Con cá sống vì nước, mà bây giờ mắc cạn nên chỉ còn ngáp ngáp. Trong dịch Covid, chúng ta là những “con cá mắc cạn”, chưa chết, nhưng ngáp ngáp chờ vaccine.

Vi đang hí hoáy pha cà phê trong bếp, liếc nhìn đồng hồ thấy sắp 8 giờ, cô vội vàng đi đánh thức bé Huyền:

- Dậy mau con, sắp tới giờ học rồi.

Ngồi trước màn hình computer, con bé vẫn mặc nguyên bộ đồ ngủ.

Khi dịch bệnh bùng phát, trường học đóng cửa từ tháng Ba, chương trình học chưa kết thúc. Rồi tới tháng Chín bắt đầu niên học mới, chính phủ quyết định cho học sinh học ở nhà. Mọi sinh hoạt bên ngoài đều tạm ngưng.

Bé Huyền ngáp dài, càu nhàu:

- Chán quá mẹ ơi!

Ông ngoại đang ở phòng khách vội chạy vào, ngoắc ngoắc cháu ra cửa sổ. Vén màn lên, ông hỏi:

- Con thấy gì không?

Bên ngoài bình minh đã lên, mấy con chim sẻ đang ríu rít gọi nhau kiếm mồi. Ánh sáng chan hòa trên bãi cỏ, cành cây, cảnh vật trông thật sống động, khác hẳn đêm qua trời mưa tầm tã.

Ông ngoại ghé tai con bé thì thầm:

- Học xong, ông cháu mình đạp xe quanh bờ hồ. Con chịu không?

Bé Huyền thích quá nhẩy cẫng lên, vui vẻ chạy vào ngồi trước laptop, quên bẵng câu than thở vừa rồi.

Từ khi dịch bệnh, tất cả mọi người đều phải quanh quẩn trong nhà. Dĩ nhiên ai cũng bực bội, nhưng mỗi người có phản ứng khác nhau. Người ca cẩm suốt ngày là bà ngoại bé Huyền. Chữ “chán quá” con bé học được từ bà. Cũng may ông Tư, ông ngoại của bé là người rất lạc quan, hài hước, dù dịch bệnh khiến ông chẳng còn cà phê, cà pháo với mấy ông bạn già, nhưng không bao giờ ông than vãn.

- Than thở cũng đâu ích lợi gì! Chẳng có gì thay đổi, mà còn làm cho mọi người xung quanh xuống tinh thần.

Với con mắt lạc quan, ông nhìn mọi vật chung quanh với con mắt hài hước. Trước kia chỉ có những người đàn bà theo đạo Hồi, mới mang khăn trùm đầu, chỉ chừa cặp mắt. Bây giờ mùa Đông, đầu đội mũ len, mũi miệng cũng che kín mít. Ông Tư gọi là mấy bà “hồi hộp”, chả biết lúc nào con ma Covid tới làm quen! Ra đường không ai nhận ra nhau. Gọi là “tình vờ” (giả vờ không biết). Không gặp mặt thì gọi điện thoại nói chuyện. Còn không thì zoom, nhìn nhau qua màn hình.

Trước khi con Covid xuất hiện, chỉ những người lớn tuổi mới được nghỉ làm, về hưu ở nhà. Bây giờ thì già trẻ lớn bé gì cũng đều bị “cấm cung” trong khuôn viên của mình.

Lúc trước ai cũng tưởng khi về hưu sẽ vui lắm, có nhiều thì giờ để làm những chuyện, mà trước kia vì bận bịu nên không thể. Thực tế không phải như vậy. Thử hỏi lockdown gần 1 năm ở nhà, chúng ta đã làm được những gì? Hay chỉ:

Ngồi buồn tựa cửa đi ra.

Đụng phải cột nhà rồi lại đi vô.

Không được đi làm, đi học. Nên chẳng ai quan tâm tới quần áo, tóc tai bộ dạng bên ngoài. Còn giờ giấc phải nghiêm chỉnh. Bây giờ? Chẳng ai giục giã, ăn ngủ tùy tiện, dần dần “đồng hồ sinh học” của mình bị xáo trộn.

Tuy nhiên, trước kia dù “phải” về hưu (vì nhiều người không muốn) vì bất kỳ lý do gì, chúng ta vẫn “còn tự do”, tức là chúng ta còn có sự lựa chọn “Muốn làm gì tùy mình”. Du lịch bất cứ nơi nào mình thích. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta giống như bị “cưỡng bách” về hưu tạm thời. Mọi nơi đóng cửa, ai cũng phải ở trong nhà.

Ông Tư nhớ lại câu chuyện của cô bé Anna Frank khi phải trốn tránh bọn Phát Xít Đức, dù ở trong một căn gác chật hẹp, mỗi ngày chỉ được nhìn ra ngoài bằng một khe hở nhỏ xíu. Nhưng không vì thế làm cô bé tuyệt vọng, cô nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn. Trí tưởng tượng của cô đã khiến ngày nay chúng ta có hàng triệu các món đồ chơi của trẻ em mang tên Kitty, đó là tên cô đặt cho quyển nhật ký của mình. Hằng ngày cô thủ thỉ nói chuyện với con mèo Kitty, như nói chuyện với người bạn thân thiết.

Một cô bé vui vẻ, hoạt bát, mà giờ phải ngồi im không ai trò chuyện, thật tội nghiệp. Nhưng cô không than thở, vẫn dí dỏm nói chuyện với Kitty trong trang nhật ký. Cô bảo rằng, trong lớp cô hay bị thầy giáo la vì cái miệng cứ “chót chét” tối ngày.

Lần thứ nhất bị phạt, cô phải viết 500 câu “Em hứa không nói chuyện trong lớp”. Chứng nào tật nấy, lần thứ nhì cô lại bị phạt, viết luận văn về “Cô bé nói nhiều”. Cô nghiêm chỉnh tuân theo hình phạt cả hai lần.

Nhưng tới lần thứ ba, đề bài luận là “Con vịt cạp cạp”. Bị gọi là con vịt, cô bé Anna nổi giận vì bị xúc phạm. Cô không thèm viết bài luận mà cái tựa đề, cô bị ví như con vịt. Trong tờ giấy nộp lại cho thầy giáo, cô chỉ viết ngắn gọn: “Thưa thầy em không thể bớt nói chuyện, vì mẹ em còn ‘nói nhiều’ hơn em!”

Bà đang trong bếp, nghe ông kể chuyện cho cháu cũng phá lên cười. Bé Huyền nghe vậy cũng cười nắc nẻ. Cô Anna nói, không phải cô thích nói nhiều, mà do cô bị “di truyền”, người ta bảo: “Mẹ nào con nấy!”

Vì dịch bệnh, chúng ta cũng phải ở trong nhà, ngoài kia là con Covid kẻ thù vô hình. Còn cô Anna Frank, ngoài kia là kẻ thù hữu hình, tàn ác gấp ngàn lần con covid. Gặp con Covid cũng không sợ, chúng ta che mũi miệng là nó không thể làm hại được mình. Nhưng để Phát Xít Đức tìm ra thì coi như không còn mạng sống. Trong hoàn cảnh như vậy, mà Anna Frank vẫn yêu đời lạc quan. Thì không có lý do gì chúng ta phải tuyệt vọng.

Ông Tư không hề than vãn, mà luôn luôn nhắc bà ngoại bé Huyền đừng làm mọi người chung quanh xuống tinh thần. Chính bà luôn miệng than “Chán quá!”, nên cháu mới bắt chước nói theo (như bà cụ non).

Một lần đi học về, bé Huyền kể cho ông nghe, hôm nay cô bảo cả lớp ai cũng viết vào mảnh giấy nhỏ hàng chữ “Không làm được”. Sau đó cô dẫn cả lớp ra sân cỏ, mỗi người tự đào một lỗ (thật nhỏ), bỏ tờ giấy xuống chôn vùi.

Ông ngoại giả bộ hỏi:

- Như vậy là sao hả con?

Bé Huyền tròn xoe mắt, cô nói

- “không làm được” đã chết. Chúng ta chôn nó rồi, bây giờ chỉ còn “Làm được” ở với chúng ta. Phải không ông?

Ông Tư xoa đầu khen cháu giỏi. Cũng như hôm nay ông đã cho cháu thấy “Khi bình minh lên, mọi vật sẽ sống động theo”, thay vì nói “Sau cơn mưa Trời lại sáng”, ông chỉ cho cháu hình ảnh của hy vọng.

Không được ra đường, bé Huyền nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn. Ông dạy cháu xếp Origami, rồi face time rủ bạn cùng học. Sau đó chúng thi đua ai xếp đẹp hơn. Thỉnh thoảng ông cháu đạp xe đạp quanh bờ hồ, tuyệt nhiên không cho gặp ai. Có khi ông rủ cả nhà chơi lô tô, hay chơi cờ cá ngựa để cháu quên chuyện bị “nhốt” trong nhà.

Bà ngoại xem youtube nấu đủ thứ món ăn: bánh bèo, bánh cuốn, bánh ú, bánh cam, làm cho ai cũng tròn vo. Còn mẹ bé Huyền thì lo may vá. Thật ra chỉ có “vá”, chứ xứ công nghiệp toàn quần áo may sẵn. Vả lại không ra khỏi nhà, nên chưa cần quần áo mới. Dù Covid có hoành hành cỡ nào, thì Amazon & EBay cũng vẫn hoạt động rầm rộ, bất kỳ cần cái gì Amazon cũng đưa tới chỉ trong một ngày. Nhưng mẹ phải sửa quần áo cho bé Huyền mặc tạm.

Ai cũng bận rộn giúp thời gian qua mau, quên mất con Covid rình rập bên ngoài.

Bữa nay những con “cá mắc cạnsắp được trở lại hồ. Hồ nước bây giờ chính là vaccine vừa được tìm thấy. Tia sáng đã le lói cuối đường hầm. “Sau cơn mưa trời lại sáng”, mọi người sẽ trở lại mọi sinh hoạt như xưa.

Hy vọng năm 2021 sẽ là một năm “tiễn vong” Covid về bên kia thế giới. Để mọi người bình yên.

Lại Thị Mơ