Năm trâu, tìm hiểu sơ lược về con trâu

Tiền Lạc Quan

Hình ảnh con trâu nằm nhơi cỏ khá quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Nhưng những thế hệ trẻ sống ở thành thị, nhất là thế hệ sau này sinh sống ở hải ngoại có lẽ không còn có dịp nhìn thấy tận mắt con trâu bằng xương bằng thịt, chứ đừng nói là đụng đến con trâu hay ngồi trên lưng trâu thổi sáo khi dắt đàn trâu về trong cảnh hoàng hôn thơ mộng như những trẻ mục đồng ở nông thôn những ngày xưa ...

Nhân năm mới Tân Sửu, con thú biểu trưng của Chi Sửu là con trâu, xin viết vài dòng tìm hiểu loài trâu về mặt Động Vật Học.

Theo lịch Trung Hoa, thì con thú biểu tưng cho Chi Sửu là con bò chứ không phải con trâu, nên ở nước ngoài, người Tây phương biết về năm âm lịch thì năm Sửu là năm con bò đực “Year of the Ox”, không gọi là “Year of the Buffalo”.

Con trâu được gọi là thủy ngưu tức bò nước, tiếng Anh kêu là water buffalo hay domestic water buffalo.

Phân loại học:

Ngành: Động vật có xương sống (Chordata)

Lớp: Hữu nhũ (Mammalia)

Bộ: Artiodactyla (Bộ Móng Guốc Chẵn)

Phân bộ: Ruminantia (thú nhai lại)

Họ: Bovidae (Trâu Bò)

Họ phụ: Bovinae

Chi: Bubalus

Tên khoa học: Bubalus bubalis

Loài phụ:

Bubalus bubalis bubalis (Ân Độ, Đông Nam Á Châu)

B. b. fulvus (Assam, Lãnh Thổ nằm ở phía đông-bắc Ấn Độ, phía nam của dãy Hi Mã lạp Sơn, dãy phía đông, Thủ Phủ là Dispur

Loài trâu nước Bulbalus bulbalis được thuần hóa hiện nay có nguồn gốc từ loài trâu hoang dã Bulbalus arnee nay có nguy cơ tuyệt chủng.

Phân bộ thú nhai lại (Ruminantia) gồm trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai và linh dương.

Đặc điểm:

- Màu sắc: Thường màu xám

- Chiều cao ngang vai: 180 cm

- Trọng lượng: 450 kg – 1.180 kg

- Hình dạng sừng: Trâu rừng, sừng cong ngược nhiều về phía sau hơn trâu nuôi

Đặc điểm Bộ Móng Guốc Chẵn (Even-toed Ungulate)

Hình sọ trâu nái khoảng 3 năm tuổi

Hàm răng trâu

Các hình xương sọ và hàm răng của một con trâu nái khoảng 3 năm tuổi

Hình 8 răng cửa hàm dưới của một con trâu nái khoảng hơn 5 năm tuổi

Hàm dưới của trâu có thể chuyển động lên xuống, hả mồm và đóng mồm để nhai và có thể chuyển động đưa qua dưa lại từ phái sang trái và ngược lại để nghiền cỏ.

Công thức răng của trâu

2 x (033/433)

Trâu có tất cả 32 cái răng.

- Hàm trên không có răng cửa, 6 răng tiền hàm và 6 răng hàm

- Hàm dưới có 8 răng cửa, 6 răng tiền hàm và 6 răng hàm

Răng cửa Răng tiền hàm Răng hàm

Hàm trên 0 3 3 x2 12

-------------------------------------------------------------------------------------

Hàm dưới 4 3 3 x2 20

_________________________________________________________

Tổng cộng 4 6 6 x2 32

Quan sát các răng cửa ở hàm dưới, có thể định tuổi của con nghé hay con trâu.

Trong giai đoạn trưởng thành, thay răng, khi các răng sữa rụng thì các cặp răng cửa vĩnh viễn ở hàm dưới sẽ lần lượt mọc.

- Khi 8 răng sữa đã mọc đủ thì con nghé đã được 6-7 tháng tuổi.

- Từ 20 đến 22 tháng tuổi, bắt đầu thời kỳ thay răng. 2 răng sữa chính giữa (số 1) rụng, rồi lần lượt các răng sữa kế tiếp rụng, thay vào đó là các răng vĩnh viễn

- Từ 2 đến 3 năm tuổi, cặp răng cửa vĩnh viễn đầu tiên sẽ mọc

- Từ 3 năm rưỡi đến 4 năm tuổi, cặp răng cửa vĩnh viễn thứ hai mọc

- Từ 4 đến 5 năm tuổi, cặp răng cửa vĩnh viễn thứ ba mọc

- Sau cùng, từ 5 đến 5 năm rưỡi tuổi, cặp răng cửa vĩnh viễn thứ tư mọc.

Cấu tạo bộ phận tiêu hóa:

Bộ phận tiêu hóa của các loài thú nhai lai (Ruminant) gồm có 4 dạ dày:

- Dạ cỏ

- Dạ tổ ong

- Dạ lá sách

Cấu tạo giống như các trang của cuốn sách, nên được gọi là lá sách

- Dạ múi khế là dạ dày “thật sự”

Đặc điểm tiêu hóa:

Trong quá trình tiến hóa, dạ dày của các loài thú nhai lại có cấu tạo đặc biệt để bảo đảm sự sinh tồn. Để tránh bị các thú thiên địch tấn công và giết hại để ăn thịt, các loài thú nhai lại “tranh thủ” ăn càng nhiều càng tốt, cỏ và các thức ăn được chứa trong dạ cỏ, sau đó sẽ được nhai lại để tiêu hóa khi con thú tìm nghỉ ngơi tại một nơi an toàn.

Dạ cỏ là một “thùng” lên men kỵ khí to lớn trong cơ thể của trâu và các loài thú nhai lại.

Sinh sản:

Vào mùa mưa tức mùa sinh sản thì các “anh chàng” trâu mới được đến những vùng có những đàn trâu nái sinh sống để “bắt cặp” với các “bà” và các “cô” trâu. Cũng vào mùa này thì các “cậu” trâu đã trưởng thành (khoảng từ 2 đến 3 năm tuổi) sẽ bị tách rời khỏi đàn trâu nái và không còn liên hệ mật thiết với các “bà” trâu mẹ của chúng nữa. Thời gian sinh sản của trâu kéo dài khoảng 8 đến 10 tháng, cao điểm nhất là vào tháng Ba. Một “ông” trâu có thể “bắt cặp” với nhiều “bà” hay “cô” trâu trong đàn. Thời gian thụ thai của trâu khoảng 312 đến 334 ngày. Trong thời gian 20 năm này, một “bà” trâu có thể đẻ được tới 12 con nghé.

- Tuổi thọ trung bình của trâu hoang khoảng 20 năm.

Các giai đoạn phôi thai của trâu

Sinh hoạt của những đàn trâu hoang dã

Thuở xưa khi còn ở quê nhà, có lẽ ai cũng biết con trâu và đã từng nhìn đàn trâu trên ruộng đồng quê hương, nhưng đây là những con trâu nhà được nuôi để làm ruộng chứ không phải là những con trâu hoang dã.

Nhưng khi sang Úc người viết lại được nhìn thấy lại hình bóng quê nhà qua những đàn trâu trên những cánh đồng khô cằn hoặc những cánh rừng ngập nước của Bắc Úc đầy lau sậy và cỏ năng. Ra ngoại ô thành phố Palmerston, cách thủ phủ Darwin khoảng 30 km (18.6miles) về phía Nam, là có thể nhìn thấy những đàn trâu trên cánh đồng xa xa hai bên đường, những con trâu khoan thai nhơi cỏ hoặc quậy bùn ... Những con trâu được du nhập vào Lục Địa Úc Châu từ những năm 1825 của những thế kỷ trước.

Người viết chưa tham khảo những tài liệu nói về sinh hoạt của những đàn trâu hoang dã ở nhiều Lục Địa khác.

Người viết xin tóm tắt về sinh hoạt của những đàn trâu hoang dã sinh sống ở những vùng đầm lầy phía Nam Thủ Phủ Darwin, thuộc vùng cực Bắc (Top End) Lãnh Thổ Bắc Úc.

Trâu hoang vùng Bắc Úc có nguồn gốc từ trâu đã thuần hóa được du nhập vào Lục Địa Úc Châu từ Indonesia vào khoảng năm 1825-1843.

Trâu hoang miền Bắc Úc sống theo từng đàn. Những đàn trâu từ 50 đến 250 con có thể nhập lại thành một đàn lên đến hơn 500 con. Trong điều kiện thuận lợi, những đàn trâu có thể chiếm cứ cùng một vùng đất rộng từ 200 đến 1000 mẫu tây trong nhiều năm.

Những đàn trâu hoang dã chỉ được phân bố giới hạn ở khu vực phía cực Bắc (Top End) của Lục Địa Úc Châu, thuộc Lãnh Thổ Bắc Úc.

Trước tiên, xin giới thiệu về khí hậu của vùng cực Bắc nước Úc (Top End), vì khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh hoạt của những đàn trâu hoang. Miền Bắc Úc có hai mùa mưa nắng. Mùa mưa, khoảng từ tháng Mười đến tháng Ba, mùa nắng hay mùa khô, khoảng từ tháng Tư đến tháng Chín.

Vào mùa mưa, khi nước và thực phẩm dồi dào, cây cỏ xanh tươi thì những đàn trâu nghỉ đêm trong những khu rừng thưa (đa số gồm các loại cây khuynh diệp), đến khi gần sáng thì chúng di chuyển đến những vùng thấp có nhiều cây cỏ để “ăn sáng” cho đến gần trưa thì chúng lội xuống những vũng nước, trước là để uống nước, sau là để tắm và “quậy bùn”. Vào khoảng xế chiều thì chúng đi ăn lần nữa rồi trở về chỗ ngủ lúc trời vừa chập tối. Vào mùa nắng hay mùa khô thì những đàn trâu chỉ tập trung ở những vùng đầm lầy có nước còn đọng lại. Có những lúc mùa khô kéo dài hơn tám tháng thì chúng đi ăn luôn cả ban đêm và suốt cả ngày chúng ngâm mình và quậy bùn trong những vũng nước, một là để cho mát mẻ, vì trong mùa khô có khi trời nóng đến 39oC (102oF), hai là để tránh bị muỗi mòng chích. Vào mùa khô thì dân số những đàn trâu có thể giảm nhiều, vì một số lượng lớn có thể bị chết vì thời gian khô hạn kéo dài. (Mấy con trâu hoang này sướng thiệt ! Cả ngày chỉ nhởn nhơ chơi, khỏi phải “đi cày” như mình!)

Trâu hoang miền Bắc Úc lại sống theo từng đàn trâu nái và trâu đực riêng biệt. Đàn trâu nái chỉ bao gồm toàn những “bà”, những “cô” trâu và các con nghé, con của các “bà”, các “cô”. Đàn trâu nái được lãnh đạo bởi một “bà” trâu lớn tuổi nhất. Khi đàn trâu nái đi ăn cỏ ngoài những cánh đồng trống thì những con nghé được ở lại những cánh rừng có bóng mát và có một “chị” trâu ở lại để “giữ trẻ”. Vào những mùa khô thì những đàn trâu nái này chiếm lĩnh những cánh đồng cao ráo nhưng có nhiều vũng nước đọng, có nhiều cây cỏ xanh tươi và có những rừng cây cao che bóng mát. Còn các “ông” trâu thì sống theo từng đàn rời rạc hơn, bị đẩy ra những vùng tuy có nước nhưng chỉ có đa số là cỏ khô và không có những bóng cây che mát. (Cho thấy thiên nhiên cũng đối xử bất công đối với giống đực!)

Tác hại đối với môi trường:

Trâu hoang, một trong những loài thú được coi như là có hại cho môi trường thiên nhiên. Trâu hoang cũng như heo rừng và một số loài động vật ăn cỏ khác như lạc đà, ngựa hoang, bò, ... đã được du nhập vào Úc bị coi là những loài thú đã góp phần rất lớn trong sự hủy hoại sinh cảnh thực vật và môi trường thiên nhiên của miền Bắc Úc.

Trâu là loài động vật ăn cỏ nhai lại, chúng ăn bất cứ các loại cây cỏ gặp phải, từ cỏ dại, những loài thực vật thủy sinh cho tới những lá cây rừng. Vào mùa khô, chúng có thể ăn luôn cả các loại dứa dại (Pandanus), thân cứng, lá đầy gai, cao đến 2-3m (6-9ft.) và các loại cây rừng khác của miền Bắc Úc. Chúng lại có thói quen cạ thân mình to tướng vào những thân cây để gãi ngứa ! và như vậy làm hư hại những cây này. Với thân hình to lớn, nặng từ 450Kg đến 1200Kg (990-2,600 pounds) và thói quen quậy bùn, trâu cũng góp phần phá hoại đất đai. Chúng làm cho mặt đất dẻ lại, cây cỏ không thể mọc được. Ở những vùng đầm lầy ngập nước, đàn trâu hoang di chuyển theo những lối đi gọi là “swim channels”. Vì sự di chuyển này mà những đàn trâu đã làm hủy hoại sinh cảnh thực vật thiên nhiên, làm đất đai bị xói mòn và tạo ra nhiều kênh nước trong những vùng đầm lầy. Những kênh nước này đã tạo điều kiện cho nước mặn từ biển tràn vào vùng đồng bằng, làm tiêu hủy những vùng rừng tràm (Paperbark forests) và những loài thực vật có tự nhiên của vùng. Trong một cuộc khảo cứu về những đàn trâu hoang và bò rừng ở vùng Arafura Swamp thuộc Arnhem Land, cách Darwin khoảng 550Km (342miles) về phía Đông, người ta ước lượng nước mặn đã xâm nhập vùng này với vận tốc khoảng 200m (0.13miles) mỗi năm. Những đàn trâu hoang còn góp phần phát tán hột cây dại Mimosa pigra, vì hột cây này có nhiều lông có móc bám vào lông thú. Hột cây này có thể có sẵn trong đất bùn bám vào long những con trâu. Hột cây này lại nổi trên mặt nước nên có thể được phát tán khắp nơi rất nhanh. Mimosa pigra là một loại cây cùng giống với cây mắc cở, các lá cây xếp lại khi bị chạm đến. Cây này mọc thành bụi rậm dày đặc, có thể cao đến 6m (18ft.), thân cây và các cành cây đều có gai bén nhọn, gai ở thân cây có thể dài từ 5mm đến 10mm (0.2-0.4in.). Ở miền Bắc Úc, người ta rất sợ loại cây dại này vì rất khó tiêu diệt chúng.

Trâu lại còn là một loài thú có thể gây nhiều bệnh truyền nhiễm cho các trang trại nuôi bò và các loại gia súc khác, và cũng có thể gây bệnh truyền nhiễm cho người. Hai loại bệnh truyền nhiễm chính ởtrâu bò là bệnh lao (Tuberculosis) và bệnh Brucellosis. Có năm tỷ lệ các con trâu bị nhiễm bệnh lao trong những đàn trâu hoang lên đến 25,5%.

Từ năm 1985 đến 1995 chính phủ Bắc Úc cho phát động chiến dịch bài trừ bệnh lao và bệnh Brucellosis ở những đàn trâu hoang miền Bắc Úc (Chiến dịch

BTEC: Brucellosis and Tuberculosis Eradication Campaign). Phương cách tiêu diệt những đàn trâu hoang bị dịch bệnh là bắn từ trên trực thăng. Trong chiến dịch này hàng ngàn con trâu hoang đã bị tiêu diệt, chủ yếu là những đàn trâu ở những vùng đồng bằng ngập nước thuộc châu thổ hai dòng sông Adelaide River và Mary River và vùng đầm lầy phía Tây vùng đất Arnhem Land (Đông Bắc Darwin). Chiến dịch BTEC đã làm giảm dân số đàn trâu hoang rất đáng kể, nhất là ở những vùng thuộc Arnhem Land. Kết quả năm 1997 người ta ước lượng có khoảng 20,000 đến 30,000 con trâu trong những đàn trâu hoang không bị nhiễm bệnh lao.

Tài liệu tham khảo:

Strahan, Ronald (ed.), 1983. The Australian Museum Complete Book of Australian Mammals. Angus & Robertson Publishers

Horned Ruminants page 513, Water Buffalo, page 514-515 (Article by D.G. Tulloch)