Cãi nhau là khi không cùng nhau bằng lòng về một chuyện gì. Bình thường cãi nhau ở trong nhà, nhưng thời Covid cãi nhau cả ở ngoài đường, vượt biên giới, cãi nhau toàn cầu, bất cứ chỗ nào con Covid có mặt.

Kể từ khi con cái trưởng thành, chúng như những con chim đủ lông đủ cánh bay ra ngoài, để lại cái tổ trống trơn (empty nest). Hai con chim bố mẹ về hưu, biến thành hai “con khỉ già” suốt ngày cãi nhau. Nhưng trước kia chỉ sơ sơ vài chuyện vặt vãnh, tới khi có dịch Covid thì chiến sự bùng nổ, chuyện cãi nhau coi như chuyện dài nhân dân tự vệ, chuyện trong nhà ngoài phố.

Con Covid bắt đầu hoành hành vào năm 2019, nên gọi là Covid-19 cho dễ nhớ. Lúc đầu chỉ xuất hiện ở Vũ Hán, qua tới đầu năm 2020 nó đã có mặt ở nhiều nơi. Nhân Tết Nguyên Đán, người Tàu ở khắp nơi trên thế giới về Vũ Hán ăn Tết, khi quay trở lại làm bệnh lây lan, đó là lúc dịch bùng phát. Việt Nam phản ứng nhanh chóng, đóng cửa biên giới không cho người lạ (chủ yếu là người Tàu phía Bắc) vào. Nhờ vậy dịch ít lây lan, lúc đó tôi đang có mặt ở Sài Gòn. Ngay ngày Tết trên truyền hình đã bắt phạt một anh loan “tin đồn thất thiệt”, làm dân chúng hoang mang. Từ đó không ai dám hó hé, sợ được lên truyền hình, nhưng không còn tin “thất thiệt”, mà chỉ còn tin “rất thiệt”. Không thể lấy thúng úp voi, chính phủ mọi nơi xác nhận Covid đã có mặt, ra chỉ thị đề phòng: cấm tụ tập, đeo khẩu trang, …

Ở Việt Nam người ta đeo khẩu trang để tránh bụi bặm, nên chuyện bắt đeo khẩu trang khi ra ngoài không ai cảm thấy khó chịu. Nhưng ở Mỹ và ở Âu Châu, việc mang khẩu trang khiến nhiều người bực bội, họ không nghiêm chỉnh tuân theo.

Tôi trở về Mỹ ngày 31 tháng Giêng năm 2020, còn các bạn khác tới cuối tháng Hai mới có chuyến bay trở về. Lúc đó ai cũng cuống cuồng tìm cách về nhà, nhưng các chuyến bay đã bị hủy bỏ. Mọi người phải tự kiếm cách bay chuyển tiếp qua các quốc gia khác, tốn rất nhiều tiền. Ai cũng sợ kẹt lại sẽ mất việc, cuối cùng ai cũng trở về kịp trước khi Mỹ ra lệnh lockdown, chỉ còn một người ở Pháp bị kẹt lại.

Dịch Covid xảy ra vào dịp Tết Nguyên Đán, khiến những người thăm thân nhân bị kẹt ở cả hai nơi: Việt Nam (Sài Gòn) và Mỹ.

Bây giờ bắt đầu có các cuộc cãi nhau ở ngoài đường lẫn trong nhà.

Ở Việt Nam chỉ có một cấp lãnh đạo ra chỉ thị, nên không có chuyện lộn xộn. Tức là lệnh ban ra nhất nhất phải tuân theo: đeo mask và cấm tụ tập, du khách tới bị cách ly 14 ngày.

Tuy nhiên Mỹ có tới 50 Tiểu Bang, mỗi Tiểu Bang coi như “một nước” riêng biệt. Thống Đốc có toàn quyển nơi Tiểu Bang của họ, lại có 3 cơ quan khác nhau: Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp, cơ quan nào cũng có quyền hạn của họ.

Nơi này cho mở cửa, nơi khác cấm ngặt. Tiểu Bang này bắt ai từ nơi khác tới, bị giữ lại, cách ly 14 ngày. Tiểu Bang khác nói về nhà tự cách ly. Họ không tự giác nên dịch bắt đầu gia tăng.

Chẳng có gì đồng nhất, đó là lý do cãi nhau. Lúc đó các kiến thức về Covid-19 và cách phòng ngừa đều được phổ biến tràn lan khắp nơi. Việt Nam hướng dẫn mọi người bằng bản nhạc ngắn gọn, đơn giản, được hưởng ứng khắp nơi.

Chuyện ngoài đường phức tạp, còn chuyện trong nhà ông bà Tâm thì lủn củn chỉ vì con Covid.

Người ta hay nói các bà lắm điều hay cằn nhằn, nhưng ở nhà này hoàn toàn ngược lại. Trong khi ngoài đường người ta chen lấn nhau đi mua nước, giấy vệ sinh, gạo, đồ hộp để trữ sợ bị đóng cửa lâu dài, bà Tâm không mua bất cứ gì. Ông Tâm cằn nhằn bảo bà không lo xa. Bà nói chỉ có hai người già, những thứ đó còn đủ dùng vài tháng, tại sao phải mua thêm. Từ ngày sống ở Mỹ, bà Tâm không bao giờ mua dự trữ, chính phủ lo mọi thứ cho dân đầy đủ, ngay cả khi có mưa bão. Còn ông Tâm, nỗi ám ảnh thiếu thốn do những ngày bị giam hãm trong trại tù cải tạo, nên lúc nào ông cũng lo lắng quá đáng.

Con virus khi ra ngoài cơ thể người bệnh, nó không phải là sinh vật sống, chỉ khi nào lọt vô cơ thể bằng hai ngả mũi và miệng, mới trở thành tác nhân gây hại. Dù giải nghĩa cách nào ông Tâm cũng nhất định không nghe. Ông tưởng tượng Covid như một con quái vật. Bị lockdown ba tháng, tóc xù như tổ quạ. Bà Tâm muốn cắt bớt cho gọn, nhưng ông sợ rủi ro bị chảy máu, nhiễm trùng “lợn lành thành lợn què”. Bây giờ rất khó được vô nhà thương, ngoại trừ bị stroke hay heart attacks. Nhà thương là môi trường dễ nhiễm bệnh, ông Tâm lo cũng phải. Nhưng khi cho mở cửa lại, ông cũng không dám ra cắt tóc ở tiệm, bảo rằng không tin tưởng.

- Vậy thì chừng nào mới dám đi cắt tóc?

Bà Tâm nổi giận khi thấy ông chồng lo lắng quá đáng. Biết tới bao giờ mới hết dịch, chả lẽ ông để tóc dài như tụi hippie choi choi.

Không thể tưởng tượng một người vào sinh ra tử, không sợ súng đạn, giờ sợ con Covid.

Ở tù 10 năm thiếu thốn mọi điều, uống nước sình, ăn rau dại không chết. Mà giờ đây, già lẩm cẩm bỗng hoảng loạn vì kẻ sát nhân vô hình.

Tự nhốt trong nhà, nhưng khi bà Tâm đi chợ về, ông bắt xịt alcohol tẩy trùng các bao đựng, làm bà Tâm bực bội cằn nhằn:

- Sống chết có số. Nếu tới số, thì có trốn kỹ trong nhà cũng lăn quay ra chết.

Bà Tâm không chịu nổi thái độ “bất lịch sự” khi có người tới giao hàng. Bên trong cửa kính, ông chỉ người ta đặt xuống đất. Đợi người giao đi khuất mới đeo bao tay, bịt mũi miệng ra lấy. Bà Tâm nổi khùng hỏi:

- Người ta cũng mang mask, có mở miệng nói câu nào đâu? Covid ở đâu ra?

Ừ thì đồ dùng bảo để xuống đất, thằng con ở gần, order pizza. Bà Tâm đã mở cửa, bưng vào. Bà không muốn người giao nghĩ mình khùng.

Rủ đi bộ ở công viên gần nhà cũng không chịu. Chỉ có hai người trong một nhà, nhưng có hai thái cực khác nhau: một người bình tĩnh, một người tưởng tượng quá đáng.

Trong nhà cãi nhau, ngoài đường cũng cãi nhau. Đóng cửa mọi thứ làm cho kinh tế bị tê liệt, đóng cửa biên giới làm cho nhiều người dở khóc dở cười không thể gặp thân nhân, dù chỉ để chia tay mãi mãi.

Cầu mong sao vaccine mau mau được phân phối tới tận hang cùng ngõ hẻm.

Nếu tôi là Tổng Thống, tôi vẫn cho mở cửa lại mọi nơi sinh hoạt, chỉ cần đề phòng cẩn thận tránh lây nhiễm.

Nếu những người như ông Tâm mà làm Tổng Thống, thì mọi thứ sẽ đóng cửa mãi mãi. Người ta sẽ không chết vì Covid, mà chết vì trầm cảm. Chết vì thất nghiệp, không có tiền trả tiền nhà, trở thành vô gia cư, lúc đó tha hồ Covid tới làm quen.

Nhìn trẻ con ủ rũ trong nhà, như con gà mắc nước mưa, thật tội nghiệp. Mùa Hè cũng không được vui chơi ở công viên hay bờ biển, suốt ngày quanh quẩn giữa bốn bức tường, giống như tù giam lỏng.

Hy vọng năm 2021 Covid sẽ cao bay xa chạy, cho nhân loại nhờ.

Lại Thị Mơ