Bài 27: Đánh giá điều tốt và điều xấu

Câu hỏi hướng dẫn

    • Để xác định một hành động là tốt hay xấu, cần phải xem xét những khía cạnh nào ?
    • Đạo đức (hay luân lý) là gì?
    • Chúng ta có tin vào các luật đạo đức tuyệt đối không?
    • Ý hướng có làm thay đổi tính đạo đức của một hành vi không?
    • Chúng ta hiểu khái niệm "mục đích" trong đạo đức là gì, và nó quan trọng thế nào?
    • Các hoàn cảnh có làm thay đổi tính đạo đức của hành vi không?
    • Có hành động nào luôn luôn là trái đạo đức bất chấp mọi hoàn cảnh không?
    • Thuyết tương đối đạo đức là gì? Nó có gì sai không?
    • Đạo đức tình huống là gì?
    • Công phúc là gì?
    • Tội là gì?

1. Các Nguồn của Luân lý (hay Đạo đức)

Trong bài học trước, chúng ta đã tìm hiểu về chuẩn mực KHÁCH QUAN để một hành động, một tư tưởng hay việc bỏ sót hành động có thể được đánh giá là tốt hay xấu; chuẩn mực khách quan này được gọi là LUẬT đạo đức. Chúng ta cũng đã bàn đến một điểm tham chiếu CHỦ QUAN (chúng ta hiểu "chủ quan" là một cái gì đó nằm trong con người hay chủ thể hành động); qui tắc chủ quan này chính là LƯƠNG TÂM của mỗi người. Mỗi người đem áp dụng qui tắc khách quan vào các hành động của mình với sự trợ giúp của lương tâm mình, mà như chúng ta biết, lương tâm chính là trí khôn của mỗi người khi họ đánh giá tính thiện hay ác của một hành vi.

Câu hỏi tiếp theo là LƯƠNG TÂM PHẢI XEM XÉT NHỮNG KHÍA CẠNH NÀO CỦA HÀNH ĐỘNG TRONG ÁNH SÁNG CỦA LUẬT ĐẠO ĐỨC? Câu trả lời sẽ trở nên rõ ràng khi chúng ta xét xem hành động ấy có những yếu tố nào.

    • Thứ nhất, đó là chính HÀNH VI (cũng gọi là ĐỐI TƯỢNG), là cái được ý chí tự do của chúng ta chọn thi hành dưới sự soi sáng của trí khôn. Nó cũng được gọi là FINIS OPERIS, tiếng Latinh có nghĩa là ‘mục đích của hành vi’. Đối tượng là CÁI MÀ HÀNH ĐỘNG TỰ BẢN CHẤT CỦA NÓ HƯỚNG TỚI, không lệ thuộc ý hướng của chủ thể hành động cũng như các hoàn cảnh xung quanh.
    • Thứ hai là Ý HƯỚNG của người làm hành vi ấy, MỤC ĐÍCH người ấy nhắm tới (cũng gọi là FINIS OPERANTIS, tiếng Latinh có nghĩa là ‘mục đích của người hành động’; và sau cùng,
    • Các HOÀN CẢNH kèm theo hành động ấy.

Các yếu tố trên đây được gọi là các NGUỒN CỦA ĐẠO ĐỨC (hay của LUÂN LÝ), vì hành động là tốt hay xấu tuỳ thuộc vào các nguồn này.

Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL 367; xem GLCG 1750) dạy chúng ta rằng

Tính chất luân lý của hành vi nhân linh dựa trên ba nguồn:

    • Ðối tượng được lựa chọn, nghĩa là một điều thiện đích thực hay có vẻ như thế.
    • Ý hướng của chủ thể hành động, nghĩa là mục đích khiến cho chủ thể hành động.
    • Các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả các hậu quả của hành động.

Đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh tạo thành các ‘NGUỒN’, hay các yếu tố cấu thành của các hành vi nhân linh.

1.1 ĐỐI TƯỢNG của hành vi xác định nó là tốt hay xấu bằng cách nào?

Trước tiên cần lưu ý rằng thuật ngữ ‘đối tượng’ không chỉ về đối tượng vật lý của hành động, cũng không chỉ về hành vi thể lý, nhưng chỉ về đối tượng đạo đức (hay luân lý), theo nghĩa là nó lệ thuộc các qui tắc đạo đức nói trên. Vì thế, chẳng hạn, đối tượng của việc trộm cắp không phải là món tiền bị đánh cắp (đối tượng vật lý) hay sự chuyển dời từ chỗ này sang một chỗ khác (hành vi thể lý), nhưng là sự lấy đi một cách bất công một cái gì đó của chủ nhân của nó mà không có sự ưng thuận của người này. Hơn nữa, hai hành vi giống nhau về mặt thể lý nhưng có thể có tính đạo đức khác nhau, ví dụ trong trường hợp dùng dao đâm một người vô tội và dùng dao để thực hiện một ca phẫu thuật thì có sự giống nhau về thể lý và khác nhau về đạo đức. Sự khác biệt giữa hai hành động này nằm ở mục tiêu hay mục đích của mỗi hành động.

Trong quyển Our Moral Life in Christ ("Đời Sống Luân Lý của Chúng Ta Trong Đức Kitô", New Jersey: Scepter – MTC, 1997), A. Fernandez và J. Socias cắt nghĩa cách thức mà đối tượng của một hành vi xác định tính luân lý của hành vi ấy như thế nào:

Đối tượng xác định tính luân lý của một hành vi; chẳng hạn, trộm cắp, nói dối, lộng ngôn, v.v… là trái đạo đức. Ngược lại, nói thật, công bằng và kính trọng danh Thiên Chúa là những hành vi đạo đức. Hành vi nhân linh là tốt hay xấu CHỦ YẾU bắt nguồn từ đối tượng và bản chất của chính hành vi, chứ không từ ý hướng. Ví dụ, ngoại tình luôn luôn là xấu vì chính đối tượng của nó, bất chấp mục đích của người làm hành vi ấy là gì. Vì vậy, khi đối tượng đạo đức tự nó là một điều xấu tuyệt đối, thì hành vi ấy tự bản chất nội tại của nó là một hành vi xấu.

Nếu chỉ xét về đối tượng của hành vi (mà không xét đến ý hướng của nó), chúng ta có thể chia các hành vi nhân linh thành:

    • tốt (như cầu nguyện, làm việc thiện cho người khác);
    • xấu (như nói dối, trộm cắp); hay
    • dửng dưng, không tốt không xấu (đi bộ, ngồi…).

Khi học về các giới răn, chúng ta xét đến tính đạo đức KHÁCH QUAN hay CỐT YẾU của các hành động, chúng ta tìm hiểu về tính chất tốt hay xấu NỘI TẠI của chúng, chúng ta nói về tính đạo đức CƠ BẢN hay CHỦ YẾU của chúng, bất chấp ý hướng của những người làm các hành vi ấy là gì. Điều này đi ngược lại ý kiến của những người cho rằng một hành vi là tốt hay xấu chỉ tuỳ thuộc hay phần lớn tuỳ thuộc ý hướng của người hành động, hay các hoàn cảnh khiến người ấy hành động, hay các tập tục phổ biến của xã hội, và vì thế làm cho luân lý hay đạo đức trở thành chủ quan và tương đối.

Giả như các hành động không có tính đạo đức khách quan, thì nói về tốt hay xấu sẽ chẳng có nghĩa gì cả. Người ta sẽ thấy mình rơi vào vũng bùn của những ý kiến khác nhau và trái ngược nhau. Như Thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêsô (4:14), những hạng người như thế sẽ

bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường.

Ngài cũng nói trong Thư 2 gửi Timôthê (4:3-4):

(3) Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. (4) Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường.

Và Hồng Y Giuse Ratzinger (nay là Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI) tuyên bố trong bài giảng trước Cơ Mật Viện ngày 18-4-2005:

Những thập kỷ gần đây chúng ta được biết đến biết bao chiều gió đạo lý, biết bao trào lưu ý thức hệ, biết bao lối suy nghĩ. Con thuyền tư tưởng mong manh của nhiều Kitô hữu thường bị các đợt sóng này làm cho tròng trành từ thái cực nọ sang thái cực kia: từ chủ nghĩa Mácxít sang chủ nghĩa tự do, thậm chí sang chủ nghĩa buông thả; từ chủ nghĩa tập thể sang chủ nghĩa cá nhân cực đoan; từ vô thần sang một thứ chủ nghĩa thần bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tri sang chủ nghĩa tạp giáo, vv… Mỗi ngày lại phát sinh những giáo phái mới, và điều mà Thánh Phaolô nói về những trò bịp bợm và những mưu ma chước quỉ nhằm lôi kéo người ta vào chốn lầm lạc (x. Ep 4:14) đã trở thành sự thật.

Ngày nay, những ai có một đức tin sáng sủa dựa trên Kinh Tin Kính của Hội Thánh thì thường bị coi là cực đoan. Trong khi những người theo chủ nghĩa tương đối, nghĩa là để mình "bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý" thì lại được coi là thái độ duy nhất phù hợp với thời đại mới. Người ta đang xây dựng một chế độ độc tài cho chủ nghĩa tương đối vốn không nhìn nhận bất cứ điều gì là chắc chắn, và mục tiêu cuối cùng của nó chỉ là cái tôi và thoả mãn các ước muốn của cái tôi mà thôi.

Còn chúng ta, chúng ta có một cùng đích khác hẳn: Con Thiên Chúa, là người thật. Ngài là thước đo của thuyết nhân bản chân chính. Một đức tin ‘trưởng thành’ không phải là thứ đức tin đi theo các trào lưu thời thượng và các điều mới lạ nhất; đức tin trưởng thành là đức tin ăn rễ sâu trong tình bạn với Đức Kitô. Chính tình bạn này mở lòng chúng ta ra trước mọi điều thiện hảo và cho chúng ta một chuẩn mực để phân biệt đúng với sai, thật với giả.

Chúng ta phải phát triển đức tin trưởng thành này; chúng ta phải dẫn dắt đoàn chiên Chúa Kitô tới đức tin này. Và chính đức tin này‒chỉ có đức tin này‒mới tạo nên sự hiệp nhất và được hoàn thành trong yêu thương.

Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này về thuyết tương đối đạo đức hay luân lý ở phần dưới.

1.2 Chúng ta hiểu Ý HƯỚNG hay MỤC ĐÍCH là gì, và nó ảnh hưởng tới tính luân lý của hành động như thế nào?

Ý hướng hay mục đích là ĐỘNG LỰC (hay LÝ DO) để hành động. Sách GLCG (số 1752) dạy:

Khác với đối tượng, ý hướng thuộc về chủ thể hành động. Ý hướng phát xuất từ ý chí tự do và xác định mục đích của hành động, nên là một yếu tố căn bản để đánh giá tính luân lý của hành động. Mục đích là điểm đầu tiên ý hướng nhắm tới, là mục tiêu hành động theo đuổi. Ý hướng là động tác của ý chí nhắm đến mục đích, định hướng cho hành động, nhằm thiện ích tác nhân đang mong đợi. Ý hướng không chỉ giới hạn vào việc định hướng cho từng hành động riêng lẻ, mà còn có thể phối trí nhiều hành động khác nhau nhắm đến cùng một mục tiêu. Ý hướng có thể định hướng toàn bộ cuộc sống chúng ta đến một cùng đích. Ví dụ : một công việc có mục đích giúp đỡ tha nhân, đồng thời có thể do tình yêu Thiên Chúa là cùng đích của mọi hành động thúc đẩy. Một hành động có thể do nhiều ý hướng, như giúp đỡ kẻ khác để nhờ vả hay để khoe khoang.

Về vai trò của ý hướng trong việc làm thay đổi bản chất tốt hay xấu của một hành động, GLCG (1753) cắt nghĩa:

    • Một ý hướng tốt (ví dụ : giúp đỡ tha nhân) không thể làm cho một hành vi sai trái (ví dụ : nói dối, nói xấu) trở thành tốt hay đúng. Cứu cánh không biện minh cho phương tiện. Như thế, không thể biện minh cho việc kết án một người vô tội như phương tiện chính đáng để cứu dân chúng.
    • Ngược lại, một hành vi tự nó là tốt (ví dụ : bố thí) có thể trở thành xấu khi có ý xấu (ví dụ : tìm hư danh) [x. Mt 6,2-4].

Tóm tắt những điều nói trên, chúng ta có thể phát biểu các nguyên tắc sau đây:

    • Khi HÀNH ĐỘNG hay ĐỐI TƯỢNG tự nó có vẻ KHÔNG TỐT CŨNG KHÔNG XẤU, thì một MỤC ĐÍCH hay Ý HƯỚNG tốt sẽ làm cho hành động ấy trở thành tốt.
    • Khi HÀNH ĐỘNG hay ĐỐI TƯỢNG tự nó có vẻ KHÔNG TỐT CŨNG KHÔNG XẤU, thì một MỤC ĐÍCH hay Ý HƯỚNG xấu sẽ làm cho hành động ấy trở thành xấu. Vì vậy từ hai nguyên tắc này, chúng ta có thể nói rằng mặc dù hành động xét một cách trừu tượng có vẻ không tốt cũng không xấu, nhưng khi có một hành động hữu ý (nghĩa là có hiểu biết và ưng thuận), thì nó hoặc là tốt hay là xấu, chứ không còn là dửng dưng nữa.
    • Khi HÀNH ĐỘNG hay ĐỐI TƯỢNG là TỐT, một MỤC ĐÍCH hay Ý HƯỚNG tốt làm cho nó trở thành tốt hơn.
    • Khi HÀNH ĐỘNG hay ĐỐI TƯỢNG là TỐT, một MỤC ĐÍCH hay Ý HƯỚNG xấu làm cho nó trở thành xấu hơn, thậm chí xấu hẳn.
    • Nếu HÀNH ĐỘNG hay ĐỐI TƯỢNG là XẤU, một MỤC ĐÍCH hay Ý HƯỚNG tốt làm cho nó bớt xấu hơn, nhưng không bao giờ là tốt hoàn toàn. Vì vậy không bao giờ được phép làm điều xấu vì một mục đích tốt, như sách GLCG đã dạy ở trên.
    • Nếu HÀNH ĐỘNG hay ĐỐI TƯỢNG là XẤU, một MỤC ĐÍCH hay Ý HƯỚNG xấu làm cho nó trở nên xấu hơn.

1.3 Các hoàn cảnh thì sao? Chúng có làm tăng hay giảm tính tốt hay xấu của một hành vi như thế nào?

Các hoàn cảnh là các điều kiện đạo đức phụ thuộc, chúng góp phần làm tăng hay giảm tính tốt hay xấu đạo đức của một hành vi đang làm.

Theo GLCG, số 1754:

Các hoàn cảnh, kể cả các hậu quả, là những yếu tố phụ của một hành vi luân lý.

Các hoàn cảnh gồm:

    • NGƯỜI hành động, hay NGƯỜI chịu hành động. Một đứa trẻ nói láo thì khác với một viên chức chính phủ nói láo. Ăn cắp của một người triệu phú thì khác với ăn cắp của một người ăn xin.
    • ĐIỀU liên quan‒số lượng hay chất lượng của đối tượng, v.d., ăn cắp một vật thánh thì nặng hơn ăn cắp một vật khác có giá trị tương đương.
    • NƠI xảy ra hành động có thể làm thay đổi tính luấn lý của nó‒một tội phạm nơi công cộng thì khác với một tội phạm nơi riêng tư.
    • VỚI PHƯƠNG TIỆN GÌ
    • Các lý do phụ thêm KHIẾN đương sự làm một điều gì.
    • CÁCH THỨC hành động cũng làm thay đổi tính tốt hay xấu của hành động.
    • Hành động KHI NÀO và LÂU BAO NHIÊU (thời gian) cũng có thể ảnh hưởng đến tính tốt hay xấu của hành động.

Sách GLCG ở cùng số này (1754) cũng cắt nghĩa hiệu quả của hoàn cảnh đối với hành vi:

    • Chúng góp phần gia tăng hay giảm bớt tính chất tốt hay xấu về mặt luân lý của những hành vi nhân linh (Ví dụ : lấy cắp nhiều hay ít),
    • Chúng cũng có thể giảm bớt hay gia tăng trách nhiệm của tác nhân (hành động vì sợ chết).
  • Tự chúng, các hoàn cảnh không thể thay đổi phẩm chất luân lý của chính hành vi. Chúng không thể làm cho một hành vi tự nó là xấu trở nên tốt hay đúng.

1.4 Có ý hướng tốt hay hoàn cảnh tốt mà thôi không đủ

GLCG (1756) nhắc lại:

Do đó, người ta mắc phải sai lầm khi thẩm định tính luân lý của một hành động mà chỉ xét ý hướng hoặc hoàn cảnh (môi trường, áp lực xã hội, cưỡng bách hoặc do cần thiết phải hành động.....). Chưa cần xét đến hoàn cảnh và ý hướng, có những hành vi tự bản chất luôn là bất chính nghiêm trọng do đối tượng; ví dụ : lộng ngôn, bội thề, sát nhân và ngoại tình. Không được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt.

2. Các Hành động với nhiều Hậu quả

C Belmonte (Faith Seeking Understanding, vol. 2. Manila: Studium Theologiae Foundation, pp 41-42) viết:

Rất thường xuyên một hành động duy nhất có thể tạo ra nhiều hậu quả trực tiếp, với các mức độ tương đối khác nhau. Có hậu quả tốt, cũng có hậu quả xấu. Chúng ta sẽ xét các hành động này trong ánh sáng các nguyên tắc về hai nguồn đạo đức hàng đầu đã thiết lập ở trên. Để đơn giản, chúng ta sẽ giới hạn vào việc phân tích trường hợp của một hành động với hai hậu quả, một tốt và một xấu.

Cần phải có BA ĐIỀU KIỆN để hành động này là tốt. Hai điều kiện đầu tiên liên quan đến tính chất tốt lành của đối tượng và của mục đích, nhưng có sự phức tạp do yếu tố hiệu quả kép.

i) Điều kiện THỨ NHẤT và CƠ BẢN là ĐỐI TƯỢNG của hành động tự bản chất (finis operis) phải là TỐT hay KHÔNG TỐT CŨNG KHÔNG XẤU về mặt đạo đức.

Đây thường là điểm khó xác định nhất, bởi vì hành động có hai hiệu quả. Ta phải xác định xem đối tượng thực của hành động là hiệu quả tốt hay hiệu quả xấu. Đối tượng là tốt nếu hiệu quả tốt phát sinh một cách tất yếu từ hành động ấy. Ngược lại, nếu có hiệu quả xấu thì hiệu quả này chỉ phát sinh một cách ngẫu nhiên (per accidens)‒mặc dù đôi khi có thể chắc chắn nó sẽ phát sinh‒vì trong một số hoàn cảnh, người hành động không thể tránh được hiệu quả này. Nói khác đi, hiệu quả trực tiếp của hành động phải là một hiệu quả tốt. Chắc chắn không nằm trong trường hợp này khi hiệu quả tốt là hậu quả của một hiệu quả xấu. Cũng giống như làm một việc gì xấu để đạt một mục đích tốt, và chúng ta biết mục đích không thể biện minh cho phương tiện.

Chúng ta không nên quên rằng chúng ta luôn luôn nói đến đối tượng đạo đức (luân lý), chứ không phải đối tượng vật lý. Chẳng hạn, đâm một người không phải là ‘lụi con dao’ hay ‘đưa một vật lạ vào trong một cơ thể.’ Mà là ‘giết’ hay ‘làm bị thương.’

Tương tự, cắt bỏ một chân bị ung thư để cứu bệnh nhân không chỉ là ‘cắt bỏ một chi,’ mà là ‘cắt bỏ một chi bị bệnh đe doạ sinh mạng.’ Nếu không, hiệu quả gần của việc phẫu thuật‒cắt bỏ‒sẽ là hiệu quả xấu, còn hiệu quả tốt‒sức khoẻ‒sẽ đến sau như một hậu quả. Như ta có thể thấy, áp dụng nguyên tắc này không phải luôn luôn dễ dàng. Chúng ta không thể áp dụng nọ đại trà cho bất cứ trường hợp nào mà không xét đến tất cả các yếu tố liên quan.

ii) THỨ HAI, MỤC ĐÍCH của người hành động, Ý HƯỚNG của họ, cũng phải TỐT. Vì vậy, người hành động phải chỉ tìm hiệu quả tốt mà thôi.

iii) Cũng phải có ĐIỀU KIỆN THỨ BA: phải có một NGUYÊN NHÂN NGHIÊM TRỌNG TƯƠNG XỨNG với việc làm hành động ấy và cho phép hậu quả xấu xảy ra. Tính nghiêm trọng của nguyên nhân được đo lường trong tương quan với tầm quan trọng của hậu quả tốt. Nguyên nhân càng phải nghiêm trọng.

    • khi sự xấu gây ra một cách gián tiếp càng nghiêm trọng;
    • khi ảnh hưởng của hành động trong hiệu quả xấu càng gần;
    • khi hiệu quả xấu càng có khả năng xảy ra;
    • khi người hành động do chức vụ có bổn phận nặng nề phải ngăn ngừa hiệu quả xấu.

Thông thường, ý kiến của những người khôn ngoan và thái độ của họ trong các trường hợp này là những hướng dẫn tốt để thẩm định xem có một nguyên nhân tương xứng hay không.

Sau đây là một ít ví dụ minh hoạ cho việc ứng dụng các nguyên tắc này:

    • Trường hợp một bệnh nhân không có hi vọng sống, có thể cho họ thuốc an thần để làm dịu cơn đau, cho dù thuốc này có thể làm họ giảm thọ. Nhưng không được cho họ một liều lượng mạnh hơn có thể gây chết người để làm họ mau chết và cắt đứt cơn hấp hối.
    • Một người có thể được phép chấp nhận một cuộc phẫu thuật cho dù nó có thể dẫn đến tình trạng vô sinh. Nhưng không được triệt sản với mục đích tránh những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí để tránh tử vong có thể xảy ra nếu mang thai.
    • Có thể chấp nhận một vụ đầu tư rủi ro để cứu một công ty còn non trẻ cho dù có nguy cơ đưa công ty ấy càng lún sâu hơn vào tình trạng phá sản. Nhưng không được phép dối trá để tuyên bố phá sản, cho dù chắc chắn việc tuyên bố này có thể cứu công ty.

3. Các thuyết có họ hàng với thuyết đạo đức chủ quan

Chủ nghĩa tương đối về đạo đức muốn giải phóng con người khỏi những trói buộc của thuyết giáo điều. Nhưng cái nó muốn làm là đưa con người thoát khỏi sự lệ thuộc Thiên Chúa. Thuyết tương đối đạo đức là một âm vang của cơn cám dỗ đầu tiên của tổ tông chúng ta (St 3:4-5):

4 Rắn nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu! 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác."

Điều mà những người chủ trương thuyết tương đối đạo đức muốn là‒mỗi người trở thành Thiên Chúa của chính mình, tự mình quyết định điều gì là đúng điều gì là sai. Rõ ràng trong một xã hội mà mỗi người tự quyết định đúng sai cho chính mình, thì chỉ có thể xảy ra tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ.

Thuyết tương đối đạo đức tạo ra chia rẽ. Nó gieo rắc vô số đạo lý đối chọi nhau, tất cả đều phủ nhận tính đạo đức nội tại của các hành động của chúng ta. Sau đây là một số lý thuyết thuộc loại này.

3.1 Thuyết đạo đức (hay luân lý) tình huống

A Fernandez và J Socias viết (Our Moral Life in Christ, p 112) : (Our Moral Life in Christ, p 112) :

Thuyết đạo đức tình huống [‘situation ethics’] cho rằng cái tốt và xấu đạo đức phát xuất từ tình huống mà người ta đang sống. Vì vậy thuyết này cho rằng không thể phán đoán về hành vi tự thân, nhưng phải phán đoán hành vi ấy trong hoàn cảnh của nó. Cũng gọi là thuyết ĐẠO ĐỨC (hay LUÂN LÝ) HOÀN CẢNH [‘circumstantial ethics’]. Ví dụ: Ông A quyết định không uống rượu vào tối thứ sáu vì ông đang lái xe, nhưng ngày thứ bảy ông uống thoải mái vì ông ở nhà và hành vi của ông sẽ không gây tai nạn cho người khác. Khi nghĩ rằng mình hành động có đạo đức vì không uống rượu khi lái xe, ông đã bỏ qua tính đạo đức (hay luân lý) của chính tật say rượu.

Thuyết đạo đức tình huống đã bị Đức Giáo Hoàng Piô XII bác bỏ và đã suy tàn. Nhưng một thuyết mới đã ra đời‒thuyết hậu quả đạo đức (consequentialism).

3.2 Thuyết hậu quả đạo đức

Quyển Encyclopedia of Catholic Doctrine ["Bách Khoa Học Thuyết Công Giáo"] (Indiana: Sunday Visitor, 1997, p 140) cắt nghĩa như sau:

Thuật ngữ ‘thuyết hậu quả đạo đức’ [‘consequentialism’] có liên quan mật thiết với hai thuật ngữ khác: thuyết vị lợi [‘utilitarianism’] và thuyết tương xứng [‘proportionalism’]. Người theo thuyết hậu quả đạo đức chủ trương rằng: Hãy chọn hành động nào tạo ra những hậu quả tốt nhất (hay những hậu quả ít xấu nhất) về lâu về dài.

A Fernandez và J Socias nêu ví dụ sau:

Ví dụ, giả sử một thanh niên ép bạn gái của anh ta phá thai vì cả hai người đều còn trẻ và không đủ tiền để nuôi dưỡng một đứa con, và qua các xét nghiệm tiền sản trước đó, hai người đã phát hiện rằng đứa trẻ sinh ra sẽ bị khuyết tật nặng. Anh ta lý luận rằng tốt hơn nên phá cái thai ấy để tránh cho đứa trẻ sinh ra khỏi phải sống một cuộc đời đau khổ, hai gia đình sẽ không bị gánh nặng vì tật nguyền của đứa bé, và không phải chịu gánh nặng tài chánh trong việc phải chăm sóc một đứa trẻ tật nguyền. Theo những người chủ trương thuyết hậu quả đạo đức, hành động này là đúng vì anh thanh niên cho rằng các hậu quả sẽ phát sinh từ hành động của anh ta là tốt… Nếu có các hậu quả xấu thì phải tránh hành động ấy; nhưng nếu có các hậu quả tốt, thì có thể hành động như thế mặc dù hành động ấy tự nó là xấu.

Hai tác giả trên đây cũng vạch ra ít là ba sai lầm của lập trường này.

‒ Nó đánh giá quá cao các hậu quả, vì thế nó quên mất nguyên tắc do Thánh Phaolô dạy: Không bao giờ làm điều xấu để đạt được điều tốt (xem Rm 3:8).

‒ Nó biện minh cho tính luân lý của các phương tiện, bất chấp bản chất của chúng, và vi phạm nguyên tắc đạo đức cơ bản là "mục đích không biện minh cho phương tiện."

Có thể nêu lên câu hỏi: có điều tốt cho ai? Có thể người chủ trương thuyết hậu quả này xét đến các hậu quả tốt cho chính mình, nhưng không tốt cho một người khác hay cho xã hội. Vì vậy những người chủ trương thuyết đạo đức này có thể sử dụng các phương tiện phi đạo đức, hay tìm kiếm các lợi lộc trước mắt, và rốt cuộc trở thành ích kỷ. Thuyết này cũng thường được đồng hoá với thuyết ĐẠO ĐỨC Ý HƯỚNG ("ETHICS OF INTENTION") và càng cho thấy rõ sai lầm cơ bản của nó, vì ý hướng tốt không biện minh cho các hành vi phi đạo đức. Ngoài ra, ý hướng của một người thì ai có thể đo đếm được?

3.3 Thuyết tương xứng

Những người theo thuyết tương xứng (proportionalism) lý luận rằng một hành động là tốt hay xấu phải được xác định bằng việc cân nhắc tỷ lệ tương xứng giữa tốt và xấu trong các chọn lựa khác nhau. Người ta phải chọn hành động theo phía nào có vẻ tốt hơn hay ít xấu hơn. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để đo được tỷ lệ ấy, vì thường có liên quan đến nhiều điều tốt, và cách đánh giá các sự việc của người này thường không giống với người khác. Vì thiếu một điểm khách quan làm chuẩn mực, nên quyết định đạo đức trở nên độc đoán, tuỳ tiện. /p>

4. Công phúc

4.1 "Công phúc" nghĩa là gì

Sách GLYL (426; xem GLCG, 2006-2010, 2025-2026) cắt nghĩa:

Công phúc là điều đem lại quyền được thưởng cho một hành động tốt. Trong những liên hệ với Thiên Chúa, con người tự mình không có gì được gọi là công phúc, vì họ lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người khả năng lập công nhờ kết hợp vào đức ái của Ðức Kitô, nguồn mạch các công phúc của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, công phúc của những việc lành trước hết là do ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới do ý chí tự do của con người.

Có HAI LOẠI công phúc. C Belmonte viết (Faith Seeking Understanding, vol 2, p 44):

Về trường hợp CÔNG PHÚC HOÀN HẢO (DE CONDIGNO: nghĩa là do xứng đáng), có sự tương đương giữa giá trị của hành động và phần thưởng. Trong trường hợp này, có thể nói phần thưởng gần như là một bổn phận của công bằng, ít là vì lời hứa đã được đưa ra. Như vậy chúng ta có thể đáng được tăng ơn sủng và ơn cứu độ đời đời nhờ cuộc Cứu Chuộc của Đức Kitô.

Nếu công phúc không phải do sự tương đương tất yếu ấy, nhưng do một sự thích hợp nào đó hay do lòng hào phóng của người ban thưởng, chúng ta có CÔNG PHÚC KHÔNG HOÀN HẢO (DE CONGRUO: nghĩa là do sự thích hợp). Thế nên, trong trật tự siêu nhiên, các ơn chúng ta nhận được cho một người khác là loại công phúc không hoàn hảo. Có một sự tương ứng nào đó giữa các hành vi tốt lành không thuộc lãnh vực siêu nhiên và loại công phúc này.

4.2 Chúng ta có quyền để đáng được điều gì từ Thiên Chúa không?

Sách GLCG (số 2007) nói:

Theo đúng nghĩa, con người không có công trạng gì trước mặt Thiên Chúa. Giữa Thiên Chúa và con người có một sự chênh lệch vô tận, vì tất cả những gì chúng ta có đều nhận được từ Ðấng Sáng Tạo.

4.3 Vậy làm sao có chuyện chúng ta có thể đòi phần thưởng vì các việc làm của mình?

Câu trả lời dựa trên các lý do sau:

    • LÒNG THƯƠNG XÓT của CHÚA CHA;
    • HI TẾ cứu chuộc của CHÚA GIÊSU, Đấng đã CHUỘC cho chúng ta phần thưởng‒Ngài trả tiền đền bù, chúng ta trông coi món tiền đền bù; và
    • ƠN TRỢ LỰC của CHÚA THÁNH THẦN, không có Ngài chúng ta không thể làm được việc gì đáng công.

Đó là một sáng kiến hoàn toàn của Chúa Ba Ngôi. Sách GLCG (số 2008) dạy:

Thiên Chúa đã tự do an bài cho con người cộng tác với công trình của ân sủng, nên trong cuộc sống, người Kitô hữu có thể lập được công trạng trước mặt Thiên Chúa. Khởi điểm cho sự cộng tác này luôn là hành động của Thiên Chúa là Cha, Ðấng thôi thúc con người hành dộng tự do đến mức có thể nói, công trạng đầu tiên thuộc về ân sủng của Thiên Chúa, sau đó mới qui về người tín hữu. Hơn nữa, công trạng của con người phải qui về Thiên Chúa, vì những việc lành của họ xuất phát từ Ðức Ki-tô, nhờ Chúa Thánh Thần gợi hứng và trợ lực.

Sách GLCG còn nói thêm ở số 2009:

Khi nhận chúng ta làm nghĩa tử, Thiên Chúa cho chúng ta thông hiệp bản tính của Người. Ơn nghĩa tử cũng đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực dựa theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Ðây là một quyền xuất phát từ ân sủng, quyền vô song xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa biến chúng ta thành kẻ "đồng thừa tư" với Ðức Ki-tô và xứng đáng lãnh nhận "gia tài đã hứa là đời sống vĩnh cửu" [Cđ. Trentô (1547): DS 1546]. Công trạng các việc lành của chúng ta là hồng ân do lòng nhân hậu của Thiên Chúa [Cđ. Trentô (1547): DS 1548]. "Ân sủng đã đi bước trước, giờ đây chúng ta phải đền đáp những gì đã lãnh nhận... Công trạng là hồng ân của Thiên Chúa." (T. Âutinh, Bài giảng 298,4-5: PL 38, 1367)

Nói khác đi, mọi sự đều là hồng ân, và điều Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta là góp phần bé nhỏ của mình bằng tiếng “Xin Vâng” với kế hoạch và ân sủng của Ngài. Sách GLCG (số 2011) dạy chúng ta:

Tình yêu Ðức Kitô trong ta là nguồn mọi công trạng của ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng kết hợp chúng ta với Ðức Ki-tô trong tình yêu năng động, bảo đảm tính siêu nhiên của các việc chúng ta làm và do đó bảo đảm công trạng trước mặt Thiên Chúa và con người. Các thánh luôn ý thức mãnh liệt rằng công trạng của họ hoàn toàn do ân sủng.

Chính vì này mà Thánh nữ Têrêsa đã cầu nguyện như sau (St. Therese of Lisieux, "Act of Offering" in Story of a Soul, tr. John Clarke. Washington Dc: ICS, 1981, p 277) prayed:

Sau cuộc lưu đày trần thế này, con mong được về hưởng Người nơi quê trời, nhưng con không muốn tích trữ công phúc để về trời. Con chỉ muốn làm việc cho tình yêu Người mà thôi… Đến lúc cuộc đời xế tà, con sẽ đến trình diện trước nhan Người với bàn tay trắng, vì lạy Chúa, con không xin Người tính sổ các việc lành của con. Trước mắt Người, mọi sự công chính của chúng con đều mang tì vết. Vì vậy con muốn được mặc lấy đức công chính của Người và muôn đời được chiếm hữu chính Người nhờ tình yêu của Người.

4.4 Chúng ta có thể đáng được ơn công chính khởi đầu không? Nếu không, chúng ta có thể đáng được điều gì?

Trước tiên chúng ta phải hỏi ‘công chính hoá’ nghĩa là gì. Sách GLYL (số 422) nói:

Công chính hoá … là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Ðấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính, thánh thiện trong con người chúng ta. Ðiều đó được thực hiện bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần, ân sủng đó được dành sẵn cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, và được trao ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Việc công chính hóa mở đường cho lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là cho đức tin vào Ðức Kitô và cho sự cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần.

Sách GLCG (số 2010) dạy rằng ơn sủng đầu tiên chúng ta cần để được ƠN THA TỘI và CÔNG CHÍNH HOÁ thì được ban không cho chúng ta‒chúng ta không thể làm gì để đáng được ơn ấy. (Về điểm này, chúng ta đồng ý với lời dạy của Martin Luther‒công chính hoá không phải do việc làm.) Sau đó, chúng ta có thể đáng được ƠN THÁNH HOÁ và các ƠN LÀNH TRẦN GIAN.

Trên bình diện ân sủng, không ai lập được công trạng để đáng lãnh nhận ân sủng tiên khởi mở đầu cho các ơn hoán cải, tha thứ và công chính hóa, vì sáng kiến là do Thiên Chúa. Sau đó dưới tác động của Thánh Thần và đức mến, chúng ta mới có thể lập công để đáng lãnh nhận cho mình và cho tha nhân, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hóa, gia tăng ân sủng và tình yêu, cũng như đạt được đời sống vĩnh cữu. Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể lập công để đáng lãnh nhận những lợi ích trần thế như sức khỏe, tình bạn . Ki-tô hữu vẫn nguyện xin Thiên Chúa ban cho mình các ân sủng và lợi ích này. Lời cầu nguyện có thể làm Thiên Chúa thương, ban ân sủng cần thiết giúp chúng ta thực hành những việc đáng thưởng công.

4.5 Cần có điều kiện gì để một hành vi của chúng ta đáng thưởng công?What are required for an act to be meritorious?

C Belmonte viết (Faith Seeking Understanding vol 2, p 44):

Để một hành vi đáng thưởng công‒đương nhiên luôn luôn vì Chúa đã hứa‒cần phải có các điều kiện sau:

    1. HÀNH VI phải TỐT LÀNH và TỰ DO‒(nếu không tự do thì không phải hành vi nhân linh).
    2. Ý chí phải được soi sáng bởi tình trạng đức ái siêu nhiên, nói cách khác, linh hồn phải được soi sáng bởi ƠN THÁNH HOÁ. Đó là điều hiển nhiên theo những gì đã nói ở trên. Thật ra, nếu một người sống trong tình trạng ân sủng, mọi hành động của họ đều là siêu nhiên và đáng được thưởng công; nếu các hành động ấy tốt lành, chúng luôn luôn được soi sáng bởi đức ái, ít là một cách mặc nhiên.
    3. Người ta chỉ đáng được thưởng công khi CÒN SỐNG Ở ĐỜI NÀY (in statu viatoris: trong cuộc sống lữ hành, nghĩa là trước khi chết).

Mức độ phần thưởng nhiều hay ít tuỳ thuộc vào mức độ đức ái nhiều hay ít của người hành động. Và cũng tuỳ thuộc một điều kiện cần là cường độ của hành vi ý chí hướng hành động tới mục đích siêu nhiên.

4.6 Ơn Bền đỗ chung cuộc

Sách GLCG (số 2016) ghi nhận:

Là con cái của Mẹ Hội Thánh, chúng ta hy vọng Thiên Chúa là Cha sẽ ban ơn trợ lực giúp chúng ta bền đỗ đến cùng và ban phần thưởng cho các việc làm, mà nhờ ân sủng của Người , chúng ta đã làm trong sự kết hiệp với Ðức Giê-su. [xem Cđ. Trentô (1547): DS 1576].

C Belmonte viết (Faith Seeking Understanding vol 2, p 44):

SNói đúng ra, chúng ta không thể làm gì để đáng được ơn bền đỗ đến cùng, thậm chí chỉ một cách không hoàn hảo. Tuy nhiên, có thể nói chúng ta có thể đáng được ơn ấy theo nghĩa THÍCH HỢP (‘de congruo’), nghĩa RỘNG.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 363-369,372-376,415-421.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 1730-1748,1776-1802,1949-1986.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 2. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 391-450.

Websites