Bài 32: Danh Thiên Chúa và Ngày của Chúa

Câu hỏi hướng dẫn

    • Chúng ta có phải chỉ tôn kính Danh Thiên Chúa mà thôi không?
    • Lời thề là gì?
    • Lạm dụng Danh Thiên Chúa là gì?
    • Lộng ngôn là gì?
    • Bội thề là gì?
    • Tại sao tên thánh của người Kitô hữu quan trọng?
    • Tại sao chúng ta dự lễ ngày Chúa Nhật?
    • Lễ buộc gồm những lễ nào?
    • Dự đủ lễ ngày Chúa Nhật gồm những phần nào?
    • Những ai được miễn dự lễ Chúa Nhật?
    • Trẻ em đến tuổi nào thì nên bắt đầu dự Thánh Lễ?
    • Dự lễ phải ăn mặc thế nào cho xứng đáng?
    • Tại sao dự Thánh Lễ chiều hôm trước cũng có giá trị?
    • Tôi có thực sự phải nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật không?

1. Giới răn thứ 2. Danh Thiên Chúa là Thánh

Ngươi không được kêu tên Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi mà làm điều bất xứng [Xuất Hành 20:7; Đệ Nhị Luật 5:11]

Anh em còn nghe luật dạy người xưa rằng, ‘Ngươi chớ bội thề.’ Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, Đừng thề chi cả [Mátthêu 5:33-34].

1.1 Giới răn thứ 2 truyền chúng ta điều gì?

1.1.1 Phải tôn kính Danh Thiên Chúa

Sách GLCG (số 2142) nói

Ðiều răn thứ hai dạy phải tôn kính danh Thiên Chúa. Cũng như điều răn trước, điều răn này thuộc về nhân đức thờ phượng và đặc biệt quy định việc sử dụng ngôn từ để diễn đạt các sự thánh.

Khi mặc khải Danh Người cho chúng ta, Thiên Chúa tỏ lộ những chi tiết riêng về chính Ngài. Đó là bằng chứng cho thấy Người tin tưởng chúng ta, như lời sách GLCG (số 2143) dạy:

Trong các lời mặc khải, lời mặc khải về Danh Thiên Chúa chiếm vị trí hàng đầu. Thiên Chúa bày tỏ Danh Người cho những kẻ tin, mặc khải cho họ chính mầu nhiệm bản thân Người. Ðiều này cho thấy Thiên Chúa tín nhiệm và thân thiết với con người. "Danh của Thiên Chúa là Thánh", nên con người không được lạm dụng. Họ phải ghi nhớ Danh Thánh ấy trong kính cẩn tôn thờ và yêu mến (Gcr 2,17). Chỉ được kêu cầu Danh Thánh để chúc tụng, ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa mà thôi (x. Tv 29,2 ; 96, 2; 113,1-2).

1.1.2 Cảm thức về sự thánh thiêng

Như đã nói trên kia, chúng ta không chỉ tôn kính mà còn phải CHÚC TỤNG, NGỢI KHEN và TÔN VINH Danh Thiên Chúa. Chúng ta tỏ lòng kính sợ Danh Thiên Chúa vì nó diễn tả bản chất của Thiên Chúa. Sách GLCG (2144) còn nói thêm rằng

Cảm thức về sự thánh thiêng thuộc nhân đức thờ phượng.

1.1.3 Giữ lời hứa

Sách GLCG (số 2147) dạy:

Những lời hứa với tha nhân nhân danh Thiên Chúa, đều liên hệ đến danh dự, sự trung thành, sự chân thật và uy quyền của Thiên Chúa, nên phải được tôn trọng theo lẽ công bình. Thất hứa là lạm dụng danh Thiên Chúa, và biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối (1Ga 1,10).

1.1.4 Lời thề

Đoạn 2150 sách GLCG cắt nghĩa lời thề là gì.

Thề là lấy Chúa làm chứng cho điều mình xác quyết, là kêu cầu Thiên Chúa chân thật để bảo đảm mình nói thật. Lời thề là lời cam kết nhân danh Thiên Chúa "Chính Thiên Chúa là Ðấng anh em phải kính sợ, là Ðấng anh em phải phụng thờ; anh em sẽ nhân danh Người mà thề" (x. Ðnl 6,13).

Vì vậy giữ lời thề là một hành động tốt và thánh thiện.

1.2 Giới răn thứ hai cấm điều gì?

1.2.1 Lạm dụng Danh Thiên Chúa hay các Thánh

Đoạn 2146 GLCG nói như sau:

Ðiều răn thứ hai cấm lạm dụng Danh Thiên Chúa, nghĩa là sử dụng bất xứng đối với danh của Thiên Chúa, của Ðức Giê-su Ki-tô, Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a và toàn thể các thánh.

Lạm dụng Danh Tch cũng gồm việc sử dụng Danh Thiên Chúa cho các mục đích ma thuật (xem GLCG 2149).

1.2.2 Lộng ngôn

Sách GLCG (số 2148) khẳng định:

Lộng ngôn vi phạm trực tiếp điều răn thứ hai. Lộng ngôn là xúc phạm đến Thiên Chúa trong lòng hay ngoài miệng bằng những lời hận thù, than trách, thách thức; là nói xấu Thiên Chúa, bất kính trong lời nói, và lạm dụng Danh Thánh Thiên Chúa. Thánh Gia-cô-bê khiển trách những kẻ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao đẹp "của Chúa Giê-su" đã được kêu khấn trên họ (Gcb 2,7). Luật cấm nói lộng ngôn, cũng cấm nói phạm đến Hội Thánh Chúa Ki-tô, các thánh và những sự thánh. Người ta cũng phạm tội lộng ngôn khi lạm dụng danh Thiên Chúa để che đậy những hành vi tội ác, để bắt các dân tộc làm nô lệ, để tra tấn hoặc giết người. Lạm dụng danh Thiên Chúa để phạm tội ác là gây cớ cho người ta ghét đạo.

1.2.3 Thề gian và Bội thề

Có những loại lời thề sử dụng Danh Thiên Chúa mà KHÔNG CÓ Ý XÚC PHẠM THIÊN CHÚA.Sách GLCG (số 2149):

Kêu tên Chúa vô cớ, dù không có ý xúc phạm cũng là thiếu tôn kính Thiên Chúa.

Nhưng với những lời THỀ GIAN, sách GLCG nói:

    • Giới răn thứ hai cấm thề gian. [GLCG số 2150]
    • Không thề gian là một bổn phận đối với Thiên Chúa... Lời thề gian lấy Thiên Chúa làm chứng cho một lời nói dối [GLCG số 2151]

BỘI THỀ là lạm dụng Danh Thiên Chúa. Sách GLCG (số 2152) cắt nghĩa:

Bội thề là thề hứa một điều gì, nhưng không có ý giữ hay không giữ lời thề. Người bội thề thiếu lòng tôn kính nghiêm trọng đối với Thiên Chúa.

1.2.4 Thề làm điều xấu

Sách GLCG số 2152 dạy rằng

Thề làm một việc xấu là phạm đến thánh danh Thiên Chúa.

1.3 Tên Thánh

1.3.1 Người Kitô hữu nhận tên thánh trong Hội Thánh

Đoạn 2156 sách GLCG dạy chúng ta:

Chúng ta nhận bí tích Thánh Tẩy "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 28, 19). Trong bí tích này, danh Thiên Chúa thánh hóa con người và người này nhận được một tên riêng trong Hội Thánh. Tên riêng này có thể là tên của một vị thánh, nghĩa là của một môn đệ đã sống đời trung thành mẫu mực với Chúa. Vị thánh bổn mạng nêu gương sống đức mến và luôn chuyển cầu cho ta. "Tên thánh" cũng có thể nêu lên một mầu nhiệm Ki-tô giáo hay một nhân đức. "Cha mẹ, người đỡ đầu và cha xứ cần lưu tâm đừng đặt tên không phù hợp với ý nghĩa Ki-tô giáo" (x. CIC, 855).

1.3.2 Thiên Chúa gọi đích danh từng người chúng ta

Sách GLCG (số 2158) trích một câu trong sách Ngôn Sứ Isaia.

Thiên Chúa gọi từng người bằng chính tên của họ (x. Is 43,1; Ga 10,3). Tên của mỗi người là thánh thiêng. Tên là người, nên phải được tôn trọng như dấu chỉ nhân phẩm của người mang tên đó.

2. Giới răn thứ 3: Ngày của Chúa, Ngày dành cho Chúa

‘Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào’ (Xh 20,8-10) (Ðnl 5,12-15).

‘Ngày sa-bát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người được dựng nên vì ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát’ (Mc 2,27-28).

2.1 Ngày của Chúa

2.1.1 Ngày Sabát

Đoạn 450 sách GLYL (xem GLCG 2168-2172, 2189) hỏi, "Tại sao Thiên Chúa 'đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh' (Xh 20, 11)?" Rồi sách cắt nghĩa:

Trong ngày sabát, dân Do Thái tưởng nhớ việc Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy theo như trình thuật Tạo dựng, cũng như nhớ đến việc giải thoát Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập và nhớ đến Giao ước được Thiên Chúa thiết lập với dân Ngài.

Đoạn tiếp theo (GLYL 451; xem GLCG 2173) cắt nghĩa tại sao Chúa Giêsu không chỉ tôn kính ngày Sabát mà còn nhắc nhở mọi người về ý nghĩa thực sự của ngày ấy.

Chúa Giêsu công nhận sự thánh thiêng của ngày sabát và Người dùng thẩm quyền thần linh để đưa ra giải thích đích thực về ngày này: "Ngày sabát được lập ra vì loài người chứ không phải loài người vì ngày sabát" (Mc 2, 27).

Sách GLCG (số 2173) nói thêm:

Ðức Ki-tô tuyên phán "Ngày sa-bát phải làm điều lành hơn là làm điều dữ, cứu sống hơn là giết chết" (Mc 3,4). Ngày sa-bát là ngày của Ðức Chúa giàu lòng thương xót và là ngày tôn vinh Thiên Chúa (x. Mt 12,5; Ga 7,23).

2.1.2 Tại sao người Kitô hữu thay thế ngày Sabát bằng ngày Chúa Nhật?

Sách GLYL (số 452; xem GLCG 2174-2176, 2190-2191) cắt nghĩa điểm này.

Ngày Chúa nhật là ngày Phục sinh của Ðức Kitô. Là "ngày thứ nhất trong tuần" (Mc 16,2), ngày Chúa nhật gợi lại cuộc sáng tạo lần thứ nhất; là "ngày thứ tám" tiếp sau ngày sabát, ngày Chúa nhật biểu trưng một cuộc sáng tạo mới được khởi đầu bằng cuộc Phục sinh của Ðức Kitô. Như thế, đối với các người Kitô hữu, ngày Chúa nhật trở thành ngày thứ nhất của mọi ngày và của tất cả mọi ngày lễ: ngày của Chúa; trong ngày này, nhờ cuộc Vượt qua, Ðức Kitô hoàn tất ý nghĩa thiêng liêng ngày sabát của người Do Thái và loan báo sự an nghỉ đời đời của con người trong Thiên Chúa.

Một lý do nữa là ngày này gắn liền với NGÀY TẠO DỰNG ĐẦU TIÊN. Trong Tông Thư Dies Domini (‘Ngày của Chúa’, số 24), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết:

Tư tưởng Kitô giáo tự nhiên liên kết cuộc Phục Sinh, diễn ra vào ‘ngày thứ nhất trong tuần’, với ngày đầu tiên của tuần lễ vũ trụ ấy (x. Sáng Thế 1:1-2:4) tạo thành câu truyện sáng tạo trong sách Sáng Thế: ngày Thiên Chúa dựng nên ánh sáng (x. 1:3-5). Sự liên kết này mời gọi chúng ta hiểu về sự Phục Sinh như là khởi đầu của một cuộc tạo dựng mới, mà hoa quả đầu tiên là Đức Kitô vinh hiển, ‘trưởng tử của mọi loài thọ tạo’ (Côlôsê 1:15) và ‘người đầu tiên sống lại từ cõi chết’ (Côlôsê 1:18).

Ngoài ra, Lễ HIỆN XUỐNG cũng diễn ra vào ngày Chúa Nhật. Đoạn 20 của Dies Domini nói:

Ngày lễ Ngũ Tuần—ngày đầu của tuần bát nhật sau lễ Vượt Qua Do Thái (x. Công Vụ 2:1), khi lời Chúa Giêsu hứa với các Tông Đồ sau khi Ngài Phục Sinh được ứng nghiệm bằng việc tuôn đổ Thánh Thần (x. Luca 24:49; Công Vụ 1:4-5)—cũng rơi vào một ngày Chúa Nhật. Đây là ngày đầu tiên của việc rao giảng và ban phép Rửa lần đầu tiên: Thánh Phêrô loan báo cho cộng đoàn tụ tập ở đó rằng Đức Kitô đã phục sinh và ‘những ai đón nhận Lời Người thì được chịu phép Rửa’ (Công Vụ 2:41). Đây là cuộc hiển linh của Hội Thánh, được tỏ lộ như là dân tộc gồm các con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi được qui tụ nên một, vượt qua mọi khác biệt.

2.2 Cử hành Thánh Thể ngày Chúa Nhật

2.2.1 Tâm điểm của đời sống Hội Thánh

Đoạn 19 của Dies Domini cắt nghĩa rằng ngày Chúa Nhật cũng giống nhu một ngày lễ Phục Sinh nhỏ của mỗi tuần. Tông thư nói rằng Ngày Chúa Nhật Kitô giáo giúp cho

người tín hữu hằng tuần suy niệm và sống biến cố Phục Sinh, nguồn mạch thực sự của ơn cứu độ thế giới.

Vì vậy sách GLCG (số 2177) dạy rằng

Việc giữ ngày Chúa nhật và cử hành Thánh thể là trung tâm đời sống của Hội Thánh .

"Theo truyền thống các tông đồ, ngày Chúa Nhật, ngày cử hành mầu nhiệm vượt qua, phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh như ngày lễ buộc" (x. CIC, 1246,1).

Ngoài ra còn phải giữ các ngày lễ: Sinh Nhật Chúa Giê-su Ki-tô, lễ Hiển Linh, lễ Chúa Lên Trời, lễ Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô, lễ Ðức Ma-ri-a Mẹ Thiên Chúa, lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, lễ Ðức Mẹ Lên Trời, lễ Thánh Giu-se, lễ các Thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ, lễ Các Thánh" (CIC, 1246,1).

2.2.2 Luật buộc ngày Chúa Nhật

Chúng ta giữ Ngày của Chúa như thế nào?

Đoạn 2180 và 2181 của sách GLCG cắt nghĩa:

Một điều răn của Hội Thánh xác định rõ luật của Chúa: "Các tín hữu buộc phải dự Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc"(x. CIC, 1247). "Ai tham dự thánh lễ theo nghi thức công giáo vào chính ngày lễ hoặc chiều hôm trước, là chu toàn luật buộc dự lễ" (x. CIC, 1248, 1).

Thánh lễ Chúa Nhật đặt nền tảng và xác định toàn bộ cuộc sống người tín hữu. Do đó, mọi tín hữu phải tham dự thánh lễ vào ngày lễ buộc, trừ khi có một lý do quan trọng (như bệnh hoạn, chăm sóc trẻ sơ sinh) hay được cha sở miễn chuẩn (x. CIC,1245). Ai cố tình vi phạm sẽ mắc tội trọng .

Nếu giáo xứ không có cha xứ thì sao?

Sách GLCG (số 2183) trích dẫn Giáo Luật:

‘Nếu như không có thừa tác viên thánh hay vì lý do khẩn trọng mà người tín hữu không thể tham dự thánh lễ, thì Hội Thánh khuyên họ tham dự việc cử hành Phụng Vụ Lời Chúa trong nhà thờ giáo xứ hay một nơi thánh khác theo qui định của giám mục giáo phận, hoặc dành một thời gian thích hợp để cầu nguyện cá nhân hay cùng với cả gia đình, và nếu có thể cùng với một nhóm gia đình" (x. CIC 1248.2)

2.3 Ngày Ân Sủng và Nghỉ Ngơi

Dies Domini (số 67) gọi đó là ngày để chúng ta chiêm ngắm.

2.3.1 Thiên Chúa nghỉ ngơi

Sách GLCG (số 2184; xem số 2172) dạy rằng

Như Thiên Chúa "đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, sau khi hoàn tất cả công trình" (x. St 2,2), đời sống con người cũng theo nhịp như thế giữa lao động và nghỉ ngơi. Khi lập ra ngày Chúa Nhật, Thiên Chúa muốn mọi người có thời giờ nghỉ ngơi và giải trí, để có thể chăm lo đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo (GS 67,3).

2.3.2 Tránh các sinh hoạt cảm trở việc thờ phượng

Để giúp làm điều này, sách GLCG (số 2185) cũng nói thêm:

Ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu tránh lao động và các sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Thiên Chúa, việc hưởng niềm vui trong ngày của Chúa, việc bác ái và tịnh dưỡng thể xác cũng như tinh thần. Luật giữ ngày Chúa Nhật có thể được miễn chuẩn, khi có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng. Nhưng tín hữu cũng phải coi chừng, đừng để những miễn chuẩn này dẫn đến thói quen thờ ơ với việc thờ phượng, với cuộc sống gia đình hay sức khỏe của mình.

2.3.3 Thời gian để suy niệm và thinh lặng

Nhu cầu nghỉ ngơi không phải là để không làm gì hay lười biếng. Nghỉ ngơi của người Kitô hữu có mục đích rõ ràng. Vì vậy sách GLCG (2186) nói rằng

Ngày Chúa Nhật cũng là thời gian suy tư, tĩnh lặng, rèn luyện và suy niệm cần thiết để đời sống nội tâm của tín hữu được phát triển.

2.3.4 Thời gian để làm việc bác ái

Phần đầu của đoạn 2186 trích dẫn trên đây cũng nói

Khi hưởng những giờ nhàn rỗi, người tín hữu nên nhớ đến anh chị em của mình, những người cùng có nhu cầu và quyền lợi như mình, nhưng không được nghỉ ngơi vì nghèo khổ và túng cực. Theo truyền thống đạo đức công giáo, ngày Chúa Nhật phải là ngày dành riêng để làm việc lành và khiêm tốn phục vụ cho bệnh nhân, kẻ tàn tật và già lão. Người tín hữu cũng phải thánh hiến ngày Chúa Nhật bằng cách dành thời giờ để chú tâm đến gia đình và thân hữu, những người mà thường nhật họ khó chú tâm tới.

2.3.5 Tránh đòi hỏi người khác làm những việc không cần thiết

Chúng ta cũng phải giúp tha nhân nghỉ ngơi bằng cách không bắt buộc họ lao động. GLCG đoạn 2187 dạy:

Ðể thánh hóa ngày Chúa Nhật và lễ trọng, phải có một nỗ lực chung. Nếu không cần thiết, người Ki-tô hữu đừng bắt anh em làm điều gì khiến họ không thể giữ ngày Chúa Nhật. Nếu những tổ chức (thể thao hay gặp gỡ) và nhu cầu xã hội (các dịch vụ công cộng) đòi buộc một số người phải lao động ngày Chúa Nhật, thì họ cũng phải tìm đủ thời gian để nghỉ ngơi. Với tinh thần điều độ và yêu thương, người tín hữu phải tránh những bốc đồng và bạo lực thường gặp thấy nơi các cuộc giải trí tập thể. Dù có những nhu cầu cấp bách về kinh tế, nhà cầm quyền phải lo cho công dân có đủ thời gian nghỉ ngơi và thờ phượng Thiên Chúa. Chủ nhân cũng có trách nhiệm như vậy đối với công nhân của mình.

2.3.6 Người Kitô hữu phải tìm cách làm cho luật dân sự nhìn nhận ngày Chúa Nhật là ngày lễ nghỉ.

Sách GLYL (số 454; xem GLCG 2186-2188, 2194-2195) hỏi: “Tại sao việc luật dân sự nhìn nhận ngày Chúa Nhật là điều quan trọng?”

Ðể cho tất cả mọi người đều có thể nghỉ ngơi đầy đủ và có được một thời gian rảnh rỗi để chăm lo việc tôn giáo, gia đình, văn hóa và xã hội; tìm được thời gian thuận tiện để suy niệm, suy tư, yên tĩnh và học tập; để làm những việc thiện ích, đặc biệt là việc phục vụ những người bệnh tật và già yếu.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 447-454.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2142-2195.

Websites

v. 2010-12-27

Peter Thuan