Thoảng Chút Hương Xưa ... Ngô Mỹ Phương

Oanh đưa chai dầu thơm lên cao, bấm nhẹ, một làn hơi bay ra. Nàng bước tới cho những hột dầu li ti đang lan tỏa rớt xuống trên vai, trên tóc. Hương đượm thoang thoảng, dịu dàng. Oanh xoay người nhìn vô kiếng. Chiếc “skirt” xòe màu đen, lưng lửng dưới đầu gối, cùng chiếc áo trắng, điểm vài bông hoa nâu lợt, với một ít kim tuyến đính rải rác, cho nàng nét đơn sơ, tươi mát, nhưng không kém vẻ trang trọng. Oanh mỉm cười hài lòng với trang phục của mình. Bây giờ thì chỉ còn mang giày là sẵn sàng ra xe.

Vừa tới bãi đậu xe của nhà hàng Emerald Bay, đã thấy ngay quang cảnh nhộn nhịp trong ngày hội ngộ của cựu sinh viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Từng nhóm bạn đang tụ tập chụp hình trước cửa nhà hàng, bên dưới tấm biểu ngữ mang hàng chữ “Cựu Sinh Viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn Nam California Chào Mừng Thầy Cô và Bạn Hữu”. Hôm nay, nơi đây sẽ nồng nhiệt tiếp đón các đồng môn từ khắp nơi trên thế giới lũ lượt kéo về.

Oanh xuống xe, đứng lại nhìn quanh một lát. Tự nhiên nàng thấy hồi hộp vô cùng. Hơn ba mươi năm rồi, bốn tiếng Đại Học Khoa Học đối với nàng xa lạ làm sao. Nhập học chỉ có vài tháng, khuôn viên trường còn chưa thuộc hết thì thế cuộc đổi thay. Từ lúc đó, sách vở trở thành dĩ vãng.

Oanh chợt giựt mình khi một vòng tay choàng qua vai nàng. Oanh quay lại và nhận ra Kim, cô bạn cùng nhóm thực tập năm Dự Bị, là người bạn Khoa Học duy nhứt Oanh còn giữ liên lạc. Cũng chính Kim đã ghi danh cho nàng tham dự buổi họp mặt này. Hôm nay, Kim trang điểm thiệt lộng lẫy, chiếc áo dạ hội hở lưng ôm lấy thân mình đầy đặn, coi vẫn còn hấp dẫn lắm. Kim nói:

- Mình vô trong đi, Oanh.

Oanh theo Kim tới bàn tiếp tân. Trong lúc chờ Kim “check-in”, Oanh để mắt lên từng người đang sắp hàng lần lượt đi vô. Thiệt khó lòng mà nhận ra bộ mặt nào quen biết. Thời gian đã lạnh lùng xóa đi nét son trẻ của nam thanh, nữ tú ngày nào.

“Check-in” xong, Kim đưa cho Oanh một cái “tag” có ghi tên để dán lên áo và kéo Oanh vô bên trong nhà hàng. Không khí thiệt ồn ào, náo nhiệt. Hai đứa còn đang lớ ngớ thì nghe gọi:

- Kim! Kim! Ở đây nè.

Kim nắm tay Oanh, nói:

- Tụi nó ở đằng kia.

Oanh và Kim đi tới một cái bàn ở gần cuối góc. Bốn năm cô bạn đang cười cười, nói nói. Một cô ré lên:

- Ối giời ơi! Trông bà Kim kìa. Sao mà càng ngày càng mơn mởn thế!

Kim kéo ghế ngồi xuống, cười:

- Thôi đi mấy chị, em sắp làm bà ngoại rồi đó.

Rồi quay qua Oanh:

- Ngồi đây đi Oanh. Ủa! Sao nhà hàng tối hù vậy?

Một cô trả lời:

- Cúp điện nãy giờ đó. Ông chủ nhà hàng chưa tới nên chưa biết làm sao. Chắc nhà hàng có máy phát điện riêng. Ở đây mấy khi mà cúp điện. Xui sao lại trúng ngay ngày giờ của tụi mình.

Kim ngắt lời:

- Chắc không lâu đâu. Một lát có điện lại bây giờ.

Kim lại ôm vai Oanh:

- Ê! Mấy bồ có nhớ Oanh không? Oanh, tụi nó là mấy đứa trong băng của mình hồi xưa đó. Đây là Tuyết nè, Loan nè, Mai nè, Trang nè. Oanh có nhớ đứa nào không?

Oanh mỉm cười, đưa mắt nhìn từng cô bạn, người nào cũng có vẻ ngờ ngợ, quen quen. Chợt Tuyết lên tiếng:

- Ô! Mình nhớ rồi. Ngày xưa Oanh để tóc ngang vai, đi xe PC, phải không?

Mai reo lên:

- Đúng rồi! Con nhỏ này nhớ dai ghê. Oanh thực tập cặp với Kim chớ gì? Còn nhớ Mai không?

Oanh cảm động vì các bạn vẫn còn nhận ra mình. Oanh nhìn Mai một lúc rồi nói:

- Oanh nhớ rồi! Mai là đứa làm sẩy con ếch trong buổi thực tập Động Vật rồi phải nhảy xôm xổm theo để bắt nó lại, rốt cuộc bị “chụp ếch”, phải không?

Cả bọn cười vang. Trang, cái cô nói giọng Bắc chêm vô:

- Chính hắn đấy, con người làm nên lịch sử đấy.

Kim đập lên vai Trang một cái:

- Con nhỏ này, mấy chục năm rồi vẫn còn ăn nói kiểu đó.

Cả bọn lại cười ầm lên. Oanh thấy như mình đang sống lại những tháng ngày của hơn ba mươi năm trước, khi cả bọn còn hồn nhiên cắp sách tới trường. Mấy đứa lại chí cha chí chét giành nhau nói chuyện huyên thiên. Riêng Loan vẫn ngồi im, thỉnh thoảng cười hùn chớ không nói gì. Bây giờ thì Oanh đã nhớ ra được tất cả bọn họ, nhứt là Loan, cô bạn ít nói. Ngày xưa, lần nào gặp Loan thì cũng y như rằng cô ấy đang dán mắt vô một cuốn sách.

Lợi dụng trong lúc các bạn trò chuyện, Oanh kín đáo đưa mắt ngó quanh, cố ý kiếm tìm một hình bóng quen xưa.

Mấy hôm ghi tên tham dự buổi họp mặt này, Kim có “forward” cho Oanh danh sách những cựu sinh viên Khoa Học sẽ có mặt hôm nay. Oanh đã dò từng tên, nhứt là nhóm tới từ Canada, nhưng không thấy có tên của người nàng mong đợi. Dù vậy, nàng vẫn chưa nguôi hy vọng, mong là ai đó sẽ nằm trong số những người “walk-in” hôm nay.

Nhà hàng chợt sáng lên, mọi người reo mừng. Những thành viên trong Ban Tổ Chức lên sân khấu để bắt đầu chương trình. Sau phần nghi thức lấy lệ là lời ngỏ của Ban Tổ Chức, rồi tới chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn”.

Càng lúc, không khí càng náo nhiệt. Kim ngó quanh, nói:

- Mấy bồ coi kìa, ca sĩ hát mặc ca sĩ, kịch sĩ diễn mặc kịch sĩ. Khán giả cứ thoải mái ồn ào, xúm nhau chụp hình, giỡn hớt.

Trang chêm vô:

- Dĩ nhiên rồi. Văn nghệ của dân “khoa học” thì làm sao mà sánh bằng văn nghệ của dân chuyên nghiệp được.

Mai lắc đầu:

- Mình không nghĩ vì vậy mà khán giả hững hờ. Chắc chỉ vì ai ai cũng muốn hàn huyên, nhứt là những người mới gặp lại nhau sau mấy chục năm xa cách. Có những người vắng bặt tin tức từ lâu, tưởng cả đời chẳng thấy nhau nữa, như Oanh nè. Tình cờ gặp mặt bữa nay, mình cũng mừng mừng, tủi tủi. Thiệt là một buổi hội ngộ đầy ý nghĩa hơn mong đợi.

Tuyết cũng gật gù:

- Họ đứng ra tổ chức ngày này thiệt đáng giá đó chớ. Hồi nào tới giờ, đây là cuộc họp mặt toàn thế giới đầu tiên của Cựu Sinh Viên Khoa Học, mà coi, quy tụ được đông đảo ghê hông. Cũng phải có bốn trăm người là ít.

Bấy giờ, Loan mới lên tiếng:

- Ban Tổ Chức mà nghe được lời này của Tuyết chắc mát dạ lắm. Hình như họ cũng cam go, nhọc nhằn không ít.

Oanh liếc liếc Loan:

- Dữ hông, nãy giờ mới nghe tiếng của Loan.

Cả bọn xúm nhau cười hô hố khiến cái mặt của Loan trở nên ngượng ngùng, càng làm mọi người tức cười thêm.

Thức ăn không là cao lương mỹ vị, nhưng có bàn láng te vì ai cũng thấy vui vẻ, ngon miệng. Tuy nhiên cũng có bàn thức ăn thừa mứa vì ai cũng lo nói chuyện, quên ăn.

Nhóm bạn của Oanh thì khỏi phải nói, trò chuyện, chọc phá ỏm tỏi. Oanh cũng tranh với các bạn, nhắc lại những kỷ niệm ngày còn đi học, cả bọn cười như nắc nẻ. Lo cười nói mà cái khăn ăn rớt xuống đất hồi nào không hay. Oanh xoay người cúi xuống để lượm. Khi ngửng lên, bất chợt, mắt Oanh chạm phải một một nét mặt nào đó rất thân quen. Trong bóng tối mờ mờ, Oanh chỉ thấy được nửa mặt nghiêng nghiêng của người đàn ông ngồi cách một bàn. Chiếc mũi dài, thẳng, vầng trán cao ngạo nghễ. Tim Oanh chừng như ngừng đập.

Không tiện ngó hoài, Oanh giả bộ nhìn quanh rồi quay lại. Chàng vẫn ngồi yên, hướng về sân khấu. Đèn không đủ sáng để Oanh có thể đoan chắc là ai. Nhưng từ giây phút đó, Oanh đâm ra thẫn thờ. Nói cười với các bạn mà hồn nàng để ở đâu đâu. Oanh muốn đứng dậy tới gần để có thể nhận diện rõ ràng, nhưng lòng cứ ngại ngùng, không dám.

Khi buổi tiệc chấm dứt thì chàng cũng biến đâu mất. Lúc cùng các bạn ra khỏi nhà hàng, Oanh thoáng thấy dáng chàng chui vô một chiếc Toyota xanh, rồi xe chạy mất hút. Oanh nhìn theo ngẩn ngơ cho tới khi Kim lên tiếng:

- Ngày mai có ai đi “picnic” ngoài “park” không?

Cả bọn nhìn nhau, Tuyết nói:

- Có lẽ không ai đi, mỗi người đều có việc riêng. Hay là tụi mình gặp lại nhau ở nhà Tuyết vào tối mai đi.

Mọi người gật đầu đồng ý. Cả bọn chia tay. Oanh lái xe về, lòng đầy vương vấn.

Tới nhà rồi mà tâm trí nàng chừng như vẫn chưa tỉnh táo. Cho xe vô “garage” xong, nàng thẫn thờ bước vô nhà. Lâm, chồng nàng, đi “travel” chưa về. Căn nhà vắng vẻ bỗng trở nên quá rộng, khiến nỗi cô đơn trong lòng nàng cũng vụt lớn theo. Ước gì mẹ nàng còn sống. Ít ra, nhà cũng có hai mẹ con.

Oanh bỏ giày ra rồi để nguyên áo xống như vậy mà vùi mình lên giường. Nàng úp mặt vô gối và bất chợt thèm khóc một trận cho hả. Nhưng Oanh không khóc được. Từ lâu rồi, nước mắt của nàng đã khô cạn cho cuộc tình này. Oanh xoay người nằm ngửa lại, mắt ngó đăm đăm lên trần nhà, nàng vẫn không thể nào quên được những ngày tháng cũ.

Chiếc xe đò chỉ mới tới Long An mà Oanh đã buồn ngủ rụi. Mấy hôm nay Oanh đi Sài Gòn mua sắm Tết cùng mẹ. Hồi sáng, Oanh đã nói với mẹ lấy chuyến xe sớm để về Trà Ôn mà mẹ nàng cứ nấn ná ở nhà người dì cho tới trưa trờ. Đi xe trưa, vừa nóng nực, vừa buồn ngủ. Oanh rán nhướng mắt lên nhưng cái nắng gay gắt khiến mi nàng cứ ríu lại. Xe chạy ngang Bến Lức, dù bên tai ra rả tiếng rao bán khóm, bán mía nhưng nàng không thể nào mở mắt ra. Oanh đã ngủ thiếp đi cho tới khi bị đánh thức bởi những tiếng xe cộ ồn ào và tiếng người la lối nhốn nháo. Oanh mở mắt ra và thấy đầu nàng đang tựa lên vai của một chàng trai lạ mặt ngồi kế bên. Oanh bẽn lẽn sửa lại thế ngồi và nhìn qua mẹ. “Bà già” cũng đang ngủ gà ngủ gật. Oanh đánh nhẹ lên vai mẹ:

- Má! Dậy đi! Xuống xe qua bắc. Tới Bắc Mỹ Thuận rồi.

Xe ngừng lại. Hành khách lần lượt xuống xe. Một đứa bé ở băng sau khóc nhè:

- Con muốn ngồi trên xe, hu hu… Con không muốn đi bộ, hu hu… u…

Người mẹ trẻ vừa vói tay lượm bình nước thằng bé quăng dưới sàng xe, vừa dỗ con:

- Mình không ở trên xe được, con à! Xe chạy xuống bắc rủi lỡ trớn lao xuống sông, hai mẹ con mình chết chìm rồi làm sao. Nghe lời mẹ đi con.

Thằng bé dùng dằng, miễn cưỡng đi theo mẹ. Oanh cũng cùng mẹ đi bộ xuống bến bắc. Dọc hai bên đường, hàng quán xôn xao, tiếng mời gọi giòn giã:

- Nem đây, nem Lai Vung đây… ây… ây.

- Bánh phồng tôm đây, phồng tôm Sa Đéc đây… ây… ây.

Đi được một đỗi, mẹ Oanh ngừng lại, ngó tới ngó lui:

- Ủa, sao xe đậu xa dữ vậy cà. Đi nãy giờ mà chưa tới cầu bắc.

Chợt có tiếng trả lời:

- Đang kẹt bắc đó bác, chắc còn lâu mới tới lượt xe mình xuống.

Oanh quay lại và thấy đó là chàng trai ngồi kế bên nàng trên xe. Một người đàn ông khác vừa đi tới, ra vẻ rành rẽ:

- Điệu này chắc phải sang xe.

Mẹ Oanh chắc lưỡi:

- Như vậy thì phải trở lợi xe lấy đồ.

Oanh cùng mẹ trở lại xe, lần này có thêm chàng trai nọ. Đồ đạc mua sắm ở Sài Gòn quá lỉnh kỉnh. Tay xách nách mang. Hai mẹ con còn đang lúi húi thì chàng trai lên tiếng:

- Bác để cháu xách phụ.

Rồi chàng đỡ cái túi nặng kịt xách đi te te.

Sắp xuống bắc thì thấy một đứa nhỏ tay cầm cái lon, tay dắt một ông mù đang ôm cây tây ban cầm, vừa đờn vừa ca, xin ăn. Mẹ Oanh ngừng lại móc túi lấy tờ giấy bạc năm đồng bỏ vô lon. Đứa nhỏ cúi đầu cám ơn.

Chiếc “bắc mười” từ từ tách bến chở theo cả chục chiếc xe và cả trăm hành khách. Con sông Tiền minh mông bát ngát, mặt sóng nhấp nhô, lục bình xanh trôi lờ lững. Mấy chiếc xuồng ba lá nhỏ bé chèo ngang, chèo dọc, mong manh như những chiếc lá vàng trôi trên sóng cả.

Cặp bờ bên kia, hành khách lục tục rời bắc, xe cộ cũng rầm rập lên đường. Đi bộ chưa hết dãy hàng quán đã gặp mấy tay lơ xe đua nhau “bắt” khách:

- Cần Thơ đây, Cần Thơ đây… ây… ây.

- Vĩnh Long đây, cô bác ơi! Vĩnh Long đây… ây… ây.

Một chiếc xe lôi trờ tới:

- Cái Tàu Hạ không dì?

Mẹ Oanh lắc đầu, tiến về chiếc xe lô đi Vĩnh Long. Xe chỉ còn vừa đủ ba chỗ. Oanh vội vàng leo lên trước, để tránh ngồi kế bên chàng trai. Mẹ nàng lên ngồi kế bên, rồi tới chàng trai. Yên chỗ, mẹ Oanh thở hắt một hơi, quay qua chàng trai:

- Đi xe trưa kẹt bắc dữ quá, sang xe thiệt cực. Cám ơn cậu lắm nghen. Không có cậu, chắc nãy giờ hai mẹ con dì còn loay hoay dưới bắc.

Chàng trai mỉm cười:

- Dạ có chi đâu, thưa bác.

Mẹ Oanh hỏi:

- Xin lỗi, cậu tên chi?

Chàng trai lễ phép trả lời:

- Dạ thưa cháu tên Thái.

Xe lăn bánh, chú lơ đu toòng teng sau xe:

- Cho xin tiền vé đi cô bác ơi, xin tiền vé đi… i… i.

Mọi người lần lượt móc tiền đưa cho chú lơ.

Chiếc xe lô nhỏ, hai băng ghế dọc hai bên thành xe đầy người ngồi, nhét chật như nêm, thiệt nực nội. Đầu gối thì cứ đụng người đối diện lộp cộp. Nhứt là lúc xe phải thắng lại để bỏ khách xuống hay rước khách lên, thì người phía sau dồn đè về người phía trước, muốn nghẹt thở. May là Oanh ngồi cách Thái, không thì mắc cỡ chết đi.

Tới bến xe Vĩnh Long, lại phải sang qua xe lô khác để về Trà Ôn. Không nhiều người đi nên xe cũng rộng rãi. Chạy được một quãng, Thái lên tiếng:

- Đường dằn quá, hả bác.

Mẹ Oanh gật đầu:

- Ờ, cũng hơn chục năm rồi dì mới đi lợi đường này. Lóng trước, dì phải qua thêm cái Bắc Cần Thơ rồi ra Bến Ninh Kiều đón tàu máy về Trà Ôn, mất cả ngày trời.

Một hành khách góp chuyện:

- Đường này ngang qua Cái Vồn.

Thái nói thêm:

- Hình như bây giờ họ gọi là quận Bình Minh, phải không bác?

Đường gồ ghề, xe sàng qua, sàng lại để tránh “ổ gà” khiến hành khách cũng lắc lư qua lại muốn chóng mặt. Bỗng bánh xe sụp một ổ gà khá sâu, xe bị kẹt, không di chuyển được. Mọi người leo xuống cho nhẹ xe nhưng mặc cho bác tài rồ máy, bánh xe chỉ quay tròn tròn, chớ chiếc xe vẫn nằm ì. Một người đàn ông mặc quân phục sấn tới rán nhấc đầu xe lên. Thái thấy vậy cũng lao theo phụ với người lính. Chiếc xe leo lên khỏi “ổ gà”.

Người lính vỗ vai Thái:

- Khá lắm! Chú em.

Rồi chống nạnh ngó mút con đường, lắc đầu:

- Đường này mới thông thương từ khi Hiệp Định Ngưng Bắn được ký kết nên chưa sửa sang gì nhiều, còn xấu quá.

Thái hỏi:

- Trước đó xe không chạy được sao chú?

Một người đàn ông bận áo bà ba, vẻ dân ruộng, nói:

- Bị đắp mô mỗi ngày, lấy gì xe chạy.

Mọi người trở lên xe. Thái phủi phủi hai tay rồi cũng lên xe, vô tình hay cố ý mà ngồi đối diện với Oanh. Nàng len lén nhìn Thái, cảm giác là lạ trong lòng.

Nhà Oanh nằm trên con đường ngang qua chùa Long Hậu. Hôm nay là mùng một Tết, từng nhóm người lũ lượt kéo nhau đi lễ chùa. Những người bên chợ quận phải đi đò ngang qua con kinh Măng Thít mới tới được nơi đây. Oanh đứng trong rào, vừa ngắt mấy nhánh bông bưởi cho vô rổ, vừa ngắm nhìn khách đi lễ. Người nào, người nấy cũng diện quần áo đẹp. Mấy cô gái khoác áo dài đủ màu, có cô bận quần tây, cũng có cô chưng áo đầm, chắc là dân Sài Gòn về chơi. Rổ đầy bông, Oanh vừa tính quay vô nhà để ướp trà, chợt thấy Thái đi tới. Oanh luống cuống, không biết làm sao thì Thái đã tấp vô, mỉm cười, hỏi:

- Nhà cô ở đây hả?

Oanh chỉ gật đầu. Chợt có tiếng mẹ Oanh kêu:

- Hái bông rồi chưa, Oanh?

- Dạ rồi. Oanh vội vã trả lời.

Mẹ Oanh đã ra tới cửa cái, thấy loáng thoáng có người, mẹ Oanh hỏi:

- Ai vậy con?

Oanh thưa:

- Có anh Thái tới đó, Má.

Thái cũng lên tiếng:

- Con, Thái đây, thưa bác.

Mẹ Oanh ra tới cổng, thấy Thái thì bà nhoẻn miệng cười, nói:

- Ủa, té ra là cháu hả? Vô nhà uống miếng nước đi cháu.

- Dạ.

Thái vô nhà nói chuyện với mẹ Oanh. Được một lát thì Thái đứng dậy:

- Năm mới, con kính chúc bác và quý quyến được an khang, thịnh vượng. Con xin phép bác, con còn đi chùa, hôm nào tiện, con sẽ ghé thăm bác.

Mẹ Oanh tươi cười:

- Cám ơn cháu, dì cũng chúc cháu được vạn sự tốt lành. Nhà cháu bên chợ hả? Khi nào rảnh, cháu ghé chơi.

Thái chấp tay:

- Dạ, thưa bác cháu về.

Oanh đứng cạnh cổng rào, tay nâng niu một chùm bông bưởi. Cây bưởi bên rào trổ bông trắng nõn, hương tỏa thơm nức. Thái đi ngang, quay qua chào:

- Bông bưởi đang mùa đẹp quá. Tôi về nghe, cô Oanh.

Oanh cúi đầu chào Thái, bụng nghĩ thầm:

- Người ta nói: trắng như bông bưởi, thơm như bông bưởi, chớ có nghe ai nói bông bưởi đẹp hồi nào đâu.

Nàng tủm tỉm cười, theo mẹ vô nhà.

Thái đi rồi, mẹ Oanh cứ khen tấm tắc. Còn Oanh thì rán giấu một thần tượng trong lòng.

Hết hè năm đó, Oanh xong Tú Tài. Nàng ghi tên vô Đại Học Khoa Học. Mấy đứa bạn bàn nhau học Chứng Chỉ Dự Bị của Đại Học Khoa Học để thi vô Y Khoa hay Nha Khoa. Riêng Oanh thì thiệt tình là chưa có ý định gì hết.

Cái trường Khoa Học này, Oanh đã biết nó hồi nàng còn nhỏ xíu. Cứ mỗi dịp lên Sài Gòn, phải đi qua đi lại con đường Cộng Hòa để tới nhà người dì ở khu Chợ Nancy, là mỗi dịp cho Oanh ngó hoài cái bảng giăng ngang nhà để xe với hàng chữ bự chảng, cho tới khi nàng có thể đánh vần được năm chữ KHOA HỌC ĐẠI HỌC ĐƯỜNG. Nhưng không ai cắt nghĩa cho nàng biết Khoa Học Đại Học Đường là gì, nàng chỉ lờ mờ biết đó là một trường học. Mãi tới lúc lên trung học, Oanh mới biết nếu muốn vô được cái đại học đường này thì nàng phải có Tú Tài. Mà Oanh thì chưa bao giờ nghĩ tới chuyện bước vô cái cổng trường cũ kỹ như vậy.

Một tuần sau ngày nhập học, Oanh tình cờ gặp Thái. Chàng học trước Oanh hai năm. Tình đồng hương, tình đồng môn đã mang hai trái tim trai gái tới gần nhau thiệt nhẹ nhàng. Tình cảm của Oanh và Thái êm ả như dòng sông Măng Thít, dù đời nhiều đổi thay, dù Oanh sớm xa rời sách vở. Cho tới một lần Thái về thăm quê, vừa gặp Oanh, chàng đã vội vã nói:

- Oanh, đi vượt biên với anh đi.

Oanh sửng sốt nhìn Thái. Nàng đã biết có nhiều chàng trai ra đi, không màng bỏ lại quê hương, không màng bỏ lại mẹ cha, thân nhân và luôn cả người yêu bé bỏng. Nhưng Oanh chưa bao giờ ngờ tới lượt Thái của nàng.

Mẹ Oanh biết chuyện, đã ôn tồn nói với Thái:

- Bác rất quý con. Nhưng ba con Oanh mất rồi, bác chỉ còn có mình nó, bác không muốn xa nó.

Thái ra về. Nhìn chàng qua đò ngang mà lòng Oanh trĩu nặng. Cái dáng dong dỏng nổi bật giữa những người dân quận, nghiêng nghiêng chiếc mũi dài, thẳng, vầng trán cao ngạo nghễ. Tất cả là hình ảnh cuối cùng của Thái in đậm trong tim Oanh.

Chỉ vài tháng sau, Oanh nhận được một bao thơ lạ với con tem Canada. Nét chữ gãy gọn quen thương. Mới còn gần nhau đây mà nay đã cách biệt ngàn trùng, mong gì gặp lại nhau.

Nhưng chỉ qua lại vài lá thơ là mẹ Oanh đã nói:

- Con đừng thơ từ với thằng Thái nữa mà không dứt được.

Nhà chỉ có hai mẹ con, Oanh không muốn làm mẹ buồn. Những lá thơ tới không có thơ đi đã thưa lần rồi ngưng hẳn.

Cứ mỗi lần nghĩ tới Thái là nước mắt Oanh lại tuôn tràn. Chàng giờ ra sao. Có khi nào nghĩ tới Oanh. Có khi nào trách móc nàng. Có khi nào đau khổ.

x

Oanh he hé mở đôi mắt, căn phòng ngập tràn nắng sáng, tiếng chim se sẻ ríu rít ngoài sân. Oanh uể oải ngồi dậy và chợt nhận ra mình đã để nguyên bộ áo dự tiệc mà ngủ. Nàng xuống giường đi vô nhà tắm. Những giọt nước ấm khiến cho Oanh tỉnh táo hẳn lên.

Oanh xuống nhà, ăn sáng, lui cui dọn dẹp xong xuôi thì cũng đã hơn mười giờ. Nàng lấy cái nón rơm đội lên đầu rồi mở cửa ra vườn sau. Từ ngày được Lâm về Việt Nam cưới và bảo lãnh qua Mỹ, đời sống của nàng khá nhàn hạ. Lâm có thâu nhập cao nên Oanh không phải đi làm. Nàng ở nhà coi sóc trong ngoài. Không có con cái nên trồng trọt là thú vui hàng đầu của Oanh, nhứt là những khi Lâm vắng nhà.

Oanh cắt tỉa mấy cành bông giấy cho gọn ghẽ. Lượm sạch những lá vàng rớt trên bụi trà hoa nữ. Hái một mớ chanh giấy, rồi tới ngắm nghía cây bưởi. Những trái bưởi non đã lớn hơn nắm tay, xanh mướt. Cây bưởi này nàng mua từ vườn cây Mimosa, không phải do vô tình. Oanh đã vun bón từ khi cây còn nhỏ xíu cho tới lúc có trái chiếng. Mấy mùa, bông kết trái rồi lại ra bông, cây bưởi đã âm thầm ấp ủ bao ký ức đẹp đẽ của những ngày tháng cũ.

Oanh đưa tay nâng niu một chùm bông nở muộn. Những cánh bông trắng bé nhỏ, rời rạc, thơm nhè nhẹ, chừng như rán nhín lại một chút hương cuối mùa vốn quá mong manh. Oanh lấy kéo cẩn thận cắt chùm bông ra khỏi cành. Nàng ngần ngừ nhìn chùm bông trong lòng bàn tay một lát. Bất chợt, Oanh quyết định đi ra “park”.

Oanh xuống xe, sửa lại mắt kiếng mát và tiến sâu vô trong công viên Mile Square Park, nơi các cựu sinh viên Đại Học Khoa Học đang quây quần chơi “picnic” với nhau. Dẫu biết khó mà tìm được ai quen, nhưng Oanh vẫn hy vọng có sự hiện diện của Thái. Từng nhóm bạn bè đang đứng tụm nhum trò chuyện, nói cười sảng khoái. Đây đó rải rác mấy cụm nam nữ ngồi quây quần trên những tấm ny long trải dưới cỏ. Những mái tóc hoa râm của tuổi đời chồng chất. Những đôi mắt có đuôi nhìn nhau trìu mến sau bao nhiêu năm gặp lại. Những đôi má xếp nếp nhưng nụ cười chừng như vẫn còn rất hồn nhiên.

Nắng đã nghiêng mà bóng dáng Thái vẫn biệt tăm. Oanh cũng không còn trông mong gì, nàng tự vấn:

- Cũng như bọn mình, Thái chỉ dự tiệc đêm qua chớ không đi “picnic” bữa nay, hay người đó không phải là Thái?

Oanh buồn buồn, tìm một chỗ trống, ngồi đưa mắt nhìn lơ đễnh. Mấy cậu thiếu niên đang lộn nhào biểu diễn võ thuật. Một nhóm thể thao đang giăng lưới để thi đấu “volley ball”. Trận đấu diễn ra rời rạc. Khán giả lưa thưa.

Đây chắc phải là những “tay chơi” một thời của các trận “volley ball” Đại Học Khoa Học. Cũng lưới, cũng banh, nhưng thiếu đi rất nhiều. Thiếu cái sức đập mạnh của tuổi thanh niên làm cho bụi cát tung bay, thiếu cái nhanh nhẹn của thời trai tráng chạy hứng một trái banh bỏ nhỏ. Thiếu tiếng la hò ầm ỉ đầy nhiệt huyết, thiếu tiếng tay vỗ giòn tan. Và còn thiếu những người trong các trận banh thuở ấy không có mặt hôm nay, những người ở rất xa, những người đã vĩnh viễn nằm xuống, vĩnh viễn xa rời bạn hữu, xa rời mọi cuộc chơi.

Trận đấu kết thúc. Một nữ khán giả vừa đứng dậy, vừa la lớn “chọc quê” một cách thân thiết:

- Dở quá! Dở quá!

Một đứa bé gái chừng bảy tám tuổi đứng kế bên, “lẽ sự” nghe tới mắc cười:

- Không dở sao được, già hết rồi! Năm mươi, bảy mươi, tám mươi hết rồi.

Các nhóm bạn hữu giải tán lần. Oanh chầm chậm tới bên bờ hồ, ngồi xuống.

Nắng chiều xuyên qua kẻ lá, từng đốm vàng yếu ớt rải xuống công viên. Oanh mở xách tay, rút chùm bông bưởi ra, thả xuống hồ. Chùm bông lờ đờ trôi, hương xưa phai lạt, hình bóng cũ cũng xa mờ.

Mộc Hương

Viết xong ngày 5 tháng 8 năm 2010.

Thân tặng các bạn cựu sinh viên Khoa Học để kỷ niệm ngày họp mặt 08-08-08.

Riêng gởi về Thái chút hương xưa từ một hình bóng cũ đã xa mờ, cho “Từ Đó Xuân Đi”...