Cho đến nay CHIMÄRE, hay còn gọi là những sinh vật huyền thoại chỉ có trong những câu chuyện thần thoại cổ Hy Lạp. Danh từ này dùng để chỉ các sinh vật hư cấu. Theo Ilias đó là những loài sinh vật ăn lửa, có đầu hình dạng sư tử, mình như con dê và đuôi của loài rắn hoặc rồng. Ở các viện bảo tàng nổi tiếng trên thế giới như Louvre Paris, hình tượng Chimäre được tìm thấy qua những nét vẽ trên những chiếc đĩa cổ của những năm 350 - 340 trước Công Nguyên. Điêu khắc trên những hiện vật bằng đồng về Chimäre cũng được lưu giữ ở Viện Bảo Tàng Khảo Cổ Học Quốc Gia ở Florence, Ý.

Ở châu Á chúng ta thì Con Rồng trong các chuyện thần tiên cũng đươc nhắc đến. Đó là một sinh vật Huyền Thoại có hình dạng kết hợp CHIMÄRE, có đầu sư tử, mình của loài rắn, một loài bò sát, da có vảy, cócánh của loài ác điểu hay dơi, có 3 hoặc 5 móng chân của loài chim ưng. Rồng có thể bay, bơi lội, bò và phun lửa, gây bão táp với sức mạnh thần thoại vô biên. Con Rồng phương Đông còn mang những ý nghĩa đem đến mưa thuận gió hòa, may mắn và mang lại nhiều con cái. Con Rồng phương Đông còn tượng trưng cho quyền uy của vua chúa.

Sự kết hợp của nhiều loài sinh vật như giữa người và thú có các yếu tố di truyền sinh học khác nhau để tạo sinh vật mới CHIMÄRE hoàn hảo, chọn lọc và ưu thế hơn đã là những nỗ lực không ngừng trong các phòng thí nghiệm Y-Sinh Học tân tiến ngày nay. Những sinh vật huyền thoại và không tưởng của thời Cổ Đại tưởng như chỉ có trong truyện thần tiên đã từng bước trở thành hiện thực.

Mới đây Nhật Bản đã cho phép các nhà khoa học cho sinh sản ra những sinh vật do phối hợp giữa người và thú (CHIMÄRE). Điều này đã gây ra những sự tranh cãi sôi nổi giữa các nhà Khoa Học Di Truyền, Sinh Học, Y Học và Đạo Đức Học, Tôn-Giáo Học trên toàn thế giới. Thoạt nghe như chuyện kinh dị, đầy tưởng tượng trong văn học của những thế kỷ trước: Phôi thai của heo với tế bào gốc của con người đã phát triển bình thường trong điều kiện thí nghiệm. Với ý muốn tạo một cơ quan, một bộ phận trong cơ thể như tim, phổi , thận, tụy tạng, ... với tế bào nguyên thủy từ tim, phổi, thận, tụy tạng,… của con người cho phát triển với đầy đủ chức năng như trong loài thú. Rồi sau đó các bộ phận này được lấy ra từ con thú đó để được đưa vào thay thế cho những người có một bộ phậntrong cơ thể bị hư. Việc này cũng nhằm mục đích đối phó với nạn khan hiếm về việc hiến tặng cơ quan và làm giảm các phản ứng dị ứng tất yếu để loại các cơ quan không thích hợp về di truyền trong cơ thể người nhận.

Chúng ta không thể quên và phủ nhận những cống hiến khoa học di truyền tuyệt vời trong Y Học, Sinh Hóa Học và Vi Sinh Học trong điều trị, sản xuất sinh hóa dược. Những mô tim, thần kinh, tuyến nội tiết, … được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã được đưa vào điều trị với kết quả khả quan. Các valve tim, động mạch chủ, … của loài heo cũng được thay thế cho những bệnh nhân suy yếu tim, hở van tim, …

Những thí nghiệm kết hợp gần đây giữa Đại Học Stanford, California và Tokyo đã cho thấy sự thành công trong việc tạo ra những tế bào mô tụy tạng trong loài chuột bạch và chuột cống. Sau đó tế bào mô nguyên thủy này được đưa vào những con chuột cống, làm cho những con chuột cống đó không còn khả năng tạo ra tụy tạng của chính mình nữa trong sự phát triển của phôi. Sau đó mô tụy tạng này được đưa vào chuột cống bị bịnh tiểu đường do không có tụy tạng. Mô tụy tạng này đảm nhiệm được hoàn toàn chức năng điều hòa đường huyết, như ở loài chuột không bịnh.

Những thí nghiệm phức tạp hơn nữa ở các loài thú lớn như heo, bò, trừu và khỉ với các cơ quan có trọng lượng tương ứng như ở loài người đã đạt được nhiều thành công đáng kể.

Với phương thức Blastozystencomplementation = Bổ túc tế bào nguyên thủy cơ quan của người vào phôi của loài thú không có cơ quan đó. Loài thú dự trữ không có các cơ quan này (tim, phổi, gan, ...) được tạo thành nhờ vào những biến đổi Gen CRISPR/Cas 9 để có chức năng cho mượn cơ thể mình cho sự phát triển và nuôi dưỡng cơ quan của loài người. Với nguyên tắc này người ta có thể cấy và tạo ra các tế bào, mô và ngay cả các cơ quan như ý muốn.

Với lý thuyết này, mô tụy tạng đã được tạo ra thành công, do tính chất đơn giản về di truyền.

Tuy thế, phương thức CHIMÄRE này có những khó khăn cần giải quyết được kể đến:

- Việc đưa các tế bào mô, cơ quan nguyên thủy của người vào chỗ trống trong loài thú đã được loại bỏ những cơ quan này còn nhiều trở ngại, vì các mô này của loài người khi phát triển trong cơ thể loài thú sẽ chịu ảnh hưởng và chịu sự chi phối về thần kinh, huyết học, di truyền học của loài thú đó.

- Việc phát triển cơ quan trong loài thú để đạt được tỷ lệ to nhỏ tương ứng với các cơ quan của loài người cũng còn là một khó khăn đáng nói đến.

- Những phát triển về cơ thể học và sinh lý học của phôi thai trong loài thú đó liệu có đáp ứng về nhu cầu hoạt động và chức năng của từng cá thể con người không?

Để loại bỏ những khó khăn này, người ta tìm cách làm thí nghiệm ở những loài có di truyền, phát triển, độ to lớn gần tương tự, như loài người và loài khỉ. Điều nguy hiểm xảy ra ở hai loài có di truyền gần tương ứng như giữa loài người và loài khỉ sẽ dễ dẫn đến những thay đổi tiến hóa, pha trộn tạo ra một cơ quan với những biến đổi về chức năng, hình dáng cấu trúc mà ta không kiểm soát được và không thể lường được những tai hại sẽ xảy ra.

Kinh nghiệm cho thấy, theo tường thuật từ Trung Cộng, Gen não bộ MCPH1 của loài người khi đưa vào loài khỉ Rhesus gây sự chậm phát triển của não loài khỉ này, và trí nhớ của những con khỉ này ngắn hơn ở những con khỉ không có cấy gen của loài người vào.

Đây là những tiến bộ về Y Học, và cũng là niềm hy vọng của những người bị bệnh nan y có các cơ quan bị hư hỏng. Họ chỉ trông đợi vào sự hiến tặng của người khác khi còn đang sống hoặc hiến tặng sau khi đã chết. Việc này cần được theo dõi với nhiều thời gian, kinh nghiệm cộng với những phê phán và đánh giá về giá trị đạo đức và ảnh hưởng tôn giáo.

Y học, thực tế và giá trị đạo đức xã hội cũng cần có được sự cân nhắc trong điều trị và gây biến đổi, tác động vào quy luật thiên nhiên.

(B.S. Trương Ngọc-Thanh & D.S. Trương Thị Mỹ Hà, Minden-Hannover-Hamburg 2021)