Không nhớ tôi đã đọc được ở đâu đó một quan niệm nói rằng: hoàn cảnh tuổi thơ của một người giúp định hình cho cá tính của họ khi trưởng thành. Không biết điều đó có đúng không, nhưng tôi cho rằng mình đã rất may mắn có được một tuổi thơ thật êm đềm bên cạnh ông Nội, Ba Má, cô Tư, bác Mười và những người anh chị em chú bác, cô cậu ở một miền quê hiền hoà, bên cạnh dòng sông Cửu Long của miền Nam Việt Nam trù phú.

Nhớ làm sao những ngày tháng an lành của những năm đầu Thập Niên 60 ở Sa Đéc, nơi tôi đã trải qua tuổi thơ với những người trong gia tộc, đặc biệt là ông Nội, người mà tôi vô cùng thương yêu và kính trọng, ký ức về ông Nội tôi luôn rõ nét, dù rằng ông mất đã hơn 40 năm rồi.

Ông Nội tôi là người gốc Hakka (còn gọi là người Hẹ), ở tỉnh Quảng Đông, ông đến Việt Nam lúc 18 tuổi (khoảng đầu Thế Kỷ thứ 20). Cũng như phần lớn những người Hoa đi tha phương cầu thực khác, ông chăm chỉ làm ăn và tạo dựng được một cơ nghiệp vững vàng ở Sa Đéc vào những năm của Thập Niên 20-30. Những ai sống ở chợ Sa Đéc vào những thập niên đó, có thể biết được ông Nội tôi (mọi người gọi ông là ông Bảy, vì bà Nội thứ Bảy) và tiệm thuốc Bắc “Quảng Triều Thái” lớn nhất Sa Đéc thời bấy giờ.

Bà Nội tôi là một cô gái mang hai dòng máu Hoa Việt, sinh trưởng ở Nước Xoáy, Long Hưng, một vùng sông nước chằng chịt, heo hút yên lành ở đồng bằng sông Cửu Long.

Có một giai thoại rất dễ thương về ông bà Nội mà cô Tư tôi kể lại, cô kể rằng nhờ cần mẫn, siêng năng làm việc, ông Nội tôi được lòng thương mến của một đồng nghiệp, thấy ông Nội đã hơn 25 tuổi mà vẫn chưa lập gia đình, ông này có nhã ý giới thiệu cô em gái thứ Bảy của ông - lúc đó mới 15 tuổi - cho ông Nội, dù biết rằng cô bé 15 tuổi là còn quá nhỏ, nhưng dưới sự thúc dục của người đồng nghiệp, ông cũng đi xem mặt cho biết, khi đến nơi, ông thấy cô bé đang chơi nhảy cò cò với đám trẻ con hàng xóm, ông trở về nói với người bạn đồng nghiệp, con bé còn con nít quá mà, không cưới!

Thế nhưng người đồng nghiệp tốt bụng vẫn kiên trì không chịu bỏ cuộc, năm sau ông Nội trở lại, bàn tay tạo hoá đã gõ đôi đũa thần kỳ diệu, cô bé nhảy cò cò năm ngoái, nay trở thành một thiếu nữ nhan sắc mặn mà, trăng mười sáu là vầng trăng đẹp nhất của bầu trời, tuổi mười sáu là tuổi đẹp nhất của một đời người, bà Nội về với ông Nội năm 16 tuổi, năm đó ông Nội 27 tuổi.

Bà Nội tôi mất năm 43 tuổi vì bạo bệnh. Trong 27 năm hương lửa mặn nồng, bà Nội sinh cho ông Nội 11 người con, Ba tôi là người áp út, khi Ba tôi ra đời, ông Nội đã gần 50.

Ký ức về tuổi thơ tôi sẽ có nhiều thiếu sót nếu không có những kỷ niệm với ông Nội của tôi.

Ký ức đầu tiên của tôi về ông Nội là bài đồng dao của người Hakka mà ông Nội đã dạy cho tôi hát khi mới lên 3-4 tuổi. Xin tạm dịch lời ra như sau:

Trăng sáng sáng, sau cội tùng, ngỗng gánh nước, vịt rửa rau, gà trống xay lúa, chó đạp cối...

Còn vài câu nữa nhưng lâu quá rồi, không còn nhớ được.

Còn nhớ chiếc tủ cây có dạng chử L với phần góc cong cong, bề cao chừng cỡ ngang ngực một người lớn (?), (nhưng với tôi lúc đó nó cao vô cùng) được đặt phía trước cái bàn gỗ to, nơi làm việc của Ba tôi, tạo thành một bức chắn chia ra với phía trước của tiệm thuốc Quảng Triều Thái. Nơi đó, ông Nội đã nhiều lần bế tôi đặt lên mặt tủ, dạy cho tôi hát, dạy cho tôi nhìn mặt chữ (mặt số thì đúng hơn):

一,二,三,四,五,六,七,八,九,十

(1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10)

Không biết ông có dạy tôi thêm gì nữa không, nhưng tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu đó.

Cứ như thế mà tôi ê a theo ông bằng tiếng Hakka, tiếng mẹ đẻ của ông Nội tôi, bây giờ nhớ lại, hẳn là ông Nội tôi cũng có những lúc nhớ da diết về nơi “cố hương xa vời” mà ông biết rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội trở về lần nữa (lúc đó là khoảng cuối Thập Niên 50, Trung Hoa Lục Địa đã lọt vào tay Cộng Sản gần mười năm). Tôi nghĩ tôi hiểu được phần nào tâm trạng của ông Nội trong nổ lực muốn truyền bá lại nguồn gốc của mình cho con cháu đời sau.

Ôi, nhớ quá những bài học vỡ lòng sao mà thân thiết thương yêu tình ông cháu!

Rồi khi lớn lên thêm vài tuổi, đi học trường mẫu giáo Vạn Mai Viên, nhớ ngày nào cũng được ông dẫn đi học chung với mấy ông anh con bác, trước khi tới trường là ghé ngang tiệm mì Dầu Ký, ông Nội kêu ly cà phê, thế nào ông cũng đổ một chút vào cái dĩa dùng đựng cái ly đó cho tôi hớp một miếng.

Ôi, nhớ quá những hớp cà phê thơm nồng tình ông cháu!

Tôi có cái may mắn được sống chung với ông Nội, và còn may mắn hơn nữa là được ngủ chung với ông Nội khi còn bé. Còn nhớ cái giường của ông Nội bằng ván (không biết là ván gì, nhưng chắc là cỡ size giường double bây giờ), ông Nội có một tấm nệm mỏng (size single), vừa đủ cho ông nằm, tôi nằm ngủ trên phần ván phía trong. Ông Nội có cây quạt Khổng Minh (loại quạt bằng lông chim sắp theo dạng hình thang ngược với cái cán dài bằng cây hay bằng mũ cứng?). Những đêm trời nóng nực, ông Nội thường hay dùng cây quạt đó để quạt cho tôi ngủ.

Ôi, nhớ quá những giấc ngủ an lành, nồng nàn tình ông cháu!

Rồi lớn lên thêm chút nữa, khi đã biết đi chơi bún Ô Môi với bạn trên vỉa hè của con phố Phan Thanh Giản dọc từ nhà xuống tới cầu Cái Sơn đến quên giờ cơm, ông Nội thường hay xách cây roi mây đi kiếm, cây roi mây của ông Nội tôi dài cỡ hơn nửa thước (hay là cả thước? Không biết, chỉ biết là khi còn nhỏ sao thấy cái gì cũng to, cũng dài quá cỡ!), trông thấy rất sợ, dù vậy, ông chưa bao giờ đánh tôi lần nào, ông chỉ nhịp nhịp cây roi trên đất là cũng đủ cho tôi co giò chạy thục mạng về nhà. Hình phạt của ông Nội bao giờ cũng là vẽ một vòng tròn trên đất, rồi bắt tôi đứng vào đó, bao lâu thì tôi không nhớ, nhưng chắc là cũng không lâu lắm, vì tôi vẫn cứ chứng nào tật nấy, vẫn cứ lén đi chơi quên mất giờ cơm cho ông Nội xách roi mây đi kiếm.

Ôi, nhớ quá những nhịp roi hù dọa thương yêu, đậm đà tình ông cháu!

Còn nhớ ông Nội tôi thường hay ăn cơm có thêm khoai lang hoặc chuối, có lúc là xoài hay dưa hấu. Khi được hỏi thì ông nói, ăn vậy để nhớ bên Tàu, ở bên đó vì nhà nghèo không đủ gạo, nên người ta thường ăn độn với khoai lang, bây giờ mình ở Việt Nam sướng quá, nhưng không nên quên những ngày đói khổ.

Mỗi người ra đi khỏi quê hương thường mang theo những kỷ niệm về nơi chốn mà họ đã sinh ra và lớn lên, một cách thiết thực nhất là những mớn ăn mang đậm dấu ấn ở nơi chôn nhau cắt rốn của họ. Một trong những món ăn mà ông Nội tôi thích nhất có lẽ là món tàu hủ dồn thịt danh tiếng khắp thế giới, nơi nào có bước chân của người Hakka đặt đến là nơi đó có món ăn này. Còn nhớ khi Ba tôi làm ăn khá, cả gia đình cùng ông Nội dọn lên ở trong con hẻm nhỏ ở đường Trương Tấn Bửu, Cầu Cây Gõ, Chợ Lớn. Đôi khi buổi trưa có một bà già thường hay xách một cái nồi men, bên trong có đủ thứ: tàu hủ, cà và khổ qua dồn thịt, ông Nội thường bảo tôi chạy ra mua cho ông mấy viên tàu hủ dồn thịt.

Nhưng món ăn đặc sắc nhất mà ông Nội tôi thường làm khi còn ở Sa Đéc lúc ông còn khỏe là món “tóp mỡ xào tương bằm”, đó là món ăn của tuổi thơ mà đã lâu lắm rồi tôi không được ăn lại. Món này mà ăn với cơm và dưa leo thì quả là “tuyệt cú mèo”, bây giờ ở mấy xứ Âu Mỹ này, ăn gì cũng sợ cholesterol cao, làm sao dám ăn tóp mỡ!!!

Nhắc đến món tóp mỡ xào tương bằm mà không nhắc đến “cơm cháy” thì sẽ là một thiếu sót lớn lao về tuổi thơ tôi, đó cũng là một món ăn tuyệt vời khác của những ngày tháng ở Sa Đéc. Bếp của nhà tôi ở Sa Đéc ngày xưa là lò trấu, miệng lò rất to nên nấu nướng đều bằng chảo, nấu cơm cũng bằng chảo, có lẽ vì vậy mà ngày nào cũng có nhiều cơm cháy, những miếng cơm cháy vàng ngậy và giòn rụm, bỏ vào miệng nhai nghe rau ráu, kích động tất cả thính giác và vị giác cùng nhau làm việc thật nhịp nhàng, làm người ăn cảm thấy như mình đang thưởng thức một thứ sơn hào hải vị nào đó. Miếng cơm cháy đó mà có thêm một chút tóp mỡ xào tương bằm của ông Nội tôi làm nữa, thì phải nói là ăn tới không biết đường về Tàu luôn. Còn nhớ cô Tư thường hay nói với tôi, “mày thích ăn cơm cháy như vậy coi chừng về Tàu hổng được đó nha!”. Thú thật, lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được chuyện lỡ chuyến tàu đi về Trung Hoa sẽ có ảnh hưởng gì đến đời sống tinh thần của những người “sưng tửng” (danh xưng chung cho những người Chinese đến Việt Nam bằng đường thủy) bỏ nước, bỏ làng quê của mình để đến một đất nước hoàn toàn xa lạ tìm phương sinh sống. Thế nhưng sau này khi lớn lên, dù rằng được Ba tôi cho đi học trường Tàu, lấy hai bằng Tú Tài Việt và Tàu cùng một lúc, nhưng tự trong thâm tâm tôi, Trung Hoa cũng chỉ là một quê hương mập mờ trong trí tưởng tượng, qua những hình ảnh lịch sử học được ở nhà trường, Việt Nam mới thật là một quê hương bằng xương bằng thịt, nơi có đời sống thật với những con người thật, ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng, quyến thuộc, nơi tôi được sinh ra, lớn lên, vui buồn, cười khóc, mộng mơ, hy vọng.

Bây giờ sống ở Úc, khi nhớ về những tháng ngày thơ ấu cũ, hình như tôi cảm thấy mình hiểu được ra những ẩn ý đắng cay đàng sau câu nói “ăn cơm cháy về Tàu hổng được” ngày xưa. Nhưng, dù thế nào đi nữa, tôi cũng xin chọn được ăn cơm cháy, cho dù có phải lỡ chuyến tàu.

Nói nhiều quá thành ra lan man, lạc đề, tôi đang kể lại những ký ức về ông Nội, người đã khai sinh ra gia tộc nhà tôi ở Việt Nam, để bây giờ con cháu tỏa lan ra khắp nơi trên thế giới, đúng ra nếu Việt Nam không bị rơi vào tay Cộng Sản, có lẽ gia tộc tôi giờ này vẫn còn quây quần với nhau ở Việt Nam, nơi ông Nội đã chọn làm quê hương và gửi thân ở đó. Trong 70 năm hiện diện ở Việt Nam, ông đã là một tấm gương sáng cho con cháu đời sau noi theo. Bây giờ ở Úc, tôi là thế hệ thứ ba tiếp nối nghề Đông Y của ông, tuy rằng không dám nói là nghề “cứu nhân độ thế” như người xưa thường xưng tụng, nhưng tôi có thể hãnh diện mà nói rằng, tôi đã luôn luôn làm đúng theo lời dạy của ông Nội và Ba tôi rằng: “chỉ cho bệnh nhân mình uống những gì mà mình dám uống”. Và tôi thành thật tin rằng, đó là một cách để Đức lại cho con cháu đời sau.

Những ngày tháng cuối đời của ông Nội tôi là vào khoảng gần Tết Trung Thu năm 1974, lúc đó tôi đã thi xong Tú Tài, đang sửa soạn vào Đại học, vì vậy tôi có nhiều thì giờ vào nhà thương với ông Nội (lúc đó ông Nội tôi nằm ở bệnh viện Sùng Chính - một bệnh viện tư do hội người Hakka thành lập, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn).

Còn nhớ sáng hôm đó, tôi ở trong bệnh viện với ông Nội như thường lệ, lúc đó hình như khoảng 9-10 giờ sáng, tôi lột cho ông Nội mấy trái nho, ông ăn được vài trái rồi nói nho ngọt quá, không ăn nữa. Ông nằm nhắm mắt ở đó, tôi ngồi bên cạnh đọc sách, chừng khoảng nửa giờ sau, bác sĩ vào thăm bệnh và nói “Ông đi rồi”, ông Nội kính yêu của tôi đã ra đi nhẹ nhàng, êm thấm, không một cựa quậy, trăn trở, ngay cả tôi ngồi bên cạnh cũng không hay biết. Thế mới biết, những người hiền lành, đức độ khi từ giã cõi đời cũng được hưởng ơn lành của đấng thiêng liêng, được ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Năm đó, ông hưởng thọ 90 tuổi.

Trương Tuyết Phương

( Mùa Tết Trung Thu 2020 )