Nhà hiền triết Hy Lạp Socrates (470-399 BC) là triết gia về luân lý (moral philosopher) đầu tiên và nổi tiếng nhất trên thế giới. Socrates xấu trai nhưng rất thông minh, rất chịu khó học hỏi, và rất dũng cảm khi chiến đấu như một người lính trên chiến trường. Socrates đã cứu sống danh tướng Athens là Alcibiades trong trận chiến Potiadea, sau đó Alcibiades quá kính phục sự dũng cảm và óc thông thái của Socrates nên đã bái ông làm thầy. Không ham tiền bạc danh vọng, không cúi đầu trước kẻ quyền thế, không quan tâm đến những nhu cầu vật chất, không sợ khổ và không sợ chết, Socrates giống như đến từ một hành tinh khác với mục đích là học hỏi về loài người.

Hình 1: Socrates và vợ ông.

Socrates không viết sách, những gì ông nói và thảo luận được ghi lại bởi môn đồ nổi danh của ông là Plato và đệ tử xuất sắc của Plato là Aristotle. Plato chắc chắn đã lý tưởng hóa Socrates và thêm thắt nhiều ý tưởng của ông khi viết về Socrates chứ không phải Socrates thực sự nói ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Socrates trên những tư tưởng của Plato là thực sự sâu rộng và là nền tảng của sự phát triển triết học Tây phương sau này.

Một người như Socrates không phải là một chủ gia đình tốt và có trách nhiệm. Vợ Socrates rất bất mãn vì ông không chịu dùng trí thông minh để kiếm tiền mà chỉ thích học hỏi và triết lý, khiến cho bà phải kiếm sống bằng nghề giặt đồ thuê cho những gia đình giàu có. Có lần Socrates đang ngồi suy tư, bà đã đổ nước lạnh vào gáy ông, chắc là muốn làm cho ông tỉnh trí đừng suy nghĩ điên khùng nữa. Nếu Socrates may mắn lấy được vợ gia đình khá giả thì không đến nỗi nào, nhưng ông đã lấy vợ nghèo mà không lo được cho vợ thì vợ ông bất mãn như vậy là chuyện bình thường.

Khi Socrates nghe lời tiên tri của Oracle of Delphi nói rằng ông là người khôn ngoan nhất Athens, ông không tin vì tự thấy sự hiểu biết của mình quá thấp kém. Để bác bỏ lời tiên tri này, Socrates đã đến đối thoại với những chính khách, thi sĩ, triết gia nổi tiếng để tìm những người khôn ngoan hơn ông. Socrates chưng hửng khi nhận ra những người ông tiếp xúc tự cho là thông thái nhưng thực sự họ hiểu biết rất ít, vì vậy ông kết luận rằng chỉ có một mình ông tự biết mình thiếu khôn ngoan cho nên tương đối khôn ngoan hơn những người tự cho mình tài giỏi. Một câu nói nổi tiếng của Socrates là “What I do not know, I do not think I know” (Những điều tôi không biết, tôi không nghĩ rằng mình biết). Câu này giống như khái niệm “Bất tri vi bất tri” của Nho giáo, nhưng thường bị hiểu sai lạc là “I know that I know nothing” (Tôi biết là mình không biết gì cả).

Sự “khôn ngoan nghịch lý” (paradoxical wisdom) của Socrates đã khiến cho những người đối thoại với ông rất tức giận vì bị coi thường, sau đó Socrates có vô số kẻ thù trong giới quyền thế ở Athens. Vì Socrates luôn luôn hành động theo lương tâm bất chấp các nhu cầu chính trị, những kẻ thù của ông dễ dàng tìm cơ hội để tấn công ông. Socrates có nhiều người ngưỡng mộ, nhưng đệ tử ruột của ông là Plato chỉ là một triết gia không có quyền thế, còn một đệ tử quan trọng khác là tướng Alcibiades lúc đó đang bị lưu đày. Sau khi Athens bị thua trận trước liên minh Sparta, giới cầm quyền Athens muốn tìm vật hy sinh (scapegoat) cho nên buộc tội Socrates đã làm suy đồi giới trẻ ở Athens, đồng thời buộc tội ông dám khinh thường các vị thần Hy Lạp. Socrates bị kết án tử hình bằng cách cho uống một loại thuốc độc là hemlock. Socrates chấp nhận án, không chịu đi trốn theo đề nghị của những người muốn giúp ông, thản nhiên uống thuốc độc và chỉ yêu cầu che mặt ông sau khi uống thuốc.

Có tài liệu viết rằng những kẻ thù của Socrates thực ra không muốn giết ông, họ đề nghị án tử hình chỉ để buộc ông phải bỏ một số quan điểm chống lại họ, nhưng không ngờ ông nhất định chấp nhận chết chứ không thay đổi ý kiến. Có người trách Socrates được tiếng là khôn ngoan, tại sao không biết tự biện hộ, lại quá cố chấp không chịu thỏa hiệp để giữ mạng sống. Có lẽ vì lúc đó Socrates đã 70 tuổi, ông cảm thấy không còn gì để học hỏi thêm, sức khỏe đã suy yếu và cuộc sống gia đình không hạnh phúc, cho nên ông thấy đã đến lúc mình nên ra đi.

Tại Việt Nam thời Thế Kỷ thứ 15 xuất hiện một tài năng kiệt xuất là Nguyễn Trãi, vừa có mưu lược quân sự vừa biết áp dụng tâm lý chiến, vừa có khí phách sĩ phu vừa làm thơ hay không kém các thi hào đời Đường. Giống trường hợp Socrates, bản chất kẻ sĩ sống theo lương tâm của Nguyễn Trãi không hợp với thế tục, cho nên trong triều đình ông không có bạn mà chỉ có kẻ thù. Người bạn tri kỷ mà ông làm thơ tặng “Đồng vi thiên lý khách, câu độc sổ hàng thư” không có tên trong lịch sử, có lẽ chỉ là một ẩn sĩ.

Hình 2: Nguyễn Trãi theo một bức vẽ, có thể không giống ông ngoài đời thật.

Lê Lợi nghi kỵ công thần, giết Trần Nguyên Hãn và có lần hạ ngục Nguyễn Trãi. Mặc dù Lê Lợi biết Nguyễn Trãi trung thành và thanh liêm chính trực, ông vẫn muốn hạ uy tín Nguyễn Trãi cho chắc ăn không sợ Nguyễn Trãi mưu phản. Khi sắp chết, Lê Lợi có lẽ hối hận nên đã dặn thái tử có việc quan trọng thì phải hỏi Nguyễn Trãi. Nhưng sự chèn ép của Lê Lợi đã làm Nguyễn Trãi bị cô lập, không còn thế lực để giúp dân giúp nước theo lý tưởng của ông.

Lê Thái Tông lên kế vị lúc còn trẻ, không đủ uy thế để trấn áp cựu thần của Lê Lợi. Khi cần từ chối đòi hỏi của bọn quyền thần thì vua bán cái cho Nguyễn Trãi: “Xưa tiên đế dặn Trẫm có việc quan trọng phải hỏi Nguyễn tướng công, nay để Trẫm bàn với ông ấy rồi mới quyết định ...” Điều này làm bọn quyền thần rất căm thù Nguyễn Trãi. Có lần vua gọi Nguyễn Trãi về làm Hành Khiển, chức vụ cao nhưng không có thực quyền. Một người thân cận Nguyễn Trãi vì cãi nhau với một thái giám mà bị tội thích chữ vào mặt, Nguyễn Trãi không can thiệp được. Chán nản, ông lại cáo lão từ quan về Côn Sơn.

Vua thỉnh thoảng đến thăm Nguyễn Trãi, vẫn là muốn lợi dụng ông và để gần gũi Thị Lộ người thiếp yêu của ông. Điều này làm Thị Lộ có vẻ coi thường ông. Theo một giai thoại trong Công Dư Tiệp Ký, có lần nghe Nguyễn Trãi nói “Đại trượng phu miễn đại trượng phu chí” Thị Lộ đã ứng khẩu đối “Nhi nữ tử phi nhi nữ tử tình” (Đại trương phu gắng chí đại trượng phu, người nhi nữ không có tình nhi nữ).

Tuổi già của Nguyễn Trãi quả thực rất đáng thương. Ông có quá nhiều kẻ thù trong triều đình, chỗ dựa duy nhất của Nguyễn Trãi là một ông vua trẻ ham vui và chỉ muốn lợi dụng danh tiếng của ông để đối phó với bọn quyền thần. Cái chết đột ngột của Lê Thái Tông khi ghé thăm Nguyễn Trãi (có thể là do ám hại) làm kết cục bi thảm của Nguyễn Trãi không thể tránh được. Tâm sự anh hùng thất thế đã bộc lộ qua bài thơ tự thán của ông:

Chiếc thuyền lơ lửng ven sông,

Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay?

Chắc gì thiên hạ đời nay,

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao.

Đã buồn vì trận mưa rào,

Lại đau vì nỗi ào ào gió đông.

Hoa trôi nước chảy theo dòng,

Chiếc thuyền hờ hững bên sông một mình.

I feel myself like a boat drifting in mid-stream

Without knowing to whom I can confide my heart.

In the present world everything's unstable,

Yet national affairs still disturb my dream.

Already downcast because of the sudden shower,

I feel painful as eastern winds blow incessantly.

The fallen flowers are driven along the river

In which my boat keeps floating lonely, lonely.

(Translated by K. Pham)

Thời Thế Kỷ thứ 19, nước Nga có hai thiên tài văn chương là Lev Tolstoy và Fyodor Dostoevsky. Tolstoy là quý tộc giàu có còn Dostoevsky có cha là bác sĩ, được coi tương đương với quý tộc cấp dưới. Dostoevsky học kỹ sư và trở thành một sĩ quan công binh, nhưng sở thích của ông là viết văn. Khi Dostoevsky xuất bản tác phẩm đầu tay Những Kẻ Đáng Thương, ông được xem là một nhà văn trẻ đầy triển vọng, nhưng sau đó Dostoevsky bị bắt và bị kết án tử hình vì gia nhập một hội kín truyền bá những tư tưởng cấp tiến. Nga Hoàng Nicholas I quyết định tha tội chết cho ông, nhưng để đến phút chót khi ông đã bị bịt mắt sắp bị treo cổ mới cho đọc lệnh tha, giảm án tử hình xuống còn án tù khổ sai 4 năm ở Siberia, khi mãn hạn phải làm lính chứ không được làm sĩ quan như trước.

Thời gian làm tù nhân, Dostoevsky phải sống chung với những người tù gốc nông dân có án giết người hoặc tham gia nổi loạn. Những nông dân này biết Dostoevsky có tâm địa tốt, nhưng họ rất khinh ông vì thấy ông khờ khạo vô tích sự, nếu ở trong môi trường khắc nghiệt của họ thì không thể sống sót. Về phần Dostoevsky thì mấy năm tù đày rất gian khổ, ông bị chứng động kinh và khi ở tù bệnh còn nặng hơn. Tuy nhiên, nhờ ở tù mà ông có nhiều kinh nghiệm sống cần thiết cho sự nghiệp viết văn của ông.

Sau khi mãn hạn tù Dostoevsky phải ở lại Siberia làm lính, nhờ có danh tiếng nhà văn nên ông được giúp đỡ và được nhiều gia đình mời đến chơi. Vợ một sĩ quan tên là Maria Dmitrievna tiếp đãi ông tử tế, vì thương hại một văn sĩ ngây thơ chứ không phải vì bà yêu mến ông. Tuy nhiên, Dostoevsky vì thiếu vắng đàn bà lâu ngày nên đã yêu Maria say đắm. Khi chồng Maria chết, bà không còn nơi nương tựa nên nhận lời kết hôn với Dostoevsky. Đêm tân hôn, ông lên cơn động kinh bất tỉnh sùi bọt mép làm Maria rất kinh hãi.

Là đàn bà thực tế, Maria không quan tâm đến thiên tài văn chương của Dostoevsky, bà rất buồn khi phải nương tựa một người đàn ông vừa có bệnh động kinh vừa không có bản lãnh đương đầu cuộc sống. Dostoevsky còn mê chơi casino, đây là phản ứng thường thấy của những người túng quẫn mong gặp “vận may” để đổi đời, nhưng thường là lún sâu thêm vào nợ nần chồng chất. Hôn nhân của Dostoevsky không có hạnh phúc, bảy năm sau (1864) Maria chết vì bệnh lao, để lại đứa con riêng cho Dostoevsky cấp dưỡng. Cùng năm đó, anh của Dostoevsky là Mikhail cũng bị bệnh chết. Lúc trước, khi Dostoevsky bị tù ở Siberia phải lao động nặng và ăn uống thiếu thốn, Mikhail đã cố gắng xoay xở gởi tiền thăm nuôi cho nên Dostoyevsky mới có tiền mua thêm thịt ăn và sống sót. Bây giờ Mikhail đã mất, Dostoevsky thấy mình có trách nhiệm giúp người chị dâu góa bụa. Hai gánh nặng cấp dưỡng đè lên đôi vai gầy của Dostoevsky, một thiên tài nghệ thuật nhưng rất ngây thơ và dễ bị lường gạt trong cuộc sống.

Dostoevsky chỉ biết kiếm tiền bằng ngòi bút chứ không biết làm gì khác, cho nên ông phải cố gắng viết sách và viết báo liên tục, đồng thời yêu cầu nhà xuất bản ứng trước tiền cho những sách sắp viết. Một nhà xuất bản tên Stellovsky đề nghị ứng cho ông 3,000 rubles với điều kiện được in lại miễn phí tất cả những gì Dostoevsky đã viết, và Dostoevsky còn phải giao thêm một tác phẩm mới trước ngày 01-11-1866, nếu không giao thì Stellovsky có độc quyền in miễn phí tất cả những gì Dostoevsky sẽ viết trong 9 năm. Vừa khờ dại vừa túng thiếu, Dostoevsky đã chấp nhận đề nghị này, và cho tới tháng 10 năm 1866, chỉ còn 1 tháng nữa là tới hạn phải giao tác phẩm mới cho Stellovsky, ông chỉ mới đang nghĩ cốt truyện chứ chưa bắt đầu viết chữ nào!

Một người bạn đề nghị Dostoevsky đọc truyện cho một người tốc ký viết, ông đồng ý vì đó là cách duy nhất để hoàn tất một truyện dài trong vài tuần. Người tốc ký là một cô gái 20 tuổi tên Anna Snitkina vừa ra trường, cô rất thích thú vì được hành nghề lần đầu và làm việc với một văn sĩ cô ái mộ. Tuy nhiên, lần gặp gỡ đầu tiên làm Anna rất thất vọng. Dostoyevsky nhìn vừa già nua vừa cáu kỉnh, khi đọc thử vài đoạn cho Anna viết thì ông đọc quá nhanh làm cô viết không kịp, rồi chê bai cô làm Anna tức muốn khóc. Về nhà mẹ hỏi, Anna lắc đầu, “Thôi mẹ ơi, đừng bao giờ hỏi con về cái ông Dostoevsky này nữa!”

Hôm sau Anna tới làm việc thì Dostoevsky dễ thương và cởi mở hơn – ngày đầu tiên ông bị căng thẳng cho nên trở thành cục cằn khó chịu. Công việc tiến triển tốt đẹp, Dostoevsky thích tâm sự với Anna và tình cảm giữa hai người từ từ phát sinh. Dostoevsky muốn ngỏ ý với Anna, nhưng ông do dự - ông đã 45 tuổi trong khi Anna mới 20. Thời đó tuổi thọ bình quân của đàn ông không tới 50, cho nên tuổi 45 như Dostoevsky có thể coi như gần đất xa trời, nhất là ông lại có bệnh động kinh. Về phần Anna, cô biết Dostoevsky yêu cô, nhưng cô cũng ngại vấn đề tuổi tác và sợ bệnh động kinh của ông cho nên chưa biết phải quyết định ra sao nếu Dostoevsky cầu hôn. Tuy nhiên, tình cảm của Anna đối với Dostoevsky ngày càng sâu đậm, cho nên cô nghe theo trái tim của mình chứ không theo lý trí nữa.

Sau khi cùng với Anna hoàn tất tác phẩm Con Bạc và giao nộp đúng kỳ hạn, Dostoevsky đến thăm Anna và đề nghị Anna tiếp tục làm việc với ông. Ông muốn hỏi ý kiến Anna về đề tài ông sắp viết vì có liên quan đến “tâm lý thiếu nữ.” Đó là chuyện một văn sĩ già trước tuổi và có một bàn tay bị tê liệt, có tài năng nhưng thất bại trong cuộc sống và rất đau khổ vì sự vô dụng của mình. Nhân vật chính của Dostoevsky gặp một thiếu nữ trẻ tên “Anya” là người dịu dàng, khôn ngoan và giỏi giao thiệp. Mặc dù rất yêu cô, ông không dám ngỏ lời, vì làm sao mà đòi hỏi Anya phải chấp nhận một sự “hy sinh khủng khiếp” là kết hôn với một người già nua bệnh tật? Kể xong, Dostoevsky muốn xin “ý kiến phụ nữ” của Anna đề viết tiếp: Có thể nào một thiếu nữ trẻ yêu được một người như vậy và chấp nhận kết hôn với người đó?

Nghe Dostoevsky hỏi ý kiến, Anna hiểu ngay ông muốn gì. Cô trả lời, “Tại sao điều đó là không thể được? Tại sao lại là sự hy sinh? Nếu Anya thật lòng yêu người văn sĩ, cô cũng có niềm vui, và sẽ không bao giờ hối hận!” Được lời như cởi tấm lòng, Dostoevsky bèn hỏi tiếp, “Giả sử như… văn sĩ đó là tôi… Tôi nói tôi yêu em và muốn em làm vợ tôi. Em sẽ trả lời ra sao?” Anna nhìn khuôn mặt lo lắng khổ sở của Dostoevsky và cười rất tươi, “Em trả lời là em yêu anh và sẽ yêu anh trọn đời.”

Hình 3: Dostoevsky và Anna, vợ thứ hai của ông. Anna không có hình lúc kết hôn, hình này không rõ Anna chụp năm nào.

Anna xuất thân trong gia đình khá giả, cha Anna trước khi mất đã lo cho Anna có một căn nhà riêng cùng với một số tiền và nữ trang làm vốn. Bản tính dịu dàng nhưng cương quyết và thích tự lập, Anna quyết định giúp chồng làm nên sự nghiệp, nhưng bà phải đối diện những thử thách rất lớn. Dostoevsky vẫn mê casino không bỏ được, làm Anna phải bán và cầm cố nhiều nữ trang, sau đó phải bán luôn căn nhà cha để lại và đi ở thuê. Dostoevsky rất ân hận vì làm mất nhiều tiền của Anna nhưng bà không hề trách ông. Có lần thấy Dostoevsky cố gắng “cai nghiện” casino nhưng quá bứt rứt không thể viết gì được, bà lại đề nghị Dostoevsky thỉnh thoảng chơi casino cũng không sao.

Sau cùng, sự nhẫn nại và tình thương vô bờ bến của Anna đã có kết quả. Dostoevsky bỏ được casino, đồng thời chú trọng hơn việc viết văn. Thấy chồng quá khờ khạo để cho các nhà xuất bản bóc lột, bà tự đứng ra xuất bản sách của chồng và quản lý tài chánh gia đình. Chẳng bao lâu Anna mua được nhà mới đồng thời quán xuyến việc nhà và nuôi dạy các con, tạo điều kiện cho Dostoevsky sống thảnh thơi để hoàn tất cuốn Anh Em Karamazov, tác phẩm quan trọng nhất của ông và là một kiệt tác có một không hai trong văn chương thế giới.

Cuộc đời Dostoevsky nhiều đau khổ, nhưng ông đã có may mắn đặc biệt khi gặp Anna, nói theo người Hoa thì đó là gặp được một hồng nhan tri kỷ. Có phải là định mệnh sắp đặt để Anna đến với Dostoevsky và giúp ông cống hiến một kiệt tác cho nhân loại, hay đó chỉ là một sự may mắn ngẫu nhiên? Không ai biết chắc, nhưng có một điều chắc chắn: Không có Anna thì Dostoevsky sẽ chết sớm vì cô đơn túng quẫn và làm việc quá sức, và sẽ không có cuốn Anh Em Karamazov để cho hậu thế học hỏi và suy nghĩ về tâm lý con người. Anna cũng là một minh chứng hùng hồn cho nhận xét “Đằng sau mỗi vĩ nhân đều có bóng dáng một phụ nữ.”

Nói chung, các thiên tài thường không ham tiền và không theo thế tục, và thiếu bản lãnh để đương đầu cuộc sống hoặc để đối phó với những kẻ thù có quyền thế. Có những thiên tài xấu số như Socrates hoặc Nguyễn Trãi, có thiên tài khốn khổ như Dostoevsky nhưng Trời còn thương cho gặp hồng nhan tri kỷ, có thiên tài may mắn như Einstein, di cư sớm qua Mỹ và nhờ đó thoát chết trong phòng hơi ngạt của Đức Quốc Xã. Theo Nguyễn Du thì “Chữ tài liền với chữ tai một vần”“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.” Tuy nhiên thời thế bây giờ đã thay đổi, như người Việt nói thời nay không còn “hồng nhan bạc phận” nữa mà chỉ có “hồng nhan bạc tỷ,” làm supermodel hoặc hoa hậu vừa có tiền vừa có danh và dễ lấy chồng đại gia. Còn những tài năng kiệt xuất nhưng không cúi đầu trước quyền thế thì vẫn dễ bị hãm hại trong những nước độc tài đảng trị, nhưng họ thường có nhiều cơ hội thành công và có thể sống bình yên ở những nước dân chủ Tây phương.