Bài 33: Người Bậc Nhất Nơi Tha Nhân

Câu hỏi hướng dẫn

  • Sự khác biệt giữa 3 Điều Răn đầu với 7 Điều Răn sau là gì?
  • Ý nghĩa của Điều Răn thứ tư là gì?
  • Bổn phận của con cái đối với cha mẹ?
  • Nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái?
  • Gia đình được hiểu như thế nào?
  • Gia đình có tầm quan trọng ra sao?
  • Con cái phải luôn vâng lời cha mẹ phải không? Sự vâng lời này có hạn định ở một lứa tuổi nào hay không?
  • Thái độ của chúng ta nên như thế nào đối với những người chăn dắt Hội Thánh?
  • Thái độ của chúng ta nên như thế nào đối với những người điều hành nhà nước?
  • Có tình huống nào con cái không nên vâng theo lời cha mẹ hay không?
  • Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về gia đình có tựa đề là gì?

1. Tổng lược và khái quát

1.1 Kính mến Chúa và yêu thương người

Mục 2067 Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) viết:

Mười Điều Răn nêu ra các đòi hỏi của lòng mến Chúa và yêu thương người. Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều răn sau đề cập tới lòng yêu thương đối với tha nhân.

Cũng như đức mến bao hàm hai giới răn mà Thiên Chúa đã truyền dạy nơi Lề Luật và nơi các ngôn sứ… Mười Điều Rẳn được trao ban trên hai bảng. Ba điều trên bảng này, và bảy điều trên bảng kia. [Thánh Augustine, Sermo 33, 2, 2]

1.2 Yêu thương tha nhân

Chương 12 Tin Mừng Thánh Máccô thuật lại:

(28) Có một người trong các kinh sư đã nghe Ðức Giêsu và những người thuộc nhóm Xađốc tranh luận với nhau. Thấy Ðức Giêsu đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" (29) Ðức Giêsu trả lời: "Ðiều răn đứng đầu là: Nghe đấy, hỡi Israel, Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. (30) Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Ðiều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.

1.3 Trật tự của đức mến

Sách GLCG mục 2197 dạy:

Điều Răn thứ tư mở đầu bảng hai của Mười Điều Răn. Điều Răn này nêu lên trật tự của đức mến. Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những người chúng ta phải mang ơn về sự sống, và là những người truyền cho chúng ta sự nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng buộc phải tôn kính tất cả những người được Thiên Chúa trao ban quyền bính của Ngài để mưu ích cho chúng ta.

1.4 Điều răn này bao hàm những gì?

Sách GLCG (mục 2199) viết rằng điều răn này nói đến cả những người THUỘC quyền lẫn những người NẮM quyền.

Điều răn thứ tư rõ rệt nhắm tới con cái trong tương quan giữa họ với cha mẹ bởi vì đây là mối tương quan phổ quát nhất. Điều này cũng liên quan tới các quan hệ họ hàng giữa các thành viên trong gia tộc, đòi hỏi chúng ta phải tôn kính, mến yêu và biết ơn ông bà tổ tiên. Cuối cùng, điều răn này còn mở rộng tới các bổn phận của học trò đối với thày cô, thợ với chủ, thuộc cấp đối với lãnh đạo, công dân đối với tổ quốc, và với những người điều hành, cai trị đất nước. Điều răn này bao hàm và ẩn chứa những nghĩa vụ của cha mẹ, người giám hộ, thày cô, người lãnh đạo, bậc quan quyền, nghĩa là tất cả những ai đang thực thi quyền bính trên người khác hoặc trên một cộng đồng các nhân vị.

2. Gia đình và xã hội

2.1 Bản chất của gia đình

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL), mục 456 (xem thêm GLCG mục 2201-2205, 2249) hỏi: "Bản chất của gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa như thế nào?" Lời giảng giải của sách này:

Người NAM và người NỮ kết hợp với nhau trong hôn nhân, cùng với con cái của họ tạo thành một gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng căn bản cho gia đình. Hôn nhân và gia đình được sắp đặt hướng về SỰ THIỆN ÍCH CỦA ĐÔI VỢ CHỒNG, về VIỆC SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI. Giữa các thành viên trong gia đình có những mối liên hệ cá nhân và những trách nhiệm hàng đầu. Trong Đức Kitô, gia đình trở thành HỘI THÁNH NỘI GIA vì đó là cộng đoàn đức tin, đức cậy, và đức mến.

Chúng ta cùng lưu ý mấy điểm quan trọng sau:

    • để tạo thành gia đình trong hôn nhân, cần phải có một người NAM và một người NỮ;
    • lý do phải có một nam và một nữ được giảng giải bằng mục đích của hôn nhân đã nêu trong mục này; đó là (1) SỰ THIỆN ÍCH CỦA VỢ CHỒNG; và (2) SỰ SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI;
    • mục 2203 Sách GLCG nói thêm rằng các thành viên trong gia đình đều BÌNH ĐẲNG VỀ PHẨM GIÁ;
    • gia đình trở thành HỘI THÁNH NỘI GIA vì gia đình là thành phần trong Nhiệm Thể Đức Kitô, tức là Hội Thánh; điều này là sự mời gọi và thôi thúc gia đình sống theo các nhân đức siêu nhiên là đức tin, đức cậy, và đức mến.

Mục 2205 Sách GLCG kết hợp nhiệm vụ SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC với vấn đề là gia đình phản ánh đời sống nội tâm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều này nhấn mạnh đến sự CẦU NGUYỆN và HY SINH trong gia đình, và sứ mệnh TÔNG ĐỒ của gia đình.

Gia đình Kitô giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu hiệu và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Sự sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình tạo dựng của Chúa Cha. Gia đình được kêu gọi tham dự vào việc cầu nguyện và hy lễ của Đức Kitô. Việc cầu nguyện và đọc Lời Chúa hằng ngày sẽ củng cố gia đình trong đức mến. Gia đình Kitô giáo có sứ vụ loan báo Tin Mừng và truyền giáo.

2.2 Gia đình và xã hội

2.2.1 Gia đình có vai trò gì trong xã hội?

Sách GLYL (mục 457; xem thêm GLCG mục 2207-2208) viết:

Gia đình là TẾ BÀO NGUYÊN THỦY của xã hội loài người; bởi lẽ đó, nó CÓ TRƯỚC BẤT KỲ SỰ CÔNG NHẬN NÀO CỦA CÔNG QUYỀN. Các nguyên tắc và giá trị gia đình tạo thành nền tảng cho đời sống xã hội. Đời sống gia đình là khởi điểm của đời sống xã hội.

Trong gia đình, những điều đầu tiên con người học hỏi được là:

    • giá trị luân lý
    • sử dụng quyền tự do một cách tốt đẹp
    • thờ phượng và kính mến Thiên Chúa
    • sự chăm sóc và trách nhiệm đối với trẻ nhỏ, người già, người đau yếu, người tàn tật, và người nghèo túng.

2.2.2 Vậy, gia đình đáng được quan tâm, bảo vệ và nâng đỡ phải không?

Sách GLYL (mục 458; xem thêm GLCG mục 2209-2213, 2250) khẳng định:

Xã hội có TRÁCH NHIỆM nâng đỡ và củng cố hôn nhân trong khi vẫn tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ. Công quyền phải TÔN TRỌNG, BẢO VỆ và CỔ VŨ bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, nền đạo đức chung, quyền của cha mẹ, và sự thịnh vượng của gia đình.

2.2.3 Gia đình phải được hưởng các quyền như thế nào?

Sách GLCG (mục 2211) trình bày:

Cộng đồng chính trị có bổn phận tôn trọng, trợ giúp, và nhất là bảo đảm cho gia đình có các quyền sau:

- quyền tự do lập gia đình, quyền sinh con cái và dưỡng dục chúng theo những xác tín luân lý và tôn giáo của mình;

- quyền bảo toàn sự bền vững của mối dây liên kết hôn nhân và thể chế gia đình;

- quyền tự do tuyên xưng đức tin, lưu truyền và giáo dục đức tin cho con cái bằng những phương tiện và thể chế cần thiết;

- quyền tư hữu, tự do kinh doanh, quyền có việc làm, có nhà ở, và quyền di cư;

- quyền được chăm sóc y tế, trợ cấp tuổi già, phụ cấp gia đình phù hợp với các định chế của quốc gia;

- quyền được bảo vệ về an ninh và cuộc sống lành mạnh, nhất là tránh các hiểm họa ma túy, sách báo khiêu dâm, thói nghiện rượu …;

- quyền tự do liên kết với các gia đình khác để thành lập hiệp hội, và qua đó, được có đại diện trước nhà chức trách dân sự.

3. Con cái có những bổn phận gì đối với cha mẹ?

Sách GLYL mục 459 tóm lược những bổn phận này như sau:

Con cái phải hiếu thảo, biết ơn, ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ. Qua sự thảo kính đối với cha mẹ và mối tương quan tốt đẹp với anh chị em, con cái góp phần làm tăng thêm sự hòa thuận và thánh thiện trong đời sống gia đình. Con cái trưởng thành phải phụng dưỡng cha mẹ về vật chất và tinh thần khi cha mẹ nghèo túng, bệnh tật, cô đơn hoặc già yếu.

3.1 Sự tôn kính và tình cảm tự nhiên

Sách GLCG mục 2214 giảng giải vì sao cha mẹ có quyền được tôn trọng và kính mến.

TÌNH PHỤ TỬ THẦN LINH là nguồn mạch của tình phụ tử nhân linh [Êphêsô 3:14]; đó là NỀN TẢNG cho sự tôn kính cha mẹ. Lòng tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối vói cha mẹ được nuôi dưỡng bằng tình cảm tự nhiên xuất phát từ mối dây kết hợp họ. [xem thêm Sách Cách Ngôn 1:8; Sách Tôbia 4:3-4]. Lòng tôn kính cha mẹ được đòi buộc bởi một điều răn của Thiên Chúa. [Xuất Hành 20:12]

3.2 Sự thảo kính và biết ơn

Mục 2215 Sách GLCG giảng:

Sự tôn kính cha mẹ (lòng hiếu thảo) phát xuất từ sự biết ơn đối với những người mà bằng việc trao ban sự sống, tình yêu, công sức, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng lớn mạnh về tầm vóc, sự khôn ngoan và ân sủng. ”Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành; công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” [Sách Huấn Ca 7:27-28]

3.3 Sự ngoan ngoãn và vâng lời

Mục 2216 Sách GLCG viết:

Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục thật lòng.”Hỡi con, lệnh cha con truyền, hãy lo tuân giữ; lời mẹ con dạy, chớ bỏ ngoài tai … Những lời đó sẽ hướng dẫn con lúc con tới lui, sẽ giữ gìn con khi con nằm nghỉ, sẽ cùng con chuyện trò khi con thức dậy“ [Sách Cách Ngôn 6:20].”Con khôn giữ lời cha nghiêm huấn; kẻ nhạo báng chẳng nghe lời răn dạy“ [Sách Cách Ngôn 13:1]

Và mục 2217 nói thêm:

Bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy liên quan tới lợi ích bản thân hoặc của gia đình. ”Kẻ làm con hãy vâng lời trong mọi sự vì đó là điều đẹp lòng Chúa“ [Côlôsê 3:20; xem thêm Êphêsô 6:1]. Con cái cũng phải vâng theo những lời dạy bảo hữu lý của những người giáo dục chúng, và của những người mà cha mẹ đã giao phó chúng cho họ chăm sóc. Nhưng nếu người con theo lương tâm, thấy vâng theo một lệnh truyền nào đó sẽ là sai lạc về luân lý, thì không được vâng lời.

Khi trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ. Con cái phải biết đón trước những mong muốn của cha mẹ, sẵn sàng hỏi ý kiến và đón nhận những lời khuyên bảo chính đáng của cha mẹ. Sự vâng lời của con cái đối với cha mẹ ngưng khi con cái không còn sống chung với cha mẹ nữa, nhưng lòng tôn kính thì không như thế, nó phải tồn tại luôn mãi. Lòng tôn kính này có cội rễ từ lòng kính sợ Thiên Chúa, là một trong các ơn của Chúa Thánh Thần.

3.4 Trách nhiệm của con cái đã trưởng thành

Sách GLCG (mục 2218) viết:

Điều răn thứ tư nhắc nhở những người con đã trưởng thành về các trách nhiệm của họ đối với cha mẹ. Những người con này phải hết lòng, hết sức phụng dưỡng cha mẹ về vật chất và tinh thần trong suốt thời gian cha mẹ già yếu, bệnh tật, neo đơn, hoặc túng thiếu. Đức Giêsu thường nhắc nhở đến bổn phận biết ơn này [xem thêm Máccô 7:10-12]

Ðức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con. 3 Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, 4 ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. 5 Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. 6 Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Ðức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.[Sách Huấn Ca 3;2-6]

Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. …Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Ðức Chúa nguyền rủa. [Sách Huấn Ca 3:12-13,16]

3.5 Sự tôn trọng giũa các anh chị em

Sách GLCG (mục 2219) dạy:

Lòng hiếu thảo tăng cường sự hòa thuận trong toàn bộ đời sống gia đình, ảnh hưởng đến các tương quan giữa anh chị em. Sự tôn kính đối với cha mẹ làm gia đình rạng ngời và ấm áp. ”Triều thiên của người già là đàn con cháu“ [Sách Cách Ngôn 17:6]. ”Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy đức ái mà chịu đựng lẫn nhau“ [Êphêsô 4:2]

3.6 Lòng biết ơn đối với những người khác

Mục 2220 Sách GLCG trình bày thêm:

Các Kitô hữu cần phải có lòng biết ơn đặc biệt đối với người giúp mình lãnh nhận hồng ân đức tin, ân sủng bí tich Rửa Tội và đời sống trong Hội Thánh. Những người này có thể là cha mẹ, ông bà, các phần tử khác của gia đình, các vị mục tử, các giáo lý viên, thày cô giáo hoặc bạn hữu. ”Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lôit, bà ngoại anh; nơi bà Êunikê, mẹ anh; cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy“ [II Timôthê 1:5]

4. Trách nhiệm của cha mẹ

Sách GLYL, mục 460, tóm lược trách nhiệm của cha mẹ như sau:

Vì được tham dự vào tình phụ tử của Thiên Chúa, cha mẹ có trách nhiệm đầu tiên là giáo dục con cái, và là những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái. Họ có nghĩa vụ yêu thương và trân trọng con cái mình như những NHÂN VỊ và CON CÁI THIÊN CHÚA; phải cung cấp với hết khả năng của mình mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của chúng. Cha mẹ phải chọn cho con cái những trường học thích hợp, và với những lời khuyên khôn ngoan, giúp chúng chọn nghề nghiệp và bậc sống. Đặc biệt, cha mẹ có sứ vụ giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái.

4.1 Sinh sản con cái

Sách GLCG (mục 2366) nhắc chúng ta rằng con cái là hoa trái của tình yêu vợ chồng.

Sự sinh sản là một hồng ân, một mục đích của hôn nhân, vì theo lẽ tự nhiên, tình yêu vợ chồng luôn hướng đến sự sinh sản con cái. Đứa con không phải là cái gì đó từ bên ngoài được thêm vào cho tình yêu vợ chồng, nhưng nảy sinh từ chính sự hiến thân cho nhau; đứa con là hoa trái và là sự viên mãn của việc hiến thân cho nhau. Vì thế, Hội Thánh, vốn ”đứng về phe sự sống“, [Tông Huấn Familiaris consortio, 30] dạy rằng ”điều thiết yếu là mọi hành vi hôn nhân, tự bản chất, luôn hướng đến sự sản sinh sự sống con người“ [Thông điệp Humanae vitae, 11]. ”Đạo lý này được Huấn Quyền giảng giải nhiều; nó đặt nền tảng trên sự liên kết bất khả phân ly mà Thiên Chúa đã thiết lập giữa ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa sinh sản; cả hai là thuộc tính của hành vi hôn nhân. Con người không được phép tự ý cắt đứt sự liên kết này“ [Thông điệp Humanae vitae (Sự Sống Con Người); xem thêm Tông Thư Casti connubii của Giáo Hoàng Piô XI]

Mục kế tiếp (2367) nói thêm:

Là những người được kêu gọi trao tặng sự sống, đôi phối ngẫu tham dự vào quyền năng tạo tác và tình phụ tử của Thiên Chúa [xem thêm Êphêsô 3:14; Mátthêu 23:9]. Đôi phối ngẫu phải xem việc lưu truyền sự sống và giáo dục con cái là sứ vụ riêng của mình; họ phải hiểu rằng qua sứ vụ đó, họ cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa, Đấng Tạo Tác, và theo một ý nghĩa khác, họ là những người diễn đạt tình yêu của Ngài. Vì vậy, họ sẽ chu toàn sứ vụ của mình với trách nhiệm của một con người và của một Kitô hữu“. [Gaudium et Spes, 50,2] (Gaudium et Spes: Vui Mừng và Hy Vọng. Đây là Hiến Chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới ngày nay của Công Đồng Vatican II)

4.2 Giáo dục con cái

4.2.1 Nền tảng cho việc giáo dục NHÂN ĐỨC

Sách GLCG mục 2223 viết:

Cha mẹ là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái. Họ thể hiện trách nhiệm này trước hết trong việc tạo lập một mái ấm nơi mà tình âu yếm, sự tha thứ, sự tôn trọng lẫn nhau, lòng chung thủy, và sự phục vụ vô vị lợi phải là những chuẩn mực. gia đình là nơi thích hợp nhất cho việc giáo dục các nhân đức. Điều này đòi hỏi sự quên mình, sự phán đoán hợp lý, và sự tự chủ - đây là những điều kiện tiên quyết để có sự tự do đích thực. Cha mẹ phải dạy con cái biết đặt ”những gì thuộc vật chất và bản năng tuân theo những gì thuộc nội tâm và tinh thần“ [Thông điệp Centesimus annus, 36,2]. Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là làm gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ sẽ có uy tín hơn để hướng dẫn và răn dạy chúng:

Thương con thì cho roi cho vọt, sau này sẽ vui sướng vì con. Ai biết giáo dục con sẽ được thỏa lòng về con, và được hãnh diện với những người quen biết. [Sách Huấn Ca 30:1-2]

Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy. [Êphêsô 6;4]

4.2.2 Nền tảng cho việc giáo dục về TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Sách GLCG (mục 2224) trình bày thêm:

Gia đình là môi trường tự nhiên để khai tâm cho con người về tình liên đới và trách nhiệm cộng đồng. Cha mẹ phải dạy con cái tránh xa những ảnh hưởng sa đọa và đê hèn đang đe dọa xã hội loài người.

4.2.3 nền tảng cho việc giáo dục ĐỨC TIN

Sách GLCG (mục 2226 và 2227) dạy chúng ta:

Việc giáo dục đức tin cho con cái phải được cha mẹ bắt đầu ngay từ những năm đầu đời của chúng. Việc giáo dục này đã khởi sự khi các thành viên trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức tin qua sự thể hiện đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng. việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, đồng hành, và làm phong phú các hình thức khác của việc giáo dục đức tin. Cha mẹ có sứ vụ dạy con cái đọc kinh, cầu nguyện, và nhận ra ơn gọi làm con Thiên Chúa [xem thêm Lumen Gentium (Hiến Chế tin lý Ánh Sáng Muôn Dân), 11]. Giáo xứ là cộng đồng Thánh Thể vá là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cho con cái và cha mẹ chúng.

Về phần mình, con cái cũng góp phần vào sự lớn mạnh của cha mẹ về đường thánh thiện [xem thêm Gaudium et Spes 48,4]. Mỗi một người đều phải biết quảng đại và sẵn lòng tha thứ cho những xúc phạm, gây gỗ, bất công, và lạnh nhạt. Lòng yêu thương lẫn nhau gợi lên điều này. Tình yêu đối với Đức Kitô đòi buộc như thế [xem thêm Mátthêu 18:21-22; Luca 17:4]

4.3 Trân trọng con cái

Cha mẹ phải xem con cái của mình – KỂ CẢ ĐỨA CON CHƯA SINH RA – là những sinh thễ được tạo dựng theo giống hình ảnh Thiên Chúa. Cha mẹ phải nhớ rằng chúng có linh hồn thiêng liêng, có tâm trí vá ý chí riêng của chúng; bởi thế, chúng được ban cho tự do và trách nhiệm, và xứng đáng được xem trọng như những nhân vị (human persons).

ơn nữa, cha mẹ cần nhớ điều trên hết mọi sự là con cái mình chính là những người con của Thiên Chúa. Điều này bao hàm hai ý. Thứ nhất, Thiên Chúa có kế hoạch cho từng người con và cha mẹ phải giúp con cái mình siêng năng cầu nguyện để qua đó nhận ra Thiên Chúa kỳ vọng gì nơi chúng. Thứ hai, điều này cũng có nghĩa là Cha trên trời luôn yêu thương chăm sóc từng người trong chúng ”hơn tất cả mọi người mẹ trên thế gian yêu thương con mình“, Thánh Josemaría Escrivá thường nhấn mạnh điều đó. Lời phán dạy của Thiên Chúa ghi trong chương 49 Sách Isaias như sau:

Xi-on từng nói: "ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!" 15 Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. 16 Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta, thành lũy ngươi, Ta luôn thấy trước mặt.

4.4 Đáp ứng mọi nhu cầu thể chất và tinh thần

Sách GLCG (mục 2228) viết:

Khi con cái còn nhỏ, sự trân trọng, yêu thương của cha mẹ được thể hiện qua sự tận tụy chăm sóc, lưu tâm, nuôi dưỡng và cung cấp cho con cái mọi thiết yếu về thể chất và tinh thần. Khi con cái trưởng thành, cũng chính sự trân trọng và tận tâm đó thôi thúc cha mẹ giáo dục con cái sử dụng đúng mực lý trí và tự do của chúng.

4.5 Quyền của cha mẹ được chọn trường học cho con cái

Về việc chọn trường học cho con cái, Sách GLCG (mục 2229) viết:

Là những người đầu tiên có trách nhiệm giáo dục con cái, nên cha mẹ có quyền chọn cho chúng một trường học đáp ứng các xác tín riêng của họ. Quyền này là một quyền căn bản. Với hết khả năng của mình, cha mẹ lựa chọn những trường học nào sẽ giúp họ tối đa trong việc thực hiện nhiệm vụ là những nhà giáo dục Kitô giáo [xem thêm Tuyên ngôn Gravissimum educationis 6]. Công quyền có nhiệm vụ bảo đảm quyền này của các bậc cha mẹ và tạo những điều kiện cụ thể cho họ thực thi quyền này.

4.6 Quyền và bổn phận của con cái trong việc chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống

Sách GLCG (mục 2230) viết:

Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có quyền và bổn phận chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống của mình. Con cái đảm nhận những trách nhiệm mới trong mối tương quan tin cậy với cha mẹ, sẵn sàng hỏi ý và đón nhận những lời khuyên và sự tư vấn của cha mẹ. Cha mẹ cần thận trọng không nên gây áp lực đối với con cái trong việc chọn nghề nghiệp hoặc chọn người phối ngẫu. Sự chừng mực cần thiết này không cản ngăn cha mẹ trong việc đưa ra cho con cái những lời khuyên khôn ngoan, nhất là khi con cái dự định lập gia đình.

Vấn đề được trình bày thêm ở mục 2232:

Các mối liên hệ gia đình rất quan trọng nhưng không tuyệt đối. Khi con cái đến tuổi trưởng thành và có sự tự lập về nhân tính và tinh thần, ơn kêu gọi riêng của chúng đến từ Thiên Chúa sẽ khẳng định rõ hơn và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ cần phải tôn trọng ơn kêu gọi này và khuyến khích con cái đáp lại nó. Phải xác tín rằng ơn kêu gọi đầu tiên của Kitô hữu là đi theo Đức Giêsu:”Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái mình hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy“ [Mátthêu 10:37; xem thêm 16:25]

4.7 Còn những người không lập gia đình thì sao?

Sách GLCG (mục 2231) đề cập vấn đề này:

Có những người không lập gia đình để phụng dưỡng cha mẹ hoặc chăm sóc anh chị em, hoặc để dồn tâm trí cho sự nghiệp, hoặc để phục vụ những mục đích cao đẹp. Họ có thể góp phần lớn lao vào sự thiện ích của gia đình nhân loại.

5. Sự tôn trọng đối với những người nhận lãnh quyền bính.

Mục 2234 Sách GLCG mở rộng phạm vi của điều răn thứ tư bao hàm các hình thức quyền bính trong lãnh vực dân sự hoặc tôn giáo:

Điều răn thứ tư của Thiên Chúa cũng truyền dạy chúng ta phải tôn trọng tất cả những ai đón nhận từ Thiên Chúa một quyền bính trong xã hội nhằm mưu ích cho chúng ta. Điều răn này minh định các bổn phận của những người thực thi quyền bính và của những người hưởng lợi ích của quyền bính.

5.1 Quyền bính phải được thực thi như thế nào trong những lãnh vực khác nhau của xã hội dân sự?

Mục 463 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2234-2237, 2254) giảng giải:

Quyền bính phải được thực thi như một sự phục vụ, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, một bậc thang giá trị đúng đắn, tôn trọng luật pháp, sự công bằng về phân quyền, và nguyên tắc chuyển giao quyền bính. Những người thực thi quyền bính phải mưu tìm lợi ích của cộng đồng trước lợi ích bản thân, và những quyết định của họ đưa ra phải dựa trên chân lý về Thiên Chúa, về con người và về thế giới.

5.2 Công dân có những bổn phận nào đối với chính quyền dân sự?

Vần đề này được trình bày ở mục 464 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2238-2241, 2255)

Công dân phải xem những người trong chính quyền như những đại diện của Thiên Chúa, và cộng tác đúng mức với họ để đời sống công cộng và xã hội hoạt động tốt đẹp. Sự cộng tác này bao hàm cả tình yêu và sự phục vụ đất nước, quyền và bổn phận bầu cử, đóng thuế, bảo vệ tổ quốc, và quyền đưa ra những phê bình mang tính xây dựng.

5.3 Khi nào công dân không được vâng phục chính quyền dân sự?

Về vấn đề này, giáo huấn của Hội Thánh rất rõ ràng (GLYL mục 465; xem thêm GLCG mục 2242-2243, 2256)

Theo lương tâm, công dân không được vâng phục những luật lệ của chính quyền dân sự khi những luật lệ này trái ngược với những đòi hỏi của trật tự luân lý:”Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người“ (Công Vụ 5:29)

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 456-465.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2067-2257.

Websites

v. 2011-01

Nguyen Anh Dung