Bài 08: Tin Xấu, Tin Tốt Lành

Câu Hỏi Hướng Dẫn

    • Vì sao Đức Kitô làm người? Có cần thiết không? Có lợi gì cho chúng ta?
    • Phải chăng Đức Giêsu là một con người lịch sử đã thực sự hiện hữu nơi thế trần? Nếu như vậy, có thể chứng minh điều này được không?
    • Đức Giêsu có mấy bản tính?
    • "Hiệp nhất thể tính " là gì?
    • Sự khác biệt giữa hai từ " bản tính " và " ngôi vị " là gì?
    • Vai trò nhân tính của Ngài là gì?
    • Thiên tính có hòa hợp với nhân tính sau khi nhân tính được tiếp nhận không?
    • Đức Maria chỉ là Mẹ về phần nhân tính của Đức Giêsu hay cũng là Mẹ về phần thiên tính?
    • Đức Giêsu có mấy trí năng và ý lực?
    • Đức Kitô có phải là kiểu người " dị nhân " không?
    • Ngài có thân xác thực sự như chúng ta hay thân xác của Ngài là một loại thần thể? Nếu như vậy thì vì sao?
    • Ngài có cảm thấy đau đớn như chúng ta không?
    • Đức Giêsu có tính khôi hài không?
    • Những hành vi bình thường của Đức Giêsu có giá trị gì với chúng ta hay không?
    • Loại tri thức nào Đức Kitô có?
    • Chúng ta kính thờ nhân tính của Đức Kitô hay kính thờ thiên tính của Ngài?
    • Hệ quả của sự hiệp nhất thể tính là gì?

1. Thiên Chúa phái Con của Ngài

Câu chuyện về sự sa ngã của tổ tông chúng ta là một tin xấu. Nhưng THIÊN CHÚA sẽ không bao giờ để sự dữ chiến thắng cái thiện. Ngay tức thì, ngài hứa sửa chữa sự dữ do sự từ chối của tổ tông chúng ta đối với hạnh phúc vĩnh cửu Ngài ban. Ngay sau tin xấu là tin tốt lành. Trong chương 3 (câu 15) Sách Sáng Thế, THIÊN CHÚA đã nói với con rắn (sự dữ):

15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.

Trong thư gửi tín hữu Galát (4:4-5), Thánh Phaolô nói cho chúng ta về sự hoàn thành lời hứa này nơi Đức Giêsu Kitô:

4 Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, 5 để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

1.1 Đức Giêsu có thực sự tồn tại?

Một số nhà thần học cố gắng phân biệt giữa cái họ gọi là " Đấng Kitô Đức Tin " và " Đấng Kitô lịch sử ". Theo họ, " Đấng Kitô lịch sử ", Đức Kitô thực, là một người bình thường như chúng ta, nổi danh nhờ những việc làm và giáo huấn của Ngài, ngoài ra chẳng có gì khác. Ngài qua đời cách đây đã lâu – Ngài là con người của quá khứ. Họ phân biệt " Đấng Kitô lịch sử " với " Đấng Kitô Đức Tin ". Những nhà thần học này cho rằng " Đấng Kitô Đức Tin xuất phát từ niềm tin và tình cảm của các Kitô hữu. Chính " Đấng Kitô Đức Tin " này đã làm phép lạ và nói tiên tri. Chính Đức Kitô này sống trong lòng các Kitô hữu. Thế nhưng tất cả những điều được gán cho " Đấng Kitô Đức Tin " chỉ là những câu chuyện do sự tưởng tượng của Kitô hữu dựng nên qua nhiều thế kỷ. Chẳng có gì là do Đức Kitô thực làm.

Tuy nhiên, chúng ta tuyên xưng rằng " Đấng Kitô Đức Tin " cũng chính là " Đấng Kitô lịch sử ". Giáo lý Công giáo (CCC), số 423, dạy:

Chúng ta tin và tuyên xưng rằng Ðức Giêsu Na-da-rét, dưới thời Vua Hê-rô-đê cả và Hoàng đế Xê-da-rê Âu-gut-tô, sinh làm người Do Thái, con một người con gái của Ít-ra-en, tại Bê-lem, làm nghề thợ mộc, chết trên thập giá tại Giê-ru-sa-lem, thời tổng trấn Phông-xi-ô Phi-la-tô, dưới triều Hoàng đế Ti-bê-ri-ô. Người là Con Vĩnh Cửu của Thiên Chúa, "bởi Thiên Chúa mà đến" (Gioan 13: 3), "Ðấng từ Trời xuống" (Gioan 3: 13; 6: 33), "đến trong xác phàm" (I Gioan 4: 2); vì "Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta, chúng ta đã được nhìn thấy Vinh Quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người là Con Một đầy tràn ân sủng và chân lý (...). Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" (Gioan 1: l4, l6).

Phúc Âm cho chúng ta biết Đức Giêsu Kitô thực sự tồn tại. (Trong bài dẫn nhập thứ hai chúng ta biết rằng có thể chứng minh Phúc Âm thực sự là những tài liệu lịch sử đáng tin cậy.)

1.2 Đức Giêsu quan trọng như thế nào trong công cuộc loan báo Tin Mừng?

Khi được giới thiệu về Giáo lý chúng ta được dạy rằng giáo lý bao gồm 4 phần: tín điều, giới răn, bí tích và kinh nguyện. Nhưng nếu chúng ta xem xét kỹ 4 phần chúng ta thấy rằng tất cả chúng đều quy về Đức Giêsu Kitô. Bởi thế, chúng ta có thể nói rằng khi chúng ta dạy hay học giáo lý, không phải chúng ta dạy về một tập hợp các tín điều, luật lệ hay nghi thức, mà là chúng ta đang học về một Con người, Đức Giêsu Kitô, vì ngài gom kết nơi mình mọi điều cần phải học. Đó là những gì mà CCC (426 và 427) đề cập khi dạy:

Trọng tâm của huấn giáo là một Con Người, con người của Ðức Giêsu Na-da-rét, Con Một của Chúa Cha ... đã chịu khổ hình, chịu chết vì chúng ta và nay sống lại, sống mãi mãi với chúng ta ... . Dạy giáo lý ... là giúp người ta khám phá nơi con người của Ðức Kitô tất cả ý định muôn đời của Thiên Chúa. Ðó là tìm hiểu ý nghĩa các hành động và lời nói của Ðức Kitô, cùng những dấu chỉ Người thực hiện" (Ct 5). Mục đích của huấn giáo là "đưa con người đến hiệp thông với Ðức Giêsu Kitô: chỉ một mình Người mới dẫn ta đến tình yêu Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần và cho ta thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh" (Ibid)

Trong huấn giáo, ta giảng dạy về Ðức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể và Con Thiên Chúa; tất cả những điều khác được giảng dạy quy chiếu về Người; chỉ một mình Ðức Kitô giảng dạy, còn bất cứ ai giảng dạy đều phải giảng dạy như phát ngôn viên của Người, để Ðức Kitô dạy qua miệng lưỡi họ... Mọi giáo lý viên đều phải áp dụng cho mình lời nói nhiệm mầu của Ðức Giêsu: "Ðạo lý tôi dạy không phải là của tôi, nhưng là của Ðấng đã sai tôi" (Gioan 7: l6).

Thực vậy, khi nghiên cứu những lời giảng của Đức Kitô, chúng ta nhận thấy Ngài tự nói về chính Ngài (xem Gioan 14:6) phù hợp với 4 phần của Giáo Lý ra sao.

Vì vậy, chúng ta nói Đức Giêsu Kitô là trọng tâm của toàn bộ giáo lý. Chính Ngài là Tin Mừng. Nếu chúng ta không rao giảng về Ngài, tức là chúng ta không rao giảng Tin Mừng.

Đón nhận Tin Mừng không đơn thuần là quá trình hiểu một sứ điệp. Điều này làm cho Đức Tin Công Giáo khác với các tôn giáo khác vốn chỉ yêu cầu người ta chấp nhận và sống theo giới luật. Là người Công giáo trước hết phải là sự kết hợp sâu xa, riêng tư, thân mật với một Con người. Con người đó là Đức Giêsu Kitô. Mối quan hệ sâu xa, riêng tư, thân mật đó dẫn chúng ta đến việc để cho Đức Giêsu Kitô hướng dẫn công việc của chúng ta; để Ngài dẫn dắt cuộc sống của chúng ta để chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô (Xem Thư gửi tín hữu Galát 2:20)

... Tôi sống, nhưng phải tôi sống, chính Đức Kitô sống trong tôi.

Đây chính là những gì mà thánh Josemaría Escrivá đề cập (Christ is Passing By, 121; cf 96, 104, 120, 183; xem thêm The Way of the Cross, 6, 10, và nhiều đoạn khác) khi Ngài thường dạy rằng chúng ta phải trở nên "chính Đức Kitô".

Chúng ta phải nuôi dưỡng trong chính chúng ta niềm khát khao mãnh liệt sống như người đồng cứu chuộc với Đức Kitô, để cùng với Ngài cứu vớt các linh hồn, vì chúng ta là, chúng ta muốn trở nên là, ipse Christus, chính Đức Kitô.

2. Tại sao Ngôi Lời đã trở nên Nhục thể?

Mục 85 của sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL) hỏi: Tại sao CON THIÊN CHÚA làm người? Rồi đưa ra 4 lý do, tóm tắt các mục từ 457- 460 của Sách GLCG:

Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, có nghĩa là để chúng ta, là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài, để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để làm cho chúng ta trở thành những người "được thông phần bản tính Thiên Chúa" (II Phêrô 1:4).

2.1 Cứu chúng ta bằng cách giao hòa chúng ta với THIÊN CHÚA

Tổ tông chúng ta, giống như người con hoang đàng trong Phúc Âm, (Luca 15:10-32), rời nhà cha theo ý riêng mình. Nhưng lòng thương xót của THIÊN CHÚA lớn hơn tính tự kiêu của chúng ta, Ngài đề ra kế hoạch cứu chúng ta và dẫn chúng ta về lại nhà. Tuy nhiên, kế hoạch cứu chuộc đó đòi hỏi một cái giá và chính Thiên Chúa đã trả giá đó qua cái chết và sự phục sinh của Con Một của Ngài.

CCC 457 dạy:

Ngôi Lời đã làm người để cứu chuộc chúng ta bằng cách giao hòa chúng ta với Thiên Chúa; " Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta"; " Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Ðấng Cứu Chuộc trần gian" ; " Ðức Giê-su đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi " (I Gioan 4:10; 4:14; 3:5)

Bản tính chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy, vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất quyền sở hữu điều thiện nên cần phải lấy lại. Bị vây hãm trong bóng tối, nên cần phải ra ánh sáng; bị tù đầy nên mong Ðấng Cứu Ðộ; bị giam cầm, nên đợi tiếp cứu; bị nô lệ nên chờ Ðấng giải phóng. Những lý do ấy không quan trọng sao? Nhân loại đang chìm trong khốn cùng và bất hạnh, lẽ nào Thiên Chúa không động lòng thương mà xuống thế mang lấy bản tính loài người để viếng thăm sao? (Thánh. Ghê-gô-ri-ô thành Nít-xê; giáo lý 15: trg 45, 48B)

2.2 Để chúng ta biết được tình yêu của THIÊN CHÚA

Chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu Kitô chính là hiện thân của tình yêu và lòng thương xót của THIÊN CHÚA. Vì Đức Giêsu có thân xác như chúng ta, nên qua lời nói và hành động của Ngài, và hơn hết là cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta biết được THIÊN CHÚA đã hùng hồn minh chứng rằng ngài yêu thương chúng ta. Kết quả của điều này là chúng ta càng hiểu biết về Đức Giêusu theo cách riêng, chúng ta càng mong muốn đền đáp tình yêu của THIÊN CHÚA bằng đức mến tự hiến.

CCC 458 dạy:

Ngôi Lời đã làm người để giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa: " Ðây là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu đối với chúng ta: Người đã sai Con Một của Người xuống trần để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống" (I Gioan 4: 9). "Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một của Người, để ai tin vào Con Một của Người thì khỏi phải hư mất, nhưng được sống muôn đời" (Gioan 3: l6).

2.3 Là Gương mẫu thánh thiện của chúng ta

THIÊN CHÚA CHA muốn chúng ta lại là con cái của Ngài; tuy nhiên, chúng ta cần có người là gương mẫu hoàn hảo cho chúng ta về cách xử sự của con cái. Đức Giêsu Kitô trở thành người có hồn và xác như chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy và nghe Ngài giảng dạy. Đức Giêsu là Gương Mẫu hữu hình cho chúng ta biết làm thế nào để trở nên con cái trung thành, con cái cưng yêu của THIÊN CHÚA.

CCC 459 dạy:

Ngôi Lời đã làm người để trở thành mẫu mực thánh thiện cho chúng ta. "Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học gương tôi" (Mátthêu 11: 29). "Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Gioan 14: 6). Và trên núi Hiển Dung, Chúa Cha phán: "Hãy vâng nghe lời Người" (Máccô 9: 7) (x. Ðnl 6, 4-5). Đức Giêsu mẫu mực về các mối chân phúc và là qui tắc của Luật mới: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" (Gioan 15: 12). Tình yêu này đòi hỏi chúng ta hy sinh cho anh em theo gương Đức Giêsu (xem thêm Máccô 8: 34).

2.4 Giúp chúng ta chia sẻ Thiên tính

Chúa Giêsu chia sẻ với chúng ta nhân tính – hồn, xác, lý trí, ý chí, tự do, cảm xúc – và ngược lại, Ngài làm cho chúng ta trở nên ” những người dự phần vào thiên tính “ (II Phêrô 1:4). Qua bí tích Rửa Tội và Hòa Giải, Đức Giêsu Kitô đem lại cho chúng ta nhũng đặc ân mà tổ tông chúng ta đã chối bỏ.

Sách GLCG, mục 460 dạy chúng ta:

Ngôi Lời trở thành nhục thể để làm cho chúng ta thành những người dự phần vào thiên tính " (II Phêrô 1:4). " Vì Ngôi Lời làm người, Con Thiên Chúa trở nên con loài người, nên con người, thông qua sự hiệp nhất với Ngôi Lời và nhờ đó đón nhận thiên tính, có thể trở thành con cái của Thiên Chúa. " (Thánh Irenaeus, Aversus haereses 3, 19, 1: PG 7/1, 939). " Vì Con Thiên Chúa làm người nên chúng ta có thể trở thành Thiên Chúa. " (Thánh Athanasius, De incarnatione 54, 3: PG 25, 1928). " Con Một của Thiên Chúa muốn cho chúng ta trở nên những người thông phần vào thiên tính của Ngài nên đã mặc lấy bản tính của chúng ta, và đã làm người nên Ngài có thể biến đổi con người thành những thiên nhân (gods). " (Thánh Thomas Aquinas, Opusc. 57, 1- 4 ).

3. THIÊN CHÚA Thật và Con Người Thật

"Nhập thể" nghĩa là gì?

CCCC, số 85, đáp:

Hội thánh dùng từ “Nhập Thể” để gọi mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời giữa thiên tính và nhân tính nơi một Ngôi Vị Thần Linh duy nhất của Ngôi Lời. Để thực hiện công cuộc cứu rỗi chúng ta, Con Thiên Chúa đã hóa thành ” xác thể “ (Gioan 1:14), và đã trở thành con người thật. Sư tin vào mầu nhiệm Nhập Thể là một dấu chỉ riêng biệt của Đức Tin Kitô giáo.

Mục 87 và 89 lập lại cùng ý tưởng:

Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, không tách rời nhau trong sự hợp nhất nơi Ngôi Thiên Chúa của Ngài. Chính Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng " được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha ", Ngài thật sự trở thành con người, trở thành anh em của chúng ta, nhưng vẫn luôn là Thiên Chúa, Chúa chúng ta.

Hội Thánh tuyên xưng rằng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, có hai bản tính là thiên tính và nhân tính, không lẫn lộn, nhưng kết hợp trong Ngôi Lời. Vì thế, nơi con người của Đức Giêsu, tất cả mọi sự như các phép lạ, sự đau khổ và sự chết của Ngài đều được qui về Ngôi Thiên Chúa của Ngài, Đấng hoạt động qua nhân tính mà Ngài đã mang lấy.

Việc Đức Giêsu là THIÊN CHÚA thật và Con Người thật có quan trọng không?

Tuyệt đối quan trọng. Nếu Ngài không là THIÊN CHÚA thật và chỉ là con người, thì sự hy sinh của Ngài sẽ không thể đạt được giá trị vô bờ bến mà chỉ Thiên Chúa mới làm được. Mặt khác, nếu Ngài không là con người thật, Ngài thực sự không thể chịu đau khổ và chết. Nói cách khác, sự cứu chuộc chỉ có thể hiện thực nhờ sự hiện hữu hai bản tính trong một Ngôi Thiên Chúa.

3.1 Hai bản tính ("Ousia"), Một Ngôi Thiên Chúa ("Prosopon"/"Hypostasis")

Kế tiếp mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh (Ba Ngôi Thiên Chúa, một bản thể ) là mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai (một Ngôi, hai bản tính). Sự kết hợp thiên tính và nhân tính của Đức Giêsu Kitô trong một Ngôi Vị Thiên Chúa (Ngôi Lời) được gọi là SỰ HIỆP NHẤT THỂ TÍNH. Nơi Ngôi Vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai trong Ba Ngôi, hai bản tính (nhân tính và thiên tính) được hiệp nhất, nhưng không trộn lẫn hay xóa nhòa. Sách GLCG mục 464 trình bày điều này như sau:

Con Thiên Chúa nhập thể là sự kiện độc nhất vô nhị; sự kiện này không có nghĩa là Ðức Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người; cũng không có nghĩa Ngài là kết quả của sự pha trộn giữa thiên tính và nhân tính. Ngài thật sự đã làm người mà vẫn là Thiên Chúa thật. Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Hội Thánh đã phải bảo vệ và minh giải chân lý đức tin này suốt những thế kỷ đầu tiên để chống lại các lạc thuyết.

Như chúng ta đã giải thích trước đây trong bài học về Thiên Chúa Ba Ngôi, từ "bản tính" chỉ ra một vật là GÌ còn từ "ngôi vị" cho thấy đó là AI. Chúng ta cùng tìm hiểu ví dụ sau. Vì Đức Giêsu Kitô là người, nên Ngài ăn, uống và hành xử theo cách con người. Vì là Chúa, nên Đức Giêsu Kitô có thể nói tiên tri, làm phép lạ, … Đó chính là Đức Giêsu hành xử, và Ngài hành xử hoặc qua thiên tính hoặc qua nhân tính.

3.2 Những phát biểu sai lầm về hai bản tính và ngôi Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô

Vì Nhập Thể là một mầu nhiệm, nên nỗ lực giải thích điều đó có thể dẫn đến sai lầm. Giống như trường hợp mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, những sai lầm xuất hiện vì hiểu sai về mầu nhiệm. Về cơ bản, những sai lầm này là sự nỗ lực làm phép tính căn bản: nếu Đức Giêsu Kitô có hai bản tính, sao lại chỉ có một Ngôi? Vì thế, một số người đi đến việc phủ nhận sự kiện Đức Giêsu Kitô là người; và số khác phủ nhận việc Đức Giêsu là THIÊN CHÚA; còn một số khác cho rằng Ngài thực sự là hai con người. Một số những sai lầm này hiện nay vẫn được đề cập với đôi chút biến đổi. Chúng ta sẽ cùng xem xét các sai lầm này để tránh rơi vào chúng khi cố gắng đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô.

3.2.1 Phủ nhận nhân tính thực của Đức Kitô

    • ẢO THÂN NGỘ ĐẠO THUYẾT: Danh xưng "ảo thiên thuyết" xuất phát từ chữ "dokesis", có nghĩa là "dáng vẻ" hoặc "bề ngoài". Giáo phái này chủ trương Đức Kitô chỉ ” có vẻ “ hoặc ” dường như “ là con người, đã sinh ra, đã sống và chịu khổ nạn. Một số tín hữu giáo phái này phủ nhận luôn sự thực về nhân tính của Đức Kitô, trong khi một số khác chỉ phủ nhận sự thực về nhân thể của Đức Kitô hoặc sự thực về sự sinh ra hoặc cái chết của Ngài. (xem thêm GLCG mục 465). Nhưng ngay từ đầu, Kinh Tin Kính đã minh nhiên đọc rằng Đức Giêsu thực sự đã chịu khổ nạn và chết; một bằng chứng về việc Ngài là con người thực sự.
    • THUYẾT NHẤT THỂ TÍNH : Danh xưng này xuất phát từ tiếng Hy Lạp "phúsis", mà phái Nhất Thể Tính cho có nghĩa là ” bản tính “. Họ chủ trương nhân tính của Đức Giêsu không còn hiện hữu khi Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy nó; Ngài chỉ có Thiên Tính sau khi Nhập Thể. Giáo Hội đã lên án sai lầm của thuyết này tại Công Đồng Chalcedon năm 451 (xem thêm GLCG mục 467).

3.2.2 Phủ nhận Thiên Tính thực của Đức Giêsu Kitô

    • PHAOLÔ THÀNH SAMOSATA. Học thuyết của Phaolô là sai lầm kép – liên quan đến tín lý về Thiên Chúa Ba Ngôi (Tam Vị Nhất Thể) và tín lý về Đức Kitô. Theo Phaolô, Chúa Cha, Con và Thánh Thần chỉ là một Ngôi duy nhất (prosopon). Chúa Con hay Logos (Ngôi Lời) không phải là một Ngôi Vị Thiên Chúa – Ngài chỉ đơn thuần là sự khôn ngoan của THIÊN CHÚA; trước khi tạo dựng thế gian, Ngài được sinh ra là người Con vô hình. Mặt khác, Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc – Giêsu, thực sự là một con người có nhân tính riêng, nhưng được Thánh Thần truyền linh cảm từ trời cao. Ngôi Lời hay Ngôi Con là sự Khôn Ngoan ngự trong con người Giêsu. Do đó, Đức Giêsu Kitô trở thành con nhờ sự nhận làm con, chứ không phải bởi tự bản chất (xem thêm GLCG mục 465). Giáo Hội đã len án sai lầm của vị Phaolô này tại Công Đồng Antioch.
    • THUYẾT ARIAN. Danh xưng xuất phát từ Arius, người khởi nguồn dòng tư tưởng này. Thuyết Arian là sự tranh luận giáo thuyết đầu tiên trong số nhiều trang luận khác từng gây chao đảo cho các Kitô hữu sau khi hoàng đế Constantine công nhận Giáo Hội năm 313 (sau CN), và thuyết này còn làm nảy sinh nhiều tranh luận khác nữa suốt ba thế kỷ sau đó. Tương tự như sai lầm của Phaolô thành Samosata, thuyết này là sự sai lầm liên quan đến tín lý về Thiên Chúa và tín lý về Đức Kitô. Ngối Con không có cùng bản thể như Ngôi Cha; Ngài được tạo thành nên thấp kém hơn Ngôi Cha, mặc dù Ngài cao hơn mọi tạo vật và tạo dựng nên chúng. Sai lầm này bị Công Đồng Constantinople phản bác (381). (xem CCC 465).
    • THUYẾT NESTORIAN (Cảnh Giáo). Danh từ này xuất phát từ Nestorius, người đưa ra luận thuyết rằng Đức Giêsu Kitô là con người được liên kết với thiên tính của Con Thiên Chúa; do vậy, Đức Maria chỉ là mẹ về phần con người của Đức Kitô (Christotokos), chứ không phải là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos). Công Đồng Ephesus phản bác giáo thuyết này (431 AD) (xem thêm GLCG mục 466).

4. Làm thế nào Con THIÊN CHÚA là Con Người?

Đức Giêsu Kitô giống như bạn và tôi hay không?

Vâng, giống mọi sự, trừ tội lỗi. Mục 470 Sách GLCG giải thích:

Trong sự kết hợp kỳ diệu của mầu nhiệm Nhập Thể, "bản tính loài người được đảm nhận, chứ không bị hòa lẫn" (x. GS 22, 2), nên trải qua dòng lịch sử, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Giêsu có một linh hồn thật với mọi hoạt động tri thức và ý chí, và một thân xác thật của con người. Nhưng đồng thời Hội Thánh luôn nhắc rằng nhân tính của Ðức Kitô đã được Ngôi Con Thiên Chúa đảm nhận, nên thuộc riêng về Ngôi ấy. Trong Ngôi Vị đó, tất cả những gì là con người và hành động của Người đều là của "một trong Ba Ngôi Thiên Chúa". Như vậy, Con Thiên Chúa thông truyền cho nhân tính của Người cách thức hiện hữu riêng của bản vị mình trong Ba Ngôi. Do đó, trong linh hồn cũng như trong thân xác Người, Ðức Kitô biểu lộ theo cách thế nhân loại cung cách hành xử của Thiên Chúa Ba Ngôi (xem thêm Gioan 14: 9-10).

Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay con người, suy nghĩ bằng trí óc con người, hành động với ý chí con người, yêu mến bằng quả tim con người. Sinh làm con Ðức Trinh nữ Maria, Người đã thật sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta về mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi (GS 22, 2). [* Gaudium et Spes: Vui Mừng và Hy Vọng, tức Hiến Chế Mục Vụ của Công Đồng Vatican II về Hội Thánh trong thế giới hôm nay]

4.1 Linh Hồn, Lý Trí và Ý Chí Của Đức Kitô

4.1.1 Linh hồn

Sách GLCG mục 471 dạy:

Apollinarius thành Laodicaea cho rằng trong Ðức Kitô, Ngôi Lời đã thay thế cho linh hồn hay tinh thần. Ðể chống lại lạc thuyết này, Hội Thánh tuyên xưng: Ngôi Con hằng hữu đã đảm nhận một linh hồn con người (xem thêm Damasus 1:DS 149).

4.1.2 Hai lý trí: một thiên tính, một nhân tính

Sách GLYL mục 90 (xem thêm GLCG mục 472-474) dạy:

Con Thiên Chúa đã đón nhận một thân xác được một linh hồn nhân loại có trí năng làm cho sinh động. Với trí năng con người, Đức Giêsu đã học hỏi nhiều điều qua kinh nghiệm. Nhưng cũng với tư cách là con người, Con Thiên Chúa có một sự hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Thiên Chúa, Cha của Người. Người cũng nhìn thấu những tư tưởng thầm kín của con người và hiểu biết đầy đủ các ý định muôn thuở mà Người đến để mặc khải.

Bên cạnh tri thức thiên phú, Đức Giêsu Kitô còn có ba loại tri thức thủ đắc.

    • Tri thức thủ đắc (do kinh nghiệm hay thử nghiệm): là tri thức một người thủ đắc thông qua các giác quan và kinh nghiệm. Mục 472 Sách GLCG viết:
      • Linh hồn con người mà Con Thiên Chúa đảm nhận cũng có một tri thức nhân loại thực sự. Với tư cách ấy, tri thức này tự nó là hữu hạn: nó phải chịu chi phối bởi các điều kiện lịch sử của cuộc sống trong không gian và thời gian. Do đó, Con Thiên Chúa khi làm người, đã chấp nhận "ngày càng tăng trưởng về vóc dáng, về khôn ngoan và về ân sủng" (Luca 2, 52), và cả việc học hỏi trong thân phận những gì con người phải học hỏi bằng kinh nghiệm (xem Máccô 6, 38; Máccô 8, 27; Ga ll, 34 vv...). Ðiều này phù hợp với việc Người thực sự tự ý hạ mình "mặc lấy thân nô lệ" (Pl 2, 7).
    • Tri thức phú ban. Nhờ sự kết hiệp nhân tính vào thiên tính, trí óc con người của Đức Kitô có thể biết được kế hoạch của THIÊN CHÚA, và những tư tưởng thâm sâu nhất của con ngư (xem thêm GLCG mục 473 và 474).
    • Tri thức thiên kiến. Tri thức thiên kiến xuất phát từ việc kết hợp với THIÊN CHÚA trên trời. Vì Đức Giêsu luôn hiệp nhất với Cha của Ngài, nên chúng ta có thể nói rằng là người, Ngài sở hữu thị kiến vĩnh phúc mặt đối mặt với Thiên Chúa mà các thánh có được trên thiên đàng.

4.1.3 Hai ý chí: một thiên tính, một nhân tính

Sự tồn tại hai ý chí trong Đức Kitô xuất hiện rõ nét trong sự dằn vặt thống khổ của Ngài nơi vườn Giệtsimani. Phúc âm Mátthêu (26:39-44; xem thêm Máccô 14:36-41; Luca 22:41-42), ghi lại hình ảnh đó như sau:

39Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."40Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? 41Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn."42Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha."43Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu.44Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó.

Sách GLCG mục 475 dạy:

Cũng một thể đó, Hội Thánh tuyên xưng trong Công Ðồng thứ VI (Công Đồng Constantinople III năm 68l), rằng Ðức Kitô có hai ý chí và hai khả năng hành động theo hai bản tính Thiên Chúa và con người, không đối kháng nhưng hợp tác với nhau, đến nỗi Ngôi Lời làm người thực hiện theo nhân tính trong sự vâng phục Chúa Cha tất cả những gì Người đã quyết định với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần theo thiên tính để cứu chuộc chúng ta (DS 556-559). Ý chí con người của Ðức Kitô "thuận theo ý chí Thiên Chúa của Ngài mà không cưỡng lại hay đối nghịch, nhưng tuân theo ý chí toàn năng ấy" (x. DS. 556).

Mục 91 Sách GLYL tóm tắt:

Đức Giêsu có ý chí thiên tính và ý chí nhân tính. Nơi cuộc sống thế trần, Con Thiên Chúa thực hiện theo nhân tính điều mà Người đã quyết định theo thiên tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần về công cuộc cứu chuộc chúng ta. Ý chí nhân tính của Đức Kitô luôn theo ý chí thiên tính của Ngài, không miễn cưỡng, không đối kháng, hay nói khác hơn là ý chí nhân tính của Ngài tùng phục ý chí thiên tính.

4.2 Thân xác thực của Đức Kitô

Nếu Đức Kitô là con người thực, ngài không chỉ có linh hồn thực mà còn có cả thân xác thực.

Sách GLYL mục 92 xác quyết:

Đức Kitô đã đón nhận một thân xác thật sự của con người, qua đó Thiên Chúa vô hình đã trở nên hữu hình. Vì thế, Đức Kitô có thể được thể hiện và tôn kính qua các ảnh tượng linh thiêng.

4.2.1 Hình ảnh nhân tính của Đức Kitô

Tại Công Đồng Nicaea II năm 787, Giáo Hội đã công nhận tính cách chính đáng của sự thể hiện và tôn kính ảnh tượng Đức Giêsu. [xem Galatians 3:1; Council of Nicaea II (787): DS 600-603] (xem thêm GLCG mục 476).

4.2.2 Thân thể Đức Giêsu

Thêm vào đó, GLCG 477 dạy:

Ðồng thời, Hội Thánh luôn luôn nhìn nhận "Thiên Chúa vốn là Ðấng vô hình, đã xuất hiện hữu hình giữa nhân loại" trong thân xác Ðức Giêsu (x. Roman Missal, Preface of Chrismas I). Thật vậy, các đặc điểm riêng của thân xác Ðức Kitô biểu lộ Ngôi Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhận làm của mình những nét nhân dạng của thân thể Người, để khi tín hữu tôn kính những đặc điểm ấy được họa trong tranh ảnh thánh, họ "cung chiêm chính Ðấng mà tranh ấy diễn tả" (x. Cđ Ni-xê-a II : DS 60l).

Khi Đức Giêsu Kitô mang lấy thân xác con người, Ngài đã thánh hóa nó. Đó là lý do tại sao chúng ta cần giữ gìn thân xác chúng ta trong sạch, cả trong tư tưởng, lời nói lẫn việc làm. Hơn nữa, chúng ta nên dâng hiến thân xác chúng ta – chứ không chỉ tâm trí và linh hồn – cho THIÊN CHÚA, như Thánh Phaolô dạy trong Thư gửi tín hữu Rôma (12:1):

1Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.

Dù ở bậc hôn nhân hay độc thân, đức khiết tịnh vẫn là sự noi gương Đức Giêsu Kitô, là người thật và là THIÊN CHÚA thật.

4.2.3 Thánh Tâm Chúa Giêsu

Sách GLYL mục 93 (xem thêm GLCG mục 478) dạy chúng ta:

Đức Kitô biết và yêu thương chúng ta bằng một trái tim của con người. Trái tim của Ngài bị đâm thâu để cứu độ chúng ta, là biểu tượng của tình yêu vô biên của Ngài đối với Chúa Cha và đối với tất cả mọi người.

Trong tác phẩm Christ is Passing By, sộ 164 (Bài giảng "Tìm thấy Bình an nơi Thánh Tâm Giêsu"), Thánh Josemaría Escrivá viết:

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu tất cả sự phong phú ẩn giấu trong cụm từ "Thánh Tâm Chúa Giêsu". Khi chúng ta nói về con tim của một người, chúng ta không chỉ đề cập đến cảm xúc của người đó, mà nói đến toàn bộ con người trong những nghĩa cử yêu thương tha nhân. Để giúp chúng ta hiểu những điều thánh thiện, Kinh Thánh dùng chữ " trái tim " với trọn vẹn ý nghĩa nhân bản của từ này là sự tổng hợp và nguồn cội, sự biểu lộ và căn cơ sâu thẳm của tư tưởng, lời nói và hành vi của người đó. Giá trị của một người là giá trị tâm hồn anh ta ...

...Khi chúng ta dâng hiến cho thánh tâm, là chúng ta muốn dâng hiến toàn bộ con người chúng ta cho Chúa Giêsu, cho toàn bộ Chúa Giêsu – linh hồn chúng ta, tình cảm và tư tưởng chúng ta, lời nói và hành động của chúng ta, niềm vui của chúng ta.

Đọc Thêm

    • Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược , 85-93.
    • Giáo Lý Công Giáo , 456-483.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Three: Dogmatic Theology, Chapters 34-40. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 255-292.

Websites