Bài 36: "Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp"

Câu hỏi hướng dẫn

    • Con người có quyền đối với của cải vật chất không?
    • Tội nguyên tổ có ảnh hưởng tới lòng ham muốn của cải vật chất của con người không?
    • Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì liên quan đến của cải vật chất?
    • Sở hữu của cải vật chất có phải là điều xấu không?
    • Tiền bạc có xấu không?
    • Con người có những quyền cơ bản nào?
    • Quyền tư hữu có cơ sở gì trong Kinh Thánh không?
    • Giàu có có phải là điều sai trái không?
    • Cái gì quyết định tính luân lý của sự giàu sang?
    • Tài sản có khía cạnh xã hội nào không?
    • Khía cạnh này có những hậu quả nào đối với việc đầu tư vốn cho công ích?
    • Chủ nghĩa cộng sản có gì sai không?
    • Công bằng, tiết độ, tình liên đới có nghĩa là gì?
    • Có thể nào một người rất giàu ý thức xã hội nhưng ít tinh thần nghèo khó cá nhân không?
    • Công bằng có những loại nào?
    • Có cái gì gọi là nghèo khó tinh thần không?
    • Tội chống lại Giới Răn thứ 7 là những tội nào?
    • Tội cho vay nặng lãi là gì? Tội tham ô là gì?
    • Hội Thánh dạy gì về sự hoang phí?
    • Nếu gây thiệt hại hay lấy cắp của người khác, tôi có phải đền bù thì mới được tha trong bí tích giải tội không?
    • Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh là gì? Tâm điểm của học thuyết ấy là gì?
    • Những người giàu và những nước giàu có bổn phận lớn hơn trong việc thực thi các nhân đức công bằng, liên đới và nghèo khó không?
    • Hội Thánh dạy gì về vấn đề sinh thái?
    • Mọi người có quyền bình đẳng trong việc kiếm được công ăn việc làm không?
    • Những người tị nạn và di dân có quyền bình đẳng với những công dân trong một nước không?
    • Tiền lương công bằng là gì?
    • Do các công việc nội trợ, các bà mẹ có quyền được hưởng tiền công của nhà nước không?
    • Ăn trộm nhiều tiền và ăn trộm ít tiền có giống nhau không?
    • Lao động có phải là một món hàng mà bạn có thể đặt giá không?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược [GLYL 504; xem Giáo Lý Công Giáo (GLCG) 2401-2402] cắt nghĩa nội dung của Giới Răn thứ 7 như sau:

    • Tôn trọng quyền chung hưởng của cải vật chất và quyền tư hữu;
    • Tôn trọng những con người và tài sản của họ;
    • Tôn trọng sự vẹn toàn của tạo dựng
    • Cơ sở học thuyết xã hội của Hội Thánh bao gồm
        • Cách hành động đúng đắn trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị;
        • Quyền lợi và nghĩa vụ lao động;
        • Công lý và liên đới giữa các quốc gia, và
        • Tình thương người nghèo.

1. Quyền chung hưởng của cải vật chất và quyền tư hữu

Trong Chương 1 Sáng Thế, tác giả thánh nhiều lần lặp đi lặp lại rằng Thiên Chúa nhìn ngắm công trình Ngài đã làm, và Ngài thấy nó tốt đẹp. Đương nhiên là phải tốt đẹp, vì toàn thể tạo thành bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng Tốt Lành Vô Biên. Không có sự gì tốt lành mà không đến từ Thiên Chúa. Vậy tại sao chúng ta được cảnh báo về những nguy hiểm của thế gian, của những của cải vật chất? Bằng cách nào những sự vật tốt lành này đã trở nên xấu xa?

Sách Sáng Thế 1:26-29 có nói:

26 Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." 27 Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. 28 Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." 29 Thiên Chúa phán: "Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi."

Trong bài trước chúng ta đã thấy Thiên Chúa ban cho con người khả năng tiếp nối công trình tạo dựng của Người (xem St 1:26-29 ở trên). Ngoài khả năng TRUYỀN SINH, Thiên Chúa cũng ban cho con người quyền LÀM CHỦ TOÀN THỂ TẠO VẬT. Ngài cho họ trở thành NHỮNG NGƯỜI CHỦ của toàn thế giới vật chất. Như vậy, hai quyền TRUYỀN SINH và LÀM CHỦ cho thấy chúng ta thực sự được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, vì Người là Tạo Hoá và là Chúa. (Xem điểm 6 Bài 6, cắt nghĩa BỐN CÁCH chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa ).

Chúng ta có thể vạch ra hai đặc tính quan trọng của quyền làm chủ này (x. GLYL 2402-2403).

    1. Đặc tính thứ nhất là tạo vật được Thiên Chúa dựng nên cho MỌI người sử dụng, KHÔNG MỘT AI bị loại trừ khỏi quyền này. Đây là ý của Hội Thánh khi nói QUYỀN CHUNG HƯỞNG CỦA CẢI VẬT CHẤT;
    2. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng của cải vật chất thì có hạn. Vì vậy, nếu của cải vật chất là dành cho mọi người, thì có nghĩa là không một ai có thể tuyên bố mình có quyền đối với một lượng của cải vô hạn khiến những người khác không còn có thể thực thi quyền này nữa. MỖI NGƯỜI đều có QUYỀN sở hữu và quản lý MỘT PHẦN của cải này. Đây được gọi là QUYỀN TƯ HỮU. Nhưng quyền này KHÔNG PHẢI LÀ TUYỆT ĐỐI. Chúng ta phải coi mình như là những NGƯỜI TÔI TỚ sử dụng những của cải vật chất không chỉ cho riêng mình nhưng cả cho những người khác nữa.

Mục đích của quyền tư hữu là gì?

Sách GLYL số 505 (x. GLCG 2404-2406) dạy rằng:

Tài sản riêng có mục đích bảo đảm sự tự do và phẩm giá của các cá nhân, giúp họ thoả mãn những nhu cầu căn bản cho những người mà họ có trách nhiệm, và cho cả những ai đang sống thiếu thốn.

Ðâu là những điều kiện của quyền tư hữu?

Sách GLYL số 504 (x. GLCG 2403) dạy chúng ta:

Người ta có quyền tư hữu với điều kiện là tài sản đó đạt được hay nhận được một cách chính đáng, và việc sử dụng của cải là nhằm thỏa mãn những nhu cầu căn bản của mọi người.

Nếu của cải vật chất là tốt lành, tại sao chúng ta cần có giới răn này?

Yêu tạo vật là điều tốt vì nó giúp chúng ta đạt được mục đích mà Thiên Chúa muốn khi dựng nên chúng ta. Nhưng khi nguyên tổ chúng ta phạm tội, tâm trí họ trở nên mù quáng. Kể từ đó, loài người dễ lầm tưởng các tạo vật là mục đích cuối cùng của mình. Vì thế Thánh Josemaría có lần đã nói (Bài giảng Passionately Loving the World):

Đây là điều cha luôn luôn giảng dạy, bằng cách dùng các lời trong Sách Thánh: thế giới không xấu xa, vì nó đến từ bàn tay Thiên Chúa, vì nó là tạo vật của Ngài, vì Thiên Chúa nhìn đến nó và thấy nó tốt đẹp. Chính loài người chúng ta làm cho nó trở nên xấu xa bằng các tội lỗi và sự bất trung của chúng ta.

Vậy chúng ta phải làm gì? Trong cùng bài giảng trên, Thánh Josemaría cũng nói:

Các con thân mến, không có cách nào khác: hoặc chúng ta học tìm kiếm Chúa trong đời sống hằng ngày, hoặc chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Ngài. Đó là lý do tại sao cha nói rằng thời đại chúng ta cần phải trả lại ý nghĩa cao quí và nguyên thuỷ cho vật chất và cho những sự kiện có vẻ tầm thường của cuộc đời. Cần phải SỬ DỤNG CHÚNG ĐỂ PHỤC VỤ NƯỚC THIÊN CHÚA; cần phải LINH THIÊNG HOÁ CHÚNG, biến chúng thành PHƯƠNG TIỆN VÀ CƠ HỘI ĐỂ LIÊN LỶ GẶP GỠ CHÚA GIÊSU KITÔ.

2. Sử dụng của cải: tiết độ, công bằng và liên đới (bác ái)

Sách GLCG (2407) dạy chúng ta:

Trong lãnh vực kinh tế, việc tôn trọng nhân phẩm đòi chúng ta

    • sống tiết độ, biết tiết chế lòng ham muốn của cải trần gian;
    • sống công bằng, biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của tha nhân; và
    • sống liên đới, theo "quy luật vàng" và theo lòng hào phóng của Chúa. "Người vốn giàu sang phú quý đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có" [2Cr 8:9].

Tiết độ và công bằng là hai trong số bốn nhân đức trụ; tình liên đới bắt nguồn từ đức ái, một trong bốn nhân đức đối thần.

Nhân đức là gì?

Sách GLCG (1803) trích lời Thánh Phaolô:

"Tất cả những gì là chân thật, tất cả những gì là xứng đáng, tất cả những gì là công chính, tất cả những gì là trong sạch, tất cả những gì là đáng mến, tất cả những gì là danh thơm tiếng tốt, và nếu có gì là nhân đức, nếu có gì là đáng khen: đó là tất cả những gì anh em phải chú trọng." [Thư Philípphê 4:8]

Nhân đức là TÍNH TÌNH đã trở thành TẬP QUÁN VỮNG VÀNG để làm được ĐIỀU THIỆN. Nó cho phép con người không những thực hiện những hành vi tốt, mà còn cống hiến CÁI GÌ LÀ TỐT NHẤT của bản thân mình.

NGƯỜI NHÂN ĐỨC hướng tới sự thiện với tất cả sức cảm giác và tinh thần của mình: người đó theo đuổi và chọn sự thiện trong các hành động cụ thể của mình:

"Mục đích của một cuộc đời đạo đức là TRỞ NÊN GIỐNG THIÊN CHÚA." [Th. Grêgôriô Nyssa, De Beatitudinibus, 1: PG 44, 1200D]

Nhân đức luân lý là gì?

Sách GLCG (1804) cũng gọi các nhân đức này là các "nhân đức nhân bản", và định nghĩa chúng như sau:

Các nhân đức nhân bản là những tính tình ổn định, những thái độ vững vàng, những sự toàn hảo đã trở thành tập quán của TRÍ TUỆ và của Ý CHÍ để điều hành các hành vi của ta, chi phối các đam mê của ta và hướng dẫn đời sống ta theo lý trí và đức tin. Các nhân đức này mang đến cho ta sự thoải mái, sức chế ngự và niềm vui để sống cuộc đời luân lý tốt lành. Con người nhân đức là người thực hành điều thiện một cách ung dung tự do.

Các nhân đức luân lý được thủ đắc theo cách loài người: chúng là hoa trái và là mầm mống của những hành vi luân lý tốt. Chúng chuẩn bị cho các tài năng của bản thể con người hiệp thông với tình yêu của Thiên Chúa.

Một mặt, chúng ta cần lưu ý rằng, BẤT CỨ AI cũng có thể phát triển và thủ đắc các nhân đức nhân bản/luân lý. Theo nghĩa này, họ có thể làm chủ các hành động của mình, điều hoà các đam mê, và hướng dẫn hành vi của mình theo LÝ TRÍ NGAY THẲNG.

Tuy nhiên, khi một người đã được RỬA TỘI, ơn ĐỨC TIN giúp soi sáng và hướng dẫn thêm cho họ.

2.1 Đức tiết độ. Đức nghèo khó và thoát dính bén của người Kitô giáo

Đức tiết độ là gì?

Sách GLCG (1809) cắt nghĩa:

Đức tiết độ là nhân đức luân lý

    • Chế ngự sức hấp dẫn của các vui thú
    • Mang lại sự quân bình cho ta trong việc sử dụng của cải trần gian
    • Cho ta làm chủ được ý chí, nghĩa là giúp ý chí làm chủ các bản năng
    • Và cầm hãm các dục vọng trong những giới hạn của sự lương thiện.

Người tiết độ thì qui hướng các thèm muốn giác quan của mình về đường lành, luôn giữ một sự thận trọng lành mạnh và không để mình bị lôi kéo vào những đam mê của lòng mình" [Huấn Ca 5:2; xem 37:27-31].

Đức tiết độ thường được ca tụng trong Cựu Ước: "Ngươi đừng chiều theo các dục vọng, và hãy hãm dẹp các sự thèm muốn" [Hc 18:30]. Trong Tân Ước, nhân đức này có tên gọi là "sự chừng mực" hay "sự điều độ". Chúng ta phải "sống chừng mực, công chính và đạo đức ở đời này" [Titô 2:12].

"Sống tốt lành không là gì khác ngoài sự yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực mình. Người ta dành cho Ngài một tình yêu trọn vẹn (nhờ đức tiết độ), một tình yêu không gì có thể lay chuyển (nhờ đức dũng cảm), một tình yêu chỉ vâng lời một mình Ngài (đó là đức công bằng), và luôn luôn cảnh giác để nhận định mọi sự, kẻo lỡ ra bất ngờ mà mắc mưu hoặc bị lừa dối (và đây là đức khôn ngoan) [Th. Augustinô, De Moribus eccl. 1, 25, 46: PL 32, 1330-1331].

Trong bài trước, chúng ta đã nói về đức khiết tịnh. Từ những gì được mô tả trên đây, ta dễ kết luận rằng đức khiết tịnh nằm trong đức tiết độ.

Nhân đức tiết độ Kitô giáo dẫn chúng ta tới nếp sống THOÁT DÍNH BÉN của cải vật chất và sống NGHÈO KHÓ. Chúng ta có thể hỏi thêm: Người Kitô hữu bình thường có thể sống nếp sống nghèo khó và thoát dính bén của cải bằng cách nào?

a. ĐỨC NGHÈO KHÓ KITÔ GIÁO GIÚP CHÚNG TA LÀM VIỆC CÓ TRÁCH NHIỆM, KHÔNG THAN PHIỀN CHO DÙ CHÚNG TA THIẾU THỐN NHỮNG THỨ CẦN THIẾT. Thánh Josemaría viết (trong Friends of God 119: "Thoát dính bén"):

Vì vậy, với lương tâm chắc chắn, các con hãy cố gắng (nhất là qua lao động) để bảo đảm cho các con hay gia đình các con không phải thiếu điều gì cần để sống một đời sống xứng với phẩm giá người Kitô hữu. Nếu đôi khi các con lâm cảnh nghèo khó, chớ nản lòng hay phản kháng. Tuy nhiên, cha xin các con hãy cố gắng sử ddụng mọi phương thế mình có để vượt qua những hoàn cảnh ấy, vì làm khác đi có nghĩa là các con thử thách sự quan phòng của Thiên Chúa. Nhưng trong khi chiến đấu như thế, hãy nhớ câu omnia in bonum! ('biến mọi sự điều lành'): mọi sự, dù là túng thiếu hay nghèo khó, đều có thể hợp lại để mưu ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa. Các con hãy tập cho có thói quen vui vẻ đối diện với những điều bất tiện hay khó khăn nho nhỏ, chịu đựng nóng lạnh, thiếu những thứ mình cần, không được nghỉ nơi khi mình cần nghỉ, chịu đói, cô đơn, phụ bạc, thiếu trân trọng, thất sủng…

b. NGHÈO KHÓ TRONG TINH THẦN LÀ MỘT THÁI ĐỘ NỘI TÂM HƠN LÀ MỘT SỰ BÀY TỎ BÊN NGOÀI. Gương mẫu của chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống một nếp sống rất bình thường ở Nadarét. Thánh Josemaría nói rằng đức nghèo khó của người Kitô hữu không lôi kéo sự chú ý về với nó. Trong bài giảng "Thoát dính bén" (Friends of God 121), ngài cho chúng ta thấy cách Chúa Giêsu sống đức nghèo khó như thế nào:

Hãy xem Ngài sống của Ngài một cách tự nhiên như thế nào. Trong 30 năm Ngài SỐNG ÂM THẦM như bất cứ người lao động nào, không lôi kéo sự chú ý của người khác về mình, và tại làng quê của Ngài, người ta chỉ biết Ngài là con bác thợ mộc. Cuộc đời công khai của Ngài cũng thế. KHÔNG CÓ GÌ LÀ BẤT THƯỜNG, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KỲ QUẶC HAY LẬP DỊ. Ngài cũng có nhóm bạn bè như bao người đồng bào khác của ngài. KHÔNG CÓ GÌ KHÁC THƯỜNG trong diện mạo của Ngài: đến nỗi Giuđa đã phải trực tiếp làm dấu để chỉ cho người ta biết là Ngài: "Tôi hôn ai, thì chính là người ấy.’ Không có gì CÁ BIỆT nơi Đức Giêsu và cha có thể nói cha rất cảm kích vì qui luật sống này của Chúa chúng ta, Đấng đã trải qua cuộc sống như là một con người bình thường giữa mọi người.

Thánh Gioan Tẩy Giả, người có một ơn gọi đặc biệt, thường mặc áo lông lạc đà và ăn châu chấu. Chúa Cứu Thế mặc một TẤM ÁO CHOÀNG KHÔNG CÓ ĐƯỜNG MAY, ăn và uống giống như bao người khác, vui với người vui, buồn với người buồn, và không từ chối nơi ăn chốn nghỉ mà các bạn bè cung cấp cho Ngài. Ngài không giấu diếm việc Ngài phải kiếm kế sinh nhai trong nhiều năm trời bên cạnh bác thợ mộc Giuse. Đây là cách chúng ta phải xử sự ở đời này: giống như Chúa Giêsu đã làm. Cha có thể tóm tắt những lời khuyên một cách rất vắn tắt như sau: chúng ta phải sống với TRANG PHỤC SẠCH SẼ, với BỘ DẠNG SẠCH SẼ, và quan trọng nhất là, với một LINH HỒN SẠCH SẼ.

Cũng nên lưu ý rằng, trong khi Chúa giảng dạy một nếp sống thoát dính bén những của cải trần gian như thế, Ngài đồng thời cũng nói rất nhiều về việc KHÔNG HOANG PHÍ của cải trần gian. Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều để làm dịu cơn đói của hơn 5 ngàn người, "Ngài nói với các môn đệ, ‘Các con hãy thu lại những miếng vụn kẻo phí.’" Vì vậy họ đã thu lại được 5 thúng những miếng bánh vụn. Nếu suy nghĩ kỹ trên toàn thể cảnh này, chúng ta sẽ không bao giờ sống keo kiệt hay bần tiện, nhưng sẽ sống như những người quản lý khôn ngoan trong việc sử dụng mọi tài năng và nguồn lực vật chất mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

c. SỰ THOÁT DÍNH BÉN KHIẾN CHÚNG TA KHÔNG BỊA ĐẶT HAY TẠO RA NHU CẦU CHO MÌNH. Trong cùng bài giảng trên ("Thoát dính bén", trong Friends of God 125), Thánh Josemaría nói:

… Chúng ta sẽ không nguỵ tạo ra những vấn đề và những nhu cầu tinh vi mà xét cho cùng chỉ là vì phô trương, hợm hĩnh, yêu tiện nghi và lười biếng. Chúng ta phải tiến đến cùng Thiên Chúa với bước chạy nhanh, không mang theo những gánh nặng hay những vật cản trở bước tiến của chúng ta. Vì tinh thần nghèo khó không hệ tại việc không có gì cả, mà hệ tại việc thực sự không vương vấn những gì chúng ta có, chúng ta phải tỉnh táo để không bị trí tưởng tượng đánh lừa làm chúng ta nghĩ mình không thể sống nếu không có những vật nào đó. Như Thánh Augustinô diễn tả: "Hãy tìm kiếm những gì vừa đủ, tìm kiếm những gì tối cần, đừng ham muốn gì hơn. Những gì vượt quá cái vừa đủ thì tạo ra lo lắng chứ không phải sự nhẹ nhõm: nó sẽ làm con trĩu nặng chứ không nâng con lên."

d. SỰ THOÁT DÍNH BÉN VÀ TINH THẦN NGHÈO KHÓ KHIẾN CHÚNG TA QUẢNG ĐẠI VỚI NGƯỜI KHÁC. Thánh Josémaría cũng nói ("Thoát dính bén", trong Friends of God 126):

Thoát dính bén thực sự khiến chúng ta trở nên RẤT QUẢNG ĐẠI với Thiên Chúa và với đồng loại. Nó làm chúng ta hoạt động dồi dào và sẵn sàng tiêu hao bản thân mình để giúp những người túng thiếu. Người Kitô hữu không thể bằng lòng với một công việc chỉ đủ cho họ và gia đình họ. Họ phải có quả tim rộng lớn đủ để giúp đỡ người khác vừa vì bác ái vừa vì công bằng.

2.2 Công bằng

Sách GLCG (số 2411) phân biệt rõ các loại công bằng sau đây:

    1. CÔNG BẰNG GIAO HOÁN. Các hợp đồng phải tuân theo công bằng giao hoán quy định những sự trao đổi giữa các cá nhân và giữa các tổ chức trong sự tôn trọng đúng mức các quyền lợi của nhau. Công bằng giao hoán phải được triệt để tôn trọng, vì nó buộc con người bảo toàn các quyền tư hữu, hoàn trả nợ nần và tuân giữ các nghĩa vụ đã tự do giao kết. Không có công bằng giao hoán thì không thể có một hình thức công bằng nào khác.
    2. CÔNG BẰNG PHÁP LÝ. Công bằng pháp lý quy định những bổn phận công bình của ngưòi công dân đối với cộng đồng.
    3. CÔNG BẰNG PHÂN PHỐI. Công bằng phân phối qui định việc cộng đồng phải thực hiện cho người công dân tương xứng với những đóng góp và những nhu cầu của họ.

Thánh Josemaría nói ("Open to God and Men", trong Friends of God 169):

Nhân đức công bằng Kitô giáo thì tham vọng hơn. Nó đòi buộc chúng ta chứng tỏ mình có lòng biết ơn, thân thiện và quảng đại. Nó khuyến khích chúng ta hành động như những người bạn trung thành và đáng kính, trong những hoàn cảnh khó khăn cũng như thuận lợi; vâng phục luật pháp và tôn trọng quyền bính hợp pháp; vui vẻ sửa chữa khi biết mình đã sai lầm khi giải quyết một vấn đề nào đó. Trên hết, nếu sống công bằng, chúng ta sẽ chu toàn các nghĩa vụ nghề nghiệp, gia đình và xã hội mà không tỏ ra phô trương ngạo mạn, làm việc chăm chỉ và thi hành các quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình.

Cha không tin vào sự công bằng của những kẻ lười biếng, vì… họ thất bại, đôi khi nghiêm trọng, trong chính nguyên tắc công bằng nhất là lao động. Chúng ta không được quên rằng Thiên Chúa tạo dựng con người để họ lao động, và những người khác (gia đình và tổ quốc chúng ta, toàn thể loài người) cũng lệ thuộc hiệu quả sức lao động của chúng ta. Các con thân mến, những ai cho rằng công bằng chỉ là tái phân phối các của cải vật chất, ý tưởng về công bằng của họ nghèo nàn biết bao!

2.3 Tình liên đới

Sách GLCG (số 1939) cắt nghĩa:

Nguyên tắc về tình liên đới, còn gọi là "tình thân hữu" hay "bác ái xã hội", là một đòi hỏi xuất phát trực tiếp từ tình huynh đệ nhân bản và Ki-tô giáo (x. Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis 38-40; Centesimus Annus 10).

Tình liên đới là một hậu quả của đức ái, tình yêu và sự quan tâm huynh đệ. Thánh Josemaría cũng nói ("Open to God and Men", trong Friends of God 172-173):

Hãy xác tín rằng chỉ có công bằng mà thôi thì không bao giờ đủ để giải quyết những vấn đề lớn của loài người. Khi chỉ thực thi công bằng, chớ ngạc nhiên nếu người ta bị tổn thương. Phẩm giá của con người là con cái Thiên Chúa đòi hỏi nhiều hơn thế. Bác ái phải thấm nhuần và đi đôi với công bằng, vì nó làm cho mọi sự trở nên ngọt ngào và linh thiêng: "Thiên Chúa là tình yêu". Mọi sự chúng ta làm phải xuất phát từ động lực là Tình Yêu Thiên Chúa, nó giúp chúng ta dễ dàng yêu thương đồng loại hơn; nó thanh tẩy và nâng mọi tình yêu trần thế lên một mức cao hơn.

Từ những đòi hỏi của công bằng nghiêm ngặt đi tới sự dồi dào của lòng bác ái là cả một con đường dài. Và không có nhiều người đi tới cùng con đường này. Một số bằng lòng khi đi đến ngưỡng cửa của nó: họ gạt đức công bằng sang một bên và giới hạn các hành động của họ vào một chút công việc từ thiện mà họ gọi là việc bác ái, mà không biết rằng họ đang chỉ làm một phần rất nhỏ những gì mà trên thực tế họ có bổn phận phải làm. Họ bằng lòng với chính mình giống như người Pharisêu nghĩ ông ta đã chu toàn lề luật vì ông ăn chay hai lần mỗi tuần và bố thí một phần mười tài sản của ông.

Giống như một sự tuôn trào đức công bằng, bác ái trước tiên đòi hỏi phải chu toàn bổn phận mình. Cách để bắt đầu là sống công bằng; bước tiếp theo là làm những gì công bằng nhất..; nhưng để yêu mến, cần có một sự tinh tế lớn hơn, và cần rất nhiều sự ý tứ, tôn trọng, tử tế. Nói khác đi, đó là đi theo lời dạy của Thánh Tông Đồ: "Hãy mang lấy gánh nặng của nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô". Chỉ khi ấy chúng ta mới thực sự sống đức bác ái đầy đủ và chu toàn giới luật của Chúa Giêsu.

2.4 Công bằng và tình liên đới giữa các quốc gia

Sách GLYL (518; x. GLCG 2437-2441) dạy:

Trên bình diện quốc tế, tất cả các quốc gia và các cơ chế phải hoạt động trong tình liên đới và nguyên tắc hỗ trợ, nhằm mục đích loại bỏ hay ít là giảm thiểu sự khốn cùng, sự bất bình đẳng về tài nguyên và các phương tiện kinh tế, các bất công kinh tế và xã hội, việc bóc lột con người, sự gia tăng mức nợ của các nước nghèo, những chủ thuyết máy móc bất nhân gây chướng ngại cho sự phát triển của các quốc gia chậm tiến.

2.5 Yêu thương người nghèo

Về tình thương đối với người nghèo, sách GLYL (520; x. GLCG 2443-2449; 2462-2463) dạy:

Tình yêu đối với người nghèo dựa trên nền tảng Tin Mừng của các Mối phúc và theo gương của Chúa Giêsu, Ðấng luôn quan tâm đến người nghèo. Chúa Giêsu đã nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy" (Mt 25:40). Tình yêu đối với kẻ nghèo thể hiện qua việc dấn thân chống lại sự nghèo khổ về vật chất và rất nhiều hình thức nghèo đói về văn hoá, luân lý và tôn giáo. Các việc bác ái, tinh thần hay vật chất, và nhiều tổ chức từ thiện đã xuất hiện trải qua bao thế kỷ, là một chứng từ cụ thể về tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, là nét đặc trưng của các môn đệ Chúa Giêsu.

3. Những điểm cụ thể: tôn trọng của cải người khác và tính toàn vẹn của tạo vật

3.1 Giới răn thứ 7 dạy làm điều gì

Các số 2401, 2412, 2415-2418 của sách GLCG liệt kê những trách nhiệm người Kitô hữu phải làm theo giới luật này.

    • Phải giữ công bằng và bác ái trong việc quản lý những của cải trần thế và thành quả lao động của con người.
    • Tôn trọng quyền chung hưởng các của cải trần thế và quyền tư hữu. Người Ki-tô hữu cố gắng.
    • Sử dụng mọi của cải trần thế để phụng sự Thiên Chúa và thực thi bác ái huynh đệ. (2401)
    • Giữ lời hứa, và thực hiện đầy đủ các) hợp đồng đã cam kết trong mức độ công bằng và hợp lý.
    • Phải đền bù điều bất công đã làm bằng cách hoàn lại của cải đã lấy cắp cho sở hữu chủ:
    • Ðức Giê-su khen Da-kêu vì lời hứa của ông: "Nếu tôi đã lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn" (Lc 19,8). Những ai đã trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt tài sản tha nhân, buộc phải HOÀN LẠI, hoặc nếu đồ vật đó không còn nữa, phải TRẢ LẠI bằng hiện vật hay tiền mặt TƯƠNG ĐƯƠNG, kèm theo TIỀN LỜI VÀ CÁC LỢI LỘC KHÁC mà sở hữu chủ của nó đã có thể hưởng được cách chính đáng.
    • TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ THAM GIA vào việc trộm cắp một cách nào đó, hoặc đã thừa hưởng mà biết rõ là của phi pháp, đều phải hoàn trả cân xứng theo trách nhiệm và lợi lộc đã hưởng, ví dụ những người đã truyền lệnh hoặc giúp đỡ, hoặc tàng trữ, che giấu. (2410)
    • Phải tôn trọng sự toàn vẹn của tạo vật. (2415)

3.2 Giới răn này cấm làm điều gì

Sách GLYL (508; xem 2408-2413, 2415-2418, 2453-2455) liệt kê những hành vi chống lại giới luật này.

    • Trộm cắp (đó là việc chiếm đoạt hay sử dụng tài sản người khác trái với ý muốn hợp lý của họ). Nếu có thể đoán trước được sự ưng thuận của chủ hoặc sự khước từ của họ nghịch với lẽ phải và với quyền chung hưởng của cải trần thế thì việc chiếm hữu tài sản không còn là tội ăn cắp. Như thế, trong trường hợp khẩn cấp và rõ ràng, và không còn cách nào để đáp ứng cho các nhu cầu cấp thời và thiết yếu (thức ăn, chỗ ở, áo quần...), thì được quyền sử dụng tài sản tha nhân [x. Gaudium et Spes 69 #1].
    • Tội trộm cắp có thể có nhiều hình thức khác nhau:
        • giữ lại của người ta cho mình mượn, hay của người ta bị mất;
        • gian lận trong mua bán;
        • trả công thiếu công bằng;
        • nâng giá để lừa người không biết, hoặc khi người ta gặp cảnh quẫn bách;
        • đầu cơ để thay đổi giá cả cách giả tạo nhằm thủ lợi và làm thiệt hại người khác;
        • hối lộ;
        • chiếm đoạt hoặc sử dụng riêng cho mình những tài sản của xã hội hoặc của xí nghiệp;
        • làm ăn cẩu thả gây hư hại cho người thuê mình;
        • gian lận thuế;
        • giả mạo các hoá đơn hoặc các chi phiếu;
        • cố ý gây thiệt hại cho tài sản tư hoặc công;
        • cho vay nặng lãi;
        • tiêu xài quá mức và hoang phí.
    • Nô lệ hoá con người (gồm cả các tạo vật và các bào thai người)
    • Hành hạ thú vật hoặc giết hại chúng một cách vô lý (trái với phẩm giá CON NGƯỜI)
    • Chi tiêu cho loài vật những món tiền đáng lẽ phải ưu tiên dành để làm nhẹ nỗi khổ cực của loài người. Có thể yêu loài vật; nhưng không được dành cho chúng sự âu yếm chỉ dành riêng cho con người.

4. Học thuyết xã hội của Hội Thánh

4.1 Hội Thánh dạy gì về các vấn đề xã hội

Học thuyết xã hội của Hội Thánh là gì?

Sách GLYL 509 (x. GLCG 2419-2423) cắt nghĩa:

Học thuyết xã hội của Hội Thánh là sự khai triển có hệ thống các chân lý của Tin Mừng về phẩm giá con nguời và chiều kích xã hội của con nguời, [1] đề ra những nguyên tắc để SUY TƯ, [2] qui định những tiêu chuẩn để PHÁN ĐOÁN, và [3] trình bày những qui luật và định huớng để HÀNH ĐỘNG.

Khi nào Hội thánh can thiệp vào lãnh vực xã hội?

Sách GLYL (510; x. GLCG 2420, 2458) nói:

Hội thánh can thiệp khi [1] các QUYỀN CĂN BẢN của con người, [2] THIỆN ÍCH CHUNG, hoặc [3] PHẦN RỖI CÁC LINH HỒN đòi hỏi. Hội thánh can thiệp bằng việc đưa ra một phán đoán luân lý trong lãnh vực kinh tế và xã hội.

Ðời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện như thế nào?

Sách GLYL (511; x. GLCG 2459) dạy:

Ðời sống kinh tế và xã hội phải được thực hiện theo những phương pháp riêng của nó, trong vòng trật tự luân lý, để phục vụ con người trong sự toàn vẹn của họ và phục vụ toàn thể cộng đồng nhân loại, trong sự tôn trọng công bằng xã hội. Ðời sống kinh tế và xã hội phải lấy CON NGƯỜI làm ĐỐI TƯỢNG, TRUNG TÂM và CÙNG ĐÍCH của nó.

Ðiều gì đi nguợc với học thuyết xã hội của Hội Thánh?

Sách GLYL (512; x. GLCG 2424-2425) dạy:

Ði ngược với học thuyết xã hội của Hội Thánh là các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người, hay coi lợi nhuận là quy luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của chúng.

    1. Do đó, Hội Thánh phi bác các ý thức hệ trong thời đại mới dưới hình thức "chủ nghĩa cộng sản", hay dưới những hình thức vô thần và độc tài của "chủ nghĩa xã hội".
    2. Ngoài ra, trong việc thực hành của "chủ nghĩa tư bản", Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và quan niệm coi luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con người.

4.2 Lao động

Lao động có ý nghĩa gì đối với con người?

Sách GLYL (số 513; x. GLCG 2426-2428, 2460-2461) dạy:

Ðối với con người, lao động vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, nhờ đó con người cộng tác với Thiên Chúa là Ðấng Sáng Tạo. Thật vậy, bằng lao động cách cẩn trọng và tinh thông, con người phát huy những khả năng đã được ghi khắc trong bản tính của mình, biểu lộ những hồng ân của Ðấng Sáng Tạo và những tài năng mà họ đã lãnh nhận; thỏa mãn những nhu cầu của bản thân và những người thân cận; cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại. Ngoài ra, với ân sủng của Thiên Chúa, lao động có thể là một phương tiện để thánh hóa và cộng tác với Ðức Kitô để cứu độ những người khác.

Một phương thế để NÊN THÁNH và TRỞ NÊN TÔNG ĐỒ: đây là điều Thánh Josemaría dạy về công việc hằng ngày, về đời sống gia đình và xã hội. Ngài viết ("Sự cao cả của đời sống hằng ngày" trong Friends of God 7&9):

Sự thánh thiện mà Chúa đòi hỏi nơi các con được thực hiện bằng cách lao động và chu toàn bổn phận hằng ngày vì lòng mến Chúa. Đó là những công việc hầu như luôn luôn hệ tại những điều nhỏ bé… theo lời Thánh Gioan Thánh Giá, "nơi nào thiếu tình thương, hãy đặt yêu thương vào đó và con sẽ tìm được tình thương"; và chúng ta phải làm điều này cả trong những hoàn cảnh có vẻ như khô khan trong công việc nghề nghiệp hay trong đời sống gia đình và xã hội. Vì vậy các con và cha phải cố gắng sử dụng cả những cơ hội nhỏ nhặt nhất mà chúng ta gặp, để thánh hoá chúng, thánh hoá bản thân chúng ta, và thánh hoá những người cùng chia sẻ với chúng ta những sự chăm sóc hằng ngày, bằng cách cảm nhận nơi đời sống chúng ta gánh nặng dịu ngọt và hứng khởi của công việc đồng công cứu chuộc.

Ngài cắt nghĩa cho chúng ta rõ bằng cách nào công việc hằng ngày, đời sống gia đình và xã hội trở thành phương tiện để giúp các linh hồn khác lên Thiên Đàng ("Thoát dính bén", trong Friends of God 211):

Hãy làm điều thiện và luôn luôn xét lại các thái độ căn bản của các con đối với công việc các con làm hằng ngày. Hãy thực hành nhân đức công bằng, ngay tại nơi các con đang sống, trong khung cảnh bình thường của các con, mặc dù cuối cùng các con sẽ phải mệt mỏi rã rời. Hãy nuôi dưỡng hạnh phúc giữa những người chung quanh các con, bằng cách phục vụ những người các con cùng làm việc và cố gắng làm công việc của mình hoàn hảo bao có thể, bộc lộ sự thông cảm, tươi cười, có thái độ Kitô giáo đối với đời sống. Và hãy làm mọi việc vì Thiên Chúa, nghĩ đến vinh quang của Người, hướng mắt nhìn lên cao và khao khát quê hương trên trời, vì không có mục tiêu nào khác đáng giá hơn.

Ngài nói thêm ("Để mọi người được cứu rỗi", trong Friends of God 264):

Mối quan tâm tông đồ cháy bỏng trong tim người Kitô hữu bình thường không phải là cái gì tách rời khỏi công việc hằng ngày của họ. Nó là một phần của công việc của họ, và trở thành một nguồn tạo ra các cơ hội để gặp Đức Kitô. Khi chúng ta làm công việc mình bên cạnh những người đồng nghiệp, bạn bè và những người thân thích, và chia sẻ các mối quan tâm của họ, chúng ta có thể giúp họ đến gần Đức Kitô hơn, Ngài đứng đợi chúng ta trên bờ. Trước khi trở thành tông đồ, chúng ta là những ngư phủ. Sau khi trở thành tông đồ, chúng ta vẫn là những ngư phủ. Trước và sau vẫn là cùng một nghề.

Mọi người được quyền gì về lao động?

Sách GLYL (số 514; x. GLCG 2429, 2433-2434) nói:

Mọi người đều được quyền có một việc làm ổn định và lương thiện, không bị kỳ thị bất công, được quyền tự do chọn lựa về mặt kinh tế và được quyền hưởng đồng lương công bằng.

Nhà Nước có trách nhiệm gì về lao động?

Sách GLYL (số 515; x. GLCG 2431) dạy:

    1. Nhà Nước có trách nhiệm bảo đảm sự tự do cá nhân và quyền tư hữu, cũng như giá trị tiền tệ ổn định và những việc phục vụ xã hội có hiệu quả.
    2. Phải trông coi và hướng dẫn việc thực thi các quyền con người trong lãnh vực kinh tế.
    3. Tuỳ theo hoàn cảnh, xã hội phải trợ giúp các công dân tìm được việc làm.

Những người lãnh đạo xí nghiệp có trách nhiệm gì?

Sách GLYL (số 516; x. GLCG 2432) khẳng định:

Những người lãnh đạo xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về hiệu quả KINH TẾ và MÔI SINH do các công việc của họ. Họ phải chú tâm đến THIỆN ÍCH CỦA CON NGƯỜI chứ không chỉ nhắm tăng lợi nhuận, mặc dầu lợi nhuận cũng cần thiết để bảo đảm các cuộc đầu tư, tương lai của xí nghiệp, việc làm, và sự phát triển tốt đẹp của đời sống kinh tế.

Người lao động có trách nhiệm gì?

Sách GLYL (số 517; x. GLCG 2435) dạy:

Họ phải chu toàn các công việc của mình một cách có lương tâm, thành thạo và nhiệt tình, tìm cách giải quyết các tranh chấp bằng đối thoại. Việc sử dụng ĐÌNH CÔNG BẤT BẠO ĐỘNG là hợp pháp về mặt luân lý khi đó là một phương cách cần thiết để đạt được QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG, nhưng phải nhắm đến CÔNG ÍCH.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 503-520.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2401-2463.

Websites

v. 2011-08-06

Peter Thuan