Trời California mỗi ngày một nóng thêm, nhiệt độ tăng dần theo mùa hạ, cả quận hạt ở Quận Cam chỉ có vài cây phượng vĩ màu đỏ của người Việt Nam. Khó khăn lắm mới trồng được một cây đến lớn để trổ bông. Phần nhiều phượng vĩ ở Mỹ có màu tím, cũng đẹp như phượng đỏ, nhưng trong sâu thẳm tận đáy lòng, người Việt xa xứ vẫn yêu màu phượng đỏ như yêu chính tuổi thơ của mình.

Hoa phượng đã gắn liền vào màu áo trắng tuổi học trò, gắn liền với màu mực tím trong lưu bút ngày xanh. Hôm nay tháng Sáu lại về, gợi lại trong lòng nỗi nhớ những ngày còn đi học, ngày chia tay bạn bè trong dịp hè, ngày chuẩn bị những cuộc thi đầy khó khăn cần phải vượt qua.

Khi còn là học sinh đệ nhất cấp Trung Học Hồng Ngự, tôi mơ có một lần được đặt chân vào trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa, Châu Đốc. Tỉnh lỵ này có nhiều trường trung học, nhưng hầu hết là trường tư thục hay bán công, chỉ có một trường công lập duy nhất là Thủ Khoa Nghĩa. Muốn vào học trường này phải thi, hoặc thi tuyển vào năm Đệ Thất (Lớp 6), hoặc thi vào Đệ Tam (Lớp Mười), hay đã đậu được Tú Tài Một (Tú Tài Bán Phần). Trường nhận học sinh rất giới hạn.

Rồi giấc mơ cũng đã đến với tôi. Ngày đầu tiên, được đeo phù hiệu của trường, gắn trên chiếc áo cụt tay màu trắng, tôi thấy mình lớn hẳn, chững chạc hơn, luôn giữ nết sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý của nhà trường. Phần đông giáo sư dạy ở đây đều tốt nghiệp trường Đaị Học Sư Phạm Sài Gòn. Nhiều vị đi dạy, gần như không cần sách giáo khoa, vào lớp là dạy ngay, giảng đến đâu minh họa bằng hình ảnh đến đó. Sau bài giảng gần như cả lớp đã thuộc bài. Hầu hết những giáo sư về tỉnh tốt nghiệp loại trung bình, những vị giỏi hơn ra trường đậu thứ hạng cao được chọn ở lại Sài Gòn hay các thành phố lớn.

Các cuộc thi Tú Tài Một và Tú Tài Hai rất khó, nên trường có năm kết quả đậu cũng chỉ vài chục phần trăm. Riêng Tú Tài Hai được tổ chức thi hai kỳ, mỗi kỳ cách nhau hơn một tháng. Kỳ hai dành cho thí sinh rớt kỳ thứ nhất. Toàn quốc năm tôi thi 1971, cộng lại cả hai kỳ, thí sinh đậu Tú Tài Hai cũng chỉ có bảy phần trăm, tôi may mắn được vượt qua ngay kỳ thi đợt một.

Năm thi Tú Tài Một, 1970. Chung nhà trọ với tôi có thêm hai người bạn. Gần ngày thi, chúng tôi đến Long Xuyên mướn một phòng khách sạn. Cuộc thi kéo dài khoảng năm ngày, chúng tôi ra về và hẹn hai tuần sau cùng tới để xem kết quả cuộc thi. Đến trường Thoại Ngọc Hầu, Thị Xã Long Xuyên vào buổi sáng, một giờ chiều, kết quả thi được vị Giám Thị treo lên, ba đứa chen nhau đến gần tấm bảng để dò tên, kết quả không như ý, hai bạn còn lại buồn thiu.

Tôi định lên xe sẽ dùng lời an ủi hai người bạn kém may mắn hơn mình, nhưng xe chạy chừng hơn năm phút tôi bị say xe ói tới mật xanh, cuối cùng hai bạn lại phải chăm sóc tôi trên suốt đoạn đường. Hậu quả việc thi rớt kỳ thi Tú Tài Một, hai bạn phải lên đường nhập ngũ, học khóa Hạ Sĩ Quan sáu tháng, ra trường với cấp bậc Trung Sĩ, nên ngày đó có câu “Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ”. May mắn thay các bạn được về ngành chuyên môn, nên bình an cho đến khi kết thúc chiến tranh.

Năm học cuối cấp lớp Mười Hai (1970-1971), đây là lớp sau cùng của bậc trung học, kỳ thi Tú Tài phần hai, bắt đầu đã chớm mùa chia ly, sau nầy ít có khi hoặc không bao giờ gặp lại. Một người bạn cùng lớp, có tên đẹp, trùng với tên Hoa Phượng, chúng tôi đã từng hứa hẹn sau cuộc thi sẽ vào học Sư Phạm, chấp nhận đời sống khó khăn nhưng an toàn, bình yên đứng trên bục giảng. Không may, cô không vượt qua kỳ thi khó khăn này, và chính tôi đã quên lời hứa của mình, bỏ lại sân trường một cánh phượng, nỗi ray rứt khôn cùng khi biết sau nầy Phượng vẫn giữ đúng lời hứa, về trường cũ làm cô giáo, đến lớp mỗi ngày, hướng dẫn các em, sống phải có lý tưởng và trung thành với những gì mình đã hứa.

Tương lai mỗi người mỗi khác, dù đã định trước cho mình một hướng đi, nhưng dòng chảy của xã hội, đã đưa đẩy mỗi người qua một lối rẽ, cho đến khi đi gần hết đoạn đời, quay đầu nhìn lại mới thấy được sự rủi may luôn hiện diện trong cuộc sống của từng người.

Hằng năm cứ vào tháng Sáu, nhắc nhở mọi người, những ai đã từng cắp sách đến trường, mùa hè đã đến, cây phượng vĩ giữa sân trường chắc đã trổ bông, lớp học cuối cùng của thời Trung Học, đến nay không biết còn lại được mấy người. Cho dù thành công hay thất bại, cho dù cuộc sống có phũ phàng, cay đắng, thì phượng vẫn nở bông đúng mùa hè, sân trường chỉ còn là nỗi nhớ trong tôi, mọi thứ rồi cũng đi vào quên lãng, những ai còn nhớ quá nhiều, có lẽ tự làm khổ chính mình.

Dăm ba chuyện tình thời đi học

Đong đầy kỷ niệm tuổi thư sinh

Chia tay năm ấy không gặp lại

Hoa phượng bây giờ buồn lẻ loi

Nếu được trở về thăm trường cũ

Đến hỏi xin trường học lớp cô

Một ngày ngồi lớp nghe cô giảng

Đạo đức làm người, tôi hiểu chưa thông

Tình nguyện trả bài được gần cô

Nếp sau tà áo nhìn cô chấm

Xin lỗi cô, anh chẳng thuộc bài

Tôi muốn nói, ngày xưa - anh từng bỏ hẹn

Mùa phượng đỏ năm đó thật buồn - cô thứ lỗi cho tôi.

Hồi Ký Trần Quang Lan – SPCN