Bài 14: "Thầy Sẽ Ở Cùng Anh Em Luôn Mãi"

1. Giáo Hội Trong Lịch Sử

Trước khi về Trời, Đức Giêsu Kitô phán dạy các Tông Đồ (Mátthêu 28:19-20):

(19) "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".

Đức Giêsu trấn an các Tông Đồ về sự hiện diện thường xuyên của Ngài. Hơn nữa, Ngài còn húa với họ rằng Chúa Thánh Thần cũng luôn luôn ở cùng họ (Gioan 14:16):

Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.

Câu chuyện về một dân tộc được Thiên Chúa qui tụ là sự đan xen giữa nhân tính và thiên tính. Một mặt, chúng ta biết chúng ta là con người; và mặt khác, chúng ta nhận biết chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta cần nhớ kỹ điều này mỗi khi tìm hiểu về lịch sử Giáo Hội.

Khi nghiên cứu lịch sử Giáo Hội Công Giáo qua các thế kỷ, chúng ta nhận ra một số đặc điểm sau:

1.1 Sự hợp nhất về thời gian và không gian (Tính Công Giáo)

Kể từ khi được Đức Giêsu Kitô thành lập cho đến nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn giữ cũng mộtđức tin và những lời dạy đó, cũng các phép bí tích đó, cũng cơ cấu quyền bính đó (thông qua sự tông truyền) trong khi vẫn đón nhận sự đa dạng văn hóa và chủng tộc từ khắp mọi miền trên thế giới.

1.2 Hoạt động truyền giáo

Giáo Hội luôn rao giảng Tin Mừng đến khắp mọi nơi, vận dụng mọi biến cố hoặc sự kiện lịch sử.

1.3 Hoa trái thánh đức

Ở mọi thế hệ, Giáo Hội luôn có những vị thánh xuất thân từ những người thuộc mọi thân phận, hoàn cảnh và vị thế xã hội.

1.4 Khả năng khôi phục

Các cuộc khủng hoảng do sự hèn yếu của con người gây ra cho Giáo Hội không thể cản ngăn Giáo Hội tiếp tục vươn lên và khôi phục sức sống của mình.

2. Giáo Hội tiên khởi (từ ngày đầu cho tới sự suy vong của Đế Quốc La Mã năm 476)

2.1 Từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 4

Ngay từ thời kỳ đầu sau khi Giáo Hội được thành lập do Đức Giêsu Kitô, Kitô giáo đã lan rộng dưới sự dẫn dắt của Thánh Phêrô cùng các Tông Đồ; và sau đó là các đấng kế vị (Giáo Hoàng và các Giám Mục). Vào đầu thế kỷ 4, cộng đồng Kitô hữu chiếm khoảng 15% dân số của Đế Quốc La Mã, và tập trung tại các đô thị và khu vực phía đông của đế quốc này. Tuy nhiên, tôn giáo mới này cũng đã vươn tới Armenia, bán đảo Ả Rập, Ethiopia, Ba Tư (Iran ngày nay) và Ấn Độ.

Đế Quốc La Mã xem Kitô giáo là một hiểm họa vì tôn giáo này giảng dạy về sự tự do ý thức đối với quyền bính nhà nước. Những người tin theo Đức Kitô phải chịu nhiều sự bách hại, nhất là dười thời các Hoàng Đế Nero (54-68), Domitian (81-96), Trajan (98-117), Marcus Aurelius (161-180), Septimius Severus (193-211), Maximinus Thrax (235-238), Decius (249-251), Valerian (253-260), Aurelian (270-275), Diocletian (284-305); đây là hoàng đế khát máu nhất trong các vị nói trên. (Xem thêm Peter Klein, The Catholic Sourcebook, 3rd ed, p 221)

Năm 313, Hoàng Đế CONSTANTINE ban cho các Kitô hữu quyền tự do thờ phượng Thiên Chúa. Hoàng Đế Theodosius (379-395) đưa Kitô giáo thành tôn giáo chính của Đế Quốc La Mã. Cuối thế kỷ 4, cộng đồng Kitô hữu chiếm số đông trong Đế Quốc La Mã.

2.2 Thế kỷ 4

Trong thế kỷ 4, khi những đe dọa từ bên ngoài đã giảm thì Giáo Hội lại phải đối mặt với sự khủng hoảng nội bộ; đó là vấn đề bè rối Ariô. Arius, một giáo sĩ thành Alexandria, Ai Cập, đưa ra lạc thuyết Arinô (Arianism) cho rằng Đức Giêsu Kitô không phải là Thiên Chúa, mặc dù Ngài là bậc thượng đẳng trong các loài thụ tạo, và là bậc siêu đẳng trong muôn loài khác. Arius cũng phủ nhận thiên tính của Chúa Thánh Thần. Sự khủng hoảng giáo thuyết này kéo dài hơn 60 năm, trong đó, các hoàng đế La Mã cũng có vai trò đáng kể. Sau cùng, sự khủng hoảng này được giải quyết bởiCông Đồng Nicea I (năm 325), và Công Đồng Constantinople I (năm 381). Kinh Tin Kính Nicea-Constantinople mà chúng ta đọc hoặc hát trong thánh lễ xuất phát từ hai Công Đồng này. Giáo thuyết Arinô vẫn tồn tại tới thế kỷ 7 vì các nhà truyền giáo theo thuyết này đã giảng dạy cho nhiều tộc người Đức cải đạo theo Kitô giáo; những tộc người này dần dần trở lại với Công Giáo. (Xem thêm Bài 8)

2.3 Thế kỷ 5

Thế kỷ 5 đem lại cho Giáo Hội hai hiểm họa từ bên trong. Thứ nhất là thuyết Nestôriô (Nestorianism); thuyết này tuyên bố rằng nơi Đức Kitô có hai Ngôi Vị: một thiên Chúa và một loài người; không phải có hai bản tính. Công Đồng Ephesus(năm 431) kết án tà thuyết này, và tái khẳng định rằng nơi Đức Kitô chỉ có một Ngôi Vị. Giáo Hội Syro-Oriental (Syria Đông Phương) vả Giáo Hội Malabar (còn gọi là Giáo Hội Malankar) hình thành từ các tín hữu theo thuyết Nestôriô; cho tới hiện nay, các Giáo Hội này vẫn không hiệp thông với Giáo Hội Rôma.

Một tà thuyết khác là Thuyết Đơn Nhất Tính (Monophysism). Thuyết này cho rằng Đức Giêsu Kitô chỉ có một bản tính, đó là thiên tính. Thuyết này bị kết án tại Công Đồng Chancedon (năm 451). Công Đồng này khẳng định Đức Kitô có hai bản tính; hai bản tính này hiệp nhất nơi Ngôi Lời, không hòa lẫn hoặc hoán đổi (lời này để chống lại thuyết Nestôriô); không phân chia (lời này để chống lại Thuyết Đơn Nhất Tính). Giáo Hội Copt (một Giáo Hội Kitô giáo Đông Phương ở Ai Cập), Giáo Hội Syro-Western (Giáo Hội Syria Tây Phương), Giáo Hội Armenia và Giáo Hội Ethiopia hiện nay vẫn không hiệp thông với Giáo Hội Rôma do chịu ảnh hưởng mạnh bởi sai lầm của Thuyết Đơn Nhất Tính.

Trong những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội đã có sự triển nở văn chương Kitô giáo, các bài giảng thuyết và thần học linh đạo. Tất cả được viết bởi các Giáo Phụ và các tác gia trong Giáo Hội.

3. Thời Trung Cổ (476-1492, là năm Christopher Columbus đặt chân lên Châu Mỹ)

3.1 Sự suy vong của Đế Quốc La Mã và các cuộc xâm lăng của man tộc (barbarians)

Năm 476, Đế Quốc La Mã Phương Tây bị một số tộc người Đức xâm lược; trong số đó có tộcngười Aryan và những dân ngoại đạo khác. Giữa thời Trung Cổ (năm 1000) là giai đoạn cực kỳ bi thảm đối với châu Âu lục địa: bạo lực chính trị và xã hội; sự thui chột văn hóa và trì trệ kinh tế; tất cả gây ra bởi các cuộc xâm lăng liên tục kéo dài tới thế kỷ 10. Tình trạng này không dập tắt được hoạt động rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Trong những năm này, Giáo Hội truyền giảng Tin Mừng cho các tộc người xâm lăng và đóng góp rất lớn vào việc văn minh hóa các tộc người này. Hoạt động rao giảng Tin Mừng còn lan rộng tới dân Slav (ở Đông Âu), dân Scandivanina (ở Bắc Âu), và dân Maya (ở Trung Mỹ). Từ những hoạt động truyền giảng Tin Mừng và văn hóa này, một nền văn minh mới đã nảy sinh và vươn tới sự cực thịnh từ thế kỷ 12 tới thế kỷ 14.

3.2 Thế kỷ 6

Sự triển nở dòng BENEDICT (đòng Biển Đức) trong thế kỷ 6 đã tạo nên những khu an hòa, yên tĩnh, văn hóa và tiến bộ chung quanh đan viện.

Cuối thế kỷ này, các Giáo Hoàng bắt đầu nắm thế quyền thông qua Giáo Quyền.

3.3 Thế kỷ 7

Trong thế kỷ 7, các dòng tu ở Ireland và Scotland đã có nhiều đóng góp cho công cuộc rao giảng Tin Mừng nơi các xứ sở đó.

Từ thế kỷ này sang thế kỷ sau đó, Hồi Giáo phát triển mạnh ở bán đảo Ả Rập. Sau khi nhà Tiên Tri Mohammad qua đời, dân Ả Rập tiến hành các cuộc chiến chinh phục và đã lập nên một đế chế rộng lớn. Họ chinh phục nhiều dân tộc; trong số đó có nhiều dân tộc theo Kitô giáo ở Bắc Phi vá bán đảo Iberia (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Họ tách biệt thế giới Byzantine ra khỏi ảnh hưởng của La Mã. Trong khoảng 300 năm, họ là tai họa đối với các xứ châu Âu ven bờ Địa Trung Hải; họ liên tục tấn công, cướp phá và đánh đuổi cư dân các xứ này.

3.4 Thế kỷ 8

Các tu sĩ người Anh dòng Benedict đóng góp rất nhiều vào công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Thời Kỳ Giáo Phụ của Giáo Hội chấm dứt trong thế kỷ này với hai Giáo Phụ sau cùng của Hội Thánh; đó là Thánh John Damascene (Gioan Đamátxênô) ở Giáo Hội phương Đông, và Thánh Bede the Venerable (Bêđa Đáng Kính) ở Giáo Hội phương Tây.

Vào cuối thế kỷ này, thế quyền của Giáo Hoàng (Giáo Quyền) được định chế hóa, mặc dù các quyền này đã có từ cuối thế kỷ 6. Sự định chế hóa này được đưa ra như một đáp ứng đối với khoảng trống quyền lực tại Italia vì Đế Chế Byzantine, về lý thuyết, nắm quyền cai trị, nhưng thực tế, không có khả năng cai quản và bảo vệ thần dân. Theo thời gian, các Giáo Hoàng nhận thấy rằng một quyền lực thế trần có giới hạn là một sự bảo đảm hữu hiệu cho sự độc lập trước những quyền lực chính trị khác (của các hoàng đế, các vua, các lãnh chúa phong kiến).

3.5 Thế kỷ 9

Vào Đêm Giáng Sinh năm 800, tại Đại Thánh Đường Thánh Phêrô, Giáo Hoàng Leo III phong Charlemagne (Charles I) là Hoàng Đế Đế Chế La Mã Thần Thánh do vị vua này có công khôi phục Đế Chế đó. Từ đây hiện hữu một quốc gia Kitô giáo rộng lớn, đồng thời phát sinh mối quan hệ phức tạp giữa chính trị và tôn giáo kéo dài đến tận năm 1806.

3.6 Thế kỷ 10

Giáo Triều trải qua cuộc khủng hoảng sâu sắc trong thế kỷ 10 do các dòng họ quí tộc Ý can thiệp sâu vào sự bầu chọn Giáo Hoàng, còn các vua và các lãnh chúa phong kiến nắm quyền đề cử.

3.7 Thế kỷ 11 và 12

Nhờ sự cải cách của Giáo Hoàng GREGORY trong thế kỷ 11, hàng giáo phẩm khôi phục sựđộc lập đối với các quyền lực chính trị.

Vào năm 1054, Đức Thượng Phụ Constantinople là MICHAEL CERULARIUS đã chính thức tách dân Hy Lạp ra khỏi Giáo Hội Công Giáo; sự kiện này được gọi là SỰ LY GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG). Đây là hệ quả của những tranh cãi và bất hòa khởi đầu từ thế kỷ 5 cho tới lúc này. Dân Hy Lạp cũng thần phục các hoàng đế của Đế Chế Phương Đông (CAESAROPAPISM, là chếđộ vương quyền tuyệt đối, xem trọng quốc gia hơn tôn giáo). Sự ly giáo này ảnh hưởng mạnh tới các nước vâng phục Thượng Phụ Constantinople. Ảnh hưởng của nó còn lan tỏa tới dân Bungari, Rumani, Ukraina, Nga và Serb.

Từ đầu thế kỷ 11, Cộng Hòa Italia giành lại quyền kiểm soát vùng Địa Trung Hải từ tay người Hồi Giáo và hạn chế được sự bành trướng của thế lực này. Cuối thế kỷ 11, sức mạnh quân sự của các nước theo Kitô giáo làm phát sinh các CUỘC THẬP TỰ CHINH tiến về Đất Thánh (từ 1096 - 1291); đây là những cuộc viễn chinh mang mục đích tôn giáo là giành lại và bảo vệ Jerusalem.

3.8 Thế kỷ 13 và 14

Thời kỳ này là đỉnh cao của văn mình Trung Cổ với những thành tựu nổi bật về Thần Học và Triết Học (điển hình là Albert Thánh Cả, Thánh Thomas Aquinas, Thánh Bonaventure, Duns Scotus Thánh Thiện), và về văn chương, nghệ thuật.

Đầu thế kỳ 13 chứng kiến sự triển nở những Dòng Khó Nghèo (Mendicant Orders, còn gọi là Dòng Khất Thực); điển hình là Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh.

Sự đối đầu giữa Giáo Hội và thế lực chính trị kéo dài suốt thế kỷ 12 và 13 đã làm suy yếu cả hai định chế này. Đế Chế La Mã Thần Thánh trở thành một nước của người Đức, còn Giáo Triều thì suy thoái trầm trọng. Từ 1305 tới 1377, Giáo Hoàng khi thì ở Roma, khi thì ở AVIGNON (miền nam nước Pháp). Khi Giáo Hoàng trở về Roma năm 1378 thì ngay sau đó SỰ ĐẠI LY GIÁO TÂY PHƯƠNG (Great Western Schism) bùng nổ. Ban đầu là hai nhân vật, nhưng liền sau đó là ba nhân vật, cùng lúc tự xưng là giáo hoàng. Thế giới Kitô Giáo chao đảo, rối mù vì không biết ai là giáo hoàng hợp thức.

3.9 Thế kỷ 15

Công Đồng CONSTANCE (1415-1418) khôi phục sự hiệp nhất Giáo Hội.

Năm 1453, quân Hồi Giáo Ottoman chiếm Constantinople, dẫn đến sự cáo chung của Đế Chế La Mã Đông Phương (395-1453). Ottoman cũng chinh phục các nước vùng Balkan và thống trị vùng này suốt 4 thế kỷ.

4. Thời Cận Đại (1492-1789, là năm khởi đầu Cách Mạng Pháp)

4.1 Thế kỷ 15, 16, và 17

Thời Cận Đại bắt đầu bằng sự kiện Christopher Columbus đặt chân lên CHÂU MỸ. Sự kiện này cùng với những cuộc thám hiểm CHÂU PHI và CHÂU Á đã phát sinh vấn đề thực dân hóa của người châu Âu đối với nhiều vùng đất khác trên thế giới. Giáo Hội tận dụng sự kiện lịch sử này để truyền bá Tin Mừng nơi những lãnh thổ ngoài Châu Âu: Canada, Louisiana, các thuộc địa của Pháp, Congo, Ấn Độ, Đông Dương, Trung Quốc, Nhật và Philippines. Để phối hợp các nỗ lực này, Tòa Thánh thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin.

Trong khi đó, ở Châu Âu, Giáo Hội lâm vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Martin Luther, Ulrich Zwingli, John Calvin (những người sáng lập giáo phái TIN LÀNH), Vua Henry VIII (người sáng lập ANH GIÁO) đã đưa đến tình trạng ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo ở nhiều nước: Scandinavia, Estonia, Latvia, phần lớn nước Đức, Hà Lan, phân nửa Thụy Sĩ, Scotland, Anh quốc và các thuộc địa (Canada, Mỹ, Nam Phi, Úc và New Zealand).

Cách Mạng Tin Lành gây ra sự chia rẽ trong Hội Thánh Phương Tây, và gây nên sự phân chia châu Âu về mặt chính trị, xã hội, văn hóa thành hai phe: Công Giáo và Tin Lành. Tình trạng này được tóm tắt trong nguyên tắc sau: cuius regio, eius et relegio, có nghĩa là vua chúa tuyên xưng tin theo tôn giáo nào thì thần dân phải theo đạo đó. Việc này làm bùng nổ CÁC CUỘC CHIẾN TRANH TÔN GIÁO gây ảnh hưởng nặng nề cho Pháp, các vùng lãnh thổ của Đức, Anh Quốc, Scotland và Ireland. Hòa Ước WESTPHALIA (1648), và sự đầu hàng của hạt LIMERICK (1692) đã dẫn đến sự kết thúc các xung đột này.

Giáo Hội Công Giáo phản ứng thế nào đối với tình hình trên? Mặc dù có sự ly khai của nhiều nước chỉ trong vòng vài thập niên, nhưng Giáo Hội Công Giáo đã tiến hành cuộc cải tổ mạnh mẽ. Và một phong trào của Giáo Hội Công Giáo mang tên là CHỐNG CẢI CÁCH (Counter-Reformation) nhằm chống lại phong trào Tin Lành. Phong trào Chống Cải Cách lên tới đỉnh điểm khi CÔNG ĐỒNG TRENT (1545-1563) được triệu tập. Công Đồng Chung này tái xác tín những giáo thuyết mà Tin Lành phản bác. Những điều này bao gồm: Thư Bộ Kinh Thánh (tức là danh sách những sách mà Giáo Hội Công Giáo công nhận là được linh ứng mạc khải bởi Chúa Thánh Thần); các phép bí tích; sự công chính hóa; tội nguyên tổ, cùng nhiều tín điều khác. Ngoài sự minh định giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Công Đồng Trent còn đề ra sự cải tổ về giáo luật như luật về sự thành lập chủng viện, và bổn phận của giám mục phải ở tại giáo phận đã phân nhiệm. Những DÒNG TU (Religious Orders) thành lập trong thế kỷ 16 đều tuân thủ sự cải tổ này. Sự khủng hoảng này đã tạo nên một Giáo Hội Công Giáo đổi mới và vững mạnh; đồng thời cũng chứng kiến sự lan rộng của Giáo Hội tại những miền truyền giáo mới.

4.2 Thế kỷ 18

Trong thế kỷ 18, Giáo Hội đương đầu với hai thách thức lớn: SỰ LỚN MẠNH CỦA CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ, và THỜI KHAI SÁNG.

Sự lớn mạnh của chế độ quân chủ khởi nguồn từ sự phát triển CHẾ ĐỘ QUÂN CHỦ CHUYÊN CHẾ. Các định chế thời Trung Cổ như chế độ phong kiến, đặc quyền của giáo hội, quyền lợi của các thành đô, … đều bị xóa bỏ để rồi quyền lực chính trị trở nên chuyên chế và độc đoán. Sự tập trung quyền bính đã mở đường cho các quân vương Công Giáo can thiệp và chi phối Giáo Hội. Chế độ này được biết dưới tên là chủ nghĩa quân chủ tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, là chủ nghĩa độc lập với Giáo Hội La Mã và Giáo Hoàng tại Pháp, là Chủ thuyết Joseph tại các vùng lãnh thổ thuộc vương triều Hapsburgs (Áo, Bohemia, Slovakia, Hungary, Croatia, Lombardia, Toscana, Bỉ), là chủ nghĩa tài thẩm (jurisdictionalism) tại Naples và Parma. Tình trạng này dẫn đến sự xua đuổi các giáo sĩ Dòng Tên xảy ra ở nhiều xứ sở, và gây áp lực mạnh buộc Giáo Hoàng Clement XIV giải tán Dòng này năm 1773. (Sau này, Dòng Tên được Giáo Hoàng Pius VII khôi phục năm 1814).

Thách thức thứ hai là THỜI KHAI SÁNG. Lúc đầu, đây chỉ là một phong trào triết học được biết đến nhiều trong giới cầm quyền. Thời Khai Sáng đề cao lý trí và tự nhiên; lên án mọi thứ liên quan tới truyền thống. Đây là một thời kỳ phức tạp mang những đặc điểm nổi bật là: xu hướng xem trọng vật chất, sự ca tụng cao độ đối với khoa học, sự phản kháng tôn giáo mạc khải (kể cả sự căm phẫn đối với Giáo Hội Công Giáo) nhân danh hữu thần tự nhiên luận (deism) hoặc do sự vô tín ngưỡng, sự đề cao con người thái quá, sự lạc quan phi thực về bản tính thiện của con người, sự tin tưởng thái quá vào sự tiến bộ của nhân loại, thái độ tách biệt với quá khứ, và khuynh hướng tìm phương cách giản dị tối đa để giải thích thực tại. Rất nhiều ý thức hệ thời cận đại phát sinh từ những trào lưu tư tưởng này; tất cả đều loại bỏ sự cần thiết về mạc khải siêu nhiên, và xem thường khía cạnh tâm linh của con người. Thế kỷ 18 còn chứng kiến sự ra đời của Hội Tam Điểm (Freemasons hoặc Masons); Hội này chủ trương chống Giáo Hội Công Giáo và bài giáo sĩ.

5. Thời Hiện Đại (từ 1789 đến nay)

5.1 Thế kỷ 18 và 19

Cách Mạng Pháp đã tạo ra một thái độ cực đoan là chủ nghĩa độc lập với Giáo Hội La Mã và Giáo Hoàng (Gallicanism). Chủ nghĩa này dẫn đến sự chống đối Kitô giáo công khai và hệ quả là cuộc đàn áp đẫm máu đối với Giáo Hội (1791-1801). Giáo Hoàng Pius VI chết năm 1799 như một tù nhân của các nhà cách mạng Pháp.

Sự vươn lên nắm quyền bính của Napoleon Bonaparte đã mang lại yên bình (Hiệp Ước 1801). Tuy nhiên, sau đó lại nổi lên một số xung đột giữa Napoleon và Giáo Hoàng Pius VII. Napoleon đã tống Giáo Hoàng vào ngục thất và giam giữ Ngài 5 năm.

Các nền quân chủ trước cách mạng Pháp được khôi phục năm 1815; việc này đem lại một giai đoạn yên bình cho Giáo Hội. Đây cũng là thời huy hoàng của CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN, một trào lưu tư tưởng thống lĩnh suốt nửa đầu thế kỷ 19.

Tuy nhiên, lại nảy sinh một thách thức khác cho Đức Tin; đó là CHỦ NGHĨA TỰ DO. Đây là hệ quả của cuộc Cách Mạng Pháp. Nó len từ từ vào lãnh vực chính trị, thúc đẩy khôi phục những luật lệ gạt bỏ hoặc bách hại Giáo Hội. Tại nhiều nước, Chủ Nghĩa Tự Do song hành với CHỦ NGHĨA DÂN TỘC. Trong nửa sau của thế kỷ 19, nó trở nên đồng minh của CHỦ NGHĨA ĐẾ QUỐC và THUYẾT THỰC CHỨNG (Positivism), là hai thứ góp phần thúc đẩy xã hội từ bỏ đức tin Kitô giáo.

Các luật lệ của chủ nghĩa tự do đã gây ra bất công xã hội, và đến lượt nó chứng kiến sự khởi phát những ý thức hệ tự nhận là đại diện cho những khát vọng của giai cấp bị áp bức; đó là CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN, và CHỦ NGHĨA VÔ CHÍNH PHỦ. Những chủ nghĩa này thúc đẩy các hoạt động hướng đến cuộc cách mạng xã hội với triết thuyết duy vật.

Trong thế kỷ 19, Công Giáo không những mất đi sự bảo vệ của nhiều nước mà còn phải chịu đựng các chính sách của những nước đó. Năm 1870, các Giáo Hoàng mất hết thế quyền khi Italia chiếm các VƯƠNG QUỐC TÒA THÁNH (Papal Estates, các vùng đất thuộc quyền Giáo Hội Công Giáo La Mã ở miền bắc và miền trung Italia), rồi thống nhất Italia.

Phải chăng Giáo Hội là người thua cuộc hoàn toàn? Không hẳn như thế. Giáo Hội biết cách tận dụng các cuộc khủng hoảng để củng cố sự kết hiệp của mọi tín hữu Công Giáo với Tòa Thánh., và giải thoát mình khỏi sự xâm nhập của các thế lực chính trị vào nội bộ cơ cấu điều hành của Giáo Hội. Năm 1870, tín điều về tính bất khả ngộ của Giáo Hoàng được tuyên xưng bởi CÔNG ĐỒNG VATICAN I (1846-1878). Trong thế kỷ này, Giáo Hội lan rộng ở Châu Phi, Châu Á, châu Đại Dương; nhiều dòng nữ tu được thành lập, và nhiều hình thức hoạt động tông đồ giáo dân được tổ chức.

5.2 Thế kỷ 20

Trong thế kỷ 20, Giáo Hội giáp mặt với rất nhiều thách thức. Giáo Hoàng Pius X phải đối phó với DUY TÂN THUYẾT (chủ trương giải thích giáo huấn của Giáo Hội bằng triết học và khoa học tự nhiên; thuyết này loại đức tin khỏi nội dung triết thuyết). Giáo Hoàng Benedict XV giáp mặt với THẾ CHIẾN I; Ngài cố gắng giữ vị thế trung lập và thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo giúp các tù binh và những người bị đau khổ vì chiến cuộc. Giáo Hoàng Pius XI phản kháng THỂ CHẾ ĐỘC TÀI dưới mọi hình thức: chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô (cũ), và ở Tây Ban Nha; chủ nghĩa Quốc Xã ở Đức; chủ nghĩa phát xít ở Italia; hội Tam Điểm ở Mexico. Giáo Hoàng này còn thúc đẩy việc phong chức cho giám mục và giáo sĩ địa phương tại những miền truyền giáo ở châu Phi và châu Á. Giáo Hoàng Pius XII giáp mặt với sự kinh hoàng của THẾ CHIẾN II; Ngài vận dụng mọi phương cách để cứu người Do Thái đến mức tối đa. Ước tính có khoảng 800.000 người Do Thái được cứu nhờ sự can thiệp của Giáo Hội. Giáo Hoàng Pius XII xem việc đó là cơ hội để không cần phải đưa ra lời lên án công khai đối với sự bách hại dân Do Thái, vì lời lên án như thế chỉ làm cho hoàn cảnh của người Do Thái ở những lãnh thổ bị Đức chiếm đóng càng trở nên bi thảm, và nó sẽ làm cho hoạt động trợ giúp người Do thái càng trở nên khó khăn, nếu không muốn nói là không thể được. Nhiều nhân vật quan trọng người Do Thái công khai thừa nhận sự trợ giúp quí báu mà Giáo Hoàng Pius XII đã đem đến cho dân họ trong thời kỳ này.

Giáo Hoàng John XXIII triệu tập CÔNG ĐỒNG VATICAN II (1962-1965); Công Đồng này được kết thúc bởi Giáo Hoàng Paul VI. Công Đồng nhấn mạnh điều này là mọi người được mời gọi nên thánh (không phải chỉ có các giáo sĩ và tu sĩ). Công Đồng còn thúc đẩy tinh thần đại kết, nhấn mạnh những khía cạnh tích cực của nền văn minh hiện đại, và khuyến khích sự đối thoại với các tôn giáo cũng như với những nền văn hóa khác.

Trong những năm sau Công Đồng, Giáo Hội đương đầu với cuộc khủng hoảng sâu sắc về tín lý và giáo luật, nhưng Giáo Hội đã chế ngự được tình hình trong triều đại Giáo Hoàng John Paul II (1978-2005). Với một tính cách phi thường, Giáo Hoàng John Paul II đã đem lại uy tín và tính đại chúng cho Tòa Thánh trong cũng như ngoài Giáo Hội Công Giáo. Sau khi Ngài tạ thế, Giáo Hoàng Benedict XVI đăng quang, vả tiếp tục dẫn dắt Giáo Hội bằng đôi tay dịu êm nhưng vững chắc.

(Translated and adapted from Carlo Pioppi, in http://www.opusdei.es/art.php?p=31775.)