Hôm qua tình cờ nghe một YouTube phỏng vấn cô ca sĩ nổi tiếng, có nhắc đến bài “Biển nhớ” ở đảo Pulau Bidong. Một bản nhạc rất hay, nhiều ý nghĩa, đã được phát ra mỗi khi có người rời trại. Nhắc đến “Biển nhớ” và nhắc đến đảo Bidong, bỗng dưng ký ức của tôi quay về những ngày xưa ấy. Những ngày đầu lưu lạc ở xứ người, nơi mà cuộc sống của chúng tôi đã được “hồi sinh”, sau những tháng ngày lao đao lận đận, đã tìm đến bến bờ tự do.

Ngày ấy thế mà cũng đã hơn 30 năm! Hơn 30 năm viễn xứ, theo dòng đời cứ trôi nhanh vùn vụt. Nhưng những kỷ niệm, hình ảnh của đảo Bidong vẫn và sẽ không bao giờ phai nhòa trong trí nhớ của người tị nạn.

Gia đình chúng tôi đã đến đảo Bidong vào một buổi chiều nắng đẹp, trên một chuyến tàu rất lớn, sau năm ngày lênh đênh trên biển khơi.

Đúng là chỉ có năm ngày để con thuyền rời khỏi quê hương Việt Nam yêu dấu, để đi đến bến bờ tự do. Nhưng tôi đã phải trải qua mười năm ròng rã với biết bao nhiêu gian nan, khổ cực, mới có được năm ngày may mắn ấy.

Cuộc hành trình mười năm của tôi, quả là quá dài. Mà cuộc đời của con người có được bao nhiêu cái mười năm! Nhất là mười năm của cái tuổi mới bước vào cuộc đời với nhiều ước mơ và hy vọng.

Trong suốt cuộc hành trình, tôi đã đi lên đi xuống không biết bao nhiêu lần, trên những chiếc xe đò cũ kỹ, với mùi xăng nồng nực, qua lại trên những chuyến phà chậm chạp, nối đôi bờ sông Tiền, sông Hậu. Nhìn nước chảy lững lờ, mà lòng thì lo lắng, sợ sệt. Cầu xin Ơn trên cho đi được bình yên và đừng bị quay trở lại.

Tôi cũng đã được du hành trên những chiếc ghe, chiếc thuyền để đi về miền đất hứa. Nhưng rất tiếc không một chuyến đi nào thành công vì đủ mọi lý do. Có khi thì máy bị hư giữa chừng, có khi thì bị công an biên phòng bắn, đổ người không thành công ... Có lần ngồi trên tàu lớn muốn ngộp thở cả đêm, vậy mà không hiểu sao, sáng ngày hôm sau, nó cũng còn trong sông cái Cần Thơ! Có lần cũng tưởng đã xong. Biển giận dữ quá!

Và lần nào rồi cũng bị người ta dí súng, la hét như thể chúng tôi là những tội đồ kinh khủng nhất, rồi tất cả bị đẩy vào những trại giam u tối.

Nhớ lần đầu tiên vào tù, tôi thật kinh hãi cái cảnh địa ngục trần gian mà mình không thể tưởng tượng được rằng trong cuộc đời, mình đã phải trải qua những ngày như vậy!

Tuy nhiên với lòng quyết tâm, tôi cứ tiếp tục đi. Khi vào tù lần thứ hai, thứ ba, tôi không còn biết gì nữa cả. Rồi đến lần thứ tư, thứ năm, … Thôi thì xuôi theo định mệnh vậy.

Và trong chuyến đi vượt biên ở rừng sông Đốc, Cà Mau, tôi đã gặp được người của trăm năm.

Có lẽ ông Trời bắt tôi phải nếm qua nhiều thử thách để được gặp được người bạn đồng hành? Vô tình người ta sắp cho chúng tôi ngồi cạnh nhau trong rừng sâu nước độc, trên chiếc thuyền nhỏ chuyển về trại giam Cây Gừa, một trại giam lớn nhất, gần mũi đất cuối cùng của nước Việt Nam.

Trong những lần ở tù thì lần đi tù thứ ba ấy là lần tôi bị ở lâu nhất, bị đày cực khổ nhất, nhưng cũng là lần mà trái tim mình đập mạnh nhất. Và cũng tưởng là chuyện tình yêu là tầm thường, tôi đã tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng trời xui sao mà chuyến tàu đi cả đêm mà vẫn còn trong bến nước Cần Thơ, để được vào khám lớn ăn cơm tù.

Đúng là tôi đã không cãi được số trời. Phải ở lại Việt Nam thêm một thời gian nữa. Phải thành gia thất, để có bạn đồng hành, để cùng nhau vào tù lần nữa cho vui ở Thị Xã Cà Mau.

Rồi một ngày tươi sáng đã đến, như có phép nhiệm mầu. Thuyền chúng tôi đã thật sự cặp bến trên xứ người. Thật không thể tin được. Cho nên bước chân trên cầu Jetty rồi mà tôi cứ tưởng mình đang nằm mơ, một giấc mơ đẹp và dài. Tôi đã không reo mừng như những người chung quanh, mà ngồi im lặng đó, mơ mơ tỉnh tỉnh.

Rồi bỗng dưng có người đánh thức, với tiếng gọi tên tôi thật lớn. Tôi đã nhận ra Nguyễn Thanh Hùng, cùng lớp Khoa Sinh với tôi ở Trường Đại Học, mà bạn bè thường gọi là “Hùng lái heo”. Sau đó không bao lâu, Hùng đã gửi cho tôi một bịch nước màu cam lạnh. Mấy ngày thiếu thốn trên đại dương, bịch nước uống ấy như những hạt mưa rơi trên sa mạc, mà cả đời tôi luôn nhớ đến, vì tình nghĩa mà Hùng đã mua cho.

Có lẽ mệt quá sau mấy ngày trên biển khơi hay vì shock, không tin vào sự thật, cho nên đầu óc tôi quay cuồng, rồi bỗng dưng ngã xuống lúc nào không hay. Khi tỉnh ra thì mới thấy mình đang nằm trong bệnh viện một mình. Ông xã tôi đã bị cô lập, chung với những người trên tàu để điều tra hay phỏng vấn gì đó trong thủ tục nhận người. Và người đã đưa tôi vào bệnh viện Sick bay là Hùng.

Chúng tôi đã được đưa về khu F để ở. Đây là căn nhà tạm của khoảng đời tị nạn. Chúng tôi phải ngủ chen chúc nhau trên một gác nhỏ, vì là người mới tới. Căn nhà tôn nóng như thiêu đốt. Cái nắng của miền nhiệt đới, gần đường xích đạo, mà tôi thường than vãn trong mỗi lần viết thư cho người nhà. Nhưng sau này qua Úc, nghe bà ngoại tôi nói, con có nhà ở là may vì bà đã phải ở trong túp lều tạm thôi, và phải bỏ ra nhiều cây vàng mới mua được cái nhà nhỏ. Vì thời gian mà bà tôi đến, trại tị nạn còn thô sơ lắm mà làn sóng người cặp bến rất là đông.

Trong thời gian ở đảo Bidong tôi có gặp thêm một người bạn Khoa Học nữa là Trần Văn Trà. Trà lúc ấy làm thông dịch viên, còn Hùng thì làm trong văn phòng trại. Chúng tôi thật may mắn được phái đoàn Úc nhận.

Cuộc sống ở đảo thật êm đềm vì không phải lo cơm áo gạo tiền. Nhưng ai đến rồi cũng muốn có list đi nhanh.

Ngày rời Bidong, tiếng loa phát thanh bài “Biển nhớ” thật tha thiết. Có cái gì đó lâng lâng trong lòng thật khó tả, khi phải rời xa chỗ tạm trú thân thương, nơi đã đón những đứa con liều chết đi tìm tự do. Rời cầu Jetty để đi lên chiếc thuyền đưa tiễn, tôi đã cố gắng nhìn đảo lần cuối, hình ảnh của đảo Bidong xa dần và ... xa dần …

Ngày mai em đi

Biển nhớ tên em gọi về

Gọi hồn liễu rủ lê thê

Gọi bờ cát trắng đêm khuya …

Lệ Chi