Chữ Hán là một trong những văn tự lâu đời nhất của loài người, bắt đầu từ giáp cốt văn đời nhà Thương (1250 trước Công Nguyên) rồi từ từ tiến hóa thành Hán tự hoàn chỉnh với các cách viết Đại Triện, Tiểu Triện, Chân Thư, Hành Thư và Thảo Thư. Vì là văn tự có hệ thống đầu tiên ở Đông Á, tất cả những dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đều phải mượn tiếng Hoa để viết những ngôn ngữ địa phương.

Văn tự Trung Hoa tạo thành từ những nhóm tượng hình và chỉ sự, chỉ có ý nghĩa chứ ai muốn đọc thế nào cũng được, cho nên thời trước hầu hết các vùng Đông Á đều viết tiếng Hoa nhưng lại đọc theo cách riêng của địa phương. Thí dụ như bốn chữ 一 二 三 四 đọc theo tiếng Bắc Kinh là “Y Er San Si”, theo tiếng Quảng là “Dách Dì Sám Si”, theo tiếng Tiều là “Chẹc Dì Xa Xí”, còn theo tiếng Việt là “Nhất Nhị Tam Tứ”. Tiếng Nhật là ngôn ngữ đa âm trong khi tiếng Hoa là đơn âm, nhưng người Nhật vẫn mượn chữ viết Hoa và đọc theo ý mình. Thí dụ họ viết hai chữ 神 風 (Thần Phong) để diễn tả ý nghĩa “gió thần” nhưng lại đọc theo cách đa âm của người Nhật là “kamikaze”.

Trước thời Pháp thuộc, người Hoa, người Việt và người Nhật dù không biết tiếng nói của nhau nhưng vẫn có thể bút đàm và hiểu nhau dễ dàng. Những người Hoa ở các tỉnh khác nhau thì dùng một tiếng nói chung là tiếng phổ thông (Mandarin) để giao thiệp với nhau. Nói chung thì đa số người Hoa có học biết nói hai tiếng Hoa: tiếng Mandarin và tiếng địa phương của họ. Còn nếu ở khác tỉnh và không biết nói Mandarin thì thường phải bút đàm mới hiểu nhau được.

Việc chữ Hán có thể đọc theo nhiều cách khác nhau rất thuận tiện cho việc phát triển đế quốc Trung Hoa. Dân tộc Hán khởi thủy chỉ ở vùng sông Hoàng Hà nhưng họ từ từ bành trướng, chinh phục và đồng hóa nhiều dân tộc khác để trở thành người Hoa ngày nay với 5 chủng tộc chính Mông, Hồi, Hán, Mãn, Tạng (đa số là người Hán) cùng với hơn 50 dân tộc thiểu số. Những người bị chinh phục vẫn nói tiếng mẹ đẻ và chỉ mượn chữ Hán làm cách viết, cho nên sau nhiều thế hệ họ từ từ bị đồng hóa thành người Hoa có cách viết thống nhất và nhiều cách nói khác biệt. Nếu cưỡng bách những người bị chinh phục phải bỏ tiếng mẹ đẻ, việc đồng hóa sẽ bị rất nhiều phản kháng. Thí dụ như đế quốc Nga đã chiếm Ba Lan mấy trăm năm, người Nga ép người Ba Lan phải học tiếng Nga và nói tiếng Nga trong những giao dịch chính thức, nhưng người Ba Lan vẫn giữ tiếng nói và văn tự của họ và không bị đồng hóa.

Ở Trung Hoa lục địa, sau khi Mao Trạch Đông thành lãnh tụ năm 1949, Mao đã ra lệnh sửa đổi chữ Hoa cho đơn giản dễ viết hơn, từ đó Hán tự giản thể ra đời và được chính thức sử dụng ở Hoa Lục và Singapore. Trong Google Translate có hai loại tiếng Hoa: Chinese (traditional) và Chinese (simplified). Hán tự giản thể có cái lợi là viết nhanh hơn và việc in sách báo cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc đơn giản hóa này đã làm mất cái đẹp của chữ Hán và mất đi những ý nghĩa nguyên thủy. Thí dụ như chữ Mã 馬 là tượng hình con ngựa có bờm và 4 chân, khi đơn giản hóa viết là thì nhìn giống như con ngựa gỗ cho trẻ con chơi.

Theo quan điểm Tây phương, một quốc gia phải có đủ 3 yếu tố: lãnh thổ (terrirory), dân tộc (people) và chính quyền (government). Chữ Quốc truyền thống bao gồm đủ ba yếu tố này. Ô vuông lớn tượng trưng cho lãnh thổ, ô vuông nhỏ phía trong là chữ Khẩu (miệng) tượng trưng cho dân tộc, còn phần chung quanh chữ Khẩu là tượng trưng cho chính quyền và quân đội để bảo vệ dân. Thời nay, chữ Quốc giản thể viết là với chữ Ngọc ở giữa, chẳng có ý nghĩa gì cả. Một “vùng đất có ngọc” sao lại là “quốc gia”?

Chữ Hoa truyền thống vẫn còn dùng ở Đài Loan, Hongkong, Macau và trong các cộng đồng người Hoa hải ngoại. Nhiều người Đài Loan và người Hoa tại Âu Mỹ không ưa chữ Hán giản thể ở Trung Hoa lục địa. Theo một học giả người Hoa, chữ Hán giản thể báo hiệu những điềm chẳng lành ở Hoa Lục, như những thí dụ sau:

1. Chữ “Thân” (người thân thuộc) chính thể . Chữ “Thân” giản thể , mất chữ (Kiến) thành ra “Thân bất kiến” (người thân không gặp được nhau). Một năm chẳng biết cha mẹ, con cái, người thân được đoàn tụ bao nhiêu lần? Người nông dân bị bắt lìa xa gia đình để gia nhập công xã, ở thành phố thì nhiều người vì cuộc sống khó khăn phải lưu lạc để mưu sinh. Điều này khiến những người cùng huyết thống chẳng được vui vầy bên nhau. Nhiều người thân còn coi nhau như kẻ thù, đấu tố nhau để giữ địa vị hoặc bảo toàn mạng sống của mình.

2. Chữ “Sản” (sinh sản) chính thể . Chữ “Sản” giản thể , mất chữ (Sinh) có nghĩa là “Sản bất Sinh” (Đậu thai mà không sinh). Chế độ nhà nước chỉ cho phép có một con, cho nên có thai lần thứ hai phải phá bỏ. Nhiều phụ nữ có bào thai đã khá lớn thành hình em bé rồi mà bị bắt phải phá, cảnh tượng rất đau lòng. Ngoài ra còn nhiều người trẻ chỉ sống với nhau tạm bợ, cũng phá thai vì không muốn có con trong cuộc sống khó khăn.

3. Chữ “Hương” (quê hương) chính thể . Chữ “Hương” giản thể , mất chữ (Lang: những người trẻ) thành ra “Hương vô Lang”: Quê nhà không có người trẻ. Ai nấy đều đổ về thành phố lập nghiệp mưu sinh. Trong thôn làng khó có thể gặp những khuôn mặt trẻ trung, chỉ thấy những người già yếu, trẻ con và người tàn tật. Đây là một cảnh tượng thường thấy tại Trung quốc ngày nay.

4. Chữ “Ái” (yêu) chính thể . Chữ “Ái” giản thể , mất chữ (Tâm) thành ra “Ái vô tâm”: Tình yêu không xuất phát từ trái tim, mà từ những toan tính quyền lợi, tài sản, gia thế... Ngày nay thử hỏi có mấy người còn giữ tấm chân tình? Đại gia cặp với chân dài, kẻ ham tiền, người háo sắc, hễ có lợi là trao thân. Tình một đêm, tình sét đánh, tình chớp nhoáng khiến nhà nghỉ mọc lên nhan nhản khắp nơi. Tình yêu không còn sự kết nối thiêng liêng và trách nhiệm suốt đời như trước.

5. Chữ “Thính” (nghe) chính thể . Chữ “Thính” giản thể , bị bỏ mất nhiều chữ. Chữ Thính ở dạng chính thể gồm bộ “Nhĩ” (tai), bộ “Vương ” (vua), chữ “Thập ” (mười), chữ “Mục” (mắt), chữ “Nhất” và chữ “Tâm ”. Nếu ghép các bộ này vào nhau chúng ta sẽ hiểu được hàm ý của tiền nhân. Khi lắng nghe một ai đó, chúng ta nên làm người ấy cảm thấy mình quan trọng như một vị vua (chữ Vương), và lắng nghe bằng đôi tai của mình (bộ Nhĩ). Đồng thời chúng ta còn phải dồn mọi ánh nhìn và sự chú ý tới họ (chữ Thập, chữ Mục). Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải dành trọn trái tim để cảm nhận những điều họ nói (chữ Nhất, Tâm). Như vậy chúng ta mới có thể lắng nghe trọn vẹn những thông điệp mà họ muốn truyền tải, mới biết cách thấu hiểu và trân trọng người khác.

Chữ “Thính” giản thể là “Thính thiếu Nhĩ”: Nghe mà thiếu mất tai. Nó chỉ gồm bộ “Khẩu” (cái miệng) và bộ “Cân” (cái rìu). Đại ý là không phải dùng tai, dùng mắt, hay dùng tâm để lắng nghe như văn hóa truyền thống, mà là nghe những lời búa rìu sắc nhọn từ miệng người nói. Đây là cách nghe của các viên chức chính quyền trong các buổi họp Đại Hội Đảng, và cách nghe mù quáng của dân chúng đối với những tuyên truyền và những hô hào đấu tố của cán bộ Đảng.

Bài viết của học giả người Hoa này còn nhiều thí dụ khác, tôi chỉ trích dẫn mấy ý chính. Nói chung thì đây là những phân tích chữ Hán rất thú vị, phản ảnh khá chính xác nước Trung Hoa thời cận đại. Từ triều đại nhà Minh (Thế Kỷ thứ 14-16) dân số Trung Hoa tăng nhanh trong khi đất canh tác có hạn, đời sống nông dân càng ngày càng khó khăn. Tới Thế Kỷ thứ 19, người nông dân những năm được mùa cũng chỉ tạm đủ ăn, và khi có thiên tai (hạn hán, lụt lội…) thì dân quê chết đói hoặc phải ăn thịt người để sống. Trong nạn đói năm 1877 ở Thiểm Tây, Giám Mục Louis Monagata ở Trung Hoa đã báo cáo: “Now they kill the living to have them for food. Husbands eat their wives. Parents eat their sons and daughters and children eat their parents.” (bây giờ họ phải giết người sống để ăn. Chồng ăn thịt vợ, bố mẹ ăn thịt các con, và có những đứa con ăn thịt bố mẹ - Hungry Ghosts, Jasper Becker, The Free Press, 1996, trang 6).

Sau khi Trung Hoa thống nhất năm 1949, người dân Hoa Lục lại càng khốn khổ hơn dưới sự lãnh đạo của Mao Chủ Tịch. Trong vòng vài năm, khoảng 27 triệu người bị coi là phản cách mạng đã bị giết rất dã man hoặc chết vì đói khát và kiệt sức trong những trại tập trung. Hơn 400 triệu nông dân bị đóng thuế nặng đến nỗi không còn đủ thóc để ăn, nhiều nông dân phải ăn cỏ hoặc vỏ cây cho đỡ đói, có người ăn đất sét bị sình bụng mà chết. Ở Thượng Hải, nhiều người bị đấu tố đã nhẩy từ những building cao xuống đường để tự sát, khiến cho lề đường trở nên nguy hiểm cho những người đi bộ.

Mao Trạch Đông có khuynh hướng sadism khủng khiếp và hành động cực kỳ tàn ác, giống như hiện thân ác quỷ (devil incarnate) chứ không phải là người. Napoléon cũng có bản năng sadist, sau khi chiến thắng ông thích cưỡi ngựa đi xem những người chết và những người đang hấp hối trên chiến trường, nhưng Napoléon không bao giờ thích đầy đọa cả một dân tộc cùng huyết thống như Mao đã làm. Ai muốn biết những âm mưu hiểm độc và những thủ đoạn kinh người của Mao thì có thể tham khảo cuốn sách Mao, The Unknown Story, New York: Anchor Books, 2006. Đây là một bestseller viết về Mao của Jung Chang, một nữ trí thức đã di cư khỏi Hoa Lục và hiện đang sống ở Anh. Vì cùng là người Hoa nên Jung Chang hiểu thấu tim đen của Mao hơn là các học giả Tây Phương.

Khi nhắc đến chuyện Tần Thủy Hoàng ra lệnh chôn sống 460 nho sĩ ở Hàm Dương, Mao phê bình Tần Thủy Hoàng giết quá ít, không đủ để làm cho dân sợ: “Nếu là tôi, thì tôi đã chôn sống 46,000 người!” Mao không nói đùa, vì thành tích giết người và đầy đọa dân chúng của Mao là độc nhất vô nhị, nếu so sánh với Mao thì cả Hitler và Stalin đều trở thành nhân từ. Phong trào Đại Nhẩy Vọt (The Great Leap Forward, 1958-1962) đã biến khoảng 500 triệu nông dân thành nô lệ sống dở chết dở, không đủ ăn và phải lao động từ sáng sớm đến tối mịt, trong số đó khoảng 30-40 triệu người bị chết đói – chưa tính những người chết sớm vì suy dinh dưỡng và chết vì bệnh mà không có thuốc men. Rồi đến Cách Mạng Văn Hóa và Hồng Vệ Binh (The Cultural Revolution and the Red Guards, 1966-1971) làm cả nước Trung Hoa sống trong địa ngục trần gian, số người bị giết chết khoảng 10-20 triệu còn những người bị đọa đầy thì không kể xiết, ít nhất cũng vài trăm triệu.

Tóm lại, những điềm báo chẳng lành của chữ Hán giản thể đã thực sự xẩy ra. Sự ra đời của chữ Hán giản thể đúng vào giai đoạn dân tộc Trung Hoa phải chịu những khốn khổ chưa từng có trong suốt lịch sử năm ngàn năm - tất cà là nhờ ơn Mao Chủ Tịch vĩ đại. Sau khi Mao chết, Trung Hoa mới bắt đầu có những tiến bộ đáng kể từ thời Đặng Tiểu Bình. Hiện nay một giai cấp tư bản mới đã xuất hiện, Trung quốc đã có nhiều tỷ phú. Mặc dù vẫn còn mấy trăm triệu người nghèo khổ, nhưng không có những người chết đói hoặc phải ăn thịt người đề sống như những thời trước.

Tuy nhiên, sự trổi dậy của Trung Hoa cùng với sự sống lại của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán (Han chauvinism & expansionism) dưới thời Tập Cận Bình đã khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa lớn đối với Việt Nam, Đài Loan, Hongkong và nhiều nước Á Châu. Ngay cả Mỹ, Nga, Úc và Âu Châu cũng phải dè chừng và tìm cách đối phó với những xâm lấn của Trung quốc. Sau thời họ Tập, giới lãnh đạo Trung Hoa sẽ thay đổi như thế nào - biết điều hơn hay lại ngang ngược hơn - thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

PHẠM NGỌC KHÔI