Bài 21: Lương Thực Chúng Ta Ăn, Thiên Chúa Chúng Ta Kính Thờ

Câu hỏi gợi ý

    • Sự Hiện Diện Thực Sự nghĩa là gì? Thế nào là sự hiện diện theo cách bí tích?
    • Thế nào là sự biến đổi bản thể (
  • transubstantiation)?
    • Nhà tạm có mục đích gì? Chúng ta thể hiện sự tôn kính thế nào đối với nhà tạm?
    • Sự thờ lạy Thánh Thể là gì?Việc này có tốt đẹp không? Tại sao?
    • Bí tích Thánh Thể được nhận lãnh như thế nào?
    • Sự rước lễ cần thiết ra sao?
    • Chúng ta cần dọn mình thế nào để rước Mình Máu Thánh Chúa?
    • Trẻ em cần rước Mình Thánh Chúa từ tuổi nào?
    • Những ơn ích gì chúng ta lãnh nhận từ bí tích Thánh Thể?

1. Sự Hiện Diện Thực Sự nghĩa là gì?

1.1 Đức Giêsu Kitô hiện diện như thế nào trong Bí Tích Thánh Thể?

Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL) mục 282 (xem thêm Giáo Lý Công GiáoGLCG mục 1373-1375, 1413) giảng:

Ðức Giêsu Kitô hiện diện trong bí tích Thánh Thể một cách độc nhất vô nhị và không thể so sánh được. Thật vậy, Người hiện diện cách đích thực, thực sự và theo bản thể: với Mình và Máu Người, với linh hồn và thần tính của Người. Trong bí tích Thánh Thể, Ðức Kitô trọn vẹn, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện THEO CÁCH BÍ TÍCH, nghĩa là dưới hình bánh và hình rượu.

    • Sự hiện diện của Đức Giêsu là sự hiện diện ĐÍCH THỰC, THỰC SỰ và THEO BẢN THỂ. Chính là Ngài, trong Ngôi Vị, và với cả hai bản tính của Ngài: thiên tính và nhân tính.
    • Sự hiện diện của Ngài THEO CÁCH BÍ TÍCH. Chúng ta hãy nhớ bí tích là DẤU HIỆU bên ngoài của một điều thiêng liêng đang thực sự diễn ra. Vì thế, Đức Giêsu Kitô THỰC SỰ HIỆN DIỆN, nhưng sự hiện diện của Ngài được tỏ lộ qua HAI DẤU HÌNH, đó là bánh và rượu. Sau lời thánh hiến (thường gọi là lời truyền phép) trong Thánh Lễ, khi sự biến đổi bản thể diễn ra (xem giải thích ở phần sau), Đức Giêsu ngự xuống trên bàn thánh nhưng không làm thay đổi hình sắc của bánh và rượu. Điều gì xảy ra cho bánh và rượu đã ở trên bàn thánh trước đó? Bánh và rượu không còn là chúng với bản chất ban đầu. Trong thiên nhiên, khi một vật nào đó biến đổi thành vật khác, thì hình dạng bên ngoài của nó cũng biến đổi. Nhưng trong trường hợp này thì hoàn toàn không như thế. (Hãy lưu ý là Hội Thánh không bao giờ dạy rằng Đức Giêsu hiện diện "cách thể lý" trong bí tích Thánh Thể vì như thế là ám chỉ rằng chúng ta có thể nhìn thấy Ngài tỏ tường bằng xương bằng thịt.)

Ngài có hiện diện nơi người nghèo, nơi người giàu, và nơi mọi thụ tạo hay không?

Thưa có. Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài ở khắp mọi nơi. Ngài hiện diện nơi mọi loài thụ tạo. Mục 1373 Sách GLCG khẳng định Đức Giêsu Kitô hiện diện trong Hội Thánh của Ngài với nhiều cách khác nhau; tuy nhiên, chỉ riêng sự hiện diện của Ngài trong bí tích Thánh Thể là độc nhất vô nhị.

1.2 Sự hiện diện đích thực của Đức Giêsu diễn ra như thế nào?

Điều này diễn ra lúc đọc lời truyền phép trong Thánh Lễ, khi chủ tế đọc những lời sau: "Này là Mình Ta," và "Này là chén Máu Ta." Ngay lúc đó, SỰ BIẾN ĐỔI BẢN THỂ diễn ra. Thế nhưng, sự biến đổi bản thể là gì? Sách GLYL mục 283 (xem thêm GLCG mục 1376-1377) giảng giải:

Biến đổi bản thể nghĩa là SỰ BIẾN ĐỔI TRỌN VEN BẢN THỂ BÁNH thành bản thể Mình Thánh Ðức Kitô, và biến đổi trọn vẹn bản thể rượu thành bản thể Máu Thánh Người. Sự biến đổi này được thực hiện trong Kinh Nguyện Thánh Thể, nhờ tính hữu hiệu của lời Ðức Kitô và tác động của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, NHỮNG ĐẶC TÍNH KHẢ GIÁC bên ngoài của bánh và rượu, nghĩa là các "HÌNH SẮC THÁNH THỂ" (Eucharistic species) vẫn không thay đổi.

Chúng ta cần minh định một vài thuật ngữ trong đoạn văn ngắn gọn trên.

    • Theo triết học Aristotle và triết học Thomas Aquinas, mọi hữu thể (thụ tạo) đều có BẢN THỂ và TÙY THỂ (accidents). Trong phần diễn giải trên, hai thuật ngữ "đặc tính khả giác" và "hình sắc" đều hàm ý là tùy thể. Nói cách khác, sự biến đổi bản thể đem lại sự chuyển đổi về bản thể, nhưng không chuyển đổi ngoại hình tùy thể.
    • Trong số các TÙY THỂ, hoặc ĐẶC TÍNH KHẢ GIÁC, hoặc HÌNH THỨC BÊN NGOÀI, hoặc HÌNH SẮC có thể cảm nhận được là trọng lượng, màu sắc, hương vị, và hình dạng của bánh và rượu. Những tùy thể này vẫn như cũ sau khi truyền phép, tức là sau sự biến đổi bản thể.
    • Khi nói rằng trọn vẹn bản thể của bánh biến thành trọn vẹn bản thể của Mình Thánh Đức Giêsu Kitô, điều này không có nghĩa là bánh CHỈ biến thành Mình Thánh Đức Kitô; và rượu CHỈ biến thành Máu Thánh Đức Kitô.
        • Đức Kitô ngự xuống bàn thánh chính là Đức Kitô HẰNG SỐNG; vì thế, khi nói đến Mình và Máu Ngài, chúng ta đang nói về toàn vẹn Đức Kitô hằng sống. Chúng ta sẽ hiểu rõ điều này khi đọc những lời của Chúa chúng ta giảng về bí tích Thánh Thể đã được chép trong Chương 6 Tin Mừng Thánh Gioan:
          • (51) "TÔI LÀ BÁNH HẰNG SỐNG từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." (52) Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?" (53) Ðức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ĂN THỊT và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ĂN THỊT và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, (55) vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (56) Ai ĂN THỊT và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ĂN TÔI, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ĂN BÁNH này, sẽ được sống muôn đời."
        • Trong bài trước, chúng ta hiểu rằng trong tiếng Hebrew, nói đến "mình" tức là nói đến trọn vẹn bản thân người đó; còn nói đến "máu" tức là nói đến toàn bộ sức sống người đó.
        • Ở phần giảng giải dưới đây, chúng ta sẽ hiểu rằng bánh thực sự biến thành chính Đức Kitô; và rượu cũng thế. Tuy nhiên, điều này không đem lại hai Đức Kitô, vì sự hiện diện của Đức Kitô trong bánh và rượu không phải là sự hiện diện thể lý nhưng là sự hiện diện theo cách bí tích.

Sự biến đổi bản thể diễn tiến vào lúc nào?

Mục 1377 Sách GLCG viết:

Sự hiện diện Thánh Thể của Đức Kitô bắt đầu từ lúc thánh hiến (còn gọi là lúc truyền phép) và kéo dài bao lâu hình sắc Thánh Thể còn tồn tại. Đức Kitô hiện diện trọn vẹn trong hình bánh và rượu, và trong từng phần nhỏ của hai hình sắc Thánh Thể này nên việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô. (xem thêm văn kiện 1641 Công Đồng Trent)

Chúng ta hãy lưu ý một vài điểm được nói tới ở đoạn trên:

    • Đức Giêsu Kitô hiện diện trọn vẹn TRONG TỪNG PHẦN NHỎ của bánh, và TRONG TỪNG GIỌT RƯỢU. Sự bẻ Bánh Thánh không phân chia Đức Kitô. (xem mục 264 Sách GLYL). Vì lẽ này, linh mục và tín hữu đều phải HẾT SỨC CẨN THẬN khi cầm Bánh và Rượu Thánh, phải có lòng tin yêu và tôn kính. Việc chủ tế rửa các ngón tay sau khi cho rước lễ là để không một phần nhỏ nào của Mình và Máu Thánh Đức Giêsu còn vương lại nơi ngón tay của chủ tế.
    • Đức Giêsu Kitô ở lại trong bí tích Thánh Thể bao lâu HÌNH SẮC, tức là HÌNH DẠNG BÊN NGOÀI, hoặc ĐẶC TÍNH KHẢ GIÁC của bánh và rượu vẫn nguyên vẹn. (xem thêm mục 285 Sách GLYL). Việc hay nhất nên làm là thường xuyên thay mới Bánh Lễ vì lòng tôn kính Bí Tích Cực Thánh này.

Hội Thánh tiên khởi cũng tin sự biến đổi bản thể phải không?

Rất đúng. Mục 1357 Sách GLCG trích dẫn lời của hai Giáo Phụ:

Thánh Gioan Kim Khẩu tuyên giảng:

Không phải con người nhưng chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, làm cho lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô. Vị tư tế, hình ảnh của Đức Kitô, đọc những lời này nhưng hiệu quả và ân sủng là do Thiên Chúa. Ngài đọc: "Này là mình Thầy." Lời này làm biến thể các lễ vật. [Thánh Gioan Kim Khẩu, prod. Jud. 1:6: PG 49, 380]

Và Thánh Ambrose nói về sự biến đổi như sau:

Chúng ta hãy tin chắc rằng đây không phải là vấn đề bản chất đã tạo ra nhưng là điều mà lời chúc tụng đã thánh hiến. Quyền năng của lời chúc tụng vượt trên quyền năng của bản chất, vì nhờ lời chúc tụng, bản chất đã biến đổi … Lời Đức Kitô có thể tạo ra từ hư không những thứ chưa từng hiện hữu trước đó, chẳng lẽ lời của Ngài lại không thể biến đổi những sự vật hiện có thành những sự vật trước đó chưa có hay sao? Việc ban cho sự vật bản chất đầu tiên cũng tương tự như biến đổi bản chất của chúng. [Thánh Ambrose, De myst. 9. 50; 52: PL 16, 405-407]

2. Chúng ta làm gì trước sự Hiện Diện Hoàng Vương (Sự Hiện Diện Đích Thực của Vua và Thiên Chúa chúng ta)?

2.1 Sự tôn thờ Thánh Thể trong Thánh Lễ và ngoài Thánh Lễ

Sách GLCG mục 1378 giảng:

Sự tôn thờ Thánh Thể. Trong phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta bày tỏ lòng tin vào sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong hình bánh và rượu bằng nhiều cách như BÁI GỐI, hoặc CÚI MÌNH SÂU để tỏ dấu tôn thờ Chúa. "Hội Thánh Công Giáo hằng luôn TÔN THỜ Thánh Thể, không chỉ trong Thánh Lễ mà còn bên ngoài Thánh Lễ nữa bằng cách gìn giữ hết sức cẩn thận bánh đã được thánh hiến, đặt lên cho các tín hữu tôn thờ long trọng, và rước kiệu Thánh Thể với sự tham dự của đông đảo tín hữu." [Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Mysterium Fidei 56].

Trong cuốn sách Spirit of the Liturgy (Tinh Thần của Phụng Vụ), Hồng Y Joseph Ratzinger (nay là Giáo Hoàng Benedict XVI) viết rằng hành vi quì gối không phát xuất từ nền văn hóa nào hết, mà phát xuất từ Kinh Thánh. Bất cứ nơi đâu mà đức tin đã mất thì hành vi quì gối cũng biến mất theo. (Tham khảo thêm: "Theology of Kneeling" -- http://www.adoremus.org/1102TheologyKneel.html.) Chúng ta cùng đọc một vài đoạn Kinh Thánh tiêu biểu:

Ezra 9:5: "Và đến giờ dâng lễ buổi chiều, ta đứng dậy rời buổi chay với áo trong, áo choàng tả tơi, ta quì xuống, giơ hai tay về hướng THIÊN CHÚA là Chúa của ta."

Daniel 6:10: "Khi biết là văn kiện đã được châu phê, ông Ðanien về nhà. Cửa sổ phòng trên nhà ông quay về hướng Giêrusalem. Mỗi ngày ba lần, ông quỳ gối, cầu nguyện và ngợi khen Thiên Chúa của ông, y như ông đã làm từ trước đến nay."

Mátthêu 27:29: "Rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: ‘Vạn tuế Ðức Vua dân Do Thái!’".

Máccô 1:40: "Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.’"

Máccô 15:19: "Chúng dùng cây sậy đập đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy."

Luca 5:8: "Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói:‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!’"

Thư Roma 14:11: "vì có lời chép rằng: Ðức Chúa phán:‘Ta lấy sự sống Ta mà thề: mọi người sẽ quỳ gối lạy Ta, và mọi miệng lưỡi phải xưng tụng Thiên Chúa.’"

Thư Philipphê 2:10: "Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ."

Thư Roma 11:4: "Thiên Chúa đã trả lời ông thế nào? Ta chừa lại cho Ta bảy ngàn người, là những kẻ đã không quỳ gối thờ thần Baan."

Thư Êphêsô 3:14: "Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha."

2.2 Nhà Tạm

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa truyền dạy cho Abraham dựng một lều để cất giữ hòm bia giao ước. Ba chương (25-27) trong Sách Xuất Hành ghi chép đầy đủ chi tiết về việc này. Hòm bia giao ước chẳng là gì khi so với Bí Tích Cực Thánh. Điều này khiến chúng ta suy tư nhà tạm phải trang trọng như thế nào để xúng đáng là nơi cất giữ Mình và Máu Thánh Chúa; đồng thời, chúng ta suy nghĩ đến nhà tạm của linh hồn chúng ta cũng phải được chuẩn bị như thế nào để xúng đáng đón tiếp Đức Giêsu khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Thể.

Mục 1379 Sách GLCG giảng giải về vai trò của nhà tạm trong Giao Ước Mới như sau:

Nhà tạm, trước hết được dùng để giữ Thánh Thể cách xứng đáng để có thể mang đến cho những người bệnh và những người vắng mặt rước Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Bởi đức tin vững mạnh vào sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, Hội Thánh ý thức về tầm quan trọng của việc thinh lặng tôn thờ Chúa chúng ta đang hiện diện trong các hình sắc Thánh Thể. Vì lẽ này, nhà tạm phải được đặt ở nơi trang trọng nhất trong thánh đường, và phải được thiết kế sao cho nhà tạm làm nổi bật chân lý về sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong Bí Tích Cực Thánh này.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong Tông Huấn Mysterium Fidei (66-67):

Điều rất thiết yếu là thôi thúc ĐÔNG ĐẢO tín hữu MỖI MỘT NGÀY tham dự sốt sắng hy tế Thánh Lễ, và lãnh nhận của ăn nuôi dưỡng hồn xác là Mình Máu Thánh Chúa với linh hồn thanh sạch và thánh thiện, và dâng lời cảm tạ Đức Kitô Chúa chúng ta đã ban cho chúng ta ân sủng lớn lao này. Các tín hữu cần khắc ghi những lời sau: "Sự mong ước của Đức Giêsu Kitô và của Hội Thánh được nhìn thấy mọi tín hữu mỗi một ngày đều đến dự bàn tiệc thánh dựa trên niềm khát khao mong tất cả họ được kết hiệp với Thiên Chúa nhờ bí tích Thánh Thể, và lãnh nhận từ bí tích đó sức mạnh giúp họ chế ngự đam mê xác thịt, thanh tẩy những tội nhẹ mà họ mắc phải hằng ngày, và giúp họ tránh được những tội trọng thường phạm phải do sự yếu đuối của con người." (Sắc Luật Của Thánh Bộ Công Đồng, ngày 20/12/1905 do Giáo Hoàng (Thánh) Piô X phê chuẩn; AAS XXXIII (1905), 401). Và trong ngày, để tuân theo luật phụng vụ, các tín hữu KHÔNG NÊN QUÊN VIẾNG THÁNH THỂ được giữ ở nơi trang trọng nhất trong nhà thờ, vì việc này là bằng chứng về LÒNG CẢM TẠ, là bảo chứng về TÌNH YÊU, và sự là thể hiện LÒNG TÔN SÙNG Đức Kitô Chúa chúng ta đang hiện diện trong đó.

Không người nào không nhận thấy rằng Thánh Thể BAN CHO các Kitô hữu phẩm hạnh không gì sánh được. Vì KHÔNG NHỮNG NGAY KHI Hy lễ dược dâng hiến và Bí Tích đang được lập, MÀ CẢ SAU KHI Hy Lễ vừa được tiến dâng, và bí tích đã được lập – tức là khi Thánh Thể được giữ trong thánh đường hoặc nhà nguyện – thì Đức Kitô vẫn thực sự là Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Vì Ngài Ở GIỮA CHÚNG TA; Ngài cư ngụ nơi chúng ta với trọn vẹn ân sủng và chân lý (xem thêm Gioan 1:14). Ngài nâng cao phẩm hạnh, tăng cường nhân đức, an ủi người sầu khổ, ban sức mạnh cho người yếu đuối, và soi sáng cho những ai đến gần Ngài biết cách làm theo Ngài để rồi họ noi theo gương của Ngài là hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng; đồng thời không tìm những ích lợi cho bản thân, nhưng tìm những điều làm đẹp lòng Thiên Chúa. Những ai có lòng tôn kính đặc biệt đối với bí tích Thánh Thể và đáp lại tình yêu bao la của Đức Kitô đối với con người bằng tình yêu nồng nhiệt và vị tha của chính họ, họ sẽ cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống mới của họ đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa Cha thật quí giá biết bao! (xem thêm Thư Côlôsê 3:3); điều này đem lại niềm vui và ơn ích lớn lao cho linh hồn họ; và họ cũng cảm nhận và thấu hiểu thật vui sướng biết bao khi được trò chuyện với Đức Kitô vì trên trần đời không có gì đem lại nhiều thanh thản bằng việc đó, và không có gì đem lại nhiều hiệu quả cho sự thăng tiến trên con đường thánh thiện bằng việc đó.

Lời sau đây được Chân Phước Gioan Phaolô II viết trong Dominicae coenae (mục 3) và được dẫn lại ở mục 1380 Sách GLCG:

Hội Thánh và trần gian rất cần sự tôn thờ bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong bí tích tình yêu này. Chúng ta đừng thoái thác thời gian đến gặp Ngài để tôn thờ, để chiêm nghiệm với đức tin mạnh mẽ, và để sẵn sàng đền tạ những xúc phạm cùng những tội nghiêm trọng của trần gian. Chúng ta hãy siêng năng tôn thờ Thánh Thể.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI từng nhiều lần nhấn mạnh đến việc tôn kính sự hiện diện của Đức Giêsu trong Bí Tích Cực Thánh. Ngài đưa ra lời khuyên như sau trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis (67):

Bất cứ nơi đâu có thể được, nhất là ở những vùng đông dân cư, nên có những thánh đường hoặc nhà nguyện dành riêng cho việc thường xuyên tôn kính Thánh Thể. Tôi cũng có thêm lời khuyên rằng khi dạy giáo lý cho trẻ em, và nhất là khi chuẩn bị cho chúng Rước Lễ lần đầu, chúng ta cần giảng dạy về ý nghĩa và nét thanh cao của việc dành thời gian trò chuyện với Đức Giêsu, và giúp cho trẻ hình thành cảm thức tôn kính sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

2.3 Visus, tactus, gustus in te fallitur – "Thị giác, xúc giác, vị giác đều không thể cảm nhận"

Sách GLCG mục1381 minh định rằng chỉ có Đức Tin mới giúp chúng ta đón nhận sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Giêsu trong Phép Thánh Thể.

Thánh Tôma đã nói: "Mình thật và Máu thật của Đức Kitô hiện diện trong bí tích này không thể cảm nhận bằng giác quan mà chỉ cảm nhận bằng đức tin, một đức tin nương tựa vào quyền năng của Thiên Chúa." Vì lẽ đó, khi chú giải câu 19 chương 22 Tin Mừng Thánh Luca: "Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con", Thánh Cyrillô thành Alexandria nói: "Đừng hồ nghi điều này có thật hay không, nhưng hãy đón nhận bằng đức tin những lời của Đấng Cứu Độ, vì Ngài là sự thật, là chân lý; Ngài không lừa đối bao giờ." [Thánh Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần Học, III q 75 a1; xem thêm Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Mysterium Fidei (18); Thánh Cyrillô thành Alexandria, Commentarius in Lucam. 22, 19: PG 72, 912]

Mục này còn trích dẫn hai đoạn trong bài tụng ca Thánh Thể Adoro te devote của Thánh Thomas Aquinas:

Con thờ lạy Chúa, ôi thần tính ẩn mình trong những hình dạng này

Lạy Chúa, trọn tâm hồn con suy phục Chúa,

Và biến tan khi chiêm ngắm Ngài.

Thị giác, xúc giác, vị giác không chạm được đến Chúa;

Nhưng con vũng tin những điều được nghe dạy;

Con tin tất cả những gì Con Thiên Chúa phán dạy;

Không có gì thật hơn chân lý Ngài truyền giảng.

[Thánh Thomas Aquinas (attr.), Adoro te devote]

3. Lương thực làm chuyển biến con người

3.1 Tiệc Vượt Qua

Sách GLYL (mục 287; xem thêm GLCG mục 1382-1384, 1391-1396) giảng giải:

Bí tích Thánh Thể là tiệc Vượt Qua vì khi làm cho cuộc Vượt Qua của Người hiện diện một cách bí tích, Ðức Kitô ban cho chúng ta Mình và Máu Người làm của ăn thức uống. Người kết hợp chúng ta với Người và với nhau trong hy tế của Người.

Bí tích Thánh Thể không chỉ là tiệc họp mặt của bạn hữu, không đơn thuần là bữa ăn thân hữu. Yếu tố hy tế luôn hiện diện trong tiệc thánh này. Bởi thế, bàn thánh biểu trưng cho Đức Kitô, Đấng thể hiện hai vai trò khác nhau (ngoài vai trò là Đấng Hiến Tế, hoặc Chủ Tế), đó là: (1) LỄ VẬT HIẾN TẾ được tiến dâng nhân danh CON NGƯỜI; và (2) LƯƠNG THỰC ban phát cho con người nhân danh THIÊN CHÚA. Bàn thánh ẩn chứa hai mục đích: (1) bàn HY TẾ; và (2) bàn để bày TIỆC THÁNH (bàn tiệc của Thiên Chúa). (xem thêm mục 288 Sách GLYL, mục 1383, 1410 Sách GLCG).

Đức Giêsu kết hiệp chúng ta vào chính Ngài. Khi chúng ta lãnh nhận Ngài, Ngài biến chuyển chúng ta nếu thực sự chúng ta khao khát Ngài làm điều ấy cho chúng ta. Đây là sự khác biệt giữa thức ăn Thánh thể và thức ăn thông thường. Khi chúng ta ăn thức ăn thông thường, chúng ta đưa chúng vào bụng rồi TIÊU HÓA chúng – chúng trở nên thành phần của cơ thể chúng ta. Nhưng nơi bí tích Thánh Thể, chính Đức Kitô ĐỒNG HÓA chúng ta. Khi Ngài nuôi dưỡng chúng ta, Ngài BIẾN CHUYỂN chúng ta vào chính Ngài, và như thế, Ngài làm cho chúng ta thành những chi thể khỏe mạnh của Nhiệm Thể Ngài. Nhờ sự biến chuyển từng chúng ta vào chính Ngài, Đức Kitô tạo nên SỰ KẾT HIỆP mật thiết nơi mọi thành viên của Hội Thánh.

3.2 Cần những điều kiện nào để được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa?

Mọi tín hữu phải dự Thánh Lễ ngày Chủ Nhật và những ngày lễ buộc theo luật Hội Thánh (xem thêm mục 289 Sách GLYL; mục 1389, 1417 Sách GLCG). Nếu hội đủ điều kiện như giáo luật qui định, các tín hữu được khuyên nên rước Mình Thánh Chúa mỗi khi dự Thánh Lễ. Theo giới răn của Hội Thánh, tín hữu phải rước lễ tối thiểu là một lần trong mùa Phục Sinh (xem thêm mục 290 Sách GLYL, mục 1389 Sách GLCG). Mục 291 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1385- 1389,1415) ghi rõ những điều kiện để được nhận lãnh bí tích Thánh Thể.

Ðể rước lễ, chúng ta phải [1] HOÀN TOÀN THUỘC VỀ Hội Thánh Công Giáo và [2] sống trong TÌNH TRẠNG ÂN SỦNG, nghĩa là PHẢI Ý THỨC MÌNH KHÔNG CÓ TỘI TRỌNG. Ai ý thức mình đã phạm một tội trọng, phải lãnh nhận bí tích Thống Hối trước khi rước lễ. Cũng cần phải có [3] SỰ TỊNH TÂM và CẦU NGUYỆN, [4] giữ sự CHAY TỊNH do Hội Thánh qui định và [5] có những thái độ bên ngoài xứng đáng (CỬ CHỈ, CÁCH ĂN MẶC) biểu lộ lòng tôn kính đối với Ðức Kitô.

Khi còn là Hồng Y, vị đương kim Giáo Hoàng đã minh giải trong tác phẩm của Ngài God is Near Us: the Eucharist, the Heart of Life (Thiên Chúa Kề Cận Chúng Ta: Bí Tích Thánh Thể, Trái Tim Của Sự Sống) rằng bí tích Thánh Thể là BỮA TIỆC CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC GIAO HÒA. Một bí tích khác là bí tích GIAO HÒA giúp các tín hữu chuẩn bị đầy đủ để dự Bàn Tiệc này trong trường hợp họ chưa được giao hòa với Thiên Chúa do mắc tội trọng.

Mục 1385 Sách GLCG dẫn lời của Thánh Phaolô (Thư Côrintô I, 11:27-29) khi nói về sự thiết yếu sống trong tình trạng ân sủng.

Do đó, bất cứ ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa một cách bất xứng thì xúc phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa. Ai nấy phải tự xét mình rồi hãy ăn Bánh Thánh và uống chén này. Ai ăn và uống mà không nhận định đó là Thân Thể Chúa, người đó ăn và uống án phạt cho mình.

Mục1386 Sách GLCG giảng giải thêm:

Trước sự cao trọng của bí tích này, tín hữu chỉ có thể lập lại lời của viên quan bách quản một cách khiêm tốn và với lòng tin mạnh mẽ: "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh." [Sách Lễ Roma, Nghi Thức Hiệp Lễ; xem thêm Mátthêu 8:8]. Trong Phụng Vụ Thánh của Thánh Gioan Kim Khẩu, các tín hữu cũng cầu nguyện trong tinh thần ấy:

Lạy Con Thiên Chúa, hôm nay cho con hiệp thông vào bàn tiệc huyền nhiệm của Chúa. Con không tiết lộ cho quân thù điều kín nhiệm của Chúa, cũng không tặng Chúa cái hôn của Giuđa. Nhưng như người trộm lành, con kêu lên cùng Chúa: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con trong Nước Chúa."

Thánh Augustine dạy rằng những ai muốn lãnh nhận bí tích Thánh Thể trước tiên phải có tinh thần THỜ PHƯỢNG và TÔN KÍNH.

Đức Kitô cầm chính mình Ngài trong tay khi Ngài trao mình Ngài cho các tông đồ và nói: "Này là Mình Ta." Vì thế, không ai được chia sẻ Mình Thánh này nếu không có lòng tôn thờ.

3.3 Bí tích Thánh Thể đem cho chúng ta những ơn ích gì?

Sách GLYL (mục 292; xem thêm GLCG mục 1391-1397, 1416) tóm lược những hoa trái của việc rước Mình Máu Thánh Chúa cách xứng đáng.

Việc rước lễ [1] làm tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Ðức Kitô và với Hội Thánh Người, [2] bảo toàn và canh tân đời sống ÂN SỦNG đã nhận được khi lãnh bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức, giúp tăng triển tình yêu đối với tha nhân. Việc rước lễ [3] làm chúng ta nên mạnh mẽ trong ĐỨC ÁI, xoá bỏ CÁC TỘI NHẸ và [5] gìn giữ chúng ta, trong tương lai, khỏi CÁC TỘI TRỌNG.

TỘI NHẸ là sự suy giảm đức mến. Khi Đức Kitô ngự đến linh hồn chúng ta, Ngài đem theo tình yêu. Như thế, lửa đức mến sẽ bùng phát và tội nhẹ bị xua tan. Sự tăng trưởng đức mến – thêm lòng kính yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân – sẽ giúp chúng ta tránh xa các dịp tội, kể cả những dịp khiến chúng ta phạm tội trọng.

3.4 Các Kitô hữu không thuộc Hội Thánh Công Giáo được lãnh nhận bí tích Thánh Thể hay không?

Sách GLYL (mục 293; xem thêm GLCG mục 1398-1401) trình bày hai trường hợp được chấp thuận: [1] tín hữu thuộc các Giáo Hội ĐÔNG PHƯƠNG CHƯA HIỆP THÔNG TRỌN VẸN với Hội Thánh Công Giáo; và [2] tín hữu thuộc các CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI. Lời dạy như sau:

Các thừa tác viên công giáo chỉ được phép trao ban bí tích Thánh Thể cho những người thuộc các Giáo Hội Ðông Phương, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, nếu như chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết. Còn đối với những người thuộc các cộng đoàn giáo hội khác, các thừa tác viên công giáo được phép trao ban bí tích Thánh Thể cho họ, khi có lý do quan trọng, và do chính họ tự ý xin và có đủ các điều kiện cần thiết, và họ cũng phải biểu lộ đức tin công giáo đối với bí tích Thánh Thể.

(Tham khảo thêm tại: http://en.wikipedia.org/wiki/Full_communionhttp://en.wikipedia.org/wiki/Eastern_Catholic_Churches).

3.5 Bí tích Thánh Thể là "bảo chứng cho vinh quang mai sau". Điều này có ý nghĩa gì?

Sách GLYL (mục 294; xem thêm GLCG mục 1402-1405) giảng giải:

Vì bí tích Thánh Thể đổ tràn trong chúng ta tất cả mọi ân sủng và sự chúc lành của trời cao, nên bí tích này củng cố chúng ta nên mạnh mẽ trên đường lữ hành trần gian, và làm cho chúng ta thêm lòng khao khát đời sống vĩnh cửu, khi đã liên kết chúng ta với Ðức Kitô, Ðấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, với Hội Thánh thiên quốc, với Ðức Trinh Nữ Maria diễm phúc và với tất cả các thánh.

Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta "bẻ cùng một tấm bánh là phương dược trường sinh bất tử và của ăn đem lại sự sống muôn đời trong Ðức Kitô." (Thánh Ignatio Antiokia).

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 271-294. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1322-1419. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996

Websites