Bài 39: Đường Dây Nóng Gọi Cho Chúa Trời

Câu hỏi gợi ý

    • Cầu nguyện là gì?
    • Sự khác biệt giữa đọc kinh và cầu nguyện là gì?
    • Người thày dạy cầu nguyện là ai?
    • Có những loại lời cầu nguyện nào?
    • Thế nào là tâm thế đúng khi cầu nguyện?
    • Hoa trái của sự cầu nguyện là gì?
    • Sự tương quan giữa đức cậy và cầu nguyện là gì?
    • Những gì là kẻ thù của sự cầu nguyện?

Chúng ta bước vào phần cuối của chương trình khám phá đức tin; phần này mang tựa đề là Kinh Nguyện. Để tóm lược những gì đã thu thập trong quá trình khám phá này, chúng ta mượn lời của Hồng Y Ratzinger (hiện là đương kim Giáo Hoàng) đã viết khi giới thiệu cuốn Compendium of the Catechism of the Catholic Church (CCCC) [Toát Yếu Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo].(Trong bài này, chúng ta viết là Sách Giáo Lý Yếu Lược – GLYL)

Phần thứ nhất - có tựa đề "Tuyên xưng đức tin" – hàm chứa một tổng hợp cơ bản về LEX CREDENDI, có nghĩa là Chuẩn Tắc Đức Tin được Hội Thánh Công Giáo tuyên xưng, được diễn đạt trong Kinh Tin Kính của các thánh Tông Đồ, và được bổ túc bằng bản Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli. Nhờ việc đọc Kinh Tin Kính trong các buổi cử hành phụng vụ, cộng đoàn Kitô hữu luôn làm sống động các chân lý nền tảng của đức tin.

Phần thứ hai - có tựa đề "Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo" - trình bày các yếu tố căn bản của LEX CELEBRANDI (Chuẩn Tắc Cử Hành Phụng Vụ). Việc rao giảng Tin Mừng tìm được sự đáp ứng xác thực trong đời sống Bí Tích. Trong đời sống này, các Kitô hữu cảm nghiệm và làm chứng trong mỗi giây phút cuộc đời mình hiệu năng cứu độ của mầu nhiệm Vượt Qua, trong đó Ðức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta.

Phần thứ ba - có tựa đề "Ðời sống trong Ðức Kitô" - nhắc nhớ lại LEX VIVENDI (Chuẩn Tắc Sống Đức Tin); trong đời sống này, những người đã chịu phép rửa thể hiện sự trung thành với đức tin mà họ tuyên xưng và cử hành trong phụng vụ thông qua thái độ và sự chọn lựa đạo đức của mình. Chúa Giêsu mời gọi các Kitô hữu thực hiện những hành động phù hợp với phẩm giá là con của Chúa Cha trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.

Phần thứ tư - có tựa đề "Kinh nguyện Kitô giáo" – tóm lược về LEX ORANDI (Chuẩn TắcKinh Nguyện), được hiểu là đời sống cầu nguyện. Theo gương Chúa Giêsu, mẫu mực tuyệt vời của người cầu nguyện, các Kitô hữu được mời gọi trò chuyện với Thiên Chúa trong kinh nguyện, mà một trong những cách diễn tả ưu thế nhất là Kinh Lạy Cha, đó là kinh do chính Chúa Giêsu dạy chúng ta.

Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (GLCG mục 2558) tóm lược sự minh giải trên và trình bày về sự cầu nguyện như sau:

Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm đức tin trong Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ (Phần I), và cử hành trong phụng vụ bí tích (Phần II) để đời sống của các tín hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần hầu tôn vinh Thiên Chúa Cha (Phần III). Do vậy, mầu nhiệm này buộc các tín hữu phải tin, phải cử hành và phải sống mầu nhiệm ấy trong mối tương quan sống động và riêng tư với Thiên Chúa hằng sống và chân thật. Sự tương quan này là cầu nguyện.

1. Ý nghĩa và sự cần thiết của cầu nguyện

1.1 Cầu nguyện là gì?

Sách GLYL (mục 534; xem thêm GLCG mục 2558-2565, 2590) minh giải về sự cầu nguyện như sau:

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Ðấng đến gặp gỡ con người. Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong tâm hồn họ.

Trước hết, cầu nguyện là NÂNG LÒNG TRÍ LÊN THIÊN CHÚA. Qua lời minh giải này, chúng ta hiểu rằng khi cầu nguyện, chúng ta không đưa Thiên Chúa xuống ngang tầm với chúng ta; trái lại, nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta nâng chính mình lên tầm mức siêu việt, tầm mức thượng đẳng của Thiên Chúa. Chúng ta không ước nguyện Thiên Chúa chuyển ý của Ngài theo ý chúng ta, mà là chúng ta chuyển những suy tư của mình hướng theo ý Thiên Chúa, bày tỏ những khát vọng của chúng ta theo mong ước của Thánh Tâm Chúa. Chúng ta không cần gắng sức tỏ bày mọi nỗi niềm vì Thiên Chúa đã biết tất cả những điều đó. Thánh Mátthêu đã viết: "Cha của anh em đã biết những gì anh em cần trước khi anh em cầu xin Ngài." (6:8). Chúng ta hãy lắng nghe Thiên Chúa phán dạy để biết thánh ý của Ngài.

Điểm thứ hai, sự minh giải trong Sách GLYL chỉ ra cho chúng ta điều hiểu biết căn bản về sự cầu nguyện; đó là NGUYỆN XIN CHÚA NHỮNG ƠN LÀNH PHÙ HỢP VỚI THÁNH Ý CỦA NGÀI. Câu này rất quan trọng trong lời minh giải trên nhưng lại là câu chúng ta luôn luôn quên. Chúng ta thường không nhìn hết được cảnh vật bao la, không biết được toàn bộ cuốn truyện nên chúng ta thực sự không biết được những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với chúng ta sau này. Nhưng Thiên Chúa biết tất cả mọi sự. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến những câu thơ trong bài thơ The Weaver (Thợ Dệt):

Cuộc sống của chúng ta là gì nếu chẳng phải là một phẩm vật dệt đan giữa Thiên Chúa và chúng ta,

Chúng ta không thể lựa chọn những sắc màu mà Ngài đã khôn khéo pha tạo.

Rất nhiều lần Thiên Chúa dệt đan vào tấm vải đời chúng ta những sầu muộn,

nhưng với tính ngạo mạn xuẩn ngốc của mình, chúng ta thường quên rằng Ngài nhìn mặt

trên tấm vải còn chúng ta lại nhìn mặt dưới.

Chỉ đến khi khung cửi lặng yên, thoi tơ ngừng qua lại,

Thiên Chúa sẽ lấy tấm vải dệt ra và tỏ lộ thánh ý của Ngài.

Trong tay người Thợ Dệt tài ba, những sợi vải sậm màu cũng cần thiết

như những sợi vàng, sợi bạc để làm đẹp hoa văn cuộc đời.

(Benjamin Malachi Franklin, 1882-1965)

Điểm thứ ba, sự minh giải trên cho ta biết rằng cầu nguyện thực sự là một HỒNG ÂN CỦA THIÊN CHÚA. Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của ngài: "Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước." (I Goan 4:19). Chúng ta chỉ là hư không nhưng chính Thiên Chúa đã nghĩ đến chúng ta, đã tạo nên chúng ta, và tìm gặp chúng ta. Do vậy, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta đáp lại sự nhân lành của Thiên Chúa. Mục 535 Sách GLYL viết:

… Nhưng chính Thiên Chúa đã đi bước trước, không ngừng lôi kéo mỗi người đến gặp gỡ Ngài cách huyền nhiệm trong việc cầu nguyện.

Và điểm sau cùng, cầu nguyện là MỐI LIÊN HỆ CÁ NHÂN VÀ SỐNG ĐỘNG CỦA CON CÁI VỚI CHA CỦA MÌNH LÀ THIÊN CHÚA THIỆN HẢO, với CON CỦA NGÀI, và với CHÚA THÁNH THẦN. Mối liên hệ cần đến SỰ ĐÀM ĐẠO, một trao đổi thường xuyên nhưng không nhất thiết bằng ngôn từ..

1.2 Vì sao mọi người được mời gọi cầu nguyện?

Con người cảm thấy sự thôi thúc cầu nguyện vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo cách thức để con người luôn khao khát sự vô tận, và chỉ có Thiên Chúa mới làm mãn nguyện sự khao khát này. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Khoảng trống mênh mông trong tâm hồn con người chỉ được lấp đầy bằng sự cầu nguyện." Ngài còn nhấn mạnh thêm: "Cầu nguyện là sự khao khát của lòng trí con người đối với Thiên Chúa." Chính vì thế, cầu nguyện là một hành vi hiện diện ở mọi nền văn hóa. (xem thêm GLYL mục 535). Trong bài huấn giáo đầu tiên về sự cầu nguyện giảng vào ngày 4/5/2011, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã trình bày rất kỹ về điểm này bằng sự minh chứng rằng những nền văn hóa cổ đại (điển hình là Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp, La Mã) đều có truyền thống cầu nguyện. Cuối bài huấn giáo, Đức Giáo Hoàng kết luận:

Trong những điển hình về sự cầu nguyện của nhiều nền văn hóa cổ đại mà chúng ta vừa xem xét, chúng ta nhận ra một bằng chứng về chiều kích tôn giáo và về sự khát vọng đối với Thiên Chúa đã được khắc ghi trong tâm trí của từng con người; điều này được hoàn thiện và diễn đạt đầy đủ trong Cựu Ước và Tân Ước. Sự mạc khải đã thực sự làm thuần khiết nỗi khát vọng nguyên sơ của con người đối với Thiên Chúa, và đem lại sự viên mãn cho khát vọng đó; đồng thời, qua sự cầu nguyện, nó đem đến cho con người khả năng tạo được mối tương quan sâu đậm với Chúa Cha trên trời.

Chúng ta thấy được nhiều mẫu gương về cầu nguyện trong suốt lịch sử cứu độ. Sách GLYL chỉ ra cho chúng ta mẫu gương của Abraham (mục 536), của Môsê (mục 537), của Vua David (mục 538), của các tiên tri (mục 539), trong Thánh Vịnh (mục 540), của Đức Maria (mục 546), và của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi (mục 548).

Ông ABRAHAM là mẫu gương về cầu nguyện bởi vì ông bước đi trước nhan Thiên Chúa, Ðấng ông lắng nghe và vâng phục. Lời cầu nguyện của ông là một cuộc chiến đấu của đức tin, vì ngay khi bị thử thách, ông vẫn xác tín vào sự trung thành của Thiên Chúa. Ngoài ra, sau khi đón tiếp Chúa trong lều của mình và được Ngài cho biết các kế hoạch, Abraham mạnh dạn chuyển cầu cho các kẻ tội lỗi với một lòng tin tưởng mãnh liệt.

Lời cầu nguyện của ông MÔSÊ tiêu biểu cho lời cầu nguyện chiêm niệm. Thiên Chúa, Ðấng đã gọi ông từ Bụi Gai bốc cháy, thường xuyên tiếp xúc lâu giờ với ông, "mặt giáp mặt như hai người bạn với nhau." (Xuất Hành 33:11). Trong tình thân mật với Thiên Chúa, ông Môsê rút được sức mạnh để kiên trì chuyển cầu cho dân mình: như vậy, lời cầu nguyện của ông tượng trưng cho lời chuyển cầu của Ðấng Trung Gian duy nhất là Ðức Giêsu Kitô.

Kinh nguyện của Dân Thiên Chúa được phát triển dưới bóng Nhà Chúa - bên Hòm Bia Giao Ước, rồi nơi Ðền Thờ - nhờ sự hướng dẫn của các vị mục tử. Trong số đó, có DAVID, là vị vua "được đẹp lòng Thiên Chúa", là người mục tử cầu nguyện cho dân của mình. Lời cầu nguyện của ông là mẫu mực cho kinh nguyện của dân, vì lời này luôn gắn bó với lời hứa của Thiên Chúa, được dâng lên với lòng tin tưởng yêu kính đối với Ðấng là Vua và là Chúa duy nhất.

Nhờ cầu nguyện, các TIÊN TRI tìm được ánh sáng và sức mạnh để thúc đẩy dân chúng tin tưởng và hoán cải tâm hồn. Các ngài sống trong sự thân mật sâu xa với Thiên Chúa và chuyển cầu cho anh em của mình, là những người được các ngài loan báo điều họ đã thấy và đã nghe từ nơi Thiên Chúa. Ông Êlia là tổ phụ các tiên tri, của những người tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa. Trên đỉnh Carmel, ông đã giúp cho dân chúng quay về với đức tin, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, Ðấng ông cầu khẩn: "Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con." (Sách Các Vua I, 18:37).

Các THÁNH VỊNH là tột đỉnh của kinh nguyện Cựu Ước: Lời Thiên Chúa đã trở thành lời cầu nguyện của con người. Vừa mang tính cá nhân, vừa mang có tính cộng đoàn, các Thánh Vịnh được Thánh Thần linh ứng, ca ngợi những kỳ công của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử cứu độ. Ðức Kitô đã cầu nguyện bằng các Thánh Vịnh và đã đưa chúng đến mức toàn hảo. Vì thế, các Thánh Vịnh là một yếu tố chính yếu và thường xuyên trong kinh nguyện của Hội Thánh; chúng thích hợp cho con người trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thời gian.

Kinh nguyện của ĐỨC MARIA phát xuất từ niềm tin và việc quảng đại hiến dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Mẹ của Chúa Giêsu cũng là bà Eva Mới, là "Mẹ của chúng sinh". Mẹ đã cầu xin Chúa Giêsu, Con của Mẹ, cho những nhu cầu của loài người.

Khởi đầu sách Công Vụ Tông Ðồ có ghi lại, trong CỘNG ĐOÀN tiên khởi tại Giêrusalem được Thánh Thần dạy cho biết cầu nguyện, "các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng" (Công Vụ 2:42)

Mẫu gương cầu nguyện tuyệt hảo nhất là mẫu gương của ĐỨC GIÊSU. Ngài là người thầy tài giỏi nhất về cầu nguyện vì Ngài là CON vĩnh cửu của THIÊN CHÚA, và Đấng duy nhất dạy chúng ta biết cách kết hợp với Thiên Chúa Cha. (xem thêm GLYL mục 541), chỉ cho chúng ta cách nâng lòng trí lên Thiên Chúa và hợp nhất với Ngài. Mục 543 Sách GLYL trình bày tường tận lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong Cuộc Khổ Nạn của Ngài:

Trong cơn hấp hối nơi vườn Ghếtsêmani, cũng như qua các lời cuối cùng trên Thánh giá, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mạc khải chiều sâu thẳm của lời cầu nguyện trong tình con thảo của Người. Chúa Giêsu chu toàn ý định yêu thương của Chúa Cha và mang lấy trên mình Người tất cả âu lo của nhân loại, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu của lịch sử cứu độ. Người dâng lên Chúa Cha, Ðấng đón nhận những lời cầu nguyện ấy và đáp lại vượt mức mong đợi, bằng cách làm cho Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại.

2. Chúng ta nên nói gì khi cầu nguyện?

Vì cầu nguyện được xem như sự đàm đạo với Thiên Chúa, nên đề tài cho cuộc đàm đạo này liên quan nhiều đến hoàn cảnh hoặc những nỗi niềm bức thiết của chúng ta. Theo truyền thống, Hội Thánh chia các chủ đề hoặc mô thức cầu nguyện thành bốn loại mà chúng ta có thể tóm tắt bằng chữ PACT, được ghép bởi mẫu tự đầu của các chữ sau: petition (nguyện xin), adoration (tôn kính), contrition (hối lỗi), thanksgiving (tạ ơn). Sách GLCG trình bày về sáu mô thức cầu nguyện: chúc tụng, tôn kính, cầu xin, chuyển cầu, tạ ơn, ngợi ca. Sách GLYL lần lượt trình bày về những mô thức đó từ mục 551 tới 556 như sau:

2.1 Lời kinh chúc tụng

Lời kinh chúc tụng là lời con người đáp lại các hồng ân của Thiên Chúa: chúng ta chúc tụng Ðấng Toàn Năng, Ðấng đã chúc lành cho chúng ta trước và ban tràn đầy hồng ân của Ngài cho chúng ta.

2.2 Việc thờ lạy

Việc thờ lạy là sự phủ phục của con người, tự nhận mình là thụ tạo trước Ðấng Sáng Tạo muôn trùng chí thánh của mình.

2.3 Lời kinh xin ơn

Ðây có thể là một lời xin ơn tha thứ hay còn là một lời khiêm tốn và tin tưởng xin ơn cho tất cả mọi nhu cầu tinh thần lẫn vật chất của chúng ta. Nhưng điều trước hết phải nài xin, là cầu cho Nước Thiên Chúa mau đến.

2.4 Lời kinh chuyển cầu

Kinh chuyển cầu là lời cầu nguyện xin ơn cho một người khác. Lời kinh này giúp chúng ta nên giống Chúa Giêsu, kết hợp chúng ta với kinh nguyện của Người, Ðấng chuyển cầu lên Thiên Chúa cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người tội lỗi. Lời kinh chuyển cầu cần phải mở rộng đến cả kẻ thù của chúng ta.

2.5 Lời kinh tạ ơn

Hội Thánh không ngừng tạ ơn Thiên Chúa, nhất là khi cử hành Thánh lễ, trong đó Ðức Kitô cho Hội Thánh tham dự vào hành động tạ ơn của Người dâng lên Thiên Chúa Cha. Ðối với người Kitô hữu, mọi biến cố trong đời sống đều trở thành chất liệu để tạ ơn.

2.6 Lời kinh ngợi ca

Lời kinh ca ngợi là kinh nguyện công nhận Thiên Chúa là Chúa một cách trực tiếp. Lời kinh này hoàn toàn vô vị lợi: ca ngợi Thiên Chúa vì chính Ngài, và tôn vinh Ngài vì Ngài hiện hữu.

3. Chúng ta nên nhớ những gì khi cầu nguyện?

3.1 Từ đâu chúng ta có thể lấy được những ý tưởng để cầu nguyện?

Sách GLYL (mục 558; xem thêm GLCG mục 2652-2662) trình bày rõ về những nguồn mạch của kinh nguyện Kitô giáo:

Đó là:LỜI CHÚA trao ban cho chúng ta "sự hiểu biết siêu việt" về Ðức Kitô (Thư Phipipphê 3:8); PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH loan báo, hiện thực hóa và thông truyền mầu nhiệm cứu độ; CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN;và NHỮNG HOÀN CẢNH THƯỜNG NGÀY, trong đó chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Josemaria luôn xem KINH NGUYỆN PHỤNG VỤ là nguồn mạch kinh nguyện. Ngài viết trong cuốn The Way (Con Đường) (mục 86) lời khuyên như sau:

Kinh nguyện của các con cần phải là kinh nguyện phụng vụ. Cha rất vui khi thấy các con dùng thánh vịnh và đọc những lời kinh nguyện lấy từ sách thánh hơn là đọc lời nguyện riêng của các con.

Và khi chúng ta cảm thấy khó khăn khi khởi sự cầu nguyện, Thánh Josemaria khuyên chúng ta:

Các con nói rằng mình sẽ cầu nguyện như thế nào đây. Hãy thinh lặng mường tượng các con đang quì trước Chúa, và rồi thưa với Ngài: "Lạy Chúa, con không biết cách cầu nguyện. Hãy dạy cho con!" Bằng lời này, các con đã khởi sự cầu nguyện rồi đó. (The Way 90)

3.2 Đức Kitô trong lời cầu nguyện của chúng ta

Mục 560 sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2680-2681) hỏi: Con đường cầu nguyện của chúng ta là con đường nào? Và lời đáp:

Con đường cầu nguyện của chúng ta là chính Ðức Kitô. Lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Thiên Chúa, Cha chúng ta, nhưng chỉ lên tới Ngài khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu, ít nhất là cách mặc nhiên. Nhân tính của Chúa Giêsu là con đường duy nhất, qua đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện lên Cha của chúng ta. Vì thế các lời kinh Phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: "Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con."

3.3 Về vai trò của Chúa Thánh Thần?

Mục 561 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2670-2672; 2680-2681) giảng giải:

Chúa Thánh Thần là bậc Thầy nội tâm của kinh nguyện Kitô giáo và "chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải" (Thư Rôma 8,26), nên Hội Thánh khuyến khích chúng ta kêu cầu và van nài trong mọi hoàn cảnh:"Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!"

Thánh Phaolô khẳng định điều này trong Thư gửi tín hữu Rôma (8:26):

Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí lấy sự thở than không thốt thành lời mà cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

3.4 Về Đức Mẹ Maria?

Sách GLYL (mục 562; xem thêm GLCG mục 2673-2679; 2682) trình bày:

Vì sự cộng tác độc đáo của Ðức Maria vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, nên Hội Thánh yêu thích kêu cầu Mẹ và cùng cầu nguyện với Mẹ, vì Mẹ là người cầu nguyện tuyệt hảo, nhờ đó cùng với Mẹ chúng ta tôn vinh và kêu cầu Chúa. Thật vậy, Ðức Maria chỉ "đường" cho chúng ta, con đường ấy chính là Con của Mẹ, Ðấng Trung Gian duy nhất.

Thực ra, các thánh cũng là những mẫu gương về cầu nguyện. Hơn thế nữa, các ngài còn là những người cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, (xem thêm GLYL mục 564)

Những giai đoạn đầu tiên trong đời sống cầu nguyện diễn ra trong gia đình. Sách GLYL (mục 565; xem thêm GLCG mục 2685-2690, 2694-2695) viết:

Gia đình Kitô hữu là nơi đầu tiên dạy cầu nguyện. Hội Thánh đặc biệt khuyến khích các gia đình nên cầu nguyện hằng ngày, vì đó là chứng từ đầu tiên của đời sống cầu nguyện trong Hội Thánh. Việc huấn giáo, những nhóm cầu nguyện, việc linh hướng tạo thành trường học và sự trợ giúp cho việc cầu nguyện.

3.5 Nơi cầu nguyện

Lời dạy nơi mục 566 Sách GLYL về nơi cầu nguyện như sau (xem thêm GLCG mục 2691, 2696):

Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, nhưng việc chọn một nơi thích hợp sẽ giúp ích hơn cho việc cầu nguyện. Nhà thờ là nơi dành riêng cho kinh nguyện Phụng vụ và việc tôn thờ Thánh Thể. Những nơi khác cũng có thể giúp chúng ta cầu nguyện, chẳng hạn "một góc cầu nguyện" trong gia đình, một tu viện, một đền thánh.

Đức Giêsu Kitô đã dạy các môn đệ của Ngài (Mátthêu 6:5-6):

(5) Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. (6) Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh.

The "room" that our Lord speaks about does Chữ "phòng" mà Đức Giêsu nói ở đây không nhất thiết là căn phòng thể lý. Ý của Ngài là chúng ta hãy tìm đến sự tĩnh lặng nội tâm để một mình đàm đạo với Thiên Chúa. (xem thêm GLCG mục 2710). Chúng ta có thể KẾT HỢP mọi giác quan – kể cả ngoại quan (nhất là thị giác và thính giác) lẫn nội quan (óc tưởng tượng và trí nhớ) – với tâm hồn và ý chí của chúng ta để ngăn những thứ khác xen vào lòng trí khi cầu nguyện. Chúng ta có thể làm điều này khi đi trên phố, khi ngồi trên xe lửa hoặc xe buýt, khi ở nơi phố thị hoặc nơi làm việc. Nơi nào cũng có thể trở thành nơi cầu nguyện khi bản thân chúng ta NHỚ TỚI VIỆC CẦU NGUYỆN. Thánh Josemaria đã viết trong bài giảng của ngài có tựa đề "Passionately Loving the World" (Tha thiết Yêu Thương Thế Trần) những lời sau:

Cuộc sống thường ngày chính là môi trường để chúng ta sống đời sống Kitô hữu. Sự tiếp xúc hằng ngày giữa chúng ta với Thiên Chúa diễn ra ở nơi có những đồng nghiệp, những khát vọng, công việc và những thương yêu trìu mến của chúng ta. Tại những nơi đó, chúng ta hằng ngày gặp gỡ Đức Kitô. Chính ngay giữa mọi thứ vật chất nhất của thế trần mới là nơi chúng ta thánh hóa bản thân, là nơi chúng ta phục vụ Thiên Chúa và nhân loại.

3.6 Cầu nguyện khi nào

Sách GLYL (mục 567; xem thêm GLCG mục 2697-2698, 2720) viết:

Mọi thời điểm đều thích hợp cho việc cầu nguyện. Nhưng Hội Thánh đề nghị cho các tín hữu những chu kỳ cố định để nuôi đưỡng việc cầu nguyện liên tục: kinh sáng và kinh chiều, trước và sau khi dùng cơm, Các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ ngày Chúa nhật, kinh Mân Côi, các lễ mừng trong năm Phụng vụ.

"Chúng ta phải luôn nhớ đến Thiên Chúa thường xuyên hơn chúng ta hít thở." (Thánh Gregory of Nazianzus)

Đức Giêsu đã làm gương và dạy chúng ta rằng HÃY CẦU NGUYỆN LUÔN vì đó là điều CẦN THIẾT. (xem thêm Tin Mùng Luca 18:1). Mục 542 Sách GLYL viết:

Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện. Người thường lui vào nơi hoang vắng, kể cả lúc ban đêm. Người cầu nguyện trước những thời điểm quyết định cho sứ vụ của mình hay của các tông đồ. Thực ra, cả cuộc đời của Người là cầu nguyện, vì Người luôn sống trong sự hiệp thông tình yêu với Chúa Cha.

Mục 576 Sách GLYL trích dẫn lời của Thánh Gioan Kim Khẩu:

"Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng, khi ở ngoài chợ hay khi đi dạo một mình, khi đang ngồi ở nơi làm việc hay khi đang mua bán, và ngay cả khi đang nấu ăn."

Chúng ta tựa như những thiết bị điện cần phải cắm vào nguồn điện mới hoạt động được. Ngay cả những thiết bị dùng pin cũng cần phải nạp điện định kỳ vì chúng không thể hoạt động luôn mãi bằng nguồn năng lượng dự trữ. Cầu nguyện chính là "điểm kết nối" giúp chúng ta nhận được năng lực từ Đấng vượt trên chúng ta.

Sách GLCG mục 2710 thêm lời dạy cho chúng ta như sau:

Việc chọn lúc nào và bao lâu để cầu nguyện chiêm niệm tùy thuộc một Ý CHÍ MẠNH MẼ, bộc lộ những điều kín nhiệm trong lòng. Không phải chỉ chiêm niệm khi có thời giờ, mà chúng còn phải DÀNH THỜI GIAN cho Thiên Chúa, và nhất quyết giữ đúng như thế, cho dù có gặp những thử thách và lòng ta có đôi lần nguội lạnh, khô khan.

Qua việc dành thời gian cho Thiên Chúa, chúng ta bày tỏ một cách rõ ràng rằng chúng ta là thần dân của Ngài, và Ngài chính là Chúa Tể của chúng ta. Hãy tưởng tượng có tài xế nào nói với sếp của mình rằng khi nào ông ta vui vẻ, thoải mái, ông ta mới lái xe cho sếp, còn không thì thôi! Khi ai đó chỉ làm theo cảm tính, anh ta không phục vụ Thiên Chúa. Người đó chỉ phục vụ bản thân mình.

4. Những cách thức cầu nguyện

Sách GLYL (mục 568; xem thêm GLCG mục 2697-2699) trình bày về ba cách thức cầu nguyện:

Truyền thống Kitô giáo đã lưu giữ ba cách thức chính để thể hiện và sống việc cầu nguyện: khẩu nguyện, suy niệm và cầu nguyện chiêm niệm. Ðặc điểm chung của cả ba cách thức này là TẬP TRUNG TÂM TRÍ.

4.1 Khẩu nguyện

Sách GLCG nhắc nhở rằng chúng ta không những cầu nguyện với lòng trí của mình mà còn phải cầu nguyện với cả thể xác, và thốt ra lời cầu nguyện bằng môi miệng của mình. Khi các Tông Đồ nhìn thấy Đức Giêsu cầu nguyện, họ đã xin Ngài dạy cho họ cách cầu nguyện, và Ngài dạy cho họ Kinh Lạy Cha. Sách GLCG (mục 2701) viết thêm rằng Đức Giêsu

không những đọc lớn tiếng lời kinh nguyện phụng vụ của hội đường, mà như các sách Tin Mừng cho thấy, Ngài cao giọng thốt ra những lời cầu nguyện riêng của Ngài, từ những lời hân hoan chúc tụng Chúa Cha, đến những lời thống khổ nơi vườn Ghếtsêmani.

Mục 2702 Sách GLCG giảng giải rằng các hình thức bề ngoài của việc cầu nguyện rất quan trọng vì chúng ta không phải hoàn toàn là tinh thần. Chúng ta còn có thể xác nên chúng ta cần biểu lộ lời cầu nguyện qua thể xác.

Nhu cầu liên kết các giác quan với việc cầu nguyện nội tâm đáp ứng đòi hỏi của bản tính loài người chúng ta. Chúng ta có thể xác và tinh thần, và chúng ta cảm nghiệm được nhu cầu cần phải tỏ bày tâm tình của mình. Chúng ta cần cầu nguyện với cả thể xác lẫn tinh thần; như thế, sức mạnh lời khẩn cầu của chúng ta sẽ tăng thêm gấp bội.

Đó cũng chính là điều Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện. Rất đúng và rất chuẩn xác khi chúng ta diễn đạt những suy tưởng, những khát vọng trong thâm tâm bằng một cách thức hữu hình. Mục 2703 Sách GLCG giảng giải:

Nhu cầu này cũng đáp ứng đòi hỏi của Thiên Chúa. Thiên Chúa tìm kiếm những người thờ phượng Ngài trong Thần Khí và Sự Thật, nên Ngài tìm kiếm những lời cầu nguyện dâng lên Ngài từ cõi sâu thẳm của linh hồn. Thiên Chúa cũng cần cách diễn đạt bên ngoài kết hợp được thể xác với lời cầu nguyện nội tâm, vì lời cầu nguyện như thế sẽ dâng lên Thiên Chúa sự tôn kính trọn vẹn, là điều Ngài đòi hỏi.

Chúng ta không nên xem nhẹ tầm quan trọng của khẩu nguyện vì đó là khởi nguồn của cầu nguyện suy niệm. (xem thêm mục 2704 Sách GLCG ). Thánh Josemaria viết trong bài giảng Toward Holiness (Nói Về Sự Thánh Thiện) [trong cuốn Friends of God, mục 296) như:

Chúng ta khởi sự bằng khẩu nguyện mà nhiều người trong chúng ta đã làm từ hồi nhỏ. Những lời cầu nguyện này chỉ là những cụm từ bình dị nhưng thiết tha dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria cũng là Mẹ chúng ta. Sáng và tối, không phải thỉnh thoảng mà là một thói quen, cha vẫn đọc lời cầu nguyện mà hồi nhỏ cha học được từ ba mẹ: "Lạy Thánh Mẫu, Mẹ của con! Con dâng xác hồn con cho Mẹ, và để thể hiện tình con thảo, ngày hôm nay con xin dâng cặp mắt, đôi tai, miệng lưỡi, lòng trí con … cho Mẹ." Đây chẳng phải là sự khởi đầu của suy niệm, của sự biểu lộ rõ ràng về việc phó thác đầy tin yêu hay sao? Những người yêu nhau thường nói gì khi gặp nhau? Họ đối xử với nhau thế nào? Họ hy sinh bản thân và tất cả mọi thứ cho người mình yêu thương.

Thoạt đầu chỉ là những lời nguyện tắt, rồi dần dần là những lời nguyện dài hơn, tha thiết hơn … cho tới khi nhiệt huyết của chúng ta dường như không được thỏa mãn vì ngôn từ quá thiếu thốn … lúc đó, sự khẩu nguyện nhường chỗ cho sự gắn bó mật thiết với Thiên Chúa, không ngừng nhìn ngắm Ngài. Chúng ta bắt đầu sống như những người bị giam cầm, như những tù nhân. Trong khi chúng ta thực hiện những nhiệm vụ phân định cho chúng ta tùy theo hoàn cảnh và bổn phận với nỗ lực tối đa cho dù chúng ta còn nhiều thiếu sót và khả năng hạn hẹp, thì linh hồn chúng ta chỉ mong vượt thoát. Nó hướng về Thiên Chúa tựa như sắt bị nam châm hút. Trải qua nhiều ngạc nhiên dịu ngọt của những lần gặp gỡ Đức Giêsu, con người sẽ yêu mến Ngài mãnh liệt hơn.

Trong bài học trước, chúng ta đề cập tới tầm quan trọng của SỰ BÁI QUÌ, và trích dẫn một đoạn văn trong cuốn The Spirit of the Liturgy (Tinh Thần Của Phụng Vụ) của Hồng Y Ratzinger (hiện là đương kim Giáo Hoàng). Đoạn đó như sau:

Người nào học hỏi để tin thì cũng học cách bái quì, và một tín ngưỡng hoặc phụng vụ xa lạ với hành vi bái quì thì nó đã suy nhược từ trong cốt lõi. Nơi nào đã bỏ đi sự bái quì, thì nơi đó cần nhanh chóng khôi phục hành vi này để khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta được hiệp thông với các thánh tông đồ cùng các thánh tử đạo; được hiệp thông với toàn thể vũ trụ, và nhất là được hiệp nhất với chính Đức Giêsu Kitô.

Để minh họa cho điều này, ngài thuật lại một chuyện nhỏ từ các Vị Ẩn Tu Sa Mạc (Desert Fathers):

Thiên Chúa buộc quỉ dữ phải hiện nguyên hình trước một người mang tên Abba Apollo nào đó. Quỉ dữ đen đúa, xấu xí, tay chân khẳng khiu ghê rợn, nhưng kinh hãi nhất là nó KHÔNG CÓ ĐẦU GỐI. Không thể bái quì được xem là đặc tính của loài ma quỉ.

4.2 Suy niệm

Mục 570 Sách GLYL viết về sự suy niệm như sau:

Suy niệm là suy tư trong cầu nguyện. Việc suy tư này phải bắt đầu từ Lời Chúa trong Thánh Kinh. Suy niệm vận dụng lý trí, trí tưởng tượng, tình cảm, ước muốn, để đào sâu đức tin, hoán cải tâm hồn và củng cố ý chí muốn bước theo Ðức Kitô. Ðây là bước khởi đầu tiến đến việc kết hợp với Chúa trong tình yêu.

Những gì giúp chúng ta suy niệm? Chúng ta có thể nhờ đến các sách linh đạo (xem thêm mục 2705 Sách GLCG ), và đặc biệt là nhờ đến cuốn sách cuộc đời (xem thêm mục 2706 Sách GLCG ), vì Thiên Chúa, người Cha hằng yêu thương chúng ta, luôn quan tâm tới những mọi sự xảy đến cho chúng ta. Thánh Josemaria cho chúng ta lời khuyên thực tiễn giúp chúng ta trau dồi suy niệm (trích từ cuốn The Way, mục 97).

Các con không biết nói gì với Thiên Chúa khi cầu nguyện. Các con không nghĩ ra điều gì nhưng lại muốn Thiên Chúa giúp rất nhiều. Các con nên làm như sau: Trong ngày, hãy ghi lại mọi điều các con muốn trình bày với Chúa. Và rồi đem những ghi chép đó vào trong lời cầu nguyện của các con.

4.3 Chiêm niệm

Chiêm niệm được trình bày trong Sách GLYL (mục 571; xem thêm GLCG mục 2709-2719, 2724, 2739-2741) như sau:

Chiêm niệm là đơn sơ chiêm ngắm Thiên Chúa, trong thinh lặng và trong tình yêu. Ðó là một hồng ân của Thiên Chúa, một khoảnh khắc của đức tin thuần túy trong đó người cầu nguyện tìm kiếm Ðức Kitô, phó thác mình cho ý định yêu thương của Chúa Cha và đặt mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Thánh Têrêsa Avila định nghĩa chiêm niệm là "một cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, một mình bên Ðấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương ta."

Mục 2710 Sách GLCG giảng giải thêm:

Không thể suy niệm bất cứ lúc nào, nhưng luôn luôn có thể cầu nguyện chiêm niệm vì không lệ thuộc vào tình trạng sức khỏe, điều kiện làm việc, hoặc trạng thái tình cảm.

Điều này có nghĩa là chiêm niệm không phải chỉ dành cho những con người đặc biệt, nhưng dành cho mọi người. Ai cũng được mời gọi chiêm niệm vì tất cả đều được mời gọi chia sẻ trong tình bằng hữu thân thiết của Đức Giêsu.

5. Để cầu nguyện sốt sắng, chúng ta cần có tâm thế ra sao?

Cầu nguyện là một trận chiến vì ma quỉ luôn ra sức ngăn trở chúng ta, tách rời chúng ta khỏi nguồn mạch cuộc sống. Bởi thế, mục 572 Sách GLYL viết rằng sự tinh tiến đời sống thiêng liêng tùy thuộc nhiều vào nỗ lực cầu nguyện. Thêm vào đó, bản thân chúng ta cũng có nhiều vật cản gây khó cho nỗ lực này. Mục 574 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2729-2733, 2754-2755) chỉ ra ba trong số những vật cản này:

SỰ LO RA (chia trí) là khó khăn thường xuyên của việc cầu nguyện. Lo ra tách sự chú ý của chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, và cũng có thể cho thấy chúng ta đang quyến luyến điều gì. Lúc đó tâm hồn chúng ta phải khiêm tốn quay về với Chúa. Lời cầu nguyện còn thường bị sự khô khan tấn công. Ai muốn chiến thắng sự khô khan, phải gắn bó với Thiên Chúa bằng đức tin, cho dù không cảm thấy một sự an ủi nào. SỰ NGUỘI LẠNH là một hình thức lười biếng về mặt thiêng liêng do lơ là việc tỉnh thức và do sự chểnh mảng của tâm hồn.

Chúng ta cần những khí giới nào để thắng cuộc chiến này? Sách GLCG nêu ra cho chúng ta như sau:

    • Đức tin (GLCG mục 2656, 2609)
    • Đức cậy (GLCG mục 2657)
    • Đức mến (GLCG mục 2658)
    • Khiêm nhường (GLCG mục 2559)
    • Sự hối cải tâm hồn (GLCG mục 2608)
    • Ở nơi thanh vắng (GLCG mục 2602)
    • Sự sẵn lòng thi hành thánh ý Chúa (GLCG mục 2611)
    • Sự tỉnh thức (GLCG mục 2612)
    • Đức kiên nhẫn và sự trung kiên (GLCG mục 2613)
    • Hãy cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu (GLCG mục 2614)
    • Hãy nguyện xin ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần (GLCG mục 2615)
    • Sự hòa giải với tha nhân (GLCG mục 2608)

6. Hoa trái của sự cầu nguyện

Chúng ta có thể kể ra đây những hoa trái của sự cầu nguyện:

    • cảm nhận về tình trạng là con Thiên Chúa: chúng ta nhận Thiên Chúa là Cha (GLCG mục 2664)
    • tình thân với Đức Giêsu Kitô (GLCG mục 2665)
    • sự thuận theo Chúa Thánh Thần (GLCG mục 2670)
    • sự chữa lành khỏi những xấu xa tâm linh
    • sự lớn mạnh về đời sống thiêng liêng và các nhân đức đối thần (tin, cậy, mến)
    • nhận được những gì chúng ta nguyện xin

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 534-577. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu Lược – GLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 2558-2758. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công Giáo – GLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002.
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996.

Websites

Transl. Peter Thuan