Bài 23: Tìm Đến Ơn Tha Thứ, Tăng Triển Đời Sống Tâm Linh

Câu Hỏi Gợi Ý

    • Ai được quyền nghe xưng tội?
    • Ấn tín bí tích là gì? Có quan trọng không?
    • Tâm thế của linh mục khi ban bí tích giải tội?
    • Đâu là nơi thích hợp nhất để nhận lãnh bí tích giải tội?
    • Hội Thánh có đề ra những cách cẩn trọng nào khi nghe phụ nữ xưng tội hay không?
    • Chúng ta nhận được những ân sủng nào nơi bí tích này? Hiệu quả của bí tích này là gì?
    • Sự xưng tội đối với thiếu niên có nguy hại gì không?
    • Có cần khuyến khích sự siêng năng xưng tội hay việc đó chẳng lợi ích gì?
    • Lời dạy của Hội Thánh về sự xá giải chung là gì?
    • Nguồn gốc của sự xưng tội riêng?
    • Ân xá là gì?

1. Ai được quyền nghe xưng tội?

1.1 Kế nhiệm các Tông Đồ và Cộng Tác Viên với Giám Mục

Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL) (mục 307; xem thêm Sách Giáo Lý Công GiáoGLCG – mục 1461-1466, 1495) giảng giải:

Ðức Kitô đã ủy thác thừa tác vụ Giao Hòa cho các TÔNG ĐỒ của Người, cho các GIÁM MỤC kế nhiệm các ngài, và cho các LINH MỤC, là những cộng tác viên của giám mục. Như vậy, tất cả các vị ấy trở thành khí cụ của lòng thương xót và sự công chính của Thiên Chúa. Các ngài thực thi quyền tha thứ các tội lỗi nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.

Các linh mục phải được giám mục (hoặc đấng bề trên) hoặc Giáo Hoàng ban quyền mới được quyền nghe xưng tội. Chỉ những ai được Hội Thánh trao năng quyền xá giải mới có thể tha thứ các tội.

1.2 Các trường hợp đặc biệt: vạ tuyệt thông, vạ cấm chế hoặc vạ huyền chức

Một số tội lỗi, do tính chất nghiêm trọng của chúng, không những đã xúc phạm đến Thiên Chúa mà còn phải chịu sự phạt vạ của Hội Thánh nữa; những vạ này là: vạ tuyệt thông, vạ cấm chế hoặc vạ huyền chức. Linh mục nào đó mắc một trong những vạ trên sẽ không được phép cử hành các bí tích. Mục 1463 Sách GLCG giảng giải:

Có một số tội nặng đặc biệt ai phạm sẽ bị vạ tuyệt thông vốn là hình phạt nặng nhất theo giáo luật; vạ tuyệt thông CẤM [1] KHÔNG CHO NHẬN LÃNH CÁC BÍ TÍCH, và [2] KHÔNG ĐƯỢC THI HÀNH MỘT SỐ TÁC VỤ TRONG HỘI THÁNH, và theo giáo luật, việc xá giải hình phạt này chỉ có thể được ban bởi Đức Giáo Hoàng, bởi giám mục giáo phận hoặc các linh mục được các vị trên ủy quyền. TRONG TRƯỜNG HỢP NGUY TỬ, bất cứ linh mục nào, dù bị mất năng quyền nghe xưng tội, vẫn có thể xá giải mọi tội và vạ tuyệt thông. [xem Điều 976 Bộ Giáo Luật Công Giáo; và Điều 725 Bộ Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương]

Sau đây là những qui định của Bộ Giáo Luật về vấn đề trên.

ĐIỀU 1331

(1) Người mắc vạ tuyệt thông bị cấm:

1. không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy Tế Thánh Thể, hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác;

2. không được cử hành các bí tích hay á bí tích, và lãnh nhận các bí tích;

3. không được hành xử chức vụ, tác vụ, hay bất cứ nhiệm vụ nào, hay thi hành các hành vi cai quản.

(2) Sau khi vạ tuyệt thông đã được tuyên kết hay tuyên bố, phạm nhân:

1. muốn hành động nghịch lại quy định ở Khoản (1), Tiểu mục 1, thời phải bị trục xuất, hay lễ nghi phụng vụ phải đình chỉ, trừ khi có một lý do hệ trọng cản lại;

2. thi hành vô hiệu những hành vi cai quản mà chiếu theo quy tắc ở Khoản (1), Tiểu mục 3, đương sự không được phép làm;

3. bị cấm hưởng dụng các đặc ân được ban cấp trước đây;

4. không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo Hội;

4. không được lãnh nhận cách hữu hiệu một chức vị, chức vụ hay nhiệm vụ nào khác trong Giáo Hội;

ĐIỀU 1332

Người mắc vạ cấm chế thì bị ràng buộc bởi những lệnh cấm nói ở Điều 1331, Khoản (1), Tiểu mục 1 và 2. Sau khi vạ cấm chế đã tuyên kết hay tuyên bố, thì phải tuân giữ quy định ở Điều 1331, Khoản (2), Tiểu mục 1.

ĐIỀU 1333

(1) Vạ huyền chức chỉ có thể chi phối giáo sĩ; người mắc vạ này bị cấm:

1. hoặc tất cả hay vài hành vi của quyền thánh chức;

2. hoặc tất cả hay vài hành vi của quyền cai quản;

3. thi hành tất cả hay vài quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với một chức vụ.

(2) Trong luật pháp hay mệnh lệnh có thể ấn định rằng, sau khi án văn tuyên kết hay tuyên bố, người bị huyền chức không thể ban hành hữu hiệu quyết định cai quản.

(3) Sự ngăn cấm chẳng bao giờ chi phối:

1. những chức vụ hay quyền cai quản nào không lệ thuộc vào quyền hành của Bề Trên thiết lập hình phạt;

2. quyền cư ngụ, nếu phạm nhân đã có chỗ ở chiếu theo chức vụ;

3. quyền quản trị những tài sản gắn liền với chức vụ của người bị huyền chức, nếu đây là vạ huyền chức tiền kết.

(4) Sự huyền chức nào ngăn cấm lãnh nhận lợi lộc, lương, hưu bổng, hay các thứ khác, thì cũng bao hàm nghĩa vụ phải hoàn lại mọi thứ đã lãnh nhận bất hợp pháp, cả khi vì ngay tình.

ĐIỂU 1334

(1) Trong tầm mức được ấn định bởi điều luật trên đây, lãnh vực của vạ huyền chức sẽ được xác định do chính luật hay mệnh lệnh, hoặc do án văn hay nghị định tuyên kết.

(2) Luật, chứ không phải mệnh lệnh, có thể ấn định một vạ huyền chức tiền kết, mà không thêm sự xác định hay giới hạn nào khác; trong trường hợp ấy, hình phạt sẽ có tất cả mọi hiệu quả kê khai ở Điều 1333, Khoản (1).

ĐIỀU 1335

Nếu một vạ cấm cử hành các Bí Tích hay Á Bí Tích hay cấm thi hành một hành vi cai quản, thì vạ cấm này sẽ được đình chỉ mỗi khi cần phải giúp người tín hữu đang trong tình trạng nguy tử. Ngoài ra, nếu hình phạt tiền kết chưa được công bố, thì vạ cấm này cũng sẽ được đình chỉ mỗi khi có người tín hữu xin lãnh Bí Tích hay Á Bí Tích, hay hành vi cai quản; người tín hữu được phép xin như thế khi có bất cứ lý do chính đáng nào.

Vạ tuyệt thông, vạ cấm chế hoặc vạ huyền chức có thể thuộc một trong hai hình thức sau:

    1. Hình phạt tiền kết (Latae sententiae) (nói một cách dễ hiểu là “hình phạt đã định”). Khi đương sự phạm tội thì mặc nhiên mắc hình phạt do luật qui định. [Xem Điều 1314 Bộ Giáo Luật]
    2. Hình phạt hậu kết (Ferendae sententiae) (nói một cách dễ hiểu là “sau khi tuyên án”). Khi đương sự phạm tội và theo luật định là sẽ mắc vạ hậu kết, thì hình phạt chỉ có hiệu lực sau khi án được tuyên bởi giáo quyền. [Xem Điều 1314 Bộ Giáo Luật]

Trong Bộ Giáo Luật hiện hành, có 8 trường hợp liên quan tới vạ tuyệt thông tiền kết (excommunication latae sententiae). Trừ những trường hợp miễn trừ được qui định ở các điều 1321- 1330, thì những người sau đây sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết:

    1. người bội giáo, lạc giáo hoặc ly giáo (xem Điều 1364);
    2. người ném bỏ bánh thánh, hoặc lấy và giữ với mục đích phạm thánh. Việc tha cho sự chế tài này thuộc quyền của Tòa Thánh (tức là chỉ Đức Giáo Hoàng mới có thể giải vạ tuyệt thông này) (xem Điều 1367);
    3. người hành hung Đức Giáo Hoàng; vạ này cũng chỉ được tha bởi Tòa Thánh (xem Điều 1370);
    4. linh mục xá giải cho người đồng lõa về tội phạm điều răn thứ Sáu (ngoại trừ trong trường hợp người đồng lõa lâm cơn nguy tử) sẽ mắc vạ tuyệt thông; sự giải vạ này thuộc quyền của Tòa Thánh. Theo Điều 977 Bộ Giáo Luật, sự giải tội của linh mục trong trường hợp này không những sai luật mà còn không thành sự nữa (xem Điều 977 và Điều 1378). Ðiều 1387 qui định rằng linh mục nào trong khi giải tội, hay nhân dịp giải tội, hay lấy cớ giải tội, mà dụ dỗ hối nhân phạm giới răn thứ sáu, thì tùy theo mức độ, sẽ bị phạt vạ huyền chức, cấm quyền, tước quyền và, trong những trường hợp nặng hơn, phải bị khai trừ khỏi hàng giáo sĩ. Chúng ta cũng nên đọc những điều cấm sau đây liên quan tới vấn đề này trong Bộ Giáo Luật:
      1. ĐIỀU 1395
      2. (1) Một giáo sĩ tư tình, ngoại trừ trường hợp nói ở điều 1394, và giáo sĩ thường xuyên ở trong tội phạm giới răn thứ sáu và gây gương xấu, sẽ bị vạ huyền chức tiền kết. Và nếu sau khi bị cảnh cáo mà còn tiếp tục lỗi phạm, có thể bị phạt thêm dần dần những hình phạt khác nữa cho đến khi khai trừ khỏi hàng giáo sĩ.
      3. (2) Giáo sĩ qua cách này hay cách khác vi phạm giới răn thứ sáu, nếu đã phạm tội bằng bạo hành, hay ngăm đe, hoặc cách công khai hoặc với một vị thành niên dưới mười sáu tuổi, sẽ bị phạt những hình phạt xứng đáng, kể cả sự khai trừ khỏi hàng giáo sĩ, nếu hoàn cảnh đòi hỏi.
    5. giám mục phong chức giám mục cho một ai đó mà không có ủy nhiệm thư của Giáo Hoàng; và người nhận lãnh chức thánh từ giám mục này [Điều 1382];
    6. linh mục giải tội vi phạm trực tiếp ấn tín bí tích giải tội; vạ này chỉ được xóa bởi Tòa Thánh [Điều 1388]
    7. người thực hiện việc phá thai hoàn tất [Điều 1398]
    8. khi có hình phạt tiền kết gắn với tội phạm thì những đồng lõa không được luật hay mệnh lệnh đề cập đến cũng phải chịu hình phạt ấy trong trường hợp là nếu không có sự tham gia của họ thì việc phạm tội đã không xảy ra. [Điều 1329]

Đức Giáo Hoàng có quyền tuyên phạt một số trường hợp phạm tội khác là mắc vạ tuyệt thông tiền kết.

Về VẠ CẤM CHẾ tiền kết, những vi phạm sau đây sẽ phải lãnh vạ này:

    1. dùng vũ lực hành hung giám mục [Khoản (2), Điều 1370];
    2. cử hành Hy Tế Thánh Thể, hoặc ban bí tích giải tội khi không phải là linh mục [Điều 1378];
    3. cáo gian linh mục giải tội về việc dụ dỗ hối nhân phạm Điều Răn thứ 6. [Điều 1390]; và
    4. tu sĩ đã khấn trọn đời nhưng toan tính kết hôn [Khoản (2) Điều 1394]

Như đã trình bày ở trên, đương sự mắc vạ tiền kết ngay khi phạm vào tội có hình phạt này mà không cần Giáo Quyền tuyên kết. Tuy nhiên, trường hợp nào mà Giáo Quyền tuyên bố vạ tiền kết thì án phạt sẽ nặng hơn nhiều. (xem Khoản (2) Điều 1331).

Khi ai đó rơi vào trường hợp nguy tử, linh mục nào cũng có thể xá giải cho người đó mọi tội lỗi và vạ tuyệt thông (xem thêm GLYL mục 308; GLCG mục 1463)

1.3 Bổn phận của tư tế - khuyến khích lãnh nhận bí tích Thống Hối, luôn sẵn sàng cử hành nghi thức ban ơn tha thứ, và thôi thúc sự tăng triển đời sống tâm linh

Mục 1464 Sách GLCG viết:

Các tư tế phải khuyến khích các tin hữu đến với bí tích Thống Hối và phải luôn sẵn sàng cử hành bí tích này mỗi khi các Kitô hữu yêu cầu một cách hợp lý.[xem thêm Điều 486 Bộ Giáo Luật Công Giáo; Điều 735 Bộ Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương, Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis) 13]

Ngày 25 tháng 3 năm 2011, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói chuyện với các anh em giáo sĩ:

Các tín hữu và tinh thần của các linh mục luôn sẵn sàng nghe xưng tội – theo gương của những vị thánh cả trước đây, từ Thánh John Mary Vianney đến Thánh John Bosco, từ Thánh Josemaria Escriva tới Thánh Pius of Pietrelcina, từ Thánh Joseph Cafasso tới Thánh Leopold Mandic – cho tất cả chúng ta thấy rằng tòa giải tội đúng là nơi để thánh hóa.

Trong Thư Gửi Các Giáo Sĩ (Letter to Priests ) (số 4) vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2002, Đức Giáo Hoàng Chân Phước Gioan Phaolô II đã khuyến khích các giáo sĩ hãy tự mình cảm nghiệm bí tích này. Ngài viết:

Với niềm hân hoan và tin cậy, chúng ta hãy cùng nhau khám phá lại bí tích này. Chúng ta hãy cảm nghiệm nó trước tiên là VÌ CHÍNH MÌNH, hãy cảm nghiệm nó như một MỘT NHU CẦU TRONG THÂM TÂM, như một hồng ân mà chúng ta luôn kiếm tìm để phục hồi sức mạnh và nhiệt tâm giúp chúng ta vững bước trên con đường nên thánh và chu toàn sứ vụ. (chữ in hoa do người trích dẫn nhấn mạnh ý)

Đồng thời, chúng ta cần nỗ lực tối đa để trở nên NHỮNG THỪA TÁC VIÊN ĐÍCH THỰC CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA. Chúng ta biết rằng nơi bí tích này, cũng như nơi các bí tích khác, chúng ta được mời gọi trở nên những người chuyển ân sủng không phải đến từ chúng ta mà đến từ Đấng trên cao, và ân sủng này tác động với nội lực của chính nó. Nói cách khác – và điều này chính là trọng trách – THIÊN CHÚA NHỜ CHÚNG TA, nhờ vào tinh thần sẵn sàng và lòng kiên trung của chúng ta để thực hiện những việc kỳ diệu trong tâm hồn con người. Khi cử hành bí tích này, và có lẽ kể cả các bí tích khác, điều quan trọng là các tín hữu có được sự cảm nghiệm mãnh liệt về hình ảnh của Đức Kitô, Đấng Chăn Chiên Lành.

1.4 Tư tế -- dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Thiên Chúa

Các tư tế nên thường xuyên suy ngẫm những lời sau đây viết ở mục 1465 Sách GLCG:

Khi cử hành bí tích Thống Hối, tư tế chu toàn thừa tác vụ của vị Mục Tử Nhân Lành đi tìm con chiên lạc, của người Samaritano nhân hậu băng bó các vết thương, của Người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng và đón nhận nó khi nó trở về, và của vị thẩm phán công chính không thiên vị luôn xét xử công bằng và khoan dung. Tư tế là dấu chỉ và là khí cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

1.5 Vị giải tội lý tưởng

Mục 1466 Sách GLCG trình bày những đặc tính của vị giải tội như sau:

Vị giải tội không phải là chủ nhân, nhưng là thừa tác viên của ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thừa tác viên của bí tích này phải gắn bó mình với ý hướng và tình yêu của Đức Kitô [Sắc Lệnh Về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục 13]. Vị này phải có một sự hiểu biết đã được kiểm chứng về luân lý Kitô giáo, có kinh nghiệm về những vấn đề nhân bản, biết tôn trọng và cảm thông với người sa ngã; vị này phải yêu sự thật, trung thành với Huấn Quyền của Hội Thánh và kiên trì giúp hối nhân chữa lành và lớn mạnh trọn vẹn; đồng thời, cầu nguyện và đền tội cho hối nhân, phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thánh Bộ Giáo Sĩ (The Congregation for the Clergy) ấn hành một văn phẩm viết về các đấng giải tội rất đáng để đọc; đó là cuốn--The Priest, Minister of Divine Mercy (Tư Tế, Thừa Tác Viên Của Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa).

1.6 Bí mật được giữ kín nhất thế giới

Mục 1467 Sách GLCG viết:

Vì sự thánh thiêng và cao cả của thừa tác vụ này, và vì sự tôn trọng đối với con người, Hội Thánh tuyên bố rằng mọi linh mục nghe xưng tội bắt buộc phải giữ bí mật tuyệt đối về các tội mà hối nhân đã xưng với họ, nếu lỗi phạm điều này sẽ bị những hình phạt nghiêm khắc nhất. Linh mục cũng không được sử dụng những hiểu biết mà việc xưng tội cung cấp cho họ về đời sống của các hối nhân [Điều 1388 # 1 Bộ Giáo Luật; Điều 1456 Bộ Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương]. Bí mật này, không chấp nhận các luật trừ, được gọi là “ấn tín bí tích”, bởi vì những gì hối nhân tỏ bày với linh mục đều được “niêm ấn” bởi bí tích.

Như đã nói ở trên, sự vi phạm trực tiếp đến bí mật giải tội sẽ bị Tòa Thánh tuyên kết vạ tuyệt thông tiền kết. Vạ này chỉ được tha bởi Đức Gáo Hoàng.

1.7 Tòa giải tội

Bộ Giáo Luật qui định về nơi giải tội như sau:

ĐIỀU 964

(1) Nơi dành riêng để xưng tội là nhà thờ hay nhà nguyện.

(2) Hội Ðồng Giám Mục phải ra những quy luật liên hệ đến tòa giải tội, liệu sao để có tòa giải tội đặt nơi công khai và với một vách ngăn giữa hối nhân và cha giải tội, ngõ hầu các tín hữu có thể tự do đến tòa giải tội khi họ muốn.

(3) Không được nhận xưng tội ở ngoài tòa giải tội, trừ khi có lý do chính đáng.

Tòa giải tội tôn trọng tính riêng tư của hối nhân – đây là quyền của hối nhân. Hơn nữa, với đặc tính như thế, tòa giải tội rất phù hợp để linh mục nghe xưng tội, nhất là trong trường hợp giải tội cho hối nhân là nữ.

2. Hiệu quả của Bí Tích này là gì?

Mục 310 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1468-1470, 1496) liệt kê hiệu quả của bí tích này như sau:

Hiệu quả của bí tích Thống Hối là:

1. được giao hòa với Thiên Chúa; và như vậy

2. được tha thứ tội lỗi;

3. được giao hòa với Hội Thánh;

4. được trở lại tình trạng ân sủng nếu như đã mất;

5. được tha thứ hình phạt đời đời đáng phải chịu do các tội trọng đã phạm, và

6. được tha thứ phần nào những hình phạt tạm thời bởi hậu quả của tội;

7. được bình an, thư thái trong lương tâm, được an ủi tinh thần; và

8. được gia tăng sức mạnh thiêng liêng để chiến đấu trong cuộc lữ hành dưới thế.

Một hiệu quả quan trọng khác nữa của bí tích này là sự lớn mạnh về hiểu biết bản thân và sự cảm nhận sâu xa về tính thiện hảo và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính vì thế, bí tích này giúp chúng ta tăng triển đức khiêm nhường vốn là nhân đức nền tảng của TẤT CẢ nhân đức khác. Dẹp bỏ tính kiêu ngạo là một CUỘC ĐẤU TRANH SUỐT ĐỜI, nên sự xưng tội chính là bạn đồng hành trung kiên giúp chúng ta đạt chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ đấu tranh với bản thân. Trong lần nói chuyện với những thiếu niên tại thánh lễ ban Phép Thánh Thể lần đầu cho các em vào tháng 10 năm 2005, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói về bí tích giải tội như sau:

Như Cha đã nói, dù không nhất thiết phải đi xưng tội trước mỗi lần rước lễ, nhưng sẽ rất hữu ích nếu chúng ta siêng năng xưng tội. Vì lẽ này: tội lỗi của chúng ta lúc nào cũng như thế; tương tự như bụi bặm trong nhà, trong phòng chúng ta lúc nào cũng là những bụi dơ ấy, chúng ta không lau chùi hằng ngày chăng nữa thì ít ra cũng phải lau chùi một tuần một lần để chúng ta sống trong sạch sẽ, để chúng ta có sự khởi đầu mới. Nếu không, bụi dơ mặc dù thoạt đầu không nhìn thấy được nhưng sẽ tích tụ thành nhưng lớp dày rất khó lau sạch.

Có thể nói tương tự như thế về phần linh hồn. Chính bản thân Cha cũng vậy: Nếu Cha chẳng hề đi xưng tội, phần hồn của Cha sẽ bị bỏ bê và rồi Cha luôn tự mãn với chính mình và dần dần không còn nhận ra rằng mình phải luôn nỗ lực để ngày càng thiện hảo, để ngày càng tăng triển trong đời sống thiêng liêng. Và sự thanh tẩy linh hồn mà Đức Giêsu ban cho chúng ta trong bí tích giải tội sẽ giúp lương tâm chúng ta luôn tỉnh thức, luôn rộng mở, và như thế, bí tích này giúp chúng ta lớn mạnh trong đời sống thiêng liêng và trong đời sống nhân thế.

3. Ân xá

3.1 Ân xá là gì?

Mục 312 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1471-1479) minh giải về ân xá như sau:

Ân xá là việc tha thứ trước mặt Thiên Chúa khỏi những hình phạt tạm đáng chịu vì những tội lỗi đã phạm, dù đã được tha thứ. Với những điều kiện được Hội Thánh quy định, người tín hữu có thể lãnh nhận ơn tha thứ này cho chính mình hay cho những người đã qua đời, nhờ thừa tác vụ của Hội Thánh, như là người phân phát ơn cứu chuộc và chia sẻ kho tàng công phúc của Ðức Kitô và các thánh.

3.2 Vì sao lại cần đến sự ân xá?

Mục 1472 và 1473 Sách GLCG giảng giải giáo lý về ân xá như sau:

Để hiểu giáo lý và việc thực thi này của Hội Thánh, chúng ta cần biết rằng TỘI LỖI CÓ HẬU QUẢ KÉP.

[1] Tội trọng làm cho chúng ta không được hiệp thông với Thiên Chúa, và vì sự ấy, chúng ta không được hưởng sự sống muôn đời; sự mất mát này được gọi là “hình phạt đời đời” do tội lỗi.

[2] Mặt khác, mọi tội lỗi, dù là tội nhẹ, đều kéo theo nó một sự gắn bó lệch lạc với các thụ tạo nên cần được thanh tẩy ngay ở đời này hoặc sau khi chết trong tình trạng gọi là Luyện Ngục. Sự thanh tẩy này giải thoát khỏi điều được gọi là “hình phạt tạm thời” do tội.

Hai hình phạt này không được quan niệm là cách báo thù nào đó do Thiên Chúa giáng xuống từ bên ngoài, nhưng phải hiểu đó là do chính bản chất của tội. Sự hối cải do đức mến nồng nhiệt có thể đưa đến sự thanh tẩy trọn vẹn cho tội nhân tới mức không còn hình phạt nào tồn tại nữa. [Công Đồng Trent (1551): DS1712-1713; (1563):1820]

Sự tha thứ tội lỗi và tái lập hiệp thông với Thiên Chúa giúp chúng ta được tha các hình phạt đời đời gây ra bởi tội, nhưng các hình phạt tạm thời vẫn còn. Trong khi nhẫn nại chịu đựng những đau khổ và thử thách đủ loại, và trong việc đón nhận cái chết với tâm hồn thanh thản khi ngày đó đến, Kitô hữu cần cố gắng đón nhận những hình phạt tạm do tội như một ân sủng. Họ cần ra sức cởi bỏ hoàn toàn “con người cũ” và mặc lấy “con người mới” bằng những việc làm bác ái và khoan dung, bằng lời cầu nguyện và bằng nhiều hình thức sám hối khác nhau.

Ân xá giúp chúng ta không phải chịu hình phạt tạm gây ra bởi tội.

Mục 1474 - 1479 Sách GLCG nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không đơn độc trong quá trình thanh luyện. Trước hết, chúng ta nhờ cậy công phúc vô biên của Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Ngoài ra, những con người nơi thế trần còn được hưởng nhờ công phúc và lời cầu nguyện của các thánh trên Nước Trời. Còn những linh hồn nơi luyện ngục (được gọi là Hội Thánh Khổ Đau) nhờ cậy vào lời cầu nguyện của Hội Thánh trên Thiên Quốc (còn gọi là Hội Thánh Khải Hoàn), và của Hội Thánh thế trần (còn gọi là Hội Thánh Chiến Đấu).

4. Phụng vụ bí tích

Nghi lễ phụng vụ thường bao gồm các yếu tố sau (GLCG mục 1480)

lời chào hỏi và chúc lành của tư tế, việc đọc lời Chúa để soi sáng lương tâm và khơi dậy lòng ăn năn, và việc khuyên nhủ thống hối; việc xưng tội gồm nhìn nhận và xưng ra với tư tế; tư tế ấn định và hối nhân chấp nhận việc đền tội; lời xá giải của tư tế; hối nhân ca ngợi tạ ơn và ra về với phép lành của tư tế.

Trong Giáo Hội Latin (Giáo Hội Công Giáo Roma), có ba Nghi Thức Giao Hòa:

    1. Nghi thức Giao Hòa cho từng hối nhân. Trong Tông Huấn Reconciliatio et Poenitentia (mục 33; xem thêm GLCG mục 1484), Chân Phước Gioan Phaolô II khẳng định:
      1. Việc xưng tội riêng và đầy đủ cùng với sự xá giải riêng tạo thành phương cách thông thường và duy nhất mà nhờ đó các tín hữu sau khi đã nhận biết và thống hối về tội trọng mình đã phạm sẽ được giao hòa với Thiên Chúa và với Hội Thánh. Qua sự minh định trong lời dạy này của Hội Thánh, chúng ta hiểu rõ là mọi tội trọng và hoàn cảnh phạm tội phải được thú nhận trong buổi xưng tội riêng.
    2. Ngài còn giảng giải về giá trị của sự xưng tội riêng trong nhiều lần khác nữa, điển hình là trong Thư Gửi Các Giáo Sĩ (năm 2002, số 9):
      1. Dưới ánh sáng của những điều vừa trình bày, chúng ta thấy rõ vì sao SỰ GẶP RIÊNG giữa linh mục giải tội và hối nhân là phương cách thông dụng nhất của bí tích Giao Hòa trong khi sự xá giải chung chỉ được thực hiện trong những trường hợp đặc biệt. Chúng ta đều biết là sự thực hiện nghi thức thống hối của Hội Thánh chuyển dần sang việc cử hành thống hối riêng sau nhiều thế kỷ nghi thức thống hối chung là phương thức phổ quát. Sự tiến triển này không những không làm thay đổi bản chất của bí tích này – mà làm sao lại có thể làm biến đổi bản chất đó được! – mà thực ra còn thể hiện bản chất đó rõ nét hơn và hữu hiệu hơn. Điều này diễn ra không thể không có sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, Đấng thực hiện sứ vụ đưa Hội Thánh “tới sự thật toàn vẹn”. (Gioan 16:13)
      2. Phương thức Giao Hòa thông thường này không những thể hiện trọn vẹn SỰ THẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA và ơn tha thứ phát sinh từ đó, mà còn làm tỏa rạng SỰ THẬT VỀ CON NGƯỜI ở một trong những khía cạnh cơ bản nhất. Con người sống trong một môi trưởng gồm những mối quan hệ và các cộng đồng khác nhau, nhưng nét riêng, nét độc đáo của từng người không bao giờ bị mất đi trong khối đại chúng vô định hình. Điều này giải thích cho tiếng vọng sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta KHI CHÚNG TA NGHE MÌNH ĐƯỢC GỌI ĐÚNG TÊN. Khi nhận ra rằng chúng ta được biết tên và được đón nhận đúng con người của chúng ta với những cá tính riêng của mình, chúng ta mới cảm thấy đúng nghĩa của cuộc sống. Sự cử hành mục vụ luôn xem trọng điều này cốt để tạo sự cân bằng hài hòa giữa thời gian cộng đoàn tề tựu vốn là thời điểm nhấn mạnh sự hiệp thông của Hội Thánh, với những thời điểm khác nhằm chăm lo nhu cầu của cá nhân. Ai cũng muốn được công nhận và được lưu tâm, và chính sự gần gũi với họ sẽ giúp họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa mãnh liệt hơn.
      3. Nhìn từ khía cạnh, Bí Tích Giao Hòa là MỘT TRONG NHỮNG PHƯƠNG THẾ HỮU HIỆU NHẤT GIÚP PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH. Nơi bí tích này, thông qua sự hiện hiện và lời nói của linh mục, Đấng Chăn Chiên Lành tiếp cận từng người nam, người nữ và đàm đạo riêng với họ; một cuộc đàm đạo cần sự lắng nghe, khuyên nhủ, an ủi và tha thứ. Tình yêu của Thiên Chúa là như thế; tình yêu của Ngài có thể dành riêng cho cá nhân nào đó nhưng chẳng khi nào không đến với mọi người khác. Những ai nhận được sự xá giải từ bí tích Giao Hòa đều cảm thấy SỰ NỒNG ẤM CỦA SỰ QUAN TÂM RIÊNG NÀY. Họ cảm nhận được sự ôm chặt của vòng tay người cha dành cho đứa con hoang đàng mới trở về với lòng thống hối: “Người cha…… ôm chặt lấy anh ta và hôn.” (Luca 15:20). Họ nghe được giọng nói ấm áp và thân tình đã nói với người thu thuế tên là Dakêu, và mời gọi đích danh ông ta vào cuộc sống mới.” (xem thêm Luca 19:5)
    3. Nghi thức Giao Hòa cho nhiều hối nhân nhưng với sự Xưng Tội và Xá Giải Riêng. Sách GLCG (mục 1482) trình bày hình thức này như sau:
      1. 2. Bí tích Thống Hối cũng có thể diễn ra trong khung cảnh một cử hành cộng đoàn, trong đó các hối nhân cùng nhau chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ sau khi được ơn tha thứ. Ở đây, việc xưng tội cá nhân và việc xá giải từng người được chen vào trong một cử hành phụng vụ Lời Chúa, với các bài đọc và bài giảng, xét mình chung, cùng nhau xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng nhau tạ ơn. Việc cử hành cộng đoàn này diễn tả rõ nét hơn chiều kích Hội Thánh của việc thống hối. Tuy nhiên, dẫu cử hành cách nào, bí tích Thống Hối, tự bản chất của nó, vẫn luôn luôn là một hành động phụng vụ, vì vậy luôn có chiều kích và có tính công khai. [xem thêm Sacrosanctum Concilium 26-27]
    4. Nghi thức Giao Hòa với sự Xưng Tội Chung và Sự Xá Giải Chung. Hình thức lạ thường này được trình bày đầy đủ ở mục 1483 Sách GLCG.
      1. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cử hành bí tích giao hòa tập thể tức là xưng tội chung và xá giải chung. Trường hợp có nhu cầu bức thiết này có thể nảy sinh khi trong cơn nguy tử mà một hay nhiều tư tế không đủ thời giờ nghe từng hối nhân xưng tội. Trường hợp có nhu cầu bức thiết này cũng có thể nảy sinh khi có đông hối nhân mà không có đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội đúng cách trong một thời gian thích hợp, để rồi các hối nhân không được lãnh ơn của bí tích hoặc không được rước lễ trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ. Trong trường hợp này, để việc xá giải được thành sự, các tín hữu phải quyết tâm là phải đi xưng tội riêng những tội trọng của mình vào thời gian thích hợp. [xem thêm Điều 962 # 1 Bộ Giáo Luật]. Giám mục giáo phận có quyền thẩm định nhũng điều kiện cần thiết để giải tội tập thể. [xem thêm Điều 961#2 Bộ Giáo Luật]. Số lượng đông đảo các tín hữu trong những dịp lễ lớn hay các cuộc hành hương không được xem là trường hợp có nhu cầu bức thiết. [Điều 961#1 Bộ Giáo Luật]

Cũng trong Thư Gửi Các Giáo Sĩ năm 2002 nói trên, Chân Phước Gioan PhaoLô II viết:

Ưu thế của sự xưng tội riêng được tăng cao bởi NHU CẦU VỀ GIAO TIẾP CÁ NHÂN; sự giao tiếp này ngày càng trở nên hiếm trong nhịp tiến triển hối hả của xã hội công nghệ hiện nay, nhưng cũng chính vì lý do đó mà sự giao tiếp cá nhân đang trở thành một nhu cầu thiết yếu. Chắc chắn có nhiều phương cách đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, sao chúng ta lại không nhận ra rằng Bí Tích Giao Hòa có thể đưa ra một đáp ứng vô cùng phong phú cho nhu cầu này? – ở đây, chúng ta đừng lầm lẫn bí tích này với những phương cách tâm lý trị liệu. Bí Tích Giao Hòa làm được như thế bởi đưa được hối nhân tiếp cận với trái tim hằng thương xót của Thiên Chúa thông qua khuôn mặt thân ái của người anh em.

Quả thật, cao vời thay sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Đấng mà qua việc lập ra bí tích này đã dự liệu đáp ứng nhu cầu thâm sâu và không hề ngơi của tâm hồn con người. Chúng ta thực sự là những người diễn giải đầy thương yêu và sáng tỏ về sự khôn ngoan này của Thiên Chúa thông qua sự giao tiếp cá nhân mà chúng ta được mời gọi thực hiện với rất nhiều anh chị em trong việc cử hành bí tích Thống Hối. Về phương diện này, Cha muốn nhắc lại rằng nghi thức thông thường để ban bí tích này là nghi thức xưng tội riêng, và chỉ trong “những trường hợp rất cần thiết” mới được phép áp dụng nghi thức cử hành thống hối cộng đoàn với sự xưng tội chung và sự xá giải chung. Những điều kiện qui định cho hình thức xá giải này đã được biết rõ, nhưng có lẽ, chúng ta nên nhớ kỹ điểm này là để sự xá giải được thành sự thì tín hữu phải có quyết tâm sau đó sẽ đi xưng những tội trọng mình đã phạm trong một buổi giải tội riêng. (xem thêm mục 1483 Sách GLCG)

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 307-312. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1461-1498. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996
    • Bộ Giáo Luật (The Code of Canon Law), bản dịch Việt ngữ của Đức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Đức Vinh

Websites