Một tình cờ làm gợi nhớ đến Pleiku, thành phố cao nguyên sương mù mà tôi vẫn hằng mơ ước được có một lần đặt chân đến.

Trong thời chiến, Pleiku chỉ là một phố thị bé nhỏ, chốn núi rừng nơi mà lính có lẽ nhiều hơn dân với những căn cứ địa đầu.

Cuối tháng 4 năm 1972 tôi trở lại Saigon, với thân phận của một người chiến nạn.

Dạo đó tôi chưa tròn 16, chạy giặc từ Bình Long về đến Saigon vào cuối tháng 4 của Mùa Hè Đỏ Lửa. Cùng gia đình, chúng tôi đã vượt qua được những cái chết kinh hoàng và đầy oan khiên trên đường lánh nạn rời An Lộc, trên Quốc Lộ Máu 13. Không nhà, về tạm trú ở nhà người bác, chị của bố tôi trong Ấp Chợ của khu Ông Tạ.

Cô hàng xóm của tôi, tên Sơn cũng từ Pleiku chạy về lánh nạn ở nhà người thân kế bên. Qua Sơn tôi mới thấy được cái đẹp, vẻ mơ mộng và nét dịu dàng của người con gái má đỏ môi hồng cao nguyên, với ánh mắt sâu thẳm đượm buồn. Sơn cũng vào lứa tuổi của tôi. Chúng tôi dễ quen và làm thân với nhau, vì cùng một tâm trạng và nỗi khổ của người lánh nạn, bỏ quê ra đi mà chưa biết ngày về.

Bên nhau, Sơn hay kể về Pleiku, phố núi đìu hiu, với những biển hồ núi rừng trùng điệp, những con dốc cao vời vợi đầy bụi đỏ với sương mù, mùa Xuân với những cánh lan rừng ngây ngất hương... Còn tôi với niềm đau chưa nguôi trong tâm tưởng, nỗi nhớ chưa vơi về An Lộc, ngay cả trong những đêm dài mộng mị.

Thời gian chúng tôi có nhau không dài lắm. Sơn hứa khi an bình sẽ một lần đón tôi đến Pleiku, quê hương của Sơn. Rồi chợt một hôm, tôi phải đi Phú Văn, Bình Dương. Lúc trở về thẫn thờ và hụt hẫng như mất hồn khi hay tin Sơn đã phải đột ngột trở về Pleiku, không kịp một lời chia tay. Cô chị họ tôi kể lại, Sơn đi vội vã và buồn lắm. Thế là những ước mơ của chúng tôi đã không trọn, chúng tôi mất nhau từ đó…. Ước mơ bên nhau, cùng Sơn vào Xuân tìm những cánh lan rừng rồi cũng dần theo vào quên lãng…

……… 2021, mùa Xuân năm nay Coronavirus vẫn là câu chuyện tưởng như không bao giờ dứt.

Vậy mà đã hơn một năm, kể từ khi bệnh chứng SARS-Covid 2 (Covid-19) được mô tả lần đầu tiên xuất hiện ở Wuhan, Trung Cộng. Thế giới đã phải từng ngày sống chung với loài “siêu cầu trùng có gai” - Coronavirus lây lan nhanh đáng sợ này. Chúng đã gây ra căn bệnh cấp tính và ác tính đường hô hấp với những biến chứng gây tử vong kinh hoàng và những thiệt hại to lớn, toàn diện về kinh tế, tâm sinh lý, tôn giáo, giáo dục và xã hội chưa từng có, không gì so sánh nổi, ngay cả trên những quốc gia có nền y học tân tiến trên thế giới như tại Hoa Kỳ và ở Châu Âu. Có những vùng địa lý may mắn, con số lây nhiễm và tử vong nằm ở mức thấp. Các vùng khí hậu nóng, nhiệt đới tỷ lệ lây nhiễm và phát tán cũng ở mức thấp rõ rệt.

Cộng Hòa Liên Bang Đức hiện đang phải chống chọi với con số lây nhiễm và số tử vong trong tháng 1 năm 2021 dao động ở mức 1.000 người chết liên quan đến Covid-19 mỗi ngày, ở kỷ lục hàng đầu thế giới. Con số này cũng do chịu ảnh hưởng nhiệt độ lạnh giá vào mùa Thu Đông, dù đã có những biện pháp cách ly, vệ sinh thật nghiêm ngặt. Trước đó con số lây nhiễm và tử vong trong những tháng mùa hè nơi đây đã xuống thật thấp.

Cho đến nay những hiểu biết về nguồn gốc, nguyên do, cơ cấu di truyền, đường lây nhiễm và cách điều trị Coronavirus vẫn còn là những dọ dẫm có tính tiên đoán nhất thời, ghép nối chưa vẹn toàn trong y giới.

Chúng ta có đến hàng ngàn câu hỏi, mà hiện giờ vẫn chưa có được những câu trả lời chính xác và đầy đủ.

VÀI GHI NHẬN THỰC TẾ ĐÁNG CHÚ Ý:

· Trong nhóm người bị nhiễm bệnh, có người bị tử vong với biến chứng về cấp tính hô hấp, tuy thế cũng có một nhóm người không hề có một triệu chứng đáng kể gì hết, hoặc có triệu chứng như cảm nhẹ.

· Có nhiều trường hợp, trong cùng một gia đình nhiều người, tất cả nhiễm bệnh, chỉ có duy nhất một người không hề bị bệnh hoặc bị lây nhiễm. Đây cũng là điều gây nên mối hoài nghi, Coronavirus có thực sự hiện hữu và nguy hiểm đáng sợ đối với loài người không?

· Độ chính xác và tin cậy của các thử nghiệm Covid-19. Với các kết quả trái ngược hoàn toàn của 9 bệnh nhân thuộc Tiểu Bang Nordrhein Westfalen (NRW), do 2 phòng thí nghiệm khác nhau đã gây tranh cãi về tính chính xác của các thử nghiệm.

· Gần đây sự xuất hiện các biến thể đột biến Corona mới ở nhiều quốc gia trên thế giới đã gây thêm sợ hãi và lo ngại như đứng trước một con đường không lối thoát. Biến thể đột biến này được Anh Quốc công bố đầu tiên, vì họ luôn xét nghiệm cấu trúc Gen của Coronavirus trong số những người bị nhiễm bệnh. Điều này cho thấy loài siêu vi trùng độc hại này không bao giờ ngủ quên, chúng tìm cách sống còn và biến dạng để thích ứng với môi trường trong nhu cầu tồn tại của chúng. Thành phố Manaus, Ba Tây đã được đánh giá vào mùa Thu đã có đến 75 % dân cư được miễn nhiễm, do đã bị nhiễm Covid. Sau đó không ai bị nhiễm bệnh. Bỗng dưng con số nhiễm bệnh và tử vong gia tăng đột ngột đáng sợ gây nên mối hoài nghi về tính miễn nhiễm đối với bệnh nhân đã bệnh và bình phục. Họ không có khả năng chống lại siêu vi trùng Covid, dạng biến thể.

· Gai Spike-Protein của Covid-19 có cấu trúc phân tử Gen gồm 1.300 Acid amin. Ở biến dạng đột biến có sự thay thế các Acid amin trong phân tử Gen. Thay đổi này có thể ảnh hưởng đến sự phát tán lây lan, tính độc hại hoặc có lợi cho virus hoặc bất lợi cho chúng, dẫn đến chúng có thể tự bị hủy hoại. Phân tích cấu trúc Gen ghi nhận, hiện nay có 3 dạng: Vương Quốc Anh với dạng B.1.1.7; Nam Phi: B.1.351; Manaus Ba Tây: P1.

· Có những bệnh nhân đã bị nhiễm Covid-19, sau khi đã bình phục và kết quả thử nghiệm đã âm tính, lại bị nhiễm Covid-19 lại.

· Trẻ nhi đồng khi bị nhiễm bệnh không có triệu chứng nguy hiểm, không được nhận biết và là mầm bệnh lan truyền trong xã hội.

· Zoonose Covid: Coronavirus có thể gây nhiễm, bệnh ở thú hoang dã và thú nhà. Lây truyền giữa người và thú, và giữa các loài thú với nhau đã là câu hỏi cần nhiều theo dõi và cũng là mối lo ngại hàng đầu.

COVID 1 và COVID 2

Cơn đại dịch Coronavirus 2 (CoV 2 = Covid-19), được nhận biết vào cuối năm 2019 vừa qua, đã lặp lại gần như nguyên mẫu SARS Coronavirus 1 mà chúng ta đã biết đến từ cuối năm 2002 ở Châu Á. Nhưng Covid 2 với dạng đột biến có mức độ lây lan, phát tán và gây tử vong mãnh liệt hơn hàng vạn lần và ở tầm mức toàn cầu.

Nhìn lại tháng 11 năm 2002, thế giới, đặc biệt là ở Quảng Đông, cũng lại là Trung Cộng, đã ghi nhận trường hợp đầu tiên SARS Covid. Rồi từ đó lây lan đi 28 quốc gia trên thế giới, đến Hà Nội, Việt Nam, Toronto, Hong Kong, Singapore, … Cộng Hòa Liên Bang Đức ghi nhận có 7 trường hợp đã phải đương đầu với Coronavirus 1, siêu vi trùng dạng cầu thể có gai, đã gây ra con số tử vong ở mức độ cao 6,3% - 15 % trong số người bị nhiễm bệnh. Thế giới lúc đó có 321 người thiệt mạng trong số 5.050 người bị nhiễm bệnh (thống kê vào ngày 09.05.2020). Đọc lại bài viết y học của chúng tôi vào thời đó (Viên Giác số 135, tháng 6 năm 2003) đến nay đã hơn 18 năm dài, chúng ta vẫn chưa có được một loại thuốc điều trị thích ứng nào. Biện pháp phòng ngừa COVID 1 vào những năm đó như: cách xa nguồn bệnh, tránh tiếp xúc, giữ vệ sinh và đeo Maske vẫn còn là phương thức ngừa tránh như ngày hôm nay đối với COVID 2.

CORONAVIRUS VÀ DƯỢC PHẨM ĐIỀU TRỊ

Nhờ vào việc biết đến cấu trúc phân tử, chúng ta hy vọng đến cuối năm 2021 tìm được và đưa vào thử nghiệm, dùng kháng thể để gắn vào gai Spike-Protein của Corona trước khi chúng bám vào tế bào chủ của người bị nhiễm bệnh. Hai dược chất được nhắc đến là Monoklonale Antikörper: Bamlanivimab và hỗn hợp dược chất Polyklonale Antikörper: Casirivimab với Imdevimab. Hiện hai dược phẩm này đang được dùng để điều trị ở Mỹ, có cơ chế tác dụng như phương thức chủng ngừa thụ động: tác động nhanh, cấp thời kết bám vào virus để các thực bào của cơ thể có thể tiêu diệt chúng. Cơ chế này, cũng gây được niềm tin vào tác dụng điều trị. Ở Châu Âu thuốc vẫn chưa được cho phép sử dụng. Cộng Hòa Liên Bang Đức đã quyết định mua 200.000 liều Bamlavinimab từ Mỹ với giá 400 triệu Euro để sử dụng điều trị trong những trung tâm thuộc các Bệnh Viện Đại Học Y Khoa.

Phân hóa tố ACE như Alunacedase alfa cũng được thử nghiệm để gắn vào gai Spike-Protein, làm chúng không còn có khả năng kết dính trên ACE 2 nơi tế bào của bệnh nhân và gây bệnh.

Proteasa-Inhibitor Camostat (Foipan® = chất ức chế enzym protease): Nhật Bản hiện đang ở giai đọan thử nghiệm 2 trong việc điều trị bệnh do Covid-19. Ở Nhật thuốc này đã được sử dụng để điều trị bệnh viêm sưng tuyến tụy tạng và bệnh trào ngược dịch vị dạ dày sau khi phẫu thuật. Đại Học Y Khoa Charite, Berlin hiện đang nghiên cứu, theo dõi cơ chế hiệu quả và tác dụng điều trị.

Trong quá khứ chúng ta cũng từng bị thất bại trong cơ chế dược học điều trị các bệnh do siêu vi trùng gây ra. Thuốc trị cúm: Oseltamivir (Tamiflu®) và Zanamivir (Relenza®) đã từng là niềm hy vọng, nhưng hiệu quả đạt được lại rất thấp.

Dược phẩm điều trị HIV không đạt được thành công đối với Coronavirus.

Remdesivir (Veklury®): là RNA – Polymerasehemmer, chất ức chế tổng hợp RNA-Polymerase dù được cho phép đưa vào điều trị nhưng không đạt được tính đặc trị chuyên biệt. Tác dụng chỉ có giới hạn, không toàn hảo.

PHẢN ỨNG MIỄN NHIỄM VÀ TẠO KHÁNG THỂ TỰ NHIÊN

Thực tế cho thấy Covid 2 có cơ chế về đường xâm nhập vào tế bào của ký chủ người như Covid 1. Những gai Spike-Protein nằm ở bề mặt của cầu thể siêu vi trùng này kết nối với ACE 2 Rezeptor của tế bào đường hô hấp và các cơ quan khác, nơi đó chúng mới phát triển được và sinh sôi làm biến đổi cấu trúc tế bào, gây độc hại và hủy diệt tế bào ký chủ. Hệ thống kháng thể tự nhiên trong cơ thể do các Tế Bào T- và B-Zellen tạo ra. Đó là những tế bào Trí nhớ T-Zellen sẽ lưu trữ những dữ liệu đã có trong quá trình tiếp xúc và phương cách loại trừ virus. Khi tiếp xúc với loài virus quen thuộc này trong lần kế tiếp, Memory T-Zellen này sẽ tạo ra các kháng thể tương ứng nhanh chóng để cô lập và hủy diệt chúng với sự tham gia của các thực bào (Phagozyten, Micro- và Macrophagen).

Ở Cộng Hòa Liên Bang Đức đã có trường hợp một bệnh nhân 73 tuổi, vùng Baden-Würtemberg bị nhiễm Coronavirus lần đầu vào tháng 4 và tái nhiễm sau đó vào tháng 12 năm 2020. Bệnh nhân này đã bị tử vong vì biến chứng sưng phổi. Đây là một trong 3 trường hợp được ghi nhận trên thế giới, làm dấy lên mối lo ngại, sau khi bị lây nhiễm các kháng thể không tồn tại bền vững lâu dài, như thường thấy ở những bệnh truyền nhiễm với siêu vi trùng quen thuộc.

NGUYÊN TẮC TIÊM CHỦNG mRNA

Đến nay thế giới đã công bố 6 loại thuốc chủng đang dần được đưa vào tiêm chủng ngừa. Đáng kể nhất phải nhắc đến Gen Vaccine mRNA. Dạng tiêm chủng này nhắm vào gai Spike-Protein, nhằm vô hiệu hóa khả năng bám vào bề mặt của tế bào của bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Theo công bố mới nhất của BioNtech và Pfizer, thuốc chủng ngừa của họ đã có hiệu quả trong thử nghiệm lên đến 95 %. Mặc dù cho đến thời điểm này, trước đó hãng BioNtech chưa hề chế ra được bất kỳ một loại thuốc tiêm chủng ngừa nào.

Đây là dạng tiêm chủng dựa vào Gen mới nhất, chưa từng được điều chế và áp dụng.

Cá thể được tiêm chủng nhận được messenger RNA (mRNA), một dạng thể Gen thông tin, có cấu trúc đơn, được tạo ra dựa vào cấu trúc Gen Corona biết được. mRNA dễ bị hủy hoại này được bảo vệ bằng lớp vỏ Lipid sẽ được nhận vào tế bào của cá thể được tiêm và mang theo thông tin này. Trong tế bào đó sẽ tạo ra cấu trúc Protein như của siêu vi trùng Corona thực thụ. Khi gặp tế bào lạ xâm nhập, hệ thống kháng thể của người được tiêm sẽ tạo ra phản ứng miễn nhiễm. Nhờ vào đó cơ thể có thể chống lại siêu vi trùng Corona.

Nguyên tắc của thuốc tiêm chủng này do nhà Sinh Hóa Học, Bà Katalin Kariko´, gốc Hungary đã từng làm việc trong Khoa Y Học thuộc University of Pennsylvania, Hoa Kỳ. Năm 2005 bà đã từng công bố khảo cứu và khám phá của mình về mRNA trong hy vọng điều trị bệnh ung thư, nhưng đã không gây được sự chú ý đáng kể nào trong y giới và sinh hóa học di truyền. Năm 2013 bà đã được Moderna, Hoa Kỳ (Giám Đốc là Weismann) mời cộng tác trong lãnh vực này, nhưng bà đã từ chối hợp tác để đến Mainz, Tây Đức làm việc cho hãng BioNtech (hãng được thành lập do vợ chồng bác sĩ di dân người Thổ Nhĩ Kỳ) trong hợp tác phát triển dược phẩm chống các bệnh nan y như ung thư, ... Weismann và Kariko´ đã làm nên cuộc cách mạng y sinh học, nếu nguyên tắc tiêm chủng ngừa này đạt được hiệu quả ngừa bệnh SARS Covid 2. Vì tính cách cấp bách để ngừa Covid 2 nên những theo dõi hiệu quả, tính bền vững ngừa bệnh và phản ứng phụ chưa được công bố và hiểu biết toàn diện.

Pfizer là hãng dược phẩm nổi tiếng lâu đời của Hoa Kỳ, vào năm 1991 được biết đến nhiều nhất qua một trong những khám phá tình cờ của họ nhờ đã tìm ra dược chất Sildenafil, ức chế PDE 5 với tên gọi Viagra®. Ban đầu Viagra® được nghiên cứu ở Sanwich, Anh Quốc với mục đích là thuốc điều trị bệnh tim và huyết áp cao. Tác dụng trong điều trị tim mạch lại không đạt được kết quả như mong muốn. Trong thời gian thử nghiệm thuốc, có nhiều người tình nguyện ở lứa tuổi cao niên, mô tả phản ứng phụ của thuốc gây ra làm cho dương vật của họ được kích thích cương cứng và họ có được khả năng hoạt động tình dục trở lại. Năm 1998 thuốc được bán ra thị trường dược phẩm thế giới đã mang lại lợi nhuận hàng nhiều chục tỷ Mỹ Kim. Ngoài tác dụng điều trị bệnh bất lực và yếu kém sinh lý, thuốc còn dùng để điều trị bệnh cao huyết áp động mạch phổi.

Giữa lúc cả thế giới đều trông đợi vào tác dụng của thuốc chủng ngừa Covid-19 trong đợt tiêm chủng đầu tiên ở Anh và Mỹ, thì một tin loan đi từ Anh Quốc đã gây nhiều lo âu về dạng đột biến của Covid-19, có cấu trúc gai spiker đã biến đổi, gây tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao (?) gấp nhiều lần và so với dạng ban đầu được biết từ Wuhan. Y giới đang theo dõi và ghi nhận với đầy âu lo.

Liệu đối với dạng Corona đột biến này, thuốc tiêm chủng có còn hiệu nghiệm miễn nhiễm như trong giai đoạn thử nghiệm vừa qua như trên nhóm người tình nguyện, mà người được tiêm chủng hầu hết là những người còn trẻ tuổi và không mang các bệnh nguy hiểm mãn tính.

Lợi điểm lý thuyết của thuốc chủng ngừa dựa vào Gen, có thể thích ứng điều chế nhanh, thay đổi mRNA theo biến dạng đột biến của Coronavirus.

CÁC THUỐC TIÊM CHỦNG NGỪA DẠNG QUEN THUỘC

Vektor Impfstoff:

· Astra Zenica và Đại Học Oxford: dùng vỏ của các loại siêu vi trùng vô hại trên đó có mang các phân tử di truyền Coronavirus. Tế bào của cơ thể được tiêm chủng phản ứng tạo ra S-Protein của Coronavirus. Đây không phải là virus thực thụ, nhưng có vai trò kích động tạo kháng thể và T-Zellen chống lại Protein thực thụ của Corona, khi cơ thể tiếp xúc với Coronavirus.

· Johnson & Johnson: Với Vektor là siêu vi trùng Adenovirus Serotyp 26. Đã được cho phép tiêm ở Trung Cộng.

*

* *

Trong quá khứ, lịch sử đã ghi nhận những cơn dại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu triệu người. Y Học sơ khai vào thời đó cũng đứng trước những bế tắc như chúng ta hiện nay.

Nhưng cũng có những phép mầu, với niềm tin dù ở tôn giáo nào, cộng với những khảo cứu không ngừng nghỉ trong Y-Dược Học, hy vọng thiên nhiên đã và cũng sẽ ưu ái cho loài người còn có cơ hội sống còn và tồn tại.

Dịch đến rồi sẽ đi. Hy vọng là như thế.

(Minden, Hamburg 26. Jan. 2021, Hannover VG Nr.242/April.2021)

(B.S. Trương Ngọc Thanh & D.S. Trương Thị Mỹ Hà)