Bài 11: Chiến Thắng và Khải Hoàn

Câu Hỏi Hướng Dẫn

    • Cái chết là gì?
    • Điều gì xảy ra cho Thiên Tính của Đức Kitô khi Ngài chết?
    • Linh hồn của Ngài đi đâu và vì sao?
    • Trong Kinh Thánh đã từng có người nào sống lại từ cõi chết hay chưa? Điều nào là lạ thường trong sự phục sinh của Đức Kitô?
    • Sự sống lại của chúng ta sẽ giống sự Phục Sinh của Đức Kitô về phương diện nào?
    • Phải chăng sự Phục Sinh của Đức Kitô là một sự kiện lịch sử?
    • Những lợi ích cho chúng ta từ sự Phục Sinh của Ngài là gì?
    • Mầu nhiệm Phục Sinh quan trọng như thế nào đối với đức tin của chúng ta?
    • Những lợi ích cho chúng ta từ mầu nhiệm Thăng Thiên là gì?

1. Đức Giêsu Kitô xuống luyện ngục (ngục tổ tông)

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC), mục 125 tóm tắt các mục từ 632-637 của Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC) và hỏi:

"Luyện ngục" nơi Đức Giêsu xuống là gì?

” Luyện ngục “ nơi Đức Giêsu xuống là gì? ” Ngục “ này khác với hỏa ngục, nơi giam hãm đời đời những người bị phạt xuống đó. Đây là nơi (tình trạng) của tất cả các linh hồn của người công chính và người tội lỗi đã chết trước Đức Kitô. Với linh hồn kết hiệp cùng Ngôi Thiên Chúa của Ngài, Đức Giêsu đến với những người công chính đang ở nơi luyện ngục; họ trông chờ Đấng Cứu Chuộc để họ được đưa vào nơi hưởng kiến thiên nhan Chúa. Bằng cái chết của Ngài, Đức Giêsu đã đánh bại sự chết và ma quỉ ” kẻ nắm quyền lực sự chết “ (Sách Do Thái 2:14), Ngài giải thoát nhũng người công chính đang trông mong Đấng Cứu Chuộc, và mở cổng Nước Trời cho họ.

Có nhiều từ khác nhau trong tiếng Hebrew và tiếng Hy Lạp cùng được chuyển ngữ sang tiếng Anh là chữ hell (âm phủ, luyện ngục, hỏa ngục). Đó là những từ sau: SheolGehenna trong tiếng Hebrew; Hades trong tiếng Hy Lạp.

1.1 "Sheol" và "Hades"

Peter Klein giải thích trong cuốn The Catholic Source Book (Công Giáo Nguyên Thư; ấn bản lần 3, Harcourt: 2000; trang 123) như sau:

Sheol. Từ Hebrew này xuất hiện 65 lần trong Cựu Ước và ám chỉ nơi tối tăm dưới lòng đất, nơi đến của những vong linh người công chính và người tội lỗi. Từ này được dịch nghĩa là: âm phủ, âm ty; và nó cũng là từ nhân cách hóa của sự chết. (Xem Sách Dân Số 16:30-35; Samuel I, 2:6; Samuel II, 22:6; Sách Gióp 11:8; 33:24,28; Sách Cách Ngôn 9:18; Thánh vịnh 9:17-18; 28:1; 30:3,9; 66:15; 63:9; 88:3-4,6; Sách Amos 9:2; Sách Isaiah 14:9,11; 44:23; Sách Ezekiel 31:16-17; 32:21)

Hades. Từ Hy Lạp chỉ cõi âm là Hades; từ này xuất hiện 11 lần trong Tân Ước. Nó được lướt qua ở nhiều bản dịch nhưng ở một số bản dịch khác, từ này được dịch là : âm phủ; âm ty. Theo thần thoại Hy Lạp, Hades (âm phủ) do Pluto và Persephone cai quản. Người chết được Charon, kẻ chèo đò tham tiền, chở ngang qua sông Styx để tới Hades. Họ dùng đồng tiền được người thân đặt trong miệng lúc mai táng mà trả cho Charon. Sự phán xét liền ngay sau đó: người công chính đi tới vùng đồng cỏ Elysian (nơi vĩnh phúc); còn kẻ ác phải chịu khốn khổ đời đời nơi sâu thẳm của Hades (Tartarus).

"Sheol" hoặc "Hades" là nơi của vong linh người chết. Hãy đối chiếu với "Gehenna" được trình bày ở mục 2 đưới đây.

1.2 "Gehenna"

Peter Klein giải thích tiếp trong cuốn Công Giáo Nguyên Thư:

"Gehenna". Từ Hebrew này có nghĩa là "Thung Lũng Hinnom". Đây là hẻm húi sâu ở mạn tây nam Jerusalem, một nơi chứa mọi thứ hư thối, phân, xác chết các loài … nên lửa thiêu ở đây lúc nào cũng rực cháy. Từng là nơi sát tế nên vào thời Đức Giêsu, Gehenna trở thành biểu tượng của nơi mà Kitô hữu gọi là "hỏa ngục" (xem Máccô 9:43-48; Luca 12:5; Máthêu 5:29; 18:9, 23:33.)

"Gehenna" là nơi của những linh hồn bị luận phạt, là hỏa ngục đúng nghĩa. Những người này khi còn sống, với ý chí tự do của họ, đã nhất quyết gạt bỏ sự mời gọi của Thiên Chúa vào hưởng hạnh phúc vĩnh hằng. Nếu họ chết mà không thay đổi tâm trí, không ăn năn, hối lỗi về sự chọn lựa sai lầm của mình, thì Thiên Chúa vẫn tôn trọng sự chọn lựa đó của họ và sẽ theo đó mà luận phạt; Ngài vĩnh viễn tước đi của những người này khả năng được hưởng bất kỳ hạnh phúc nào. Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC, mục 1033) gọi hỏa ngục là "tình trạng dứt khoát tách biệt mình khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và những người lành thánh".

1.3 "Lòng tổ phụ Ápraham"

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu "xuống ngục tổ tông". Đôi khi chúng ta đọc: "Người đi xuống cõi chết". Điều chúng ta tuyên xưng là Đức Giêsu Kitô đi đến nơi của kẻ chết, tức là Sheol hoặc Hades, chứ không phải Gehenna (hỏa ngục).

Các nhà thần học cố gắng đưa ra một từ đặc biệt nói về tình trạng của những linh hồn chính trực đang trông đợi sự xuất hiện của Đấng Cứu Chuộc để họ được đón nhận vào Nước Trời. Họ đưa ra chữ "limbo" (ngục tổ tông). Chữ này không có trong Kinh Thánh; nó tương đương với cụm từ trong Kinh Thánh là "lòng tổ phụ Ápraham " (xem Thánh Vịnh 89:49; Samuen I, 28:19; Ezekien 32:17-32; Luca 16:22-26) (xem CCC 633).

Trong bài giảng xưa về Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh (PG 43, 440A, 452C; Liturgy of the Hours [Phụng Vụ Các Giờ Kinh - Kinh Thần Vụ], Holy Saturday [Thứ Bảy Tuần Thánh], Office of Readings [Kinh Sớm]), có lời như sau:

Hôm nay sự tĩnh mịch bao trùm trái đất, một sự tĩnh mịch và lặng lẽ khôn cùng. Hoàn toàn tĩnh mịch vì Đức Vua đang yên ngủ. Trái đất run rẩy và lặng im vì Đức Chúa yên ngủ trong xác phàm, và sẽ đánh thức tất cả những người ngủ yên từ khi thế gian bắt đầu hình thành … Ngài đi tìm Adam, tổ tông của chúng ta, như tìm một con chiên lạc. Mong mỏi đến gặp những người sống trong tăm tối và trong bóng chết chóc, Ngài đến giải thoát Adam khỏi sầu khổ vì án tử, và giải thoát cho Eva, người chịu án cùng với Adam. Ngài, Đấng vừa là Chúa của họ vừa là con của Eva … "Ta là Thiên Chúa của các ngươi và vì các ngươi Ta trở thành con của các ngươi. … Hỡi kẻ đang ngủ, Ta ra lệnh cho ngươi hãy thức dậy. Ta không tạo ra ngươi là kẻ bị giam cầm trong hỏa ngục. Hãy chỗi dậy từ kẻ chết vì Ta là sự sống lại của kẻ chết".

2. Ngày Thứ Ba, Người Sống Lại

2.1 Thể xác và linh hồn lại kết hợp làm một

Khi chúng ta chết, linh hồn lìa khỏi xác. Điều này cũng xảy ra trong trường hợp của Đức Giêsu. Tuy nhiên, thiên tính của Đức Giêsu vẫn kết hợp với cả thể xác và linh hồn. Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC), mục 650 dạy:

Các Giáo Phụ chiêm niệm mầu nhiệm Phục Sinh từ sự suy tư về Thiên Tính của Đức Kitô, Thiên Tính này vẫn kết hiệp với linh hồn và thể xác của Ngài, ngay cả khi sự chết làm hai thành phần này tách rời nhau: "Bởi sự hiệp nhất của Thiên Tính vốn luôn hiện diện trong từng phần của hai thành tố của con người mà hai thành tố này lại được kết hiệp làm một. Vì cái chết tạo bởi sự tách lìa hai thành phần của con người nên Sự Phục Sinh được tạo nên bởi sự tái kết hiệp hai thành phần đó". [Thánh Gregory of Nyssa, In Christi resurrectione. Orat. I: PG 46, 617B; xem DS 325; 359; 369].

Đức Giêsu Kitô sống lại bởi chính quyền năng của Ngài, và không bao giờ chết nữa. Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 649) trích Tin Mừng Thánh Gioan (Gioan 10:17-18):

Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại…. Tôi có quyền hy sinh, và có quyền lấy lại mạng sống ấy.

2.2 Một sự kiện lịch sử đích thực

Mầu Nhiệm Phục Sinh đã thực sự xảy ra. Sự kiện này không như một số nhà thần học nào đó đã tuyên bố là chỉ xảy ra trong tâm trí, trong đức tin của giáo hữu. Các tông đồ đã chạm vào Đức Kitô phục sinh (Gioan 20:24,29); Đức Giêsu ăn uống (Luca 24:36-43); Ngài trò chuyện rất lâu với họ (Luca 24:13-35; Tông Đồ Công Vụ 1:34); Ngài tỏ mình ra không những với một hoặc vài người mà còn với cả Nhóm Mười Một (Máccô 16:14; Gioan 24:36,50). Một bằng chứng khác, đó là tác động của sự kiện này: nó làm biến đổi rất nhiều cuộc đời!

Mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô là một sự kiện có thật với nhiều cứ liệu được minh chứng về mặt lịch sử; bộ Tân Ước cung cấp nhiều bằng chứng cho chúng ta. Khoảng năm 56 sau CN, Thánh Phaolô đã viết cho tín hữu Côrintô:" Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Muời Hai… [ Côrintô I, 15:3-4]. Vị Tông Đồ này nói về sự truyền đạt sinh động mầu nhiệm Phục Sinh mà Ngài đã lãnh nhận sau khi trở lại đạo nơi thành Đamát [xem Tông Đồ Công Vụ 9:3-18].

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC), mục 127 (xem CCC 639-644, 656-657), viết:

Cùng với dấu hiệu chính là ngôi mộ trống không, sự Phục Sinh của Đức Giêsu được làm chứng bởi những phụ nữ đầu tiên gặp Đức Kitô sau khi Ngài sống lại và họ kể về Ngài cho các tông đồ nghe. Sau đó, Đức Giêsu "hiện ra với Kêpha (Phêrô) và hiện ra với Nhóm Mười Hai. Sau lần đó, Đức Giêsu hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc" (Côrintô I,15:5-6) và với nhiều người khác nữa. Các tông đồ không thể nào tạo ra câu chuyện về sự sống lại của Đức Kitô vì điều đó ngoài khả năng của họ. Vả lại, Đức Giêsu từng khiển trách họ vì đã không tin Ngài sống lại.

Sau đây là những bằng chứng trực tiếp và gián tiếp về sự Phục Sinh của Đức Giêsu:

2.2.1 Ngôi mộ trống không

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 640) giảng:

"Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn ở đây nữa, nhưng đã sống lại rồi". [Luca 24:5-6]. Yếu tố thứ nhất chúng ta bắt gặp trong biến cố Phục Sinh là ngôi mộ trống không. Về bản chất, điều này không là bằng chứng trực tiếp về biến cố Phục Sinh; sự không còn xác của Đức Kitô trong mộ có thể được giải thích cách khác [xem Gioan 20:13; Máthêu 28:11-15]. Tuy nhiên, ngôi mộ trống không vẫn là dấu hiệu thiết yếu của biến cố Phục Sinh. Sự phát hiện điều đó bởi các tông đồ là bước thứ nhất trong việc công nhận tính xác thực của mầu nhiệm Phục Sinh. Đây là trường hợp của các phụ nữ thánh thiện và sau đó là của Phêrô [xem Luca 24:3, 12, 22-23]. Môn đệ "được Đức Giêsu yêu dấu" khẳng định rằng khi bước vào trong ngôi mộ trống và thấy "những tấm khăn liệm còn nằm ở đó", "ông nhìn thấy và ông đã tin" [Gioan 20:2,6,8]. Điều này nói lên rằng từ tình trạng của ngôi mộ trống không, ông nhận ra rằng sự không còn xác Đức Giêsu không thể nào là việc làm của con người, và ông hiểu rằng Đức Giêsu không đơn thuần trở lại với cuộc sống thế trần như trường hợp của Lazarô trước đây [xem Gioan 11:44; 20:5-7].

2.2.2 Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh

Những bằng chứng về Đức Giêsu đã sống lại thật rất quan trọng đến mức cần phải trích dẫn ra đây các mục từ 641 tới 642 của Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC):

Maria Mađalêna và những phụ nữ thánh thiện đến xức dầu cho xác Đức Giêsu mà trước đó được an táng hơi vội vàng vì ngày Sabát bằt đầu vào chiều tối Thứ Sáu Tuần Thánh là những người đẩu tiên gặp Đấng Phục Sinh [Máccô 16:1; Luca 24:1; Gioan 19:31,42]. Như thế, những phụ nữ này là những người đầu tiên loan tin về Sự Phục Sinh của Đức Kitô cho các tông đồ [xem Luca 24:9-10; Máthêu 28:9-10; Gioan 20:11-18]. Các tông đồ là những người kế tiếp được Đức Kitô tỏ mình ra: trước hết là Phêrô, rồi đến Nhóm Mười Hai. Phêrô được truyền dạy hãy làm vững mạnh đức tin của anh em [xem Côrintô I,15:5; Luca 22:31-32], nên gặp Đấng Phục Sinh trước họ; điều này dựa trên lời chứng mà cộng đoàn tín hữu tuyên bố: "Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon!". [Luca 24:34, 36].

Mọi sự xảy ra trong những ngày Lễ Vượt Qua đã cuốn hút từng vị tông đồ, nhất là với Phêrô, vào công cuộc tạo dựng kỷ nguyên mới khởi đầu từ buổi sáng Phục Sinh. Là chứng nhân của Đấng Phục Sinh nên họ là những phiến đá nền của Giáo Hội. Đức tin của cộng đoàn tín hữu thời kỳ đầu đặt nền tảng nơi lời chứng của những con người cụ thể mà các tín hữu đều biết và phần lớn đều còn sống giữa họ. Phêrô và Nhóm Mười Hai là "những chứng nhân chính yếu về sự Phục Sinh của Đức Kitô", nhưng không phải là những người duy nhất. Thánh Phaolô viềt: "Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non". [Côrintô I, 15:4-8; xem Tông Đồ Công Vụ 1:22]

2.2.3 Tình trạng của các tông đồ sau cái chết của Đức Kitô

Một bằng chứng khác nữa về sự kiện Đức Giêsu sống lại là thái độ của các tông đồ: họ thay đổi từ sự hoài nghi sang xác tín.

Xét theo những bằng chứng này thì sự Phục Sinh của Đức Kitô không thể được diễn giải là một sự gì đó ngoài trật tự thể lý, và không thể không thừa nhận rằng đó là một sự kiện lịch sử. Chúng ta có thể thấy rõ sự việc là lòng tin của các tông đồ bị thử thách cam go bởi cuộc Khổ Nạn và cái chết của Thầy mình trên thập giá; một sự kiện đã được Đức Giêsu nói trước cho họ [xem Luca 22:31-32]. Cú sốc tạo bởi cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu quá mạnh đến nỗi một số người trong các tông đồ đã không tin ngay lập tức những nguồn tin về sự sống lại của Thầy mình. Thay vì cho chúng ta thấy một cộng đoàn hân hoan ca tụng mầu nhiệm thì Tin Mừng lại trình bày cho chúng ta hình ảnh các tông đồ suy sụp tinh thần và hoảng sợ [xem Luca 24:17; Gioan 20:19]. Họ không tin lời kể của các phụ nữ lành thánh mới đi từ ngoài mộ về, và xem những lời đó là "chuyện lẩn thẩn" [Luca 24:11; xem Máccô 16:11, 13]. Khi Đức Giêsu tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một vào bữa tối, "Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người sống lại". [Máccô 16:14].

Thậm chí khi diện kiến thực thể Đức Giêsu Phục Sinh, các tông đồ vẫn hoài nghi, vì điều này không thể nào có được nên họ nghĩ họ đang nhìn thấy ma. "Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng". [Luca 24:38-41]. Tôma cũng sẽ trải nghiệm sự thử thách của hoài nghi, và Thánh Máthêu thuật lại rằng trong lần hiện ra sau cùng của Đấng Phục Sinh với các tông đồ ở Galilê "có mấy ông lại hoài nghi" [xem Gioan 20:24-27; Máthêu 28:17]. Vì thế, giả thuyết cho rằng Sự Phục Sinh được tạo dựng bởi lòng tin (hoặc hoài nghi) của các tông đồ không đứng vững được. Trái lại, niềm tin của họ vào mầu nhiệm Phục Sinh nảy sinh bởi ân sủng của Thiên Chúa và từ sự cảm nghiệm trực tiếp thực thể Đức Giêsu Phục Sinh.

2.4 Sự kiện siêu việt _ vượt trên lịch sử

Biến cố Phục Sinh là một sự kiện lịch sử; đồng thời nó còn là một sự kiện siêu việt vì sự kiện này đòi hỏi những người không chứng kiến tỏ tường phải vững tin vào lời chứng của các tông đồ đầu tiên và chấp nhận lời tuyên bố về đức tin của họ. Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC mục 128; xem CCC 647, 656-657) dạy rằng:

Là một sự kiện lịch sử được minh chứng và xác nhận bởi nhiều dấu hiệu và bằng chứng, biến cố Phục Sinh còn vượt lên trên lịch sử và trở thành mầu nhiệm đức tin, nhân tính của Đức Kitô đi vào vinh quang của Thiên Chúa. Vì lẽ này, Đức Kitô sống lại không tỏ mình ra cho thế gian mà tỏ ra cho các môn đệ, truyền dạy họ làm chứng nhân của Ngài trước nhân loại.

2.5 Sau khi sống lại, Đức Giêsu có mang cùng một thể xác như trước không?

Thể xác sống lại của Đức Giêsu có một số đặc tính trước đó không có. Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC) mục 129 (xem CCC 645-646), viết như sau:

Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là sự trở lại cuộc sống thế trần. Thể xác sống lại của Ngài là thể xác đã bị đóng đinh và mang nhiều thương tích của cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, thể xác đó cũng dự phần vào đời sống Thiên Chúa với những đặc tính của một thể xác vinh hiển. Vì lẽ đó nên Đức Giêsu Phục Sinh hoàn toàn dễ dàng hiện ra với các môn đệ của Ngài theo bất kỳ cách nào và tại bất cứ nơi nào Ngài muốn và ở nhiều bình diện khác nhau.

Thần học giải thích cho chúng ta rằng thể xác của Chúa chúng ta có những tính chất sau:

    • linh động: Ngài có thể hiện ra bất cứ khi nào và theo bất kỳ cách nào Ngài muốn; Ngài không bị giới hạn bởi không gian và thời gian
    • huyền ảo: Thể xác của Ngài không còn bị giới hạn bởi vật chất nữa. Khi Ngài hiện ra với các tông đồ, mặc dù mọi cánh cửa của nhà các tông đồ đang đóng kín, nhưng Ngài vẫn vào được.
    • tính sáng: vẻ đẹp của linh hồn Ngài tỏ lộ trong thể xác Ngài.

Sách Giáo Lý Công Giáo viết (CCC 645):

Bằng cách chạm và dùng chung bữa ăn, Đức Giêsu Phục Sinh đã thiết lập sự tiếp xúc trực tiếp với các môn đệ của Ngài. Ngài mời họ theo cách đó để họ nhận ra rằng Ngài không phải là ma; và trên hết tất cả là để minh chứng rằng thể xác sống lại đang hiện diện trước họ chính là thân xác đã bị tra tấn và đóng đinh trên thập giá vì nó vẫn còn mang dấu tích của cuộc Khổ Nạn. [xem Luca 24:30,39-40, 41-43; Gioan 20:20, 27; 21:9,13-15]. Nhưng đồng thời, thể xác đích thực này cũng mang những đặc tính của một thân xác vinh hiển: không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian mà có thể hiện ra theo cách và thời điểm Ngài muốn, vì nhân tính của Đức Kitô không còn hạn hẹp nơi thế trần nữa nhưng từ nay thuộc về thiên quốc của Chúa Cha. [xem Máthêu 28:9, 16-17; Luca 24:15, 36; Gioan 20:14, 17, 19, 26; 21:4]. Cũng vì lẽ này mà Đức Giêsu Phục Sinh có toàn quyền tỏ lộ mình ra theo ý Ngài muốn: trong bộ dạng của người làm vườn hoặc trong những dáng vẻ quen thuộc với các tông đồ để làm thức tỉnh đức tin của họ. [xem Máccô 16:12; Gioan 20:14-16; 21:4, 7].

Hơn nữa, sự sống lại của Đức Giêsu không phải là sự trở lại đời sống trần thế nơi Ngài có thể lại phải chết; vì thế, sự sống lại của Ngài không giống như những trường hợp sống lại khác mà Ngài đã làm cho nhiều người. Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 646) viết:

Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là sự trở lại đời sống trần thế như những trường hợp sống lại từ kẻ chết mà Ngài đã làm trước đó cho con gái của Jairus, cho Lazarô. Những việc này là phép lạ, nhưng những người nhờ quyền năng của Đức Giêsu được sống lại từ cõi chết, họ trở về với đời sống thế trần. Đến một thời điểm nào đó, họ sẽ chết lần nữa. Sự Phục Sinh của Đức Kitô hoàn toàn khác hẳn. Trong thân xác sống lại của Ngài, Ngài đi từ trạng thái chết sang đời sống khác vượt thời gian và không gian. Nơi mầu nhiệm Phục Sinh, thể xác cua Đức Giêsu ngập tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần : Ngài chia sẻ đời sống Thiên Chúa trong vinh quang; do vậy, Thánh Phaolô nói rằng Đức Kitô là ” Đấng từ trời mà đến “ [Côrintô I, 15:35-50].

2.6 Vì sao mầu nhiệm Phục Sinh rất quan trọng đối với người Kitô giáo chúng ta?

Thánh Phaolô nói (Côrintô I, 15:14-19):

Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Ðức Kitô sống lại, trong khi thực sự Người đã không cho Ðức Kitô sống lại. Vì nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô cũng đã không sống lại. Mà nếu Ðức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa, cả những người đã an nghỉ trong Ðức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ðức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 126; xem CCC 631,638) có câu hỏi: "Mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô có vị trí như thế nào trong đức tin của chúng ta?"

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu là chân lý tột đỉnh của niềm tin chúng ta nơi Đức Kitô, và cùng với thánh giá của Ngài, điều này thể hiện phần cốt yếu của Mầu Nhiệm Phục Sinh.

Một bằng chứng cho thấy sự kiện này là chân lý tột đỉnh của đức tin chúng ta là rất nhiều Kitô hữu bị xử tội chết vì đã không phủ nhận sự sống lại của Đức Giêsu. Nếu đây là sự kiện được tạo dựng ra, hoặc là một ảo giác, họ đã dễ dàng từ bỏ thay vì hy sinh mạng sống vì niềm tin đó.

Nhắc lại những gì vừa nói ở trên, Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 651-655) tóm tắt tầm quan trọng của mầu nhiệm Phục Sinh. Sự sống lại từ kẻ chết của Đức Giêsu

    • tăng cường đức tin của chúng ta
    • ứng nghiệm những lời tiên tri trong Cựu Ước và lời tiên tri của chính Đức Kitô
    • khẳng định thiên tính của Đức Giêsu
    • mở ra cho chúng ta cuộc sống mới
    • là nguyên lý và nguồn sống lại mai sau của chúng ta.

3. Người lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha

Thánh Luca viết trong Sách Tông Đồ Công Vụ (Công Vụ 1:9-11; xem Máccô 16:19; Luca 24:51; Gioan 14:28):

Nói xong, Ngài lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì kìa hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời".

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 132) (xem CCC 659-667) dạy:

Sau bốn mươi ngày trong đó Đức Giêsu tỏ mình ra cho các tông đồ với nhân dạng bình thường tỏa rạng vinh quang của Đấng Phục Sinh, Đức Kitô lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Nay với nhân tính của Ngài, Đức Giêsu là Chúa Tể trị vì trong vinh quang muôn đời của Ngôi Con Thiên Chúa, và thường xuyện cầu bầu cho chúng ta trước Thiên Chúa Cha. Ngài phái Thánh Thần đến với chúng ta và cho chúng ta niềm hy vọng một ngày nào đó sẽ vào nơi mà Ngài dọn trước cho chúng ta.

"Ngự bên hữu Thiên Chúa Cha" được giải thích rõ nhất bằng đoạn Kinh Thánh sau đây trong Sách Tiên Tri Daniel (7:14):

Ðấng Lão Thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương quốc; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong.

4. Người lại đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết

4.1 Sự phán xét, luận tội và triều đại Đức Kitô

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC) mục 133 (xem CCC 668-674,680) hỏi: "Nay Chúa Giêsu cai trị như thế nào?". Câu trả lời của sách đó như sau:

Là Chúa Tể của vũ trụ và lịch sử, là Đầu của Hội Thánh, Đức Kitô vinh hiển vẫn hiện diện một cách nhiệm mầu ở thế gian, nơi vương quốc của Ngài đang vươn mầm và đang khởi sự trong Giáo Hội. Một ngày kia, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, nhưng chúng ta không biết thời điểm đó. Chính vì thế, chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin hãy ngự đến" (Khải Huyền 22:20).

"Sự đến của Chúa trong vinh quang xảy ra như thế nào?" (CCCC 134; xem thêm CCC 675-677,680). Và câu trả lời của sách đó như sau:

Sau sự biến động cuối cùng đột ngột và đầy kinh hoàng của thế gian này, sự quang lâm của Đức Kitô sẽ xảy đến. Tiếp theo đó là sự chiến thắng tột cùng của Thiên Chúa trong sự đến lần thứ hai này và sự phán xét sau cùng (Sự Chung Thẩm). Và rồi Nước Trời sẽ được thiết lập vĩnh viễn.

Câu hỏi khác trong sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 135; xem thêm 678-679,681-682) như sau: "Đức Kitô sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết như thế nào?" Lời đáp trong sách đó như sau:

Đức Kitô sẽ phán xét với quyền năng đã được trao ban cho Ngài là Đấng Cứu Chuộc trần gian, Đấng đến để đem ơn cứu độ cho muôn dân. Mọi bí ẩn trong thâm tâm cũng như hành vi của từng người đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân sẽ được đưa ra ánh sáng. Mọi người, tùy theo cách sống của mình mà được ban cho tràn đầy sự sống hoặc bị phạt đời đời. Qua cách này, "sự viên mãn của Đức Kitô" (Êphêsô 4:13) sẽ thể hiện, và trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (Côrintô I, 15:28).

Triều đại của Đức Kitô rồi sẽ đến (xem CCC 671). Chúng ta đang ở trong thời gian thử thách, chờ đợi và đau buồn (xem CCC 672). Thời điểm của sự đến lần sau cùng của Đức Kitô là điều chúng ta không biết được (xem CCC 673) và Giáo Hội phải trải qua lần thử thách sau cùng; một sự thử thách sẽ làm chao đảo đức tin của các tín hữu (CCC 676).

4.2 Phản Kitô

Nhiều người đồng hóa ” phản Kitô “ với một số con người cụ thể. Tuy nhiên, phản Kitô là lòng tin giả hiệu vào Đức Kitô (pseudo-messianism) qua đó con người tự tôn vinh mình là Chúa, là Đấng Messiah đang hiện diện bằng xương bằng thịt (xem CCC 676). Sự dối gạt của thuyết phản Kitô xuất hiện mỗi khi có người tuyên bố rằng mình có thể biến đổi trần thế này thành thiên đường (xem CCC 677). Đó là điều thuyết thế tục vẫn làm. Nó làm cho con người từ bỏ Thiên Chúa và tập trung mọi nỗ lực vào việc tạo dựng thiên đàng nơi trần thế. Trước khi Đức Kitô quang lâm sẽ có sự tấn công lần sau cùng của các thế lực ác tà (xem CCC 680).

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 125-135.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 631-682.

Websites