Bài 30: Điều Thực Sự Là Tội Lỗi

Câu hỏi hướng dẫn

    • Tội là gì?
    • Có những loại tội gì?
    • Phải chăng những điều mà xã hội xem là tệ nạn đều là tội?
    • Khi nào người ta mắc tội trọng?
    • Khi nào người ta mắc tội nhẹ?
    • Những sự bất toàn cũng là tội phải không?
    • Hậu quả của tội trọng là gì?
    • Hậu quả của tội nhẹ là gì?
    • Những tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì?
    • Sự cám dỗ là gì?
    • Sự khác biệt giữa tội nội tâm và tội ngoại tại là gì?
    • Thế nào là dịp tội?
    • Chúng ta có được cộng tác làm điều dữ hay không?

1. Sự xúc phạm Thiên Chúa

Lời Chúa phán trong Sách Jeremiah (2:12-13):

12 Này trời, hãy kinh khiếp về chuyện đó, hãy run sợ cho hồn xiêu phách lạc, - sấm ngôn của Ðức Chúa, 13 vì dân Ta đã phạm hai tội: chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước.

Những lời này minh họa rõ tội là gì. Tội chính là sự xa lánh Đấng đem lại sự mãn nguyện cho mọi khao khát thâm sâu của chúng ta, và tìm đến những cách nhất thời để mong xoa dịu những sầu khổ của chúng ta.

1.1 Tội nguyên tổ và tội riêng (tội cá nhân)

Chúng ta đã đọc trong Bài 7, tội của tổ tông chúng ta gây nên vết thương nơi bản tính con người và làm cho tất cả chúng ta rất dễ sa vào tội lỗi (xem thêm Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu LượcGLYL – mục 77). Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Rôma (5:19):

Thật vậy cũng như vì một người duy nhất không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người thành tội nhân …

Tuy nhiên, Ngài viết thêm ngay sau đó:

... thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

Do muốn được bằng Thiên Chúa, Adam và Eve đã đánh mất những ân sủng giúp họ nên giống Thiên Chúa và mang hình ảnh của Ngài, nhất là mất ơn thánh hóa là một ơn siêu nhiên giúp họ trở nên những người dự phần vào thiên tính. Tuy nhiên, Đức Giêsu Kitô đã phục hồi khả năng trở nên giống như Thiên Chua cho chúng ta. Bằng cuộc sống của Ngài, Đức Kitô đã tạo nên một gương sống động để chúng ta noi theo. Bằng cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài, Đức Kitô đã chuộc lại cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh, tức là ân sủng, mà chúng ta rất cần để đạt được phần thưởng Nước Trời. Ngài giúp chúng ta có lại đặc ân mà thực sự chúng ta không chút xứng đáng nào có được.

Giáo Hội hằng nhắc nhở chúng ta hãy ý thức về tình trạng tội lỗi và khuynh hướng dễ sa vào đường tội lỗi của chúng ta. Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của Ngài (1:8-10):

8) Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. (9) Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Ðấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. (10) Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta.

1.2 Tư tưởng, lời nói, việc làm hoặc điều thiếu sót đi ngược lại luật Chúa

Sách GLYL, mục 392 (xem thêm Giáo Lý Công GiáoGLCG – mục 1849-1851, 1871-1872) tóm tắt lời dạy của Hội Thánh về tội lỗi như sau:

Tội là 'một lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịch với Luật Vĩnh Cửu' (Thánh Augustine). Tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, không vâng phục tình yêu của Ngài. Nó gây thương tích cho bản tính con người và làm thương tổn tình liên đới nhân loại. Qua cuộc khổ nạn, Đức Kitô cho thấy rõ ràng tính chất trầm trọng của tội, và đã chiến thắng nó bằng lòng thương xót của Ngài.

Giáo lý dạy rằng sự xúc phạm đến Thiên Chúa cũng là sự xúc phạm đến nhân tính và tình liên đới nhân loại. Nói cách khác, TỘI CÁ NHÂN CŨNG LÀ TỘI XÃ HỘI. Sự minh định này áp dụng cho cả những tội có vẻ như không gây hậu quả bên ngoài nào.

2. Các loại tội riêng (tội cá nhân)

Tội của tổ tông chúng ta được gọi là TỘI NGUYÊN TỔ. Còn tội mà mỗi người chúng ta mắc phạm được gọi là TỘI RIÊNG hoặc TỘI CÁ NHÂN. Có nhiều loại tội cá nhân, hay nói cách khác là có nhiều cách chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa. Sách GLCG (mục 1853 & 1854) khẳng định:

Tội có thể được phân biệt

    • theo ĐỐI TƯỢNG của chúng, cũng như mọi hành vi nhân linh; hoặc
    • theo các nhân đức mà chúng đối nghịch do thái quá hay do bất cập; hoặc
    • theo CÁC ĐIỀU RĂN mà chúng vi phạm ...
    • theo [CON NGƯỜI mà chúng xúc phạm], theo tương quan của chúng với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân;
    • chúng được phân chia thành các tội về tinh thần và các tội về thể xác; hoặc
    • tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm, hoặc bỏ sót không làm. ...
    • theo MỨC ĐỘ của chúng [tội trọng hoặc tội nhẹ].

3. Về mức độ nghiêm trọng của tội

3.1 Kinh Thánh có nói về tội trọng (hoặc tội chết) hay không?

Thưa, có. Trong Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan có lời sau (5:16-17):

16) Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy. (17) Mọi điều bất chính đều là tội, nhưng có tội không đưa đến cái chết.

3.2 Khi nào người ta phạm tội trọng?

Sách GLYL (mục 395; xem thêm GLCG mục 1855 - 1861, 1874) giảng giải (1) YẾU TỐ hoặc ĐIỀU KIỆN phạm tội trọng; (2) HẬU QUẢ của tội trọng; và (3) cách để ĐƯỢC THA THỨ tội trọng:

[YẾU TỐ hoặc ĐIỀU KIỆN] Người ta phạm tội trọng khi cùng một lúc có:

    • tính chất nghiêm trong,
    • ý thức đầy đủ, và
    • tự ý ưng thuận.

[HẬU QUẢ] Tội trọng

    • hủy diệt đức mến trong chúng ta,
    • tước đoạt ân sủng thánh hóa, và
    • dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối.

[SỰ THA THỨ] Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ bí tích

    • Bí tích Rửa Tội, và
    • Bí tích Thống Hối, còn gọi là Bí tích Giao Hòa.

Người phạm tội trọng, dù chỉ một tội thôi, người đó đã hoàn toàn tự ý tách mình khỏi sự thân nghĩa (friendship) với Thiên Chúa. Người đó từ chối sự trao ban tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Tội trọng hủy diệt đức mến, và như lời Thánh Phaolô viết trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (13:1-3), khi chúng ta không có đức mến (đức yêu thương), chúng ta sẽ không có tất cả mọi thứ khác vì đức mến là cốt lõi của sự thánh thiện.

(1) Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. (2) Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (3) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

Không cứ phải là lên tiếng thẳng thừng rằng chúng ta căm ghét Thiên Chúa thì chúng ta mới phạm tội trọng. Khi chúng ta không tuân giữ giới răn Thiên Chúa trong trường hợp nghiêm trọng nào đó là chúng ta đã mắc tội trọng rồi. Đức Giêsu Kitô dạy các tông đồ rằng yêu mến Thiên Chúa chính là tuân giữ giới răn của Ngài. Thánh Gioan chép lại lời của Chúa chúng ta (Gioan 14:15, 23-24):

(15) ' Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ GIỮ CÁC ĐIỀU RĂN CỦA THẦY . ... (23) … Ai yêu mến Thầy, thì sẽ GIỮ LỜI THẦY, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy; và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy.

Người phạm tội trọng tự ý tách bản thân khỏi sự thân nghĩa với Thiên Chúa (tức là từ chối ƠN THÁNH HÓA), nên người đó cũng tự tách mình khỏi các phép bí tích cần đến sự thân nghĩa này (cụ thể là Bí tích Thêm Sức, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hôn Phối, Bí tích Truyền Chức Thánh, Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân). Chỉ khi nào người này hòa giải với Thiên Chúa qua Bí tích GIẢI TỘI, người này mới được nhận lãnh các bí tích trên. Nói cách khác, nếu một người BIẾT mình còn mang tội trọng chưa cáo giải mà cả lòng nhận lãnh các bí tích trên thì người đó phạm THÊM MỘT TỘI TRỌNG NỮA.

Tội trọng là sự quay ngoắt 180 độ khỏi uyên nguyên của chân, thiện, mỹ, sự sống và hạnh phúc. Nếu cái chết đến mà người phạm tội trọng không ăn năn, trở lại và hối cải, thì quyết định của người này được đóng ấn mãi mãi: người này tự đẩy mình đời đời kiếp kiếp ra khỏi sự chân, thiện, mỹ, sự sống và hạnh phúc.

3.3 Khi nào người ta phạm tội nhẹ?

Hành vi tội lỗi nào thiếu một trong ba yếu tố của tội trọng (tính chất nghiêm trọng, ý thức đầy đủ, tự ý ưng thuận) được xem là tội nhẹ.

Mục 396 Sách GLYL giảng giải về (1) CÁC YẾU TỐ hoặc ĐIỀU KIỆN gây nên tội nhẹ và (2) HẬU QUẢ của tội nhẹ (xem thêm GLCG mục 1862-1864, 1875):

[YẾU TỐ hoặc ĐIỀU KIỆN] Người ta phạm tội nhẹ, là tội khác biệt hẳn với tội trọng,

    • khi tính chất liên quan không nghiêm trọng, hoặc
    • thậm chí tính chất nghiêm trọng nhưng không có đầy đủ ý thức hoặc không hoàn toàn ưng thuận.

[HẬU QUẢ] Tội nhẹ

    • không phá vỡ giao ước với Thiên Chúa, nhưng
    • làm suy yếu đức mến, và
    • biều lộ sự quyến luyến sai lạc đối với của cải trần thế.
    • Nó ngăn cản sự thăng tiến của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý.
    • Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.

3.4 Như vậy có vẻ như tội nhẹ được chấp nhận?

Sách GLCG mục 1863 khuyên bảo chúng ta đừng mắc tội nhẹ.

Tội nhẹ có chủ ý và nhất định không thống hối khiến chúng ta dần dần đi đến chỗ phạm tội trọng.

Mục này còn trích dẫn lời của Thánh Augustine:

Bao lâu còn mang thân xác, con người không thể không có một số tội nhẹ. Nhưng chớ coi thường các tội mà chúng ta gọi là 'nhẹ': nếu bạn xem là nhẹ khi bạn cân chúng thì hãy run sợ khi bạn đếm chúng. Nhiều vật nhỏ làm thành khối lớn; nhiều giọt nước làm đầy con sông; nhiều hạt lúa tạo nên đống lúa. Vậy thì chúng ta cậy trông gì? Trước hết, hãy đi xưng tội. [In epist. Io. 1, 6: PL 35, 1982].

Tội nhẹ làm suy yếu đức mến nên tội nhẹ có thể được tha bằng những hành vi đức ái như cầu nguyện, hy sinh, hãm mình và ăn năn, phục vụ tha nhân, lãnh nhận các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên, bí tích giải tội vẫn là cách tốt nhất để nhận ơn tha thứ vì bí tích này không những tha tội mà còn ban ơn sủng rất cần thiết để tránh tội nhẹ luôn day dứt người mắc phạm.

Ngày 15 tháng 10 năm 2005, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI có buổi gặp gỡ các em vừa mới rước lễ lần đầu. Thay vì giảng, Ngài nói ban tổ chức cho phép các em đặt câu hỏi với Ngài. Một trong những câu hỏi trong buổi hôm đó như sau:

Thưa Đức Thánh Cha, trước ngày con rước lễ lần đầu, con đi xưng tội. Con cũng sẽ xưng tội vào những dịp khác. Con muốn hỏi Cha là: con có phải xưng tội trước mỗi lần rước lễ hay không, thậm chí khi con mắc cùng những tội như trước đó? Vì con thấy rằng chúng luôn luôn là những tội giống nhau.

Rất thú vị trước câu hỏi đó, Đức Thánh Cha trả lời như sau:

Cha sẽ nói cho các con hai điều. Thứ nhất, lẽ dĩ nhiên là các con không cần phải xưng tội trước mỗi lần các con rước Thánh Thể trừ phi các con mắc tội trọng cần phải được giải tội. Vì thế, không nhất thiết phải xưng tội trước mỗi lần chịu Phép Thánh Thể. Nhưng nhất thiết phải xưng tội khi các con phạm tội trọng, khi các con xúc phạm nặng nề đến Chúa Giêsu khiến sự thân nghĩa giữa Ngài và các con bị cắt đứt và các con cần phải tạo lại sự thân nghĩa đó. Chỉ trong trường hợp các con đang ở trong tình trạng mắc 'tội chết', hay nói cách khác là tội trọng, thì nhất thiết các con phải xưng tội trước khi rước Thánh Thể. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai Cha muốn nói với các con là: cho dù, như Cha vừa mới nói là không nhất thiết phải xưng tội trước mỗi lần rước lễ, nhưng việc xưng tội đều đặn là điều rất hữu ích. Quả đúng như vậy đấy các con: những tội của chúng ta luôn là như thế, nhưng chúng ta lau nhà, lau phòng tối thiểu một tuần một lần cho dù vẫn là những thứ bụi bặm đó; chúng ta lau sạch bụi bặm thường xuyên để sống trong sạch sẽ, để tạo mới lại. Mặt khác, bụi bặm khó nhìn thấy nhưng chúng tích tụ thành lớp dày. Có thể nói một điều tương tự về phần linh hồn, về chính bản thân Cha: nếu Cha chẳng hề đi xưng tội, linh hồn của Cha sẽ bị bỏ quên và rồi Cha luôn luôn hài lòng về bản thân mình và không còn biết rằng Cha cần phải làm hết sức mình để hoàn thiện; Cha cần phải thăng tiến. Và sự thanh sạch linh hồn mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong Bí Tích Giải Tội luôn giúp chúng ta làm cho lương tâm mình tinh tường hơn, khoáng đạt hơn; và như thế, nó giúp chúng ta trưởng thành về tâm linh và nhân tính.

Vì thế, có hai điều, đó là sự xưng tội chỉ cần thiết trong trường hợp mắc tội trọng, nhưng sự xưng tội đều đặn rất hữu ích để tăng cao sự thanh sạch và vẻ đẹp của linh hồn, và để trưởng thành từng ngày trong cuộc sống.

Tội nhẹ làm suy yếu đức mến. Linh hồn trở nên vô cảm. Trong khi chúng ta không thể tránh những tội nhẹ KHÔNG CHỦ TÂM (tức là những tội nhẹ mắc phải do không ý thức hoặc do yếu đuối), thì chúng ta phải ra sức tránh tội nhẹ CHỦ TÂM. Các thánh thường khuyên chúng ta hãy CĂM GHÉT những tội nhẹ có chủ tâm. Thánh Josemaría viết trong cuốn The Way [Con Đường] (mục 331):

Các bạn sẽ trở nên vô cảm nếu cứ uể oải và miễn cưỡng thực thi những gì liên quan đến Thiên Chúa chúng ta; nếu cố ý hoặc ” khéo léo “ tìm cách này hay cách khác để tránh né bổn phận; nếu chỉ nghĩ đến bản thân và sự an nhàn của mình; nếu những trò chuyện của các bạn chỉ toàn chuyện vẩn vơ, không đâu; nếu các bạn không căm ghét tội nhẹ; nếu các bạn cứ hành xử theo những thôi thúc tầm thường của thế nhân.

Thánh Teresa Avila viết trong cuốn The Way of Perfection [Con Đường Thiện Toàn] (chương 41):

Xin Chúa đừng để chúng ta cố ý phạm bất kỳ tội nào, dù là tội nhẹ, vì như thế, chúng ta đang xúc phạm tới Đấng quyền uy tối thượng, và chúng ta biết rõ là Ngài đang trông đến chúng ta. Đối với tôi, điều đó là một tội nặng có suy tính trước; điều đó như thể là người ta lên tiếng:” Thưa Chúa, mặc dù điều này làm mất lòng Ngài, nhưng con cứ phải làm. Con biết Ngài nhìn thấy điều đó và con cũng biết Ngài không muốn con làm điều đó, nhưng cho dù con hiểu rõ như thế, con vẫn muốn làm theo ý thích và mong muốn của con hơn là làm theo ý Ngài “. Nếu chúng ta phạm tội kiểu như thế, thì theo tôi, sự xúc phạm này không phải nhỏ đâu mà là rất lớn.

3.5 Tội trong tư tưởng và ước muốn3.5 Tội trong tư tưởng và ước muốn

Chúng ta cần cảnh giác với những tội phạm trong thâm tâm chúng ta, được gọi là NHỮNG TỘI NỘI TÂM (internal sins). Thánh Vịnh 19 có lời sau:

12) … Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. (13) Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi cố ý phạm tội; đừng để những tội đó thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn, và không còn vương trọng tội.

Chúng ta cần cương quyết tránh các tội nội tâm vì

    • chúng ta rất dễ mắc những tội này;
    • chúng ta khó tránh chúng; và
    • chúng ta ít lưu ý tới chúng.

Chúa chúng ta cảnh báo về những tội nội tâm. Điển hình là Ngài đã phán dạy những lời sau:

27) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (Mátthêu 5:27-28)

(19) Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. (20) Ðó mới là những cái làm cho con người ra ô uế; còn ăn mà không rửa tay thì không làm cho con người ra ô uế". (Mátthêu 12:19-20)

(27) "Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. (28) Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác! (Mátthêu 23:27-28)

Tội nội tâm là những tội mắc phạm trong thâm tâm con người. Các nhà luân lý sắp đặt những tội này thành ba loại:

    • KHOÁI LẠC TÂM TƯỞNG (deliberate pleasure). Đây là sự khoái trá tội lỗi về một hành vi xấu xa hiển hiện trong TRÍ TƯỞNG TƯỢNG nhưng không có mong muốn thực hiện hành vi này. Mức nghiêm trọng của nó thế nào? Nếu hành vi xấu xa hiển hiện trong trí tưởng tượng là nghiêm trọng, thì khoái lạc tâm tưởng mang mức nghiêm trọng như thế.
    • NIỀM VUI TỘI LỖI (sinful joy). Đây là sự khoái chí, hả dạ về một hành vi xấu xa ĐÃ LÀM trong QUÁ KHỨ. Mức nghiêm trọng của nó tùy theo bản chất của hành vi xấu xa đó.
    • DỤC VỌNG XẤU XA (evil desire). Đây là sự khoái lạc tâm tưởng về một tội lỗi nào đó tuy chưa phạm nhưng ƯỚC MUỐN phạm.

3.6 Về những tội được gọi là ” tội phạm đến Chúa Thánh Thần “ thì sao? Tại sao những tội này không thể được tha?

Sách GLCG (mục 1864) viết:

"Vì vậy, tôi nói cùng anh em, mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, nhưng tội nói phạm tới Thần Khí sẽ chẳng được tha" [Mátthêu 12:31; xem thêm Máccô 3:29; Luca 12:10]. Lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tình từ chối đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc thống hối, thì người đó cũng khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa Thánh Thần ban tặng [Thông điệp Dominum et Vivifacantem của Giáo Hoàng John Paul II, 46]. Sự cứng lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt đời đời.

Khi ai từ chối ơn soi sáng ăn năn, thống hối, và ơn tha thứ, người đó phản bác hành động của Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, tội đó không thể được tha thứ vì chính người đó KHÔNG MUỐN ĐƯỢC THA THỨ. Chúng ta có thể mắc tội này do thiếu tinh thần tự vấn lương tâm về lời nói, tư tưởng và hành vi của chúng ta. Chúng ta cũng có thể mắc tội phạm đến Thánh Thần do khước từ xưng tội. Phạm tội đến Thánh Thần là tự ý để lòng khô khan, nguội lạnh, chai cứng, và làm cho lòng không thấm đượm ân sủng. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đoạn Thánh Vịnh nói về trải nghiệm của dân Israel trong hoang địa.

(7) … hôm nay ước chi các ngươi nghe tiếng Ngài! (8) Các ngươi chớ cứng lòng như tại Meribah, như vào ngày ở Ma-xa trong hoang mạc, (9) nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. (10) Suốt bốn mươi năm, Ta gớm ghiếc dòng giống này, Ta đã nói : Ðây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta. (11) Do đó, Ta mới thịnh nộ thề rằng: CHÚNG SẼ KHÔNG ĐƯỢC VÀO CHỐ YÊN NGHỈ CỦA TA". (Thánh Vịnh 95:7-11)

3.7 Về cội rễ của tội: bảy mối tội đầu

Các mối tội đầu hoặc CÁC THÓI HƯ là CĂN NGUYÊN hoặc CỘI RỄ của các tội và thói xấu khác. Thánh Thomas thường gọi chúng là ” thói hư “ vì chúng không phải là NHỮNG HÀNH VI như tội lỗi mà là những THÓI QUEN, những thói quen xấu. Chúng đối nghịch với nhân đức là những thói quen thánh thiện. Theo Thánh John Cassian và Gregory Thánh Cả, các mối tội này thường được phân loại như sau (xem thêm GLCG mục 1866):

3.7.1 Ngạo mạn và kiêu căng

Thực ra, Thánh Thomas Aquinas không bao gồm sự ngạo mạn vào trong bảy mối tội đầu; thay vào đó, Ngài nói đến tính kiêu căng, vì theo Ngài, sự ngạo mạn là cội rễ của mọi thứ tội, không ngoại trừ tội nào. Khi người ta phạm tội, thì luôn luôn có sự ngạo mạn trong hành vi của họ. Tuy nhiên, chúng ta đề cập cả sự ngạo mạn cùng tính kiêu căng trong mục này vì cả hai liên quan mật thiết với nhau. Chúng ta định nghĩa sự ngạo mạn là gì? Theo định nghĩa của Thánh Thomas, NGẠO MẠN LÀ KHÁT VỌNG SAI LẠC VỀ SỰ ƯU VIỆT CỦA BẢN THÂN. Điều này hàm nghĩa là có niềm KHÁT VỌNG ĐÚNG MỰC (orderly desire) về sự ưu việt của bản thân. Thiên Chúa thực sự muốn chúng ta thánh thiện, muốn chúng ta trở nên giống Ngài, và đó là niềm khát vọng của chúng ta hợp với chuẩn mực Thiên Chúa đã định. Sẽ là sai lạc khi chúng ta khát vọng về tính ưu việt của mình mà không cần Thiên Chúa. Nhưng từng thứ đơn giản nhất chúng ta có được đều do Thiên Chúa ban, vì thế, người ngạo mạn rốt cuộc sẽ thấy mình là rỗng tuếch. Điều này gợi cho chúng ta nhớ lại lời trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô:

(7)Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh? (8) Anh em đã no nê rồi, đã giàu có rồi! (I Côrintô 4:7-8)

Còn TÍNH KIÊU CĂNG thì sao? Đó là KHÁT VỌNG TỎ LỘ SỰ ƯU VIỆT CỦA BẢN THÂN MỘT CÁCH SAI LẠC. Đây là sự ước vọng thái quá muốn được mọi người ca tụng. Điều này trái ngược với thái độ của Thánh Gioan Tẩy Giả:

30 Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi. (Gioan 3:30)

PHƯƠNG THUỐC chữa sự ngạo mạn là gì? Đó là nhận biết SỰ THẬT về bản thân và về Thiên Chúa. Chính vì thế, Thánh Augustine có lời cầu nguyện:

Noverim me, noverim Te. – Lạy Chúa, xin cho con hiểu rõ bản thân mình, và xin cho con hiểu biết Chúa.

Bằng sự tự biết mình và hiểu biết Thiên Chúa nhiều hơn, chúng ta nhận ra vai trò và vị thế của mình. Thiên Chúa dùng nhiều tình huống, hoàn cảnh khiến chúng ta hổ thẹn để cho chúng ta nhận ra chúng ta là ai và thực sự chúng ta là gì – chỉ là tạo vật được tạo tác từ bụi đất tầm thường. Bởi thế, chúng ta nên tận dụng những CẢM XÚC HỔ THẸN mà Thiên Chúa gởi đến cho chúng ta vì chúng là những cơ hội Thiên Chúa dùng để làm cho chúng ta tự nhận biết mình hơn. Mặt khác, ĐÚC TIN, một nhân đức siêu nhiên được củng cố bởi ƠN KHÔN NGOAN do Thánh Thần ban cho sẽ giúp chúng ta lớn mạnh về đức khiêm nhường.

3.7.2 Tham lam

Tham lam là SỰ HAM MUỐN CÓ CỦA CẢI HOẶC TIỀN BẠC MỘT CÁCH THÁI QUÁ. Một lần nữa, chúng ta thấy định nghĩa này cũng hàm ý có một điều được xem là ước muốn ĐÚNG MỰC đối với của cải vật chất – chúng ta cần chúng để nuôi sống bản thân; chúng ta cần chúng cho cuộc sống gia đình; chúng ta cần chúng cho công việc, hoạt động của chúng ta. Nhưng khi chúng ta quá đề cao giá trị của cải vật chất, lòng chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho chúng. Chúng ta sẽ cứ mải miết thu tích và chú tâm đến của cải vật chất. Chúng ta hằng nên suy ngẫm lời của Đức Giêsu.

16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!" (18) Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!" (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?" (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó".

(22) Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; (23) vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. (24) Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao ! (25) Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được một vài gang không? (26) Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? (27) Hãy nhìn hoa huệ mà suy: làm sao chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. (28) Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!

(29) Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn. (30) Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. (31) Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.

(32) "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. (33) "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó. (Luca 12:16-34)

PHƯƠNG THUỐC chữa trị tham lam là SỰ TIẾT ĐỘ trong việc sử dụng của cải vật chất, CÔNG BẰNG trong cách quản lý chúng. Chúng ta cũng nên nguyện xin được mạnh mẽ về ĐỨC CẬY, một nhân đức siêu nhiên, để giúp chúng ta luôn hướng lòng về Nước Trời, không mê mải thế trần. Thêm vào đó, chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ƠN THÔNG MINH để giúp chúng ta nhận ra giá trị tương đối của mọi thứ thế gian.

3.7.3 Sự mê dâm dục

Sự mê dâm dục là SỰ HAM MUỐN SAI LẠC VỀ KHOÁI LẠC TÌNH DỤC. Mục đích của hôn nhân là sinh sản và dưỡng dục con cái nên khoái lạc tình dục trong hôn nhân không những KHÔNG sai lạc mà còn có tính chất THÁNH THIỆN vì đó là ý của Thiên Chúa dành cho hôn nhân. Đó là một phần trong kế hoạch của Ngài ngay từ khởi thủy.

PHƯƠNG THUỐC chữa sự mê dâm dục là tận dụng tốt thời gian, tránh nhàn cư, lười biếng; tránh xa các dịp tội (văn, thơ, truyện, phim ảnh, những trò chuyện … dâm ô); giữ gìn nghiêm khắc các giác quan, nhất là mắt, ký ức và trí tưởng tượng; siêng năng cầu nguyện, luyện thói quen luôn nghĩ đến sự hiện diện của Chúa và thường xuyên chịu các phép bí tích. Các nhân đức luân lý (moral virtues/ cardinal virtues) như KHÔN NGOAN, DŨNG CẢM, TIẾT ĐỘ có vai trò rất quan trọng ở đây. Chúng ta cũng cần xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ƠN SỨC MẠNH và ƠN KÍNH SỢ THIÊN CHÚA.

[* moral virtues = các nhân đức luân lý; các tên gọi khác là cardinal virtues; gồm 4 nhân đức: công bình (justice); khôn ngoan (prudence); dũng cảm (fortitude); và tiết độ (temperance) ]

Các mối tội đầu còn được gọi là CÁC TỘI CHẾT, và điều này đặc biệt đúng đối vối tội mê dâm dục. Chúng ta nhớ lại trải nghiệm của Vua David. Nhà vua nhàn tản trong khi đạo quân của Ngài đang chinh chiến, và nhà vua đã không kiềm giữ mắt mình. Sách Samuel, quyển thứ hai, (11:1-15) thuật lại thảm họa trong đời Vua David: nhà vua không những phạm tội ngoại tình mà từ việc đó còn phạm tội gây gương xấu và sát nhân.

1 Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Ða-vít sai ông Giô-áp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Ít-ra-en. Họ giết hại con cái Am-mon và vây hãm Ráp-ba. Còn vua Ða-vít thì ở lại Giê-ru-sa-lem.

2 Vào một buổi chiều, vua Ða-vít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. 3 Vua Ða-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: "Ðó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết." 4 Vua Ða-vít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng…. 5 Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Ða-vít rằng: "Tôi có thai." … 14 Sáng hôm sau, vua Ða-vít viết thư cho ông Giô-áp và gửi ông U-ri-gia mang đi. 15 Trong thư, vua viết rằng: "Hãy đặt U-ri-gia nơi tuyến đầu, chỗ giao tranh nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết."

Bởi vậy, Thánh Josemaría viết trong cuốn The Way (mục 183):

Đôi mắt! Qua chúng, những điều ác len vào linh hồn. Ôi biết bao trải nghiệm như trải nghiệm của Vua David! Nếu canh giữ cẩn trọng đôi mắt mình, chúng ta chắc chắn giữ được lòng thanh sạch.

3.7.4 Sự ghen tị

Ghen tị là SỰ BỰC DỌC TRƯỚC NHỮNG THỨ NGƯỜI KHÁC CÓ ĐƯỢC vì cho rằng như thế sẽ làm tổn thương bản thân mình, làm lu mờ ưu điểm hoặc tiếng tăm của mình. Tính này trái ngược với lời khuyên của Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Rôma (12:15) khi Ngài nói về đức mến:

(15) Hãy vui với người vui, khóc với người khóc.

Sự ghen tị làm cho chúng ta hả dạ trước vận xui của người khác – chúng ta hoan hỉ khi họ đang than khóc; và buồn bực trước vận may của họ - khóc khi họ đang hân hoan. Sự ghen tị làm nảy sinh căm tức, đàm tiếu và nói xấu người khác.

Một trong NHỮNG PHƯƠNG THUỐC chữa tính ghen tị là học hỏi để tìm ra và hiểu rõ những khả năng chúng ta có được. Hằng ngày, Thiên Chúa đổ muôn ơn lành cho chúng ta nhưng đôi lúc chúng ta mù quáng không nhận ra điều đó. Chính vì thế, chúng ta nên xin Thiên Chúa ban cho chúng ta mạnh mẽ về ĐỨC TIN, một nhân đức siêu nhiên. Khi chúng ta có được thói quen luôn nhận ra ơn lành của Thiên Chúa và cảm tạ Ngài về điều đó, chúng ta sẽ luôn sẵn sàng cảm tạ Chúa về những ơn lành Ngài ban cho mọi người khác, và nguyện xin ơn lành của Ngài ban xuống cho họ. Chúng ta nên cầu xin Thiên Chúa một nhân đức siêu nhiên khác nữa, đó là ĐỨC MẾN..

3.7.5 Sự mê ăn uống

Sự mê ăn uống là HAM MUỐN ĂN UỐNG THÁI QUÁ. Chúng ta cần ăn, cần uống để sống. Đó là ước muốn ĐÚNG MỰC về ăn uống. Nhưng khi ước muốn này vượt quá lằn ranh lý trí, nó trở thành tội.

PHƯƠNG THUỐC chữa thói mê ăn uống lả SỰ TIẾT ĐỘ. Sách Sirach (còn gọi là Sách Huấn Ca, 23:6) có lời nguyện:

6 xin chớ để thói ăn chơi truỵ lạc thống trị con, đừng để con đắm chìm trong những dục vọng trơ trẽn.

Thánh Josemaría viết trong cuốn The Way (mục 126):

Sự mê ăn uống là kẻ báo trước về sự ô uế tinh thần.

Chương 37 Sách Huấn Ca viết:

27 Con ơi, trong cuộc sống, hãy lượng lấy sức mình, thấy gì có hại, con chớ chiều theo. 28 Vì không phải mọi sự đều hợp với mọi người, đâu phải cái gì ai ai cũng thích. 29 Khi dự tiệc vui, chớ ăn uống vô độ, đừng hễ thấy miếng ăn là sấn vào, 30 vì tham thực cực thân, ăn quá nhiều sinh bội thực. 31 Lắm người thiệt mạng vì mê ăn mê uống, còn ai cẩn thận thì được sống lâu.

3.7.6 Sự phẫn nộ

Phẫn nộ là HAM MUỐN SAI LẠC VỀ SỰ TRẢ THÙ. Có sự phẫn nộ được xem là phẫn nộ CHÍNH ĐÁNG, chẳng hạn như phẫn nộ trước những bất công. Sự phẫn nộ chính đáng đưa con người tới sự khôi phục công lý bằng những phương thế hợp lý không vi phạm tới ĐỨC MẾN. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô (4:26-27, 29-32):

(26) Anh em nổi nóng ư? Ðừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. (27) Ðừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng! … (29) Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. (30) Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. (31) Ðừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. (32) Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Ðức Kitô.

PHƯƠNG THUỐC chữa thói hư này là ĐỨC HIỀN LÀNH; đây cũng là hoa trái của Thánh Thần. Chúng ta thường nản lòng hoặc tức giận hoặc nổi nóng khi KẾ HOẠCH CỦA CHÚNG TA bị trục trặc. Chúng ta có thể tránh được nóng giận bằng cách tự nhắc nhở mình những lời sau đây của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI viết trong Deus Caritas Est (no 35):

Rất nhiều lần gánh nặng nhu cầu và khả năng giới hạn của chúng ta khiến chúng ta nản chí. Nhưng chính những lúc đó chúng ta được trợ giúp bởi ý tưởng là chúng ta thực sự chỉ là công cụ trong tay Chúa; và ý tưởng này giải thoát chúng ta khỏi sự dằn vặt là chính chúng ta gánh vác trách nhiệm kiện toàn thế giới. Với tinh thần khiêm cung, chúng ta sẽ làm tất cả những gì trong khả năng của mình, và với lòng khiêm cung, chúng ta giao phó những việc còn lại cho Thiên Chúa. CHÍNH THIÊN CHÚA CAI QUẢN THẾ TRẦN NÀY CHỨ KHÔNG PHẢI CHÚNG TA. Chúng ta dâng cho Thiên Chúa mọi việc làm đúng với năng lực của mình và trong suốt thời gian chúng ta nhận được sức mạnh Ngài ban. Làm việc với hết khả năng và sức lực của mình chính là nhiệm vụ mà người tôi tớ tốt của Đức Giêsu Kitô luôn thực hiện: "Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi" (2 Côrintô 5:14).

Rất nhiều người tham dự các khóa rèn luyện kỹ năng kiềm chế nóng giận. Giáo lý Kitô giáo cũng đưa ra phương cách ngăn ngừa sự nóng giận. Khi chúng ta làm việc với niềm tin rằng Thiên Chúa nhìn thấy mọi sự, biết mọi sự và hoạch định tất cả theo sự thiện hảo và lòng nhân từ vô biên của Ngài, thì không có gì phải nóng giận, bực tức nếu KẾ HOẠCH CỦA CHÚNG TA không tiến triển như ý định, vì mọi KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA luôn luôn được hoàn thành.

(3) Ngọn lửa hồng mở lối tiên phong, đốt tiêu tan địch thù tứ phía. … (5) núi tan chảy như sáp, khi diện kiến Thánh Nhan vị Chúa Tể hoàn cầu. (Thánh Vịnh 97:3,5)

Hơn nữa, chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa rất công minh. Dù chúng ta không thể khôi phục công lý do năng lực hạn hẹp của mình, thì sau cùng, Thiên Chúa vẫn sẽ thưởng hoặc phạt tùy theo công hay tội của từng người. Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô trích dẫn lời trong Sách Đệ Nhị Luật 32:35 ("Chính Ta sẽ báo oán"), và trong thư gửi tín hữu Do Thái, Ngài cũng viết lại câu trích dẫn này.

14) Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa. … (17) Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. (18) Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người. (19) Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Ðức Chúa Phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. (20) Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. (21) Ðừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác. (Rôma 12:14, 17-21)

(30) Vì chúng ta biết Ðấng đã nói: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Lại có lời rằng: Chúa sẽ xét xử Dân Người. (31) Thật là khủng khiếp, khi phải rơi vào tay Thiên Chúa hằng sống! (Do Thái 10:20-31)

3.7.7 Sự biếng nhác

Có thể định nghĩa sự biếng nhác là SỰ NẢN LÒNG VỀ PHƯƠNG THẾ CỨU RỖI mà Thiên Chúa đã định và ban cho loài người. Đây là hệ quả của sự thiếu NHÂN ĐỨC SIÊU NHIÊN LÀ ĐỨC CẬY, vốn là nhân đức giúp chúng ta tránh được một bên là SỰ TỰ PHỤ (presumption, còn được gọi nặng hơn là tội tự phụ, một tội nghịch với đức cậy), và bên kia là SỰ NẢN LÒNG. Mặc dù là hai thái cực, nhưng sự tự phụ và sự nản lòng đều đưa con người tới chỗ (1) buông xuôi cuộc chiến đấu nội tâm; (2) bỏ đi các phương thế siêu nhiên dẫn đến sự thánh thiện; và (3) đi theo con đường đưa tới sự hư mất linh hồn.

13) "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. (14) Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy. (Mátthêu 7:13-14)

3.8 Phải chăng sự bất toàn cũng là tội?

Sự bất toàn (đúng như thuật ngữ này ám chỉ) được định nghĩa là SỰ THIẾU TÍNH TOÀN THIỆN một cách cố tình hoặc sơ ý trong hành vi có bản chất thiện. Với minh định như thế, thí sự bất toàn không là tội vì nó gắn liền với HÀNH VI THIỆN, mặc dù hành vi thiện này CHƯA VẸN TOÀN. Thí dụ, chúng ta đọc kinh, cầu nguyện (một hành vi thiện), nhưng phân tâm nghĩ sẽ ăn món gì tối nay (như thế, chúng ta không toàn tâm toàn ý khi cầu nguyện; hành vi cầu nguyện của chúng ta không vẹn toàn). Trái lại, tội nhẹ tự nó là điều xấu. Chính như vậy, Thánh Gioan Thánh Giá nói về sự bất toàn trong Chương 11, Quyển I, bộ The Ascent of Mount Carmel) như sau:

Một số những bất toàn cố ý mà chúng ta không hết sức khắc phục, chúng sẽ cản ngăn chúng ta đạt đến sự kết hiệp với Thiên Chúa và sự thăng tiến trên con đường hoàn thiện.

Có rất nhiều những sự bất toàn cố hữu, chẳng hạn như tật nói lắm, hoặc sự dính bén thế trần mà chúng ta không khi nào muốn dẹp bỏ. … Nếu linh hồn chúng ta trở nên dính bén và quen với một trong những bất toàn đó, điều này rất nguy hại cho sự trương thành và thăng tiến của chúng ta trên đường nhân đức, tương tự như chúng ta hằng này sa ngã vào rất nhiều sự bất toàn khác cùng các tội nhẹ sơ ý …

Bao lâu còn như thế, thì bấy lâu không thể vươn tới sự toàn thiện cho dù sự bất toàn là rất nhỏ. Chúng ta hãy nghĩ đến một hình ảnh tương tự là con chim bị cột giữ bằng sợi dây nhỏ hoặc bằng sợi dây lớn thì hệ quả cũng y như nhau, tức là nó không thể bay đi được nếu nó không làm đứt sợi dây. Quả đúng là sợi dây nhỏ thì dễ đứt hơn nhưng mặc dù dễ đứt mà con chim không làm day đứt thì nó sẽ không sao bay đi được. Cũng như thế, dù có nhiều nhân đức bao nhiêu nhưng vẫn còn đôi chút dính bén thế gian, linh hồn sẽ không thể đạt đến tự do vĩnh hằng là kết hiệp với Thiên Chúa.

4. "Và xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ"

4.1 Chước cám dỗ

Sách GLCG (mục 2847) viết:

Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết phân định đâu là THỬ THÁCH, vốn cần thiết cho sự tăng trưởng của con người nội tâm [xem thêm Luca 8:13-15; Tông Đồ Công Vụ 14:22; Thư Rôma 5:3-5; II Timôthêô 3:12] và nhằm thử thách nhân đức, và đâu là CÁM DỖ dẫn đến tội lỗi và sự chết [xem Giacôbê 1:14-15]. Chúng ta còn phải biết phân định giữa BỊ CÁM DỖ và THUẬN THEO CÁM DỖ. Cuối cùng, phân định vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ: bề ngoài, đối tượng có vẻ tốt, đẹp mắt và đáng quí [xem thêm Sách Sáng Thế 3:6] nhưng thật sự, hoa trái của nó là sự chết.

4.1.1 Sự thử thách

Trong Thư Thứ Nhất, Thánh Phêrô viết (1:6-7):

6) Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. (7) Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Ðức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự.

Thánh Giacôbê cũng dạy chúng ta trong thư của Ngài (1:2-4):

(2) Thưa anh em, anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. (3) Vì như anh em biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. (4) Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những vệc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì.

Thiên Chúa để chúng ta bị cám dỗ để thử thách đức hạnh của chúng ta và tạo cơ hội để chúng ta lớn mạnh và lập công trạng. Do đó, Ngài sẽ không để chúng ta bị cám dỗ với thử thách vượt quá sức mà Ngài đã ban cho chúng ta cùng với ân sủng. Như lời Thánh Phaolô trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (10:13):

(13) Không một thử thách nào xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Ðấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người cũng cho anh em phương thế để vượt thắng, để anh em có sức chịu đựng.

4.1.2 Sự lôi cuốn vào đường tội lỗi

Theo một nghĩa khác, sự cám dỗ là sự lôi cuốn hoặc sự dụ dỗ phạm tội. Sự dụ dỗ này đến từ các nguồn sau:

    • THẾ GIAN: con người và xã hội nói chung, khi họ hành xử mà tâm hồn không có Thiên Chúa;
    • XÁC THỊT (bản tính bị thương tích của chúng ta), theo lời Thánh Gioan Tông Đồ, (I Gioan 2:16) thường bộc lộ trong
        • dục vọng của TÍNH XÁC THỊT: một sự tận dụng sai lạc năng lực sinh sản và những khoái cảm khác;
        • dục vọng của ĐÔI MẮT: một sự lạm dụng QUYỀN CHỦ TỂ đối với mọi tạo vật, nhưng oái ăm thay, sự lạm dụng này lại đưa đến sự làm nô lệ tạo vật;
        • SỰ TỰ KIÊU về cuộc sống: thói hợm mình đối với Thiên Chúa; đây là sự lạm dụng TỰ DO, vốn xuất phát từ trí năng và ý chí của con người.
    • QUỈ DỮ, kẻ được Thánh Phêrô mô tả " như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé." (I Phêrô 5:8)

Sự khác biệt giữa bị cám dỗ và ưng theo cám dỗ là gì?

Chúng ta cần phân biệt ba cấp độ cám dỗ:

    1. GỢI Ý: sự cám dỗ ngoại tại chúng ta có thể bị nhưng không phạm tội;
    2. SỰ ƯA THICH kéo dài: đây là sự cám dỗ nội tại và có đôi chút yếu tố của tội trong đó;
    3. SỰ ƯNG THEO CÁM DỖ sa vào tội lỗi: đây quả thật là sự cám dỗ nội tại và mang tội lỗi.

Bản thân sự cám dỗ không làm cho chúng ta mắc tội. Chính ý chí ưng thuận theo cám dỗ mới gây nên tội.

Những điều tốt lành xuất phát từ sự chiến thắng cám dỗ là gì?

Jordan Aumann OP, viết trong Spiritual Theology [Thần Học Tu Đức, còn gọi là Thần Học Linh Đạo] (Manila: University of Santo Tomas, 1982, trg 157-158):

Sự chiến thắng cám dỗ sẽ hạ nhục Satan, làm vinh quang của Thiên Chúa tỏa rạng, làm thanh sạch linh hồn chúng ta, đổ ngập tràn lòng chúng ta đức khiêm nhường, sự hối lỗi và niềm tin vào ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Chiến thắng đó nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh thức và cảnh giác, đừng quá tự tin vào bản thân, hãy trông cậy mọi sự do Chúa ban, và hãy tiết chế những ham thích cá nhân. Chiến thắng đó thôi thúc chúng ta cầu nguyện, giúp chúng ta thêm kinh nghiệm, và làm cho chúng ta thận trọng, khôn khéo hơn trong cuộc chiến với kẻ thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt.

4.2 Dịp tội

Dịp tội là một tình huống ngoại tại (như con người, sự vật, sách báo, trò chơi, hoàn cảnh, sự kiện, v.v…) gợi lên sự lôi cuốn mạnh mẽ vào tội lỗi và cơ hội thuận lợi để phạm tội.

Có NHIỀU LOẠI dịp tội.

    • Có NHIỀU LOẠI dịp tội.
    • Dịp tội GẦN: gợi lên nguy cơ ngoại tại mạnh mẽ khiến con người dễ sa vào tội lỗi. Loại dịp tội này còn được xếp thành ba nhóm.
        • (1) Dịp tội CỰC KỲ GẦN: là trường hợp ngoại tại nào đó gây nên nguy cơ nghiêm trọng cho mọi người phạm tội (chẳng hạn như sự đọc sách báo dâm ô); hoặc (2) dịp tội TƯƠNG ĐỐI GẦN: chỉ có nguy cơ đối với cá nhân nào đó.
        • (1) Dịp tội TỰ Ý (free): là dịp tội có thể tránh dễ dàng; hoặc (2) dịp tội THIẾT THÂN (necessary): là dịp tội không thể tránh được (thí dụ: nhà của cha mẹ nơi đứa con ở hằng ngày).
        • (1) Dịp tội THƯỜNG XUYÊN: là dịp tội mà người ta liên tục sống trong nó, tiếp xúc với nó (thí dụ: sống cùng với tình nhân trong nhà); hoặc (2) dịp tội BẤT CHỢT: là dịp tội thỉnh thoảng người ta mới gặp phải.

Những nguyên tắc gì liên quan tới dịp tội và sự tha thứ mà chúng ta nên nhớ?

    1. Những dịp tội XA phổ biến với mọi người nên chúng không là những cản trở đối với sự nhận lãnh ơn tha thứ và sự xóa tội (absolution) trong bí tích giải tội.
    2. Trường hợp sống trong dịp tội THIẾT THÂN, nếu người đó thực sự ăn năn hối lỗi và nghiêm túc vận dụng các biện pháp cần thiết để tránh phạm tội, người đó sẽ nhận được ơn tha thứ và sự xóa tội.
    3. Trường hợp sống trong dịp tội gần và TỰ Ý (free proximate occasion), người này không được ơn tha thứ. Hơn nữa, nếu dịp tội gần và TỰ Ý này có tính chất THƯỜNG XUYÊN, linh mục phải hoãn việc giải tội cho người này cho tới khi nào người này THỰC SỰ từ bỏ dịp tội đó.

4.3 Cộng tác làm điều dữ (cooperation in evil)

Cộng tác làm điều dữ là sự đồng tình với hành vi phạm tội của kẻ khác. Lưu ý rằng sự cộng tác làm điều dữ khác với việc gây gương mù, gương xấu (mục 4.4 dưới đây) ở điểm là gương mù, gương xấu khiến cho người khác phạm tội theo, còn cộng tác làm điều dữ hàm nghĩa là người khác đã có ý định phạm tội trước khi có sự ưng thuận của người mà đương sự kêu gọi cộng tác. Mục 1868 Sách GLCG viết:

Tội là hành vi cá vị. Ngoài ra, chúng ta cũng có trách nhiệm với tội do người khác phạm khi chúng ta cộng tác vào các tội đó bằng cách:

- tham gia trực tiếp và tự nguyện vào các tội đó;

- ra lệnh, xúi giục, khen ngợi hoặc tán thành những tội đó;

- không tố cáo hoặc không ngăn cản các tội đó khi có bổn phận phải can ngăn;

- che chở những người làm điều xấu.

Có nhiều hình thức cộng tác làm điều dữ, nhưng sự phân loại quan trọng nhất là sự cộng tác CHỦ TÂM (formal cooperation), và sự cộng tác KHÔNG CHỦ TÂM (material cooperation).

    • Sự cộng tác CHỦ TÂM là sự góp phần vào việc làm sai trái của kẻ khác, mà việc sai trái này thực sự là tội. Nói cách khác, người cộng tác làm điều dữ tán thành tội đó; và như thế, ý định cộng tác của người này cũng là tội. Sự cộng tác chủ tâm LUÔN LUÔN có tội.
    • Sự cộng tác KHÔNG CHỦ TÂM là sự góp phần vào HÀNH VI THỂ LÝ mà thôi. Bản thân hành vi của người cộng tác này có thể là hành vi tốt nhưng bị kẻ khác lợi dụng để phạm tội. Sự cộng tác không chủ tâm được chấp nhận TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP.

Sự cộng tác làm điều dữ thể hiện cơ cấu của tội lỗi. Mục 400 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1869) định nghĩa cơ cấu của tội là

những hoàn cảnh xã hội hoặc những tổ chức nghịch lại với Luật Thiên Chúa. Chúng là sự biểu lộ và là hậu quả của các tội cá nhân.

4.4 Gương mù, gương xấu (scandal)

Chủ đề này sẽ được trình bày trong bài nói về Điều Răn Thứ Năm.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 391-400.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 1846-1874.

Websites