối chương trình yêu thương của Thiên Chúa, con người lừa dối mình và trở thành nô lệ của tội lỗi. Sự xa lìa Thiên Chúa này đã sinh ra vô vàn những tội lỗi khác. Ngay từ khởi đầu, lịch sử nhân loại đã cho thấy sự gây ra khốn khổ và áp bức bắt nguồn từ lòng dạ con người do hậu quả của sự lạm dụng tự do.

Bởi vậy, con người cần được rèn luyện về việc sử dụng quyền tự do. Sách GLCG mục 1734 viết:

Sự tiến bộ về nhân đức, sự hiểu biết về tính thiện, và sự tiết độ sẽ tăng cường sự chủ trị của ý chí đối với hành vi.

    1. SỰ TIẾN BỘ VỀ NHÂN ĐỨC. Điều này bao hàm trước hết là NHỮNG NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN (theological virtues, còn gọi là nhân đức hướng thần), đó là đức tin, đức cậy, và đức mến. Đức tin giúp tâm trí nhận ra những gì thực sự thiện hảo cho con người. Đức cậy và đức mến tăng cường ý chí, và làm cho nó đủ khả năng vượt qua sự cám dỗ của tội lỗi và những tấn công của ma quỉ. Chúng ta cần nhớ rằng các nhân đức đối thần là những nhân đức siêu nhiên; vì thế, các nhân đức này được thủ đắc trước hết là nhờ cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta.
    2. Hơn nữa, các nhân đức còn được nâng cao bởi BẢY ƠN CHÚA THÁNH THẦN (ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa), là những ơn chúng ta hằng nên cầu xin và thể hiện thông qua sự tiết dục.
    3. SỰ HIỂU BIẾT VỀ TÍNH THIỆN. Chúng ta lớn mạnh trong sự hiểu biết về tính thiện thông qua việc đọc sách giáo lý, các sách Tân Ước, thông qua việc trò chuyện thường xuyên với Đức Giêsu Kitô, và thông qua sự linh hướng.
    4. SỰ TIẾT ĐỘ. Chữ "askesis" trong tiếng Hy Lạp hàm nghĩa là sự rèn luyện cho một cuộc thi đấu thể thao nào đó. Nó đòi hỏi chúng ta phải bơi ngược dòng, và tự rèn luyện. Bởi vậy, Thánh Phaolô dạy chúng ta trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (9:24-27)
      1. 24) Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. (25) Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. (26) Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi không đấm như người đấm vào không khí. (27) Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

Giáo Hoàng Benedict XVI, vào ngày 1 tháng 3 năm 2005 (ngày Thứ Tư Lễ Tro năm đó), đã giảng những lời sau:

Một khía cạnh khác của tinh thần Mùa Chay là điều mà chúng ta có thể mô tả là "tính chiến đấu", như Tổng Nguyện của lễ hôm nay nêu lên và nhắc tới "vũ khí" là bí tích Giải Tội và "sự chiến đấu" chống lại cái ác. (Collect = Tổng Nguyện, lời nguyện đầu tiên linh mục đọc trong thánh lễ sau Kinh Vinh Danh và trước bài đọc I).

Mỗi ngày, nhất là trong Mùa Chay, các Kitô hữu giáp mặt với cuộc chiến đấu như cuộc chiến đấu mà Đức Kitô đã trải qua trong sa mạc Judea, nơi mà suốt 40 đêm ngày, Ngài bị ma quỉ cám dỗ; và sau này nơi vườn Giệcsimani, Ngài đã thắng sự cám dỗ nặng nề nhất, và Ngài vâng theo ý Chúa Cha cho tới cùng.

Đây là trận chiến tinh thần chống lại tội lỗi, và sau cùng là chống lại Satan. Đây là trận chiến liên quan tới cả hồn xác con người và đòi hỏi sự cảnh giác thường xuyên và cao độ.

Thánh Augustine nhận định rằng những ai muốn bước đi trong tình yêu của Thiên Chúa và trong sự nhân từ của Ngài đều chưa thể hài lòng với việc rũ sạch mọi tội trọng,, mà còn "phải thực thi chân lý, và nhận ra những tội được xem là nhẹ…, và đến với ánh sáng bằng cách làm những việc lành phúc đức. Thậm chí các tội nhẹ, nếu không được lưu tâm, sẽ sinh sôi nảy nở và đưa tới sự chết" (trích trong In Io. evang. 12, 13, 35)

Vì lẽ đó, Mùa Chay nhắc nhở chúng ta rằng đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu không ngừng; trong trận chiến này rất cần thiết phải sử dụng những“ vũ khí” là cầu nguyện, ăn chay, và Bí Tích Giải Tội. Sự chiến đấu chống sự ác, chống mọi hình thức của tính ích kỷ và hận thù; và khao khát sống trong Chúa là cuộc hành trình cam go mà mọi môn đệ của Đức Giêsu được mời gọi tham gia với sự khiêm cung và nhẫn nại, với lòng vị tha và sự kiên tâm bền đỗ.

1.5 Thực sự ta chịu trách nhiệm về việc gì?

Sách GLCG (mục 1735) giải thích về những điều có thể làm mất hiệu lực sự tự do của hành vi; và bởi thế sẽ làm giảm trách nhiệm của chúng ta đối với hành vi đó.

Sự qui trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm về một hành động nào đó có thể giảm thiểu hoặc thậm chí bị loại bỏ bởi do thiếu hiểu biết, do sơ ý, do bị ép buộc, do hoảng sợ, do tập tục, do xúc động thái quá, do các nhân tố tâm lý hoặc xã hội khác.

Lý do chính là các nhân tố nói trên tác động tới SỰ PHÁN ĐOÁN của chúng ta (điều này liên quan đến TRÍ NĂNG) về tính thiện hoặc tính ác của hành vi (sự thiếu hiểu biết, sự sơ ý, các nhân tố tâm lý hoặc xã hội), hoặc chúng làm giảm SỰ TỰ Ý (vốn liên quan tới Ý CHÍ) của chủ thể hành động (sự bị ép buộc, sự hoảng sợ, tập tục, sự xúc động thái quá, và những nhân tố tâm lý hoặc xã hội khác).

Nếu một suy tưởng, lời nói, hành động hoặc sự quên sót được làm một cách HOÀN TOÀN CÓ Ý THỨC, và HOÀN TOÀN CHỦ TÂM, thì chủ thể thực hiện đáng được khen ngợi hoặc bị khiển trách tùy vào sự tốt đẹp hoặc xấu xa của việc đã thực hiện. Sách GLCG mục 1736 nói:

Hành vi có chủ tâm trực tiếp được qui trách cho chủ thể:

Thiên Chúa hỏi Evà sau khi Evà phạm tội trong vườn Địa Đàng: "Ngươi đã làm gì?" [Sáng Thế 3:13]. Thiên Chúa cũng hỏi Cain câu hỏi như thế. [xem thêm Sáng Thế 4:10]. Tiên tri Nathan cũng hỏi David câu tương tự sau khi David phạm tội ngoại tình với vợ của Uriah và sai người hạ sát ông này. [xem Samuel II, 12:7-15].

Một hành vi CÓ TÍNH CHẤT CHỦ Ý GIÁN TIẾPkhi nó gây ra bởi thiếu hiểu biết về sự việc mà đáng lẽ ra người đó phải biết hoặc phải làm. Thí dụ: tai nạn gây ra bởi không biết luật lưu thông.

Còn những hành vi KHÔNG CÓ CHỦ TÂM TRỰC TIẾP thì sao? Sách GLCG mục 1737 dạy:

    • Một hậu quả có thể được dung thứ nếu tác nhân không chủ tâm, chẳng hạn như sự kiệt sức của người mẹ do chăm sóc đứa con đau yếu.
    • MỘT HẬU QUẢ XẤU KHÔNG BỊ QUI TRÁCH nếu nó không được chủ định là mục đích hoặc là phương cách của hành vi; chẳng hạn như cái chết mà một người gánh chịu khi cứu giúp kẻ khác đang lâm nguy.
    • Còn MỘT HẬU QUẢ XẤU PHẢI BỊ QUI TRÁCH khi nó có thể dự đoán trước được, và tác nhân có khả năng tránh hậu quả đó. Điển hình là trường hợp người lái xe say xỉn gây tai nạn chết người.

1.6 Mọi người đều có quyền thực thi tự do phải không?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL), mục 365 (xem thêm GLCG 1738, 1747) dạy:

Mỗi người đều có quyền thực thi tự do của mình vì tự do không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Bởi thế, quyền này phải luôn được tôn trọng, nhất là trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền tự do này phải được chính quyền dân sự công nhận và bảo vệ trong những phạm vi giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng.

1.7 Phải chăng ân sủng làm giảm thiểu tự do?

Thánh Phaolô nói với chúng ta trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrintô (3:17):

Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do.

Vì sao như thế? Ơn Thiên Chúa tác động nơi chúng ta không phải như một sức mạnh ngoại tại hoặc như sự linh hứng, nhưng như một ÁNH SÁNG chiếu soi TÂM TRÍ chúng ta, và như một SỨC MẠNH tăng cường Ý CHÍ chúng ta. Công cuộc thánh hóa là hoạt động nội tại! Thánh Phaolô nói về “quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Ðó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực … (Êphêsô 1:19). Chúng ta nhắc lại điểm này: tự do bắt nguồn nơi trí năng và ý chí. Vì ân sủng đem ánh sáng cho trí năng, đem sức mạnh cho ý chí nên tác động của ân sủng là nâng cao sự tự do của chúng ta, chứ không tước bớt đi. Điều này giải thích vì sao những việc làm phúc thiện của chúng ta có vẻ như khởi phát từ chúng ta nhưng thực sự ra, đó là ân sủng của Thiên Chúa tác động trong chúng ta.

Thiên Chúa Cha đầy lòng yêu thương không cần nô lệ; Ngài muốn con cái của Ngài được tự do. Hãy đọc những đoạn sau:

13 Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để được hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. (Galat 5:13)

16 Anh em hãy hành động như những người tự do, không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa. (Phêrô I, 2:16)

21 … là có ngày (muôn loài) cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. (Rôma 8:21)

Mặt khác, Kinh Thánh cũng nói đến những kẻ chống lại Thiên Chúa:

19 Họ hứa cho những kẻ đó được tự do, nhưng chính họ lại làm nô lệ cho lối sống dẫn đến hư vong, vì đã thua ai thì phải làm nô lệ cho người ấy. (Phêrô II, 2:19)

2. Lề Luật

Sự chọn lựa bao hàm sự biết rõ về những tùy chọn đặt ra trước ta. Khi một người vào nhà hàng, trước tiên người này xem thực đơn để xem mình có thể gọi món gì, hoặc hỏi người phục vụ xem họ phục vụ những món gì. Khi một người đến thành phố lạ, trước tiên người này xem bản đồ, nhìn các bảng tên đường, hỏi cảnh sát để không bị lạc và tới đúng nơi cần đến. Đời sống luân lý cần ĐIỂM THAM CHIẾU KHÁCH QUAN. Điểm tham chiếu này được gọi là LỀ LUẬT.

Du khách chẳng bao giờ cho rằng tự do của mình bị hạn chế, cũng không cho là đáng mắc cở khi phải nhờ vào bản đồ, các bảng chỉ đường, hoặc tập sách hướng dẫn du lịch để đến được nơi đã định. Nếu người này không chắc chắn, hoặc bắt đầu cảm thấy bị lạc đường, thì những bảng chỉ đường bắt gặp trên lộ trình là điều trấn an và xua tan hoang mang.

Trên thực tế, chúng ta nhờ cậy vào bản đồ hoặc bảng chỉ đường nhiều hơn nhờ cậy vào ý thức của chính chúng ta về phương hướng mà rất nhiều lần chúng ta trải qua sự thiếu chính xác của nó. Khi đi theo bảng chỉ đường, chúng ta không có cảm giác gì về sự bị ép buộc mà đúng hơn, chúng ta xem chúng như một hỗ trợ hữu ích, như một thông tin mới mà chúng ta nhanh chóng đưa vào làm thông tin của chính mình. (Francis Fernández, Trò chuyện với Thiên Chúa, tập 4, trg 451-452).

Giáo Hoàng Benedict XVI đã giảng những lời sau đây khi nhận định về thái độ của Ba Nhà Đạo Sĩ (thường gọi là Ba Vua) trong Thông Điệp Truyền Tin ngày 6 tháng 01 năm 2010:

Họ là những con người khoa học hiểu theo nghĩa rộng của từ này; họ quan sát vũ trụ và xem nó như một cuốn sách vĩ đại chứa đầy những dấu hiệu và thông điệp của Thiên Chúa truyền cho loài người. … [Nhưng] họ không cảm thấy gì là hổ thẹn khi nhờ những vị lãnh đạo tôn giáo của dân Do Thái chỉ đường cho họ. Hẳn là họ có thể nói: Chúng tôi tự làm việc đó được, chúng tôi không cần sự giúp đỡ của ai…

2.1 Định nghĩa lề luật

Sách GLCG (mục 1951) định nghĩa " lề luật" như sau:

(Lề) luật là qui tắc về hành vi do nhà cầm quyền chính đáng ban hành vì công ích.. Luật luân lý (moral law) bao hàm sự trật tự hợp lý, được thiết lập cho con người vì sự thiện hảo và để phục vụ mục đích tối hậu của họ, và bởi quyền năng, sự khôn ngoan, sự thiện hảo của Đấng Sáng Tạo.

Chúng ta nhận ra ba yếu tố trong định nghĩa trên.

    • Lề luật là qui tắc về hành vi bao hàm TRẬT TỰ HỢP LÝ. Lề luật không bất hợp lý, không phải là một điều gì đó hoàn toàn do ngẫu hứng. Lề luật xuất phát từ lý trí (không phải do ý chí hoặc từ sự chuyên quyền), và truyền đạt vào tâm trí con người. Thánh Thomas giải thích:
      • Lề luật là qui tắc và thước đo hành vi, nhờ đó, con người được thôi thúc hoặc bị hạn chế hành động. Chữ "lex" (luật) phát sinh từ chữ "ligare" (ràng buộc), vì nó qui định hành xử của con người. Nay qui tắc và thước đo hành vi nhân linh là lý trí; đây là nguyên tắc thứ nhất về hành xử của con người. (Summa Theologiae, I-II q90 a3)
    • Luật được ban hành bởi NHÀ CẦM QUYỀN CHÍNH ĐÁNG. Không phải bất cứ ai cũng có thể đưa ra luật lệ. Nhà cầm quyền với chức năng bảo vệ và tăng cường công ích phải ban hành và công bố lề luật.
    • Lề luật được ban hành vì CÔNG ÍCH. Lý trí hướng dẫn con người hoạt động không những vì lợi ích cá nhân mà còn vì ích lợi của mọi người. Hơn nữa, quyền lực mà nhà chức trách có được đều hướng tới công ích. Bởi thế, luật lệ mà nhà chức trách ban hành đã ẩn chứa sự lợi ích chung này. Lưu ý rằng thuật ngữ “ công ích” không những ám chỉ toàn bộ mọi lợi ích vật chất. Nó còn bao hàm công ích cao cả của loài người và vũ trụ là Thiên Chúa.

Lề luật là qui định khởi phát từ lý trí, và bởi thế, nó loan báo SỰ THẬT. Lề luật đưa ra những dữ kiện về cuộc sống, không phải những qui tắc tự ý đưa ra với những sự thưởng phạt tự ý thi hành. Tương tự như thế, các bảng chỉ đường không phải do ngẫu hứng mà dựng nên, nhưng do sự cần thiết phải chỉ ra sự thật về nơi đến của những con đường.

C.S. Lewis viết trong cuốn Reflections on the Psalms (Suy Tư về Thánh Vịnh) (San Diego: Harcourt Brace Jovanovich, 1986, trg 61):

Nhà luận lý thời nay thường nói rằng Lề Luật là một mệnh lệnh, và quan niệm rằng gọi một mệnh lệnh là “đúng”thì thật là vô lý. “Cánh cửa đóng” có thể là điều đúng hoặc sai, nhưng “Hãy đóng cửa lại” thì không tương tự như thế. Theo tôi nghĩ, tất cả chúng ta hiểu khá rõ về ý tưởng của các tác giả Thánh Vịnh. Ý của họ là trong Lề Luật chúng ta tìm thấy những phương hướng đích thực, đúng đắn, hoặc ổn định và có nền tảng vững chắc để sống. Lề luật trả lời câu hỏi:‘Làm thế nào chàng trai trẻ giữ gìn cách sống của mình thanh sạch?’[Thánh Vịnh 119:9]. Lề luật như ngọn đèn, như ánh sáng chỉ đường [Thánh Vịnh 119:105]. Có nhiều phương hướng sống đối nghịch nhau như từng được biểu lộ qua các nền văn hóa của các dân ngoại. Khi các tác giả Thi Thiên (tên gọi khác của Thánh Vịnh) gọi những phương hướng hoặc‘sự qui định’ của Gia Vê là‘đúng’, họ đang trình bày sự khẳng định rằng không phải những qui định nào khác mà chính là những qui định của Gia Vê là những qui định ‘đích thực’ và không thể bác bỏ; chúng đặt nền tảng nơi bản chất của sự vật và nơi bản tính của Thiên Chúa.

HA Rommen, trong tác phẩm The Natural Law. A Study in Legal and Social History and Philosophy (Luật Tự Nhiên. Một Khảo Cứu Về Lịch Sử Và Triết Thuyết Luật Pháp Và Xã Hội) (Missouri: B Herder Book Co, 1947, trg 195) trình bày thêm:

Về căn bản, luật pháp không phải là ý chí, mặc dù nó có được sự hiện hữu cụ thể tích cực là nhờ hành động tự ý của nhà làm luật. Xét về mặt chất liệu, luật phải là qui tắc của lý trí và vì lý trí (nơi một chủ thể đối với luật pháp). Tức là, chỉ bởi điều này luật pháp mới có thể đạt được phẩm tính xác quyết của luật lệ đích thực. Vì tính chất hợp lý phải được điều khiển và dẫn đắt theo lý trí, tức là nó phải đúng với sự thật. Đó là tính chất thuộc trí tuệ có từ khi người Hy Lạp đề ra tính xác đáng của “qui tắc”: luật pháp là chân lý ("veritas facit legem").

C.S. Lewis, trong tác phẩm đã dẫn ở trên (xem thêm: HA Rommen, The Natural Law [Luật Tự Nhiên] trg 191-201 ; M Adler, Ten Philosophical Mistakes [Mười Sai lầm Triết Học] New York: Macmillan, 1985, trg 108-127; và M Adler, Six Great Ideas [Sáu Tư Tưởng Vĩ Đại] New York: Macmillan, 1981, trg 64-71) còn đưa ra luận điểm:

Trong thế kỷ 18, có nhiều nhà thần học mang quan điểm kinh hãi rằng‘ Thiên Chúa không ban lệnh một số điều vì những điều này vốn đã đúng, nhưng cũng có một số điều đúng vì Thiên Chúa ban lệnh như thế’. Để làm sáng tỏ quan điểm này, một trong những nhà thần học đó nói rằng mặc dù Thiên Chúa lệnh cho chúng ta là phải yêu kính Ngài và yêu thương nhau, nhưng hẳn là Ngài cũng ban lệnh là chúng ta căm ghét Ngài và thù ghét nhau; như thế, sự thù nghét là một điều đúng. Hẳn nhiên, đây là hai mặt của đồng tiền mà Thiên Chúa ấn định. Chúng ta nhận thấy quan điểm như thế đã làm Thiên Chúa trở thành một nhà độc tài chuyên chế.

Do đó, chẳng lạ gì khi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặt tên cho Tông Huấn của Ngài về giáo thuyết luân lý của Hội Thánh là "Veritatis Splendor" (Sự Huy Hoàng Của Chân Lý).

2.2 Luật Vĩnh Cửu, nền tảng của mọi Lề Luật

Sách GLCG (mục 1952) viết:

Có nhiều sự diễn đạt khác nhau về luật luân lý, nhưng tất cả đều tương quan với nhau:

    • Luật vĩnh cửu _ nguồn của mọi lề luật và khởi phát nơi Thiên Chúa;
    • Luật tự nhiên (Nhiên luật);
    • Luật mạc khải, gồm Luật Cựu Ước và Luật Mới hay Luật Tin Mùng; và sau cùng,
    • Luật dân sự (Dân luật) và
    • Luật Giáo Hội (Giáo luật).

Luật Vĩnh Cửu là gì? Trong Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiae I-II q93 a1), Thánh Thomas Aquinas giải thích luật này bằng phép so sánh tương đồng. Ngài viết rằng mọi nghệ nhân đều có trong trí óc mình kiểu dáng và khuôn mẫu của vật mà họ định chế tác. Ý tưởng trong trí nghệ nhân là mô hình mẫu của cái mà ông muốn tạo tác. Mô hình mẫu này tác động như một qui luật ấn định cách thức nghệ nhân thực hiện công việc sáng tạo. Tương tự như thế, Đấng Thượng Trí (Divine Wisdom) cũng có trong trí của Ngài khuôn mẫu, kiểu dáng, kế hoạch cho công trình sáng tạo của Ngài. Kiểu dáng trong trí của Ngài là mô hình mẫu giống như một luật định, và đó là Luật Vĩnh Cửu. Ngôn sứ Isaiah (64:8) thốt lên rằng

Thế nhưng, lạy Ðức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.

2.3 Luật luân lý tự nhiên

Chúng ta cùng nhau khai triển sự so sánh tương đồng nói trên. Giả sử người tạo tác hoàn thành kiểu dáng của vật mà ông muốn chế tác, ông bèn bắt tay vào việc chế tạo theo đúng mô hình mẫu vẽ ra trong trí (mà lúc này có thể đã được thể hiện trên giấy) sao cho mô hình mẫu trong trí trở thành một hiện thể. Nói rộng ra, cấu trúc của vật tạo tác phải tương ứng với mô hình mẫu. Cấu trúc này ấn định sản phẩm vận hành và có chức năng như thế nào. Cũng tương tự như vấn đề cấu trúc của sản phẩm tương ứng với mô hình trong trí người tạo tác, BẢN TÍNH của con người tương ứng với mô hình trong trí Thiên Chúa. Bản tính này ấn định cách con người hoạt động và làm việc. Mô hình mẫu trong trí là luật định của người tạo tác, nên tính chất của sản phẩm là luật định trong vật chế tác hoàn thiện. Mô hình trong trí Thiên Chúa là Luật Vĩnh Cửu, nên BẢN TÍNH (nói sát nghĩa hơn là Tự Nhiên Tính) của con người ấn định luật cho con người. Đây CHÍNH LÀ LÝ DO vì sao luật này được gọi là "Luật Tự Nhiên".

Peter Kreeft giải thích trong cuốn Catholic Christianity (Kitô Giáo Toàn Cầu) (San Francisco: Ignatius Press, 2001, trg 168):

Luật luân lý dựa trên bản tính tự nhiên của con người. Điều này có nghĩa là những gì chúng ta phải làm dựa trên những gì thuộc con người chúng ta. Thí dụ:giới răn “Ngươi không được giết người”đặt nền tảng trên giá trị đích thực của sự sống con người và sự cần thiết phải bảo tồn nó. Giới răn “Ngươi không được ngoại tình” dựa trên giá trị đích thực của hôn nhân và gia đình, giá trị của tình yêu tự dâng hiến cho nhau, và nhu cầu của con cái về lòng tin cậy và sự vững bền.

Chính trong bối cảnh này mà chúng ta cần đọc lại lời của Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Rôma (2:15) về những người không tin:

15 Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải.

Tuy nhiên, khác hẳn với vật chế tác mà nghệ nhân tạo ra, đối tượng của Luật Vĩnh Cửu của Thiên Chúa là thụ tạo có ý chí và suy tư như Đấng Sáng Tạo đã tạo dựng chúng. Không giống như vật phẩm không sự sống của nghệ nhân, thụ tạo này có sự tùy chọn là đón nhận hoặc bác bỏ kế hoạch của Chúa Tể. Đúng như vậy. Đó là khả năng "đáng sợ" của sự tự do của chúng ta. Chúng ta có thể nói “vâng”, và chúng ta có thể nói "không" với Cha toàn thiện của chúng ta. Thánh Josemaría Escrivá nhận định trong cuốn The Way (Phương Thức) (mục 756):

Chúng ta là những khối đá có thể di chuyển và cảm nhận, có ý chí hoàn toàn tự do. Chính Thiên Chúa là thợ tạc đá thực hiện công việc nơi chúng ta, đục cắt những cạnh gồ ghề, tạo hình chúng ta theo ý Ngài bằng những nhát búa, những nhát đục. Chúng ta đừng ra sức tránh sang một bên, đừng mong muốn thoát khỏi ý muốn của Ngài, vì trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những nhát đẽo tạc. Chúng ta sẽ chịu đựng nhiều hơn nữa, và vô dụng thay, nếu thay vì trở thành tảng đá bóng mịn sẵn sàng cho công trình tạo dựng, thì chúng ta lại trở nên đống đá vụn vô định hình mà người ta xem thường giẵm đạp dưới chân.

MỘT LÝ DO KHÁC NỮA cho biết vì sao luật này được gọi là “Luật Tự Nhiên” đó là luật này có thể được nhận thức bằng SỰ SOI SÁNG TỰ NHIÊN của lý trí thuần túy. Đấng Tạo Tác, đồng thời cũng là Đấng Lập Pháp, ban luật này cho những thụ tạo có thể hiểu nó bằng trí óc của họ, có thể thu nhận nó vào bản thân hoặc làm cho nó trở thành luật của chính họ, vì Ngài trông đợi họ vận dụng trí năng và ý chí, tức là sự tự do của họ, để đáp ứng với luật này. Thiên Chúa tôn trọng bản tính con người tới mức Ngài không khi nào lấn lướt sự tự do của họ. Peter Kreeft giải thích (cũng trong cuốn Catholic Christianity, trg 168):

Luật Tự Nhiên được hiểu một cách tự nhiên bằng lý trí tự nhiên và kinh nghiệm của con người. Chúng ta không cần đức tin tôn giáo hoặc sự mạc khải siêu nhiên mới có thể biết rằng chúng ta chịu ràng buộc về luân lý là phải làm lành lánh dữ, hoặc để hiểu thiện là gì và ác là gì. Mọi nền văn hóa trong lịch sử nhân loại đều có một phiên bản nào đó của Mười Điều Răn. Không nền văn hóa nào trong lịch sử nhân loại lại có tư tưởng cho rằng tình yêu, lòng nhân từ, sự công bằng, tính lương thiện, sự quả cảm, sự khôn ngoan, hoặc sự tự chủ là điều xấu xa; và lại quan niệm rằng lòng thù hận, sự nhẫn tâm, sự bất công, tính bất lương, sự hèn nhát, sự ngu muội, hoặc đam mê thái qua là điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, sự hiểu biết về Luật Tự Nhiên khác nhau tùy từng người. Sách GLYL (mục 417) hỏi: "Mọi người có nhận thức được Luật Tự Nhiên không?" Và lời đáp:

Vì tội lỗi, mọi người không thể nhận thức luật tự nhiên một cách rõ ràng và trực tiếp như nhau.

Bởi lẽ đó, Thiên Chúa đã giảng giải luật này cho chúng ta (xem phần Thiên Luật Tích Cực dưới đây), và đòi hỏi chúng ta rèn luyện lương tâm (xem phần Lương Tâm sau đây).

Luật Tự Nhiên có tính phổ quát và bất biến.

    • Luật Tự Nhiên dự trên bản tính con người nên mọi cá nhân mang bản tính con người đều thuộc phạm vi chi phối của luật này. Do đó, Luật Tự Nhiên có tính PHỔ QUÁT. (xem thêm GLYL 416)
    • Hơn nữa, bản tính con người hiện nay cũng tương tự như bản tính con người thời Adam và Eve, nên Luật Tự Nhiên có tính BẤT BIẾN. (Thực ra, có một số người đưa ra luận điểm là con người ngày nay khác với con người thời xa xưa. Tuy nhiên, họ chỉ nói tới những thay đổi ngẫu nhiên và không thiết yếu). (xem thêm GLYL 416)

2.4 Thiên luật tích cực

Khi chúng ta mua một thiết bị điện tử, việc đầu tiên chúng ta làm là mở hộp đựng ra và đọc tập sách hướng dẩn sử dụng. Thiết bị càng đắt tiền, chúng ta lại càng đọc kỹ để nắm vững cách thức sử dụng. Đó là vì tập sách hướng dẫn sử dụng cho chúng ta biết thiết bị vận hành thế nào. Chúng ta có quyền bỏ qua tập sách này không? Dĩ nhiên rồi, nhưng đó là điều ngốc nghếch. Nhà sản xuất ghi những hướng dẫn sử dụng cho chúng ta để (1) chúng ta không làm hỏng thiết bị do sử dụng không đúng cách hoặc dùng thái quá, và (2) chúng ta tận dụng được tính năng của thiết bị.

Đây chính xác là ý nghĩa của Thiên Luật Tích Cực. Thiên Chúa MẠC KHẢI cho chúng ta nội dung của Luật Tự Nhiên. Ngài giảng giải rõ ràng luật này cho chúng ta. Sách GLCG mục 1960 viết:

Trong thực trạng hiện nay, con người tội lỗi cần ân sủng và mạc khải để những điều đúng về luân lý và tôn giáo có thể được hiểu biết "bởi mọi người một cách dễ dàng, một cách đoan chắc, và không chút sai lệch" [Pius XII, Humani generis: DS 3876; xem thêm Dei Filius 2: DS 3005]

2.4.1 Luật Cựu Ước

Sách GLYL (mục 418; xem thêm GLCG 1961-1962,1980) hỏi: "Tương quan giữa luật tự nhiên và Luật Cựu Ước như thế nào?"

Luật Cựu Ước là cấp độ đầu tiên của Luật mạc khải. Luật này trình bày nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt tới một cách tự nhiên; được củng cố và chính thức hóa trong các Giao Ước Cứu Độ. Các qui định luân lý của chúng được tóm lại trong Mười Điều Răn, đặt nền tảng cho ơn gọi của con người. Các qui định này ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, đồng thời ấn định những đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy.

Như thế, Luật Cựu Ước rất quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sách GLYL (mục 419; xem thêm GLCG 1963-1964,1982) giải thích vai trò của luật này và chỉ ra những hạn chế của nó:

Luật Cựu Ước giúp chúng ta nhận biết nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt được. Luật Cựu Ước chỉ cho thấy điều người ta phải làm hoặc không được phép làm, và nhất là như một nhà sư phạm khôn ngoan, chuẩn bị con người sám hối để đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dù thánh thiện , thiêng liêng và tốt lành, Luật Cựu Ước vẫn bất toàn vì tự nó không ban sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp người ta tuân giữ nó.

2.4.2 Luật mới

Luật Mới hay Luật Tin Mừng là gì? GLYL (mục 420; xem thêm GLCG 1965-1972,1983-1985) đáp:

Luật Mới hay Luật Tin Mừng được Đức Kitô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành Luật Thiên Chúa, tự nhiên và mạc khải. Luật Mới được tóm kết trong giới răn mến Chúa yêu người, “yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta”. Luật Mới cũng là một thực tại trong thâm tâm con người: đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể thực hiện một tình yêu như thế. Đó là “luật tự do” (Galat 1:25), hướng dẫn chúng ta mau mắn hành động dưới sự thúc đẩy của đức ái.

"Luật Mới chủ yếu là ân sủng của Chúa Thánh Thần được ban cho các tín hữu trong Đức Kitô." (Thánh Thomas Aquinas)

Sách GLCG mục 1968 trình bày về hai vai trò quan trọng của Luật Mới:

    • Luật Tin Mừng ... làm tỏ lộ tiềm năng của Luật Cựu Ước,và có những đòi hỏi mới nảy sinh từ đó: Luật Tin Mừng tỏ lộ toàn bộ chân lý Nước Trời và loài người.
    • Nó không thêm những giới luật ngoại tại mới, nhưng hướng đến việc biến đổi tâm hồn, cội rễ của những hành vi con người.

Luật Mới mang tính chất mới theo nhiều cách, được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Sách GLCG mục 1972 kể các tên đó như sau:

    • Luật Mới được gọi là LUẬT YÊU THƯƠNG vì nó giúp chúng ta hành xử vì tình yêu thấm nhuần ơn Thánh Linh chứ không phải vì hãi sợ;
    • được gọi là LUẬT ÂN SỦNG, vì nó ban sức mạnh của ân sủng để hành xử thông qua đức tin và các phép bí tích;
    • được gọi là LUẬT TỰ DO, vì nó
        • giải thoát chúng ta khỏi sự tuân giữ những nghi thức và lý đoán của Luật Cựu Ước,
        • giúp chúng ta hành xử một cách tự nguyện theo sự thúc đẩy của đức mến, và
        • giúp chúng ta vượt qua thân phận tôi tớ "không biết những gì Thày mình đang làm" để vươn lên địa vị là bạn hữu của Đức Kitô - "vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết" - hoặc thậm chí còn lên tới địa vị con cái và người thừa kế [Gioan 15:15; xem thêm Giacôbê 1:25; 2:12; Galat 4:1-7.21-31; Rôma 8:15]

Chúng ta gặp được Luật Mới ở đâu? (GLYL 421; xem thêm GLCG 1971-1974,1986).

Chúng ta gặp được Luật Mới

    • trong suốt cuộc đời và lời rao giảng của Đức Kitô, và
    • trong huấn giáo luân lý của các Tông Đồ.

Bài Giảng Trên Núi là sự diễn tả chính yếu của Luật này.

2.5 Luật con người (Nhân luật)

Đúng nghĩa của tên gọi, luật con người là những lề luật do các nhà lập pháp đặt ra.

Fr John Hardon, SJ, giải thích trong cuốn The Question and Answer Catholic Catechism (Hỏi Và Đáp Về Giáo Lý Công Giáo) (New York: Image Books, 1981, 531) về sự bắt buộc phải tuân giữ lề luật con người.

Lề luật con người có tính ràng buộc khi nó tương hợp với luật vĩnh cửu của Thiên Chúa. Như vậy, những luật lệ không chính đáng hoặc thiếu công bằng được Nhà Nước thông qua, chẳng hạn như luật cho phép phá thai hoặc luật cấm dạy giáo lý Kitô giáo,… không thể có tính ràng buộc.

Có hai loại luật này: luật Hội Thánh và luật dân sự.

    • LUẬT HỘI THÁNH (GIÁO LUẬT hoặc LUẬT ĐẠO). Fr John Hardon giải thích (trong cuốn The Question and Answer Catholic Catechism, 532 nói trên):
      • Giáo luật là lề luật được ban hành bởi ban thẩm quyền hợp thức trong Giáo Hội Công Giáo. Nhà làm luật cho cả Giáo Hội là Giáo Hoàng thông qua Giáo Triều Roma (Roman Curia) hoặc bởi công đồng chung (ecumenical council) cùng với Giáo Hoàng. Các giám mục cũng được quyền ban luật cho giáo phận thuộc quyền..
    • LUẬT DÂN SỰ (Dân Luật). Fr Hardon giải thích (cũng trong cuốn The Question and Answer Catholic Catechism, 533):
      • Luật dân sự là luật ban hành bởi chính quyền trong một xã hội chính trị. Luật dân sự công bằng có tính chất ràng buộc lương tâm về mặt luân lý truyền thống của Giáo Hội minh chứng trải qua các thời đại trong Kinh Thánh. Thánh Phêrô từng dạy các Kitô hữu thời kỳ sơ khai:" 13) Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra: dù là vua, người nắm quyền tối cao, (14) dù là quan, sứ giả của nhà vua để trừng phạt kẻ làm điều ác và khen thưởng người làm điều thiện, (15) vì ý muốn của Thiên Chúa là anh em hãy làm điều thiện để bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri. (Phêrô I, 2:13-15)

3. Lương tâm

Sách GLCG (mục 1776) trích dẫn Gaudium et Spes (mục 16) khi nói về lương tâm luân lý: ("Gaudium et Spes" = Vui Mừng và Hy Vọng, tức Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh trong thế giới hôm nay của Công Đồng Vatican II)

Sâu thẳm trong lương tâm, con người phát hiện một lề luật mà mình không đặt ra cho chính mình nhưng lại phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm từng thôi thúc con người hãy yêu thương nhau và làm việc lành, lánh sự dữ, luôn vang vọng trong lòng con người vào đúng thời điểm cần thiết … Vì con người có lề luật do Thiên Chúa khắc ghi trong lòng họ… Lương tâm nằm nơi sâu thẳm của con người và là cung thánh của con người. Nơi đó con người ở một mình với Thiên Chúa, nghe tiếng nói của Ngài vang lên trong thâm tâm

3.1 Định nghĩa

Sách GLYL (mục 372; xem thêm GLCG 1776-1780,1795-1797) định nghĩa lương tâm như sau:

Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm luân lý là một phán đoán của lý trí, vào lúc cần thiết, thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhờ lương tâm luân lý, con người nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm, và đảm nhận trách nhiệm về hành vi đó. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm luân lý, con người khôn ngoan có thể nghe tiếng Thiên Chúa nói với mình.

Chúng ta khảo sát những yếu tố trong định nghĩa trên

    • PHÁN ĐOÁN CỦA LÝ TRÍ. Lương tâm KHÔNG PHẢI là một CẢM THỨC. Nó là một dạng TRI THỨC, một phán đoán do lý trí đưa ra khi nó xem xét một hành vi. Chúng ta biết rằng tự do đòi hỏi đến trí năng và ý chí. Khi trí năng thẩm định tính luân lý của hành vi, đánh giá hành vi đó tốt hay xấu, thiện hay ác, nó được gọi là lương tâm.
    • VỀ VIỆC LÀNH HOẶC VIỆC DỮ. GLCG gọi tính thiện hoặc ác của hành vi là "phẩm chất luân lý".
    • Hành vi được phán đoán có thể là hành vi trong QUÁ KHỨ, ở HIỆN TẠI hoặc trong TƯƠNG LAI.

3.2 Những loại lương tâm

3.2.1 Xét về khía cạnh PHÁN ĐOÁN

Sách GLCG mục1799 viết:

Giáp mặt với một lựa chọn luân lý, lương tâm có thể đưa ra một phán đoán đúng phù hợp với lý trí và luật Thiên Chúa; hoặc một phán đoán sai lầm tách xa hai chuẩn mực trên.

    1. SAI hoặc LẦM LẪN. Khi lương tâm phá đoán một điều gì đó là tốt trong khi thực sự nó là điều xấu, hoặc phán đoán một điều gì đó là xấu trong khi thực sự nó là điều tốt, thì đó là lương tâm sai lạc hoặc lầm lẫn. Làm sao người ta biết được một điều nào đó thực sự là tốt hoặc thực sự là xấu? Chúng ta sẽ xem dưới đây. Sách GLCG (mục 1792) cho biết những sai lầm này xuất phát từ đâu:
      1. Sự thiếu hiểu biết về Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài; gương xấu của kẻ khác; sự nô lệ cho đam mê của bản thân; sự quyết đoán về một quan niệm sai lầm liên quan tới tính độc lập của lương tâm; sự phản bác thẩm quyền và giáo huấn của Hội Thánh; sự thiếu lòng hoán cải và đức mến; tất cả những điều trên là nguồn gốc những sai lầm của sự phán đoán về hành vi luân lý.
    2. Mặt khác, một lương tâm ĐÚNG, XÁC THỰC phán đoán điều xấu là xấu, điều tốt là tốt. Đức Kitô phán dạy các môn đệ của Ngài (Mátthêu 5:37):
      1. Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
      2. Đây cũng là điều được Thánh Giacôbê nhắc lại trong Thư của Ngài (Giacôbê 5:12):
      3. Nhưng thưa anh em, trước hết, đừng có thề, dù lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hễ "có" thì nói "có", "không" thì nói "không", như thế anh em sẽ không bị xét xử.

3.2.2 Xét về TÍNH XÁC QUYẾT

Khi lương tâm phán đoán, một người có thể (1) tin chắc chắn vào kết luận của lương tâm, hoặc (2) anh ta sẵn sàng thay đổi ý nghĩ, hoặc (3) anh ta phân vân, lưỡng lự. Ở đây, chúng ta nhận thấy ba trạng thái đón nhận phán quyết của lương tâm.

    1. SỰ ĐOAN CHẮC. Đây là trường hợp người ta khẳng định rằng một hành vi nào đó là tốt hoặc là xấu, không tốt như thế, hoặc không xấu tới mức như thế.
    2. QUAN NIỆM. Thái độ này là thái độ thiếu quả quyết. Người ta có ý tin rằng một điều nào đó là tốt hoặc là xấu, nhưng vẫn nghĩ có khả năng mình sai.
    3. HOÀI NGHI. Một người hoài nghi không đưa ra nhận định về điều nào đó là tốt hay xấu. KHÔNG BAO GIỜ ĐÚNG KHI HÀNH ĐỘNG VỚI LƯƠNG TÂM HOÀI NGHI. Chúng ta cần làm sáng tỏ sự hoài nghi trước khi hành động.

3.2.3 Xét về tính xác định của mệnh lệnh lương tâm

Sau khi xét tính luân lý của hành vi, lương tâm thực hiện một trong những việc sau:

    1. CHO PHÉP hành vi được làm.
    2. THÔI THÚC nên thực hiện hành vi đó.
    3. CHẾ NGỰ hoặc CẤM ĐOÁN một hành vi nào đó.

Qui tắc quan trọng cần ghi nhớ là người ta PHẢI VÂNG THEO lương tâm mình khi sự phán đoán của nó XÁC ĐÁNG (hoàn toàn không phải là đưa ra một quan niệm hoặc còn hoài nghi), và khi lương tâm CHẾ NGỰ hoặc CẤM ĐOÁN (không phải là cho phép hoặc thôi thúc). Vì thế, Sách GLCG (mục 1790) dạy:

Con người phải luôn luôn vâng theo phán quyết của lương tâm mình. Nếu tự ý hành động ngược với lương tâm, con người tự kết án mình.

3.3 Sự thiếu hiểu biết (sự vô minh)

Chúng ta đã biết lương tâm KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CẢM THỨC, nhưng là một dạng TRI THỨC, một PHÁN ĐOÁN đưa ra bởi trí năng thực tiễn. Để đưa ra được phán đoán này, lương tâm cần những dữ liệu; và khi những dữ liệu này thiếu hoặc hoàn toàn không có, thì sự thiểu hiểu biết nảy sinh.

Một người hành động vì thiếu hiểu biết có đáng khiển trách hay không? Câu trả lời tùy thuộc vấn đề là sự thiếu hiểu biết của anh ta (1) có khắc phục được hay có đáng trách không; hoặc (2) sự thiếu hiểu biết đó không khắc phục được hoặc không đang trách. Khác biệt ra sao?

    1. Theo đúng nghĩa của từ ngữ, sự thiếu hiểu biết KHẮC PHỤC ĐƯỢC có thể vượt qua, vì về mặt trí năng, người ta có thể am tường các nguyên tắc liên quan. Nếu sự thiếu hiểu biết do không nỗ lực học hỏi, thì sự thiếu hiểu biết này là điều ĐÁNG TRÁCH. Các mục 1790 và 1791 của Sách GLCG viết:
      1. Điều có thể xảy ra là lương tâm luân lý vẫn còn trong tình trạng vô minh và đưa ra những phán đoán sai lạc về hành vi sẽ làm hoặc đã làm.
      2. Sự thiếu hiểu biết này có thể qui cho trách nhiệm cá nhân. Đây là trường hợp khi một người “không có khó khăn gì để tìm hiểu cái gì là chân thật, là đúng; hoặc khi lương tâm dần dần thui chột do thói quen phạm tội " [Gaudium et Spes, 16]. Trong những trường hợp như thế, chủ thể hành động hoàn toàn đáng trách vì điều xấu đã làm, vì tội đã phạm..
    2. Trái lại, sự thiếu hiểu biết KHÔNG KHẮC PHỤC ĐƯỢC miễn cho cá nhân liên quan khỏi chịu trách nhiệm, và vì thế, nó cũng được gọi là KHÔNG ĐÁNG TRÁCH. Sự thiếu hiểu biết không khắc phục được cũng có thể có nơi người có trí năng cao, vì điều có thể xảy ra là họ được dạy bảo sai bởi những người mà họ rất kính trọng và rồi cứ giữ mãi những lời dạy bảo đó. Sách GLCG (mục 1793) viết:
      1. Trái lại, nếu sự thiếu hiểu biết không khắc phục được, hoặc chủ thể luân lý không bị trách nhiệm về sự phán đoán sai lầm của mình, thì điều xấu mà người đó phạm phải không thể qui trách cho anh ta. Nhưng thực sự điều đó vẫn là một điều xấu, một khuyết điểm, một rối loạn. Chính vì thế, con người phải nỗ lực để sửa những sai lạc của lương tâm luân lý.

3.4 Sự rèn luyện lương tâm

Con người có thể rèn luyện lương tâm bằng cách nào? Chúng ta trình bày ở đây ba phương cách chính.

    • Rèn luyện tâm trí thông qua HỌC HỎI, CẦU NGUYỆN và SỰ LINH HƯỚNG. Sách GLYL (mục 374; xem thêm GLCG 1783-1788,1799-1800) dạy:
      • Lương tâm luân lý ngay thẳng và chân thật được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhuần Lời Chúa, và các giáo huấn của Hội Thánh. Lương tâm luân lý được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và được các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp. Ngoài ra, cầu nguyện và xét mình cũng đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo luân lý.
    • Điều này cũng bao hàm sự thường xuyên lãnh Bí Tích HÒA GIẢI, vì linh mục giải tội có thể đưa ra lời khuyên dạy thiết thực và thích hợp với nhu cầu của từng người. Bí Tích Giải Tội cho chúng ta cơ hội để hòa mình vào sự linh hướng. Chúng ta nên đi xưng tội thường xuyên thế nào? Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có thói quen từ nhỏ là đi xưng tội một tuần một lần; và Giáo Hoàng Benedict XVI cũng khuyên như thế.
    • Rèn luyện Ý CHÍ thông qua sự trau dồi, đấu tranh và hãm mình. Ý chí có thể thúc ép trí năng xem nhẹ cái xấu của những hành vi nào đó. Bởi vậy, ý chí cần được rèn luyện để yêu thương sự thiện hảo và đấu tranh cho nó dù điều này đòi hỏi nhiều hy sinh, hãm mình.
    • SỰ SẴN SÀNG để THAY ĐỔI cuộc sống của một người theo niềm tin của họ. Mọi người đều là con cháu của Adam và Eva, mọi người đều là kẻ có tội, và như vậy mọi người nên sẵn sàng để đổi mới mỗi ngày.

4. Lương tâm và lề luật

Như chúng ta biết, lương tâm phán đoán về cái tốt hoặc cái xấu của một hành vi. Đó là qui chuẩn CHỦ QUAN của luân lý. Tuy nhiên, lương tâm cần đặt nền tảng những phán đoán của nó trên những chuẩn mực KHÁCH QUAN. Lương tâm không thể đưa ra những qui tắc luân lý của chính mình. Nó cần điểm tham chiếu ổn định độc lập với sự ngẫu hứng, bốc đồng của bất kỳ cá nhân nào. Nếu không, một số người sẽ áp đặt luân lý của mình lên những người khác. Đó là những gì Hồng Y Ratzinger, nay là giáo Hoàng XVI, trình bày trong bài giảng ngày 18/4 trước Mật Tuyển Viện (Conclave) bầu chọn Ngài làm Giáo Goàng.

Biết bao nhiêu luồng chủ thuyết chúng ta biết được trong những thập niên gần đây, biết bao nhiêu luồng ý thức hệ, biết bao nhiêu lối suy tưởng. Con thuyền nhỏ tư duy của nhiều Kitô hữu thường xuyên tròng trành, chao đảo bởi những cơn sóng này; thuyền chao từ cực đoan này sang cực đoan khác:từ chủ nghĩa Marx tới chủ nghĩa tự do, thậm chí tới chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể tới chủ nghĩa cá nhân; từ chủ thuyết vô thần tới chủ thuyết thần học tôn giáo huyền ảo; từ thuyết bất khả tri tới thuyết tổng hợp các tôn giáo, v.v… Chủ xướng mới nảy sinh hằng ngày, và những gì Thánh Phaolô nói về sự lừa đảo và xảo quyệt của con người lôi kéo người ta vào đượng lầm lạc đang trở thành hiện thực. (xem thêm Êphêsô 4:14).

Ngày nay, có đức tin trong sáng dựa trên Kinh Tin Kính của Giáo Hội thường được gắn nhãn hiệu là chủ thuyết cơ bản ( fundmentalism, chủ trương đặt niềm tin vào cách giải thích Kinh Thánh theo nghĩa đen). Trong khi đó, chủ thuyết tương đối, tức là cứ để bản thân "bị cuốn hút trôi đi theo mọi luồng chủ thuyết", dường như là thái độ duy nhất có thể đáp ứng với thời hiện đại.Chúng ta đang tạo dựng sự chuyên chính của chủ thuyết tương đối vốn không nhận ra điều gì là đáng tin cậy, và mục đích tối hậu của nó chỉ là bản ngã con người và khát vọng nhân sinh

Lương tâm chúng ta cần hiểu biết ĐIỀU GÌ THỰC SỰ LÀ THIỆN HẢO, TỐT ĐẸP và ĐIỀU GÌ THỰC SỰ LÀ ÁC DỮ, XẤU XA. Bằng cách đó, lương tâm mới có thể phán đoán một cách xứng hợp. Khi trí năng CÓ ĐỦ HIỂU BIẾT và ĐƯỢC RÈN LUYỆN KỸ LƯỠNG, nó sẽ nhận định một cách chính xác; khi ý chí MẠNH MẼ và VỮNG CHẮC, nó sẽ tác động tương ứng với trí năng; hệ quả là tự do sẽ được sử dụng một cách không ngoan.

Sau cùng, chúng ta suy niệm về những lời của Thiên Chúa mà chúng ta đọc được trong Tin Mừng Thánh Gioan (8:31-32)

31 Vậy, Ðức Giêsu nói với những người Dothái đã tin Người: "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông".

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 363-369,372-376,415-421.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 1730-1748,1776-1802,1949-1986.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 2. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 391-450.

Websites