Trong thời gian thực hiện Đặc San Khoa Học Xuân Canh Tý năm qua, bạn Minh Hà đã gởi một câu thách đối vui cho báo xuân. Quý Thầy Cô cùng bạn hữu khắp nơi đã hưởng ứng nồng nhiệt và gởi khá nhiều vế đối rất hay với nhiều ý tưởng thật ngộ nghĩnh.

Anh Petro Nguyen cũng đã góp vài lời bình luận về câu thách đối và có đưa ra thêm nhiều câu đối và thách đối hay, thú vị và rất khó tìm các vế đối cho thật chỉnh.

Nhiều bạn cũng nêu một số thắc mắc nhằm tìm hiểu thêm về câu đối và phép đối, cũng như cách nào để làm câu đối. Các bạn đã nhờ người viết giúp trả lời những thắc mắc này. Do vậy người viết đã mạo muội viết vài dòng về đề tài Câu Đối đăng trong mục “Đố vui ngày Tết” và bài “Câu đối xuân và sơ lược về phép đối” trong mục “Tản mạn ngày xuân”, Đặc San Khoa Học Xuân Canh Tý 2020.

Cũng trong mục “Tản mạn ngày xuân”, anh Trần Vĩnh Thuận cũng đã viết bài “Chơi chữ”, trong đó anh cũng đã nói về câu đối Tết và nghệ thuật chơi chữ trong việc làm câu đối và sáng tác thơ phú của các tác giả ngày xưa.

Xin kính mời quý Thầy Cô và bạn hữu thưởng thức lại những điều hay này trong Đặc San Khoa Học Xuân Canh Tý.

https://sites.google.com/a/khoahocsaigonds.com/dhac-san-xuan-canh-ty/home/dho-vui-ngay-tet---ngo-minh-ha

https://sites.google.com/a/khoahocsaigonds.com/dhac-san-xuan-canh-ty/home/-----tan-man-ngay-xuan/cau-dhoi-xuan---tien-lac-quan

https://sites.google.com/a/khoahocsaigonds.com/dhac-san-xuan-canh-ty/home/-----tan-man-ngay-xuan/choi-chu---tran-vinh-thuan

Trong nhiều điện thư trao đổi, bàn luận về cái hay của những câu đối, anh Petro Nguyên cũng đã đưa ra nhiều câu đối khá hay về ý tưởng cũng như nghệ thuật chơi chữ.

Thí dụ:

Ra cửa Đông Nam, Tây Bắc lại.

- “Bắc”, đồng âm “bắt”

Đối:

Xuống đèo Tượng Mã, Hổ Mang đi.

- Vế đối có ghi 4 loài thú rừng là voi (tượng), ngựa (mã), cọp (hổ) và mang (một giống hươu nai lông vàng, tên khoa học Muntiacus)

- Đèo Tượng Mã có thể là một địa danh có thật ở miền Trung, đối với “cửa Đông Nam” (chợ Bến Thành, Sài Gòn) ở vế trên.

- “mang đi” đối với “bắt lại” vế trên.

Anh Petro Nguyen cũng kể lại chuyện hơn 50 năm qua, trong một chuyến du khảo năm 1970 cùng các bạn Địa Chất, khi đứng trước thác nước Damkrong ở B'Lao (Bảo Lộc), phong cảnh rất tình tứ còn mang nhiều vẽ đẹp thiên nhiên nên anh “tức cảnh sinh tình” ra câu đối như sau:

Thác nhớ, thác thương, tình đến thác.

Đã hơn 50 năm anh chưa tìm ra được câu để đối lại với câu thách đối của chính mình.

Lúc ấy tôi định viết tiếp thêm về câu đối và ghi câu đối này vào bài viết, nhưng không đủ thời gian vì còn phải viết tiếp cho xong nhiều bài khác trước khi ra mắt báo. Nên tôi có hẹn năm sau (2021) sẽ viết một bài khác về câu đối, trong đó có câu thách đối này.

Vậy như đã hứa, tôi xin viết tiếp về câu đối, nói về một số cụm từ và câu đối trong thơ văn và chép lại một số câu đối hay, đối rất tài tình và thú vị của nhiều nhà Nho học thuở xưa, và không quên chép lại câu thách đố 50 năm qua của anh Petro Nguyen.

Câu thách đối của anh Petro Nguyễn

Tức cảnh sinh tình khi đứng trước Thác Damkrong ở B'Lao (Bảo Lộc).

Thác nhớ, thác thương, tình đến thác.

* Dùng các tiếng đồng âm khác nghĩa

- Thác: là thác nước

- Thác: chết

- Người viết xin mạo muội đối:

Cầu hò, cầu hẹn, nhớ ... luôn cầu.

* Dùng các tiếng đồng âm khác nghĩa

- Cầu: chiếc cầu bắc qua sông

- Cầu: cầu nguyện, cầu xin, cầu mong, …

- Chiếc cầu, nơi mình đã từng hò hẹn khi xưa. Giờ em nơi đâu? Khi đến bên cầu thì nỗi nhớ thương da diết khôn nguôi ... nên anh luôn nguyện cầu, cầu mong và luôn mơ ước một ngày nào đó em sẽ trở về nơi đây, nơi hò hẹn khi xưa, bên chiếc cầu này ...

- Theo lời bài ca “Nhịp cầu nối những bờ vui” (Thơ Phan Văn Từ, Nhạc Văn An)

Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta ...

Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo ...

Đêm trăng sáng bên chân cầu em giặt áo,

Nhịp cầu nối những bờ vui ...

Trong thời gian thực hiện báo xuân, nhân kiểm lại các bài viết trong đó có bài câu đối này, anh Tony Trần Vĩnh Thuận có chép lại một câu thách đối khá hay và ngộ:

Mẹ đội thúng me, em e nặng mẹ.

- “em e nặng mẹ” là cách đánh vần của chữ “mẹ”

Người viết xin tạm đối chơi cho vui:

1.

Chồng kê giường chỏng, Chờ ông! Quyền chồng!

(quyền > đồng âm huyền - dấu huyền)

- Ông chồng kê giường ngủ mà bả chờ lâu quá!

- “chờ” là động từ, không đối với “em” là tiếng xưng hô

- “ông” tiếng xưng hô, không đối với “e” là động từ

2.

Bà phê học bạ, Bê: A! Quyền bà!

(quyền > đồng âm huyền - dấu huyền)

Cô Bê đi học, đem học bạ về cho bà phê.

Cô Bê la, bà phê học bạ làm sao thì là quyền của bà.

Cám ơn anh Thuận đã gởi một câu thách đối hay.

Thật tình rất khó tìm vế đối cho thật chỉnh lắm.

Nhân dịp viết về các câu đối, người viết vừa nhớ lại một vế thách đối của nhà báo Thanh Thương Hoàng đăng trong một bài báo nói về Ông Khai Trí, tên thật là Nguyễn Hùng Trương, nguyên chủ nhân Nhà Sách Khai Trí, số 62 Đại Lộ Lê Lợi Sài Gòn. Bài báo do ông Thượng Anh viết đăng trong Mục “Thư Saigon” trên báo Dân Việt, số ra ngày 28 tháng 02 năm 2002 (Tòa soạn báo Dân Việt tại Cabramatta - Sydney, Tiểu Bang New South Wales, Úc Châu).

Câu thách đối của nhà báo Thanh Thương Hoàng như sau:

Ông Khai Trí vào nhà sách Khai Trí, tìm mua sách Khai Trí.

Người viết đã đối lại và đã gởi cho Ông Khai Trí cùng tòa soạn báo Dân Việt như sau:

Bà Phú Hương mở tiệm chả Phú Hương, định bán chả Phú Hương.

- Tiệm giò chả Phú Hương nằm trên đường Hiền Vương, gần ngã tư Hiền Vương & Pasteur, Tân Định, Quận 3, Sài Gòn, nổi tiếng là bán giò chả rất ngon. Trước đây bà con vùng Tân Định thường gọi bà chủ tiệm là “Bà Phú Hương”, cũng như người dân Sài Gòn gọi ông chủ nhà sách Khai trí là “Ông Khai Trí” vậy. Người viết không được biết tên thật của bà. Nghe nói bà cùng gia đình khi sang Mỹ đã có mở tiệm giò chả cũng đặt tên trước đây là “Phú Hương”, không biết có đúng không?

Về các vế đối:

- “Chả” là món ăn “vật chất”, “ăn thật” để bồi bổ cơ thể, đối với “sách” là món ăn tinh thần

- “Phú Hương”“Khai Trí” đều là những hiệu tiệm và là biệt danh của hai vị chủ tiệm

- “Phú Hương” nghĩa là làm phong phú hương vị của các món ăn, làm phong phú cuộc sống vật chất; đối với “Khai Trí” nghĩa là khai thông, mở mang trí tuệ, trau giồi kiến thức, thuộc về tinh thần.

--oOo--

Thật ra trong sinh hoạt hằng ngày, ta cũng thuờng dùng nhiều thành ngữ hay tục ngữ có những cụm từ đối nhau để nói chuyện. Nhiều câu cũng có nguồn gốc từ nhiều tác phẩm văn học mà ông bà hay dùng khi xưa, con cháu bắt chước dùng theo, lâu đời nên không để ý.

Người viết xin chép để quý độc giả thưởng thức trong những ngày Tết xa quê:

- một số thành ngữ, tục ngữ có những cụm từ đối nhau

- một số câu thơ có đối

- một số câu đối hay và ngộ nghĩnh

Đối trong thành ngữ, tục ngữ 4 chữ và 6 chữ

Nói về thành ngữ và tục ngữ thì trong tiếng Việt có vô số thành ngữ và tục ngữ mà mỗi câu có thể chia thành hai vế đối nhau. Nhiều thành ngữ hay tục ngữ ta thuờng dùng hằng ngày.

Xin chép một số thí dụ.

- Thành ngữ hay tục ngữ 4 chữ:

Ăn no ngủ kỹ

Công ăn việc làm

Củi quế gạo châu

Đầu đường xó chợ

Hao tài tốn của

Học tài thi phận

Hũ chìm hũ nổi

Ngày lành tháng tốt

Nhà cao cửa rộng

Sáng xỉn chiều say

Tiền trao cháo múc

Trai tài gái sắc

Trắng da dài tóc

Xứng đôi vừa lứa

- Một số thành ngữ chữ thứ hai vần với chữ thứ ba:

Đầu xuôi đuôi lọt

Chó treo mèo đậy

Nợ mòn con lớn

Tai vách mạch dừng

Tham thực cực thân

- Một số thành ngữ có thể ghép lại làm những cặp câu đối, đối nhau rất chặt chẽ:

Trời đánh thánh đâm

Đối:

Chằn ăn trăn quấn

Quỷ tha ma bắt

Có thể nói đây là các câu đối theo thể “tiểu đối”, mỗi câu có 4 chữ hay ít hơn.

- Thành ngữ hay tục ngữ 6 chữ:

Ăn cây nào, rào cây nấy

Được làm vua, thua làm giặc

Được đằng chân, lân đằng đầu

Ông nói gà, bà nói vịt

Ông ăn chả, bà ăn nem

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Đối trong các thể thơ

(Trong bài viết này, những câu chữ màu là những câu có những vế đối nhau)

Một số thể thơ Việt Nam, trong các bài thơ bắt buộc phải có những cặp câu đối nhau, hoặc cần áp dụng phép đối trong các câu thơ, để câu thơ được hay hơn.

1- Đường Luật, thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ) hay ngũ ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 5 chữ).

* 8 câu có bố cục và nội dung chặc chẽ:

- Đề: câu 1 và 2

- Thực: câu 3 và 4 - hai câu đối nhau

- Luận: câu 5 và 6 - hai câu đối nhau

- Kết: câu 7 và 8

Thí dụ:

Thất ngôn bát cú

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

(Nguyễn Khuyến, “Mùa thu câu cá”)

Ngũ ngôn bát cú

Một lá thuyền lơ lửng

Năm canh nguyệt ủ ê,

Mưa lùa xe ngựa chạy,

Gió thổi nón tơi về.

Gà gáy mơ hồ sáng,

Quyên kêu sắp sửa hè.

Ông này quá vô sự:

Ba chén ngáy khè khè!

(Phan Bội Châu, 1930. “Thuyền đêm tức cảnh”)

2- Hát nói (Ca trù hay Hát Ả Đào)

Trong bài ca trù, câu 5 và câu 6, thuộc Khổ giữa của bài, phải là 2 câu thơ đối nhau. Thường là 2 câu thơ chữ Nho, có thể tác giả tự đặt hoặc lấy từ những bài thơ cổ trong Văn Học Trung Hoa hay Việt Nam, để có thể mượn đề tài từ nhiều điển tích.

Thí dụ:

Giai nhân nan tái đắc,

Trót yêu hoa nên dan díu với tình

Mái Tây hiên nguyệt gác chênh chênh,

Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ!

Phong lưu tài tử đa xuân tứ

Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư.

Nước sông Tương một dải nông chờ

Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi ...

Bứt rứt nhẽ, trăm đường nghìn nỗi!

Chữ chung tình biết nói cùng ai?

Trót vì gắn bó một hai ...

(Cao Bá Quát, “Nhớ người”)

* Câu 5 và câu 6

Phong lưu tài tử đa xuân tứ

Trường đoạn tiêu nương nhất chỉ thư.

Hai câu này lấy từ bài “Thôi Nương Thi” (Bài thơ về nàng họ Thôi) của Dương Cự Nguyên đời Đường.

Bài thơ nói về việc chàng Trương Quân Thụy phụ tình nàng Thôi Oanh Oanh trong “Hội Chân Ký” (hay “Oanh Oanh Truyện”) của Nguyên Chẩn. Về sau Vương Thực Phủ đời Nguyên dựa vào truyện này để viết vở kịch “Tây Sương Ký”.

* Nghĩa:

- Người tài tử phong lưu có nhiều ý nghĩ về xuân (ý nói không chung tình, người tính đào hoa, đa tình, “bay bướm”)

- Để cho người con gái đau khổ (trường đoạn: đứt ruột) mà viết một tờ thư

(Đời Đường, người con gái gọi là tiêu nương, người con trai gọi là tiêu lang)

* Câu 5 và câu 6 đối nhau:

- trường đoạn (đau khổ) đối với phong lưu

- tiêu nương đối với tài tử

- nhất (một) đối với đa (nhiều)

- nhất chỉ thư (một tờ thư) đối với đa xuân tứ (nhiều ý xuân)

3- Phú

Có nhiều thể loại phú, như Đường Phú theo thể phú từ đời nhà Đường, phú tứ tự, mỗi câu chỉ có 4 chữ, phú thất tự mỗi câu 7 chữ, phú lưu thủy không hạn chế số chữ, gần như văn xuôi, ... Nhưng nhiều câu trong một bài phú phải đối nhau.

Các câu phú có thể theo nhiều thể đối:

- tiểu đối, mỗi vế 4 chữ hay ít hơn

- đối thơ, mỗi vế 5 hoặc 7 chữ

- song quan, mỗi vế 6-9 chữ

- cách cú, mỗi vế chia làm 2 đoạn, một đoạn ngắn và một dài, đoạn ngắn trước, đoạn dài sau hoặc ngược lại

- gối hạc hay hạc tất (chân con chim hạc), mỗi vế có từ 3 đoạn trở lên

Thí dụ:

Thầy đồ thầy đạc

Dạy học dạy hành (tiểu đối, mỗi câu 4 chữ)

Vài quyển sách nát

Dăm thằng trẻ ranh (tiểu đối, mỗi câu 4 chữ)

Văn có hay đã đỗ làm quan, võng điều võng tía

Võ có giỏi đã ra giúp nước, khố đỏ khố xanh (cách cú, vế trước dài)

Ý hẳn thầy văn dốt vũ dát

Cho nên thầy lẩn quẩn loanh quanh …

(Tú Xương, “Phú Thầy Đồ”)

Đầu kèo mọt tạc vẽ sao,

Trước cửa nhện giăng màn gió (song quan)

Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng,

Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ (song quan)

(Nguyễn Công Trứ, “Hàn Nho Phong Vị Phú”)

Nhà lính tính quan: ăn rặt những thịt quay, lạp sường, mặc rặt những quần vân áo xuyến,

Đất lề quen thói: chỗ ngồi cũng án thư, bàn độc, ngoài hiên cũng cánh xếp mành mành.

... (hạc tất, mỗi vế 3 đoạn)

Mẹ muốn con hay, rắp một nỗi biển cờ mũ áo

Chủ rước thầy học, tính đủ tiền chè rượu cơm canh

(cách cú, vế trước ngắn)

(Tú Xương, “Phú Thầy Đồ”)

4- Song thất lục bát

Mỗi đoạn thơ gồm 4 câu, 2 câu 7 chữ theo sau là 2 câu lục bát (câu 6 chữ và câu 8 chữ). 2 câu 7 chữ có thể là 2 câu đối nhau, không bắt buộc.

Thí dụ:

Chinh phụ ngâm khúc

Nguyên tác Hán văn: Đặng Trần Côn

Diễn Nôm: Đoàn Thị Điểm

Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.

Chín tầng gươm báu trao tay,

Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

...

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

5- Lục bát

Một cặp 2 câu, câu Lục 6 chữ tiếp theo sau là câu Bát 8 chữ. Không bắt buộc phải có đối. Trong nhiều tác phẩm văn học viết theo thể Lục Bát, câu Lục hoặc câu Bát có thể chia thành 2 vế đối nhau.

Thí dụ Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Truyện Kiều

Truyện Kiều của Nguyễn Du gồm 3.250 câu. Truyện Kiều được viết theo thể thơ Lục Bát, gồm từng cặp 2 câu nối tiếp nhau, câu Lục có 6 chữ và câu Bát có 8 chữ.

Trong Truyện Kiều có khá nhiều câu thơ có thể được chia thành 2 vế đối nhau rất chỉnh.

- Câu Lục có 6 chữ thì câu thơ có thể được chia thành 2 vế, mỗi vế 3 chữ. Vế thứ nhì đối chỉnh với vế thứ nhất

- Tương tự, câu Bát có 8 chữ có thể chia thành 2 vế, mỗi vế 4 chữ, đối với nhau rất chỉnh

Thí dụ:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh (câu 25-26)

Câu Lục: vế sau “nét xuân sơn” đối với vế trước “Làn thu thủy”

Câu Bát: vế sau “liễu hờn kém xanh” đối với vế trước “Hoa ghen thua thắm”

Tương tự, ta có thể tìm thấy khá nhiều câu có cấu trúc hai vế đối nhau như vậy.

Trong từng cặp gồm câu Lục và câu Bát,

- Có khi cả hai câu Lục và câu Bát đều có 2 vế đối nhau:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười (câu 17-18)

- Có khi chỉ có câu Bát có 2 vế đối:

(Những câu chữ màu là những câu có những vế đối nhau)

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang (câu 20)

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (câu 22)

- hoặc chỉ có câu Lục có 2 vế đối:

Sương in mặt, tuyết pha thân (câu 189)

Sen vàng lãng đãng như gần như xa

Người quốc sắc, kẻ thiên tài

Tình trong như đã mặt ngoài còn e … (câu 163-164)

Duyên hội ngộ, đức cù lao, (câu 601)

Bên tình, bên hiếu, bên nào nặng hơn?

Tương tự, trong truyện Bích Câu Kỳ Ngộ (Khuyết danh) ta có thể tìm thấy nhiều câu Lục Bát có cấu trúc 2 vế đối nhau:

Thành tây có cảnh Bích Câu

Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!

Đua chen thu cúc, xuân đào

Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông

Xanh long dãy liễu, ngàn thông

Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều

Một vùng non nước quỳnh giao

Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa

(Những câu chữ màu là những câu có những vế đối nhau)

6- Thơ tự do (Thơ mới)

Thơ mới hay thơ tự do, không cần niêm luật như thể thơ Đường, không hạn chế số câu, mỗi câu không hạn chế số chữ, chỉ cần các câu có vần điệu.

Trong thơ mới không bắt buộc phải có đối, nhưng tùy tác giả muốn dùng các câu có đối cho âm tiết, âm điệu hay hơn.

Nhiều bài ngâm trong đó có nhiều câu tiểu đối (mỗi câu 4 chữ).

Thí dụ:

Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,

Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi

Nửa năm tiên cảnh,

Một bước trần ai,

Ước cũ, duyên thừa, có thế thôi!

Đá mòn, rêu nhạt,

Nước chảy, huê trôi,

Cái hạc bay lên vút tận trời!

Cửa động,

Đầu non,

Đường lối cũ,

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi ...

(Tản Đà, “Thiên Thai tống biệt”)

Còn nhiều thể văn có dùng phép đối: Văn sách, Văn tế, Kinh nghĩa, v.v... Xin chỉ chép vài thí dụ các phép đối dùng trong vài thể thơ phổ biến.

Câu đối

Câu đối là một trong những thú chơi tao nhã ngày xưa (cũng như ngày nay). Nhiều vị học giả, Nho học cao thâm nghĩ ra nhiều câu đối, đối nhau rất hay và chơi chữ rất tài tình.

Xin chép một số câu đối hay.

I. Câu đối có thành ngữ hay tục ngữ trong các vế

Nhân nói về những cụm từ đối nhau trong các thành ngữ và tục ngữ, xin chép vài câu đối có thành ngữ hay tục ngữ trong các vế đối.

1-

Câu đối viết trên cặp lồng đèn thờ mẹ

Trước mẹ dạy con: gió chiều nào che chiều ấy, con dạ!

Giờ con thờ mẹ: đèn nhà ai nấy sáng nhà ấy, mẹ ôi!

2-

Câu đối của Quận Dõng và Quận He Nguyễn Hữu Cầu

Hai vế đối nhau toàn là những câu tục ngữ

Mười lăm trăng náu, mười sáu trăng treo.

(Quận Dõng)

Tháng Tám sấm ra, tháng Ba sấm động.

(Quận He)

II. Câu đối gồm toàn chữ bắt đầu bằng một phụ âm

Thật thà thẳng thắng thì thua thiệt

Lọc lừa lươn lẹo lại lên lương

III. Câu đối chỉ dùng có mỗi một chữ (Hán tự)

* Những chữ đều bắt đầu bằng một phụ âm

Câu đối dán chuồng heo (lợn)

Trưởng trưởng, tràng tràng, tràng, trưởng trưởng

Tràng tràng, trưởng trưởng, trưởng, tràng tràng

Nguyễn Khuyến

Nghĩa:

Lớn lớn, dài dài, dài, lớn lớn

Dài dài, lớn lớn, lớn, dài dài

Nuôi heo chỉ cần cho heo lớn (tăng trưởng) và dài (kích thước to), béo tốt, nặng ký.

* Chữ 長 (Giản thể: 长) có nhiều phiên âm khác nhau, có nghĩa khác nhau

- Trưởng nghĩa là lớn, như huynh trưởng, trưởng lão, v.v..., hay lớn lên: tăng trưởng, trưởng thành, ...

- Trường nghĩa là dài

- Tràng, đọc trại của chữ trường là dài

* “Trường” hay “tràng” cũng có nghĩa là dài, nhưng “áo dài” khác “áo tràng”, áo dài thì ai cũng biết là quốc phục Việt Nam, còn áo tràng cũng tương tự áo dài nhưng may kiểu khác, thuờng màu lam, các Phật tử khoác vào khi đi tụng kinh hay dự các lễ ở các chùa.

Trong tiếng Việt có nhiều từ ngữ tương tự, tiếng Hán Việt và tiếng Nôm cùng nghĩa nhưng dùng trong các trường hợp khác nhau thì chỉ những sự việc khác nhau. Thí dụ “mẫu” là mẹ (má), nhưng “người mẹ” khác “người mẫu”.

IV. Câu đối nhái, châm biếm giọng nói

1-

Câu đối giễu nhà sư Trụ Trì chùa Dọi ở Hà Nam và chú tiểu ngọng.

- Hai câu toàn bằng chữ Nho

- các chữ đều bắt đầu bằng một phụ âm

- Vế trên nhái giọng nói “phào … phào...”, hơi gió của người bị mất các răng

cửa

- Vế đối nhái giọng nói ngọng nghịu

Phất phất phóng phong phan, pháp phái phi phù, phù phụng Phật.

Căn căn canh cổ kệ, cao ca kỷ cứu, cứu cùng kinh.

Nguyễn Khuyến

Nghĩa:

- Phất phơ cờ phướn bay trước gió, Đạo pháp làm phép đốt bùa, bùa thờ Phật.

- Oang oang hòa giọng đọc kệ cổ, cất cao tiếng nghiền ngẫm Kinh, nghiền ngẫm

đến cùng.

Bản khác:

Phất phất phóng phong phan, pháp phái phi phù, phan phụng Phật.

- Phất phơ cờ phướn bay trước gió, Đạo pháp cùng cờ phướn bay để thờ Phật

- Tất cả đọc theo kinh cổ, đọc to lên để khảo sát kinh Phật cho đến cùng

2-

- Sứ nhà Nguyên ra câu:

Quỳnh thiệt chi đầu đàm Lỗ Luận: Tri chi vi tri chi, bất vi tri bất tri, thị tri.

Chim chích chòe đầu cành bàn sách Luận Ngữ: Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo không biết, thế mới là biết.

* Câu ra dùng các chữ vi, tri, chi (đều là những chữ trong sách Luận Ngữ), giống tiếng chim kêu để chế nhạo giọng nói của người nước Nam. Nhất là đoạn sau của câu: “Tri chi vi tri chi ...” đọc nhanh thì khá giống tiếng chim kêu! “Chi” cũng là âm tên của Mạc Đỉnh Chi.

- Mạc Đỉnh Chi đối:

Oa lâm trì thượng độc Châu Thư: Lạc dữ độc lạc nhạc, lạc dữ chúng lạc

nhạc, thục lạc.

Con chẫu chuộc (con ếch) ngồi dưới ao đọc sách nhà Chu: Nghe nhạc vui cùng ít người, nghe nhạc vui cùng nhiều người, đằng nào vui hơn?

* Các chữ lạc, nhạc (đều là những chữ trong sách Mạnh Tử), giống tiếng ếch, chế nhạo người Nguyên tiếng nói nghe ồm ồm ... “Lạc” cũng là tên của Sứ nhà Nguyên ra câu đối.

V. Câu đối dùng từ ngữ đồng âm

Cáitượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái.

Một nhà sư ở Nghê An

Tuhổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy tu.

Hoàng Phan Thái

* Đầu vế đối trên là chữ “cái”, đồng âm với chữ “cái” ở cuối câu

* Đầu vế đối lại là chữ “tu” là hổ thẹn, đồng âm với chữ “tu” (tu hành, thầy tu, ...)

ở cuối vế đối lại.

* Chữ “tượng” (hình tượng, nghĩa của chữ “cái”), đồng âm với chữ “tượng” là con voi.

* Chữ “hổ” là hổ thẹn đồng âm với chữ “hổ” là con cọp

VI. Trùng hợp tên, dùng tên riêng trong câu đối

1-

Đoàn Thị Điểm soi gương, người anh tên là Đoàn Trắc Luân ra câu đối:

Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.

Bà đối lại:

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân.

Nghĩa:

- Soi gương vẽ mày, một nét hóa thành hai nét, có ý là một cô Điểm thành hai cô Điểm.

Điểm là nét vẽ, cũng đồng âm với tên của Đoàn Thị Điểm

- Đến bờ ao xem trăng, một vầng trăng hóa thành hai vầng trăng, cũng có ý một anh Luân hóa thành hai anh Luân.

2-

Lúc 10 tuổi Nguyễn Công Trứ theo cha về quê nội ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Do đó sau này được gọi là Uy Viễn Tướng Công. Trong làng có ông Đồ Trung lập trường học mời thầy đồ về dạy học cho trẻ con trong làng. Một hôm ông Đồ Trung ra câu đối:

Ngoài vườn cây đại nở hoa đại.

Nguyễn Công Trứ xin phép đối:

Trong buồng ông Trung ấp bà Trung.

- Câu đối rất chỉnh: “trong” đối với “ngoài”, “trung” đối vơi “đại”, “ấp” đối với “nở”.

Cả lớp cười nghiêng ngả, nhưng ông Đồ Trung thì mặt đỏ gay.

VII. Câu đối chơi chữ Nho

Chơi chữ Hán Việt và nghĩa Nôm

1-

Cây xương rồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long

(Đoàn Thị Điểm)

Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử.

(Trạng Quỳnh)

- giồng (trồng), âm gần giống tiếng “rồng”

- “long” là rồng, đồng âm với chữ lông

- “thử” là con chuột, đồng âm với chữ thử, làm thử

2-

Không vô trong Nội nhớ hoài.

Trong vế thách đối, mỗi 2 chữ là một tiếng Nôm đi cùng với một tiếng Hán Việt cùng nghĩa.

- vô: không ; nội: trong, bên trong ; hoài: nhớ

Câu này rất hay, có nghĩa không vô thành Nội (Huế) thì nhớ hoài, nhớ mãi.

Có vế đối nhưng không chỉnh, không có ý nghĩa hay như vế ra:

Đi chi đường đạo sợ cụ.

- chi: đi ; đạo: đường ; cụ: sợ

3-

Cô Miên ngủ một mình

- Cô gái tên là Miên

- cô là cô độc, một mình

- miên là giấc ngủ

Cai Vàng tức Tổng Thịnh đối:

Tổng Thịnh tóm nhiều đứa.

Có thể tạm hiểu để cho rằng vế đối chỉnh.

-Tổng là gom lại, tóm lại

-Thịnh: đông đúc, đầy đủ - hiểu là nhiều đứa

VIII. Câu đối có những chữ theo đề tài

1-

Tên nhân vật trong các truyện

Chơi chữ Hán Việt và nghĩa Nôm

Thúy Kiều đi qua cầu, nhác thấy chàng Kim, lòng đã trọng.

Trọng Thủy nhòm vào nước, thoáng nhìn nàng Mỵ, mắt rơi châu.

- Vế 1: Kiều là cầu. Truyện Kiều, Thúy Kiều và Kim Trọng

- Vế 2: Thủy là nước. Truyện Nỏ thần, Trọng Thủy Mỵ Châu

2-

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông - Bốn huớng đông, tây, nam, bắc

Cây trồng trên đỉnh núi, xuân hạ thu đông bốn mùa gió thỏi.

Đá mọc giữa mặt hồ, đông tây nam bắc bốn mặt sóng reo.

Chợ Đồng Xuân bán bánh Trung Thu, đông thì đông nhưng không bán hạ.

Người miền Đông làm nhà đất Bắc, tây thì tây vẫn dựng kiểu nam.

* Vế trên:

- Chữ đông là đông đúc, đồng âm với đông là mùa đông

- Chữ hạ là bán hạ giá, đồng âm với chữ hạ là mùa hạ, mùa hè

3-

Ngựa kim ăn cỏ chỉ

Chó cắn thợ may

- Dùng các chữ kim, chỉ, vá, may

4-

Câu đối khóc chồng là thợ nhuộm

Trong các vế đều có các chữ về màu sắc đối nhau.

Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhà bố đỏ.

Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh.

IX. Đối Nôm chỉ các vật, câu đối chữ Nho và diễn nghĩa

- Thầy Đồ chỉ cây cau, ý nói câu

Nhất trụ kình thiên: một cột chống trời.

Học trò chỉ con cua để đối, ý nói câu

Bát túc hoành địa: 8 chân bò ngang dưới đất.

- Thầy đồ chỉ con cua, nói:

Con cua đó !

-Học trò chỉ cây dù để đối:

Cây dù đây !

- Con cua: “Hoành hành hải ngoại”, nghĩa là Đi ngang ngoài biển

- Cây dù: “Độc lập thiên trung”, nghĩa là Đứng riêng giữa trời

X. Câu đối có những chữ nói lái

Nhiều chữ nói lái thường có nghĩa thô tục, xin chép chỉ để sưu tập, tham khảo.

1-

Từ Đạm, Quan Tuần Phủ Ninh Bình, là một viên quan tham nhũng khét tiếng.

Nhân dịp Rằm tháng Tám, Từ Đạm tổ chức thi câu đối. Vế thách đối:

Mùa Thu tháng Tám lên chơi núi.

Có người đối:

Đầu trống canh Năm gọi thủng đồi.

- đồi, ngọn đồi, đối với núi

- “thủng đồi”, nói lái là “đổi thùng”

Ngày xưa chưa có toilet có bồn chứa nước, bấm nước dội, người ta “đi” trong thùng, hằng ngày khoảng canh Năm (3 giờ đến 5 giờ sáng, có trống điểm canh), có phu đi từng nhà “pick up” thùng đã đầy, thay thùng không. Khi tới nhà ai thì người phu gõ cửa gọi “Đổi thùng! Đổi thùng!”

Vế đối có ý chế nhạo Từ Đạm không phải là người biết chữ nhiều mà hay nói chữ, làm thơ, bày đặt tổ chức thi câu đối, ...

Còn có một vế đối khác:

Giờ Tý canh Ba xuống nhảy đầm

- đầm, nghĩa là đầm lầy, cái ao, đối với chữ “núi” vế trên. 12 giờ khuya nhảy xuống ao ... tắm!

- nhảy đầm còn có nghĩa là khiêu vũ (dancing). 12 giờ khuya xuống “lobby” để “dancing”!

2-

Chiêu Hổ và Hồ Xuân Hương

Chiêu Hổ đến nhà Hồ Xuân Hương, khi ấy bà bận việc, Chiêu Hổ chờ lâu bèn đi thẳng xuống nhà dưới tìm. Khi qua sân, đụng phải quần áo bà đang phơi, Hồ Xuân Hương đọc:

Tán vàng, tán tía, che đầu nhau đỡ khi nắng cực.

Chiêu Hổ đối lại:

Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo.

3-

Quan lái lợn làm cụ trong dân

Nghị viên họ Lại ở Thái Bình hống hách, khi trước làm nghề lái lợn (mua bán heo), xây một sinh phần (xây sẵn mộ phần để lo trước việc hậu sự).

Một hôm có người dán câu đối chế nhạo ở sinh phần:

Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn lại.

Vang lừng trong thôn Bắc, trên kinh dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân.

- “quan lớn lại”, nói lái là “quan lái lợn”

- “cụ trong dân”, nói lái là “rận trong cu” (âm “d”, dận, đọc trại là “rận”)

- (kinh, rái: sợ, nể nang)

XI. Câu đối chữ Nho đồng âm với chữ Nôm có nghĩa thô tục, châm biếm

Quan tắc cổ, dân tắc cổ, đái hàm quan, Nghiêu Thuấn chi dân.

Thượng ung tai, hạ ung tai, đầu lại, Đường Ngu chi đức.

(Trạng Quỳnh)

Nghĩa:

- Quan theo phép xưa, dân cũng theo phép xưa, đội ơn quan, dân được sống như đời Nghiêu Thuấn.

- Trên vui vậy thay, dưới cũng vui vậy thay, dựa vào đầu lại quan lại có đức độ như quan lại đời Đường Ngu.

* Ý nghĩa câu văn chữ Nho rất hay, nhưng đọc âm Nôm thì là câu châm biếm thô tục.

Quan câm, dân cũng câm (điều tắc cổ hết), không dám nói.

Trên bị điếc, dưới cũng điếc vì ung tai, thối tai, không nghe chi cả.

Mọi người “đái” (tiểu tiện) vô hàm quan và “ị” (ỷ) trên đầu quan lại!

XII. Thuận nghịch độc

Câu đối đặc biệt sau đây, đọc xuôi là câu đối chữ Nho, đọc ngược lại từ chữ cuối vế đối đến chữ thứ nhất vế trên là câu giải nghĩa.

Loan hòa phượng ngữ nghinh hoa trướng,

Yến trục oanh phi phất cẩm đình.

Đọc ngược, câu giải nghĩa:

Đình cẩm phất phơ oanh giục yến,

Trướng hoa nghiêng ngửa phựợng hòa loan.

Những chữ đọc trại trong câu đọc ngược lại:

- phất phơ (phất phi)

- giục yến (trục yến)

- nghiêng ngửa (nghinh ngữ)

Nghĩa:

Chim loan hót, chim phượng ca, nghênh đón trướng hoa

Chim yến đuổi, chim oanh bay, rung động màn gấm

XIII. Câu đối chiết tự Hán tự

Để hiểu về chiết tự Hán tự và thưởng thức người xưa chơi chữ, dùng chiết tự Hán tự để làm những câu đối quả thật là rất hay, rất tài tình và rất thú vị như thế nào, người viết xin được trình bày sơ lược về cấu tạo Hán tự.

Hán tự là loại chữ tượng hình, và được cấu tạo bởi nhiều nét viết hay ghép các nét viết: tượng hình, hội ý, biểu ý (chỉ sự), và hình thanh là phần chỉ cách phát âm.

Thí dụ:

1. Tượng hình:

- Chữ 口 , đọc là khẩu, nghĩa là cái miệng, có hình cái miệng của người ta.

- Chữ 田 , đọc là điền, nghĩa là ruộng, có hình bốn khoảnh ruộng.

- Chữ 門 , đọc là môn, nghĩa là cái cửa, có hình cái cửa.

- Chữ 人 , đọc là nhân (nhơn), nghĩa là người, có dạng một người đứng dang hai chân ra.

- Chữ 山 , đọc là sơn (san), nghĩa là núi, có hình một dãy núi với một ngọn cao, hai ngọn thấp ở hai bên.

- Chữ 木 , đọc là mộc, nghĩa là cây, có hình một cây với thân cây và hai nhánh.

2. Hội ý:

- Chữ 囚 , đọc là tù, viết với chữ nhân ở trong bốn bức tường.

- Chữ 仙 , đọc là tiên, viết chữ nhân bên cạnh chữ sơn, người ở trên núi là tiên.

- Chữ 林 , đọc là lâm, nghĩa là rừng, viết với hai chữ Mộc 木 . Nhiều cây làm

thành rừng.

- Chữ 安 , đọc là an có chữ nữ , nghĩa là đàn bà, viết dưới bộ miên , nghĩa là nóc nhà. Người đàn bà ở yên dưới mái nhà thì gia đình được an, hàng xóm được yên ổn.

(Trích: Tìm hiểu tiếng Việt, chữ Việt của chúng ta. Tiền Vĩnh Lạc, Nhà Xuất Bản Tiền Lê, 2017)

3. Biểu ý (chỉ sự):

Thí dụ:

- Chữ “bản” hay “bổn” 本 , nghĩa là gốc. Để diễn đạt nghĩa “gốc rễ của cây”, người ta dùng chữ Mộc 木 là cái cây thêm gạch ngang để chỉ ý nghĩa “chỗ này là gốc cây, gốc rễ cây”.

4. Hình thanh:

Chữ Hình Thanh là những chữ gồm hai phần: phần hình (形) là phần chỉ ý nghĩa chính, phần thanh (聲) là phần chỉ cách phát âm của từ đó.

Thí dụ:

- Trong câu chào tiếng Trung (tiếng Quan Thoại - Mandarin): 你好吗? (nǐ hǎo ma - Nhĩ hảo ma - How are you?), chữ “ma” 吗 (phồn thể: 嗎) là chữ tượng thanh, ghép bởi chữ “khẩu” 口 là cái miệng (ý là nói ra, hỏi) và chữ “mã” 马 (phồn thể: 馬), để phát âm tương tự như chữ “mã” là con ngựa.

5. Cách hình thành Hán tự khác:

Ngoài 4 cách hình thành Hán tự kể trên, còn nhiều cách hình thành Hán tự khác như Chuyển chú văn tự 轉注文字, những chữ có thêm những ý nghĩa khác biệt, và được sử dụng trong những nghĩa hoàn toàn khác biệt đó.

Thí dụ:

- Chữ “Dược” 藥 (Giản thể: 药), gồm chữ “lạc” 樂 là vui vẻ ghép với bộ thảo là cỏ 艹 (艸 hay 草), cây thuốc chữa bệnh làm cho người ta vui vẻ!

Chữ 樂 (Giản thể: 乐) cũng đọc là “nhạc” và có nghĩa là âm nhạc, vì âm nhạc làm cho người ta vui vẻ!

- Chữ “Phật” cổ (Khải thư) 𠑵 được ghép bởi:

- Bộ nhân 亻là người (人),

- chữ “Tây” 西 : phương Tây, như trong truyện Tây Du Ký, Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Tây Trúc),

- chữ “vực” 域 : bờ cõi

- Tây vực 西域: bờ cõi phía Tây

- chữ “triết” 哲 người hiền trí, triết nhân

- Ghép các chữ với nhau: Người hiền trí, triết nhân ở Tây Vực tức là Đức Phật.

- Chữ “Phật” ngày nay viết đơn giản hơn: 佛 , chỉ gồm bộ nhân 亻(人), nghĩa là người ghép với chữ tượng thanh “phất” 弗 để phát âm, không bao gồm các ý nghĩa sâu xa như chữ “Phật” cổ.

Nói về chữ tượng hình, xin kể một giai thoại về Lê Quý Đôn lúc còn bé cho vui:

Trẻ con thường hay cởi trần cởi truồng tắm mưa và chơi đùa trong mưa những khi trời mưa lớn. Khi Lê Quý Đôn còn nhỏ, một hôm cùng chúng bạn đều trần truồng tắm mưa và chơi đùa. Vì mải chơi đùa trên đường làng nên không thấy lúc ấy có xe của Quan huyện đang đi tới (không biết trời mưa lớn mà ổng đi đâu!), làm cản đường xe của Quan không đi được.

Người trong đoàn xe la biểu tránh đường mà bọn trẻ không nghe. Ông Quan giận quá kêu bọn nhóc lại rầy và hỏi tội sao vô phép vô tắc.

Lê Quý Đôn chẳng những không xin lỗi mà còn hỏi trời mưa lớn mà ổng đi đâu, trời mưa lớn thì phải để cho bọn con nít tắm mưa và chơi đùa thỏa thích chứ!

Ông Quan giận quá hỏi tụi mầy có đi học không mà vô lễ quá vậy!

Lê Quý Đôn trả lời là ông và bọn trẻ cũng là học trò đi học đàng hoàng.

Ông Quan nói tao làm Quan mà tụi bây cũng không lễ phép. Nếu tụi bây là học trò có đi học thì phải biết chữ. Tao làm Quan, tức là một đại nhân, bây giờ nếu viết được chữ nào to hơn chữ “đại” 大 thì tao tha cho, không bắt tội.

Lê Quý Đôn, lúc đó trần truồng như nhộng, liền đứng trước đầu xe của Quan, dang hai tay hai chân ra, cản đường xe.

Ông Quan giận quá mắng là đồ trẻ con hỗn láo, vô phép vô tắc, chẳng những không trả lời câu của Quan mà còn dám trần truồng như nhộng cản đường xe của Quan nữa.

Lê Quý Đôn bên lễ phép thưa:

- Dạ bẩm Quan, con đã viết chữ “Thái” rồi đó.

Ông Quan phì cười và tha tội hỗn láo cho bọn trẻ.

- Chữ “Thái” có dạng một người đứng dang rộng hai tay hai chân, bên dưới giữa hai chân lủng lẳng một “thằng nhỏ”!

Bây giờ xin chép một số câu đối chiết tự Hán tự để quý độc giả thưởng thức.

1- Không chồng mà chửa - Hoảng chưa !

Cả nể cho nên hóa dở dang

Nỗi niềm chàng có thấu chăng chàng

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc

Phận liễu sao đà nở nét ngang

Cái tội trăm năm chàng chịu cả

Chữ tình một khối thiếp xin mang

Quản chi miệng thế lời chênh lệch

Không có, nhưng mà có, mới ngoan !

Hồ Xuân Huơng

“Hoảng chưa”: sợ chưa, nói lái lại là “Chửa hoang”!

Trong bài này, Nữ Sĩ Hồ Xuân Huơng đã dùng chiết tự Hán tự để làm hai câu thực (câu 3, 4) đối nhau rất chặc chẽ về ý cũng như về từ ngữ.

Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc

Phận liễu sao đà nở nét ngang

* Duyên thiên là duyên tình do trời định

- Chữ “thiên”, nghĩa là trời, Hán tự viết 天

- Chữ “phu”, nghĩa là chồng, nét viết trồi lên phía trên một chút 夫

“Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc”, chữ “thiên” chưa thấy nét viết nhô lên phía trên tức chữ “phu”, ý nói là chưa chồng.

* Phận liễu là phận gái, ví người con gái dáng người mảnh mai như cây liễu.

- Chữ “liễu”, Hán tự viết 了

- Viết thêm nét ngang ở giữa thành chữ “tử” 子 nghĩa là con trai.

- Đây là lối chơi chữ đồng âm khác nghĩa, thật ra chữ “liễu” 了có nghĩa khác, không phải là cây liễu, viết 柳

- Đối với câu trên, chưa chồng mà sao “phận liễu sao đà nảy nét ngang” rồi!

Ý tưởng tương tự như câu thơ “chế” từ một số bài thơ về mùa thu:

Thu đi để lại lá vàng

Anh đi để lại cho nàng ... thằng cu!

2-

Đời Trần Thái Tông có Trạng Hiền, còn nhỏ mà hay chữ. Một hôm vua sai sứ đi tìm Trạng Hiền, lúc ấy còn nhỏ. Sứ đến làng thấy một thằng bé, đến hỏi thăm, thằng bé không trả lời, sứ đọc câu để chọc:

Tự là chữ, cắt đàng đầu, chữ “tử” là con, con ai? Con ấy.

Thằng bé, là Trạng Hiền, liền đối:

Vu là chưng, bỏ ngang lưng, chữ “đinh” là đứa, đứa nào? Đứa này.

Hán tự:

- Chữ “tự”, viết 字 cắt phần phía trên 宀 thành chữ “tử” 子

- Chữ “vu”, viết 于 bỏ gạch ngang ở giữa (ngang lưng) thành chữ “đinh” 丁

* “Tự” 字 là chữ viết

* “Tử” 子 là con trai

* “Vu” 于 nghĩa là “chưng”, tiếng trợ từ

* “Đinh” 丁: con trai, trai tráng, người làm lụng (như tráng đinh)

3-

Một anh học trò tính ngang bướng, quan trường làm chức Thừa Ty, ra câu thách đối:

Lỗi kia đã trọng bằng ba thạch

- Lỗi lầm nặng bằng 3 cục đá

- Tên Lỗi, có nghĩa lừng lẩy, tài cán hơn người (đồng âm với tiếng Nôm lỗi là lỗi lầm, tội lỗi

- Chữ lỗi (tên Lỗi) 磊 , gồm 3 chữ thạch 石 (cục đá) ghép lại

* Vế thách đối có ý bắt lỗi anh học trò.

Đối:

Ty nọ xem khinh đáng nửa đồng

- Ty là chức Thừa Ty của quan, chỉ đáng giá có nửa đồng bạc thôi!

- Chữ Ty 司 viết phân nửa sau chữ đồng 同 (thật ra chỉ thiếu một nét sổ bên trái)

- “Đồng” 同 nghĩa là cùng, chung, đồng âm với chữ đồng là đồng tiền

* Vế đối có ý khinh khi chức Quan Thừa Ty.

4-

Ngọc tàng nhất điểm, xuất vi chúa, nhập vi vương.

(Nguyễn Hữu Cầu)

Thổ tiệt bán hoành, thuận giả thượng, nghịch giả hạ.

(Phạm Đình Trọng)

- Chữ ngọc 玉 có nét chấm bên trong, nét chấm thò ra (bên trên) là chữ chúa 主 (hay chủ), nét chấm thụt vào (ẩn, không viết) là chữ vương 王

- Chữ thổ 土 cắt phân nửa gạch ngang ở giữa, để xuôi vậy thành chữ thượng上, lật ngược lại thành chữ hạ下

5-

Thập khẩu tâm tư, tư quốc, tư gia, tư phụ mẫu.

- Nghĩa đen từng chữ: Mười miệng, bụng nghĩ, nghĩ đến nước, nghĩ đến nhà, nghĩ đến cha mẹ.

- Chữ “tư” 思 nghĩa là nghĩ đến, ghép những chữ “thập” 十 (mười), “khẩu” 口 (miệng), “tâm” 心(tim, lòng).

Thập khẩu tâm tư 十 口 心 思

Vế đối:

Thốn thân ngôn tạ, tạ thiên, tạ địa, tạ quân vương.

- Nghĩa: Tấc thân nói tạ (cám ơn), tạ trời, tạ đất, tạ quân vương (vua).

- Chữ “tạ” 謝 (tạ ơn, cám ơn), ghép những chữ “thốn” 寸, “thân” 身 (thân mình), ngôn 言 (các chữ ghép từ phải sang trái).

Thốn thân ngôn tạ 寸 身 言 謝

6-

Cụ Bảng Nhãn và Trạng Quỳnh

Thằng quỷ ôm cái đấu, đứng cửa Khôi Nguyên.

(Cụ Bảng Nhãn Đoàn Doãn Nghi, thân sinh Đoàn Thị Điểm)

Con mộc dựa cây bàng, dòm nhà Bảng Nhãn.

(Trạng Quỳnh)

Hán tự:

- Chữ “khôi” 魁 gồm chữ “quỷ” 鬼 ghép với chữ “đấu” 斗

- Chữ “bảng” 榜 gồm chữ “mộc” 木 ghép với chữ “bàng” 旁

* Cái đấu: dụng cụ để đong lường

* Cây bàng tiếng đồng âm, chữ bàng 旁trong trong vế đối có nghĩa là “bên cạnh”, không phải là cây bàng

* Khôi Nguyên là người đỗ đầu trong một cuộc thi.

* Bảng Nhãn, đứng hạng thứ nhì sau Trạng Nguyên, đúng thứ ba sau Bảng Nhãn là Thám Hoa.

- Cụ Bảng có ý mắng Trạng Quỳnh là “Thằng quỷ”, sao dám đứng trước cửa nhà ông, là người thi đậu cao (Khôi Nguyên)

- Trạng Quỳnh đáp ý nói tôi chỉ là con ma mộc (loài ma ở trong các cây gỗ), đứng dựa vào cây bàng mà ngó vô nhà cụ Bảng.

- Những động từ tiếng nôm đối nhau rất chỉnh:

. “dựa” đối với “ôm”

. “dòm nhà” (ngó, nhìn vô nhà) đối với “đứng cửa” (đứng trước cửa)

7-

Vương Toán, nhà nghèo muốn lấy con gái của Quan Đô Úy tên là Bạch Lạc. Quan ra câu thách đối, nếu đối được thì gả cô con gái Bạch Lạc.

Trai họ Vương, đầu đội nón trúc, tuổi hai mươi, hà túc toán dã.

- Hà túc toán: không có gì đáng kể

- Toán là tên Vương Toán, cũng có nghĩa là tính toán, trong vế đối nghĩa là tính đến, kể đến. chữ trong câu thách đối.

Vương Toán đối:

Gái họ Bạch, lưng thắt dây tơ, tuổi mười tám, bất diệc lạc hồ.

- Bất diệc lạc hồ: tại sao lại không vui

- Lạc là tên cô Bạch Lạc, cũng có nghĩa là vui, chữ trong vế đối.

Hán tự:

* Vương Toán 王筭

Chữ “toán” 筭 gồm nhiều chữ ghép lại, theo thứ tự vế đối:

- bộ trúc ⺮(竹 cây trúc) ở phía trên (“đầu đội nón trúc”)

- chấp 卄, nghĩa là 20 (“tuổi hai mươi”)

- vương 王 ở giữa, cũng là họ Vương

* Bạch Lạc 白樂

Chữ “lạc” 樂 ghép những chữ theo thứ tự vế đối:

- ty 丝 là tơ, dây tơ, trong chữ lạc, phía trên tách làm hai viết hai bên chữ bạch

(“lưng tắt dây tơ”)

- chữ thập 十 và chữ bát 八, thập bát 十八 là 18 (“tuổi mười tám”)

- chữ bạch 白viết phía trên, ở giữa, cũng là họ Bạch.

8-

Cô Phấn, tiểu thư con quan họ Bùi, ra câu đối kén chồng:

八 刀 分 米 粉

Bát đao phân mễ phấn.

Dương Đình Chung tức Trạng Lợn đối rất chỉnh và lấy cô Phấn:

千 里 重 金 鍾

Thiên lý trọng kim chung.

* Hai vế này gồm toàn chữ Nho và có đầy đủ ý nghĩa.

* Vế thách đối:

- Tám con dao cắt chia hạt gạo nát thành bụi phấn

- Chữ bát 八 ghép với chữ đao 刀 thành chữ phân 分, chữ phân 分ghép với mễ 米 thành chữ phấn 粉

* Vế đối:

- Ngoài nghìn dặm (thiên lý) mang nặng (trọng) chén vàng (kim chung)

- Chữ thiên 千 ghép với chữ lý 里 thành chữ trọng 重, chữ trọng 重 ghép với chữ kim 金 thành chữ chung 鍾

9-

Xiển Bột đối với Tổng Đốc Vương Duy Trinh

Xiển Bột mang đơn xin nhập trường thi đến Tổng Đốc Vương Duy Trinh.

Tổng Đốc ra câu:

Trông thấy cầm đơn quỳ giữa cửa.

Xiển Bột đối ngay:

Bói xem để của ở bên cây.

* Vế đối tỏ ra Xiển được đặt ngang hàng với Tổng Đốc!

* Chiết tự Hán tự:

- Tên Xiển Bột, Chữ “xiển” 闡 gồm 2 chữ “môn” 門 là cửa và “đơn” 單 (đơn từ) ghép lại.

- Tên Vương Duy Trinh, chữ “trinh” 楨 được ghép bởi 3 chữ “bốc” 卜 (bói), “bối” 貝 (của cải) và bộ “mộc” 木 (cây) kế bên.

XIV. Đối bằng hành động hoặc sự kiện

Một hôm vua Lê Thánh Tôn cùng các quan ghé ngang chùa ở Nam Định.

Đang lúc vị sư đang tụng kinh, bỗng vị sư lầm rơi cây quạt, chú tiểu chưa kịp lượm thì một vị quan tới lượm lên giúp.

Thấy việc đó vua đọc câu thách đối:

Đường thượng tụng kinh, sư sử sứ.

- Trên chùa tụng kinh, nhà sư sai sứ giả (lượm quạt giúp).

Câu thách đối khó vì có 3 chữ cuối câu cùng phụ âm. Các quan không ai đối được. Vua hỏi Trạng Nguyên Lương Thế Vinh, ông này chỉ cười rồi tiếp tục uống rượu.

Đến chiều cũng chưa ai đối được. Lương Thế Vinh nói là đã say, nhờ người mời bà vợ ra đưa về. Bà vợ dìu Lương Thế Vinh ra xe về.

Sáng hôm sau vua cười nói ta ra câu thách đối khó quá, đến cả Trạng Nguyên là người hay chữ cũng không đối được!

Lương Thế Vinh cười nói:

- Tâu bệ hạ, thần đã đối rồi!

Vua và mọi người ngạc nhiên hỏi đối hồi nào?

- Hồi tối qua, phu nhân dìu về nhà đó!

Để tả sự việc này, vế đối là:

Đình tiền túy tửu, phụ phù phu.

Trước sân say rượu, vợ dìu chồng.

- Ba chữ cuối vế đối cũng là những chữ bắt đầu bẵng cùng một phụ âm.

XV. Một số câu đối có khẩu khí

1-

Một hôm vào giờ tan học, nhưng trời mưa lớn, học trò không về được, phải ở lại nhà Thầy đồ Đàm Thận Huy. Thầy cho câu thách đối:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách

- Mưa không khóa mà có thể giữ người ta lại.

* Nguyễn Giản Thanh đối:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân

- Sắc đẹp không có sóng to mà có thể làm cho người ta chìm đắm

Thầy nhận xét Nguyễn Giản Thanh sau này thành đạt, nhưng bị đắm vào vòng sắc dục mà danh phận không chu toàn. Quả nhiên Nguyễn Giản Thanh đậu Trạng Nguyên nhưng bị mất danh giá vì say mê một người con gái.

* Nguyễn Chiêu Huấn đối:

Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân.

- Trăng có cung treo (nhưng) chẳng bắn ai.

Thầy đoán sau này Chiêu Huấn chỉ làm chức quan nhỏ, nhưng công việc sẽ hoàn hảo. Sau Chiêu Huấn đậu Bảng Nhãn, làm Quan Tuần Phủ.

2-

Đặng Trần Thường ra ra câu đối có ý mỉa mai lúc còn hàn vi Ngô Thời Nhiệm chẳng coi ông ra gì, bây giờ thì ai hơn ai!

Ai Công Hầu, ai Khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai.

Ngô Thời Nhiệm mỉa mai lại, gặp thời thế thì phải thế thôi!

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.

XVI. Một số câu thách đối chưa đối được (trong Văn Học)

Đoàn Thị Điểm thách đối Trạng Quỳnh

1. Da trắng vỗ bì bạch

2. Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, mặt đỏ hồng hồng

3. Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song.

4. Bò lang chạy vào làng Bo

- Bò lang là con bò màu lông loang lỗ

- Làng Bo, chưa rõ ở đâu

5. Gái tơ chỉ kén ngài Quân tử

6. Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi huơng, phụ tử.

- phụ tử là cha con, và cũng là một vị thuốc

- hồi hương là về quê, cũng là một vị thuốc

7. Hai vợ chồng anh Ba, con đầu cụ Bốn, năm nay cấy sáu sào, bảy

lúa tám chính (chín) giữa tháng Mười.

8. Hẹ cậu Nghệ khóc gừng, rức lác láng giềng ỏm tỏi.

- Câu gồm những gia vị: hẹ, nghệ, gừng, diềng, tỏi

9. Ngồi cổng cao chàng bắt chân chữ ngóe, uống rượu thịt ếch, cóc

tiền lại nói ương.

- Câu gồm những loài ếch nhái: chẩu chàng, ngóe, ếch, cóc, ễnh ương

XVII.

Nhân cuối năm Tý, bước sang năm Sửu, xin chép lại hai câu đối của Phạm Thái (1777-1814) làm vào Thế Kỷ thứ 18, nhân ông bán đất (hình như không có ai mua?), có lẽ vào cuối năm Giáp Tý 1804, sang năm Ất Sửu 1805, lúc ông 27 tuổi.

Ngày xuân bán đất

- Trời năm thế nào, năm nay thế vậy, có tai, có mắt nghe thấy cũng chẳng xa, mười hai tháng mới đổi một đương niên, năm tuy mới nhưng trời vốn cũ.

- Đất hội Sửu ở đâu, hội này ở đó, không chân, không cánh bay đi mà sá ngại, muôn nghìn năm biết bao nhiêu mãi chủ? Ai rằng mất nhưng đất vẫn còn.

XVIII. Một số câu thách đối chưa đối được

Một số câu do người viết, hoặc cùng thân phụ, anh chị em, các thầy và một số bạn hữu nghĩ ra.

1- Me đất cãi trời đi rong biển

(PTT)

- Bà mẹ đất cãi ông trời, đi rong chơi ngoài biển.

- Nêu đủ 3 môi trường đất, trời và biển

- Gồm 3 loại thực vật: me đất, cải trời và rong biển

2- Khỉ hầu tượng voi.

- Con khỉ (khỉ sống hoặc tượng con khỉ) đứng hầu ở tượng con voi

- Hầu là con khỉ, tượng là con voi

(TLQ)

3-

Vào đại học ghi danh học đại một khoa gì, Khoa Hóa, Khoa Sinh đều độc hại.

(TLQ)

Những chữ “đại học”, “học đại”, “độc hại” đều là những chữ nói lái.

4-

Thủ kho thích thịt thủ kho, thích thịt thủ, thít thịt thủ, thủ vào kho, thích

kho thịt thủ.

- Thủ kho: người trông coi kho hàng. Có câu “Thủ kho to hơn thủ trưởng, đến nhà thủ trưởng tưởng nhà kho!”

* Trong câu có nhiều tiếng đồng âm khác nghĩa.

- Thủ: cầm giữ (thủ kho)

- Thủ: cái đầu, tức thủ lợn, cái đầu heo. Thịt thủ là thịt lấy từ đầu heo.

Thủ: đứng đầu, cầm đầu, như thủ trưởng nghĩa là sếp, giám đốc, ... (Boss)

thít: thít chặt, ghịt chặt, cột chặt, bó chặt

thích: ưa chuộng, ưa thích,

thích: róc thịt, róc xương

kho: kho hàng chứa hàng hóa, đồ đạc, ...

kho: một cách nấu, kho thịt, kho cá, thịt kho tiêu, ...

Người thủ kho (giữ kho hàng) thích ăn thịt đầu heo kho, róc thịt róc xương (thích) để lấy thịt ở đầu heo, rồi bó chặt thịt ấy (thít, bó chặt để làm giò thủ), cất vào kho (thủ), để dành kho (nấu) thịt đầu heo ấy.

5-

- Tối nay cải bắp sẽ bị cắt.

- Tonight, cabbages shall be cut.

(Thầy cùng một số bạn trong một lớp học Anh văn, khoảng năm 1980)

Câu này khó tìm được câu để đối cho chỉnh vì:

- phát âm tương tự như câu dịch sang tiếng Anh

- cùng nghĩa với câu tiếng Anh

- đặc biệt mỗi từ trong câu phát âm tương tự như từ tiếng Anh có cùng nghĩa

. tonight: Tối nay

. cabbage: cải bắp

. shall be: sẽ bị

. cut: cắt

XIX.

Câu thách đối năm Tân Sửu

Sau cùng, để kết thúc, người viết đã nghĩ ra hai câu thách đối, nhưng chơi chữ lắt léo khó quá, chưa nghĩ ra được vế đối.

Xin chép vào đây như một câu thách đối đầu năm Tân Sửu cho vui. Mong sẽ nhận được nhiều vế đối hay từ quý độc giả khắp nơi.

1.

Năm mới Tân Sửu, anh Tư Sửu, tự “chàng Ngưu”, mới tậu trâu.

Tân: mới

Sửu: Chi thứ hai trong 12 Địa Chi, con thú biểu trưng là con trâu

Ngưu: con trâu, chàng Ngưu theo truyện Ngưu Lang Chức Nữ, Ngưu lang là người chăn trâu trên thiên đình.

Tư: thứ tư. Trong 12 canh giờ, canh tư là giờ Sửu, từ 1 giờ đến 3 giờ sáng

2.

Chân “Thảo Bình” dài, đồng cỏ non xanh mơn mởn, răng “Tu Nguyệt” cùn, lão trâu già thích gặm.

- Từ câu thành ngữ “thời đại” Trâu già thích gặm cỏ non.

Xin xem bài viết “Trâu già thích gặm cỏ non” ở mục “Tản mạn ngày xuân”

https://sites.google.com/a/khoahocsaigonds.com/dhac-san-xuan-tan-suu/home/-----tan-man-ngay-xuan/trau-gia-thich-gam-co-non---tien-lac-quan

- Chân dài: thành ngữ thời hiện đại. Các đấng mày râu, các lão “đại gia” thường thích mấy em chân dài!

Ca dao hiện đại (Khuyết danh)

Ai đừng một dạ hai lòng

Đừng chê chân ngắn, đừng khen chân dài

Chân dài là của đại gia

Đùi to chân ngắn mới là vợ anh.

(Có dịp người viết sẽ viết về đề tài “chân dài” và nguồn gốc của thành ngữ này.)

- Thảo bình: “Thảo” là “cỏ”, “bình” là “bằng”, “cỏ bằng” nói lái là “cẳng bò” - chân bò dài. Liên hệ đến cụm từ đồng cỏ non …” kế tiếp.

- Tu nguyệt: “Tu” là “râu”, “nguyệt” là “trăng”, “râu trăng” nói lái là “răng trâu”. Liên hệ đến cụm từ kế tiếp “Lão trâu già …”, răng trâu bị cùn rồi, gặm cỏ chớ nhai gì được!

Xuân Tân Sửu 2021

TLQ sưu tập