Thần tính của Đức Kitô

(Peter Kreeft, The Divinity of Christ)

Giáo lý về thần tính của Đức Kitô là trung tâm giáo lý Kitô giáo, vì nó giống như chiếc chìa khóa vạn năng khai mở tất cả những đỉều khác. Người Kitô hữu không suy luận một cách độc lập và thử nghiệm từng giáo huấn của Đức Kitô mà họ nhận được qua Kinh Thánh và Hội Thánh, nhưng tin tất cả những điều này bởi quyền năng của Đức Kitô. Vì nếu Đức Kitô là đấng thánh, Ngài phải được tin tưởng là Ngài không hề sai lầm trong mọi điều Ngài đã phán, ngay cả những vấn đề khó hiểu như việc đề cao sự đau khổ và tính khó nghèo, việc ngăn cấm ly dị, việc trao cho Hội thánh của Ngài quyền giảng dạy và tha thứ tội lỗi nhân danh Ngài, việc khuyến cáo về hỏa ngục (rất thường xuyên và rất nghiêm túc), việc thiết lập bí tích gây sốc là ăn thịt của Ngài – chúng ta thường hay quên bao nhiêu điều “khó nghe” mà Ngài đã giảng dạy!

Khi những nhà truyền giảng Kitô giáo đầu tiên bắt đầu trình bày về đức tin mà họ có cho những người chưa tin, thì giáo lý này về thần tính của Đức Kitô đương nhiên bị công kích, bởi vì nó hầu như không thể tin được đối với dân ngoại cũng như nó gây sốc đối với người Do Thái. Cái điều mà một con người sinh ra bởi phụ nữ, chết treo trên thập tự, một con người cũng từng mệt nhọc, đói lòng, xúc động, khóc lóc trước mộ bạn hữu, một con người mà móng tay cũng cáu bẩn lại là Thiên Chúa thì đúng là một ý tưởng nghe rất điên rồ, không thể tin nổi, gây kinh dị nhất đã từng thâm nhập vào đầu óc con người trong lịch sử nhân loại.

Luận cứ mà những nhà truyền giảng đầu tiên đã từng dùng để bảo vệ giáo lý này mà nhìn bề ngoài thì chẳng thể nào bảo vệ được, đã trở nên một luận cứ kinh điển. C.S. Lewis cũng thường sử dụng luận cứ này, thí dụ như trong Mere Christianity, tác phẩm đã thuyết phục được Chuck Colson (và hàng ngàn người khác). Tôi đã từng một lần dành cả nửa cuốn sách (between Heaven and Hell) chỉ để trình bày luận cứ này. Đó là luận cứ quan trọng nhất trong việc truyền giảng Kitô giáo, vì một khi một người chưa tin chấp nhận kết luận của luận cứ này (rằng đức Kitô là Đấng Thánh), thì mọi vấn đề khác về đức tin sẽ đi theo, không chỉ về mặt trí tuệ (tất cả giáo huấn của Đức Kitô đều phải là chân lý) mà còn là về bản thân (nếu Đức Kitô là Thiên Chúa, thì ngài cũng là chúa tể và là đấng cứu độ của bạn).

Luận cứ này, cũng giống như tất cả những luận cứ gây ấn tượng sâu sắc khác, rất đơn giản: Đức Kitô chỉ có thể hoặc là Thiên Chúa hoặc là một người xấu.

Những người chưa tin hầu như luôn nói rằng ngài là một người tốt, không phải người xấu, rằng ngài là một nhà giảng huấn đạo đức vĩ đại, một hiền nhân uyên bác, một triết gia, một nhà luân lý đạo đức học, một vị tiên tri, không phải là một tội phạm, không phải là một người đáng bị đóng đinh. Tuy nhiên, một thiện nhân ắt hẳn không thể là hính ảnh rập theo lương tri thông thường và luận lý đơn giản. Bởi vì ngài đã khẳng định ngài là Thiên Chúa. Ngài phán: “ Trước khi có Abraham, tôi hiện hữu”, như vậy Đức Kitô đã nói một lời mà không một người Do Thái nào dám nói bởi vì lời đó là danh thánh riêng của Thiên Chúa, do chính Thiên Chúa mạc khải cho Môi Sen lúc ở bên bụi gai đang cháy. Đức Giêsu muốn mọi người tin rằng Ngài là Thiên Chúa. Ngài muốn mọi người phụng thờ Ngài. Ngài khẳng định quyền tha mọi tội lỗi cho mọi người (Ai có thể làm điều đó ngoài Thiên Chúa, Đấng bị xúc phạm bởi mọi tội lỗi?)

Ngày nay, nếu có một người đi khắp nơi tuyên bố những điều như vậy, chúng ta nghĩ gì về người ấy? Chắc chắn người đó không thể là một người tốt hay một hiền nhân thông tuệ. Chỉ có thể có một trong hai khả năng: hoặc là người đó nói thật hoặc là không. Nếu người đó nói thật, thì đó chính là Thiên Chúa và trường hợp này, đến đây là xong. Chúng ta phải tin và phụng thờ Ngài. Nếu người đó không nói thật, ông ta chỉ là con người, không phải là Thiên Chúa. Nhưng một người trần tục mà lại muốn chúng ta phụng thờ ông ta như Thiên Chúa thì ông ta không thể là một người tốt. Ông ta là một người cực kỳ xấu xa, hoặc là về đạo đức, hoặc là về trí tuệ. Nếu ông ta biết rằng mình chẳng phải là Thiên Chúa thì ông ta cực kỳ bất lương, một kẻ dối trá có chủ tâm lừa gạt dẫn các bạn đến việc báng bổ Thiên Chúa. Nếu người đó không biết rằng mình không phải là Thiên Chúa, nhưng trong lòng lại thực nghĩ mình là Thiên Chúa thì ông ta thực sự mất trí, điên loạn.

Mức độ điên loạn của bạn tỉ lệ thuận với khoảng cách giữa việc bạn nghĩ mình là gì so với thực tế bạn là gì. Nếu tôi nghĩ tôi là một triết gia vĩ đại của Hoa Kỳ, tôi chỉ là một kẻ ngu xuẩn ngạo mạn. Nếu tôi nghĩ mình là Nã Phá Luân, có lẽ tôi đang sống trong những gian nguy và liều lĩnh; nếu tôi nghĩ mình là một con bướm thì tôi thực sự điên loạn, Nhưng nếu tôi nghĩ mình là Thiên Chúa tình trạng của tôi còn cực kỳ tồi tệ hơn điên loạn vì khoảng cách giữa cái hữu hạn và cái vô hạn của Thiên Chúa thì vô cùng to lớn so với khoảng cách giữa 2 cái hữu hạn, ngay cả so với khoảng cách giữa con người và con bướm.

Josh McDowell tóm tắt luận cứ này một cách đơn giản và dễ nhớ trong một tam đề “Chúa, kẻ dối trá hay người điên rồ?” Những điều này chỉ là những chọn lựa. Vậy tại sao lại không là kẻ dối trá hay người điên rồ? Nhưng hầu như không có ai trong số những người đã đọc Tin Mừng lại thành thật và nghiêm túc xem xét chọn lựa này. Sự hiểu biết, sự thận trọng, từng trải, sự thông thái khôn ngoan, sức thu hút nơi Đức Kitô nổi trội trong Tin Mừng có sức thuyết phục không thể cưỡng lại được với bất cứ ai trừ những kẻ cứng lòng và đầy thành kiến nhất. Hãy so sánh Đức Giê-Su với những kẻ dối trá như Reverend Sun Myung Moon hay những người điên rồ như Nietzsche lúc hấp hối. Một cách phong phú, chính xác, Đức Giê-Su có đầy đủ 3 phẩm chất mà những kẻ dối trá hay điên rồ hiển nhiên không thể nào có được:

    1. Sự thông thái khôn ngoan có óc thực tế của Ngài, khả năng đọc được nội tâm con người, hiểu người và hiểu ý đồ thật sự đằng sau lời nói của kẻ khác của Ngài, khả năng chữa lành cơ thể cũng như tâm linh người ta của Ngài;
    2. Tình yêu sâu thẳm và mãnh liệt của Ngài, lòng thương cảm thiết tha của Ngài, khả năng lôi cuốn, thu hút con người và làm cho họ cảm thấy được bình an và được tha thứ của Ngài, uy lực của Ngài “không như các luật sĩ”; và trên tất cả.
    3. Khả năng gây ngạc nhiên, làm người khác không thể đoán trước được, tính sáng tạo của Ngài. Tất cả những kẻ dối trá và điên rồ đều đần độn, tẻ ngắt và đoán trước được! Những người hiểu biết cả Tin Mừng và con người, không ai có thể nghiêm túc cho rằng Đức Kitô là kẻ dối trá, điên rồ, là một người xấu xa.

Không, người chưa tin hầu như luôn tin rằng Đức Kitô là một người tốt, một vị tiên tri, một hiền nhân thông tuệ.Vậy nếu Ngài là một hiền nhân, bạn có thể tin tưởng ở Ngài và tin vào những điều trọng yếu Ngài đã nói. Và điều trọng yếu Ngài nói đó là Ngài là Đấng Thánh Cứu Độ trần gian và bạn phải đến với Ngài để được cứu rỗi. Nếu Ngài là bậc hiền nhân thông tuệ bạn phải chấp nhận giáo huấn trọng yếu của Ngài là sự thật. Nếu giáo huấn của Ngài là sai trái thì Ngài chẳng phải là bậc hiền nhân thông tuệ.

Sức mạnh của luận cứ này không chỉ là một luận cứ hợp lý về những quan niệm hay khái niệm. Nó liên quan tới Đức Giê-Su. Nó mời gọi mọi người đọc Tin Mừng để biết về đấng này. Tiên đề của luận cứ này là bản tính của Đức Giê-Su, nhân tính của Đức Giê-Su. Luận cứ này đặt chân trên mặt đất, nhưng nó đưa bạn đến trời cao, tựa như thang Gia-Cóp (mà Đức Giê-Su nói đã nghiệm về Ngài: Sáng thế Ký 28:12; Gioan 1:51). Từng thang bậc nối theo nhau và giữ chặt với nhau. Luận cứ này kín kẽ, chặt chẽ một cách hợp lý, không một chút sơ hở.

Vậy, người ta nói gì khi đối mặt với luận cứ này? Thường họ chỉ thú nhận định kiến của họ:” Ồ, tôi chỉ không tin như vậy” (Nhưng nếu luận cứ này được chứng minh là sự thật, bạn phải tin nó nếu bạn thực sự tìm kiếm sự thật)

Đôi khi, họ bỏ đi, tương tự như nhiều người đương thời với Đức Giê-Su, kinh ngạc, lắc đầu và nghĩ ngợi. Đây có lẽ là kết qủa tốt nhất mà bạn có thể kỳ vọng. Đất đã được cày và bừa. Hạt giống đã được gieo. Thiên Chúa sẽ làm cho lớn lên.

Nhưng nếu họ biết một hệ thống thần học hiện đại nào đó, họ có một trong hai lối thoát. Thần học có một lối thoát; tri giác thông thường thì không có. Tri giác thông thường dễ thay đổi. Chính các thần học gia, từ xưa đến nay là những người khó thay đổi nhất.

Lối thoát thứ nhất là tấn công vào các vị ‘học giả’ của Kinh Thánh về độ tin cậy mang tính lịch sử của Tin Mừng. Có lẽ Đức Giê-Su chưa bao giờ khẳng định về thần tính của Ngài. Có lẽ tất cả những đoạn văn gây lúng túng, trở ngại là những bịa đặt của Giáo hội sơ khai (gọi là cộng đồng Kitô hữu – dễ nghe hơn).

Trong trường hợp này, ai là người đã tạo ra giáo lý Kitô giáo đầy truyền thống nếu không phải là Đức Kitô? Một sự dối trá cũng giống như một sự thật, phải khởi nguồn từ một nơi nào đó. Ông Phê-Rô? Nhóm mười hai? Thế hệ kế tiếp? Động cơ nào khiến bất cứ ai là người đầu tiên đó đã hư cấu nên chuyện hoang đường (lối nói trại ra của sự dối trá) này? Điều gì khiến họ tạo ra một trò lừa bịp báng bổ Thiên Chúa rất tinh vi và đầy công phu như thế này? Bởi vì đây phải là một sự dối trá có chủ tâm, có cân nhắc, không thể là một sự nhầm lẫn vô tình. Không một người Do Thái nào lầm lẫn giữa Đấng Tạo Hóa và loài thụ tạo, giữa Thiên Chúa với con người. Và không một ai lại lầm lẫn giữa một người chết với đấng phục sinh, đang sống.

Đây là những gì họ nhận được từ trò chơi xỏ, bịa đặt do họ dựng nên. Bạn hữu và gia đình của họ chối bỏ khinh miệt họ. Vị trí xã hội, sản nghiệp và các đặc quyền chính trị của họ bị cả người Do Thái và người La Mã lấy mất. Họ bị bách hại, bị cầm tù, bị đánh dòn, bị tra tấn, bị đày ải, bị đóng đinh, bị sư tử ăn thịt và bị phanh thây bởi các võ sĩ giác đấu. Vậy, một số người Do Thái xuẩn ngốc đã bịa đặt cả một sự dối trá không thể tin được, tỉ mỉ, công phu về giáo lý Kitô giáo hoàn toàn không vì lý do nào cả, và hàng triệu dân ngoại đã tin theo, hiến dâng cả cuộc sống của họ cho nó và chết cho nó – chẳng vì lý do nào cả. Chỉ là một trò chơi xỏ cho vui kỳ quái dị thường, một trò lừa bịp. Vâng, quả thực có một trò lừa bịp, nhưng những thủ phạm gây ra điều này là những nhà thần học thế kỷ hai mươi, không phải là những tác giả Tin Mừng.

Lối thoát thứ hai (hãy chú ý rằng chúng ta hăm hở ra sao để vặn vẹo thoát khỏi cánh tay Thiên Chúa như một con heo được bôi mỡ trơn khắp người vặn vẹo) là Đông phương hóa Đức Giê-Su để đưa ra lời giải thích về ngài không phải là đấng vừa là Thiên Chúa vừa là người đơn nhất, nhưng xem ngài như một trong số những nhà thần bí hay những “nhà luyện đan”, là những người nhận ra thần tính nội tại của chính mình, giống như một người thần bí Ấn giáo điển hình. Thuyết này làm mất đi sức mạnh của lời khẳng định về thần tính của ngài, vì ngài hiểu rằng mọi người đều có thần tính.Vấn đề của thuyết này đơn giản là Đức Giê-Su không phải là người Ấn giáo mà là người Do Thái! Khi ngài nói “Thiên Chúa” thì cả ngài lẫn những kẻ nghe ngài nói đều không có ý nói về Brahman, một vị phiếm thần, không ngôi vị, nội tại trong tất cả; ngài nói về Gia-Vê, đấng tạo hóa siêu việt, một đấng Thánh, một ngôi vị. Thật là cực kỳ phi lịch sử khi xem Đức Giê-Su như một người thần bí, một vị guru Do Thái. Ngài dạy cầu nguyện, không phải suy gẫm. Thiên Chúa của ngài là một ngôi vị, không phải bánh pudding. Ngài nói ngài là Thiên Chúa nhưng không nói mọi người là Thiên Chúa. Ngài phán dạy về sự tội và ơn tha thứ, không một vị guru nào làm như vậy. Ngài không hề nói về “ảo tưởng” của mỗi cá nhân, như những người thần bí đã nói.

Tấn công vào từng luận điểm mang tính thoái thác, lẩn tránh này – Giê-Su là người tốt, Giê-Su là người điên rồ, Giê-Su là người dối trá, Giê-Su là người chưa hề khẳng định về thần tính của mình, Giê-Su là người thần bí – lấy ra khỏi mọi vị trí trong bàn cờ này, chỉ chừa một ô còn lại cho con cờ vua của những kẻ không tin đi vào, và trên ô cờ đó hãy chờ đợi nó bị chiếu bí. Và đó là niềm vui chiếu bí ván cờ. Toàn bộ cuộc tranh luận thực sự như là một thiệp mời dự tiệc cưới.