Bài 38 : Lòng Ta Ở Nơi Đâu?

Câu Hỏi Gợi Ý

  • Có sự liên quan nào giữa điều răn thứ 6 với điều răn thứ 9, và giữa điều răn thứ 7 với điều răn thứ 10 chăng?
  • Chúng ta có thể phạm tội trọng trong tư tưởng hay không?
  • Sự ham muốn thú vui trần tục (concupiscence) là gì? Sự ham muốn này là tốt hay xấu?
  • Phải chăng con người cứ nên làm theo khuynh hướng tự nhiên của mình?
  • Có những phương thế nào để tránh phạm tội trong tư tưởng hay không?
  • Phương cách nào giúp chúng ta giữ lòng trong sạch?
  • Tinh thần khó nghèo Kitô giáo là gì?

1. Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa

Điều răn thú 9 và thứ 10 dạy những nguyên tắc luân lý liên quan tới TƯ TƯỞNG và KHÁT VỌNG. Trong khi điều răn thứ 6 bao hàm các hành vi hướng về sự thanh khiết, thì điều răn thứ 9 liên quan đến những suy tưởng và niềm khao khát về đức hạnh đó. Điều răn thứ 7 bao hàm các hành vi liên quan đến việc sử dụng của cải vật chất một cách khôn ngoan, còn điều răn thứ 10 nói về những ý tưởng và sự ham muốn của cải vật chất.

1.1 "Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em cũng ở đó" (Mátthêu 6:21)

Ai cũng mong ước hạnh phúc. Khát vọng này ẩn chứa trong thâm tâm mỗi người. Trong bộ Summa Theologiae (Tổng Luận Thần Học, I-IIae q1 a7), Thánh Thomas trích lời của Thánh Augustine:

Thánh Augustine viết (trong cuốn De Trinitate xiii, 3) rằng mọi người đều khát vọng một mục đích tối hậu, đó là hạnh phúc.

Mục 533 Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL; xem thêm Giáo Lý Công Giáo [GLCG] mục 2548-2550, 2557) viết:

Khao khát lớn nhất của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Tiếng kêu khát vọng của con người là: "Tôi muốn nhìn thấy Thiên Chúa." Thật vậy, con người chỉ có thể tìm được hạnh phúc đích thực và trọn vẹn của mình trong sự hưởng kiến và hạnh phúc nơi Ðấng đã dựng nên họ vì tình yêu và cũng là Ðấng lôi kéo họ về với Ngài trong tình yêu vô tận.

"Ai thấy Thiên Chúa thì đã đạt được mọi phúc lộc mà nguời ta có thể nghĩ tưởng ra được" (thánh Gregory thành Nyssa).

Tuy nhiên, vì tội nguyên tổ, cảm thức của chúng ta về những gì có thể đem lại hạnh phúc đã bị sai lệch. Chúng ta thường xuyên mang quan niệm sai lầm là một vài thứ tạo sinh nào đó (chẳng hạn như QUYỀN LỤC, THÚ VUI TRẦN TỤC, hoặc CỦA CẢI) sẽ đem đến cho chúng ta hạnh phúc và mãn nguyện. Bởi vậy, chúng ta luôn hướng lòng về những thứ đó. Chúng ta sùng bái chúng. Chúng ta luôn quan tâm quá mức tới chúng. Thực ra, bản thân quyền lực, thú vui, hoặc của cải vật chất đều là những thứ tốt đẹp nếu chúng được sử dụng theo ý định của Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài, Thiên Chúa đã ban cho con người năng lực sử dụng những thứ đó theo cách tốt đẹp. (xem thêm mục 6, Bài 6).

Nhưng tội nguyên tổ đã làm u mê tâm trí chúng ta, và làm sai lạc ý chí chúng ta, đã đưa chúng ta tới việc sử dụng những năng lực Thiên Chúa ban nhưng sử dụng không đúng theo kế hoạch của Ngài. Thánh Gioan giảng về ba chước cám đỗ mà chúng ta luôn phải đương đầu.

(15) Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha. (16) Vì mọi sự trong thế gian: như DỤC VỌNG CỦA XÁC THỊT, DỤC VỌNG CỦA MẮT và THÓI CẬY MÌNH CÓ CỦA, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian. (17) Mà thế gian sẽ qua đi cùng với dục vọng của nó; còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi. (I Gioan 2:15-17)

Tuy nhiên, chúng ta có thể lướt thắng sự nhu nhược của mình trước những cám dỗ bằng cách trau dồi ĐỨC HẠNH. Thêm vào đó, tình yêu vô biên của Thiên Chúa luôn đem đến cho ta phương thế để chữa trị BA DỤC VỌNG nói trên; phương thế đó chính là ơn Chúa Thánh Thần và đức hạnh.

Quyền lực, khoái lạc, và của cải vật chất là những thứ thoáng qua rất nhanh – nay đến mai đi. Chính vì thế, Thiên Chúa không muốn chúng ta nặng lòng với những thứ đó; chúng chỉ đem lại cho chúng ta nỗi thất vọng ê chề vào giờ phút lâm chung. Điều răn thứ 9 giúp chúng ta giữ lòng mình tránh xa khoái lạc nhục thể; điều răn thứ 10 giúp giữ lòng chúng ta khỏi ham mê quyền lực và của cải. Lời của Đức Giêsu chép trong Tin Mừng Luca khẳng định điều này (12:16-34):

(16) Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, (17) mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!" (18) Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. (19) Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!" (20) Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ vê tay ai?" (21) Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó".

(22) Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; (23) vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc. (24) Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao ! (25) Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được một vài gang không? (26) Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì? (27) Hãy nhìn hoa huệ mà suy: làm sao chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. (28) Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!

(29) Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn. (30) Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó. (31) Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.

(32) "Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. (33) "Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá. (34) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó.

Mặt khác, điều Thiên Chúa mong muốn nơi chúng ta là hãy trao trọn lòng trí chúng ta cho Thiên Chúa, không phải vì Ngài cần chúng ta nhưng chính vì chúng ta rất cần đến Thiên Chúa. Ngài chính là Chân, Thiện, Mỹ. Không một thứ tạo sinh nào sánh được với những gì Thiên Chúa ban phát. Hạnh phúc miên viễn mà chúng ta hằng khao khát chỉ có thể tìm thấy nơi Thiên Chúa. Sách Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta về điều này.

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. (Thánh Vịnh 63:1)

(1) Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa. (2) Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan?. (Thánh Vịnh 42:1-2)

(1) LẠY CHÚA, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ vẫn còn ngoảnh mặt làm ngơ? (2) Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày? Tới bao giờ kẻ thù con thắng mãi?. (Thánh Vịnh 13:1-2)

Chương 6 Sách Đệ Nhị Luật (Sách Thứ Luật) chép lại lời Thiên Chúa dạy bảo dân Israel:

4 Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. 5 Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. 6 Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. 7 Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, 8 phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, 9 phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em.

Sách Cách Ngôn có câu (23:26):

26 Hỡi con, hãy hết lòng tin tưởng vào thầy và hãy để mắt noi gương thầy.

1.2 Thanh tẩy tấm lòng

Vì sao cần làm như thế? Sách GLCG (mục 2517) viết: says:

Lòng dạ là nơi của nhân cách luân lý:” Từ lòng phát xuất những ý tưởng gian ác, sự sát nhân, ngoại tình, gian dâm … “ (Mátthêu 15:19). Sự chiến đấu chống lại dục vọng xác thịt phải cần đến việc thanh tẩy tấm lòng và thực thi đức tiết độ: Hãy sống đơn sơ và trong trắng, bạn sẽ nên như trẻ thơ không biết đến những xấu xa đang hủy hoại kiếp nhân sinh (Pastor Hermae, Mandate 2,1: trg 2, 916).

Thánh Josemaría Escrivá thường giảng rằng sự thắng hoặc bại trong những cuộc chiến của đời sống thiêng liêng diễn ra trong lòng chúng ta. Tâm của chúng ta là chiến trường giữa thiện và ác. Chúng ta thường xem nhẹ điều này vì đánh giá thấp tầm quan trọng của nó.

Mục 2518 và 2519 Sách GLCG giảng giải về lòng thanh sạch như sau:

Mối phúc thứ sáu công bố:” Phúc thay ai có lòng trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa “ (Mátthêu 5:8). Cụm từ ” lòng trong sạch “ ám chỉ những người biết làm cho trí tuệ và ý chí của mình phù hợp với những đòi hỏi về sự thánh thiện của Thiên Chúa, chủ yếu trong ba lĩnh vực sau: ĐỨC MẾN (xem thêm Thư Timôthê I, 4:3-9; Thư Timôthê II, 2:22); SỰ KHIẾT TỊNH hoặc SỰ ĐOAN CHÍNH VỀ TÍNH DỤC (xem thêm Thư Thesalônica I, 4:7; Thư Côlôsê 3:5; Thư Êphêsô 4:19); sự yêu mến chân lý và đức tin chính thống (Xem thêm Thư Titô 1:15; Thư Timôthê I, 3:4; Thư Timôthê II, 2:23-26). Có môi dây liên kết giữa sự thanh khiết của lòng trí, của thể xác, và của đức tin;

Tín hữu phải tin các điều trong Kinh Tin Kính ” đề nhờ tin, họ vâng phục Thiên Chúa, nhờ vâng phục, họ sống ngay thẳng, nhờ sống ngay thẳng, họ thanh luyện lòng trí, nhờ thanh luyện lòng trí, họ hiểu được những gì họ tin “ (Thánh Augustine, De fide et symbolo 10, 25: PL 40, 196).

Những người ” có lòng thanh sạch “ được hứa là sẽ được diện kiến Thiên Chúa và trở nên giống như Ngài (xem thêm Thư Côrintô I, 13:12; Thư Gioan I, 3:2). Sự thanh sạch lòng trí là điều kiện tiên quyết để diện kiến Thiên Chúa. Ngay từ bây giờ, lòng thanh sạch giúp chúng ta nhìn mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa, biết đón nhận tha nhân như ” những người lân cận “; lòng thanh sạch giúp chúng ta nhận biết thân thể con người – của chính mình và của tha nhân – là đền thờ của Chúa Thánh Thần, là sự biểu lộ vẻ đẹp thần thánh.

Phương cách nào giúp chúng ta đạt được sự thanh sạch lòng trí? Trong sự phấn đấu này, chúng ta cần nhớ hai điều sau:[1] ƠN THIÊN CHÚA và [2] SỰ CỘNG TÁC CỦA CON NGƯỜI TRONG CHIẾN ĐẤU CHỐNG KHÁT VỌNG XẤU XA.

Chúng ta sẽ đề cập điểm thứ 2 trước.

[1] NỖ LỰC VÀ SỰ CỘNG TÁC CỦA CON NGƯỜI VỚI ƠN THIÊN CHÚA. Sách GLYL (mục 529; xem thêm GLCG mục 2520) giảng:

Với ơn Chúa, trong cuộc chiến đấu chống lại các ước muốn sai trái, người tín hữu đạt được sự thanh sạch của tâm hồn nhờ nhân đức và hồng ân khiết tịnh, nhờ sự trong sáng nơi ý hướng, nơi cái nhìn bên ngoài và bên trong, nhờ chế ngự các giác quan và trí tưởng tượng, và nhờ cầu nguyện.

Ngoài việc đọc kinh, cầu nguyện, SỰ TIẾT CHẾ, tức là SỰ HY SINH HÃM MÌNH, là điều không bao giờ được quên lãng. Không có sự tiết chế, con người giống như vận động viên sắp thi đấu nhưng không chịu khổ luyện; hoặc giống như những chiến binh sắp ra trận nhưng không chuẩn bị cả tinh thần chiến đấu lẫn vũ khí cần thiết. Thánh Josemaría viết trong tác phẩm The Way (Phương Thế) (307):

Phương thức hành vi siêu nhiên đó chính là chiến thuật đúng nghĩa.

Phương thức hành vi siêu nhiên đó chính là chiến thuật đúng nghĩa.

Và quân thù đến giao chiến với chúng ta, nhưng trước những việc hy sinh, hãm mình nhỏ nhặt, trước việc cầu nguyện thường xuyên của chúng ta, trước quá trình làm việc hợp khoa học, đúng phương pháp, trước kế hoạch cuộc đời của chúng ta, chắc chắn quân thù sẽ gặp rất nhiều khó nhọc khi ra sức tiếp cận những tường thành rất dễ trèo qua của thành trì chúng ta. Và nếu có tiếp cận được, chúng cũng hoàn toàn mất sức chiến đầu.

Sự thanh khiết tâm hồn cũng đòi hỏi phải có SỰ ĐOAN CHÍNH, và nỗ lực THANH SẠCH HÓA MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI. Liên quan tới nỗ lực này, chúng ta cần biết rằng những vấn đề bảo vệ môi trường – hệ sinh thái – phải đặt trọng tâm là con người, phải làm sao cho môi trường là nơi sống hữu ích cho cả thể xác lẫn linh hồn (tinh thần) của con người. Chúng ta nỗ lực làm cho thế giới không những sạch mọi sự ô nhiễm thể lý mà còn sạch mọi cặn bã tinh thần nữa. Mục 530 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2521-2527, 2533) viết:

Sự thanh sạch đòi hỏi SỰ ĐOAN CHÍNH; gìn giữ những gì thầm kín của con nguời, thể hiện sự tế nhị của đức khiết tịnh, kiểm soát cái nhìn và cử chỉ cho phù hợp với phẩm giá của con người và những giao tế của họ. Sự thanh sạch đòi buộc phải ngăn chặn thói khiêu dâm đang lan tràn và tránh xa những gì đưa đến sự tò mò không lành mạnh. Ðiều này còn đòi buộc phải THANH TẨY MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI, bằng cuộc chiến đấu chống lại sự suy thoái phong hóa dựa trên một quan niệm sai lạc về tự do của con người.

[2] ƠN THIÊN CHÚA. Chúng ta không nên quên rằng những trận chiến của đời sống thiêng liêng không thể chỉ chiến đấu bằng vũ khí và chiến thuật của phàm nhân. Thực ra, chúng ta chẳng thể làm được gì nếu không có ơn Thiên Chúa; không có Ngài, chúng ta hoàn toàn không thể làm được việc gì (xem thêm Gioan 15:5). Bởi thế, Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô (6:11-19):

(11) Hãy mang TOÀN BỘ BINH GIÁP VŨ KHÍ CỦA THIÊN CHÚA để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. (12) Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. (13) Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. (14) Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, (15) chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; (16) hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. (17) Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa. (18) Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Ðể được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể các thánh. (19) Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng.

Sức mạnh của Thiên Chúa luôn sẵn có cho chúng ta, đặc biệt là thông qua CÁC PHÉP BÍ TÍCH, cách riêng là Bí Tích Giải Tội và Bí Tích Thánh Thể. Ai muốn sống với lòng thanh sạch cần phải năng XƯNG TỘI HẰNG TUẦN và DỰ THÁNH LỄ HẰNG NGÀY. Nếu thực tâm mong muốn chiến thắng các trận chiến thiêng liêng, chúng ta cần phải sấp mình nài xin ơn Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện và các phép bí tích. Một lời khuyên khác là hãy tìm sự linh hướng để chúng ta có thể bước vào cuộc đấu với đối sách rõ ràng, với chiến lược thực tế như lời Thánh Phaolô viết trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (9:26):

Tôi không chạy mà không xác tín, tôi không đấm như người đấm vào không khí...

1.3 Sự khó nghèo trong tinh thần

Đức Giêsu đòi buộc điều gì khi dạy tinh thần khó nghèo? Mục 532 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2544-2547, 2556) giảng giải:

Chúa Giêsu đòi buộc các môn đệ yêu mến Người trên hết mọi sự và mọi người. Việc từ bỏ sự giàu sang – trong tinh thần khó nghèo theo Tin Mừng – và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi những âu lo của ngày mai, và chuẩn bị cho chúng ta hưởng mối phúc của " những người nghèo khó trong tinh thần, vì Nước Trời thuộc về họ" (Mátthêu 5:3).

2. Mối hiểm nguy của những tội trong thâm tâm

Những tội phạm trong tâm tưởng, hay còn gọi là tội nội tâm (internal sins), có vẻ như vô hại, vì chúng không biểu lộ ra bên ngoài. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, sự thắng hoặc bại trong các cuộc chiến của đời sống tâm linh đều diễn ra trong thâm tâm chúng ta. Thực ra, những tội nội tâm nguy hiểm hơn những tội ngoại tại (external sins) vì ba lý do sau: [1] chúng ta RẤT DỄ PHẠM VÀ RẤT DỄ CHE GIẤU CÁC TỘI ĐÓ, [2] chúng ta KHÓ TRÁNH CHÚNG, và [3] chúng ta ÍT LƯU Ý TỚI CHÚNG.

Có ba loại tội nội tâm: [1] KHOÁI LẠC TÂM TƯỞNG (delectatio morosa), [2] VUI THÚ TỘI LỖI (gaudium peccaminosum), và [3] DỤC VỌNG XẤU XA (desiderium pravum).

2.1 Khoái lạc tâm tưởng

KHOÁI LẠC TÂM TƯỞNG. Còn được gọi là ” những suy tưởng hoặc những tưởng tượng xấu xa “. Đây là sự khoái trá tội lỗi về một hành vi xấu xa hiển hiện trong trí tưởng tượng nhưng không đi kèm với sự mong muốn thực hiện hành vi này. Trong tiếng Latin có tính từ morosa (bám dai dẳng nơi tâm trí); chữ này không ám chỉ thời hạn của sự khoái trá này, nhưng ám chỉ sự cố ý chần chừ trong việc loại bỏ những mường tượng tội lỗi. Điều này có nghĩa là vui thú trong suy tưởng tội lỗi.

Nếu hành vi xấu xa trong tâm tưởng mang tính chất của tội trọng, thì khoái lạc tâm tưởng cũng là tội trọng. Tuy nhiên, khi xưng tội, không cần thiết phải trình bày chi tiết cụ thể, chỉ cần xưng ra rằng chúng ta đã vui thú với những suy tưởng xấu xa đối nghịch với đức mến, hoặc đối nghịch với lòng khiết tịnh.

2.2 Vui thú tội lỗi

VUI THÚ TỘI LỖI là sự hả dạ (tức là sự khoái chí) về hành vi tội lỗi mà bản thân hoặc người khác đã làm (tức là chủ tâm gợi nhớ lại những hành động tội lỗi). Vui thú tội lỗi nghiêm trọng hơn khoái lạc tâm tưởng vì sự thích thú này hàm chứa sự thuận lòng với tội lỗi đã phạm.

Tuy nhiên, không có gì sai khi chúng ta vui với điều hay, điều tốt đẹp tạo nên bởi hành động xấu. Chúng ta có thể hân hoan với chiến thắng của vị tử đạo mặc dù đó là hệ quả của hành động ác do kẻ đàn áp, bắt bớ thực hiện; nhưng chúng ta sẽ mắc sai trái nếu hân hoan, hả dạ với hành vi ác độc, xấu xa (ở thí dụ này hành vi ác là bắt giết người công chính).

2.3 Dục vọng xấu xa

DỤC VỌNG XẤU XA là sự vui thú về một hành vi xấu xa mà bản thân ước muốn thực hiện. Dục vọng này có thể tạo hậu quả đúng như toan tính hoặc vô hiệu.

    • Dục vọng xấu sẽ tạo hậu quả như toan tính khi có ước muốn mãnh liệt phải thực hiện hành vi đó. Đây là một tội có cùng tính chất và mức nghiêm trọng như tội mà người đó cố tình phạm.
    • Dục vọng xấu sẽ vô hiệu khi không có ước muốn thôi thúc thực hiện hành vi, hoặc nó lệ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện thực hiện.
        • Nếu điều kiện thực hiện loại bỏ được tính xấu của hành vi, thì dục vọng xấu đó không là tội (thí dụ: Tôi sẽ lấy cái đó nếu nó không thuộc sở hữu của ai).
        • Nếu điều kiện thực hiện không loại bỏ được tính xấu của hành vi, thì dục vọng xấu đó là tội nhẹ hay tội trọng tùy thuộc ở đối thể của dục vọng (thí dụ: Tôi sẽ lấy vật này nếu không ai thấy tôi lấy).

Như đã trình bày ở trên, chúng ta cần cảnh giác với những tội nội tâm. Ai không cảnh giác với những tội nội tâm sẽ dễ dàng làm sai lạc lương tâm mình. Người nào ngả theo những tội nội tâm như luôn luôn mang lòng hiềm khích, những suy tưởng bất nhân, những biểu hiện của tính kiêu ngạo, dâm dục, đố kỵ, hoặc tự phụ, và không ra sức dứt bỏ chúng đi, người đó sẽ không còn nhận ra rằng các tội nội tâm đó chính là nguyên nhân của thái độ tự cao tự đại, của sự tự ái cao độ, của những cơn phẫn nộ vô lý, của sự vô cảm đối với tha nhân, và mất đi lòng hy sinh, quảng đại. Con đường này tuy nhỏ nhưng sẽ đưa đến những trọng tội, nhưng người đó không nhận ra vì thường xuyên thiếu sự nhận thức đúng về mức nghiêm trọng của những tội trong thâm tâm.

(Xem Bài 30 fnói về bảy mối tội đầu.)

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 527-533. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu Lược – GLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 2514-2557. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công Giáo – GLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002

Websites

Peter Thuan