Tôi là con bé, bị mẹ chê vụng về, chẳng bao giờ làm nổi một ổ bánh sinh nhật hay bất kỳ loại bánh gì, vì mọi thứ làm xong đều xấu xí, méo mó.

Vậy mà từ khi còn học tiểu học, tôi chỉ thích sau này làm bác sĩ. Chẳng phải vì danh vọng, tiếng tăm, lúc còn nhỏ đâu biết danh vọng là gì! Tôi chỉ biết khi mẹ dẫn đi nhổ răng, tôi quên cả đau, vì cứ đăm đăm nhìn cô nha sĩ xinh đẹp, dịu dàng trong áo blouse trắng.

Mộng y khoa của tôi tan tành khi học ở Đại Học Khoa Học. Lúc thực tập tìm nhóm máu, tôi đã bủn rủn tay chân, lạnh toát người, ngã quỵ xuống. Đã thế bài thực tập “cấy trùng”, chẳng bao giờ tôi làm được, vì vi trùng bị chôn quá sâu dưới lớp thạch, thay vì chỉ lướt nhẹ trên lớp mặt thạch (lỏng như nước).

Chưa kể khi học Dự Bị SPCN, tôi cắt phẫu thức thực vật “dầy như tấm thớt”, không thể nhìn được dưới kính hiển vi. Người ta chỉ cắt một lớp tế bào. Tôi là đứa “chém to kho mặn” như lời mẹ nói, nên tôi “chém” phẫu thức dầy như miếng giò, thiệt là rầu.

Như vậy tôi chỉ giỏi “nói” chứ không giỏi “làm”.

Bạn bè sau khi học xong chứng chỉ dự bị, ai cũng thi (thử) vào trường Y.

Hết Hè, lại thấy đầy đủ ở sân trường Đại Học Khoa Học. Tôi đố:

- Vách tường trường Y xây bằng vật liệu gì?

Dĩ nhiên ai cũng nói:

- Bằng xi măng.

Tôi nói:

- Sai! Vách trường Y làm bằng “cao su”, nên mình “húc” đầu vô, bị dzăng trở lại trường Khoa Học.

Tôi học xong chuyên khoa SLSH, ra trường năm 1977. Hôm tập trung ở Sở Giáo Dục 70 Lê Thánh Tôn, mọi người chờ phân công.

Các bạn ra trước, đi làm cũng nhiều ở các sở: hãng thuốc lá Mic, Sở Nông Nghiệp, …

Nhưng năm đó thiếu giáo viên, nên bác Ba Luông có nói:

- Bác biết các con học trường Khoa Học thích đi làm hơn đi dạy. Nhưng vì nhu cầu hiện nay đang chỉnh đốn lại hệ thống trường học toàn quốc, nên rất thiếu. Bác mong các con thông cảm.

Một cô bên Địa Chất nhất định phản đối, cô bảo cô học rất giỏi, nhưng không biết cách giảng bài. Ngay cả em út trong nhà cô cũng chịu thua. Cô còn ví nghề dạy học giống như cái máy cứ nhắc đi nhắc lại một giai điệu (nhàm chán), cho tới ngày cái máy đó “rè”, người thầy đi “bán cháo phổi”.

Nhìn thấy bác Ba Luông có vẻ ngượng ngùng, vì lời kêu gọi của mình không được hưởng ứng. Tôi nổi máu “Lục vân Tiên” lên trả lời:

- Thưa bác Ba và các bạn. Chúng ta ai cũng biết câu “Vạn sự khởi đầu nan”. Dạy học cũng là một nghệ thuật trong cuộc sống: truyền bá kiến thức cho hậu sinh. Đã gọi là nghệ thuật thì kỹ năng mỗi ngày được thăng hoa, cải tiến. Không thể gọi là “rè”, hiểu theo nghĩa càng ngày càng yếu. Thực chất chúng ta thường nghe nói về “kinh nghiệm”. Bác sĩ nhiều kinh nghiệm, thầy giáo lâu năm kinh nghiệm. Còn “bán cháo phổi”, thì nghề nào cũng hao tâm tổn trí. Bác sĩ, kỹ sư, ngay cả người lao động không biết chăm sóc bản thân thì cơ thể cũng mau suy yếu, đâu cứ chỉ có những người làm nghề dạy học. Hơn nữa nếu “Không thầy đố mầy làm nên”. Chúng ta có ngày hôm nay, cũng nhờ ơn thầy cô. Ai cũng không chịu đi dạy, thì học trò trông chờ vào ai?

Mọi người vỗ tay rào rào. Các bạn rỉ tai tôi:

- Ngày mai mi sẽ nhận nhiệm sở ở Minh Hải, Năm Căn, nơi “đỉa lội như bánh canh”.

Nhưng không, tôi “bị” về dạy ở ngôi trường cách nhà 5 phút đi bộ, dù tôi có giãy lên phản đối, xin dạy xa xa một chút.

Thế là nghiệp đã chọn nghề cho tôi. Y như chúng ta vẫn gọi nghề nghiệp.

Tuy miệng nói vậy, nhưng khi nhận việc tôi lại than:

- Nghề gì mà ngày nào cũng như ngày nấy!

Có thầy lớn tuổi dạy học đã lâu, hỏi lại:

- Cô thử tìm xem, có nghề nào mà không “ngày nào cũng như ngày nấy”?

Ừ nhỉ! Bán chè thì ngày nào cũng nấu chè, sửa xe thì ngày nào cũng sửa xe.

15 năm đi dạy đã tích lũy cho tôi cả ngàn chuyện vui khi dạy học. Còn học trò thì “mê” cô giảng hay, nhưng cũng “ranh mãnh” không thể qua mặt, vì khi cho làm bài kiểm, cứ tìm cách gian lận “quay phim”. Chúng tưởng tôi không biết, tôi bảo rằng:

- Trước khi lên đứng chỗ này (bục giảng), cô đã ngồi ở dưới lâu lắm rồi đó nghen.

Chúng gào lên:

- Cô thông cảm.

- Ừ, cô chỉ giúp chút xíu “nhắc công thức”, chứ không cho quay cóp. Kinh nghiệm là hành trang để các em vào đời, là kiến thức đã in sâu trong đầu không ai lấy được. Dẫu có cả túi vàng cũng là vật ngoại thân. Chỉ có kiến thức ở lại với chúng ta mà thôi.

Nghề nào cũng cao quý, nhưng dạy học có nhiều kỷ niệm vì “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Bạn không thể tưởng tượng học trò “tinh quái” như thế nào. Chỉ cần 30 giây là chúng có thể nghĩ ra được ngay điều không ai ngờ.

Trường tôi dạy, chỉ có một khu vệ sinh cho cả nam lẫn nữ. Lối vào là một con hẻm dài, vô trong mới chia đôi nam nữ riêng. Ngay chỗ rẽ có vòi nước, đầu ngõ vô thêm vòi nước khác. Buổi sáng ông lao công viết một mảnh giấy máng vô cái vòi lối vào:

Vòi NGOÀI hư, dùng vòi TRONG.

Vậy mà ông lao công vừa quay lưng, là đã thấy thêm chữ QUẦN kế bên chữ TRONG.

Học trò nhanh không tưởng tượng, bà Hiệu Trưởng dẫn thầy dạy thể dục mới nhận việc hôm nay tới giới thiệu từng lớp. Cả lớp đứng yên phăm phắp chào, chưa kịp ngồi xuống, đã nghe tiếng thì thào cuối lớp “Mì ăn liền”. Tại vì tóc thầy quăn tít, chẳng khác nào những cọng mì ăn liền. Qua lớp khác, thì nghe “xà lách soong”. Thiệt chịu thua học trò “thông minh”.

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, giờ chúng ta chỉ còn gặp nhau qua tâm tưởng, nhưng trường Đại Học Khoa Học vẫn mãi mãi là ký ức khó quên trong cuộc đời còn lại.

Xin kính chúc thầy cô cùng bạn bè Đại Học Khoa Học Sài Gòn một năm mới an lành và hạnh phúc.

Lại Thị Mơ.