Nước Việt Nam ta là một nước nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp chính là lúa gạo. Do đó có lẽ không ai mà không biết con trâu được thuần hóa lâu đời để cày bừa ruộng nương và sức trâu được dùng làm sức kéo cho nhiều công việc khác, như kéo xe trong việc chuyên chở.

Ngày nay do việc cơ giới hóa nông nghiệp, người ta không còn dùng trâu nữa mà dùng các loại máy cày máy kéo như những máy hiệu KUBOTA thông dụng. Lại nữa, việc thành thị hóa nông thôn đã làm cho những ruộng đồng bát ngát, “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi”, nhất là những ruộng đồng miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long dần dần biến mất ...

Hình ảnh cày bừa vất vả trên ruộng đồng, hình ảnh những mục đồng, là những đứa trẻ được thuê để chăn trâu, nâm trâu, long trâu, hay ngồi trên lưng trâu thổi sáo hay thả diều vào những buổi hoàng hôn dẫn trâu về thôn xóm không còn nữa ...

Song những hình ảnh ấy hãy còn được lưu giữ trong tâm hồn người dân, những vị có tinh thần hoài cổ, và những giá trị văn hóa vẫn sẽ được lưu giữ, bảo tồn, qua thi ca và âm nhạc hoặc qua những hiện vật, những tác phẩm nghệ thuật độc đáo ...

Trong Văn Học dân gian và văn chương bác học Việt Nam, ta có thể tìm thấy vô số ca dao, đồng dao, thành ngữ, tục ngữ, ... thơ văn nói về con trâu và cảnh mục đồng chăn trâu.

Về điêu khắc và hội họa cũng tương tự, hình ảnh con trậu, cảnh mục đồng chăn trâu đã được nhiều nghệ nhân ghi lại bằng những nét vẽ sống động và những chạm trổ khéo léo tinh vi ...

I. Văn Học

Văn Học dân gian

Kho tàng Văn Học dân gian chứa vô số ca dao, đồng dao, thành ngữ, tục ngữ về con trâu, mục đồng, v.v... mà không một cuốn sách nào hay một tài liệu nào có thể chép đầy đủ hết được.

Có lẽ ai ai cũng những câu ca dao, đồng dao gợi lên hình ảnh con trâu, công việc cày bừa hay hình ảnh chăn trâu ...

Ca dao

Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

May mà hôm ấy trời mưa.

Có thằng con rể đi bừa cùng trâu

Sớm mai cắp nón ra đồng

Một đôi vợ chồng với một con trâu …

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn việc nông gia

Ta đâu trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cho lúa trổ bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Lao xao gà gáy rạng ngày,

Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.

Bước chân xuống cánh đồng sâu,

Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.

Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng.

Đồng dao

Con trâu ăn cỏ

No bụng ngủ ngon

Nghe gà gáy dồn

Dậy đi cày ruộng

Nghé ơ, Mẹ gọi tiếng trước, cắt cổ lên đàng

Nghé ơ, Mẹ gọi tiếng sau, cất lồng lên chạy

Có khôn thì đi theo mẹ

Có dại thì đi theo đàn

Chớ đi theo quẩn theo quàng

Có ngày mất mẹ, nghé ơi

Nghé hành nghé hẹ

Có khôn theo mẹ

Có khéo theo đàn

Chớ có chạy quàng

Có ngày lạc mẹ

Việc nhẹ phần con

Kéo nỉ kéo non

Kéo đến quanh tròn

Mẹ con ta nghỉ

Ông giẳng ông giăng,

Xuống chơi với tôi,

Có bầu có bạn,

Có ván cơm xôi,

Có nồi cơm nếp,

Có nệp bánh chưng,

Có lưng hũ rượu,

Có chiếu bám đu,

Thằng cu xí-xóa,

Bắt trai bỏ giỏ,

Cái đỏ ẵm em,

Đi xem đánh cá,

Có rá vo gạo,

Có gáo múc nước,

Có lược chải đầu,

Có trâu cày ruộng,

Có muống thả ao,

Ông sao trên trời.

Lục Súc Tranh Công

Truyện Lục Súc Tranh Công, nguyên tác bằng chữ Nôm, viết theo thể “nối lối” hay Cổ phong, gồm 570 câu, được Trương Vĩnh Ký phiên âm Quốc ngữ khoảng đầu năm 1887.

Nội dung truyện nói về 6 con thú nuôi tranh công trạng với nhau. Mỗi con thú đều cho rằng mình có nhiều công trạng và công trạng mình là quan trọng nhất.

Xin chép lời tranh luân của con trâu làm việc chăm chỉ, vất vả, có công sản xuất ra lúa gạo ..., cùng lời con trâu chê bai con chó.

- Trâu kể công:

Không nhớ thủa bôi chuông đường hạ.

Ơn Tề vương vô tội bảo tha,

Tưởng chừng khi sức mỏi tuổi già,

Cám Điền tử dạy con chớ bán.

Lời cổ nhân còn dặn,

Sao ông chủ vội quên

Chẳng nhớ câu: “Dĩ đức hành nhân” ...

Lại lấy chữ: “Báo ân dĩ oán”.

- Trâu chê chó:

Chưa rét đã phô rằng rét,

Xo ro đuôi quít vào trôn,

Vấy bếp người, tro trấu chẳng còn,

Ba ông táo lộn đầu, lộn óc.

Truyện tiếu lâm

Tục ngữ có câu: “Có ăn có chọi mới gọi là trâu”, trâu đực mạnh mẽ phải biết húc (chọi) mới “phong độ”, mới “đáng mặt trâu”.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn còn gọi là đấu ngưu diễn ra ngày 9 tháng Tám Âm lịch hằng năm, lễ hội truyền thống của người dân vạn chài vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng.

Dù ai buôn đâu bán đâu

Mồng chín tháng Tám chọi trâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mồng chín tháng Tám nhớ về chọi trâu.

Nói về tục chọi trâu phải nói đến truyện tiếu lâm, chuyện Trạng Quỳnh đối phó với việc thách thức chọi trâu của quan Tàu.

Quan Tàu đưa một con trâu cổ to lớn khỏe mạnh, đã được huấn luyện thuần thục cho việc chọi trâu, thách thức đấu với trâu An-Nam. Vua quan An-Nam rất lo sợ không biết tính sao, bèn cầu cứu hỏi kế Trạng Quỳnh.

Trạng Quỳnh tĩnh bơ, nói đừng có lo, tới ngày đó cứ để ổng lo cho.

Tới ngày, vua quan, lính tráng, dân chúng tụ họp đông dầy để coi trâu cổ của Tàu húc nhau với trâu An-Nam thế nào. Con trâu cổ to lớn mạnh mẽ của Tàu nghênh ngang hùng hổ ra sân đấu mà chưa thấy trâu An-Nam ra. Ai cũng lo phen này chắc An-Nam thua rồi!

Một lát sau Trạng Quỳnh cho thả ra sân đấu một con nghé nhỏ tí xíu ốm nhom ốm nhách, đứng run rẩy ... Ai cũng cho rằng Trạng Quỳnh giỡn mặt vua quan và quan Tàu sao chớ !

Không ngờ vừa thấy con trâu cổ to lớn, con nghé chạy ngay lại chui dưới bụng con trâu lớn để tìm vú bú sữa. Con trâu to lớn nhột quá nên nhanh chưn tháo chạy ... càng chạy thì con nghé càng đuổi theo chui dưới bụng con trâu lớn.

Trạng Quỳnh vỗ tay hô lớn “Trâu Tàu thua nghé An-Nam rồi!”

Số là Trạng Quỳnh cho con nghé nhịn đói ba bốn bữa. Đang đói khát quá, nên khi thấy con trâu to lớn tưởng là trâu mẹ nên chạy ngay lại chui dưới bụng mà tìm vú để bú sữa.

Thi ca

Bà Huyện Thanh Quan mô tả cảnh mục đồng đưa trâu về chuồng vào những buổi chiều qua hai bài “Chiều hôm nhớ nhà”

Vàng tỏa non tây, bóng ác tà,

Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa.

Ngàn mai lác đác, chim về tổ,

Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà.

Còi mục thét trăng miền khoáng dã,

Chài ngư tung gió bãi bình sa.

Lòng quê một bước nhường ngao ngán,

Mấy kẻ tình chung có thấu là?

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn.

Gác mái, ngư ông về viễn phố,

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,

Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

“Còi mục thét trăng miền khoáng dã”, “Gõ sừng mục tử lại cô thôn”. Buổi chiều đám trẻ đưa trâu về chuồng, tiếng còi của mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo, thật hồn nhiên, thanh thản ...

Âm nhạc

Nhạc sĩ Phạm Duy, có sáng tác bài hát vui tươi “Em bé quê” mà có lẽ ai cũng biết.

Ai bảo chăn trâu là khổ

Chăn trâu sướng lắm chứ

Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau

Và miệng hát nghêu ngao

Vui thú không quên học đâu

Nằm đồi non gió mát

Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo

Em đánh vần thật mau.

Chiều vương tiếng diều

Trên bờ đê vắng xa.

Đường về xóm nhà

Chữ i, chữ tờ.

Lùa trâu nhốt chuồng

Gánh nước nữa là xong

Khoai lùi bếp nóng

Ngon hơn là vàng.

Em mới lên năm, lên mười

Nhưng em không yếu đuối.

Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ

Làm việc rất say sưa

Em biết yêu thương đời trai

Đời hùng anh chiến sĩ

Ước mong sao em nhớn lên mau

Vươn sức mạnh cần lao.

Kìa trăng sáng ngời

Đêm rằm Trung, Trung Thu.

Đời vui trống ròn

Tiếng ca lẫy lừng

Từ ngõ ngách làng

Đèn đuốc rước triền miên

Bao người đóng góp

Vui chung một miền.

Trâu hỡi trâu ơi đi cầy

Trâu ơi đi cấy nhé

Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia

Là của những dân quê

Em bé dân quê Việt Nam

Là mầm non tươi thắm

Sức mai sau xây đắp quê hương

Cho nước giầu mạnh hơn.

Vàng lên cánh đồng

Khi trời vươn ánh dương

Trẻ thơ nhớn dậy

Giữ quê, giữ vườn

Đời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông

Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy đồng.

Văn Học Cổ

Nội dung gồm những điển tích về trâu

Vịnh người chăn trâu

Đầu ngàn, êu ểu [1] cỏ xanh om,

Thả thả, chăn chăn, ít lại nom.

Mũi nghé lui chân đứng nhảy, [2]

U trâu vịn cật ngồi khom.

Vang địch trúc [3] lao xao hỏi,

Mảng ca sừng [4] ngấp nghé nhòm.

(Có) thuở về hòa [5] khi hái củi,

Chẳng ngờ ác [6] đã mái kia mom.

Vua Lê Thánh Tôn

Vịnh người chăn trâu

Vua Lê Thánh Tôn

Nẻo ra [1] thì có phu đồng bộc, [2]

Song viết [3] ai bằng song viết mục?[4]

Nhật nguyệt đôi vầng tấm nón nan,

Giang san ngàn dặm một rò trúc,[5]

Sách xưa Hề [6], Thích [7] thấy còn truyền,

Đời thịnh Thuấn, Nghiêu mừng ấy phúc,

Lục lõi [8] tự nhiên sinh sản nhiều,

Thái bình tay vỗ ca đòi khúc.

[1] Nẻo ra: Ra ngoài

[2] Phu đồng bộc: Trẻ nhỏ chăn trâu thuê

[3] Song viết: Nghề nghiệp (từ ngữ cổ)

[4] Mục: nghĩa là Chăn - Mục đồng : Trẻ chăn trâu

[5] Rò trúc: Cây roi bằng tre

[6] Hề: Tức Bá Lý Hề, thời Xuân Thu, làm quan nước Ngu, biết nước Ngu sắp diệt vong, bỏ sang nước Tần, đi ở chăn trâu. Tần Mục Công nước Tần biết Bá Lý Hề là người giỏi, dùng làm tướng, giúp Tần Mục Công làm nên nghiệp bá.

[7] Thích: Nịnh Thích, người nước Vệ, thời Xuân thu, vì nhà nghèo phải sang nước Tề ở chăn trâu cho người khác. Một hôm, Ninh Thích gõ sừng trâu để hát, Tề Hoàn công đi qua, nghe tiếng hát lấy làm cảm động, liền dùng làm thượng khanh.

[8] Lục lõi: Từ ngữ cổ, chưa rõ nghĩa, có lẽ có nghĩa dần dà, lần lần

(Chú thích của thivien.net https://www.thivien.net/L%C3%AA-Th%C3%A1nh-T%C3%B4ng/V%E1%BB%8Bnh-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ch%C4%83n-tr%C3%A2u-II/poem-YO7IsaexjTlB7qzN8yGe1w)

[1] Êu ểu: Mơn mởn

[2] Các chú mục đồng thường có kiểu nhảy lên mũi trâu để trèo lên lưng

[3] Địch trúc: Sáo tre

[4] Mảng ca sừng: Gõ sừng hát

[5] Hòa: Và

[6] Ác: Mặt trời

Bài thơ Nôm thời Gia Long (1802-1820)

Vịnh chăn trâu

(Khuyết danh)

Lân la chiếu đất liền màn trời

Thong thả rừng đào mặc thích chơi

Ghẹo nguyệt nghêu ngao ba chặp địch

Nhúng sương chỉ vẫy một tay roi

Xang ca Ninh Thích khoan khoan dắng

Tưởng trận Điền Đan khích khích cười

Dò hỏi chúng chàng nào bói thử

Thưa rằng chúa Hán có tin bài

Vịnh Lão Ngưu

Nguyễn Khuyến

Một nắm xương khô, một nắm da,

Bao nhiêu cái ách đã từng qua

Đuôi kia biếng vẫy Điền Đan Hỏa (1)

Tai nọ buồn nghe Nịnh Tử Ca (2)

Sớm thả đồng Đào (3) ăn đủng đỉnh

Tối về chuồng Quế (4) thở nghi nga

Có người đem dắt tô chuông mới (5)

Ơn đức vua Tề lại được tha.

(1) Điền Đan Hỏa : Lửa của Điền Đan.

Đời Chiến Quốc, nước Yên đánh chiếm nước Tề, đã chiếm được 70 thành, nước Tề chỉ còn một thành. Tướng nước Tề là Điền Đan cho hàng ngàn con trâu cổ mặc áo ngữ sắc, đeo gươm giáo trên sừng, buộc cỏ lau khô tẩm dầu vào đuôi. Khi lâm trận, đốt cỏ khô buộc ở đuôi trâu. Đội quân trâu bị nóng đuôi chạy lồng lên xông vào quân Yên. Quân Yên thua trận, nước Tề thắng trận thu lại được tất cả các thành đà mất. Trận này được gọi là “Tích hỏa ngưu trận”.

(2) Nịnh Tử Ca: Bài ca của Nịnh Tử

Nịnh Tử tức Nịnh Thích, người nước Vệ. Nịnh Tử rất tài giỏi nhưng đời sống khổ cực. Sau Nịnh Tử đi xe trâu sang nước Tề buôn bán, ban ngày đi bán, tối về ngủ bên cửa thành. Một hôm Tề Hoàn Công mở cửa thành vào buổi tối. Nịnh Tử bèn gõ vào sừng trâu ca một bài để than thân trách phận, sinh không gặp thời. Tề Hoàn Công nghe hát, biết Nịnh Tử là người tài giỏi nên trọng dung. Sau này Nịnh Tử lập được nhiều công lớn cho nước Tề.

(3) đồng Đào: Đào Lâm, rừng đào là nơi Chu Vũ Vương thả trâu sau khi đánh

thắng nhà Thuơng

(4) chuồng Quế : Quế tức Cung Quế hay cung trăng, nơi Thẵng Cuội chăn trâu.

Tương truyền trên cung trăng có cây quế đỏ.

(5) Bôi chuông: Ngày xưa sau khi đúc chuông thì giết trâu lấy máu làm lễ bôi vào thân chuông để cầu tiếng vang. Vua Tề một hôm thấy dẫn trâu đi giết nó tỏ ra buồn bã nên động lòng thương xót truyền thả trâu và dùng dê thay thế

Con trâu già

Huỳnh Mẫn Đạt

Một nắm xương tàn một nắm da,

Bao nhiêu cái ách cũng từng qua.

Đuôi cùn biếng cột Điền Đan hỏa,

Tai nặng buồn nghe Nịnh Tử ca.

Sớm dạo vườn Nghiêu ăn hủng hỉnh,

Chiều về nội Võ thở hi ha.

Ngày xưa mắc phải nơi Đường hạ,

Ơn có Tề vương cứu lại tha.

Một nắm xương tàn một nắm da,

Bao nhiêu cái ách cổ từng qua. 1

Đuôi cùn biếng vẫy Điền Đan hoả,2

Tai nặng buồn nghe Nịnh Thích ca.3

Nương bóng rừng đào nhơi lễ lảo, 4

Nhìn gương cung quế thở phì phà. 5

Bôi chuông nhớ thuở thân gần luỵ,

Ơn đội Tề vương hết được tha.6

* Bản khác:

1 cũng

2 cột

3 Nịnh Tử

4 Sớm dạo Vườn Nghiêu ăn hủng hỉnh

5 Chiều về Nội Võ thở phì phà / thở hi ha

6 Ngày xưa mắc phải nơi Đuòng hạ

Có đội Tề Vương cứu lại tha

- Rừng đào: Chu Võ Vương sau khi diệt Trụ xong, phóng trâu vào Đào Lâm, thả ngựa lên Thái Hoa, để tỏ cùng dân chúng rằng trong nước từ đây sẽ luôn luôn thái bình nên trâu ngựa dùng trong việc binh không cần đến nữa.

- Cung quế: Tức mặt trăng, mượn ý trong câu “Ngô ngưu suyễn nguyệt” nói chuyện con trâu nước Ngô cả ngày cày mệt mỏi, tối về chuồng vừa nằm nghỉ chợt thấy trăng mọc ngỡ trời sáng, nghĩ đến thân phận mà thở dài.

Có tài liệu cho tác giả bài thơ là Nguyễn Khuyến, hoặc Đặng Đức Siêu.

Con trâu

Học Lạc

Mài sừng cho lắm cũng là trâu

Ngẫm lại mà coi thật lớn đầu.

Trong bụng lam nham ba lá sách (1)

Ngoài cằm lém đém một chòm râu.

Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy,

Làm lễ bôi chuông nhớn nhác sầu,

Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ,

Năm dây đàn gẩy biết chi đâu.

(1) Dạ dày loài trâu là dạ dày kép có 4 túi

- Dạ cỏ

- Dạ tổ ong

- Dạ lá sách, cấu tạo giống như các trang của cuốn sách, nên được gọi là lá sách

- Dạ múi khế là dạ dày “thật sự”

Giả Cách Điếc

Nguyễn Khuyến

Trong thiên hạ có người giả điếc,

Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,

Chẳng ai ngờ sáng tai họ, điếc tai cày, (1)

Rở lối điếc, để sau này em út học.

Tọa trung đàm tiếu nhan như mộc,

Dạ bán phan viên thủ tự hầu. (2)

Khi vườn sau, khi ao trước,

Khi điếu thuốc, khi miếng trầu.

Khi chè chuyên năm bảy chén,

Khi Kiều lẩy một đôi câu;

Tỉnh một lúc, lâu lâu rồi lại điếc.

Điếc như thế, ai không muốn điếc ?

Điếc như anh dễ bắt chước ru mà !

Hỏi anh, anh cứ ậm à.

(1) Con trâu hễ người đi cày bảo “họ” thì nó đứng lại ngay (được nghỉ), trong khi bảo “cày” thì nó lại cứ ỳ ra làm như chẳng nghe thấy gì.

(2) Ngồi giữa đám nói cười thì mặt ngây như gỗ; Nửa đêm thì tay lần mò như con khỉ.

Văn Học cổ Trung Hoa

Mục đồng từ 牧童詞 Bài hát chăn trâu

Trương Tịch 張籍 (768-830) tự Văn Xương 文昌

(Đời Trung Đường)

牧童詞

遠 牧 牛,

繞 村 西 南 禾 黍 稠。

陂 中 飢 烏 啄 牛 背,

令 我 不 得 戲 壟 頭。

入 陂 草 多 牛 散 行,

白 犢 時 向 蘆 中 鳴。

隔 堤 吹 葉 應 同 佯,

還 鼓 長 鞭 三 四 聲:

牛 牛 食 草 莫 相 觸,

官 家 截 爾 頭 上 角!

Viễn mục ngưu,

Nhiễu thôn tây nam hoà thử trù.

Pha trung cơ ô trác ngưu bối,

Linh ngã bất đắc hí lũng đầu.

Nhập pha thảo đa ngưu tán hành,

Bạch độc thì hướng lư trung minh.

Cách đê xuy diệp ưng đồng dương,

Hoàn cổ trường tiên tam tứ thanh:

“Ngưu ngưu thực thảo mạc tương xúc,

Quan gia tiệt nhĩ đầu thượng giác!”

Dịch nghĩa

Hỡi trâu bị đi chăn xa,

Phía tây nam xóm có nhiều ruộng lúa.

Còn ra bờ đầm thì chim đói mổ lưng trâu,

Ta (phải đuổi chim) không lên gò chơi được.

Tới bờ đầm trâu tản ra ăn cỏ,

Nghé trắng lâu lâu cất tiếng kêu trong bụi lau.

Trẻ trên đê thổi kèn lá chơi với bạn thấy vậy,

Quay roi da dài như trống thúc, miệng doạ dăm ba câu:

“Trâu trâu hãy ăn cỏ, đứng húc nhau,

Kẻo nhà quan cắt sừng trên đầu tụi bay bây giờ!”

II. Điêu khắc

Điêu khắc trên gỗ

Mục đồng từ

Chất liệu gốm

Tiểu cảnh

Điêu Khắc Gỗ Nghệ Thuật Tiểu Cảnh Trẻ Chăn Trâu Ngồi Dưới Gốc Cây Đa

Tranh tượng để trang trí nội thất

III. Hội họa

Tranh con trâu và mục đồng

Tranh chăn trâu Đại Thừa và Thiền Tông

(Những tranh này xin mạn phép được chép từ bài viết Tranh Chăn Trâu Dại Thừa và Thiền Tông của Hòa Thuợng Thích Tuệ Sỹ)

Website Chùa Từ Lâm San Jose, California CA 95131

https://chuatulam.net/a1683/tranh-chan-trau-dai-thua-va-thien-tong

牧 未 Tranh Mục Vị

Tranh dân gian Đông Hồ

Tranh ngồi lưng trâu thổi sáo

Tranh ngồi lưng trâu thả diều

Tranh chọi trâu

Những tranh chăn trâu khác

Tranh chăn trâu

Hình vẽ

Hình ảnh cày bừa vất vả trên ruộng đồng

Tranh Chăn trâu 56cm x 81cm - Văn Quan 1992

Tranh thêu (Ha XQ Dalat 2000)

Tranh thêu Cỡi trâu thổi sáo 25cm x 35cm (HaXQ Dalat,2000)

Tranh thêu Chăn trâu 36cm x 56cm (HaXQ Dalat,2000)

Tranh trâu nét vẽ đơn giản - trâu đỏ

Tranh bộ Ngư Tiều Canh Mục

Vẽ cảnh bốn nghề chính trong dân gian ngày xưa, cảnh làm ăn vất vả để kiếm sống …

- Ngư: đánh cá

- Tiều: lên rừng đốn củi

- Canh: canh tác, làm nông, trồng trọt

- Mục: chăn trâu, chăn nuôi

Xin giới thiệu vài bức tranh gồm tranh vẽ, tranh thêu, tranh sơ mài, ...