Bài 24: Chữa Lành Bệnh Tật. Quyền Năng Nhân Danh Đức Kitô

Câu Hỏi Gợi Ý

    • Bệnh tật, khổ đau có ơn ích gì cho chúng ta hay không?
    • Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân là gì?
    • Bí tích này được lập khi nào?
    • Chất thể (matter) và mô thể (form, còn gọi là mô thức) của bí tích này là gì?
    • Những hiệu quả của bí tích này là gì?
    • Ai có thể lãnh nhận bí tích này ?
    • Điều kiện nào để lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân ?
    • Những ai là thừa tác viên bí tích này?Ai được quyền ban bí tích này?
    • Bí tích này có cần thiết lắm không ?
    • Các bí tích nào có thể được lãnh nhận cùng với bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân?
    • Trẻ em có thể lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân hay không?
    • Chúng ta hiểu thế nào về chức tư tế chung của tín hữu?
    • Bí tích Truyền Chức Thánh là gì?
    • Bí tích này được lập khi nào?
    • Những quyền năng nào đi với bí tích Truyền Chức Thánh?
    • Chất thể và mô thể của bí tích Truyền Chức Thánh là gì?
    • Những hiệu quả của bí tích Truyền Chức Thánh là gì?
    • Người nào có thể lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh?
    • Phụ nữ có thể được phong làm linh mục hay không?
    • Cần có những điều kiện gì để lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh?
    • Những ai là thừa tác viên bí tích này?
    • Vai trò của phó tế là gì?
    • Chức tư tế đòi hỏi phải sống độc thân phải không?

1. Xức dầu bệnh nhân

1.1 Bệnh tật có thể thánh hóa chúng ta và thánh hóa những người khác

Bệnh tật là một trong bốn vấn đề lớn của kiếp người (sinh, lão, bệnh, tử). Mục 1500 và 1501 Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) giảng giải:

Bệnh tật và đau khổ luôn luôn là những vấn đề nghiêm trọng nhất ảnh hưởng tới đời sống con người. Trong cơn bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, khả năng hạn hẹp và sự hữu hạn của mình. Mọi bệnh tật đều khiến chúng ta nhìn đến cái chết.

Bệnh tật có thể đưa đến sự lo lắng, tự khép kín, đôi khi tuyệt vọng rồi phản ứng chống lại Thiên Chúa. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm con người chín chắn hơn, giúp họ phân định được điều không thiết yếu trong cuộc đời, và hướng về những gì thực sự thiết yếu. Bệnh tật thường thúc đẩy con người tìm đến Thiên Chúa và trở lại với Ngài.

Tuy nhiên, dưới cái nhìn đức tin Kitô giáo, khổ đau có thể chuyển thành điều lành thánh. Khổ đau có thể giúp chúng ta nên thánh thiện. Trong bài giảng Tìm An Lành Trong Thánh Tâm Đức Kitô (tổng tập Christ is Passing By, mục 168), Thánh Josemaria Escriva viết:

Cảnh trên đồi Calvary thể hiện rõ là chúng ta nên thánh hóa mọi khổ đau, chúng ta phải sống kết hiệp với thánh giá Đức Kitô.

Nếu chúng ta chịu đựng mọi khốn khó với đức tin Kitô giáo, những khốn khó đó sẽ trở thành sự chuộc tội và đền tạ. Chúng giúp chúng ta dự phần vào cuộc đời và số phận của Đức Giêsu. Vì tình yêu thương nhân loại, Ngài đã tự nguyện chịu mọi khổ đau tinh thần và thể xác. Ngài sinh ra, sống và chết trong nghèo khó. Ngài bị công kích, đánh đập, sỉ vả, lăng nhục, vu oan và bị kết án một cách bất công. Ngài đau đớn tâm can khi các môn đệ bỏ rơi và phản bội Ngài. Đức Giêsu cam chịu sự ruồng bỏ, sự đau đớn của nhục hình và cái chết. Và bây giờ, cũng chính Đức Kitô đó đang chịu khổ đau trong các chi thể của Ngài, trong từng con người của cộng đồng nhân loại đang phát triển khắp thế trần trong khi Ngài là đầu, là trưởng tử và là đấng cứu độ của nhân loại.

Thánh Escriva mở rộng ý tưởng trên trong tác phẩm The Forge (785):

Nếu chúng ta kết hợp những điều nhỏ nhặt, những khó nhọc không đáng kể cũng như những nỗi khổ cùng cực của chúng ta với nỗi thống khổ không sao kể xiết của Đức Kitô, Chúa chúng ta, Đấng là Hy Lễ duy nhất, thì giá trị của những khổ cực đó tăng lên gấp bội. Chúng sẽ trở nên kho báu, và chúng ta sẽ vui vẻ vác Thánh Giá của Đức Kitô với hết khả năng của chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ lướt thắng mọi khổ đau, khốn khó; khi đó, không người nào, không sự gì có thể tước đi sự an lành và niềm hân hoan của chúng ta.

1.2 Đức Giêsu chữa cho những người đau yếu, bệnh tật

Trong Thánh Kinh, chúng ta đọc thấy nhiều trường hợp Đức Giêsu chữa lành cho những người bệnh tật. Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL, mục 314; xem thêm GLCG mục 1503-1505) giảng:

Lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân và nhiều việc chữa lành Người đã thực hiện là một dấu chỉ chứng tỏ, nơi Người, Nước Thiên Chúa đã đến, và như vậy, đã đến lúc chiến thắng tội lỗi, đau khổ và cái chết. Bằng cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới, đó là, nếu được kết hợp với sự đau khổ của Người, thì đau khổ có thể trở thành một phương tiện thanh luyện và cứu độ cho chúng ta và cho những người khác.

Hội Thánh cư xử thế nào đối với người bệnh? Mục 315 Sách GLYL giải đáp (xem thêm GLCG mục 1506-1513, 1526-1527):

Khi nhận nơi Chúa mệnh lệnh chữa lành các bệnh nhân, Hội Thánh cố gắng chăm sóc và cầu nguyện cho các bệnh nhân. Ðặc biệt, Hội Thánh có một bí tích đặc biệt dành cho các bệnh nhân, do chính Ðức Kitô thiết lập mà thánh Giacôbê đã minh chứng qua lời sau: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục trong Hội Thánh đến và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa.” (Giacôbê 5: 14-15).

1.3 Định nghĩa, Sự thiết lập, và Lược sử của bí tích này

Mục 1511 Sách GLCG nói rằng đây là bí tích ban nghị lực cho người đau yếu, bệnh tật:

Hội Thánh tin và tuyên xưng rằng trong bảy bí tích có một bí tích dành riêng để giúp tăng nghị lực cho những người đang chịu thử thách vì bệnh tật, đó là bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân:

Việc xức dầu thánh cho các bệnh nhân đã được Đức Kitô Chúa chúng ta lập nên thành một bí tích đích thực và đúng nghĩa trong Giao Ước Mới. Bí tích này được Thánh Máccô nhắc đến và được công bố và giới thiệu cho các tín hữu nhờ Thánh Giacôbê, vị Tông Đồ và là người anh em của Chúa [Công Đồng Trent (1551); DS 1695; xem thêm Máccô 6:13; Giacôbê 5:14-15]

Vì thế, mục đích của Bí Tích này là (theo Sách GLCG mục 1527):

ban ân sủng đặc biệt cho Kitô hữu đang chịu thử thách vì những khó nhọc do tình trạng bệnh nặng hoặc tuổi già sức yếu.

Không có đoạn Kinh Thánh nào nói trực tiếp về việc Đức Giêsu Kitô thành lập bí tích này; tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, MácCô Thánh Sử viết về bí tích này trong Tin Mừng của ngài (6:13).

Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Mục 1512 Sách GLCG trình bày lược sử của Bí Tích này như sau:

Từ xa xưa, trong truyền thống phụng vụ của Đông phương và Tây phương đã có những bằng chứng về sự xức dầu thánh cho bệnh nhân. Qua nhiều thế kỷ, bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân dần dần chỉ được ban cách riêng cho người lâm chung. Do vậy, bí tích này còn có tên gọi là “Xức Dầu Cuối Cùng”. Mặc dù có sự chuyển biến này, phụng vụ không bao giờ bỏ qua việc cầu xin Chúa cho người bệnh được hồi phục sức khỏe nếu điều này hữu ích cho sự cứu rỗi họ. [Công Đồng Trent (1551) DS 1696]

1.4 Những yếu tố cốt yếu của bí tích này là gì?

Mục 1513 Sách GLCG viết:

Tông Huấn Sacram unctionem infirmorum [Phaolô VI, ngày 30/11/1972], theo đường hướng Công Đồng Vatican II, xác định từ nay, trong Nghi Lễ Roma, phải thực hiện như sau:

Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân được ban cho những người bị bệnh nguy kịch bằng cách xức dầu đã được làm phép đúng luật lên trán và hai bàn tay của họ; dầu này được ép từ cây ô liu, hoặc từ loại cây khác; và chỉ đọc một lần câu sau đây: “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con. Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu thoát con và làm cho con thuyên giảm.” [xem thêm Điều 847 #1 Bộ Giáo Luật]

Theo Nghi Lễ Đông Phương, ngoài trán và bàn tay, cũng được phép xức dầu lên các phần khác của cơ thể (xem thêm GLCG mục 1531).

1.4.1 Chất thể (Matter)

    1. Chất thể xa: dầu ô liu, hoặc dầu từ loại cây khác
    2. Chất thể gần: xức dầu thánh lên trán và bàn tay

1.4.2 Mô Thể (Form)

Mô thể (còn gọi là mô thức) của bí tích là những lời đọc cốt yếu khi cử hành bí tích đó. Như đã trình bày ở trên, mô thể của bí tích này là: “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con. Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu thoát con và làm cho con thuyên giảm.”

1.5 Thừa tác viên

Như đã trình bày ở trên, Thánh Giacôbê viết (5:14-15):

Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy HÃY MỜI CÁC KỲ MỤC của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha.

Do vậy, không phải ai cũng có thể ban bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Các kỳ mục của Hội Thánh được mời đến để xức dầu. Sách GLCG nhắc lại lời dạy trên ở mục 1516:

Chỉ có các tư tế (giám mục và linh mục) là thừa tác viên bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Các mục tử có trách nhiệm dạy cho các tín hữu về những ơn ích của bí tích này. Các tín hữu phải động viên bệnh nhân mời tư tế đến ban bí tích. Người bệnh cần chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận bí tích này với sự giúp đỡ của vị mục tử và cộng đoàn tín hữu, những người được mời đến để hỗ trợ bệnh nhân một cách đặc biệt thông qua việc đọc kinh cầu nguyện và sự quan tâm huynh đệ. [xem thêm Công Đồng Trent (1551): DS 1697; 1719; Điều 1003 Bộ Giáo Luật Công Giáo; Điều 739 #1 Bộ Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương].

Loại dầu nào được dùng trong bí tích này?

Mục 1530 Sách GLCG nói rằng loại dầu được phép sử dụng trong bí tích này phải là

dầu do giám mục làm phép, hoặc trong trường hợp khẩn cấp, do chính linh mục đang cử hành làm phép.

1.6 Người lãnh nhận bí tích

Sau đây là những điều trong Bộ Giáo Luật nói về những người có thể lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh.

Ðiều 1004

(1) Có thể ban Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân cho một tín hữu đã biết SỬ DỤNG TRÍ KHÔN, khi họ lâm CƠN HIỂM NGHÈO vì bệnh tật hay tuổi già.

(2) Bí Tích này có thể lặp lại, nếu bệnh nhân, sau khi phục sức, lại ngã bệnh nặng, hay, nếu trong cùng một cơn bệnh kéo dài, bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.

Ðiều 1005: Nếu HỒ NGHI không biết bệnh nhân [1] đã đến tuổi khôn chưa, hoặc [2] bệnh tình có hiểm nghèo hay không, hoặc [3] có phải sắp lìa đời hay không, thì cũng hãy ban Bí Tích này.

Ðiều 1006: Bí Tích này cũng được ban cho những bệnh nhân ĐÃ NGẦM Ý XIN LÃNH NHẬN BÍ TÍCH NÀY lúc vẫn còn tỉnh táo.

Điều 1007: KHÔNG ĐƯỢC BAN Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cho những người cố chấp trong một tội nặng công khai.

Mục 1514 Sách GLCG (xem thêm mục 1528-1529) giảng giải rằng bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân không chỉ dành cho người đang hấp hối.

Xức Dầu Bệnh Nhân “không phải là bí tích chỉ dành cho những người hấp hối. Do đó, thời gian thích hợp để lãnh nhận bí tích này là khi tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh tật hoặc vì già yếu.” [Hiến Chế Sacrosanctum Concilium 73; Điều 1004 #1, 1005, 1007 Bộ Giáo Luật; Điều 738 Bộ Giáo Luật Đông Phương]

Một người có thể lãnh nhận bí tích này vài lần hay không?

Mục 1515 Sách GLCG trình bày 4 trường hợp:

[1] Nếu bệnh nhân đã lãnh bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân và hồi phục, rồi sau đó TRỞ BỆNH NẶNG thì có thể lãnh bí tích này lần nữa. [2] Trong cùng một cơn bệnh kéo dài, bí tích này có thể được tái ban nếu bệnh trở nên TRẦM TRỌNG HƠN. [3] TRƯỚC KHI CHỊU MỘT CUỘC GIẢI PHẪU NGHIÊM TRỌNG, tín hữu nên lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. [4] NGƯỜI LỚN TUỔI nên lãnh nhận bí tích này khi THỂ CHẤT CỦA HỌ SUY KIỆT.

1.7 Nên xưng tội và rước lễ trước khi lãnh bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Mục 316 Sách GLYL khuyên nên XƯNG TỘI trước khi lãnh nhận bí tích này.

Mọi tín hữu đều có thể lãnh nhận bí tích này, khi họ bắt đầu lâm cơn nguy tử do bệnh tật hay già yếu. Chính người đó có thể lãnh nhận bí tích này nhiều lần nữa, khi bệnh trở nặng hay mắc phải một cơn bệnh nặng khác. Nếu có thể được, nên cho bệnh nhân xưng tội riêng, trước khi cử hành bí tích này.

Hơn nữa, người lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân còn được ban bí tích THÁNH THỂ. Trong trường hợp đặc biệt này,Thánh Thể được gọi là CỦA ĂN ĐÀNG. Sách GLCG diễn giải điều này ở mục 1524 (xem thêm GLYL mục 320):

Đối với những người sắp lìa đời, ngoài bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Hội Thánh còn ban bí tích Thánh Thể làm của ăn đàng. Việc lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô vào lúc sắp về với Chúa Cha có một ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Đây là hạt giống của đời sống vĩnh cửu và là sức mạnh của sự phục sinh, theo lời Chúa nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” [Gioan 6:54]. Bí tích Thánh Thể là bí tích của Đức Kitô đã chết và đã phục sinh giờ đây là bí tích của sự chuyển từ cõi chết đi vào cõi sống, từ trần gian này về với Chúa Cha. [xem thêm Gioan 13:1]

Ba bí tích này giúp chúng ta hoàn tất cuộc lữ hành nơi trần thế. Mục 1525 Sách GLCG trình bày rõ về điểm này:

Các bí tích Rứa Tội, Thêm Sức, và Thánh Thể hợp thành một thể thống nhất được gọi là “các bí tích khai tâm Kitô giáo”, thì các bí tích Thống Hối, Xức Dầu Bệnh Nhân, và Thánh Thể được xem là của ăn đàng lúc cuối đời Kitô hữu; cả ba hợp thành “các bí tích chuẩn bị về quê trời”, hoặc các bí tích hoàn tất cuộc lữ hành nơi thế trần.

1.7 Hiệu quả của bí tích

Sách GLCG (mục 1532; xem thêm mục 1520-1523) tóm lược về các hiệu quả của Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân như sau:

Ân sủng đặc biệt của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân có những hiệu quả sau:

- giúp bệnh nhân được KẾT HỢP VỚI CUỘC KHỔ NẠN CỦA ĐỨC KITÔ, để mưu ích cho bản thân và cho toàn thể Hội Thánh;

- mang lại cho bệnh nhân SỰ AN ỦI, SỰ BÌNH AN, và LÒNG CAN ĐẢM để chịu đựng những đau khổ do bệnh tật hoặc tuổi già theo tinh thần Kitô giáo;

- ban ƠN THA TỘI nếu bệnh nhân không thể xưng tội được;

- đem lại SỰ HỒI PHỤC SỨC KHỎE nếu điều đó hữu ích cho sự cứu rỗi linh hồn họ;

- CHUẨN BỊ cho sự bước vào ĐỜI SỐNG VĨNH HẰNG.

Chúng ta hãy nhớ rằng trong những khoảnh khắc cuối đời, ma quỉ rắp tâm làm chúng ta ngã lòng trông cậy, vì sự tuyệt vọng, tức là hoàn toàn mất đức cậy, rất dễ khiến chúng ta sa hỏa ngục. Đánh mất đức cậy là rời xa bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Giáo lý Công Đồng Trent giảng rằng

không một thời điểm nào con người chịu sức tấn công mãnh liệt của ma quỉ bằng khoảnh khắc họ lâm chung.

Lời của Thánh Augustine:

ma quỉ sẽ kết án trước mặt chúng ta về mọi việc chúng ta đã làm, và sẽ nói rõ ngày và giờ chúng ta phạm tội.

Cũng ý tưởng đó, Gregory Thánh Cả giảng:

Thật đáng sợ biết bao trước giờ lâm tử, và thật hãi hùng khi nhớ lại tội lỗi của chúng ta vào khoảnh khắc đó. Ma quỉ sẽ kể lại mọi hiểm độc chúng đã làm cho ta và nhắc ta nhớ lại những tội lỗi ta đã phạm do nghe lời cám dỗ của chúng.

Vì lẽ đó, chúng ta đừng bao giờ ngần ngại đem đến cho người suy kiệt hoặc người đang hấp hối một cơ hội được lãnh nhận bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Và nếu chúng ta đang ở trong trạng huống đó, hãy mau mắn xin lãnh nhận bí tích này cùng với bí tích Giải Tội và Của Ăn Đàng (bí tích Thánh Thể).

2. Bí tích Truyền Chức Thánh

Trong số bảy bí tích, có hai bí tích được gọi là bí tích phục vụ sự hiệp thông và sứ mệnh trong Hội Thánh; đó là bí tích Truyền Chức Thánh và bí tích Hôn Phối. Điều này được trình bày ở mục 321 Sách GLYL (và mục 1533-1535 GLCG):

Có hai bí tích, Truyền Chức Thánh và Hôn Phối, đem lại một ân sủng riêng cho một sứ vụ đặc biệt trong Hội Thánh, để phục vụ việc xây dựng dân Thiên Chúa. Cả hai đóng góp một cách đặc biệt cho sự hiệp thông trong Hội Thánh và cho ơn cứu độ của những người khác.

2.1 Chức tư tế chung & Chức tư tế thừa tác

Chúng ta đã học trong các bài trước là Đức Giêsu Kitô là Tư Tế, là Tiên Tri, và là Vương Đế (mục 4, Bài 9), và tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội đểu dự phần vào sứ vụ này của Đức Giêsu (Bài 13). Mục 1591 Sách GLCG viết:

Toàn thể Hội Thánh là một dân tư tế. Nhờ bí tích RỬA TỘI, mọi tín hữu tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô. Sự tham dự này được gọi là “CHỨC TƯ TẾ CHUNG của tín hữu”. Trên nền tảng của chức tư tế chung này và sự phục vụ cho chức này, còn có sự tham dự khác vào sứ vụ của Đức Kitô: đó là chức tư tế thừa tác được trao ban qua bí tích TRUYỀN CHỨC THÁNH, nhiệm vụ của chức tư tế thừa tác là PHỤC VỤ CỘNG ĐOÀN NHÂN DANH ĐỨC KITÔ VÀ TRONG CƯƠNG VỊ CỦA ĐỨC KITÔ LÀ ĐẦU HỘI THÁNH.

Mục 336 Sách GLYL giảng giải thêm như sau (xem thêm GLCG mục 1547-1553, 1592):

Trong việc thực thi thừa tác vụ thánh, các tư tế được truyền chức nói và làm, không phải do thẩm quyền riêng tư, cũng không phải do mệnh lệnh hoặc sự uỷ thác của cộng đoàn, nhưng trong cương vị của Ðức Kitô - Thủ lãnh và nhân danh Hội Thánh. Vì thế, chức tư tế thừa tác HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT CHỨ KHÔNG KHÁC BIỆT THEO MỨC ĐỘ với chức tư tế chung của tất cả các tín hữu; chính để phục vụ cho các tín hữu, Ðức Kitô đã thiết lập chức tư tế thừa tác.

Vì sao được gọi là bí tích Truyền Chức Thánh?

Mục 323 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1537-1538) giải thích:

Từ Ordo chỉ một phẩm trật của Hội Thánh; người gia nhập vào phẩm trật đó phải được thánh hiến đặc biệt (Ordinatio). Nhờ hồng ân đặc biệt của Chúa Thánh Thần, việc thánh hiến này cho phép người thụ phong được thực thi một quyền thánh chức nhân danh và với thẩm quyền của Ðức Kitô để phục vụ Dân Thiên Chúa.

Các tư tế có thực sự cần thiết không? Bí tích Truyền Chức Thánh có vị thế nào trong kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa?

Lời của Thánh Điển được nhắc lại nơi mục 324 Sách GLYL (xem thêm mục 1539-1546, 1590-1591 GLCG):

Trong Cựu Ước, có những hình ảnh tượng trưng về bí tích này: việc phục vụ của chi tộc Lêvi, cũng như chức tư tế của ông Aaron và thể chế bảy mươi kỳ lão. Các hình ảnh này được kiện toàn nơi Ðức Giêsu Kitô, nhờ hy tế thập giá, là “Ðấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” là “vị thượng tế theo phẩm trật Melkisede” Chức tư tế duy nhất của Ðức Kitô được thể hiện qua chức tư tế thừa tác. (xem Sách Dân Số 11:25; Thư Timôthêô I, 2:5; Thư Do Thái 5:10)

“Ðức Kitô là vị Tư tế đích thực duy nhất, người này kẻ khác chỉ là những thừa tác viên của Người.” (Thánh Tôma Aquinô).

Có cấp bậc trong bí tích Truyền Chức Thánh hay không?

Lời đáp của Sách GLYL (mục 325; xem thêm GLCG mục 1554, 1593):

Bí tích Truyền Chức Thánh gồm có ba cấp bậc, không thể thay thế trong cơ cấu tổ chức của Hội Thánh, đó là CHỨC GIÁM MỤC, CHỨC LINH MỤC, VÀ CHỨC PHÓ TẾ.

Ba cấp bậc này đã được trình bày đầy đủ ở mục 2.2, Bài 13.

2.2. Các yếu tố cốt yếu

Các yếu tố cốt yếu

Nghi thức chính yếu của bí tích Truyền Chức Thánh cho cả ba bậc gồm việc giám mục đặt tay lên đầu vị thụ phong đồng thời đọc lời nguyện thánh hiến, khẩn cầu Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần và tuôn đổ hồng ân của Ngài phù hợp với thừa tác vụ của ứng viên được truyền chức. [xem thêm Tông Hiến Sacramentum Ordinis của Đức Giáo Hoàng Piô XII, DS 3858]

2.2.1 Chất thể

    1. Chất thể xa: người được truyền chức.
    2. Chất thể gần: đặt tay lên đầu của ứng viên được truyền chức.

2.2.2 Mô thể

Mô thể của bí tích này là lời nguyện thánh hiến do thừa tác viên có thẩm quyền đọc lên lúc truyền chức thánh.

Sách GLCG (mục 1572) trình bày một số gợi ý về NGHI THỨC truyền chức thánh.

Vì tầm quan trọng của việc cử hành truyền chức cho giám mục, linh mục, hay phó tế đối với đời sống Giáo Hội địa phương nên việc cử hành bí tích này sẽ tăng thêm phần trang trọng [1] khi có sự tham dự của đông đảo tín hữu. [2] Tốt nhất là cử hành vào ngày chủ nhật, [3] tại nhà thờ chính tòa, với sự trang nghiêm, long trọng tương ứng với từng trường hợp truyền chức. Cả ba lễ truyền chức: giám mục, linh mục và phó tế đều theo cùng một diễn trình. [5] Việc truyền chức được cử hành trong phần Phụng Vụ Thánh Thể.

Mục 1574 Sách GLCG giảng giải thêm:

Cũng như trong các bí tích khác, nghi thức truyền chức có kèm theo một số nghi thức phụ. Tuy rất khác biệt trong những truyền thống phụng vụ khác nhau, nhưng những nghi thức phụ này đều biểu thị các khía cạnh của ân sủng bí tích. Trong Giáo Hội Latinh (tức Giáo Hội Công Giáo Roma), nghi thức khởi đầu gồm: việc giới thiệu và tuyển chọn tiến chức, huấn dụ của giám mục, khảo hạch ứng viên, kinh cầu các thánh; các nghi thức này xác nhận ứng viên được tuyển chọn đúng theo cách làm của Hội Thánh, và chuẩn bị cho hành vi long trọng là thánh hiến. Sau nghi thức truyền chức, còn có những nghi thức kèm theo để biểu thị và hoàn tất mầu nhiệm vừa cử hành: đối với tân giám mục và tân linh mục, có nghi thức xức dầu thánh, là dấu chỉ của sự xức dầu bởi Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho thừa tác vụ của các ngài đạt nhiều thành quả; nghi thức trao cho tân giám mục sách Tin Mừng, nhẫn, mũ và gậy là dấu chỉ của sứ vụ tông đồ của ngài, đó là rao giảng Lời Chúa, trung thành với Hội Thánh là hiền thê của Đức Kitô, gánh vác trách nhiệm là người chăn dắt đàn chiên của Chúa; nghi tức trao cho tân linh mục đĩa và chén thánh là dấu chỉ của “lễ vật của dân thánh” mà tân linh mục được mời gọi để dâng lên Thiên Chúa; nghi thức trao sách Tin Mừng cho tân phó tế, người vừa lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô.

2.3 Đức Giêsu lập bí tích này khi nào?

Bí tích Truyền Chức Thánh được Đức Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly khi Ngài nói với các Tông Đồ: “Hãy làm việc này để nhớ đến thày”; đây chính là lệnh của Đức Giêsu truyền cho các môn đệ hãy tiếp tục cử hành Hy Lễ mà Ngài đang dâng lên Thiên Chúa Cha. Chúng ta thấy rõ là bí tích này được thiết lập là vì Hy Lễ. Căn nguyên và ý nghĩa của bí tích Truyền Chức Thánh ẩn tàng trong Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa.

2.4 Các chức thánh

2.4.1 Giám Mục

Mục 2.5 Bài 13 trình bày về cách thức các Giám Mục thực thi sứ vụ tư tế, tiên tri và vương đế. Sự thực thi này có TÍNH RIÊNG CÁ NHÂN, nhưng đồng thời cũng mang TÍNH HỢP CHUNG trong hàng giám mục. Mục 1560 Sách GLCG giải thích thêm về điều này:

Với tư cách là vị đại diện của Đức Kitô, MỖI giám mục có trách nhiệm mục vụ tại Giáo Hội địa phương đã được giao phó cho ngài, nhưng đồng thời CÙNG CHUNG với mọi anh em trong hàng giám mục, ngài cũng quan tâm tới tất cả các Giáo Hội: “Dù mỗi giám mục là MỤC TỬ THÁNH THIÊNG của phần đoàn chiên đã được trao phó cho ngài, nhưng vì là người kế vị hợp thức của các tông đồ nên theo sự thiết lập và lệnh truyền của Chúa, ngài cũng đảm trách sứ vụ tông đồ của Hội Thánh CÙNG VỚI CÁC GIÁM MỤC KHÁC”. [Thông Điệp Fidei donum của Giáo Hoàng Piô XII: AAS 49 (1957) 237; Hiến Chế Tín Lý Lumen gentium của Công Đồng Vatican II; Sắc Lệnh Christum Dominum 4; 36; 37; Sắc Lệnh Ad Gentes 5; 6; 38]

2.4.2 Linh Mục – cộng sự của Giám Mục

Mục 1564 Sách GLCG trích dẫn lời giảng trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân – Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh của Công Đồng Vatican II) về sứ vụ của linh mục:

Tuy không có quyền cao nhất của chức thượng tế, và tùy thuộc các giám mục khi thực thi năng quyền riêng của mình, nhưng linh mục vẫn được liên kết với các giám mục trong danh vị tư tế; và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, vị Thượng Tế đời đời, để [1] rao giảng Tin Mừng [sứ vụ TIÊN TRI], và [2] dẫn dắt các tín hữu [sứ vụ VƯƠNG ĐẾ] cũng như [3] cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách là tư tế đích thực của Giao Ước Mới [sứ vụ TƯ TẾ]. [Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium 28; xem thêm Thư Do Thái 5: 1-10; 7: 24; 9: 11-28; Giáo Hoàng Innocent I, Epist. ad Decentium: PL 20, 554A; Thánh Gregory of Nazianzus, Oratio 2, 22: PG 35, 432B]

Chúng ta vừa đọc ở trên, nơi mục 2.3, chức linh mục được Đức Giêsu Kitô thiết lập để phụng vụ Hy Lễ Thánh Thể. Mục 1566 Sách GLCG viết:

Chính trong phụng tự Thánh Thể các linh mục thực thi nhiệm vụ thánh thiêng của mình cách tuyệt hảo nhất; trong đó, khi hành động trong cương vị của Đức Kitô và loan báo mầu nhiệm của Người, linh mục [1] KẾT HỢP LỄ DÂNG CỦA TÍN HỮU với hy lễ của Đức Kitô, Đấng là đầu Hội Thánh, và [2] trong hy tế Thánh Lễ, linh mục LÀM HIỂN HIỆN và DÂNG hy lễ duy nhất của Giao Ước Mới cho tới khi Chúa đến, đó là hy lễ của Đức Kitô, Đấng đã tự hiến một lần cho mãi mãi làm lễ vật tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa Cha. Toàn bộ thừa tác vụ tư tế của linh mục đón nhận sức mạnh từ hy lễ duy nhất này. [Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium 28; xem thêm Thư Côrintô I, 11:26; Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis 2]

2.4.3 Chức Phó Tế -- “để phục vụ”

Chữ “deacon” trong tiếng Anh xuất phát từ chữ “diakonia” trong tiếng Hy Lạp; chữ này mang nghĩa là “sự phục vụ”. Từ ý nghĩa đó, “deacon” được chuyển ngữ sang tiếng Việt là “phó tế”. Sách GLCG (mục 1569) giảng giải:

Ở bậc thấp hơn của phẩm trật có các phó tế, là những người được đặt tay không phải để lãnh nhận chức linh mục nhưng để nhận sứ vụ phục vụ. Khi truyền chức phó tế, CHỈ GIÁM MỤC đặt tay lên người chịu truyền chức; điều này cho thấy phó tế liên kết đặc biệt với giám mục trong trách nhiệm phục vụ của ngài. [xem thêm Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium 29; Sắc Lệnh Christus Dominus 15; Thánh Hippolytus, Traditio apostolica 8: SCh 11, 58-62]

Mục 1570 Sách GLCG trình bày thêm về một số nhiệm vụ đặc thù của vị phó tế:

Các phó tế tham dự vào sứ vụ và ân sủng của Đức Kitô một cách đặc biệt. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi cho họ một ấn tín không thể tẩy xóa và làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng tự hạ mình làm “người phục vụ”, tức là tôi tớ của mọi người. Trong số các nhiệm vụ của phó tế thì nhiệm vụ chính là giúp giám mục và linh mục trong việc cử hành các mầu nhiệm thánh, nhất là mầu nhiệm Thánh Thể, [1] trao Mình Thánh Chúa, [2] chứng kiến và chúc lành các LỄ HÔN PHỐI, [3] loan báo và GIẢNG DẠY Tin Mừng, [4] chủ sự LỄ NGHI AN TÁNG, và [5] dấn thân vào các sứ vụ BÁC ÁI. [xem thêm Máccô 10: 45; Luca 22: 27, Thánh Polycarp, Ad Phil. 5, 2: SCh 10, 182; Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium 29, Hiến Chế Sacrosanctum Concilium 35 #4; Sắc Lệnh Ad Gentes 16]

Phó tế vĩnh viễn là gì? Mục 1571 Sách GLCG giải đáp:

Sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội Latinh tái lập chức phó tế “thành một bậc riêng và vĩnh viễn của phẩm trật”, trong khi các Giáo Hội Đông Phương vẫn duy trì chức này từ xưa. Chức phó tế vĩnh viễn có thể được ban cho người nam đã lập gia đình, tạo phong phú cho việc thực thi sứ vụ của Hội Thánh. Thật hữu ích và thích hợp khi có những người thực thi sứ vụ phó tế trong Hội Thánh, trong đời sống phụng vụ và mục vụ, trong những công tác xã hội và bác ái của Hội Thánh. Họ được nên vững mạnh nhờ được đặt lên mình bàn tay được kế truyền từ các tông đồ. Họ được kết hợp mật thiết với bàn thánh và thừa tác vụ của họ thu được nhiều hoa trái hơn nhờ ân sủng bí tích của chức phó tế. [xem Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium 29 #2; Sắc Lệnh Ad Gentes 16 #6]

2.7 Ai được quyền ban bí tích Truyền Chức Thánh?

Mục 332 Sách GLYL (xem thêm mục 1575-1576, 1600 Sách GLCG) giải đáp:

Chỉ có các giám mục đã được tấn phong thành sự, với tư cách là người kế nhiệm các Tông Đồ, mới có quyền tấn phong ba cấp bậc của bí tích Truyền Chức Thánh.

2.8 Những ai được phép lãnh nhận bí tích này?

Sách GLYL (mục 333; Sách GLCG mục 1577-1578, 1598) giải đáp:

Chỉ có những NGƯỜI NAM ĐÃ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI mới có thể lãnh nhận THÀNH SỰ bí tích Truyền Chức Thánh. Hội Thánh biết mình chịu ràng buộc với sự chọn lựa của chính Thiên Chúa. Không ai có quyền đòi hỏi được lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh, nhưng chỉ có thẩm quyền của Hội Thánh mới đưa ra phán quyết về khả năng của các ứng viên.

Mục 1577 và 1578 Sách GLCG giải thích thêm về điều này như sau:

“Chỉ có người nam (vir) đã chịu Phép Rửa Tội mới lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh cách thành sự.” [Điều 1024 Bộ Giáo Luật]. Chúa Giêsu đã tuyển chọn những người nam (viri) để thành lập nhóm mười hai tông đồ, và các tông đồ cũng làm như vậy khi tuyển chọn các cộng sự kế nhiệm sứ vụ. Với sự kết hiệp của các linh mục trong chức vụ tư tế, giám mục đoàn làm cho nhóm mười hai thành một thực thể hiện diện và hoạt động luôn mãi cho tới ngày Chúa quang lâm. Hội Thánh biết mình chịu ràng buộc với sự chọn lựa này của chính Thiên Chúa. Vì lẽ đó, không thể có việc ban bí tích Truyền Chức Thánh cho người nữ. [xem thêm Máccô 3:14-19; Luca 6:12-16; Thư Timôthêô I, 3:1-13; Thư Timôthêô II, 1:6; Thư Titô 1:5-9; Thánh Clement of Rome, Ad Cor. 42, 4; 44, 3: PG 1, 292-293; 300; Gioan Phaolô II, Tông Thư MD 26-27; Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Ngôn Inter insigniores: AAS 69 (1977) 98-116]

KHÔNG AI CÓ QUYỀN đòi hỏi lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh. Không ai được tự nhận mình có quyền này; chỉ những người được ơn kêu gọi của Thiên Chúa để lãnh nhận bí tích này. Người nào nghĩ rằng mình nhận ra những dấu chỉ ơn gọi của Thiên Chúa để lãnh nhận thừa tác vụ thánh nên khiêm tốn trình bày nguyện vọng của mình lên bậc thẩm quyền của Hội Thánh. Hội Thánh có trách nhiệm và có quyền gọi người nào đó lãnh nhận chức thánh. Giống như mọi ân sủng, bí tích này chỉ được lãnh nhận với tính cách là một HỒNG ÂN NHƯNG KHÔNG. [xem thêm Thư Do Thái 5:4]

Hội Thánh không có quyền thiết lập những luật định về việc truyền chức thánh cho phụ nữ, vì ơn kêu gọi là từ Thiên Chúa, không phải bởi quyền lực con người.

Có nhất thiết phải sống độc thân mới được lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh hay không? Sách GLYL (mục 334; xem thêm GLCG mục 1579-1580, 1599) khẳng định:

Hàng giám mục luôn bị buộc phải sống độc thân. Ðối với hàng linh mục, trong Giáo hội La Tinh, theo cách thông thường chỉ chọn các tín hữu phái nam đang sống độc thân và muốn giữ luật độc thân “vì Nước Trời” (Mátthêu 19:12). Trong các Giáo Hội Ðông Phương, một người sau khi đã được truyền chức linh mục thì không được phép kết hôn. Những người đã lập gia đình có thể lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn.

Từ Điều 1026 tới Điều 1032 của Bộ Giáo Luật qui định về NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI SỰ TRUYỀN CHỨC THÁNH

    • ĐIỀU KIỆN VỀ TUỔI TÁC (Điều 1031. Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn tuổi chịu chức được quá một năm so với các tuổi qui định dưới đây)
    • ĐƯỢC ĐÀO LUYỆN (xem thêm Điều 1027-1028).
    • ĐẶC TÍNH CỦA ỨNG VIÊN (Điều 1029):
      • [1] đức tin tinh tuyền, [2] chí hướng ngay thẳng, [3] kiến thức đầy đủ, [4] nổi tiếng tốt lành, thánh thiện, và [5] tác phong đoan chính, nhân đức đã được thử luyện và những đức tính khác về thể lý và tâm lý tương ứng với chức thánh sẽ lãnh nhận.
    • ĐIỀU KIỆN VỀ TUỔI TÁC (Điều 1031. Tòa Thánh dành quyền miễn chuẩn tuổi chịu chức được quá một năm so với các tuổi qui định dưới đây)
        • Đối với Chức Linh Mục: 25 tuổi trọn, có sự trưởng thành đầy đủ, và đã chịu chức Phó Tế ít là sáu (06) tháng, trừ trường hợp Hội Đồng Giám Mục có qui định đòi hỏi tuổi cao hơn.
        • Đối với Chức Phó Tế (đối với phó tế sẽ được trạch cử lên chức linh mục): [a] 23 tuổi trọn , [b] hoàn tất chương trình triết học và thần học, và [3] sau khi đã tham gia các hoạt động mục vụ, thi hành chức phó tế trong một thời gian do giám mục giáo phận hoặc vị bề trên có thẩm quyền qui định.
        • Đối với Chức Phó Tế Vĩnh Viễn: [a] nếu không lập gia đình chỉ được chịu chức Phó Tế khi đã được 25 tuổi trọn; [b] nếu đã lập gia đình, phải là 35 tuổi trọn và có sự đồng ý của người vợ; [c] phải hoàn tất chương trình đào luyện.
        • Cả hai Khoản [a] và [b] trên phải được tuân thủ trừ trường hợp Hội Đồng Giám Mục có qui định đòi hỏi tuổi cao hơn.

2.9 Hiệu quả của bí tích Truyền Chức Thánh

Mục 335 Sách GLYL trình bày tóm lược các hiệu quả của bí tích này như sau (xem thêm GLCG mục 1581-1589):

Bí tích Truyền Chức Thánh đem lại [1] sự tràn đầy ân sủng đặc biệt của Chúa Thánh Thần, Ðấng làm cho người được thánh hiến - thích ứng với từng cấp bậc của bí tích - nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô trong sứ vụ của Người là Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế. Bí tích Truyền Chức Thánh trao ban [2] một ấn tín thiêng liêng không thể tẩy xóa, vì vậy không thể tái ban, cũng như không thể chỉ trao ban (để thi hành) trong một khoảng thời gian giới hạn.

Phải chăng điều này có nghĩa là tư tế không thể trở lại bậc giáo dân? Sách GLCG (mục 1583) giải đáp:

Người đã lãnh nhận chức thánh cách thành sự, vì những lý do nghiêm trọng, có thể được bãi miễn khỏi những bổn phận và nhiệm vụ gắn liền với việc truyền chức, hoặc có thể bị cấm thi hành các điều đó; nhưng người này không thể trở về bậc giáo dân theo đúng nghĩa vì ấn tín được ghi do việc truyền chức vẫn còn mãi. Ơn gọi và sứ vụ đã lãnh nhận trong ngày chịu chức thánh ghi dấu vĩnh viễn trên người được truyền chức. [xem thêm các Điều 290-293; Điều 1336 # 13, 5; Điều 1338 # 2 Bộ Giáo Luật; Công Đồng Trent DS 1774]

Sự trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là đặc ân cao trọng nhất mà con người có thể lãnh nhận. Mục 1589 Sách GLCG viết:

Trước sự cao cả của ân sủng và của chức vụ tư tế, các thánh tiến sĩ đã cảm nghiệm tiếng gọi khẩn thiết phải hối cải để trọn đời mình đáp lại Đấng đã dùng bí tích mà đặt các ngài làm thừa tác viên. Khi còn là linh mục, Thánh Gregrory of Nazianus phát biểu như sau:

Chúng ta phải thánh luyện bản thân trước rồi mới thanh luyện kẻ khác; phải học sự khôn ngoan rồi mới dạy sự khôn ngoan cho người khác; phải trở nên ánh sáng rồi mới chiếu rọi người khác; phải gần gũi Thiên Chúa rồi mới có thể dẫn kẻ khác đến bên Người; phải được thánh hóa rồi mới thánh hóa tha nhân; phải cầm tay dẫn dắt và khuyên bảo cách khôn ngoan. Tôi biết chúng ta là thừa tác viên của Đấng nào, chúng ta biết mình đang ở đâu và sẽ hướng đến nơi nào. Tôi biết Thiên Chúa cao trọng dường bao, và con người yếu đuối thế nào, nhưng tôi cũng biết tiềm năng của con người. [Vậy, linh mục là ai? Là] người bảo vệ chân lý, người đứng cùng với các thiên thần, và cùng với các tổng lãnh thiên thần tôn vinh Thiên Chúa, sẽ dâng hy lễ lên bàn thờ thiên quốc, sẽ chia sẻ chức tư tế với Đức Kitô, sẽ sửa đổi và khôi phục mọi loài thụ tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, sẽ tái tạo nó cho thế giới thiên quốc, và điều cao cả nhất là linh mục được thần linh hóa và làm cho người khác được thánh hóa. [Thánh Gregory of Nazianzus, Oratio 2, 71, 74, 73: PG 35, 480-481]

Cha sở Thánh Xứ Ars nói:

Linh mục tiếp nối công cuộc cứu độ nơi thế trần … Nếu ai hiểu rõ về linh mục trên thế gian này, người đó sẽ chết không phải vì sợ hãi mà vì yêu mến … Chức linh mục là tình yêu của thánh tâm Chúa Giêsu. [Trích trong Jean-Marie Vianey, Cure d’ Ars của B. Nodet, trg 100]

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 313-320; 321-336. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1499-1532; 1533-1600. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996
    • Bộ Giáo Luật (The Code of Canon Law), bản dịch Việt ngữ của Đức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Đức Vinh

Websites