Xưa nay, dân Việt, con trâu, lúa và “tre-trúc-nứa” sống chung hài hòa và khăng khít như “môi, răng, lợi, lưỡi”. Ở ngoài Bắc, sự gắn bó giữa người và trâu từng xuất hiện trong truyện nhi đồng:

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú Ông xin đổi ba bò, chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú Ông xin đổi một xâu cá mè ...

Ở Việt Nam có nhiều sự khác biệt về khí hậu giữa hai miền Nam Bắc. Rồi khí hậu lại có ảnh hưởng trực tiếp đến nếp sống và cách suy luận của con người ở hai miền. Vốn được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi nên người Nam rất thoải mái, dễ cười, dễ gần, dễ sống, xuề xòa, thế nào cũng xong, không kín bưng kín mít, không cằn cặt, không rào trước đón sau và không khách sáo kiểu giả dối đầu lưỡi.

Người Bắc, vì sống trong một môi trường bất lợi nên thường lắt léo, nhiều khi gai góc và khó tính. Vịnh Bắc Bộ thường xuyên có lắm trận bão và lũ lụt cũng khủng khiếphãi hùng rùng rợn như các thiên tai ghê gớm thường thấy ở Tiểu Bang Florida, Vịnh Mexico.

Ruộng nương ngoài Bắc không được thiên nhiên ưu đãi nên khá cằn cỗi và khiêm tốn chứ không phì nhiêu mầu mỡ, mênh mông bát ngát như đồng ruộng trong Nam. Vì cuộc sống khó khăn, người Bắc thường cần cù, chăm chỉ và tôn trọng ruộng đất như trọng vàng:

Rạng ngày cày cuốc ra đồng

Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu

Ruộng đồng nước cả, bùn sâu

Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa

Việc làm chẳng quản nắng mưa

Bữa no, bữa đói, muối dưa ăn xoàng

Ai ơi ! Đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

Ở ngoài Bắc, con trâu không đơn thuần là một “gia súc” như

chó, mèo, lợn, gà, ngan, ngỗng, vịt, ... mà là một “bạn đồng hành”.

Điển hình là câu ca dao chứa chan lời lẽ thắm thiết mặn mà sau đây:

Trâu ơi, ta bảo trâu này:

Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta !

Cày cấy vốn nghiệp nông gia

Ta đâu trâu đấy, ai mà quản công !

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Câu ca dao chỉ có sáu dòng mà trâu được “nhân cách hóa” sáu lần, mà lần nào cũng duyên dáng đáng yêu, ân cần, đằm thắm, mặn mà, sâu xa, thắm thiết và thành thật. Nơi đây, trâu không còn là một “gia súc” mà được con người thăng chức và được coi như một “đồng nghiệp đắc lực, không thể thiếu” trong việc đồng áng, khi mà con người phải vật lộn rất chật vật với bát cơm và manh áo.

Sự gần gũi giữa người và trâu ở miền Bắc Việt Nam có thể so sánh với sự gần gũi và thân thiết giữa người và ngựa ở những vùng thảo nguyên vô tận bên Mông Cổ xưa kia. Tại đấy, con người sống với ngựa và nhờ vào sức ngựa, uống sữa ngựa, di chuyển trên lưng ngựa từ khi còn ở trong bụng mẹ ! Sưởi ấm bằng phân ngựa khô như người Việt bón ruộng đồng và vườn tược bằng phân trâu tươi. Nếu không có con trâu thì không thể nào gây dựng được cơ nghiệp.

Vì vậy nên người Việt nào cũng biết câu ca dao quen thuộc “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Quả là người, trâu, lúa, tre, trúc và nứa sống chung rất hài hòa tại “mảnh đất hình cong như chữ S”.

Ngoài việc ăn măng tre và măng nứa, người Việt còn dùng tre-trúc-nứa để làm ra hầu hết những thứ cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Xin nêu một số thí dụ thông thường mà ai cũng biết:

– bàn tre, ghế tre, cần câu, cầu, chõng, chuồng gà

– đũa ăn, đũa cả (ghế cơm), đò (bài hát “Cô lái đò”)

– giậu (bài thơ “Giậu mùng tơi” của Nguyễn Bính)

– khung diều, khung nón lá (rất quen thuộc với mọi người Việt)

– lạt (để gói rất nhiều thứ bánh, nhất là bánh chưng)

– mõ (dụng cụ gõ), nóc nhà, nong, nia

– phách (khúc tre khô gõ nhịp trong ban nhạc Cô Đầu / Ả Đào)

– quạt nan (rất quen thuộc với người Việt miền Bắc xưa nay)

– thúng (gánh gạo và gánh đủ thứ), tràng kỷ (ghế dài để nằm)

– tiêu và sáo (hai dụng cụ âm nhạc thổi)

Tại một nước nông nhiệp như Việt Nam mà không có chiếc đòn gánh bằng tre, vừa dẻo vừa dai, thì không thể nào gánh bèo, bánh cuốn, bún riêu, cỏ, củi, gạch, gạo, lúa, phân người, phân trâu, phở, rau, thóc. Thậm chí, nhiều người gánh cả Mẹ già và con thơ trong thúng lớn, khi chạy tản cư thời loạn ở miền Bắc, trước kia.

Chỉ có tre mới đủ dẻo dai để người ta dùng trong ngần ấy thứ. Đòn gánh là một sự phát minh đơn sơ nhưng lại rất bác học và không thể thiếu tại Việt Nam, với một sự hữu hiệu tuyệt vời. Nếu không sợ mang tiếng là “cường điệu” thì tính hữu hiệu lạ lùng của chiếc đòn gánh đáng được chúng ta coi là . . . “thần thánh” ! !

Việt Nam là nơi mà chiếc đòn gánh hiện diện khắp nơi: từ thành thị đến thôn quê, từ hang cùng đến ngõ hẻm. Người Bắc nào cũng biết rằng phở gánh ăn đứng ngoài đường ban đêm bao giờ cũng thơm hơn và ngon hơn ăn ngồi trong tiệm, nhất là những tiệm có nào là quạt máy, nào là máy lạnh và người bưng bát, dọn bàn.

Tre-trúc-nứa là ba loại cây mà người Việt dùng để làm ra rất nhiều nhạc cụ. Ví dụ : Dụng cụ để chơi đàn bầu chỉ là một que tre mộc mạc. Người Pháp gọi đàn bầu Việt Nam là “monocorde”, tuy không sai nhưng dân Anh-Mỹ dịch sát nghĩa hơn vì họ gọi chiếc đàn bầu Việt Nam là “gourd instrument”.

SÁO Việt Nam là một nhạc cụ làm bằng ống trúc, dùng để đệm người ngâm thơ. Tại VNCH trước 30.4.1975, ban Tao Đàn chuyên dùng tiếng sáo thánh thót và vi vu để đệm người ngâm thơ trên làn sóng các đài phát thanh Quân Đội VNCH, Huế và Sài Gòn.

Ở làng quê miền Bắc trước 1955, người ta vót tre làm khung diều và nâng cao trình độ sành điệu bằng cách gắn vào cánh diều một cây tiêu. Khi diều gặp gió, bay bổng thì, từ trên giời, cây tiêu phát ra những điệu nhạc buồn buồn, thánh thót, trong khi ấy, ở dưới đất, nhà nông cặm cụi làm mọi việc đồng áng, như tự bao đời, còn mục đồng thì lặng lẽ và ngoan ngoãn chăn trâu. Cuộc đời cứ thế ...

Dân Bắc trước 1955 rất “nặng nợ với nàng Thơ” nên họ gọi tiếng tiêu từ trên giời vọng xuống đất là “Giáng Tiêu”, một cái tên, thoạt nghe có thể không thấy hay ho gì cho lắm vì ta chưa kip thấy cái từ nguyên {gốc từ ngữ} ở huyền thoại “Nàng Tiên Giáng Trần”. Hay ho chính là ở đấy. Nếu ta nông cạn, ù té nhắm mắt chạy theo Âu Mỹ thì chỉ nghe phong thanh tên “Giáng Tiêu” mà không hiểu hai ý nghĩa sâu xa, ấp ủ trong câu “Giáng” và câu “Tiêu”.

“Dĩ Âu vi trung” là căn bệnh tâm thần làm cho rất nhiều người Việt lóa mắt trước nền văn minh Âu Mỹ, coi thường, khinh bỉ nền văn hóa dân mình, không thèm đoái hoài đến hai thứ thuần túy dân tộc Việt Nam, làm bằng tre già, là chiếc Mõ và cây Phách.

Ở miền Bắc, cho đến và suốt thời Pháp thuộc, không phải ai cũng biết chữ, cho nên làng quê không có báo chí. Mõ là một vị từ (a word | un mot) vừa chỉ định dụng cụ gõ vừa chỉ định người gõ và rao tin ở mọi nẻo đường xứ Bắc, suốt chiều dài lịch sử dân Việt.

Người ta gõ “Cốc” ! “Cốc” ! “Cốc” trước khi hô to những mệnh lệnh do Xã trưởng, Lý trưởng sai đi rao trong làng. Nếu muốn Mõ có âm thanh trong trẻo và vang xa thì phải làm Mõ bằng gốc tre già phơi khô, đục rỗng, đánh bóng; kích thước thường to gần bằng hai nắm tay chụm lại. Thời Pháp thuộc có mõ gỗ nhưng dân sành điệu chỉ cần nghe thấy 3 tiếng “Cốc ! Cốc ! Cốc” là biết ngay lập tức đấy là mõ gỗ, hay mõ gốc tre già thuần túy Việt Nam.

Tết năm nay, Ban Biên Tập dùng chủ đề “Xuân Hồi Sinh” để thực hiện Đặc San Khoa Học Xuân Tân Sửu 2021. Đấy là một sáng kiến rất hay và đầy ý nghĩa sâu xa vì trong hoàn cảnh hiện nay, “Hồi Sinh” vừa là sự Khát Khao vừa là niềm Hy Vọng thiết tha của toàn nhân loại. Mong rằng chủ đề “Hồi Sinh” trở thành SỰ THẬT.

Nói về “Hồi Sinh” thì ta phải nói đến sự Hồi Sinh của chiếc Phách và nhạc Cô Đầu (tức nhạc Ả Đào) ở Việt Nam trước kia. Sau khi Cộng Sản vào tiếp thu Hà Nội năm 1954, nhạc này bị cấm ngặt vì bị coi là “đồ giải trí trụy lạc của nghiện thuốc phiện”. Thế là nhạc Cô Đầu thuần túy và chiếc Phách bị Cộng Sản

thẳng tay vùi sâu, chôn chặt suốt mấy chục năm, dài đằng đẵng. Không ai được hát Cô Đầu. Không ai được nhắc tên nhạc Cô Đầu.

Sau khi Liên Xô vùi sâu chôn chặt chế độ Cộng Sản, Hà Nội bỗng mồ côi cha, không còn nơi nương tựa ! Trơ trẽn, miễn cưỡng,

– đành nuốt hận, bốc mộ (*) nhạc Cô Đầu thuần túy Việt Nam.

– đành ngậm đắng nuốt cay, bốc mộ (*) chiếc Phách Việt Nam.

– đành cúi đầu nhận tộithú nhận rằng:

Hiện nay, nhạc Cô Đầu thuần túy Việt Nam không những được trả

lại quyền “Hồi Sinh” mà còn được UNESCO chính thức gọi là:

“Di sản Văn Hóa phi vật thể của Nhân Loại”.

Tiếng Pháp: “Héritage Culturel Immatériel de l'Humanité”

Hãy tưởng tượng chuyện vùi sâu chôn chặt Vọng Cổ miền Nam sau ngày 30-4-1975, chỉ vì nhạc này bị Cộng Sản gán cái tên: “đồ giải trí trụy lạc của lũ ngụy, nghiện xì ke ma túy”.

------------- --------------- --------------- ----------------- -------------- -----------------

(*) Bốc mộ = Exhume. Excavate. Unearth. Dig up. Dig out.

Nam Việt Điểu.