Ca dao và Tục ngữ Việt Nam là cái di sản văn hóa muôn màu muôn sắc, trùng trùng điệp điệp và vô giá do các cụ ta để lại. Chúng ta có quyền thừa hưởng và có bổn phận bảo tồn những vẻ đẹp thuần túy dân tộc Việt mà người xưa từng ân cần gói ghém và cất giấu rất kỹ.

Cái kho tàng thành ngữ dân gian cô đọng ấy gồm hàng vạn, mấy chục vạn kinh nghiệm hiểu biết mà tổ tiên ta rút ra từ cuộc sống, rồi để lại cho hậu thế bằng phương tiện truyền khẩu, từ đời này đến đời kia, chứ không phải bằng sách vở. Cái di sản vô hình ấy chính là chuyện làm chúng ta vừa ngạc nhiên ngỡ ngàng lại vừa bàng hoàng sửng sốt.

Không ai biết những bài thơ, những lời ca tiếng hát ấy ra đời thuở nào, chẳng ai biết tác giả những câu ca dao tục ngữ ấy tên gì, quê quán ở đâu. Chúng ta chỉ biết rằng cái di sản văn hóa và luân lý ấy được các cụ ân cần gói ghém trong những lớp vỏ mộc mạc, thô sơ và thôn dã. Muốn biết giá trị trong cái di sản vô hình ấy, ta hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh những con người chân lấm tay bùn, trọn đời ‘‘tát nước với giọt mồ hôi’’.

Bên trong lớp vỏ mộc mạc là những áng thơ tuyệt hay. Tại nơi thôn dã này, nhà nông vừa cày sâu cuốc bẫm, vừa lẩm bẩm câu ca dao: ‘‘Lạy giời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bátcơm’’. Có lẽ cố nhạc sĩ Phạm Duy viết nhạc phẩm ‘‘QUÊ NGHÈO’’ tại một vùng giống nơi này (?). Ở nơi đây có những con người tuy chân lấm tay bùn nhưng lại từng làm ra những áng thơ tuyệt vời, điển hình là hai câu này

Hỡi cô tát nước bên đàng !

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?!

Một hòn kim cương (hột xoàn) hàng triệu Ca-Ra (Carat), cân nặng một kí-lô cũng chưa chắc đã tỏa ra được những tia lấp lánh, huyền diệu, soi sáng đồng quê như bức tranh thôn dã này. Câu ca dao bình dân và quê mùa trên đây chỉ gồm có một thôn nữ, một chiếc gầu sòng, vài ruộng lúa và ánh trăng vàng. Thế thôi và chỉ có thế thôi, không màu mè mảy may. Ánh trăng từ trên tỏa xuống, ánh trăng từ ruộng nước phản chiếu lên. Hai ánh trăng huyền ảo ấy gặp gỡ nhau trong chiếc gầu sòng trên tay thôn nữ.

Bao nhiêu gầu nước là bấy nhiêu ánh trăng vàng mờ ảo. Đẹp biết bao! Chìm trong màn đêm là cô thôn nữ đang ‘‘múc ánh trăng vàng đổ đi’’. Ca dao đất Việt là những câu nói hằng ngày và những câu thơ bộc phát. Cái ngôn ngữ quê mùa mộc mạc ấy mới đúng là ‘‘diễn viên chính’’ nói lên những khía cạnh muôn màu muôn sắc trong cuộc sống người dân.

Tục ngữ thường mang ý nghĩa giáo huấn, khuyên răn, nhắn nhủ, nhắc nhở hậu thế qua hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn kinh nghiệm buồn vui trong cuộc đời. Nhờ thế mà người xưa biết rằng bọn trộm cắp thường lợi dụng màn đêm nhá nhem để lặng lẽ, lẻn vào ăn cắp, ăn trộm lén lút.

Ngược lại, những kẻ làm ‘‘Quan’’ thì thản nhiên, ngang nhiên ăn CƯỚP của công và ăn CƯỚP cả dân lành giữa ban ngày, thanh thiên bạch nhật. Được nắm quyền hành nên chúng thông đồng ăn CƯỚP, thoải mái. Rút kinh nghiệm cuộc đời từ những điều mắt thấy tai nghe nên tổ tiên chúng ta nhắn nhủ và nhắc nhở con cháu bằng câu tục ngữ đáng giá nghìn vàng

‘‘Con ơi ! Hãy nhớ câu này:

Cắp đêm là trộm. Cướp ngày là Quan’’.

Không hiểu sao tổ tiên chúng ta có tài tiên tri giỏi đến thế ! Nếu có thể ‘‘hồi sinh’’ để ăn Tết Tân Sửu thì thế nào các cụ cũng ngạc nhiên và ngỡ ngàng thấy những lời giáo huấn mà mình thốt ra hàng trăm, hàngnghìn năm trước vẫn giữ nguyên tính thời sự đến ngày nay, tháng 2, năm 2021.

Nếp sống, cách ăn mặc và khí hậu có thể thay đổi ít nhiều, nhưng việc bọn Quan ăn cướpthụt két thì… trước sao, sau vậy. Ca dao tục ngữ đất Việt có giá trị muôn kiếp, muôn đời, muôn nơi, muôn thuở vì may mắn được các cụ ta lắp cho đôi cánh vượt cả không gian lẫn thời gian.

Cái di sản ấy là một đại dương hiểu biết, một bầu trời triết lý vì câu nào cũng có tình có lý, có hậu có nghĩa, có trên có dướicó trước có sau.

Ngoài những điệu hát câu hò, giao duyên đôi lứa, những chuyện mơ mộng ở tuổi dậy thì, ca dao tục ngữ cũng có biết bao tiếng khóc than uất hận, trách móc, tiếc đời, than thân khóc phận … thốt ra từ miệng những cô gái bị xã hội phong kiến (và bị chính cha mẹ mình) trói chặt trong những tục lệ dã man, vô nhân đạo. Đấy là tục lệ ‘‘cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy’’.

TÌNH YÊU VÀ NHỤC DỤC TRONG CA DAO TỤC NGỮ.

Ao cá, bầy gà, buồng cau, cụm trầu, đàn lợn, con trâu, luống khoai, ruộng rau muống … có thể xa lạ với chúng ta ngày nay, năm 2021, nhưng đấy lại chính là cái lẽ sốngcuộc đời các cụ ta thời xa xưa, ở ngoài Bắc.

Trước khi lên chức tổ tiên, cụ ông cụ bà, ông bà nội ngoại, các cụ từng là những cô thiếu nữ, những cậu thanh niên và từng bước vào tuổi dậy thì. Ở cái tuổi ấy, ‘‘các cô các cậu’’ thấy lòng mình hồi hộp, tim đập mạnh, luôn nghĩ đến hình ảnh người mà mình thấy hoặc gặp ở đâu đấy. Thế rồi ‘‘các cô các cậu’’ không hiểu tại sao mình không ngừng nhớ đến người ấy, hồi hộp lạ thường, đứng ngồi không yên, nóng ran người, bồi hồi, thậm chí còn ‘‘mất ăn mất ngủ’’. Từ sự khám phá ấy, nẩy ra câu ca dao

Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi !

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than !

Người Bắc có câu ‘‘Miếng trầu là đầu câu chuyện’’. Khi người con giai đến chơi thì, dù bận đến mấy đi nữa, cô chủ nhà cũng vội vội vàng vàng

Vào vườn hái quả cau xanh

Bổ ra làm sáu : ‘‘Mời anh xơi trầu’’.

Sau khi chàng ra về, nàng ra ra vào vào và nhớ đến nỗi quên ăn quên ngủ

‘‘Nhớ ai nhớ mãi thế này ! ! !

Nhớ đêm quên ngủ ! Nhớ ngày quên ăn ! ’’

Không lấy được nhau thì đôi bên chán đời, bỏ bê việc nhà và vườn tược. Nếu lấy được nhau thì ta lại chăm lo gà lợn và vườn tược, như trước.

Yêu nhau chẳng lấy được nhau

Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già

Bao giờ sum hợp một nhà

Con lợn lại béo, cau già lại non.

Nhưng bên cạnh những mối tình chớm nở, ca dao tục ngữ cũng còn nói đến và vạch trần nhiều cảnh cay đắng, chết nửa đời người, đau xé tim gan và nhức nhối khi cô gái bị cha mẹ gả cho một người đàn ông đứng tuổi và lắm tiền (phương ngữ miền Bắc gọi là ‘‘có máu mặt’’), sẵn sàng bỏ tiền ra để ‘‘mua’’ một cô vợ trẻ.

Tệ nạn bán con gái mình cho những người ‘‘có máu mặt’’ là thảm cảnh xảy ra thường xuyên ở ngoài Bắc, xưa kia. Điển hình là câu ca dao buồn thê thảm, xé nát tim gan, và tê tái lòng, sau đây.

Xấu xa và đáng nhục cho những bậc cha mẹ bán con gái mình, là tục lệ nói tháchmặc cả đắt rẻ như thể mặc cả giá tiền khi mua ký thịt lợn, con hoặc dăm ba con ở ngoài chợ.

Mẹ em thấy của thời tham

Hang hùm, cứ tưởng hang vàng, ép con

Nói ra, thẹn với nước non

Ngậm vào, cay đắng lòng con đêm ngày.

Nhiều người thản nhiên đem con gái mình bán cho một người đứng tuổi mà phương ngữ miền Bắc gọi là ‘‘già đầu già râu, phao câu không già’’.

xào với mướp già

Vợ hai mươi tuổi, chồng đà sáu mươi

Ra đường, chị giễu, em cười

rằng ‘‘Hai ông cháu kết đôi vợ chồng.’’

TÌNH YÊU ĐÔI LỨA

Bên cạnh những hoàn cảnh đau lòng, ca dao tục ngữ cũng có rất nhiều hoàn cảnh sống động, táo bạo, to gan và ướt át. Loại ca dao này thường không ‘‘nói toạc móng heo’’ và không muốn tỏ ra quá ‘‘lộ liễu’’ nên thường nói bóng nói gió bằng những ‘‘ẩn dụ tu từ’’ để thổ lộ tâm tình.

Rất có thể những câu ca dao loại ‘‘kín kín hở hở’’ này từng làm cho nhiều thanh niên thiếu nữ ở tuổi dậy thì thời xa xưa (thời tổ tiên chúng ta) mất ăn mất ngủ và thấy lòng mình thổn thức biết bao đêm trường.

Thương em, anh rất muốn thương

Nước thì muốn chảy, nhưng mương chưa đào

Em về lo liệu thế nào

Để cho nước chảy lọt vào trong mương.

Không cần có Bằng tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ai cũng hiểu rõ nghĩa các “ẩn dụ tu từ’’ dùng trong bài ca dao ‘‘ướt át’’ này.

Trong câu ca dao sau đây, ‘‘ẩn dụ tu từ’’ là hoa quả và cây cối. Thoạt nhìn, ta có thể nghĩ đây là ngôn ngữ Đảng XANH, ‘‘bảo vệ môi trường’’!

Bây giờ mận mới hỏi đào

‘‘Vườn hồng, đã có ai vào hay chưa’’?

Mận hỏi thì đào xin thưa

‘‘Vườn hồnglối, nhưng chưa ai vào’’.

Tiếng lành đồn gần. Tiếng dữ đồn xa.

Nét đẹp ở đây là sự tương phản giữa hai vế LÀNH - DỮ và GẦN - XA. (tức là LÀNH vs DỮ. GẦN vs XA).

Câu tục ngữ này được nhiều người cho là rất hay, rất đẹp, rất hài hòa và gọi là một “viên ngọc quý’’ trong di sản ‘‘ca dao tục ngữ trùng trùng điệp điệp’’ của người Việt.

Chẳng may, nhiều người dùng sai và làm vỡ (làm bể) viên ngọc quý này vì họ nói và viết ‘‘Tiếng lành đồn xa. Tiếng dữ đồn xa’’. Như thế là làm mất tiêu sự tương phản, bởi vì nếu tiếng LÀNH mà cũng được đồn xa như tiếng DỮ, thì chả có gì cần nói. Vẻ đẹp chính là sự TƯƠNG PHẢN. Nếu muốn giữ nguyên vẻ đẹp TƯƠNG PHẢN thì chúng ta chỉ cần nhớ điều này: người đời thường xấu miệng, thích gièm pha, ngồi lê mách lẻo.

Khi ta làm một việc THIỆN, việc LÀNH, việc có ích, việc tốt, thì chỉ có riêng mình ta biết. Nếu người ngoài biết chuyện thì, hoặc họ không buồn chú ý, hoặc họ cho đấy là chuyện đương nhiên, dĩ nhiên, chả cần bàn.

May ra thì có người trong gia đình biết chuyện, hoặc vài người hàng xóm GẦN nhà. Đấy là nguồn gốc câu ‘‘Tiếng LÀNH đồn GẦN’’.

Ngược lại, nếu chẳng may, ta làm việc ÁC, việc DỮ thì thể nào thiên hạ cũng vội vàng rêu rao, bêu riếu, ‘‘có ít xít ra nhiều’’ và đem chuyện đi kể ở nơi XA, rất XA. Đấy là nguồn gốc câu ‘‘Tiếng DỮ đồn XA’’.

Bầu dục chấm mắm cáy.

Câu này dùng để chê những cặp vợ chồng KHÔNG xứng đôi vừa lứa.

Thời nay, người ta có thể đặt mua một chục, vài chục hoặc sáu bảy chục quả bầu dục lợn (heo) ở bất cứ siêu thị nào, nhưng ở miền Bắc Việt Nam xưa kia, bầu dục khó mua vì rất hiếm, nhiều khi phải đặt trước ở tiệm thịt và phải đợi rất lâu mới có.

Lý do: noi gương Tàu, đàn ông miền Bắc xưa kia nghĩ rằng bầu dục lợn là món ăn ‘‘bổ tỳ bổ thận’’ và . . . ‘‘CƯỜNG DƯƠNG’’ ! ! ! ! ! ! ! !

CÁY là một loại cua đồng, mầu xám (hoặc đen nhạt), bé hơn rốcrạm, khó bắt vì cáy chạy rất nhanh. Dân Bắc mua hoặc đi bắt cáy trong ruộng để làm món ‘‘mắm cáy’’. Đấy là thứ nước chấm bình dân, rẻ tiền và hôi, đối với nhiều người. Chỉ có dân quê ‘‘khố rách áo ôm’’ mới ăn mắm cáy. Tóm tắt:

1. Bầu dục là món được coi là ‘‘bổ tỳ bổ thận, cường dương’’, vừa quý vừa hiếm lại vừa đắt tiền.

2. Mắm cáy là món nước chấm rất xoàng, vừa rẻ tiền lại vừa nặng mùi.

Trong một cặp vợ chồng mà người này ăn nói hoạt bát, khéo tay khéo chân, thông minh… còn người kia thì ăn nói vụng về, vụng tay vụng chân, và dốt đặc cán mai… thì đúng là họ KHỒNG XỨNG ĐÔI VỪA LỨA nếu tiếp tục sống chung thì đáng tiếc cho họ và PHÍ đời cho cả đôi bên. Đấy là ý nghĩa sâu xa trong câu tục ngữ ‘‘Bầu dục chấm mắm cáy”.

Nam Việt Điểu.