Bài 13: Một thân thể, nhiều ân sủng khác nhau

Câu hỏi hướng dẫn

  • Tin hữu là những ai?
  • Chúng ta được mời gọi làm gì qua bí tích Thanh Tẩy?
  • Vai trò của hàng giáo phẩm trong giáo hội là gì?
  • "Huấn Quyền" (Magisterium) nghĩa là gì?
  • Vai trò của Huấn Quyền?
  • Phải chăng Đức Giáo Hoàng không thể sai lầm (bất khả ngộ) mỗi khi Ngài phán dạy?
  • Ai tạo lập huấn quyền?
  • Sự kiểm duyệt (các vấn đề thuộc tín lý) là việc tốt hay dở?
  • Quyền hạn của hàng giáo phẩm là gì?
  • Giáo dân là những ai? Điều gì nói lên phẩm tính của họ?
  • Họ có ơn kêu gọi thực sự phải không?
  • Mục đích của ơn kêu gọi giáo dân là gì?
  • Người nội trợ có thể nên thánh không?
  • Điều gì thể hiện tính chất của ơn kêu gọi bậc tu trì?
  • (Tín điều) các thánh thông công (sự hiệp thông các thánh) nghĩa là gì?
  • Những ích lợi của sự hiệp thông các thánh là gì?
  • Giáo Hội có thể tha thứ mọi tội lỗi không?
  • Những áp dụng thực tiễn tình yêu của chúng ta đối với Giáo Hội là gì?
  • Phải chăng phê phán giáo hội là một điều hay?
  • Quan điểm của Giáo Hoàng có giá trị như quan điểm của bất kỳ giám mục nào không? Nếu có thì vì sao như thế?
  • Chúng ta biểu lộ lòng yêu thương đối với Giáo Hoàng bằng cách nào?
  • Và biểu lộ lòng yêu thương đối với giám mục bằng cách nào?

GIÁO HỘI (II)

1. Sự bình đẳng và tính đa dạng của tín hữu

1.1 Kitô Hữu

Tín hữu là những ai?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 117; xem thêm Sách Giáo Lý Công Giáo _ GLCG 871-872) viết:

Kitô hữu là những người, do đã được kết hợp trong Đức Kitô nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, hình thành nên dân Thiên Chúa; vì lẽ này nên từ lúc họ là những người dự phần vào chức vụ vương đế, tiên tri và tư tế của Đức Kitô bằng chính thái độ của họ, họ được mời gọi thực thi sứ mệnh mà Thiên Chúa giao phó cho Giáo Hội. Trong họ có sự bình đẳng đích thực về phẩm giá vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa.

Ở đây chúng ta cần lưu ý một vài điểm:

    • Họ được kết hợp trong Đức Kitô. Họ trở nên phần thân thể của Đức Kitô. Chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của việc này khi liên tưởng tới sự tiêu hóa của cơ thể chúng ta. Thí dụ, chúng ta ăn bánh mì hamgurger hoặc ăn gà rán. Chúng được tiêu hóa và trở thành phần cơ thể của chúng ta; chúng được kết hợp với con người. Từ thịt loài vật nấu chín, chúng trở nên thành phần của con người. Bí tích Thanh Tẩy ”nâng cấp“ chúng ta; làm chúng ta trở nên thánh thiện.
    • Là thành phần trong thân thể Đức Kitô, mỗi tín hữu không những được dự phần vào sự HIỆP NHẤT, mà còn được dự phần vào VAI TRÒ và TRỌNG TRÁCH của cả cơ thể, tức là Đức Kitô. Đức Kitô có ba chức vụ là chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế, nên tất cả những ai đã chịu Phép Rửa (Bí tích Thanh Tẩy) và trở nên chi thể của Ngài đều dự phần vào ba chức năng này.

1.2 Tất cả mọi thành viên đều như nhau phải không?

Một sinh thể có nhiều phần khác nhau góp phần vào việc thực hiện chức năng của cơ thể. Tương tự như thế, các thánh phần của Giáo Hội có nhiều cách khác nhau để thực hiện các chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL, 178; xem thêm Sách Giáo Lý Công Giáo, GLCG 873, 934), viết:

Trong số các tín hữu theo định chế thánh thiêng có những THỪA TÁC VIÊN CÓ CHỨC THÁNH (sacred Ministers), là những người nhận bí tích Truyền Chức Thánh, và hình thành hàng giáo phẩm của Giáo Hội. Các thành phần khác được gọi là GIÁO DÂN. Trong hàng giáo phẩm và hàng giáo dân có những tín hữu TẬN HIẾN cách riêng cho Thiên Chúa qua việc sống theo lời khuyên Phúc Âm (evangelical counsels); đó là: khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời.

2. Cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội

Qua bài Dẫn Nhập 4, chúng ta biết Đức Giêsu Kitô chọn 12 tông đồ như thế nào, và biết Ngài đã đưa Phêrô lên làm người đứng đầu Cộng Đoàn Tông Đồ (College of Apostles) như thế nào. Sau đó nảy sinh sự cần thiết phải có những người trợ giúp các vị kế nhiệm các tông đồ trong sứ mệnh là mục tử, tức là các giám mục.

2.1 Vì sao Đức Kitô lập hàng giáo phẩm?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL, 179; xem thêm GLCG 874-876,935) dạy:

Đức Kitô thiết lập hàng giáo phẩm với sứ mệnh là dạy bảo dân Thiên Chúa nhân danh Ngài; và vì mục đích này, Ngài ban quyền cho hàng giáo phẩm. Hàng giáo phẩm hợp bởi những thừa tác viên có chức thánh: giám mục, linh mục, và phó tế (deacons). Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các giám mục và linh mục thi hành sứ vụ của mình nhân danh Đức Kitô và trong Đức Kitô là Đầu Hội Thánh. Các phó tế chăm sóc dân Chúa trong việc phục vụ Lời Chúa, phụng vụ và đức bác ái.

Thánh Phaolô giải thích trong Thư Rôma (10:14-15):

Làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Ðẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng.

Chúng ta cũng nên đọc lại mục 875 trong Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG ):

Không ai tự cho mình lệnh và sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Người được Thiên Chúa sai phái sẽ rao giảng và hành xử không theo quyền của chính mình, nhưng theo quyền của Đức Kitô; không rao giảng với tư cách là thành viên của cộng đoàn, nhưng rao giảng nhân danh Đức Kitô. Không ai có thể ban ân sủng cho chính mình; ân sủng do Thiên Chúa ban cho. Điều này bao hàm những thừa tác viên mang ân sủng được Đức Kitô ban quyền hành và năng lực. Từ Đức Kitô, các giám mục và linh mục nhận sứ mệnh và năng quyền (faculty) (năng quyền thiêng liêng) để hành xử trong Đức Kitô là Đầu Hội Thánh; các phó tế nhận nghị lực chăm sóc dân Thiên Chúa trong việc phục vụ Lời Chúa, phụng vụ và đức bác ái; hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn (trong giáo phận) (presbyterate). Chức vụ mà theo đó, và bởi ân sủng của Thiên Chúa, những sứ giả của Đức Kitô có thể làm và ban phát những thứ mà họ không thể làm và ban phát bằng chính năng lực của họ, theo thánh truyền, được gọi là bí tích. Chức vụ Giáo Hội được trao ban bằng một bí tích đặc biệt.

2.2 Giám mục, linh mục, phó tế

2.2.1 Chỗ nào trong Kinh Thánh nói đến giám mục?

Chữ "bishop" (giám mục) xuất phát từ chữ Hy Lạp EPISKOPOS (ἐπίσκοπος = ἐπί "over", "on" + σκοπός "seeing", "looking"); chữ này được chuyển ngữ sang tiếng Anh thành: supervisor; overseer (quản đốc; người coi sóc; giám sự).

Chữ episkopos được đề cập năm lần trong Tân Ước.

    1. Sách Tông Đồ Công Vụ (20:28): " Anh em hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình “.
    2. Thư gửi tín hữu Philiphê (1:1): "Chúng tôi, Phaolô và Timôthê, là những tôi tớ của Ðức Giêsu Kitô, kính gửi toàn thể các thánh trong Ðức Giêsu Kitô ở Philípphê, cùng kính gửi các vị giám quản (giám mục) và trợ tá (phó tế) “.
    3. Thư thứ I gửi tín hữu Timôthê (3:2): "Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy “.
    4. Thư gửi tín hữu !@#$%^&*ô (1:7): "Thật vậy, giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn “.
    5. Thư thứ I của Thánh Phêrô (2:25): "Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Ðấng chăm sóc linh hồn anh em “.

2.2.2 Chỗ nào trong Kinh Thánh nói tới linh mục?

Chữ "priest" (linh mục) trong tiếng Anh bắt nguồn từ hai chữ sau đây trong tiếng Hy Lạp. Cả hai chữ Hy Lạp này đều có trong Tân Ước.

    1. PRESBYTEROS (tiếng Hy Lạp cổ: πρεσβύτερος; tiếng La Tinh: presbyter). Chữ "priest" trong tiếng Anh xuất phát từ chữ này. Nguyên nghĩa của từ này là: niên trưởng (thời Giáo Hội sơ khai)
    2. HIEREUS (tiếng Hy Lạp cổ: ἱερεύς), tiếng La Tinh: sacerdos). Thuật ngữ này ám chỉ các tư tế (linh mục) dâng lễ vật và tế phẩm. (Xem thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái). Chính Đức Kitô là Hiereus duy nhất; và không có chức tư tế (chức linh mục) nào khác hoặc riêng biệt với chức tư tế của Đức Kitô.

Thánh Clement I, vị Giáo Hoàng thứ ba sau Thánh Phêrô, viết một thánh thư gửi tín hữu Côrintô vào cuối thế kỷ I (Epistle of Clement to the Corinthians) trong đó Ngài dùng thuật ngữ ἐπίσκοπος (episcopus = giám mục) xen với thuật ngữ πρεσβύτερος (presbyter = niên trưởng) để chỉ hàng giáo sĩ bên trên hàng phó tế (diaconus). Tuy nhiên, vào những năm đầu của thế kỷ II, sự phân biệt giữa episcopus (giám mục), diaconus (phó tế) và presbyters (linh mục) đã được xác định rõ ràng. (Xem thêm Thư của Thánh Ignatius of Antioch gửi tín hữu Smyrna).

2.2.3 Chỗ nào trong Kinh Thánh nói đến phó tế?

Chữ "deacon" (phó tế) xuất phát từ chữ Hy Lạp "DIAKONOS" có nghĩa là người phụng sự.

Trong Giáo Hội sơ khai, chữ này mang một nghĩa mới. Nguồn gốc của chức phó tế (diaconate) có thể tìm trong Sách Tông Đồ Công Vụ (6:1-6).

Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa". Ðề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Têphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với ông Philipphê, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê Antiôkhia đã theo đạo Do Thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Ðồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Ðồ đặt tay trên các ông.

Thánh Phaolô nói đến các trợ tá (phó tế) khi Ngài viết cho tín hữu Philiphê (xem câu trích 2 ở mục 2.2.1 trên). Khi viết cho Timôthê (một trong những giám mục đầu tiên), Thánh Phaolô viết (Timôthê I, 3:8-10,12-13):

Các trợ tá (phó tế) cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin với một lương tâm trong sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại… Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. Những ai thi hành chức vụ trợ tá cách tốt đẹp, thì được một chỗ danh dự, và được mạnh dạn nhiều nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô.

2.3 Các đặc tính

2.3.1 Tôi tớ của Đức Kitô

Mục đích của sự gọi và sai đi là phục vụ; tương tự như Đấng là Thầy, là Chủ Nhân đến để là người phục vụ.

Nhưng Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Máthêu 20:25-28) (xem thêm Máccô 10:41-45).

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG, 876) nhấn mạnh đặc điểm này.

Về bản chất, đặc điểm gắn liền với tính chất bí tích của sứ vụ Giáo Hội chính là sự phục vụ. Hoàn toàn nhờ cậy nơi Đức Kitô, Đấng đã ban quyền và trao sứ mệnh, những người phụng sự (ministers) thực sự là những tôi tớ của Đức Kitô (xem thêm Thư Rôma 1:1), giông hình ảnh của Ngài là Đấng bằng lòng” mặc lấy thân nô lệ “ vì chúng ta (Philiphê 2:7). Vì Lời Của Thiên Chúa và ân sủng mà họ phụng sự không phải là của chính họ, nhưng được Đức Kitô ban vì lợi ích của muôn người khác, họ bằng lòng trở nên tôi tớ của mọi người (xem thêm Côrintô I, 9:19).

2.3.2 Tính hợp đoàn

Chúng ta hiểu gì khi nói về tính hợp đoàn (collegiality)? Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL, 180; xem thêm GLCG 876-877) giải thích:

Noi theo gương của 12 Tông Đồ là những người được Đức Kitô chọn và sai đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng, sự hiệp nhất trong hàng giáo phẩm của Giáo Hội là để phục vụ cho sự hiệp thông của các tin hữu. Mỗi giám mục thực thi sứ vụ của mình với tư cách là thành viên của giám mục đoàn (episcopal college) hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và chia sẻ với Ngài công việc cai quản Giáo Hội toàn cầu. Các linh mục thực thi sứ vụ của mình theo linh mục đoàn (presbyterate) cùa Hội Thánh địa phương hiệp thông với giám mục của giáo phận và theo chỉ đạo của Ngài.

2.3.3 Tính cá nhân

Mục 181 Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLCG ; xem thêm GLCG 878-879) hỏi: Tại sao chức vụ giáo hội cũng có tính cách cá nhân?

Chức vụ giáo hội cũng có tính cách cá nhân vì từng thừa tác viên (minister), qua bí tích Truyền Chức Thánh, chịu trách nhiện trước Đức Kitô, Đấng đã mời gọi và trao sứ mệnh cho thừa tác viên đó một cách riêng tư.

2.4 Cơ cấu tổ chức

2.4.1 Giám mục đoàn (episcopal college) và vị đứng đầu là Đức Giáo Hoàng

Cơ sở của giám mục đoàn với vị đứng đầu là Đức Giáo Hoàng là gì? Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG, 880) giải thích:

Khi Đức Kitô lập ra Nhóm 12,” Ngài tổ chức họ theo hình thức cộng đoàn; trong số họ, Ngài chọn Phêrô là người đứng đầu cộng đoàn“ (Lumen Gentium) 19; xem thêm Luca 6:13; Gioan 21:15-17]. Theo " định chế của Thiên Chúa, Thánh Phêrô và nhóm tông đồ còn lại lập nên cộng đoàn tông đồ (apostolic college); vì thế, theo đúng khuôn mẫu đó, Giám Mục Rôma (tức là Đức Giáo Hoàng) là người kế vị Thánh Phêrô, và các giám mục là những người kế vị các tông đồ, tất cả cùng liên quan và hiệp nhất với nhau“ [Lumen Gentium 22; xem thêm Bộ Giáo Luật, điều 330]. (Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân) là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công đồng Vatican II)

2.4.2 Đức Giáo Hoàng

Sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng là gì? Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL, 182 (xem thêm GLCG 880-882,936-937) viết:

Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma, và người kế nhiệm Thánh Phêrô, là nguyên ủy và nền tảng hữu hình, trường tồn về sự hiệp nhất của Giáo Hội. Ngài là đại diện của Đức Kitô, là người đứng đầu Hàng giám mục, và là chủ chăn của Giáo Hội toàn cầu; bởi định chế thánh thiêng, Ngài có quyền hành tối cao, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát đối với Giáo Hội.

2.4.3 Hàng giám mục (college of bishops)

Thẩm quyền của cộng đoán giám mục là gì? Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược GLYL (mục 183; xem thêm GLCG 883-885) dạy:

Hàng giám mục kết hiệp với Đức Giáo Hoàng và luôn luôn cùng với Ngài thực thi quyền hành tối thượng và trọn vẹn đối với Giáo Hội.

2.5 Các giám mục thi hành chức vụ tiên tri, tư tế và vương đế như thế nào?

2.5.1 Chức vụ tiên tri hoặc giáo huấn

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 184; xem thêm GLCG 888-890,939) viết:

Vì là những chứng nhân xác thực cùa đức tin tông truyền và được nhận lãnh quyền hành của Đức Kitô, các giám mục kết hiệp với Đức Giáo Hoàng thực thi nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng một cách trung kiên và xác thực cho muôn người.

Đặc ân bất khả ngộ (không thể sai lầm) là gì? Đặc ân này có áp dụng cho mọi điều Đức Giáo Hoàng nói ra hay không?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 185; xem thêm GLCG 890-891) dạy rằng có hai trường hợp khi Giáo Hội giảng dạy thì không thể sai lầm.

    1. HUẤN QUYỀN ĐẶC BIỆT (EXTRAORDINARY MAGISTERIUM): khi (i) Đức Giáo Hoàng, với chức vụ là Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội, hoặc (ii) Công Đoàn Giám Mục, kết hiệp với Đức Giáo Hoàng, nhất là khi kết hiệp trong Công Đồng Chung (Ecumenical Council), tuyên bố long trọng bằng văn kiện một điều liên quan tới đức tin hoặc luân lý. Trong trường hợp thứ nhất, khi Đức Thánh Cha (Holy Father) tuyên bố những điều liên quan tới tín lý và luân lý, Ngài được xem là phán dạy ex cathedra (phán dạy chính thức với quyền uy tối thượng của Ngài).
    2. HUẤN QUYỀN THÔNG THƯỜNG (ORDINARY MAGISTERIUM): khi Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục với Huấn Quyền Thông Thường của mình cùng nhất trí xác nhận một giáo thuyết.

Mọi tín hữu phải chấp nhận những lời dạy này với sự vâng phục của lòng tin.

2.5.2 Chức vụ tư tế hoặc thánh hóa

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLYL 186; xem thêm GLCG 893) dạy:

Các giám mục thánh hóa Giáo Hội bằng việc ban phát ân sủng của Đức Kitô thông qua sự thực thi chức vụ rao giảng Lời Chúa và ban các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và bằng lời cầu nguyện, gương lành và hoạt động của các Ngài.

2.5.3 Chức vụ cai quản

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 187; xem thêm GLCG 894-896) viết:

Mỗi giám mục, do là thành viên của Hàng giám mục, mang trọng trách coi sóc Giáo Hội địa phương (giáo phận) và Giáo Hội chung cùng với những giám mục khác; tất cả đều kết hiệp với Đức Giáo Hoàng. Một giám mục được giao phó một giáo phận nào đó sẽ cai quản giáo phận đó với thẩm quyền thiêng liêng của Ngài vốn là những quyền hành bình thường và trực tiếp đối với giáo phận; và được thưc thi nhân danh Đức Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành, hiệp thông với toàn thể Giáo Hội và theo sự chỉ đạo của Đấng Kế Nhiệm Thánh Phêrô.

3. Giáo dân

Giáo dân là những ai? Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG 897) giảng giải:

Chữ ”giáo dân“ ở đây được hiểu là tất cả tín hữu, trừ những người nhận lãnh bí tích Truyền Chức Thánh, và những người thuộc tu hội (religious state) đã được Giáo Hội chấp thuận. Điều này có nghĩa là tín hữu, những người nhờ bí tích Thanh Tẩy được kết hợp trong Đức Kitô và gia nhập vào Dân Thiên Chúa, được trở nên những người dự phần vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô; đồng thời, đảm nhận vai trò của mình trong sứ mệnh của toàn thể dân Kitô giáo trong Giáo Hội và nơi thế gian “ [Lumen Gentium 31]

3.1 Ơn kêu gọi giáo dân là gì?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 188; xem thêm GLCG 897-900,940) viết:

Giáo dân được mời gọi tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc được soi sáng và sắp đặt công việc thế trần theo kế hoạch của Thiên Chúa. Bằng cách này, họ đáp ứng lời mời gọi nên thánh thiện và làm việc tông đồ, một lời mời gọi dành cho tất cả những ai đã nhận lãnh bí tích Thanh Tẩy.

Rất phù hợp ở đây để trích dẫn lời của Thánh St Josemaría trong bài giảng của Ngài có tựa đề "Yêu Thương Thế Trần"; trong đó, Ngài nhắc nhở các giáo dân rằng họ có ơn kêu gọi biến đổi thế gian nên thánh thiện ngay từ trong lòng của nó.

Chúng ta phải thánh hóa bản thân, phụng sự Thiên Chúa và nhân loại ngay chính giữa mọi thứ hoàn toàn vật chất của thế trần.

...

Hỡi các con, chớ nghi ngại điều đó: bất kỳ nỗ lực nào nhằm trốn tránh thực tại của cuộc sống thường ngày vốn quí giá đối với mọi người, nam cũng như nữ, trên dương thế này đều là điều trái nghịch với ý của Thiên Chúa.

Trái lại, đã đến lúc các con phải hiểu rõ hơn bao giờ hết là Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta phụng sự Ngài từ trong những hoạt động dân chính, thế tục và bình thường của cuộc sống con người. Thiên Chúa trông đợi chúng ta hằng ngày, trong phòng thí nghiệm, trong phòng phẫu thuật, trong đồn trại quân đội, nơi ghế giảng đường đại học, trong nhà máy, nơi xưởng thi công, trên đồng ruộng, trong gia đình và trong mọi môi trường làm việc. Các con hãy nhớ kỹ điều này: luôn luôn có điều thánh thiện, điều thần diệu ẩn trong những hoàn cảnh rất đỗi đời thường, và khám phá ra điều ấy là tùy nơi các con.

...

Hỡi các con, không có phương cách nào khác: hoặc chúng ta tìm cách nhận biết Thiên Chúa trong đời sống bình thường hằng ngày; hoặc chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy Ngài. Chính vì thế, Cha nói với các con rằng thời đại của chúng ta cần trả lại cho các vấn đề và những sự kiện nhỏ nhặt trong đời sống thường nhật ý nghĩa ban đầu cao đẹp của chúng. Cần đặt chúng vào việc phục vụ Nước Chúa; cần thiêng liêng hóa chúng, biến đổi chúng thành phương thế và cơ hội để thường xuyên gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.

...

Hỡi các con, Cha đoan chắc rằng khi Kitô hữu làm công việc nhỏ nhặt thường ngày với đức mến, thì việc làm đó sẽ ngập tràn siêu việt tính của Thiên Chúa. Bởi thế, Cha luôn giảng dạy và nhấn mạnh với các con rằng ơn kêu gọi Kitô hữu cốt tại việc làm nên điều cao cả từ cái tầm thường hằng ngày. Các con thấy đấy, trời và đất dường như tiếp giáp nhau nơi chân trời, nhưng nơi chúng thực sự gặp nhau là lòng các con khi các con thánh hóa đời sống thường ngày của mình…

Đức Giáo Hoàng John Paul II nhắc lại lời giảng này rất nhiều lần đến độ khi Ngài tạ thế, bản kinh được soạn để nguyện xin Thiên Chúa trong việc phong chân phước cho Ngài có những lời sau:

Tin tưởng hoàn toàn vào lòng nhân từ vô biên của Chúa và lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria, ngài đã thể hiện cho chúng con một hình ảnh sống về Đức Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành, và cho chúng con thấy rằng sự thánh thiện là chuẩn mực cần thiết của đời sống thường ngày của Kitô hữu, và là phương thế để được hiệp thông với Chúa đời đời kiếp kiếp.

3.2 Giáo dân dự phần vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 155); xem thêm GLCG 783-786) tóm lược cách mà dân Thiên Chúa dự phần vào ba chức vụ của Đức Kitô là Tư Tế. Tiên Tri và Vương Đế.

    • Dân Thiên Chúa dự phần vào chức vụ TƯ TẾ của Đức Kitô vì những người đã chịu Phép Rửa được Thánh Thần thánh hiền để DÂNG HY LỄ THIÊNG LIÊNG (spiritual sacrifices).
    • Họ dự phần vào chức vụ TIÊN TRI của Đức Kitô khi với ý nghĩa siêu nhiên của đức tin, họ TRUNG KIÊN với đức tin đó; ĐÀO SÂU hiểu biết về đức tin và LÀM CHỨNG NHÂN cho đức tin.
    • Dân Thiên Chúa dự phần vào chức vụ VƯƠNG ĐẾ của Đức Kitô bằng SỰ PHỤC VỤ, theo gương Đức Giêsu Kitô, Đấng là Vua vũ trụ nhưng đã hạ mình làm tôi tớ cho muôn người, nhất là cho những người nghèo túng và đau khổ.

3.2.1 Giáo dân dự phần vào chức vụ tư tế của Đức Kitô như thế nào?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 189; xem thêm GLCG 901-903) viết:

Họ dự phần vào chức vụ đó, nhất là trong bí tích Thánh Thể, bằng cách dâng đời sống cùng việc làm của họ, những lời nguyện cầu, công việc tông đồ, đời sống gia đình, công việc thường ngày cùng nỗi gian lao khó nhọc mà họ chịu đựng với sự kiên nhẫn, và thậm chí dâng cả những niềm an ủi tinh thần và thể xác của họ để làm HY LỄ THIÊNG LIÊNG ” đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô “ (Phêrô I, 2:5). Qua cách này, đã dâng mình cho Đức Kitô và được thánh hiến bởi Thánh Thần, giáo dân dâng cả thế giới cho Thiên Chúa.

3.2.2 Giáo dân dự phần vào chức vụ tiên tri như thế nào?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 190; xem thêm GLCG 904-907,942) viết:

Họ dự phần vào chức vụ đó bằng cách luôn mãi tin tưởng ĐÓN NHẬN và RAO GIẢNG Lời Dạy của Đức Kitô cho thế gian và làm chứng cho Lời đó bằng cuộc sống, lời nói, hoạt động truyền giảng của họ, và bằng việc giảng dạy giáo lý.Việc rao giảng Lời Chúa đạt được hiệu quả cụ thể vì nó được hoàn thành trong những hoàn cảnh bình thường nơi thế trần.

3.2.3 Họ dự phần vào chức vụ vương đế như thế nào?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 191; xem thêm GLCG 908-913,943) nói rõ:

Giáo dân dự phần vào chức vụ vương đế của Đức Kitô vì họ đón nhận từ Ngài quyền uy vào trong bản thân họ và cho thế gian bằng SỰ HY SINH và sự thánh thiện của đời sống họ. Họ làm nhiều việc khác nhau nhằm PHỤC VỤ cộng đồng và ĐƯA NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC vào các hoạt động thế trần và các định chế của XÃ HỘI.

4. Đời sống tận hiến

Theo Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 192; xem thêm GLCG 914-916,944)

Đời sống tận hiến là một bậc sống được Giáo Hội công nhận. Đây là sự đáp ứng tự nguyện đối với sự mời gọi đặc biệt của Đức Kitô; theo đó, những người tận hiến dâng trọn vẹn xác hồn cho Thiên Chúa và nỗ lực vươn tới sự vẹn toàn của đức mến với ơn trợ giúp của Thánh Thần. Đặc điểm của đời sống tận hiến là sự thực thi LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM (evangelical counsels); đó là khiết tịnh, khó nghèo và vâng lời.

Có nhiều cách để sống đời tận hiến.

    • SỐNG ẨN TU (eremetic life) (xem thêm GLCG 920). Đặc điểm: tách biệt khỏi thế gian; sự tĩnh lặng nơi cô quạnh; sự siêng năng cầu nguyện và sám hối.
    • TRINH NỮ VÀ GÓA PHỤ TẬN HIẾN (consecrated virgins and widows) (xem thêm GLCG 922-924); đặc điểm: sống đời sống khiết tịnh hoặc đồng trinh trọn đời, … cầu nguyện, sám hối, phục vụ anh chị em và hoạt động tông đồ theo bậc sống và ơn thiêng liêng ban cho những người này. Các trinh nữ tận hiến có thể lập thành những hội đoàn để tuân giữ giới luật của họ một cách trung kiên hơn.
    • ĐỜI SỐNG TU TRÌ (religious life) (xem thêm GLCG 925, 927) "khác với những hình thức tận hiến khác ở sự phụng vụ, sự tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, sống chan hòa trong cộng đoàn, và là chứng nhân cho sự hiệp nhất giữa Đức Kitô và Giáo Hội. … (Họ là) những cộng tác viên của giám mục giáo phận trong hoạt động mục vụ. … Sứ mệnh gieo mầm truyền giáo và mở mang Giáo Hội cần sự hiện diện của những người sống theo bậc tu trì dưới mọi hình thức.
    • TU HỘI ĐỜI (secular institutes; còn gọi là tu hội triều) (xem thêm GLCG 928-929) là những tổ chức sống đời tận hiến để thực hiện công việc thế trần theo ý Thiên Chúa và loan báo cho thế gian uy lực của Tin Mừng. … Họ tuyên khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời); và tuân giữ sự thông công và hiệp thông đúng theo cách sống riêng của họ.
    • TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ (societies of apostolic life; xem thêm GLCG 930); thành viên của các tu đoàn này không có lời khấn dòng nhưng theo đuổi mục đích tông đồ riêng của tu đoàn, và sống chan hòa như anh em, chị em trong cộng đoàn tu sĩ phù hợp với phong cách sống đặc thù, nỗ lực vươn tới sự toàn thiện của đức ái thông qua sự tuân giữ luật của tu đoàn. Có nhiều tu đoàn trong đó các thành viên giữ các lời khuyên Phúc Âm theo tinh thần của luật tu đoàn.

CÁC THÁNH THÔNG CÔNG, SỰ THA THỨ TỘI LỖI

5. Các thánh thông công

5.1 Sự thông công những điều thánh thiện

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 194; xem thêm GLCG 946-953,960) giảng:

Trước tiên, cụm từ này diễn đạt sự tham dự chung của mọi thành viên trong Giáo Hội vào những điều thánh thiện (SANCTA): đức tin, các phép bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, các ơn đặc sủng (charisms), cùng nhiều ơn thiêng liêng khác. Căn nguyên của sự thông công này đức mến vốn” không tìm kiếm tư lợi“ (Côrintô I, 13:5), nhưng dẫn đưa tín hữu tới việc” xem mọi thứ đều là của chung“ (Tông Đồ Công Vụ 4:32), thậm chí đem tài sản vật chất riêng của mình vào việc phục vụ những người nghèo túng nhất.

5.2 Sự thông công giữa những người thánh thiện

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 195; xem thêm GLCG 954-959,961-962) viết:

Cụm từ này cũng nói đến sự thông công giữa những người thánh thiện (SANCTI); tức là, giữa những người nhờ ân sủng của Thiên Chúa được kết hiệp với Đức Kitô, Đấng đã chịu chết và đã sống lại. Một số người còn đang lữ hành nơi thế trần; những người khác đã lìa cõi trần và nay đang trải qua quá trình thanh tẩy; họ cũng cần lời cầu nguyện của chúng ta. Những người khác đang hưởng vinh quang của Thiên Chúa, và là những Đấng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Tất cả những người này hợp thành một gia đình trong Đức Kitô, tức Giáo Hội, để ngợi khen và tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.

6. Sự tha thứ tội lỗi

Tín hữu Công Giáo tin rằng tội lỗi được tha thứ. Martin Luther phủ nhận diều này. Ông nói rằng Thiên Chúa ngoảnh mặt đi trước tội lỗi của chúng ta vì chúng ta quá SA ĐỌA không thể tha thứ được. Mặt khác, chúng ta nói rằng chúng ta đang MANG THƯƠNG TÍCH nên cần được chữa lành. Tất cả chúng ta đều đang cần được chữa lành.

Sách Giáo Lý Công Giáo (GLYL 200; xem thêm GLCG 976-980,984-985) cho chúng ta biết tội lỗi có thể được tha bằng hai cách.

Bí tích thứ nhất và chủ yếu để tha tội là bí tích Thanh Tẩy. Đối với những tội mắc phạm sau khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, Đức Kitô lập ra bí tích HÒA GIẢI hoặc bí tích GIẢI TỘI để nhờ đó, tín hữu được hòa giải với Thiên Chúa và với Giáo Hội.

Giáo Hội nhận được quyền tha tội từ đâu?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 201; xem thêm GLCG 981-983,986-987) viết:

Giáo Hội có sứ mệnh và quyền tha tội vì Đức Kitô ban quyền đó cho Giáo Hội: ” Hãy nhận lấy Thánh Thần, nếu con tha tội cho ai thì tội kẻ ấy được tha; nếu con cầm tội ai, thì tội kẻ ấy bị cầm buộc “ (Gioan 20:22-23).

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 177-201.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 871-987.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Three: Dogmatic Theology, Chapters 51-56. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 391-450.

Websites