Bài 28: Sống ngay lành chưa hẳn là toàn thiện

Câu hỏi hướng dẫn

    • Mục đích của giáo huấn Kitô giáo về đời sống luân lý là gì?
    • Sự toàn thiện hệ tại điều gì?
    • Ân sủng là gì?
    • Ân sủng liên quan gì với sự canh tân?
    • Những hiệu quả của ân sủng là gì?
    • Có những loại ân sủng nào?
    • Các nhân đức đối thần là gì? Bằng cách nào thủ đắc những nhân đức này?
    • Đức tin là gì?
    • Đức cậy là gì?
    • Đức mến là gì?
    • Nhân đức nhân bản (human virtues) là gì?
    • Nhân đức nhân bản khác với nhân đức siêu nhiên th•ế nào?
    • Các nhân đức chủ yếu là gì?
    • Ơn Chúa Thánh Thần là những ơn nào?
    • Những niềm đam mê có ảnh hưởng gì đối với đời sống đạo hạnh?

1. Sự công chính hóa và sự thánh hóa

1.1 Sự công chính hóa là gì?

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) mục 1989 viết:

Tác động đầu tiên của ơn Chúa Thánh Thần là SỰ HOÁN CẢI, giúp nên công chính hóa … Được tác động bởi ân sủng, con người quay về với Thiên Chúa, và xa lánh tội lỗi; nhờ đó, đón nhận ơn tha thứ và sự công chính từ Thiên Chúa cao trọng.

Lưu ý rằng sự công chính hóa là KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA. Như Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của Ngài (4:19):

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước

Mục 1990 Sách GLCG viết:

Sự công chính hóa là do sáng kiến của lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng ban ơn tha thứ cho chúng ta.

Chúng ta không có khả năng để rũ sạch chúng ta khỏi mọi tội lỗi, để làm chúng ta trở nên đẹp lòng Chúa. Chỉ Thiên Chúa có quyền năng này. Sách GLCG mục 1987 viết:

Ân sủng của Chúa Thánh Thần có sức mạnh làm cho chúng ta trở nên công chính, nghĩa là rửa chúng ta sạch tội lỗi và truyền thông cho chúng ta ” sự công chính của Thiên Chúa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô “ và nhờ bí tích Rửa Tội.

Sự công chính hóa giúp gì cho chúng ta?

Sách GLCG mục 1990 nói rằng sự công chính hóa:

    • giải thoát con người khỏi tội lỗi vốn là điều đối nghịch với tình yêu của Thiên Chúa
    • thanh tẩy tâm hồn con người khỏi tội lỗi
    • giao hòa con người với Thiên Chúa
    • giải thoát con người khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi
    • cứu rỗi con người.

Phải chăng ơn Chúa Thánh Thần mặc nhiên cứu rỗi chúng ta?

Không phải. Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của chúng ta. Chúng ta có toàn quyền tự do đón nhận hoặc khước từ sự công chính hóa. Mục 1991 Sách GLCG viết:

Sự công chính hóa đồng thời là sự đón nhận sự công chính của Thiên Chúa nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô.

Mục 1993 Sách GLCG nhắc lại:

Sự công chính hóa thiết lập SỰ CỘNG TÁC giữa ân sủng của Thiên Chúa với tự do của con người. Về phía con người, sự công chính hóa được diễn tả trong sự ưng thuận của đức tin đối với Lời Thiên Chúa, là lời kêu gọi con người hối cải, và trong sự cộng tác của đức mến với sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng khởi xướng và gìn giữ sự ưng thuận đó:

Khi Thiên Chúa đánh động trái tim con người nhờ sự soi sáng của Thánh Thần, bản thân con người không thụ động khi đón nhận ơn linh hứng của Thánh Thần vì con người có thể khước từ ơn linh hứng đó; tuy nhiên, nếu chỉ bằng ý chí của mình và không có ơn Thiên Chúa, con người không thể trở nên công chính trước mặt Chúa. (Thư Roma 3:21-26).

Chúng ta xứng đáng được ban ơn này chăng?

Nói một cách chính xác thì không. Tuy nhiên, do sự dâng hiến sự sống mình làm lễ vật cứu chuộc, Đức Giêsu Kitô đã chuộc lại cho chúng ta ’ quyền “ được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa. Sách GLCG mục 1992 viết:

Sự công chính hóa được ban cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Đấng tự hiến mình trên thánh giá làm lễ vật sinh động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa; và máu của Ngài trở nên lễ vật đền tội cho toàn nhân loại.

Chúng ta thực sự đón nhận sự công chính hóa khi nào?

Lúc chịu Bí Tích Rửa Tội (xem thêm GLCG mục 1992).

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL) mục 422 tóm tắt như sau:

Sự công chính hóa là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Đó là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Đấng tha thứ tội lỗi của chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính và thánh thiện trong con người chúng ta. Điều đó được thực hiện bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần; ân sủng đó dược dành sẵn cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Đức Kitô và được trao ban cho chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội. Sự công chính hóa là sự khởi đầu của lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là tin nơi Đức Kitô và kết hợp với Ngài nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần.

1.2 Sự thánh hóa

Sự xóa tội chỉ là bước thứ nhất. Thiên Chúa, Người Cha đầy lòng thương yêu, không chỉ muốn chúng ta là những người sạch tội, ngay lành, nhưng Ngài còn muốn chúng ta thánh thiện vì Ngài là Đấng cực thánh. Sách GLCG mục 1989 viết:

Sự công chính hóa không chỉ là sự tha tội mà còn là sự thánh hóa và sự canh tân con người nội tâm. [Công Đồng Trent (1547): DS 1528]

Khi học về các điều răn, khi chúng ta đề cập về sự thiện hoặc sự ác của hành vi chúng ta, chúng ta không chỉ chú tâm tới việc trở nên những con người ngay lành luôn ra sức tránh làm điều dữ. Đó chỉ là một quyết tâm tối thiểu. Chúng ta chăm sóc sự sống phần xác của mình không phải chỉ để tránh lâm bệnh mà còn để có đủ khả năng nhằm thực hiện công việc của chúng ta một cách tốt đẹp, thì cũng giống như thế, chúng ta chăm sóc đời sống tâm linh của mình không phải chỉ để tránh tội lỗi mà còn để nên thánh. Thánh Phaolô dùng hình ảnh vận động viên để minh họa cho chúng ta về đời sống Kitô hữu; đó không những là cuộc đua KHÔNG THUA, mà còn là THẮNG CUỘC; đó là đời sống không những không trở thành người tội lỗi mà còn phải trở nên vị thánh. Ngài viết trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (9:24-27):

24) Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. (25) Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. (26) Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi không đấm như người đấm vào không khí. (27) Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

Sách GLCG (mục 2013) nhắc lại lời dạy của Chúa chúng ta và của Giáo Hội:

"Mọi Kitô hữu ở bất kỳ bậc sống nào hoặc nghề nghiệp nào đều được mời gọi hướng đến sự viên mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn thiện của đức mến". [Lumen Gentium, 40 # 2. Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) là Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh của Công Đồng Vatican II.] Mọi người đều được mời gọi nên thánh: "Vậy anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện". [Mátthêu 5:48]

Điều này gợi nhớ đoạn văn trong cuốn Be Not Afraid (Đừng Sợ Hãi) (London: The Bodley Head, 1984, trg 109-110); đoạn văn kể lại cuộc phỏng vấn của Andrá Frossard với Đức Giáo Hoàng John Paul II. Có một lúc, tác giả hỏi Đức Thánh Cha:

Sự kiện hiện thời là luân lý Kitô giáo thường được xem là CÓ TÍNH GÒ BÓ, đặc biệt những người không tuân giữ nó lại càng nghĩ như thế; trong khi đó, những người khác thì tước bỏ chức năng siêu nhiên ra khỏi luân lý này và tạo dựng từ đó một đạo lý Kitô giáo đúng mực nhưng khô khan. Nếu vai trò của luân lý Phúc Âm là không ngăn cấm chúng ta những gì chúng ta có thể đòi hỏi một cách hợp pháp, mà còn đem lại cho chúng ta nhiều những gì chúng ta ước mong (đó là Nước Trời), vậy thì, con người có thể minh chứng rằng luân lý đó là một sức mạnh GIẢI THOÁT hay không? Phải chăng chính luân lý này vun đắp con người?

Đức Thánh Cha trả lời:

...ngay từ hồi trẻ, ... tôi luôn tâm niệm và bây giờ vẫn cho rằng luân lý Kitô giáo là luân lý CÓ TÍNH BẮT BUỘC.

Thuật ngữ ” có tính bắt buộc “ rất quan trọng vì nó trả lời cho hai câu hỏi ông đưa ra sau những nhận định ban đầu: câu thứ nhất, phải chăng con người có thể minh chứng rằng luân lý Kitô giáo CÓ TÍNH GIẢI THOÁT ( và không phải là CÓ TÍNH GÒ BÓ)?; và câu thứ hai: phải chăng chính luân lý này vun đắp con người? Ở đây, tôi thêm một ý là: vun đắp con người đích thực.

Chắc chắn là có sự khác biệt cơ bản giữa thuật ngữ 'CÓ TÍNH GÒ BÓ' với thuật ngữ 'CÓ TÍNH BẮT BUỘC'.

Luân lý Kitô giáo dường như đặt lên chúng ta một loạt "những điều ngươi không được làm"; tuy nhiên, những điều này phải được xem là sự rèn luyện cho thân thể thuần thục, như lời Thánh Phaolô trong đoạn trích ở trên. Thuần thục là TINH THÔNG; khi ai đó tinh thông sự gì, chẳng hạn như nhạc cụ, người này có thể tạo ra những thanh âm du dương. Ngược lại, nếu không tinh thông nhạc cụ đó, người này chỉ tạo ra những tiếng ồn khó chịu. Trong bất kỳ cuộc thi tài nào cũng vậy, SỰ TINH THÔNG đưa đến SỰ BIỂU DIỄN XUẤT SẮC và nhiều khả năng ĐOẠT GIẢI. Trong nghệ thuật, sự tinh thông phương cách thể hiện là điều kiện tiên quyết cho sự sáng tạo những tác phẩm MỸ THUẬT.

Tuy nhiên, sự tinh thông đòi hỏi sự rèn luyện thường xuyên. Theo thuật ngữ Kitô giáo, sự rèn luyện này được gọi là CUỘC CHIẾN ĐẤU KHỔ HẠNH. Sách GLCG (mục 2015) viết:

Con đường trọn hảo phải đi qua Thập Giá. Không thể có sự thánh thiện nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng. (xem thêm 2 Tim 4). Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình là những điều từng bước dẫn tới sự sống trong bình an và hoan lạc của các Mối Phúc.

Mục đích tối hậu của việc rèn luyện này là sự kết hợp với Đức Giêsu Kitô; và cứu cánh là sự thánh thiện. Mục 2014 Sách GLCG giảng giải:

Sự tiến bộ về đời sống thiêng liêng hướng đến sự kết hợp ngày càng mật thiết hơn với Đức Kitô. Sự kết hợp này được gọi là "thần bí" bởi vì tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô nhờ các bí tích -"các mầu nhiệm thánh"- và trong Người, tham dự vào mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Thiên Chúa kêu gọi tất cả chúng ta đến với sự kết hợp mật thiết này với Ngài mặc dù những ân sủng đặc biệt và những dấu chỉ ngoại thường của đời sống thần bí này chỉ được ban cho một số người để biểu lộ hồng ân nhưng không (gratuitous gift) được ban cho mọi người.

Mọi Kitô hữu chúng ta đều có ơn kêu gọi trở nên thánh thiện, ơn kêu gọi để Đức Kitô chiếm hữu đời sống mình tới mức mà chúng ta có thể nói:

Tôi sống nhưng không còn là tôi; chính Đức Kitô sống trong tôi. (Galát 2:20)

Trong bài giảng "Sự Chết Của Đức Kitô là Sự Sống Của Kitô Hữu" (Christ is Passing By, 96), Thánh Josemarí­a Escrivá, Đấng sáng lập Opus Dei, rao giảng:

Kitô hữu phải trở nên ALTER CHRISTUS, IPSE CHRISTUS (trở nên một Đức Kitô khác; trở nên chính Đức Kitô). Nhờ Phép Rửa, tất cả chúng ta trở nên những tư tế của đời sống mình, (chúng ta) "dâng hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô". Mọi việc chúng ta làm đều có thể là sự thể hiện lòng vâng phục của chúng ta đối với ý muốn của Thiên Chúa và duy trì luôn mãi sứ mệnh của con người thuộc Thiên Chúa.

Một khi nhận thức rõ điều này, ngay lập tức chúng ta nhớ tới tình trạng xấu xa và những nhược điểm cá nhân của chúng ta. Nhưng những điều đó không làm chúng ta nản lòng; chúng ta không trở nên quá bi quan mà gạt đi những lý tưởng của mình. Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta hãy đến chia sẻ sự sống của Ngài và hãy nên thánh từ tình trạng hiện thời của chúng ta. Cha biết sự thánh thiện nghe giống như một từ sáo rỗng. Rất nhiều người nghĩ rằng điều đó không thể đạt được; điều đó liên quan tới thần học tu đức (ascetic theology), và không là mục đích thực tế, không là thực tại cuộc sống đối với họ. Các Kitô hữu tiên khởi không nghĩ như thế. Họ thường dùng từ "thánh nhân" để nói với nhau một cách rất tự nhiên: "xin chào các thánh nhân"; "xin gởi lời chào của tôi tới từng thánh nhân trong Đức Giêsu Kitô".

2. Ân sủng

Để hiểu ân sủng tác động gì đến chúng ta, hãy xem lại Mục 6 của Bài 6; mục này giảng giải con người được hình thành như thế nào. Một người muốn biết xem loại thuốc nào đó tác động ra sao nơi cơ thể mình thì trước tiên người này cần phải hiểu cơ thể mình hoạt động như thế nào. Anh ta phải biết đôi chút về cơ thể giải phẫu học và sinh lý học. Tương tự như vậy, nếu muốn hiểu rõ tác động của ân sủng, chúng ta cần phải hiểu về bản chất con người, đặc biệt là linh hồn thiêng liêng, trí năng, ý chí và sự tự do của con người.

2.1 Ân sủng là gì?

Nói chung, ân sủng là HỒNG ÂN SIÊU NHIÊN do Thiên Chúa ban cho chúng ta. Định nghĩa này có hai yếu tố sẽ được giải thích dưới đây: (1) siêu nhiên; và (2) hồng ân.

    • Đó là SIÊU NHIÊN có nghĩa là ân sủng vượt trên mọi khả năng tự nhiên và trí lực của chúng ta. Khi nói ân sủng vượt trên mọi khả năng tự nhiên của chúng ta, ý chúng ta muốn diễn đạt như lời của Sách GLYL (mục 423):
    • (nó) vượt quá mọi khả năng của lý trí và sức lực của con người. Vì vậy, ân sủng vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta.
    • Điều này không có nghĩa là ân sủng thay thế khả năng tự nhiên của chúng ta. Đúng hơn là nó NÂNG CAO những năng lực này. Ân sủng giống như một sự trợ sức.
    • Khi Giáo Lý giảng rằng ân sủng "vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta", điều đó hàm nghĩa ân sủng KHÔNG phải là thứ gì đó mà chúng ta CẢM NHẬN ĐƯỢC; nó vượt tầm nắm bắt của các giác quan vì nó là siêu tự nhiên. "Vượt tầm kinh nghiệm của chúng ta" hàm nghĩa là chúng ta không thể nhìn thấy, cảm nhận, chạm đến, nếm hoặc nghe được ân sủng. Ở trong ân sủng không có nghĩa là nhận thấy bản thân đang ở trong trạng thái cảm xúc cao độ. Chính vì thế, Sách GLCG mục 2005 viết:
    • Vì là siêu nhiên, ân sủng vượt tầm kinh nghiệm của chúng ta và chỉ có thể nhận biết bằng đức tin. Vì vậy, chúng ta không thể dựa trên tình cảm hay những việc làm của chúng ta để từ đó suy ra rằng chúng ta đã được công chính hóa hoặc đã được cứu rỗi. (xem thêm Công Đồng Trent [1547]: DS 1533-1534). Tuy nhiên, theo lời Chúa phán: "Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai" (Mátthêu 7:20), việc xem hồng ân của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và đời sống các thánh mang lại cho chúng ta một bảo chứng là ân sủng đang hoạt động trong chúng ta và khơi dây nơi chúng ta một đức tin luôn vững mạnh hơn, và một thái độ nghèo khó đầy tín thác.
      • Một trong những minh họa đẹp nhất của thái độ này là câu trả lời của Thánh Nữ Joan of Arc trước một câu hỏi gài bẫy của các quan tòa của Giáo Hội: "Khi được hỏi: cô có biết mình đang sống trong ân sủng của Thiên Chúa hay không, cô trả lời: 'Nếu tôi chưa có, xin Chúa ban cho tôi; nếu tôi có rồi, xin Chúa thương gìn giữ tôi trong ân sủng Ngài.'"
    • Đó là HỒNG ÂN, và vì nó là ơn BAN NHƯNG KHÔNG và NGOÀI TẦM XỨNG ĐÁNG của chúng ta nên ân sủng hoàn toàn là sự sáng tạo nhưng không của Thiên Chúa (xem thêm GLCG mục 1996). Chúng ta hãy luôn nhớ lời Thánh Gioan nói về tinh yêu là ý tưởng của Thiên Chúa: "Ngài yêu thương chúng ta trước" (I Gioan 4:19), vì một lẽ giản dị: "Thiên Chúa là tình yêu" (I Gioan 4:16).

Sau đây chúng ta sẽ đề cập đến những ân sủng khác nhau.

2.2 Ơn thánh hóa và tác động của ơn này là gì?

Ơn thánh hóa là ơn tác động đến HỮU THỂ (being) của chúng ta (còn được gọi là THỰC THỂ), đặc biệt là tác động đến LINH HỒN chúng ta.

Thứ hai, mục đích của ơn thánh hóa là giúp chúng ta dự phần vào đời sống mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mục 423 Sách GLYL hỏi (xem thêm GLCG mục 1996-1998; 2005; 2021): "ÂN SỦNG CÔNG CHÍNH HÓA CHÚNG TA là gì?"; và lời đáp:

Ân sủng là hông ân Thiên Chúa ban cho chúng ta để giúp chúng ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và hành xử theo tình yêu của Ngài. Ân sủng này được gọi là ƠN THƯỜNG SỦNG, ƠN THÁNH HÓA hoặc ƠN THẦN HÓA vì ân sủng này thánh hóa và thần hóa chúng ta.

Có những loại ân sủng khác hay không?

Sách GLYL mục 424 (xem thêm GLCG mục 1999-2000; 2003-2004; 2023-2024) dạy chúng ta:

Ngoài ơn thường sủng, còn có ƠN HIỆN SỦNG (ân sủng tùy hoàn cảnh), ƠN BÍ TÍCH (ân sủng đặc biệt của mỗi bí tích), các ƠN ĐẶC BIỆT hoặc ĐẶC SỦNG (những ân sủng vì thiện ích của Hội Thánh), trong đó có ơn chức phận (còn gọi là ơn bậc sống) là ân sủng đi kèm theo việc thi hành thừa tác vụ và trách nhiệm của đời sống.

2.3 Thế nào là ơn hiện sủng?

Như đã nói trên, ơn hiện sủng là ân sủng tùy hoàn cảnh.

Trong khi ơn thánh hóa làm biến đổi linh hồn chúng ta và hướng nó đến Thiên Chúa, thì ngược lại, ơn hiện sủng tác động TRÍ NĂNG và Ý CHÍ của chúng ta. Ơn hiện sủng là sự trợ giúp siêu nhiên cho HÀNH VI của chúng ta.

Tuy nhiên, mọi hành vi con người đều khởi nguồn từ trí năng và ý chí. Do vậy, ơn hiện sủng nâng cao HOẠT ĐỘNG (còn được gọi là TÍNH HOẠT ĐỘNG [operative habit] của NĂNG LỰC (còn gọi là TIỀM NĂNG) hiểu biết và ước muốn của chúng ta. Ơn này tác động tựa như các vitamin siêu nhiên trợ giúp cho trí năng và ý chí.

Sách GLCG mục 1996 nói về ơn này như sau:

Ân sủng là một hồng ân, một SỰ TRỢ GIÚP NHƯNG KHÔNG mà Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta ĐÁP LẠI lời mời gọi của Ngài; đó là trở thành con cái Thiên Chúa, làm nghĩa tử, tham dự vào bản tính Thiên Chúa, và vào sự sống muôn đời. [xem thêm Gioan 1:12-18; 17:3; Thư Roma 8:14-17; II Phêrô 1:3-4].

Ơn hiện sủng đi cùng với chúng ta suốt quá trình từ KHỞI SỰ cho đến HOÀN THÀNH công trình lớn của Thiên Chúa, đó là sự thánh hóa chúng ta. Sách GLCG mục 2001 dạy:

Sự chuẩn bị của con người để đón nhận ân sủng đã là một công trình của ân sủng. Điều này là cần thiết để khơi dậy và nâng đỡ sự cộng tác của chúng ta vào việc công chính hóa nhờ đức tin, và vào việc thánh hóa nhờ đức mến. Thiên Chúa kiện toàn nơi chúng ta điều Ngài đã khởi sự, "vì Ngài khởi sự bằng cách tác động để chúng ta ước muốn, Ngài kiện toàn bằng cách cộng tác với những người đã muốn". [Thánh Augustine, De gratia et libero arbitrio, 17]

Thật ra, khi chúng ta làm việc là chúng ta cộng tác với Đấng đang làm việc, bởi vì lòng thương xót của Ngài đi bước trước để chúng ta được chữa lành, và dõi theo sau để sau khi được chữa lành, chúng ta trở nên tràn đầy sinh lực; lòng thương xót của Ngài đi bước trước để chúng ta được mời gọi, và dõi theo sau để chúng ta được vinh quang; lòng thương xót của Ngài đi bước trước để chúng ta sống đạo đức, và dõi theo sau để chúng ta luôn sống với Thiên Chúa; vì không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì. [Thánh Augustine, De natura et gratia, 31]

Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta MỘT CÁCH NHƯNG KHÔNG, và chúng ta đón nhận MỘT CÁCH TỰ DO. Sách GLCG mục 2002 nhắc lại điểm này:

Sáng kiến tự do của Thiên Chúa đòi hỏi sự đáp trả tự do của con người, vì Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài khi ban cho con người, cùng với sự do, khả năng nhận biết và yêu mến Ngài. Linh hồn chỉ tự nguyện mới tiến vào sự hiệp thông của tình yêu. …

2.4 Thế nào là ơn bí tích?

Chúng ta đã tìm hiểu về những ơn này từ Bài 17 tới Bài 25.

2.5 Thế nào là ơn đặc sủng?

Sách GLCG (mục 2003) dạy:

Ngoài ra, còn có các ân sủng đặc biệt, gọi là các đặc sủng theo từ Hy Lạp mà Thánh Phaolô sử dụng, có nghĩa là "đặc ân", "hồng ân nhưng không", "phúc lợi". [xem thêm Lumen Gentium 12]. Dù có đặc tính nào đi nữa, đôi khi là phi thường, như ơn làm phép lạ hoặc ơn nói tiếng lạ, các đặc sủng đều qui hướng về ơn thánh hóa và có mục tiêu là công ích của Hội thánh. Các đặc sủng đều phục vụ đức mến là nhân đức xây dựng Hội thánh. [xem thêm I Côrintô 12]

Chúng ta biết về những ơn đặc sủng vì Thánh Phaolô viết về những ơn này ở Chương 12 trong Thư Thứ Nhất của Ngài gửi tín hữu Côrintô:

(4) Có NHIỀU ĐẶC SỦNG KHÁC NHAU, nhưng chỉ có MỘT THẦN KHÍ. (5) Có NHIỀU VIỆC PHỤC VỤ KHÁC NHAU, nhưng chỉ có MỘT CHÚA. (6) Có NHIỀU HOẠT ĐỘNG KHÁC NHAU, nhưng vẫn chỉ có MỘT THIÊN CHÚA làm mọi sự trong mọi nguòi. (7) Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, LÀ VÌ ÍCH CHUNG.

(8) Người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. (9) Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. (10) Người thì được ơn làm phép lạ, người thì đuọc ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.

(11) Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người.

(12) Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Ðức Kitô cũng vậy. (13) Thật thế, tất cả chúng ta, là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. (14) Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. (15) Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. (16) Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. (17) Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? (18) Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. (19) Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? (20) Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. (21) Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày". (22) Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; (23) và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. (24) Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. (25) Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. (26) Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. (27) Vậy anh em, anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận.

(28) Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, THỨ NHẤT LÀ CÁC TÔNG ĐỒ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. (29) Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, (30) ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao?

Những người năm quyền hành cũng nhận được những ơn đặc sủng; và ơn họ nhận được gọi là ƠN CHỨC PHẬN. (Cần phân biệt hai cụm từ sau trong tiếng Anh: (1) state of grace = tình trạng ân sủng; (2) grace of state = ơn chức phận; ơn bậc sống). Sách GLCG mục 2004 giảng giải:

Trong các ân sủng đặc biệt phải kể đến ơn chức phận là ơn được ban để thực thi các trách nhiệm của đời sống Kitô hữu và các thừa tác vụ trong Hội Thánh:

Có được những đặc sủng khác nhau tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người, chúng ta hãy sử dụng chúng đúng cách. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thi cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai trợ giúp, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì hãy vui vẻ mà làm. [Thư Rôma 12:6-8].

Sau khi kể ra những ơn đặc sủng khác nhau, Thánh Phaolô lưu ý chúng ta rằng đó KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG ƠN CAO TRỌNG NHẤT trong các ân sủng. Lý do là chúng không trực tiếp thánh hóa người nhận lãnh ơn đặc sủng vì ơn đó được ban do ích lợi của các thành viên khác trong Hội Thánh. Thánh Phaolô đã kết chương này như sau:

31) Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em CON ĐƯỜNG TRỖI VƯỢT HƠN CẢ.

Trong chương kế tiếp, Ngài nói về đức mến là ơn thiết yếu nhất trong mọi ân sủng.

Như đã nói trên, các ƠN ĐẶC SỦNG là những đặc ân siêu nhiên qui hướng về sự lợi ích chung của Giáo Hội; những ơn này chủ yếu không dành riêng cho người nhận lãnh nhưng CHO NHỮNG NGƯỜI KHÁC, trong khi ƠN THÁNH HÓA và ƠN HIỆN SỦNG dành CHO SỰ THIỆN HẢO CỦA NGƯỜI NHẬN LÃNH CHÚNG. Do vậy, bất kỳ ai cũng KHÔNG NÊN TỰ MÃN VÌ CÓ ĐƯỢC NHỮNG ƠN ĐẶC SỦNG. CHỈ RIÊNG những ơn đặc sủng không thể làm cho người nhận lãnh nên thánh thiện. Là linh mục, hoặc nói được các thứ tiếng, hoặc có tài chữa lành bệnh tật, không làm cho người ta nên thánh. Thánh Phaolô dạy chúng ta nên phấn đấu thủ đắc ơn cao trọng hơn, đó là ĐỨC MẾN, một ơn song hành với ƠN THÁNH HÓA. Bởi thế, Ngài viết trong chương 13:

1) Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. (2) Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. (3) Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.

(4) Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, (5) không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, (6) không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. (7) Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. (8) Ðức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn.

3. Các nhân đức

3.1 Nhân đức là gì?

Sách GLCG (mục 1803) trích dẫn lời của Thánh Phaolô rồi sau đó giảng giải:

(8) Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. (Philiphê 4:8)

Nhân đức là một XU HƯỚNG THƯỜNG XUYÊN và KIÊN TRÌ để LÀM ĐIỀU THIỆN. Nó khiến con người không những thực hiện những hành vi tốt mà còn CỐNG HIẾN NHỮNG ĐIỀU TỐT NHẤT CỦA BẢN THÂN. Người nhân đức hướng về điều thiện với tất cả sức mạnh giác quan và tinh thần của mình; họ theo đuổi và lựa chọn điều thiện bằng những hành động cụ thể.

Mục đích của đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa. [Thánh Gregory of Nyssa, De beatitudinibus, 1]

3.2 Có nhiều loại nhân đức phải không?

Các nhân đức có thể ĐƯỢC PHÂN LOẠI theo căn nguyên của chúng như sau:

    1. 1.CÁC NHÂN ĐỨC SIÊU NHIÊN. Chúng khởi phát từ Thiên Chúa, Đấng PHÚ BAN những ơn này vào trong linh hồn dưới dạng ơn thánh hóa.
      • NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN. Căn nguyên, động cơ, và mục đích của những ơn này là chính Thiên Chúa. (Xem lại Bài 3). Đó là: Đức Tin, Đức Cậy, và Đức Mến.
      • NHÂN ĐỨC LUÂN LÝ. Những nhân đức này được phú ban cùng với ơn thánh hóa, và là thành phần siêu nhiên đồng cấp với những nhân đức luân lý của con người có cùng tên gọi. Các nhân đức luân lý siêu nhiên giúp cho việc thực thi nhân đức một cách dũng cảm. Quan trọng nhất trong những nhân đức này là các NHÂN ĐỨC TRỤ: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm, và tiết độ.
    2. 1.CÁC NHÂN ĐỨC NHÂN BẢN. Đây là NHỮNG NHÂN ĐỨC THỦ ĐẮC do rèn luyện thường xuyên. Theo sự xếp loại của Thánh Thomas Aquinas, những nhân đức này là:
      • NHÂN ĐỨC TRÍ TUỆ. Chia ra
      • (1) Nhân đức SUY TƯỞNG, chia ra nữa thành (1.1) CÁC NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ; (1.2) KHOA HỌC; và (1.3) KHÔN NGOAN.
      • (2) Nhân đức THỰC TIỄN, chia ra nữa thành (2.1) THẬN TRỌNG; và (2.2) NGHỆ THUẬT.
      • NHÂN ĐỨC LUÂN LÝ. Đây là những nhân đức thủ đắc (không do Thiên Chúa phú ban) có cùng tên với những nhân đức luân lý siêu nhiên; đó là: KHÔN NGOAN, CÔNG BẰNG, DŨNG CẢM VÀ TIẾT ĐỘ. Nói "thủ đắc" có nghĩa là người chưa chịu Phép Rửa cũng có thể có được những nhân đức này nhờ thói quen sống ngay lành.

Phần sau đây đề cập sâu hơn về các nhân đức đối thần và những nhân đức luân lý.

3.3 Các nhân đức đối thần

(Còn gọi là các nhân đức hướng thần, vì những nhân đức này hướng đến Thiên Chúa, có Thiên Chúa là đối thể).

Mục 1814 Sách GLCG giảng giải cho chúng ta ý nghĩa của ĐỨC TIN:

Đức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã nói và đã mạc khải cho chúng ta, và tin những gì Hội Thánh dạy chúng ta tin vì Thiên Chúa chính là chân lý.

Về ĐỨC CẬY, mục 1817 và 1818 (sách trên) giảng giải:

Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta; đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh của chúng ta.

Đức cậy đáp ứng khát vọng hưởng vinh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng mỗi người; đảm nhận những sự mong đợi khơi niềm cảm hứng cho các hoạt động của con người, thanh luyện những mong đợi đó để qui hướng chúng về Nước Trời; giữ con người khỏi sự nản chí; nâng đỡ con người khi bị ruồng bỏ; mở rộng lòng trông đợi hồng phúc vĩnh cửu. Được thúc đẩy bởi đức cậy, con người được gìn giữ khỏi tính ích kỷ và được đưa tới niềm vinh phúc của đức mến.

Về ĐỨC MẾN, mục 1822 giảng:

Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mên Thiên Chúa, chúng ta yêu tha nhân như chính mình.

Chúng ta xem lại bảng sau đây (đã được trình bày ở Bài 3):

3.4 Các nhân đức nhân bản (Human Virtues)

Sách GLCG (mục 1804) viết rằng

Các nhân đức nhân bản là những thái độ vững chắc, những xu hướng kiên định, những trọn hảo thường xuyên của trí năng và ý chí nhằm điều khiển các hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê, và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Các nhân đức này đem lại cho con người sự thoải mái, sự tự chủ và niềm vui để sống một cuộc đời tốt lành về mặt luân lý. Người nhân đức là người tự nguyện thực thi việc lành phúc đức.

Chúng ta phân biệt các yếu tố sau trong định nghĩa trên.

    • Các nhân đức là những thái độ VỮNG CHẮC, những xu hướng KIÊN ĐỊNH, những trọn hảo THƯỜNG XUYÊN.
    • Chúng nâng cao sự thể hiện của TRÍ NĂNG và Ý CHÍ.
    • Kết quả thực tiễn của điều này là nó giúp chúng ta LÀM CHỦ BẢN THÂN, làm chủ những đam mê, thái độ và hành vi của chúng ta.
    • Khi nhân đức tác động tức là làm cho sự làm chủ bản thân trở nên KIÊN ĐỊNH hơn, THOẢI MÁI hơn, và VUI THÍCH hơn.
    • Như thế, nhân đức tạo thuận lợi cho việc sống một cuộc đời đạo đức, chính trực.

Sách GLCG mục 1805 nêu bật tầm quan trọng của các NHÂN ĐỨC TRỤ (cardinal virtues, còn gọi là các nhân đức chủ yếu):

Bốn nhân đức giữ vai trò cột trụ nên được gọi là các nhân đức "trụ"; mọi nhân đức khác đều qui tụ quanh bốn nhân đức này. Đó là: khôn ngoan, công bằng, dũng cảm và tiết độ. ” Con người mến chuộng đức công bằng ư? Thì chính Đức Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức. Quả vậy, Đức Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, cẩn trọng, công bằng và dũng cảm “ (Sách Khôn Ngoan 8:7). Các nhân đức này còn được ca ngợi trong nhiều đoạn Kinh Thánh khác bằng những danh xưng khác.

Chúng ta cùng đọc các mục 1806-1809 của Sách GLCG để hiểu về từng nhân đức này và tác động của chúng.

KHÔN NGOAN là nhân đức giúp lý trí thực tiễn phân định điều thiện đích thực và lựa chọn những phương cách thích hợp nhằm đạt tới điều thiện đó; "người khôn ngoan thì thận trọng từng bước" [Sách Cách Ngôn 14:15]. "Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được" [I Phêrô 4:7]. Sau Aristotle, Thánh Thomas Aquinas đã viết: "Khôn ngoan là qui tắc đúng đắn để hành động" [Thánh Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần Học II-II q47 a2]. Không được lẫn lộn đức khôn ngoan với tính nhút nhát hay sợ sệt, tráo trở hay lừa đảo. Đức khôn ngoan được gọi là "auriga virtutum" (người hướng dẫn các nhân đức); nó hướng dẫn các nhân đức khác bằng cách chỉ ra qui tắc và mức độ của chúng. Chính đức khôn ngoan trực tiếp hướng dẫn sự phán đoán của lương tâm. Người khôn ngoan quyết định và sắp đặt hành động của mình theo sự phán đoán này. Nhờ nhân đức này, chúng ta áp dụng các nguyên tắc luân lý vào những trường hợp cụ thể mà không bị sai lầm và vượt qua được những hoài nghi về điều tốt phải làm và điều xấu phải tránh.

CÔNG BẰNG là nhân đức luân lý cốt tại một ý chí liên lỉ và vững mạnh, quyết tâm trả lại những gì mình mắc nợ với Thiên Chúa và với tha nhân. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng" (virtue of religion). Công bằng đối với tha nhân là sự tôn trọng quyền lợi của mỗi người, và thiết lập sự hài hòa trong các tương quan nhân loại; sự hài hòa này đưa tới việc không thiên vị đối với nhân vị và đối với công ích. Người công bằng, như thường được nhắc tới trong Kinh Thánh, có nét đặc biệt là sự ngay thẳng thường xuyên trong ý nghĩ, và sự chính trực trong hành động đối vơi tha nhân. "Ngươi không được thiên vị người nghèo khó, cũng không được nể mặt người quyền quí, nhưng hãy xét xử công minh cho tha nhân" (Sách Lêvi 19:15). "Người làm chủ hãy đối xử công bằng và đồng đều với các gia nhân, vì biết rằng cả anh em nữa cũng có một Chủ ở trên trời". (Côlôsê 4:1).

DŨNG CẢM là nhân đức luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời. Nó củng cố sự quyết tâm chống lại các cám dỗ và vượt qua các chướng ngại trong đời sống luân lý. Đức dũng cảm giúp chúng ta có khả năng chiến thắng sự sợ hãi, thậm chí cả nỗi sợ chết, đương đầu với những thử thách và bách hại. Nó giúp chúng ta dám từ bỏ và hy sinh mạng sống để bảo vệ lẽ phải. "Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi" (Thánh Vịnh 118:14). "Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó; nhưng hãy can đảm lên, thày đã thắng thế gian" (Gioan 16:33).

TIẾT ĐỘ là nhân đức luân lý giúp chúng ta điều tiết sức lôi cuốn của những thú vui, và giữ sự chừng mực trong việc sử dụng của cải trần thế. Nó giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế những ham muốn trong những hạn mức của sự lương thiện. Người tiết độ qui hướng những ham muốn giác quan (sensitive appetites) về điều thiện và duy trì sự cẩn trọng lành mạnh: "Đừng chiều theo khuynh hướng và sức lực của mình mà thỏa mãn những đam mê của lòng mình" (Sách Huấn Ca 5:2; xem thêm 37:27-31). Đức dũng cảm thường được ca tụng trong Cựu Ước: "Con đừng buông theo các dục vọng thấp hèn, nhưng hãy kiềm chế những ham muốn". (Sách Huấn Ca 18:30). Trong Tân Ước, nhân đức này được gọi là "sự chừng mực" hay "sự điều độ". Chúng ta phải sống "chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này". (Thư Titô 2:12).

Sống tốt lành không gì khác hơn là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức mình; từ điều này suy ra là tình yêu này phải được gìn giữ trọn vẹn và không hủy hoại (nhờ đức tiết độ). Không một gian truân nào làm biến đổi tinh yêu này (đó là nhờ đức dũng cảm). Tình yêu này chỉ tuân phục Thiên Chúa (đó là nhờ đức công bằng), và thận trọng trong việc phân định các sự việc để không bị sự lừa dối hoặc phản bội lẻn vào (đó là nhờ đức khôn ngoan) [Thánh Augustine, De moribus eccl. 1, 25, 46].

3.5 Theo lẽ tự nhiên, người nhân đức có cần ân sủng hay không?

Mục 1810 và 1811 Sách GLCG dạy:

Các nhân đức nhân bản có được nhờ giáo dục, nhờ các hành vi chủ ý, và nhờ luôn cố gắng kiên trì; các nhân đức này được THANH LUYỆN và NÂNG CAO nhờ ân sủng Thiên Chúa. Nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, các nhân đức này tôi luyện tính tình và đem lại sự thoải mái trong việc thực thi điều thiện. Người nhân đức rất vui sướng thực thi các nhân đức đó.

Con người BỊ TỔN THƯƠNG BỞI TỘI LỖI không dễ gì giữ được sự quân bình luân lý. Ơn cứu độ của Đức Kitô đem lại cho chúng ta ân sủng cần thiết để kiên trì trong việc tìm kiếm nhân đức. Mỗi người phải luôn cầu xin ơn soi sáng và ơn sức mạnh, luôn nhận lãnh các phép bí tích, cộng tác với Chúa Thánh Thần và nghe theo lời kêu gọi của Ngài là hãy yêu mến điều thiện hảo và giữ mình khỏi điều xấu.

4. Ân sủng và hoa trái của Chúa Thánh Thần

Xem bài 12.

Còn vai trò nào dành cho cảm xúc và tình cảm trong đời sống tâm linh chăng?

5.1 Cảm xúc và đam mê

Mọi sinh thể đều có cách cảm nhận CÁC KÍCH THÍCH và tạo ra PHẢN ỨNG hoặc SỰ ĐÁP ỨNG đối với tác nhân kích thích đó. Đối với sinh vật, chính GIÁC QUAN cảm nhận kích thích, và CẢM XÚC hoặc ĐAM MÊ (còn gọi là tình cảm) định hướng sự đáp ứng. Khi cảm nhận kích thích, cảm xúc tự động đáp ứng theo tác nhân kích thích. Mục 1763 Sách GLCG viết:

Thuật ngữ "đam mê" thuộc về gia sản Kitô giáo. Tình cảm hoặc đam mê là những cảm xúc hoặc những chuyển biến của sự ham muốn giác quan; chúng thúc đẩy con người hành động hay không hành động theo một điều nào đó được cảm nhận hoặc được cho là tốt hoặc xấu.

Trong khi con người cũng có các giác quan để cảm nhận những kích thích và cảm xúc hoặc đam mê tạo ra sự đáp ứng với các kích thích đó, thì con người còn có một thứ mà loài vật không có. Như đã nghiên cứu trong Bài 6, khi Thiên Chúa dựng nên loài người, Ngài tạo dựng họ giống hình ảnh Ngài, ban cho họ linh hồn thiêng liêng. Và cùng với linh hồn thiêng liêng là hai năng lực tinh thần, đó là trí năng và ý chí. Trí năng nắm bắt những gì giác quan cảm nhận. Điều này làm cho con người không những nhìn, nghe, cảm thấy, nếm, chạm hoặc tưởng tượng, mà còn HIỂU ĐƯỢC những gì cảm nhận từ các giác quan. Với trí năng, chúng ta có thể ĐÁNH GIÁ, hoặc THẨM ĐỊNH điều gì đó là tốt hay xấu đối với chúng ta. Theo sự thẩm định của trí năng, ý chí hoàn toàn TỰ DO quyết định nên làm hay không nên làm, hoặc quyết định về cách thức làm. Nói cách khác, không giống như loài vật, sự đáp ứng của con người không bị qui định trước, hoặc mặc nhiên như thế. Hành vi thực sự nhân linh mang tính tự do và dựa trên ý chí. Điều này không có nghĩa là các giác quan và đam mê đều vô dụng. Sách GLCG mục 1764 giảng:

Các đam mê là những yếu tố tự nhiên của tâm lý con người; chúng tạo thành nơi chuyển tiếp và bảo đảm mối liên kết giữa đời sống cảm giác và đời sống tinh thần. Thiên Chúa chúng ta gọi trái tim con người là nguồn mạch phát xuất các đam mê. (xem thêm Máccô 7:21)

Nhưng sau tội nguyên tổ, lý trí con người bị che mờ, và ý chí bị suy yếu tới mức nhiều lần do chủ ý hoặc vô ý con người bỏ đi sự vận dụng lý trí và ý chí, cứ để mặc bản thân chiều theo cảm xúc hoặc tình cảm. Nhiệm vụ của chúng ta là rèn tâm trí sao cho chúng ta thường xuyên phản ánh những gì chúng ta nhìn thấy hoặc nghe, và rèn luyện ý chí chúng ta sao cho nó luôn luôn chế ngự tình cảm và vận dụng tình cảm vào sự thực thi việc lành phúc đức.

5.2 Chúng ta thực sự đang đề cập tới những niềm đam mê gì?

Mục 1765 Sách GLCG liệt kê cho chúng ta:

Có nhiều thứ đam mê. Đam mê căn bản nhất là TÌNH YÊU được gợi lên do sự hấp dẫn của điều thiện hảo. Tình yêu tạo nên SỰ KHAO KHÁT về điều thiện mình chưa có và NIỀM HY VỌNG đạt được điều thiện đó; động thái này được hoàn thành trong NIỀM HÂN HOAN và VUI SƯỚNG về điều thiện đã sở hữu.

Sự hiểu biết điều ác gây nên LÒNG THÙ GHÉT, GHÊ TỞM và SỢ HÃI điều ác sắp đến; động thái này hoàn thành trong SỰ BUỒN SẦU về một điều ác nào đó hiện diện, hoặc trong SỰ PHẪN NỘ chống lại điều ác đó.

5.3 Các đam mê tốt hay xấu?

Sách GLCG mục 1767 viết:

Các đam mê tự chúng KHÔNG TỐT CŨNG KHÔNG XẤU. Chúng được đánh giá về mặt luân lý (tức là TỐT hoặc XẤU) tùy theo mức độ chúng thực sự liên quan tới LÝ TRÍ và Ý CHÍ như thế nào. Các đam mê được gọi là CÓ CHỦ Ý "hoặc vì chúng được điều khiển bởi ý chí, hoặc vì ý chí không đặt cản trở nào đối với chúng" [Thánh Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần Học I-II q24 a1]. Muốn đạt tới sự toàn hảo của điều thiện về luân lý hoặc nhân linh, các đam mê phải được điều khiển bởi lý trí [Thánh Thomas Aquinas, TLTH I-II q24 a1].

Hơn nữa, mục 1768 Sách GLCG giảng rằng cảm xúc có thể tốt hoặc xấu tùy thuộc chúng được dùng như thế nào, tức là tùy thuộc HÀNH VI mà chúng liên quan là TỐT hay XẤU.

Những cảm xúc mạnh không có tính cách quyết định tính luân lý hoặc tính thánh thiện của con người; chúng chỉ là kho chứa vô tận những hình ảnh và tình cảm trong đó đời sống luân lý được thể hiện. Về mặt luân lý, các đam mê là tốt khi chúng đưa tới hành động tốt, và là xấu trong trường hợp ngược lại. Ý chí ngay lành qui hướng những động thái của giác quan mà nó đảm nhận tới điều thiện và tới sự vinh phúc; còn ý chí xấu xa ngả theo các đam mê hỗn loạn và làm cho chúng thêm tồi tệ. Cảm xúc và cảm giác có thể thăng hoa thành nhân đức hoặc bị lầm lạc bởi thói hư tật xấu.

Chính Đức Giêsu Kitô là gương sáng cho chúng ta về cách hướng đam mê tới sự thiện hảo. Mục 1769 Sách GLCG viết:

Trong đời sống Kitô hữu, chính Chúa Thánh Thần kiện toàn công trình của Ngài bằng cách động viên con người, với mọi muộn phiền, sợ hãi và sầu khổ, như chúng ta thấy trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Trong Đức Kitô, những tình cảm con người có thể đạt đến sự hoàn thiện trong đức mến và thiên phúc (divine beatitude).

Mục 1770 Sách GLCG nói thêm:

Sự toàn thiện luân lý là con người được thúc đẩy hướng tới điều thiện không những bằng ý chí của mình mà còn bằng những ham muốn giác quan, theo như lời thánh Vịnh: "Lòng con cùng tấm thân này hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hân hoan hát ca". (Thánh Vịnh 84:2).

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 370-371; 377-390.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 1762-1775; 1803-1845.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 2. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 391-450.

Websites