Bài 20: Sự Hy Tế

Câu hỏi gợi ý

    • Phải chăng Thánh Lễ là hy lễ đích thực và xứng hợp nhất?
    • Thánh Lễ được tiên báo trong Cựu Ước bằng hình ảnh nào?
    • Mối tương quan giữa bữa tiệc ly và hy tế thánh giá là gì?
    • Hy tế thánh giá và Thánh Lễ có sự tương quan nào?
    • Phải chăng Đức Kitô lại chịu chết trong từng Thánh Lễ?
    • Hai phần chính của Thánh Lễ là những phần nào? Trong đó, phần nào quan trọng nhất? Tại sao như thế?
    • Thánh lễ được cử hành vì những mục đích gì?

1. Phép Thánh Thể: Không chỉ là Bí Tích mà còn là sự Hiến Tế

Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ. (Thư Do Thái 9:22)

Sự hiến tế là gì? Công Giáo Bách Khoa Thư (Catholic Encyclopedia) viết:

Ý nghĩa thực sự của hiến tế thường được hiểu là sự dâng cho thần linh một lễ vật hữu hình; sự tế lễ này được xem là hình thức biểu lộ lòng tôn kính đối với vị thần linh đó và lòng ước mong được kết hợp với Ngài. Tuy nhiên, sự dâng lễ vật chỉ trở thành sự hiến tế khi có sự biến đổi tác động tới lễ vật hữu hình đó (chẳng hạn như giết tế vật, lấy máu tế vật, thiêu tế vật, hoặc phân phát tế vật). Vì ý nghĩa và tầm quan trọng của sự hiến tế không thể hình thành bằng suy diễn nên mọi thuyết khả nhận về hiến tế đều định hình theo đúng với phương cách tế lễ của các nước thờ ngẫu thần, và cách riêng là theo đúng với cách tế lễ của những tôn giáo được mạc khải như Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Ở đây không đề cập tới Phật Giáo, Hồi Giáo, và Tin Lành Giáo vì những tôn giáo này không có hiến tế; ngoài các tôn giáo này ra thì những tôn giáo đã triển nở vũng mạnh đều xem hiến tế là phần trọng yếu của phương thức phụng tự.

Hiến tế đã được cử hành từ xa xưa trong các nền văn hóa cổ đại như Ấn Độ, Iran, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc, Ai Cập; trong các bộ tộc thổ dân Châu Mỹ, và người Semite. Về dân Do Thái, chúng ta đọc Sách Levi sẽ biết đầy đủ về các cách tế lễ khác nhau của họ trong Cựu Ước.

1.1 Trong Cựu Ước có những hình bóng và lời tiên tri nào ám chỉ đến Hy Lễ của Tân Ước hay không?

1.1.1 Bánh và rượu, chén chúc tụng

Mục 1334 Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) viết:

Thời Giao Ước cũ, trong số các hoa trái đầu mùa của ruộng đất, BÁNH và RƯỢU được DÂNG LÊN làm lễ vật biểu hiện lòng biết ơn đối với Đấng Tạo Hóa. Nhưng chúng còn mang ý nghĩa mới trong Sách Xuất Hành: BÁNH KHÔNG MEN mà dân Israel hằng năm vẫn ăn trong dịp Lễ Vượt Qua tưởng nhớ tới sự vội vã ra đi thoát khỏi Ai Cập;việc nhớ đến MANNA trong sa mạc sẽ luôn nhắc nhở dân Israel rằng họ sống bằng bánh là Lời Thiên Chúa [xem thêm Sách Đệ Nhị Luật 8:3]; bánh ăn hằng ngày là sản phẩm của đất hứa, là bảo chứng việc Thiên Chúa trung tín với những lời húa của Ngài.

CHÉN CHÚC TỤNG [Côrintô I, 10:16] vào cuối tiệc Vượt Qua của người Do Thái đã thêm cho rượu một ý nghĩa cánh chung ngoài niềm vui lễ hội, đó là sự mong đợi Đấng Messiash đến tái tạo Jerusalem. Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã ban ý nghĩa mới và cao trọng cho việc dâng lời chúc tụng trên bánh và chén rượu.

(Tham khảo thêm ở địa chỉ sau: http://www.scripturecatholic.com/the_eucharist.html.)

1.1.2 Lễ Vượt Qua và Chiên Vượt Qua

Trong bài viết nhan đề là The Eucharist in Scripture (Bí Tích Thánh Thể Trong Kinh Thánh), Marty Barack minh giải ý nghĩa của CHIÊN VƯỢT QUA như sau(tham khảo thêm ở địa chỉ: http://www.therealpresence.org/eucharst/scrip/a6.html):

Pasch (Lễ Vượt Qua) trong tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ) có nghĩa là "đã đi qua". Chiên vượt qua nhắc nhớ lại con chiên được giết đi để lấy máu bôi lên khung cửa ra vào của từng nhà dân Do Thái, còn thịt của nó được người trong nhà cùng nhau ăn; và nhờ dấu máu này, thiên sứ trừng phạt bằng cái chết biết đó là nhà của dân Do Thái nên sẽ đi qua. Từ lúc khởi đầu Thiên Chúa đã truyền dạy (Sách Xuất Hành 12:6) rằng toàn thể đại hội cộng đồng dân Israel sát tế chiên vượt qua. Khi vua Solomon xây Đền Thờ thứ nhất, các tư tế Do Thái hiến tế chiên vượt qua tại đó. Nhưng khi Đức Giêsu Kitô lên trời, và Đền Thờ thứ hai bị phá hủy và không được tái thiết, thì những lễ tế tại Đền Thờ không còn được dâng hiến nữa, nên từ đó người Do Thái dùng xương ống chân của chiên để tiêu biểu cho chiên vượt qua.

Đức Giêsu hiện diện cách thiêng liêng trong xương chân của chiên sát tế. Dân Do Thái ở Ai Cập ăn chiên vượt qua để được cứu thoát về phần xác và để được đưa vào miền đất hứa Canaan. Suốt hơn hai ngàn năm qua, Tín hữu Công Giáo ăn Mình Thánh và uống Máu Thánh của Chiên Thiên Chúa (Gioan 1:29) để được cứu rỗi về phần hồn và để tìm đến miền đất hứa là Nước Trời.

Thời trước, khi sát tế con chiên cuối cùng trong Lễ Vượt Qua, vị tư tế Do Thái đọc lớn chữ: "Kalah", trong tiếng Hebrew có nghĩa là: "Thế là đã hoàn tất." Trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Đức Giêsu cũng thốt lên: "Kalah" (Thế là đã hoàn tất) (Gioan 19:30).

Mục 276 Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL) (xem thêm GLCG mục 1333-1344) viết:

Trong Giao Ước cũ, bí tích Thánh Thể đặc biệt được tượng trưng bằng bữa ăn Vượt Qua, được người Do Thái cử hành hàng năm với bánh không men, để ghi nhớ ngày ra đi vội vã và giải phóng khỏi đất Ai Cập…

Mục 1340 Sách GLCG giảng rằng những biểu tượng này được hiện thực hóa trong Tân Ước và trong đời sau.

Khi cử hành Bữa Tiệc Ly với các tông đồ của Ngài trong khung cảnh tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu đã ban cho Lễ Vượt Qua của người Do Thái một ý nghĩa cao trọng. Cuộc vượt qua của Đức Giêsu để về với Cha Ngài qua cái chết và Sự Phục Sinh của Ngài thực sự là Lễ Vượt Qua mới, được thể hiện trước trong Bữa Tiệc Ly, và cử hành trong Phép Thánh Thể; Lễ Vượt Qua này HOÀN THIỆN LỄ VƯỢT QUA CỦA NGƯỜI DO THÁI, và THỂ HIỆN TRƯỚC LỄ VƯỢT QUA SAU CÙNG của Hội Thánh TRONG VINH QUANG nước Thiên Chúa.

1.1.3 Sách Ngôn Sứ Malachi

Trong Sách Ngôn Sứ Malachi có một đoạn (1:10-11) thuật lại lời Thiên Chúa phán với các tư tế Levi:

(10) Ai trong các ngươi sẽ đóng cửa lại, để các ngươi khỏi uổng công đốt lửa trên bàn thờ của Ta? Ta chẳng hài lòng chút nào về các ngươi, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán -, và Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng. (11) Quả thật, từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng LỄ HY SINH và LỄ VẬT tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân, - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán. (Kinh Thánh Hoa Kỳ Bộ Mới)

Thiên Chúa phán dạy những điều sau trong đoạn văn trên:

    • sự dâng lễ vật của các tư tế Levi, tức là hiến tế của Cựu Ước bị khước từ;
    • Ngài nói về HY LỄ (phần của câu 11 trong Bản Kinh Thánh Phổ Thông Bộ Mới viết: "LỄ HY SINH và LỄ VẬT tinh tuyền kính danh Ta được mọi người ở khắp nơi DÂNG HIẾN."
    • hy lễ này không bó hẹp về thời gian và nơi dâng hiến: [1] "từ lúc mặt trời mọc cho tới khi nó lặn"; [2] "ở bất cứ nơi nào".
    • hy lễ được cử hành không những bởi dân Do Thái mà còn bởi mọi dân tộc và mọi nước. (Chúng ta nhận thấy câu này được nói hai lần): "danh Ta thật cao cả giữa chư dân."

(Tham khảo thêm ở địa chỉ sau: Catholic Encyclopedia--http://www.newadvent.org/cathen/10006a.htm).

1.2 Lệnh truyền của Chúa: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta"

Trong bài trước, chúng ta đọc lệnh truyền của Chúa được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Luca (22:19), và trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (11:24-25): "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta." Sách GLCG (mục 1341) giảng giải:

Mệnh lệnh Đức Giêsu truyền phải lập lại những cử chỉ và lời nói của Ngài"cho tới khi Chúa đến" không chỉ đòi hỏi phải nhớ đến Đức Giêsu và những gì Ngài đã làm. Mệnh lệnh này còn nhắm đến việc cử hành phụng vụ do các tông đồ và những vị kế nhiệm thực hiện để tưởng nhớ Đức Kitô, nhớ đến cuộc đời, cái chết và sự Phục Sinh của Ngài, và sự chuyển cầu của Ngài bên Đức Chúa Cha. [xem thêm Thư Côrintô II, 11:26]

Mục 1342 Sách GLCG giảng giải thêm:

Ngay từ đầu Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh này của Chúa. Về Hội Thánh tại Jerusalem, có lời viết sau:

Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và câu nguyện không ngùng… Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại nhà, họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ. [Công Vụ Tông Đồ 2: 42, 46]

Mục kế tiếp (1343) viết:

Đặc biệt vào "ngày thứ nhất trong tuần", tức ngày Chúa Nhật, ngày Đức Giêsu phục sinh, các Kitô hữu tụ họp "để bẻ bánh" [Công Vụ 20:7]. Từ đó đến nay, việc cử hành bí tích Thánh Thể vẫn tiếp tục như vậy nên hiện nay chúng ta vẫn gặp được việc cử hành đó ở bất cứ đâu trong Hội Thánh với cùng một cách thức căn bản. Bí tích Thánh Thể luôn mãi là tâm điểm của đời sống Hội Thánh.

Chúng ta cần biết rằng "việc bẻ bánh" không đơn thuần là động tác ăn nhưng còn ám chỉ một điều cao siêu hơn. Đối với các Tông Đồ, bẻ bánh chính là hành động Đức Giêsu đã làm trong Bữa Tiệc Ly. Và nó còn liên quan tới Bí Tích Thánh Thể và Hy Tế Thánh Lễ mà Ngài thiết lập. Chúng ta đọc lại chuyện hai tông đồ trên đường Emmaus được thuật lại ở Chương 24 Tin Mừng Thánh Luca:

(30) Khi đồng bàn với họ, Người CẦM LẤY bánh, DÂNG LỜI CHÚC TỤNG, và BẺ RA rồi TRAO cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ NHẬN RA Người nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. (34) Những người này bảo hai ông: "Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon." (35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào KHI NGƯỜI BẺ BÁNH.

1.3 Phải chăng Thánh Lễ là hy lễ đích thực? Điều gì là thiết yếu đối với hy lễ sau hy tế của Đức Giêsu trên Thánh Giá?

Công Giáo Bách Khoa Thư (http://www.newadvent.org/cathen/10006a.htm) minh giải như sau:

Nếu Thánh Lễ là hy tế đích thực theo sát nghĩa của thuật ngữ, thì nó phải hiện thực hóa khái niệm triết học về hy tế. Như vậy, câu hỏi phát sinh là: theo nghĩa chính xác của thuật ngữ, hy tế là gì? Nếu không có khả năng trình bày và thiết lập được một thuyết toàn diện về hy tế, thì theo lịch sử đối chiếu các tôn giáo, có thể nói rằng bốn điều sau đây là yếu tố quan trọng bậc nhất đối với một hy tế:

    • lễ vật hiến tế (res oblata),
    • thừa tác viên cử hành hy tế (minister legitimus),
    • hành vi hy tế (actio sacrificia), và
    • mục đích hy tế (finis sacrificii).

Bốn yếu tố này hiện diện trong Hy Tế Thánh Thể vì Hy Tế Thánh Thể tương đồng với Hy Tế Thánh Giá. Đây không phải là một hy tế mới khác biệt với Hy Tế Thánh Giá nhưng chính là hy lễ duy nhất tương tự như hy lễ của Đức Giêsu trên thánh Giá.

    • lễ vật hiến tế, lễ vật được dâng hiến, là chính Đức Giêsu, (Đức Giêsu nói: "den bishri; den idhmi"; trong tiếng Aramaic, ngôn ngữ vùng Cận Đông cổ đại, den bishri: Đây là Mình Ta; den idhmi: Đây là Máu Ta. Đối với người Do Thái, chữ "mình" ở đây không những là thể xác mà còn hàm nghĩa là toàn vẹn CON NGƯỜI; chữ "máu" ở đây không chỉ là máu huyết bình thường mà còn là toàn bộ SỰ SỐNG của con người. Do đó, Đức Giêsu dâng hiến chính Con Người và Sự Sống của Ngài.)
    • thừa tác viên cử hành hy tế, tư tế, chính là Đức Giêsu;
    • hành vi hy tế là sự hiến tế chính Ngài;
    • mục đích hy tế là thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa phàm nhân.

Bí Tích Thánh Thể là SỰ TƯỞNG NIỆM sự hy sinh của Đức Kitô nhưng là một hình thức tưởng niệm lạ thường. Theo ngôn ngữ thông thường, sự tưởng niệm không là một với sự kiện thực – sự tưởng niệm gợi lại trong tâm trí chúng ta một điều, một sự việc đã qua. Nhưng trong trường hợp này, việc tưởng niệm cũng chính là sự kiện được gợi lên trong tâm trí – tưởng niệm sự hy sinh của Đức Kitô cũng chính là HY LỄ như hy lễ của Đức Giêsu trên Thánh Giá. Mục 280 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1362-1367) giảng giải:

Bí tích Thánh Thể là SỰ TƯỞNG NIỆM theo nghĩa làm cho hiện diện và hiện tại hóa hy tế thập giá mà Ðức Kitô đã dâng lên Chúa Cha, một lần thay cho tất cả, vì nhân loại. ĐẶC TÍNH HY TẾ của bí tích Thánh Thể được biểu lộ trong chính những lời thiết lập: "Ðây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em" và "Chén này là Giao Ước mới trong Máu Thầy, sẽ đổ ra vì anh em" (Luca 22,19-20). Hy tế thập giá và hy tế Thánh Thể là MỘT HY TẾ DUY NHẤT. Hiến vật và người dâng là một, chỉ khác biệt về cách tiến dâng: cách đổ máu trên thập giá, cách không đổ máu trong bí tích Thánh Thể.

Mục 1366 Sách GLCG viết:

Vì vậy, bí tích Thánh Thể là một hy tế bởi vì bí tích này tái hiện hy tế thánh giá, tưởng niệm, và thụ hưởng hoa trái của hy tế thánh giá:

Đức Kitô là Thiên Chúa và là Chúa chúng ta đã tự hiến mình cho Chúa Cha bằng cái chết trên bàn thờ thập giá một lần cho mãi mãi để hoàn tất ơn cứu chuộc muôn đời cho loài người. Tuy nhiên, chức tư tế của Đức Kitô không chấm dứt cùng với cái chết của Người, nên tại bữa Tiệc Ly, "trong đêm bị nộp", Người đã để lại cho hiền thê yêu dấu của Người là Hội Thánh một hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, [1] HY TẾ đẫm máu mà Người hoàn tất trên thánh giá sẽ được TÁI HIỆN, [2] VIỆC TƯỞNG NIỆM hy tế đó sẽ còn mãi cho tới tận thế, và [3] SỨC MẠNH cứu độ của hy tế đó ĐƯỢC DÙNG để tha thứ mọi tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày. [Công Đồng Trent (1562): DS 1740; Côrintô I, 11:23; Thư Do Thái 7:24, 27]

1.4 Sự kiện nào là Thánh Lễ đầu tiên – Bữa Tiệc Ly hay Sự Khổ Hình Trên Thập Giá? Bữa Tiệc Ly, Sự Khổ Hình Trên Thập Giá, và Thánh Lễ liên quan với nhau thế nào?

Chúng ta dẫn lại lời của mục 1340 Sách GLCG:

Khi cử hành Bữa Tiệc Ly với các tông đồ của Ngài trong khung cảnh tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu đã ban cho Lễ Vượt Qua của người Do Thái một ý nghĩa cao trọng. Cuộc vượt qua của Đức Giêsu để về với Cha Ngài qua CÁI CHẾT và SỰ PHỤC SINH của Ngài thực sự là LỄ VƯỢT QUA MỚI, được THỂ HIỆN TRƯỚC TRONG BỮA TIỆC LY, và CỬ HÀNH TRONG BÍ TÍCH THÁNH THỂ; Lễ Vượt Qua này hoàn thiện Lễ Vượt Qua của người Do Thái, và liên tục cử hành trước Lễ Vượt Qua sau cùng của Hội Thánh trong vinh quang nước Thiên Chúa.

Mối tương quan này được minh họa như sau:

BỮA TIỆC LY --- diễn tiến trước ----> KHỔ HÌNH THẬP GIÁ & PHỤC SINH <---tưởng nhớ --- BÍ TÍCH THÁNH THỂ

1.5 Sự tưởng niệm hướng đến mai sau

Trong phần giảng giải trên, Hội Thánh cũng dạy rằng Thánh Lễ hướng đến mai sau. Phụng vụ nơi thế trần cử hành trước phụng vụ trên nước trời. Điều này được giải thích trong Sacrosanctum Concilium (Hiến Chế Về Phụng Vụ) của Công Đồng Vatican II (số 8):

Trong phụng vụ trần thế chúng ta tham dự như SỰ NẾM TRƯỚC phụng vụ trên trời sẽ được cử hành ở thánh đô Jerusalem, nơi chúng ta là lữ khách đang tiến về, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, Ngài là thừa tác viên của cung thánh và của nhà tạm đích thực [xem thêm Khải Huyền 21:2; Thư Côlôsê 3:1; Thư Do Thái 8:2]; chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh thiên quốc ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa; chúng ta kính nhớ các thánh, và hy vọng được đồng phận với các ngài; chúng ta mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho đến khi Người, là sự sống của chúng ta, xuất hiện, và chúng ta cũng sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang [xem thêm Thư Philiphê 3:20; Thư Côlôsê 3:4]. (Mục 1090 Sách GLCG trích dẫn lời này của văn kiện trên)

Tóm lại, LỄ VƯỢT QUA CŨ báo trước về LỄ VƯỢT QUA MỚI, rồi lễ mới này hướng về LỄ VƯỢT QUA CHUNG CUỘC.

1.6 Những mục đích của Thánh Lễ là gì?

Theo truyền thống, Hội Thánh giảng dạy cho chúng ta bốn mục đích của Thánh Lễ.

    1. THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA (xem thêm GLCG mục 1359 và 1361). Thánh Lễ là hy lễ chúc tụng. Đây là hành vi ngợi ca, chúc tụng cực kỳ thiện hảo mà con người dâng lên Thiên Chúa vì Đấng dâng lời chúc tụng thay cho con người chính là Đấng Toàn Thiện. Không hình thức thờ phượng nào sánh được với Thánh Lễ.
    2. TẠ ƠN (xem thêm GLCG mục 1359 và 1360). Chúc tụng, ngợi ca đi cùng với tạ ơn Thiên Chúa vì những công trình của Ngài:
        • sáng tạo
        • cứu độ
        • thánh hóa
    3. NGUYỆN XIN (xem thêm GLCG mục 2629 và 1414). Chúng ta xin Thiên Chúa những ân sủng thiêng liêng và ơn lành thế tục cho chính chúng ta và cho những người đã qua đời. Thánh Lễ là lời khẩn cầu cao trọng nhất vì Đấng nguyện cầu là chính Đức Giêsu. Không ai làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha bằng Con Chí Ái của Ngài. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong Thánh Lễ là lời nguyện xin mạnh mẽ nhất.
    4. XIN ƠN THA THỨ, GIAO HÒA và PHẠT TẠ (xem thêm GLCG mục 2631). Công nghiệp vô cùng của Đức Giêsu Kitô xóa mọi tội lỗi và vấp ngã của con người. Không lời nguyện xin nào chất chứa nhiều công trạng như Hy Lễ Bàn Thánh.

2. Tư Tế và Phẩm Vật Hiến Tế (Sacerdos et Victima)

Chúng ta đã đề cập ở phần trên rằng Đức Kitô vừa là Đấng dâng hy tế (thông qua các tư tế - linh mục) vừa là lễ vật hiến tế. Ngài truyền cho các tông đồ: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy." (Luca 22:7-20; Mátthêu 26:17-29; Máccô 14:12-25; Thư Côrintô I, 11:23-26). Họ được truyền dạy cử hành hy lễ thay cho Đức Kitô. Mục 1410 Sách GLCG khẳng định:

Đức Kitô, vị thượng tế đời đời của Giao Ước Mới, Đấng đang hoạt động qua thừa tác vụ của các tư tế, dâng hy tế Thánh Thể. Cũng chính Đức Kitô, Đấng thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu, là lễ vật của hy tế Thánh thể.

Linh mục (tư tế) không phải là người hành xử chính trong Thánh Lễ, cũng không phải là nhân vật chính. Linh mục chỉ là tôi tớ, là thừa tác viên của Đức Kitô. Sẽ là một sai lầm rất lớn đối với linh mục khi họ nghĩ rằng Thánh Lễ "thành công" là nhờ bài giảng của họ, hoặc nhờ sự cách tân của họ. Thánh Lễ không phải là một tiết mục trình diễn. Đó là một hy tế, trong đó linh mục được truyền dạy phải dâng hy lễ là Mình và Máu Cực Thánh của Đức Giêsu, đồng thời phải dâng chính bản thân linh mục nữa. Đây là ý nghĩa thứ hai của lệnh truyền: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta." Trước khi cử hành hy lễ cao trọng này, linh mục cần nhớ lại lời Đức Giêsu nói với anh em Giacôbê và Gioan:

"Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?". (Mátthêu 20:22)

Thánh Josemaria Escriva viết trong bài giảng "A Priest Forever" (Linh Mục Đời Đời) (trong tập In Love with the Church, [Yêu Thương Hội Thánh] 44):

Chúng ta nên nhớ rằng tất cả chúng ta, linh mục, các thánh hoặc tội nhân, đều không là chính mình khi chúng ta cử hành Thánh Lễ. Chúng ta là Đức Kitô, Đấng đang tái diễn hy tế Calvary nơi bàn thờ. Trong mầu nhiệm hy lễ Thánh Thể, nơi linh mục chu toàn chức năng chính yếu của mình, công cuộc cứu độ chúng ta tiếp tục được thực hiện. Vì lẽ đó, việc cử hành thánh lễ hằng ngày là điều thực sự cần phải làm. Sự cử hành này là hoạt động của Đức Kitô và Hội Thánh cho dù có những hoàn cảnh tín hữu không thể đến tham dự. …

Sự việc tín hữu có thể hay không thể dự Thánh Lễ không làm thay đổi chân lý đức tin này. Khi tôi cử hành Thánh Lễ có nhiều người tham dự, tôi rất vui; tôi không nghĩ mình là chủ tọa của một hội nghị nào đó; trái lại, tôi là một tín hữu như bao tín hữu khác đang hiện diện ở đó; chỉ khác là tôi thay mặt Đức Kitô nơi Bàn Thánh! Tôi đang tái diễn Hy Tế Calvary không đổ máu, và tôi đang thánh hiến trong ngôi vị của Đức Kitô. Tôi thực sự thay mặt Đức Giêsu Kitô, vì tôi đang cho Ngài mượn xác thân tôi, giọng nói, đôi tay của tôi, và tấm lòng hèn mọn luôn mắc nhiều lỗi lầm của tôi với ước mong Ngài sẽ làm thanh khiết nó.

2.1 Giao Ước Mới, Hy Lễ Mới; Tư Tế Mới và Hiến Vật Mới. Thư Gửi Tín Hữu Do Thái

Thư gửi tín hữu Do Thái là phần tham khảo quan trọng để hiểu về Hy Lễ Bàn Thánh. Trong Thư này, chúng ta nhận rõ năm phần quan trọng sau (xem thêm Bộ Kinh Thánh Navarre):

    1. Đức Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Sáng Tạo; Ngài có trước muôn loài (1:1-4)
    2. Đức Kitô là chúa tể các thiên thần. (1:5 - 2:18)
    3. Đức Kitô là Chúa của Môsê. (3:1 - 4:13)
    4. Chức tư tế của Đức Kitô cao trọng hơn chức tư tế Lêvi (4:14 - 7:28)
    5. Hy tế của Đức Kitô đẹp lòng thiên Chúa hơn hết thảy các hy tế trong Cựu Ước (8:1 - 10:18).

Từ Thư này, chúng ta có những khẳng định sau:

    • GIAO ƯỚC tốt đẹp hơn
      • - Người là trung gian của một giao ước mới tốt đẹp hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn. (8:6).
      • - "Ta hoàn thành một Giao Ước Mới với nhà Israel và nhà Giuđa"… Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hóa ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sắp tan biến đi. (8:8; 13)
      • - Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. (10:9)
    • HY TẾ cao trọng hơn
      • - ... sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ. (7:27)
      • - Vị tư tế nào cũng phải đứng trong Ðền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xóa bỏ được tội lỗi; nhưng Đức Giêsu chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên thiện hảo. (10:11, 14).
    • VỊ THƯỢNG TẾ cao trọng nhất
      • - ... theo phẩm trật Menkisêđê (5:10; 6:20).
      • - [Menkisêđê] không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: ông mãi mãi là tư tế. (7:3)
      • - [Ðức Giêsu]: Ðấng bảo đảm cho một giao ước tốt đẹp hơn. (7:22).
      • - [Ðức Giêsu] Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ. (7:24, 25).
      • - Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời. (7:26)
      • - Người là trung gian của một giao ước mới. (9:15)
    • HIẾN VẬT cao trọng
      • - … Cũng vậy, Ðức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội muôn người. (Thư Do Thái 9:28)
      • - Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi.(10:4)
      • - … chúng ta được thánh hóa nhờ Ðức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ. (10:10)

Thánh Lễ, cùng một hy tế như Hy Tế Thánh Giá, là hy lễ cao trọng duy nhất của Tân Ước, của Giao Ước Mới. Hy lễ này vượt trên mọi hy lễ của Giao Ước Cũ.

2.2 Hội Thánh: Chủ tế và lễ vật hiến tế

Đức Giêsu Kitô hiến tế và được hiến tế. Hội Thánh là Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, trong từng Thánh Lễ, Hội Thánh cũng là người hiến tế và là hiến vật. Toàn thể Hội Thánh – nơi THẾ TRẦN ("Hội Thánh Chiến Đấu"). nơi LUYỆN NGỤC ("Hội Thánh Đau Khổ"), và trên THIÊN ĐÀNG ("Hội Thánh Khải Hoàn") – đều tham dự vào từng Thánh Lễ. Mục 281 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1368-1372, 1414) viết:

Trong bí tích Thánh Thể, hy tế của Ðức Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Ðời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, hoạt động, cầu nguyện, lao động của họ được kết hợp với Ðức Kitô. Vì là hy tế, bí tích Thánh Thể cũng được dâng lên thay cho tất cả các tín hữu, người còn sống cũng như kẻ đã qua đời, như của lễ đền tội cho tất cả mọi người, để đón nhận được từ Thiên Chúa những ích lợi thiêng liêng và trần thế. Hơn nữa, Hội Thánh trên trời cũng hiện diện trong lễ dâng của Ðức Kitô.

Thánh Josemaria Escriva tiếp lời trong bài giảng nói trên:

Khi tôi cử hành Thánh Lễ với chỉ một người giúp lễ, thì mọi người khác cũng hiện diện ở đó. Tôi cảm nhận rằng ở đó cùng với tôi là mọi tín đồ Công Giáo, mọi tín hữu, và cả những người chưa tin nữa. Mọi thụ tạo của Thiên Chúa đều hiện diện ở đó – trái đất, biển cả, vũ trụ, cùng sinh vật, cỏ cây – toàn thể thụ tạo dâng lời vinh danh Thiên Chúa.

SỰ THAM DỰ Thánh Lễ vượt trên sự hát ca chung với cộng đoàn, hoặc đọc các bài sách thánh, hoặc phục vụ Thánh Lễ. Sự dự lễ đúng nghĩa đòi hỏi tín hữu hợp cùng với Đức Giêsu dâng hiến nơi bàn thánh trọn vẹn cuộc sống mình, mọi khía cạnh của cuộc đời. Người ta có thể đặt vấn đề: "Nếu hy lễ của Đức Giêsu cao trọng hơn tất cả các hy lễ khác, thì lễ dâng của tôi có đáng gì chăng? Không hề gì. Không cần lo lắng như thế." Chúng ta nhớ lại phép lạ hóa bánh ra nhiều – cho dù từ hư không, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vẫn làm nên bánh cho đám đông đang theo Ngài; nhưng thay vì thế, Ngài hỏi các tông đồ xem họ có những gì. Thánh Gioan thuật lại trong Sách Tin Mừng của Ngài (6:8-9):

(8) Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simon Phêrô, thưa với Người: (9) "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!"

Tuy nhiên, Chúa truyền bảo họ: (Mátthêu 14:18)

"Hãy đem lại đây cho Thầy."

Đây thực sự là điều chúng ta làm trong việc hiến dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Chúng ta dâng lên Ngài những lễ vật nhỏ bé mà chúng ta có, và biết rằng khi Đức Giêsu đưa tay đón nhận, Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ vật, và Thiên Chúa Cha chấp nhận, thì giá trị của nó được nhân lên bội phần. Việc làm của con người (opus hominis) trở nên công cuộc của Thiên Chúa (opus Dei)

Chúc tụng Thiên Chúa, Chúa Tể muôn loài thụ tạo, nhờ lòng thiện hảo của Ngài chúng con có được bánh này dâng lên Ngài: đây là hoa trái của đất và công lao động của bàn tay con người, nó sẽ trở nên bánh ban sự sống cho chúng con.

Chúc tụng Thiên Chúa, Chúa Tể muôn loài thụ tạo, nhờ lòng thiện hảo của Ngài chúng con có được rượu này dâng lên Ngài: đây là thành quả của nho và công lao động của bàn tay con người, nó sẽ trở nên thức uống thiêng liêng cho chúng con.

Thánh Phêrô khuyên bảo các Kitô hữu thời Hội Thánh sơ khai (Phêrô I, 2:4-5, 9):

Anh em hãy tiến lại gần Ðức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm HÀNG TƯ TẾ THÁNH THIỆN để DÂNG NHỮNG HY LỄ THIÊNG LIÊNG đẹp lòng Người, nhờ Ðức Giêsu Kitô…. Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Ðấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

Văn kiện Lumen Gentium [Ánh Sáng Muôn Dân (Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh] (mục 34) của Công Đồng Vatican II có lời sau:

Nhờ việc làm, lời cầu nguyện và nỗ lực hoạt động tông đồ, đời sống gia đình và cuộc sống hôn nhân bình thường của họ; lao động hằng ngày của họ, sự thư giãn tinh thần và thể xác, nếu được tiến hành trong Thánh Thần, và những gánh nặng của cuộc sống nếu nhẫn nại mang vác, thì tất cả sẽ trở nên hy tế thiêng liêng xứng đáng được Thiên Chúa Cha đoái nhận qua Đức Giêsu Kitô (xem thêm Phêrô I, 2:5). Khi cử hành Hy Lễ Thánh Thể, những hy sinh này hợp cùng với Thánh Thể của Đức Kitô được dâng lên Chúa Cha với lòng kính yêu vô vàn. Như thế, là những người phụng thờ mà mọi việc làm đều thánh thiện, các tín hữu bình thường thánh hiến thế trần cho Thiên Chúa.

Sách GLCG viết lại lời tóm lược của Thánh Augustine về điều này ở mục 1372:

Chính toàn thể thành đô đã được cứu chuộc, tức là cộng đoàn và tập thể các thánh, là một hy tế phổ quát dâng lên Thiên Chúa nhờ vị Thượng Tế, Đấng trong hình dạng một nô lệ đã tự hiến mình chịu khổ nạn vì chúng ta, để chúng ta trở thành Thân Thể của Đấng cao cả. … Đây là hy tế của các Kitô hữu: "Chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một Thân Thể trong Đức Kitô." Hội Thánh tiếp tục cử hành hy tế này trong bí tích bàn thờ mà các tín hữu đều biết, qua đó Hội Thánh hiến dâng chính mình trong hy tế. [Thánh Augustine, De civitate Dei (Thành Đô Của Thiên Chúa), 10, 6: PL 41, 283; xem thêm Thư Roma 12:5]

2.3 Tâm điểm và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh và đời sống Kitô hữu

Vì thế, Thánh Lễ là hành vi phụng tự quan trọng nhất mà Kitô hữu thực hiện. Nó còn là tâm điểm của đời sống Hội Thánh. Sách GLCG (mục 1407) giảng dạy:

Bí tích Thánh Thể là tâm điểm và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh, vì trong bí tích này, Đúc Kitô liên kết Hội Thánh và mọi chi thể của Hội thánh vào hy tế chúc tụng và tạ ơn được dâng nơi thánh giá lên cho Thiên Chúa Cha một lần cho mãi mãi; qua hy tế này, Người tuôn đổ ân sủng cứu độ trên Thân Thể của Người là Hội Thánh.

Các bí tích khác và mọi hành vi phụng tự khác đều qui hướng về Hy Tế Bàn Thánh. Mục 1324 Sách GLCG trích dẫn Presbyterorum Ordinis (Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục):

"Các bí tích khác cũng như mọi thừa tác vụ trong Hội Thánh, và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về bí tích đó. Bí tích Thánh Thể cực thánh chất chứa toàn bộ của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta."

3. Kết cấu Thánh Lễ: Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Bánh Thánh

Mục 1345 Sách GLCG trích dẫn một văn phẩm Kitô giáo sớm nhất cho thấy Thánh Lễ chúng ta đang cử hành hiện nay có cùng nội dung và kết cấu căn bản như Thánh Lễ trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo.

Từ thế kỷ thứ 2, chúng ta có chứng từ của Thánh Justin Tử Đạo về những nét chính của trình tự cử hành thánh lễ. Những nét chính này vẫn được giữ nguyên cho tới ngày nay. Khoảng năm 155, Thánh Justin viết cho vị hoàng đế ngoại giáo Antonius Pius (138-161) và giải thích về những gì các Kitô hữu làm:

Vào ngày Mặt Trời như mọi người thường gọi, mọi người ở thành đô hay nông thôn đều tề tựu tại một nơi.

Họ đọc ký sự của các tông đồ và sách của các ngôn sứ tùy theo thời gian cho phép.

Khi người đọc kết thúc, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người làm theo những điều tốt lành đó.

Sau đó, tất cả chúng tôi đứng dậy và dâng lời cầu nguyện* cho chính chúng tôi… và cho mọi người khác ở khắp nơi, để chúng tôi sống chính trực trong việc làm, và trong việc tuân giữ các giới răn hầu chúng tôi đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.

Khi kết thúc việc cầu nguyện, chúng tôi trao hôn bình an cho nhau.

Tiếp đến, người ta mang đến cho vị chủ sự bánh và một chén rượu pha nước.

Vị chủ sự cấm lấy bánh và chén rượu đó, dâng lời chúc tụng và tôn vinh Cha của vũ trụ, nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần, rồi đọc một kinh tạ ơn dài (tiếng Hy Lạp: eucharistian) về việc chúng tôi được xét xứng đáng hưởng những hống ân đó.

Khi vị chủ sự kết thúc các lời nguyện và kinh tạ ơn, mọi người hiện diện đồng thanh đáp: "Amen."

Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức cảm tạ và mọi người đáp lại, thì những người mà chúng tôi gọi là phó tế phân phát bánh và rượu pha nước "đã được thánh thể hóa" cho mọi người tham dự, và đem đến cho những người vắng mặt. [Thánh Justin, Apologia 1, 65-67: PG 6, 428-429; đoạn trước dấu * được trích từ chương 67]

Bí tích Thánh Thể được cử hành như thế nào? Sách GLYL mục 277 (xem thêm GLCG mục 1345-1355; 1408) giảng giải:

Bí tích Thánh Thể được cử hành gồm hai phần chính, hợp thành một hành vi phụng tự duy nhất: Phụng vụ Lời Chúa gồm việc công bố và lắng nghe Lời Chúa, và Phụng vụ Thánh Thể gồm việc tiến dâng bánh rượu, kinh nguyện thánh thể (hay anaphore) và hiệp lễ.

Đọc kỹ đoạn trên, chúng ta nhận thấy qui trình hai phần việc nói trên lập theo đúng trình tự của việc làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (xem thêm Mátthêu 14:13-21, Máccô 6:31-44, Luca 9:10-17 và Gioan 6:5-15), và sự hiện diện trước hai tông đồ trên đường Emmaus (Luca 24:13-35). Đức Giêsu bắt đầu bằng việc [1] giảng giải về Kinh Thánh, rồi đến việc [2] cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ bánh và trao bánh.

Về kết cấu Thánh Lễ, Fr Sebastian Camilleri OFM viết như sau (tham khảo thêm: http://www.ad2000.com.au/articles/2005/oct2005p20_2095.html ):

Thánh Caesarius thành Arles (470-542) là Đại Diện Giáo Hoàng tại xứ Gaul và Tây Ban Nha trong giai đoạn đầy biến động của thế giới khi man tộc (barbarians) xâm chiếm và tung hoành khắp Đế Quốc La Mã.

Viết cho giáo dân của ngài mà phần đông thuộc man tộc hoặc là những người tin theo lạc thuyết của Arius (250-356), tất cả đều đã cải đạo theo Kitô giáo, vị Tổng Giám Mục thánh thiện này khuyên nhủ họ như sau: "Hỡi các anh em yêu quí, khi anh em tham dự Thánh Lễ, tôi tha thiết khuyên anh em, vì tình yêu của Chúa Cha, anh em đừng ra về trước khi Thánh Lễ kết thúc … vì nếu suy nghĩ đôi chút, anh em sẽ nhận thấy rằng việc đọc các bài Kinh Thánh chưa phải là việc cử hành Thánh Lễ."

"Đó là Thánh Lễ khi mà lễ vật được truyền phép và Mình và Máu Thánh của Chúa chúng ta được hiến dâng. Anh em có thể đọc hoặc nghe người khác đọc Kinh Thánh cho anh em ở nhà. Nhưng những ai mong ước tham dự Thánh Lễ trọn vẹn để đón nhận ơn ích cho linh hồn mình thì phải dự với lòng xám hối và với thái độ khiêm cung, và phải hiện diện trong nhà thờ cho tới phần đọc Kinh Lạy Cha và phần ban phép lành cuối lễ."

Tổng Giám Mục thành Arles này nhấn mạnh điều đã được biết rõ ngay từ thời kỳ đầu của Kitô giáo; đó là nghi thức mở đầu của phụng vụ gồm các lời nguyện, các bài Sách Thánh và bài giảng lễ; phần này thường được gọi là Thánh Lễ Dự Tòng (Mass of the Catechumens), dù quan trọng nhưng không được xem là trọn vẹn Thánh Lễ. Những người dự tòng chưa chịu phép Rửa Tội được phép ra về sau phần đọc các bài Kinh Thánh và bài giảng lễ.

Ngài trình bày tiếp là các tín hữu đã chịu Phép Rửa phải tiếp tục ở lại cho tới tâm điểm của phụng vụ, đó là phần Lễ Qui (Canon of the Mass, còn gọi là Kinh Lễ Qui) hoặc theo tên gọi khác là "Thánh Lễ Hy Tế" (Mass of the Sacrifice). Như vậy, phần Phụng Vụ Lời Chúa và Phần Phụng Vụ Thánh Thể là những phần cốt yếu của Thánh Lễ.

Thánh Caesarius ắt hẳn cũng đang giảng dạy cho nhiều người trong chúng ta. Hiện nay, sau những cải cách của Công Đồng Vatican II về phụng vụ, một số người đã theo những hướng dẫn sai và không hiểu biết gì về truyền thống cùng phương thức hành đạo của Công Giáo, giống như một số dân thành Arles cách nay 1500 năm, nên họ cứ mang quan niệm sai lạc là phần quan trọng nhất của Thánh Lễ bao gồm các bài đọc Kinh Thánh.

Đây là quan điểm của Tin Lành giáo hồi thế kỷ 16. Nhà thờ của họ không có bàn thờ và nhà tạm ở cung thánh; thay vào đó là một bục giảng lớn nơi vị giảng thuyết Kinh Thánh đọc và giảng các đoạn Thánh Kinh trích dẫn. Những vị này thay thế các linh mục chủ tế của Hội Thánh Công Giáo.

Những năm gần đây, nhiều giáo sĩ Tin Lành, với sự đặc miễn riêng, đã tự hào trở thành những linh mục Công Giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết rằng một vị đã từng là Tổng Giám Mục Canterbury, Thomas Crammer, từng mỉa mai khía cạnh hy tế của Thánh Lễ và giễu cợt sự tôn kính đối với sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa chúng ta trong bánh và rượu đã được truyền phép; ông thường gọi đó là "thứ mà linh mục cầm trong tay."

Quan điểm kiên định của Hội Thánh Công Giáo là các đoạn Kinh Thánh mạc khải tạo nên phần thiết yếu trong cử hành phụng vụ; và sự hiện diện của Chúa chúng ta trong Lời Ngài mạc khải đã hoàn thiện sự Hiện Diện Đích Thực của Ngài trong phần Hy Tế Thánh Thể của Thánh Lễ.

Những bài đọc từ Kinh Thánh luôn là một phần của Thánh Lễ. Qua trước tác Apologia (hộ giáo luận) của Thánh Justin Tử Đạo (100-165), chúng ta biết rằng những bài này được trích ra từ Cựu Ước, đặc biệt là từ Tân Ước; tiếp theo đó là phần mà tiền nhân chúng ta gọi là Bidding Prayers, còn hiện nay chúng ta gọi là Lời Nguyện Giáo Dân.

3.1 Phụng Vụ Lời Chúa

Trình tự như sau (xem thêm GLCG mục 1348-1349):

    • Nhập lễ và Nghi Thức Thống Hối: chúng ta cần nhận thức rõ về Đấng mà chúng ta tôn thờ và hiểu mình là gì mà xứng đáng dâng lên Ngài lời khấn nguyện.
    • Bài đọc 1 và 2 (trích từ Cựu Ước hoặc Tân Ước); và phần Đáp Ca
    • Tin Mừng
    • Bài giảng lễ
    • Lời nguyện giáo dân

Khoảng tĩnh lặng sau phần đọc sách thánh để tín hữu suy tưởng về những gì vừa đọc. Khoảnh khắc này tạo cơ hội để chúng ta thưa chuyện với Chúa về thông điệp Ngài muốn truyền đạt cho chúng ta.

3.2 Phụng Vụ Thánh Thể

Trình tự như sau (xem thêm GLCG mục 1350-55):

    • Sự chuẩn bị lễ vật (bánh và rượu). Dâng lễ vật. Đón nhận lễ vật bởi chủ tế.
    • Kinh Nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn và Thánh Hiến): Anaphora, gồm
        • Mở đầu
        • Xin Chúa Thánh Thần chúc lành cho lễ vật: Epiclesis (Kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần)
        • Truyền phép
        • Kính nhớ Cuộc Khổ Nạn, Sự Phục Sinh, Sự Thăng Thiên và Sự Quang Lâm vinh hiển của Đức Giêsu Kitô: Anamnesis (Kinh Tưởng Niệm)
        • Sự chuyển cầu và khẩn cầu các Thánh; sự hiệp thông của Hội Thánh trên trời, dưới thế và nơi luyện tội (Phần cầu cho kẻ sống và người đã ly trần).
    • Rước lễ
    • Ra về

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 271-294. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1322-1419. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996

Websites