3. Tranh biếm họa

III. Tranh biếm họa (caricature)

Ông bà mình thường nói: “Cười là một liều thuốc bổ”. Những ai không cười hoặc ít cười thì dễ “ốm … o gầy ... cồm” và có thể bį giảm thọ ... 5 phút mỗi ngày (theo nghiên cứu của giới khoa học). Để cho nàng xuân luôn giữ được những nụ cười trên môi, không gì bằng những bức tranh biếm họa hay hí họa, thường là tranh không lời (caricature). Dân Annamite từ xưa đến giờ, tuy chiến tranh triền miên, nhưng luôn sống lạc quan và thường cỏ tính ... “Gì cũng cười”.

Làm việc bù đầu, bù cổ, lâu leu được dỡ các quyển tranh không lời, chuyện tiếu lâm, ... ra xem để cho đời lên hương chút đỉnh, xả bớt những phiền muộn, bực dọc trong cuộc sống hằng ngày và nạp lại năng lượng cho những ngày “tay lắm chân bùn” kế tiếp ...

Xin được giới thiệu phần chót trong bài viết “Sưu tầm, lượm lặt” hôm nay: Tranh biếm họa.

Tranh biếm họa đã có từ Thế Kỷ thứ 16 (Nói có sách, mách có chứng chứ không lại nói tôi sắp quăng pháo Điện Quang toàn hồng - Gò Vấp!)

Đây là một cuốn sách quý, khá đồ sộ và minh họa rất nhiều hình ảnh, không phải vì khó tìm mà vì nó kèm theo một ấn bản biếm họa, in trên giấy đặc biệt với chữ ký “live” của tác giả phía duới bức tranh (chỉ có 100 cuốn có đặc ân này).

Thật tình, đến giờ tôi vẫn chưa có thời gian đọc hết được cuốn sách này, chỉ xem hình là chính, mà nếu có đọc đi nữa cũng không có trình độ và chữ nghĩa để hiểu được hết những gì mà tác giả dã dầy công nghiên cứu, thực hiện và chuyển tải đến độc giả.

Thông qua các bức biếm họa, các tác giả muốn cho người xem phần mặt của “tảng băng chìm” về kinh tế, văn hóa, xã hội và ngay cả về “chính chị, chính em” nữa.

Đây là một vũ khí lợi hại, dù chỉ là một cây bút chì hay cây cọ vẽ, nó có thể làm rung chuyển, thậm chí đào thải một chính khách, lung lay một đảng phái hay đảo chính cả một chính quyền đương thời.

Tôi đã “lượm lặt” được một số sách báo của các bậc thầy trong việc ... “thọc cù léc” thiên hạ qua ý tưởng tranh vẽ (One picture means a thousand words = Một bức tranh thay cho cả ngàn chữ viết).

Chỉ cần nhìn vào tranh rồi ngồi ... bật cười sảng khoái một mình, dù đó là những nụ cười mỉm chi ... cọp, cười tâm phục hay nhiều khi còn là những nụ cười đen! Ở Pháp, có tờ tuần báo Charlie Hebdo với các họa sĩ như Charb, Cabu, Tignous, Wolinski, ... với phần lớn là tranh biếm họa “mặn”, tấn công thẳng các tay to mặt lớn ở nghị trường Pháp và nhiều khi lấn sân, phê phán cả về tôn giáo nữa! Tờ báo này nổi tiếng trên toàn thế giới sau vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo tháng 2 năm 2015.

Tranh biếm họa về chính trị thì có tờ Le Canard enchaîné, chuyên về hậu trường chính trị nước Pháp.

Sau đây là một số các cây bút trong làng tranh biếm họa mà tôi được biết (còn rất nhiều nhưng khả năng hiểu biết còn rất hạn chế trong lãnh vực này, tôi chỉ đưa ra những gì mình biết và ... có được ... sách trong tay).

Ở Việt Nam chắc ai ai cũng biết về Chóe (Nguyễn Hải Chí), Pháp thì có De Noël, Sempes, Serre Dubout, Plantu, ... Sempes đã được vinh danh qua các đồng tiền “lưu niệm” mà chính quyền cho phát hành trong vài năm gần đây (tôi đã mua được bộ này, 10 đồng tiền với giá 10€/đồng).

Thụy Sĩ nhà tôi thì có Chapatte, Burki, Ben, ZEP, Valott, Sjöstedt, Casal, Alex, Bénédicte, Herrmann, ... là những đại diện đương thời.

Sau đây tôi xin được điểm qua một số họa sĩ và một số tác phẩm được trích đoạn (do phải dành chỗ các tiết mục khác trong tờ báo Xuân đang sắp hàng chờ phiên, mong bạn ... xem thông … hiểu dùm).

A. Albert Dubout (1905-1976)

Sinh tại Marseille, Pháp, là một nhà hài hước, nhà điện ảnh, là họa sĩ chuyên vẽ quảng cáo. Ông có lối vẽ 1 đường nét với số lượng nhân vật đông nhưng rất sống động.

Đây cũng là tranh biếm họa tiêu biểu ở đầu Thế Kỷ thứ 20.

B. Claude Serre (1938-1998)

Là một họa sĩ tốt nghiệp Hàn Lâm Viện Pháp, ông từng cộng tác với Plexus, Planète, Hara-Kiri, Lui, Pariscope và La vie électrique.

Ông chuyên vẽ các hí họa về rất nhiều đề tài, lối vẽ của ông rất đặc biệt, tỉ mỉ pha trộn từ viết lông với cách vẽ trên kiếng ...

Tôi xin trích đoạn một số tác phẩm của ông trong các sách đã xuất bản.

a. Vice Compris

Đây là 5 tấm hình thuộc dạng “nóng” trung bình, tôi không dám đưa vào thêm vì sợ ... “lác mắt” hết (vi phạm thuần phong mỹ tục).

Sau đây là bìa sách, nếu các bạn nào muốn tham khảo thêm ...

b. Zoo au Logis

Sau đây là lối vẽ tranh phổ biến của ông.

c. Le Bricolage

d. La Bouffe

e. Le Sport

f. La form Olympic

g. L’automobile

h. Rechute

i. Musique

j. Les Vacances

Xin được trở về với gà nhà ... “phó-mát” (fromage - Thụy Sĩ nổi tiếng với fromage Gruyères đặc trưng). Coi sơ lại thấy bài viết của mình ... dài thườn thượt, sợ quý thầy cô và độc giả ngán ngẩm ... “xù” giữa chừng ... Xuân, nên dù là “chiến hữu ruột”, tôi xin được tóm tắt nhanh-gọn-lẹ phần biếm họa xứ “núi và hồ” (quân pháp bất vị ... ruột).

C. Nhóm họa sỉ Romands (gồm các Tiểu Bang Genève, Vaud, Valais và Fribourg)

Điển hình là Zep, Valott, Sjöstedt, Casal, Alex, Bénédicte, Chapatte được tề tụ trong cùng một trang báo, tưởng niệm các đồng nghiệp sau một ngày biến cố kinh hoàng tại tòa soạn Charlie Hebdo (14/1/2015).

D. Ben (1968- ...)

Tên thật là Benoîte Marchesini, họa sĩ chuyên nghiệp, cộng tác với báo Le Matin, minh họa trong các báo Le Temps, Saturne, ... về tranh châm biếm, trào phúng, chuyên vẽ các áp-phích (Affiches) ...

“Đây là thần tượng, có lấy không?”

E. Herrmann (1958 - ...)

Grérald Herrmann sinh năm 1958, học về Văn Chương trước khi chuyển qua vẽ trên báo. Ông cộng tác trước tiên với Courrier de Genève (1987), biên tập viên tờ Liberté e Fribourg, L’HebdoSonntagszeitung. Hiện ông về tờ Tribune de Genève (tờ báo lớn và có uy tín nhất ở Tiểu Bang Genève). Ông đã cho ra mắt được 5 Albums. Vì mê ông (tài vẽ châm biếm chứ không phải ...) mà hơn 4 năm nay tôi đã, đang và sẽ cắt giữ các tranh và các minh họa của ông trên tờ Tribune de Genève (được cũng “pas mal”). Do thời lượng bài viết, tôi xin được tóm lược các tranh ký họa của ông trong 3 năm gần đây (theo thứ tự thời gian).

1. 3-6 tháng Giêng 2019

2. 30/12/2019- 5/1/2020

3. 4/1/2021 - 6/1/2021

Thay phẩn kết

Tài liệu và hình ảnh tranh châm biếm tôi tóm thâu được khá nhiều. Riêng về Plantu, Sempes, mỗi tác giả tôi có hơn một chục quyển. Chưa kể nhiều cuốn của các nước Mỹ, Anh và ngay cả của “Chú Ba” tôi cũng “lượm lặt” được một vài ... “trự”.

Có lẽ tôi ... ôm đồm quá chăng, trình làng 3 tiết mục liền ... tù tì, làm bài viết đầu đuôi không trót lọt và không mãn ... nhãn?

Nhưng cũng với hy vọng (vớt vác) là qua bài này, sẽ đem đến cho quý thầy cô và bạn đọc bốn phương tám hướng những giờ phút giải trí bổ ích đầu Xuân, cảm nhận được những điều hay, mới lạ là người viết ... mừng húm rồi! Biết rằng trong diễn dàn Khoa Học này, một số quý thầy cô có kiến thức vô cùng ... thâm hậu, viết múa may, lạng quạng hay ... liệng “pháo đại” ... ẩu thì có thể … lãnh cái ... “búa tạ” dễ như chơi! Do cách hành văn và tiết tấu bài viết có phần … quê mùa cục mịch và không ... cụp lạc (lao động chân tay triền miên, có được ... cắn bút ... ngồi “phun châu nhả ngọc”, viết lách gì thường đâu!), nên có sơ xuất gì hay phạm húy đến ai (nói hờ), xin được vui lòng ... miễn trừ và xá lỗi! Những đóng góp ý kiến hay sửa lưng, lộn xin được nói lại: sửa sai, xin liên lạc qua BBT “ca-rê” (“Bà Bộ Trưởng” LC và Ban Biên Tập), xin được lãnh hội và muôn vàn hậu tạ, lộn nữa, xin được cảm tạ.

Cũng nhân dịp này và thay mặt các tác giả góp mặt trong tờ báo Xuân online năm nay, không quên ... “đội ơn” Quan tiền bối cùng BBT “ca-rê” đã không quản ngại công sức và thời gian “rồ máy” chạy hết công suất trong việc “vạch lá tìm sâu”, khảo duyệt, tô điểm, lên khuôn, in ấn, hầu kịp có được tờ báo Xuân đa sắc ... màu và lôi cuốn năm Tân Sửu 2021.

Cùng nắm tay nhau, bước vào xuân mới (dù trời đang băng giá, lạnh cóng xương sườn với tiết cuối đông ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ) dồi đào sức khỏe, an khang và vạn sự kiết tường. Với niềm tin vô song là đại dịch sẽ được đẩy lùi hoàn toàn trong năm. Quý thầy cô và bạn hữu có dịp được tay bắt mặt mừng qua các cuộc Hội Ngộ mini hay “đại trà” sắp tới, để nhóm Ngao Du Khoa Học Sài Gòn được tiếp tục cuộc hành trình thưởng ngoạn đã “lỡ làng” trong hơn năm nay.

Nhóm Xà Bát Hội của tôi gồm thập tứ “Xà Bát La Hán”, quy tụ các tay từng “quậy” một thời, giờ đây đã “hoàn lương” và sống “ta bà” trên mọi miền thế giới. Tuy gặp nhau để “ôn cố tri tân” nhưng không ngừng trao đổi các kiến thức và ... thỉnh thoảng cũng “nổ” tưng bừng khói lửa! (Nổ về sức “bật” và “chiến đấu” như thời hoàng kim). Nghĩ cũng vui, còn gì ngoài cái ... miệng!

Nhóm Xà Bát Hội của tôi cũng đã lên chương trình mừng thọ “hội đồng” U65 trong năm này, khả thi hay không thì còn chờ nàng Cô-Vi định đoạt số phần sắp tới.

Tđ.