Hồi Ký

của Cựu Sinh Viên Đại Học Khoa Học Sài Gòn

Sau khi rớt kỳ thi SPCN ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Đầu tháng Giêng năm 1975, tôi đến Trung Tâm Quân Vụ Thị Trấn (tức Trung Tâm Tuyển Mộ Nhập Ngũ Sài Gòn) để trình diện và nhập ngũ.

Sau đó tất cả chúng tôi được hai xe cam nhông chở vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và ở đó 3 ngày. Chỉ ăn chơi và ngủ, đợi xe đến chở vô Trường Bộ Binh ở Long Thành. Nghe nói đây là một doanh trại cũ của Lực Lượng Mãnh Hổ Đại Hàn, bàn giao lại cho Bộ Quốc Phòng Việt Nam Cộng Hòa.

Ngày đầu tiên đến Long Thành thì bị các Huynh Trưởng khóa trước ra dàn chào và huấn nhục. Chạy, hít đất, bò, nhảy cửa sổ (đột kích) lăn lộn đủ thứ thấy muốn ói và muốn thở hết nổi. Sau đó được đi cắt tóc, phát cho quân trang, quân dụng và một khẩu súng M16 cùng nhiều đạn dược. Buổi chiều, lần đầu được ăn cơm trắng với cá mòi. Toàn xương với xương. May nhờ bà cụ đã làm cho một lon đậu phộng rang, nên ăn chung cũng đỡ ngán. Tối đến, tất cả đều bị bắt dựng lều và ngủ đất ở ngoàì doanh trại.

Mấy ngày sau chúng tôi được phát cho mỗi người một khăn quàng màu tím. Đó là biểu tượng của Trung Đoàn 512, Đại Đội 51, Tiểu Đoàn 5 của mình. Ông Đại Đội Trưởng cùa tôi là Đại Úy Lan. Còn ông Trung Đội Trưởng của tôi là Trung Úy Bé. Và một ông Trung Úy nữa không nhớ tên.

Hình như Đại Đội của tôi là Đại Đội cuối cùng của trường Huấn Luyện Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa. Trước tôi là các Đại Đội Huynh Trưởng như màu đỏ, màu vàng, màu xanh lá cây, màu xanh dương, vân vân... Nghe nói đây là các phi công đang học lái máy bay ở Mỹ, được trả về Việt Nam và đưa qua trường Bộ Binh. Nhờ các anh bất mãn, chúng tôi không bị hành xác nhiều như những khóa trước.

Sau 2 tuần huấn nhục, tập đi đứng, chào và hát quân hành. Chúng tôi bắt đầu đựọc chỉ định đi bộ ra bãi tập mỗi ngày. Chắc cũng khoảng 5 hay 6 cây số. Mỗi ngưới đi cách nhau 10 thước và súng luôn được chỉa vô bờ ruộng. Đây là bài học hành quân đầu tiên.

Chúng tôi được mang súng và đạn đầy đủ, nhưng ra bãi tập không được bắn đạn thiệt. Chỉ được bắn bằng miệng! Tôi tự nhủ, điệu này chắc sắp mất nước.

Rồi một hôm, có một đoàn xe Jeep nhà binh khoảng chừng 7 hay 8 chiếc với lính tráng súng ống đầy đủ, chạy đến doanh trại của mình. Mọi người đều nhốn nháo cả lên. Trên xe Jeep bước xuống là một anh chàng to lớn, râu quay nón và rất đẹp trai. Về sau, tôi được biết đó là Cao Anh Tuấn. Con trai của Đại Tướng Cao Văn Viên. Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.

Lân la làm quen được với một anh trong An Ninh Quân Đội theo bảo vệ Tuấn. Tôi biết được Cao Anh Tuấn lúc đó đang đi du học bên nước Hòa Lan. Trở về Sài Gòn thăm nhà và tự dưng bốc đồng, xé passport và đòi bố phải cho đăng đi lính để giúp nước. Thật là một thanh niên đầy nhiệt huyết và dũng cảm.

Ngày đầu Tuấn đi ra bãi để học. Được xe Jeep chở đi và lên được ngồi uống nước với các sĩ quan Huấn Luyện Viên trên đồi. Hôm sau gặp Tuấn, tôi chê anh ta là con lính kiểng. Không ngờ vì một câu nói, hôm sau thấy Tuấn cũng vác ba lô và súng đi bộ theo chúng tôi ra bãi tập. Tôi bắt đầu ngưỡng mộ anh ta từ đó.

Nhờ tài viết chữ đẹp và vẽ giỏi, tôi được đề cử làm trưởng toán xây dựng một căn nhà chòi nghỉ chân trong vườn Tao Ngộ cho Đại Đội mình. Cũng thỉnh thoảng được gọi lên văn phòng của Tiểu Đoàn Trưởng để viết chữ đẹp, bay bướm cho sổ học bạ và giấy tờ. Nhờ bận việc này, tôi được miễn đi bãi nhiều lần. Được ăn cơm nhà bàn trước các khóa sinh khi đi học bãi trở về trễ.

Sau 2 tháng thụ huấn ở quân trường, tôi được gọi lên văn phòng của Tiểu Đoàn Trưởng để vẽ thiệp mời, gởi cho quan khách và thân nhân đến thăm dự lễ gắn Alpha, hay mình thường gọi là “con cá”.

Chiến sự bắt đầu bùng nổ khắp nơi. Nghe nói Ban Mê Thuật, Kum Tum, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang và nhiều chỗ bắt đầu thất thủ. Dân chúng chạy tản loạn khắp nơi. Mọi người trong chúng tôi rất hoang mang. Nhất là ông Đại Úy Lan, cứ đăm chiêu, lo lắng ra mặt. Nghe nói gia đình vợ con của ông lúc ấy bị kẹt ở ngoài Đà Nẵng (Chuyện này anh Hiển ở Úc biết nhiều hơn).

Mấy hôm sau chúng tôi được lệnh tập hợp để sửa soạn “Tan Hàng”. Một hình thức bỏ của chạy lấy người. Được lệnh chia ra làm nhiều tổ. Mỗi một tổ gồm 3 người. Được phát cho một la bàn và một bản đồ. Tôi lo sợ lắm, vì mấy tháng ở quân trường không có học hành, toàn làm việc hành chánh nhiều, chả biết làm gì cả.

Ngày hôm sau, tôi thấy một đoàn xe Jeep và xe nhà binh giống như lần trước, chạy vô doanh trại của mình. Tôi biết Cao Anh Tuấn sắp sửa được đón về Sài Gòn. Lúc này tôi rất sợ hãi và lo sợ. Buổi trưa đi ra nhà bàn ăn, tôi thấy Tuấn và một nhóm lính đang ngồi ăn trưa và vui đùa. Tôi bước tới gặp Tuấn và nói nhỏ với anh là sao anh lại bỏ tất cả anh em đi về trước, đi ngon lành như vậy, trong khi mọi người sẽ phải lội núi, xuyên rừng để đi. Sẽ có nhiều người gặp nạn, hay nguy hiểm và có thể chết.

Tôi nói anh là con của một Đại Tướng, sao không ra gọi bố cho xe nhà binh lên đón tất cả các anh em về, mà lại bắt phải đi bộ? Tôi nói trong lúc bực mình và chỉ nói chơi cho bớt giận, chứ tôi chả là cái gì cả. Tôi thấy Tuấn ngồi suy nghĩ và tôi bỏ đi.

Ai dè mấy hôm sau ngủ dậy, thấy một đoàn xe cam nhông gồm mấy chục chiếc đã đậu dài trên đường, dọc theo các doanh trại. Họ đã đến đây lặng lẽ trong bóng đêm trong lúc chúng tôi còn đang ngủ. Tôi biết đây là công lao lớn của Cao Anh Tuấn.

Chúng tôi được lệnh bỏ lại tất cả, chỉ mang súng M16, đạn và ba lô để lên xe di tản về trường Bộ Binh Thủ Đức. Về đến Thủ Đức, chúng tôi được đóng trại trong một nhà kho bỏ trống.

Vì phương tiện thiếu thốn và không có máy truyền tin liên lạc, không hiểu sao tôi lại được chỉ định làm Liên Lạc Viên. Nhiệm vụ là mang điện thư, công văn lên và xuống Tiểu Đoàn hay Bộ Chỉ Huy Tư Lệnh. Nhờ chức danh này, tôi được đi lang thang mọi nơi trong trại lúc cần, và không bị tập hợp hay điểm danh như mọi người. Nhiều khi mỏi chân, ghé vô quán cóc bên đường, nhâm nhi ly cà phê và điếu thuốc lá.

Ba tôi làm công chức hành chính cho Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, được lệnh sẵn sàng di tản. Gia đình tôi rất lo sợ vì tôi còn bị kẹt trong lính. Lúc đó, nghe tin đồn nói tạm thời mọi người di tản chạy qua nước Phi Luật Tân. Đợi tình hình chiến sự lắng dịu, sẽ quay về lại Việt Nam sau. Có ngờ đâu, đây là chuyến đi chưa biết ngày trở về.

Nhờ có giao ước với gia đình trước là khi nào nhà di tản, nhớ đánh điện tín cho tôi hay. Chị tôi đã ra Bưu Điện Sài Gòn để đánh điện tín cho tôi xin phép về gấp, lý do mẹ bị tử thương. Tôi đã dặn chị đánh 3 cái vì sợ thất lạc trong lúc lộn xộn này.

Ở đây, gần phi trường Tân Sân Nhứt. Máy bay lên xuống ầm ầm suốt ngày. Nhìn thấy lại càng nóng ruột, vì tôi biết mọi người đang bắt đầu di tản. Trong số đó, có thể có gia đình tôi.

Mấy hôm sau tôi đuợc gọi lên văn phòng để nhận 2 điện tín. Như vậy là thất lạc một cái. Tôi vội vàng làm giấy tờ xin phép về đưa đám tang mẹ. Giấy tờ lên đến Tiểu Đoàn đi theo thủ tục hành chánh, nên bị trễ một ngày. Giấy mất giá trị vì ngày đề xin nghỉ đã quá hạn.

Lấy kinh nghiệm lần đó. Tôi đích thân tự làm giấy tờ và tự mang tay đệ trình giấy tờ xin từng chữ ký. Ông Đại Úy Lan ký trước. Sau đó đến ông Tiểu Đoàn Trưởng ký và cuối cùng, lên tới Bộ Chỉ Huy đúng ngày.

Ngày 26 tháng 4 tôi được giấy phép xuất trại lúc 1 giờ trưa. Lúc lên Bộ Chỉ Huy, ông Tùy Phái đưa giấy phép cho tôi và nói chỉ có 10 người được ký giấy đi phép trong số hơn 300 tờ đơn đã nộp hôm qua. Gia đình mình nghèo, bố mẹ làm công chức và không có quen lớn trong nhà binh, chả hiểu sao lại được ký! Kỳ lạ lắm.

Đi xe ôm từ trường Bộ Binh Thủ Đức ra đến đường chính Xa Lộ Biên Hòa. Từ đó đáp xe đò về Sài Gòn. Khi đến cầu Hàng Xanh thì xe đò bị Cảnh Sát và Quân Cảnh chận lại. Họ lên xe khám giấy tờ để bắt lính đào ngũ. Không biết sao anh quân cảnh đi ngang qua, nhìn mặt mình (lúc đó đang mặc đồ lính sinh viên sĩ quan) mà lại không hỏi giấy tờ, thât là kỳ lạ!

Về đến nhà thì được biết cả gia đình mình đã đi ra phi trường Tân Sân Nhứt từ khi có lệnh di tản. Trong nhà chỉ còn có ông chú và bà cô cùng mấy đứa em ở lại coi nhà. Hôm sau nghe nói đã đánh nhau đến cầu Xa Lộ Hàng Xanh. Tôi về nhà thật đúng lúc.

Đến ngày 29 tháng 4 thì Đài Phát Thanh Sài Gòn nói thành phố Sài Gòn bị giới nghiêm 24/24 và sau đó, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu lên đọc trên đài phát thanh yêu cầu tất cả người Mỹ phải rời khỏi nước Việt Nam trong vòng 24 tiếng.

Tình hình càng hỗn loạn. Đang đứng trước cửa vì thấy sao giới nghiêm mà xe cộ chạy nhiều quá? Chợt ông hàng xóm bên cạnh nhà mình, chạy sang hỏi có muốn lên xe truck để ổng chở quá giang ra Tòa Đai Sứ Mỹ không? Còn vợ chồng ổng chạy ra bến Bạch Đằng để đi tàu. Nhanh chóng mang theo mỗi người một xách tay, chúng tôi đến đằng sau của Tòa Đại Sứ Mỹ, đường Hồng Thập Tự.

Tôi đứng ở cạnh cửa nhỏ bên hông Tòa Đại Sứ Mỹ cả tiếng mà vô vọng. Đột nhiên có một gia đình Việt được một người Mỹ dẫn đến. Tất cả lần lượt đều được cho vào bên trong. Đột nhiên một bà cụ già đi cuối cùng, chẳng may bị lọt lại ra ngoài vì chậm chân. Cô tôi đang đứng đó và thời cơ đã đến. Cô tôi vội vàng nhanh trí đỡ bà cụ dìu vào bên trong. Ông Mỹ to lớn giữ cửa thấy vậy ngoắc cho vô (nên nhớ người Mỹ rất kính trọng các ông bà cụ già). Các em tôi, chú tôi và tôi thấy vậy lần lượt luồn qua cánh tay của ông Mỹ để chui vào bên trong. Chuyện kể lâu nhưng xảy ra rất là nhanh. Sau chú tôi thì cánh cửa được đóng lại. Vào đến bên trong rồi mà tim tôi cứ đập thình thịch. Tưởng chừng như trong một giấc mơ.

Tối hôm đó, hàng loạt máy bay trực thăng Chinook từ Đệ Thất Hạm Đội đang chờ đợi ngoài khơi Viêt Nam bay vô, bốc từng đám người ra ngoài biển Vũng Tàu cách đó hình như khoảng 200 km. Ngồi trên máy bay buổi tối, nhìn qua cửa kính thấy nhiều đám cháy bên dưới, mà lòng buồn thật rười rượi và cũng hồi hộp. Nghe nói người Mỹ sau này bỏ lại một số ngưới vì đã hết giờ.

Khoảng hai tiếng sau, máy bay đáp xuống một tàu Hàng Không Mẫu Hạm. Cả đoàn người chúng tôi được đi qua cửa phun thuốc khử trùng trắng xóa. Mọi người sau đó được dẫn vào nằm bên trong sàn tàu. Vì tàu chứa cả mấy ngàn dân tị nạn, buổi sáng dậy đi tiểu lúc 7 giờ, đến phòng vệ sinh là 1 giờ trưa. Đứng xếp hàng để lấy đồ ăn cũng gian nan vì hàng quá dài. Đi ăn sáng thành ăn chiều. Ăn chiều thành ăn sáng.

Một cuộc di tản thật là dễ dàng đến ngạc nhiên vô cùng. Tàu lênh đênh trên biển khoảng một tuần. Khi đến Phi Luật Tân, họ chọn lọc, phát quần áo mới và chở máy bay C130 đưa sang đảo Guam. Ở Guam 2 tuần, tôi gởi tin nhắn cho gia đình qua Hội Hồng Thập Tự nhưng không chút hy vọng gì cả. Vài ngày sau, được máy bay chở sang trại tị nạn Fort Chaffee ở Tiểu Bang Arkansas. Chuyến bay đêm đến đây trễ, tôi vội vàng xếp hàng đi nhà bàn ăn tối vì đói quá. Tự dưng lại gặp được cô em gái cũng đang đứng xếp hàng. Thật là một sự bất ngờ và đầy ngạc nhiên. Ăn tối nhanh xong, em gái dẫn tôi về gặp lại được bố mẹ và các anh chị em mà tưởng chừng như sẽ không bao giờ gặp lại. Thật là sự trùng phùng kỳ lạ như có sự sắp đặt trước!

Khi ở trại tị nạn, tôi tình cờ gặp lại Cao Anh Tuấn. Cả hai đều mừng rỡ vô cùng. Tuấn kể chuyện cũ. Nói hôm đó, sau câu nói của tôi, buổi tối Tuấn gọi điện thoại về cho ông bố. Nói không chịu lên xe đi về Sài Gòn, nếu bố không chịu mang xe cam nhông đến để chở mọi người cùng di tản. Ông bố chịu thua và nhờ đó, chúng tôi về đến quân trường Thủ Đức bình an. Chuyện bí mật này, chỉ có tôi và Tuấn biết.

Gia đình chúng tôi sau đó được người bảo trợ bảo lãnh và định cư ở Tiểu Bang California cho đến bây giờ.

Bẵng đi một thời gian, nghe nói mười mấy năm sau Tuấn mất ở New York. Không biết vì lý do gì? Và bố của Tuấn, Đại Tướng Cao Văn Viên, cũng mất vài năm sau đó. Xin thắp một nén nhang cho một người bạn thật tốt đã khuất, và một Đại Tướng đáng kính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

.

Chuyện dài dòng và chỉ vắn tắt ở đây, để nhớ lại ngày này của 46 năm trước. Số tôi thật là may mắn hơn rất nhiều người. Nếu kẹt ở lại, thì chắc cũng đã đi cải tạo vùng kinh tế mới cùng với các bạn, và cũng không biết đời sống sau này ra sao?

Phan Dũng Tiến

San Jose

Ngày 18 tháng Giêng năm 2021