Dẫn nhập (3)

Chúa Giêsu có chứng minh Ngài là một nhân chứng đáng tin không?

Trong bài trước chúng ta đã tìm hiểu các sách Tin Mừng để xem có thể sử dụng chúng như những tài liệu lịch sử hay không. Trên thực tế, chủ đề chính của các sách Tin Mừng là cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô. Trong bài dẫn nhập đầu tiên, chúng ta đã thấy chúng ta dựa vào lời chứng của Đức Giêsu Kitô để dẫn đưa chúng ta trên con đường đi tìm sự thật. Bây giờ chúng ta phải xem bằng cách nào Đức Giêsu Kitô chứng minh Ngài là một chứng nhân đáng tin mà chúng ta có thể chấp nhận.

    • Đức Giêsu tuyên bố gì về chính Ngài?
    • Ngài nêu những bằng chứng nào để hậu thuẫn cho các lời tuyên bố của Ngài?

1. Đức Giêsu tuyên bố gì về chính mình?

1.1 Đức Giêsu có tuyên bố Ngài là một chứng nhân không?

Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết Đức Giêsu luôn luôn tự nhận mình được Thiên Chúa sai đến. Trong Tin Mừng Gioan, thành ngữ "Đấng đã sai tôi" xuất hiện 20 lần, và 5 lần Đức Giêsu tự xưng mình là "Đấng được Thiên Chúa sai đến". Được sai đến có nghĩa là làm một sứ giả và chứng nhân.

Các ví dụ khác trong Tin Mừng Gioan:

43 "Tôi đến nhân danh Cha tôi." (Ga 5:43)

28 Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói lớn tiếng rằng: " Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông không biết Người. 29 Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi." (Ga 7:28-30)

25 Họ liền hỏi Người: "Ông là ai?" Đức Giêsu đáp: "Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói." 27 Họ không hiểu là Đức Giêsu nói với họ về Chúa Cha. 28 Người bảo họ: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người." (Ga 8:25-29)

1.2 Ngài còn tự xưng mình là gì nữa?

Đức Giêsu không chỉ tuyên bố rằng Ngài nói nhân danh Thiên Chúa. Ngài còn tuyên bố ngài là chính Thiên Chúa. Điều này được chứng minh trong nhiều trường hợp.

1.2.1 Ngài dùng danh xưng của Thiên Chúa — "TÔI HẰNG HỮU"

56 Ông Ápbraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hi vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ." 57 Người Do Thái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Ápbraham!" 58 Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, trước khi có ông Ápbraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu." 59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ (Ga 8:56-58)

Hai mươi bốn lần Đức Giêsu nhấn mạnh "Tôi hằng hữu" (xem Ga 4:26; 6:35; 6:41; 6:51; 8:12; 8:18; 8:23 (2 lần); 8:24; 8:28; 8:58; 10:7; 10:9; 10:11; 10:14; 11:25; 13:19; 14:6; 15:1; 15:5; 18:5; 18:6; 18:8). Trong các sách khác của Tân Ước, "Tôi hằng hữu" xuất hiện cả thảy 86 lần, trong đó chỉ có 28 lần được nhấn mạnh (Matt 14:27; 22:32; 24:5; 26:22, 25; Mark 6:50; 13:6; 14:62; Luke 1:19; 21:8; 22:70; 24:39; Acts 9:5; 10:21; 11:5; 18:10; 22:3, 8, 19; 26:15, 29; Heb 1:5; 2:13; Rev 1:8, 17; 2:23; 21:6; 22:16). Tại sao điều này quan trọng? Bởi vì trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa dùng danh xưng này để nói với ông Môsê. Sách Xuất Hành 3:13-14 cho chúng ta biết:

13 Ông Môsê thưa với Thiên Chúa:"Bây giờ con đến gặp con cái Ítraen và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" 14 Thiên Chúa phán với ông Môsê: "TA LÀ ĐẤNG HẰNG HỮU". Người phán:"Ngươi nói với con cái Ítraen thế này: 'ĐẤNG HẰNG HỮU' sai tôi đến với anh em".

Xem thêm chi tiết trong bài thảo luận của Cha Felix Just SJ tại link: : "'I Am' Sayings In The Fourth Gospel".

Trên thực tế, đây chính là lý do khiến Đức Giêsu bị kết án tử—vì Ngài không ngừng tự xưng minh là Con Thiên Chúa, xưng mình là chính Thiên Chúa. Trong Phúc Âm Thánh Gioan (5:17-18), chúng ta đọc thấy:

17 Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc." 18 Bởi vậy người Do Thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng Gioan (8:58), khi bị vặn hỏi làm sao Ngài biết rõ ông Ápraham, Đức Giêsu đã trưng dẫn danh xưng của Thiên Chúa và áp dụng danh xưng ấy cho chính mình (”TÔI HẰNG HỮU"— xem Xh 3:14).

58 "Thật, tôi bảo thật các ông, trước khi có ông Ápbraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu."

Những người nghe Ngài nói đã hiểu chính xác Ngài đang xưng mình là gì. Câu tiếp theo của Tin Mừng Gioan cho chúng ta thấy điều đó:

59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Tin Mừng Gioan thuật lại (20:28), ông Tôma phủ phục dưới chân Đức Giêsu và thốt lên:

25"Chúa của con và Thiên Chúa của con!" (Tiếng Hi Lạp: Ho Kurios mou kai ho Theos mou -- dịch sát chữ là"Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!")

Trong Thư Philípphê 2:6, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng Đức Giêsu Kitô,

vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

1.2.2 Ngài tha tội

Khi người ta đưa những người bệnh đến với Ngài, Ngài không chữa họ ngay lập tức. Trước tiên Ngài tha tội cho họ, là việc mà chỉ một mình Thiên Chúa có thể làm. Trong Tin Mừng Luca, Chương 5, thánh Luca kể cho chúng ta truyện người bị bại liệt được thòng từ trên mái nhà xuống để được Đức Giêsu chữa khỏi bệnh tật.

20 Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi." 21 Các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu suy nghĩ: "Người đang nói phạm thượng là ai vậy? Ai có quyền tha tội ngoài một mình Thiên Chúa ra? 22 Nhưng Đức Giêsu thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Trong bụng các ông đang nghĩ gì vậy? 23 Trong hai điều: một là bảo: ‘Anh đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn? 24 Nhưng để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội" — Đức Giêsu bảo người bại liệt: "Tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà!"

1.2.3 Ngài được gọi là "Alpha" và "Omêga" — "Khởi Nguyên" và "Cùng Tận"

Một điểm cũng đáng chú ý là danh hiệu "Đầu và Cuối" được áp dụng cho Đức Giêsu. Đây là một trong các danh hiệu được Cựu Ước dùng cho Thiên Chúa. Trong Chương 4 sách Ngôn Sứ Isaia, ta đọc thấy:

6 Đức Chúa là Vua và Đấng Cứu Độ của Israel, là Chúa các đạo binh phán như sau: ‘Ta là Khởi Nguyên và Cùng Tận; ngoài Ta ra không có thần nào khác.’ (xem Is 41:4; 48:12)

Danh hiệu này được gán trực tiếp cho Chúa Giêsu ba lần trong sách Khải Huyền.

17 Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: "Đừng sợ! Ta là Khởi Nguyên và Cùng Tận." (Kh 1:17).

8 Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh Miếcna: Đây là lời của Đấng là Khởi Nguyên và Cùng Tận, Đấng đã chết và đã sống lại." (Kh 2:8).

12 Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc người ấy làm. 13 Ta là Alpha và Ômêga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng." (Kh 22:12-13).

Câu trích cuối này đặc biệt có ý nghĩa vì nó áp dụng cho Chúa Giêsu song song với danh hiệu mà sách Khải Huyền trước đó đã áp dụng cho Đức Chúa là Thiên Chúa:

Đức Chúa là Thiên Chúa phán: 'Ta là Alpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng'" (Kh 1:8).

Tự nó, lời tuyên bố này rất đáng chú ý. Không hề có một nhà sáng lập tôn giáo nào khác tự xưng mình là Thiên Chúa và chứng minh như vậy. .

Xem bài của Peter Kreeft. Với những lời tuyên bố về chính mình như thế, Đức Giêsu Kitô hoặc là Thiên Chúa, hoặc là một tay bịp bợm hay một kẻ điên.

2. Ngài nêu những bằng chứng nào để hậu thuẫn cho lời tuyên bố của Ngài?

Đức Giêsu Kitô tuyên bố Ngài là Thiên Chúa. Và Ngài bảo các môn đệ cũng như những ai không tin hãy nhìn xem những việc Ngài làm mà tin rằng Ngài nói sự thật.

36 "Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. 37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng làm chứng cho tôi..." (Gioan 5:36-37)

2.1 Các Phép lạ

2.1.1 Đức Giêsu làm các phép lạ kèm theo lời giảng của Ngài

Các sách Tin Mừng nói rằng ngoài việc giảng dạy, Đức Giêsu còn làm các phép lạ. Tin Mừng Mátthêu trong Chương 9 nói với chúng ta:

35 Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Tin Mừng Máccô trong chương 6 ghi lại cảnh sau đây:

1 Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2 Đến ngày sabát, người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?"

Tin Mừng Luca cũng chứng thực điều này, ví dụ trong Chương 6 ngài viết:

17 Đức Giêsu đi xuống cùng các ông. Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđon 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Còn Thánh Gioan trong Chương 3 đã thuật lại việc ông Nicôđêmô, một người có uy tín giữa người Do Thái, đã nhìn nhận Đức Giêsu có quyền giảng dạy như thế nào:

1 Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, một thủ lãnh của người Do Thái. 2 Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy."

Nhưng Đức Giêsu làm phép lạ không phải để gây ấn tượng cho dân chúng. Trong nhiều đoạn Tin Mừng, Đức Giêsu chỉ làm các phép lạ khi người ta có lòng tin vào Ngài, chỉ khi họ tin các lời Ngài nói, chỉ khi họ tin tưởng rằng Ngài thực sự có quyền năng của Thiên Chúa để làm cho các điều đó xảy ra. Khi họ không có lòng tin, Ngài không làm phép lạ nào cả. Hãy xem các đoạn sau đây:

21 Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tia và Xiđon, 22 thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỉ ám khổ sở lắm!" 23 Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: "Xin thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!" 24 Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Ítraen mà thôi." 25 Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!" Người đáp: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con." 27 Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." 28 Bấy giờ Đức Giêsu đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn sao thì sẽ được vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi. (Mt 15:21-28)

46 Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! 49 Đức Giêsu đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!" 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. 51 Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52 Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. (Mc 10:46-52)

49 Đức Giêsu còn đang nói, thì có người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông: "Con gái ông chết rồi, đừng làm phiền Thầy nữa!" 50 Nghe vậy, Đức Giêsu bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu." 51 Khi đến nhà, Người không cho ai vào với mình, trừ ông Phêrô, ông Gioan, ông Giacôbê và cha mẹ đứa bé. 52 Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Đức Giêsu nói: "Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" 53 Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết. 54 Nhưng Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: "Này bé, chỗi dậy đi!" 55 Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay. Đức Giêsu bảo người ta cho nó ăn. 56 Cha mẹ nó kinh ngạc. Và Người ra lệnh cho họ không được nói với ai về việc đã xảy ra. (Lc 8:49-55)

1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. 2 Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi." 4 Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến." 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." 6 Ở đó có đặt sáu chum nước dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đí" Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói: "Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ." 11 Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.. (Ga 2:1-11)

Các sách Tin Mừng mô tả chi tiết ít là 35 phép lạ của Ngài.

2.1.2 Các phép lạ chứng minh các lời tuyên bố của Đức Giêsu

Phép lạ là gì? Chúng ta có thể tạm thời định nghĩa phép lạ như sau: Một phép lạ là một hành vi có thể quan sát được và vượt quá cách thức hành động của các tạo vật — chúng ta bảo là nó vượt ra ngoài các luật tự nhiên — và chỉ có thể được tạo ra bởi một Ai Đó hay một Cái Gì Đó vượt ngoài tự nhiên.

Một phép lạ vượt ra ngoài các luật tự nhiên bằng một trong ba cách sau đây:

    1. Khi một điều gì đó xảy ra mà chúng ta không bao giờ gặp trong tự nhiên: v.d. trái đất đứng yên;
    2. Khi một điều gì đó xảy ra mà chúng ta gặp trong tự nhiên, nhưng không bao giờ gặp trong một vật cá biệt nào đó trong tự nhiên, v.d. khả năng thị giác được ban cho một người mù;
    3. Khi một điều gì đó có thể xảy ra một cách tự nhiên, nhưng không theo qui trình tự nhiên, v.d. một bệnh được chữa lành ngay tức khắc.

Các phép lạ của Đức Kitô có rơi vào các trường hợp được mô tả này không? Chúng ta hãy xét về các phép lạ ấy dựa vào cách phân loại trên đây.

    1. Một điều gì đó xảy ra mà chúng ta không bao giờ gặp trong tự nhiên. Loại phép lạ thứ nhất này là một phép lạ tạo dựng. Tạo dựng có nghĩa là tạo ra một cái gì đó từ hư không, không dùng một nguyên vật liệu nào. Chúng ta hãy xem các hiện tượng sau đây.
      1. 15 Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: "Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn". 16 Ðức Giêsu bảo: "Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn". 17 Các ông đáp: "Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá!" 18 Người bảo: "Ðem lại đây cho Thầy!" 19 Rồi sau đó, Người truyền cho đám đông ngả lưng trên cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho đám đông. 20 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẫu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. 21 Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con. (Mt 14:15-21; cũng được kể trong Mc 6:31-44, Lc 9:10-17 và Ga 6:1-13)
      2. 1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Ðức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: 2 "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! 3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến". 4 Các môn đệ thưa Người: "Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?" 5 Người hỏi các ông: "Anh em có mấy chiếc bánh?" Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc". 6 Người truyền cho đám đông ngả lưng xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông. 7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra. 8 Ðám đông đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ! 9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người.(Mc 8:1-9)
    2. Một điều gì đó xảy ra mà chúng ta gặp trong tự nhiên, nhưng không bao giờ gặp trong một vật cá biệt nào đó trong tự nhiên. Loại phép lạ thứ hai này là một phép lạ biến đổi bản thể trực tiếp. (Các ví dụ về biến đổi bản thể: giấy sau khi đốt trở thành tro, thân xác con người sau khi chết tan rã thành nhiều thành phần). Chúng ta hãy xét về các phép lạ sau đây của Chúa Giêsu:
      1. Cô Mácta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày". 40 Ðức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" 41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Ðức Giêsu ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con". 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" 44 Người chết liền bước ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn liệm. Ðức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi".(Ga 11:39-44)
      2. 11 Sau đó, Ðức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám người rất đông cùng đi với Người. 12 Khi Ðức Giêsu đến gần cửa thành, thì kìa người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có đám rất đông người trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: "Bà đừng khóc nữa!" 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Ðức Giêsu nói: "Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy chỗi dậy!" 15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Ðức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người". (Lc 7:11-16)
      3. 49 Ðức Giêsu còn đang nói, thì có người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông: "Con gái ông chết rồi, đừng làm phiền Thầy nữa!" 50 Nghe vậy, Ðức Giêsu bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu". 51 Khi đến nhà, Người không cho ai vào với mình, trừ ông Phêrô, ông Gioan, ông Giacôbê và cha mẹ của đứa bé. 52 Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Ðức Giêsu nói: "Ðừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" 53 Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết. 54 Nhưng Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: "Này bé, chỗi dậy đi!" 55 Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay. Ðức Giêsu bảo người ta cho nó ăn. (Lc 8:49-55)
      4. 2 Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Ðức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: 3 "Thưa Thầy, Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?" 4 Ðức Giêsu trả lời: "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: 5 Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (Mt 11:2-5)
      5. 1 Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. 2 Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi." 4 Đức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến." 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo." 6 Ở đó có đặt sáu chum nước dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đí" Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói: "Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ." 11 Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê, và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (Ga 2:1-11)
    3. Phép lạ quan trọng nhất thuộc loại này, cũng là phép lạ quan trọng nhất trong tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu, đó là phép lạ về sự Phục Sinh của chính Ngài. Nhưng phép lạ này sẽ được chúng ta bàn đến ở một bài khác.
    4. Một điều gì đó có thể xảy ra một cách tự nhiên, nhưng được tạo ra không theo qui trình tự nhiên. Loại phép lạ thứ ba này được gọi là phép lạ không phảicái gì được tạo ra, nhưng vì cách thức nó được tạo ra. Chúng ta gọi nó là loại phép lạ tinh thần.
      1. 6 Nói xong, Ðức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta: "Anh hãy đến hồ Silôác mà rửa (Silôác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. (Ga 9:6-7)
      2. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!" 14 Thấy vậy, Ðức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế". Ðang khi đi thì họ đã được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mặt được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Ðức Giêsu mà tạ ơn. (Lc 17:12-16)
      3. 2 Và kìa trước mặt Ðức Giêsu, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pharisêu: "Có được phép chữa bệnh ngày sabát hay không?" 4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. (Lc 14:2-4)

2.2 Các lời tiên tri

Các lời tiên tri là gì? Lời tiên tri có thể được định nghĩa là một lời báo trước chi tiết và chắc chắn (nghĩa là bảo đảm) về một sự kiện nhất định trong tương lai, sự báo trước này không thể thực hiện được nhờ thấy trước hay đoán trước một cách tự nhiên, bởi vì sự kiện được tiên báo lệ thuộc vào nhiều nguyên nhân tự do (nghĩa là các nguyên nhân có ý chí tự do) để hoàn thành. Vì vậy lời tiên tri đòi hỏi phải có một trí năng vượt quá trí năng loài người.

Đức Giêsu đã nói tiên tri về các sự kiện tương lai. Các lời tiên tri của Ngài có thể được chia thành 4 phạm trù:

    1. Các lời tiên tri về chính Ngài. Đây là một vài ví dụ:
      1. Người nói với các môn đệ: 44 "Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỷ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời". 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy. (Lc 9:44-45)
      2. 21 Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (Mt 16:21)
      3. 1 Khi Ðức Giêsu giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: 2 "Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá". (Mt 26:1-2)
      4. 17 Lúc sắp lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi riêng với mình, và dọc đường, Người nói với các ông: 18 "Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án tử hình Người, 19 sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào Thập giá, và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy". 20 Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Ðức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. (Mt 20:17-20)
    2. Các lời tiên tri về những người thân cận với ngài
      1. 31 Bấy giờ Ðức Giêsu nói với các ông: "Ðêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. 32 Nhưng sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em". 33 Ông Phêrô liền thưa: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã". 34 Ðức Giêsu bảo ông: "Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần". (Mt 26:31-34. Ứng nghiệm trong 26:69-75)
      2. 21 Ðang bữa ăn, Người nói: Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy". 22 Các môn đệ buồn rầu quá sức, bắt đầu lần lượt hỏi Người: "thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?" 23 Người đáp: "Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. 24 Ðã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho người nào nộp Con Người: thà người đó đừng sinh ra thì hơn!" 25 Giuđa, kẻ nộp Người cũng hỏi: "Rápbi, chẳng lẽ con sao?" Người trả lời: "Chính anh đó!". (Mt 26:21-25)
    3. Các lời tiên tri về việc Giêrusalem bị tàn phá
      1. 41 Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giêsu khóc thương 42 mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! "Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43 Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44 Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm". (Lc 19:41-44)
      2. 20 "Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành. 21 Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. 22 Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm. 23 Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó! Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ giáng xuống dân này". (Lc 21:20-23)
      3. 1 Ðang khi Ðức Giêsu ra khỏi Ðền Thờ, thì một trong các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, Thầy xem: đá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đại thật! 2 Ðức Giêsu đáp: "Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ". (Mc 13:1-2)
    4. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm vào năm 70 C.N., khi quân Rôma phá huỷ Giêrusalem. Các chi tiết về biến cố này được sử gia người Do Thái là Josephus (khoảng 37-95 C.N.) ghi lại trong "Chiến Tranh Do Thái" (xem link Jewish Wars).
    5. Các lời tiên tri liên quan đến các môn đệ Ngài trong tương lai.
      1. 12 "Nhưng trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp cho các hội đường và nhà tù, và điệu đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. 13 Ðó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. (Lc 21:12-13)
      2. 17 "Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Chúa Cha nói trong anh em. 21 "Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
      3. 23 "Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Ítraen, thì Con Người đã đến. (Mt 10:17-23)
    6. Cuộc bách hại các Kitô hữu được ghi lại trong lịch sử Hội Thánh thời sơ khai.

Đọc Thêm

    • Anthony F. Alexander, College Apologetics, Chapter 8, "Christ Claimed to Be Divine", Chapter 9, "Christ Appealed to His Miracles to Prove His Divinity", Chapter 10, "The Probative Force of the Miracles of Christ", Chapter 11, "The Prophecies of Christ", Chapter 12, "The Probative Force of Prophecies", Chapter 13, "The Purpose of Christ in Coming to Earth", pp 79-131.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Chapter 12 "The Divine Mission of Jesus", pp 86-89.
    • Peter Kreeft and Ronald K. Tacelli, Handbook of Christian Apologetics, Chapter 8 "The Divinity of Christ", pp 58-68.
    • William G. Most, Catholic Apologetics Today, Chapter 11 "A Man Sent From God", Chapter 12 "Signs and Wonders to Believe", pp 59-68.

Websites

Translation Version 2

23 Feb 2012

Joseph Nguyen