THAY LỜI TỰA

Tôi vẫn giữ châm ngôn : Viết cho tuổi trẻ VIỆT NAM!

Trong những ngày Xuân ấm áp xin viết ra những cảm nhận nhỏ về dân tộc.

Thời gian qua mau.

Xoay đi quay lại chỉ mong có một chút gì trong tay để lại cho các người bạn trẻ của những thế hệ trẻ sau này.

Viết những nhận xét đến từ suy tư và bình luận trong nhiều bối cảnh gặp qua của cuộc sống.

Tôi tin tưởng thế hệ trẻ mang thêm những bình luận phong phú để tất cả nhìn về một chiều hướng tốt cho quê nhà và dân tộc mà tôi đã xa quá sớm.

Sống ở ngoại quốc gần 60 năm nay, rồi hai nhiệm kỳ làm President của một Tập Đoàn, tôi phải di chuyển vì công vụ qua nhiều xứ, nhiều vòng quả đất để thấy bao xã hội, chủng tộc và tinh thần dân tộc khác nhau.

Di chuyển này đưa tôi đến nhiều so sánh mong đợi và tự hỏi có thể làm gì cho người dân Việt ...

Trong những chuyến đi như thế, khía cạnh du lịch rất ít.

Những đề tài dưới đây đã được đúc kết từ những suy tư.

Mọi đề tài đều độc lập và không liên kết một chủ thuyết nào ngoài chủ thuyết dân tộc.

1. XIN MỘT CHÚT XÚC CẢM…

Ngày Xuân … xin cho

… một chút xúc cảm

… một chút quan tâm

... một chút tình thương

... một chút tình dân tộc

… cho những NGƯỜI VIỆT sau đây

Những người này là :

. * Những người Việt thương phế binh của trận chiến tương tàn huynh đệ đứng trên hai chiến tuyến Bắc – Nam.

. * Người quân nhân đóng ở biên thùy hay trên biển đảo bảo vệ lãnh thổ của Tổ Tiên đã bị sứt mẻ vì ngoại xâm từ gần năm mươi năm nay.

. * Những người Việt hy sinh tuổi trẻ, hy sinh cuộc đời để đấu tranh cho dân tộc và đang sống giá lạnh lao tù.

. * Những người Việt không có khả năng tiền bạc để sống ở những thành phố.

. * Những người Việt sống ở thôn quê từ bao nhiêu đời làm nông dân.

Nhưng trong lịch sử quê hương, khi binh đao gây động, những người đứng đầu trước mũi lửa là những người nông dân này.

. * Những người Việt sống ở biên cương, biên cương miền Bắc, biên cương miền Tây. ***

. * Những em bé quần áo rách rưới phải lội sông để đến trường.

. * Những em bé phải ngồi vào bao để được kéo qua lũ để đi học vì trường ở bên kia sông.

. * Những em bé ngậm ngùi dùng tay móc từng mảng cơm ở đáy nồi để chia nhau.

. * Những người Việt không cùng xuất xứ từ dân Giao Chỉ mà từ lúc Việt Nam lập quốc, họ đã ở trên lãnh thổ quê hương.

Những người này thường được gọi cách biệt là dân tộc thiểu số. Từ ngữ này không đúng. Họ là người Việt. Thế hệ con cháu họ sẽ mang dòng máu Việt Nam. Anh em một nhà không thể chia cách phân ly.

. * Những người Việt tàn tật từ bẩm sinh hay tai nạn giữa đường đời, ngày nay lây lất trong cuộc sống, không nơi nương tựa.

. * Những người Việt già nua, xã hội và đất nước không có những cơ sở để nhận họ. Rồi một ngày buồn họ âm thầm ra đi khỏi cuộc đời trong những mảng chòi rách nát.

. * Những người Việt bán thân nơi hải ngoại.

. * Và tất cả những người Việt đang khổ đau trên lãnh thổ quê hương hay một nơi xa xăm trên thế giới này.

. *…và tất cả.

Từ thượng cổ đến ngày nay họ đã bị quên lãng !

Mọi sự hy sinh của họ rất ít được biết đến.

Những vùng biên giới trên mọi phần lãnh thổ, cầu mong ngày nào có mức sống theo được mức sống của những tỉnh thành nhỏ.

Lãnh thổ và an ninh của dân tộc chỉ được bảo đảm chỉ khi vùng biên giới được phát triển.

Đây là bức chắn cho an ninh quốc gia.

Và cũng đây là trách nhiệm của mọi người Việt.

2. NGÀY XUÂN VÀ MỘT CHỦ ĐỀ KHÔNG THỂ QUÊN.

Trong lịch sử cận đại, dân tộc Việt Nam không may mắn với những cái Tết Âm Lịch.

Những Tết này là những chết chóc đau thương.

Tết Mậu Thân (1968), hương khói vẫn còn nóng cho những thế hệ hiện tại của nhiều gia đình có người thân bị tàn sát, nhất là ở Huế và ở Saigon.

Sau đó mọi người đừng quên Tết Kỷ Mùi (1979)!

Đúng ngày 21 tháng Giêng (17/02/1979), 32 sư đoàn bộ binh và cơ giới Tàu ào ào tấn công trên gần 1.000 km biên giới Việt – Trung qua 6 tỉnh lớn của Việt Nam.

Tập trung 600.000 quân về những tỉnh miền Nam của Trung Hoa, Tàu Trung Cộng đã giữ được sự bí mật tuyệt đối, qua mặt được mọi gián điệp trên thế giới, Mỹ, Nga, Ấn, Nhật, …

Ngày nay mọi người đều nhớ Đặng Tiểu Bình tuyên bố câu nói lich sử: quân Trung Quốc sẽ ăn sáng ở Hà Nội và ăn tối ở Saigon!

Chủ lực quân đội Việt Nam lúc bấy giờ đang ở trên mặt trận Campuchia chống Khmer Đỏ của Pol Pot.

Tất cả sự kháng cự của Việt Nam chỉ dựa vào dân quân của các tỉnh tham chiến miền Bắc ngay biên giới Việt –Trung.

Dân quân này tử thủ để ngăn chặn bước tiến của quân Tàu và cầm cự cho đến khi có quân đội chính quy từ miền Nam ra tiếp viện.

Bao nhiêu hy sinh to lớn của dân quân này trước áp lực của quân đội chính quy Tàu Cộng và họ gây tổn thất lớn cho quân xâm lăng.

Một tuần sau phát súng đầu tiên, một quân đoàn chính quy từ Campuchia đã được chuyển về miền Bắc Việt Nam để chờ đợi tham chiến.

Trung Cộng bị chặn đứng trên chiến trường khoảng 30 km cách biên giới. Thất bại hoàn toàn trong chiến dịch này sau khi đã đổi Tướng chỉ huy mặt trận, Đặng Tiểu Bình quyết định rút quân từ ngày 05/03/1979.

Không hiểu vì lý do gì Bộ Tham Mưu Bắc Việt ra lệnh ngừng bắn từ ngày 05/03 !

Trong hai tuần rút quân, Tàu Cộng tàn sát hết mọi tù binh Việt Nam. Những tù binh này gồm có : dân quân bị bắt, thường dân, đàn bà, trẻ con, ngay cả trẻ sơ sinh.

Thêm nữa quân Tàu được lệnh SAN BẰNG những thành phố mà họ chiếm đóng trong giai đoạn đầu.

Những dinh thự tư nhân, công cộng, TRƯỜNG HOC, NHÀ THỜ, … tất cả phải được san bằng với cốt mìn và thuốc nổ.

Lúc chiếm được lại bởi quân Việt Nam, phóng viên của các báo chí thế giới xác nhận là không còn một bức tường nào đứng vững !!

Chủ đề này dân tộc Việt Nam phải không bao giờ quên !

Tháng Chạp năm Quý Sửu (1974), bốn ngày trước Tết Nguyên Đán, theo Dương Lịch là ngày 19/01, đảo Hoàng Sa Việt Nam bị Trung Cộng xâm lăng. Sau một trận hải chiến khi Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bị phục kích và Không Quân lại tùy thuộc vào Mỹ và « không có » nhiên liệu để can thiệp (?!)!

Hạm Trưởng Việt Nam Cộng Hòa tuẫn tiết để theo 70 Binh Sĩ và Sĩ Quan Hải Quân.

Đảo Hoàng Sa bị chiếm đóng từ ngày đó.

Ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Cộng tấn công vào Đảo Gạc Ma Việt Nam, giết 64 lính Hải Quân Việt Nam không có súng trên tay vì tuân theo một lệnh hèn đến từ Hà Nội.

Từ đó cho tới ngày nay, trên Biển Đông Hải Quân Trung Cộng đã bắn giết nhiều ngư dân Quảng Ngải, Quảng Nam.

Năm nay 2021, tình hình chính trị tại xứ Mỹ tạo nhiều ưu thế cho Trung Cộng, càng làm người Việt phải giữ thái độ báo động trong những ngày Tết Nguyên Đán sắp đến.

Trong thanh bình của những ngày Tết Âm Lịch, chúng mình không thể quên được những đau thương đã xảy ra.

Niềm nguyện cầu của dân Việt: Trăm năm hay ngàn năm mọi biển đảo và lãnh thổ của Tổ Tiên phải được lấy lại.

3. THE SOUND OF SILENCE một sự lặng lẽ trang nghiêm …

… Của dân tộc Nhật.

Xứ Nhật, đất hẹp, người đông, náo nhiệt nhưng yên lặng.

Người Nhật ngoài đường phố giữ thái độ kính cẩn trang nghiêm và lặng lẽ. Nhà gare, phi trường, trong quán ăn không ồn ào ...

Người Nhật ở hải ngoại giữ thói quen và tinh thần này. Tại hải ngoại họ cũng có những tổ chức những tập đoàn để liên lạc xã hội.

Trong tính cách liên đới, họ cũng có những tổ chức sinh hoạt.

Đăc điểm nổi bật: những sinh hoạt rất kính đáo, ít phô trương, không trống kèn ồn ào, ngay cả trong những buổi lễ cổ truyền.

Người Nhật giữ nhiều phong tục truyền thống. Họ ít bộc lộ trình diễn ra ngoài tại hải ngoại như người Trung Hoa hay người Việt Nam.

Mọi nơi từ Âu Mỹ cho đến Phi Châu, trong những trường hợp tranh chấp chính trị trên thế giới, người Nhật vẫn được đối xử một cách nể nang.

Vì sao?

Một tinh thần dân tộc đặt nặng vào sự đoàn kết, ưu tiên vào tập thể, và xa hơn là tinh thần đất nước quốc gia.

Những kiều dân này đều giữ hãnh diện là dân tộc Nhật.

4. TỴ NẠN HUNG GIA LỢI VÀ TIỆP KHẮC TRONG KỸ NGHỆ MỸ

Năm 1956, khi quân đội của Liên Bang Xô-Viết vào Budapest, tàn sát phái Quốc Gia Hung Gia Lợi, cả thế giới chứng kiến vụ này một cách thụ động ...

Thế Giới Tự Do cuối đầu bằng lòng với mọi ngượng ngùng xấu hổ bằng câu tuyên bố: đây là chuyện nội bộ của khối Cộng Sản (!).

Để tự lừa dối lương tâm, những xứ Âu Mỹ đã mở rộng vòng tay đón nhận người tỵ nạn Hung Gia Lợi …

Sau Thế Chiến thứ II, và từ năm 1952 trở đi kỹ nghệ điện tử là động cơ phát triển kinh tế của các xứ Âu Mỹ và Nhật.

Những người Hung Gia Lợi đến Mỹ hòa nhập vào sự phát triển kinh tế này. Kỹ sư, cán bộ, công nhân đến từ khối Cộng Sản được nhìn là những người “giỏi toán” và “giỏi điện tử”.

Các Tập Đoàn lớn tại Mỹ tuyển dụng rất nhiều người tỵ nạn Hung Gia Lợi.

Khoảng mười năm sau (1966), Mỹ đứng đầu thế giới về kỹ nghệ điện tử này, vượt qua Âu Châu và Nhật.

Năm 1968, Mỹ đưa người lên cung trăng cũng nhờ sự hùng mạnh của kỹ nghệ điện tử Mỹ.

Cho đến ngày nay trong lãnh vực những kỹ nghệ thông tin, hay những kỹ nghệ HIGH TECH hiện đại, rất nhiều Công Ty hay Tập Đoàn là hậu duệ của các kỹ nghệ do người Hung Gia Lợi tỵ nạn năm 1956.

Trường hợp Tiệp Khắc

Năm 1968, lịch sử lặp lại: quân Nga Xô-Viết kéo vào Prague, Kinh Đô xứ Tiệp Khắc, bẻ gảy sự kháng chiến của phái quốc gia muốn Tiệp Khắc rời khỏi khối Cộng Sản ...

Cả thế giới vẫn giữ thái độ thụ động. Rồi thế giới đón nhận người Tiệp Khắc tỵ nạn … Xứ Mỹ đón nhiều nhất. Cộng Đồng người Tiệp Khắc tụ tập nhiều vào những tiểu bang có kỹ nghệ kim khí hay kỹ nghệ xe hơi, cơ khí.

Họ tìm việc làm dễ dàng.

Cũng chỉ mười năm sau, số người tỵ nạn này giúp ngành hợp kim và kỹ nghệ nặng về kim khí tại Mỹ tiến rất xa đối với thế giới.

Trong bối cảnh chiến tranh quốc cộng tại Việt Nam, sau 30/04/1975, người Việt đến Mỹ đông hơn rất nhiều so với người Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc, và được giúp đỡ rất nhiều trong giai đoạn định cư.

Cộng đồng người Việt cho đến ngày nay, tuy đa số có thành công, sống sung túc với kinh tế tại Mỹ, nhờ đi làm hay kinh doanh tiểu thương, vẫn chưa tạo được dấu ấn đặc sắc trong một ngành kỹ nghệ nào.

Đây là điều đáng tiếc. Cộng đồng người Việt của thế hệ thanh niên và trung niên năm 1975 có trình độ học vấn trung và đại học, đa số có quá khứ sống trong tập đoàn quân đội, nhưng không được dùng và hướng dẫn tận tình. Có thể thời buổi bấy giờ chưa có cơ hội hay có một chính sách nhìn xa.

Chiến tranh Việt Nam trong thời điểm đó không để lại dấu ấn tốt tại Mỹ. Xứ Mỹ chỉ lo băng bó lại những vết tích khi tham dự chiến tranh tại Việt Nam trước khối Cộng Sản thế giới.

Sức mạnh của cộng đồng này không được sử dụng tại Mỹ như trường hợp Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc.

5. CÃM NGHĨ VỀ QUAN NIỆM DU HỌC CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

Tiếp theo thời đại canh tân của Minh Trị Thiên Hoàng, xứ Nhật gởi nhiều du hoc sinh trong nước đi các xứ Âu Tây để học hỏi về thế giới văn minh, kỹ thuật cách mạng cơ khí.

Có nhiều giai thoại đẹp cho những tấm gương du học này.

Đẹp với những hy sinh, nhưng đẹp nhất là tinh thần yêu nước. Những du học sinh Nhật thời buổi bấy giờ phải tự lực sinh sống, không một ai giúp đỡ, không phải là “con của đại gia”.

Sống để học, sống để lấy kiến thức về giúp nước. Gia đình không bao giờ mong chờ du học sinh Nhật này gửi tiền để « xây nhà, làm giàu… ».

Tinh thần đó vẫn giữ cho tới ngày nay.

Bao nhiêu câu chuyện hy sinh có khi hiểm nghèo và phải mất đi tánh mạng.

Gia đình vẫn hãnh diện không một lời oán trách.

Trong hiện tại, Mỹ và Canada số sinh viên (Đại Học) và học sinh (Trung Học) Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng tinh thần du học của đa số người Việt Nam không giữ được ý nghĩa tinh hoa của nó.

Nhiều gia đình giàu tại Việt Nam đưa con đi du học từ tuổi học Trung Học. Sự thật là gia đình tìm cách chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra ngoại quốc để mua bất động sản.

Số thành công về học vấn của các em này rất thấp, gần như là con số không.

Tinh thần du học chân chính đòi hỏi nhiều tính cách cá nhân. Tinh thần này phải được ấp ủ từ trong lòng bao năm tháng rồi được coi là lý tưởng cuộc đời trong mọi hoàn cảnh.

Du học chân chính phải là những quãng đường khó khăn thì mới thành công.

Một lầm lẫn lớn là sự lẫn lộn giữa quan niệm du học và xuất khẩu lao động. Sự lầm lẫn gây rất nhiều hậu quả tai hại và cũng có thể tạo nên nhiều bi kịch.

Du học đúng nghĩa của nó là phải học hành túi bụi, thì giờ đâu mà đi làm kiếm tiền để gởi về nhà cho gia đình!

Du học đối với tôi là chấp nhận cuộc sống xa lạ không ai giúp đỡ. Những đêm dài trong thư viện, chắc chiu từng đồng bạc, phải cố gắng hai ba lần nhiều hơn bạn bè bản xứ, cố gắng mọi giây phút hòa nhập vào cuộc sống.

Vài xứ còn có chính sách Đoàn Tụ Gia Đình. Nhiều người Việt dùng nó thay cho những thể thức du học. Những quốc gia tiền tiến dùng chính sách này là chính sách di dân có kiểm soát để thu hút lực lượng lao động trẻ và không phải đầu tư vào giáo dục cấp tiểu – trung học và đồng thời còn thu hút một số ngoại tệ quan trọng.

Tại Nhật, Đại Hàn, Anh Cát Lợi còn có những hiện tượng: người Việt du học lại lần lần bỏ học để đi lao động. Khi đã đi vào quãng đường này, kết quả học hành sẽ là một sự thất bại lớn.

6. ĐI TỪ ĐÔNG XUỐNG NAM QUA TÂY LÊN BẮC ...

Với công vụ, tôi đã phải đi nhiều xứ bao xung quanh biên giới xứ Tàu China.

- Lào – Campuchia – Thailand (không bao giờ bị Tàu đô hộ !!)

- Nhật

- Philippine

- Indonesie

- Malaisie

- Singapour

- Ấn Độ

- Bangladesh

- Pakistan

- Các xứ Trung Đông

- Iran - Irak

- vân ... vân …

Các xứ này, trong lịch sử cũng phải giành độc lập hay cũng có chia rẽ gây nội chiến.

Thật là một ngạc nhiên lớn là không một xứ nào như Việt Nam từ lịch sử đến bây giờ phải nhờ vả và lệ thuộc xứ Tàu ; chưa kể khoảng thời gian dài bị nô lệ.

Thật đau lòng và căm hận.

Có cần phải dựa dẫm vào xứ Tàu như Việt Nam, để rồi được xếp hạng gần cuối cùng trong cộng đồng thế giới trên nhiều thống kê.

Có người nghĩ vì NGÔN NGỮ >> nhưng tiếng Việt khác hoàn toàn tiếng Tàu.

Có người nghĩ vì VĂN HÓA >> văn hóa Tàu đâu có giúp điều gì cho văn hóa Việt.

Có người nghĩ vì TỔ CHỨC GIA ĐÌNH XÃ HÔI >> những xứ khác cũng có tổ chức gia đình xã hội như mọi nơi. Họ đâu có cần « văn minh » người Tàu.

Có thể dân Việt bị ảnh hưởng Tàu vì thói quen của thời kỳ phong kiến khi xứ mình bị đô hộ.

Ngày nay sự kiện nô lệ nghìn năm khó giải nghĩa lý do cho người ngoại quốc.

Ngay cả trong thời kỳ này người Việt Nam cũng không : KHÔNG HỌC ĐỰỢC GÌ CẢ.

Văn hóa, tôn giáo, phong tục, tinh thần bị lệ thuộc, những lãnh vực chính trị, giáo dục, kinh tế, quân sự thì lại không có gì.

Nhiều triều đại khi Việt Nam thắng trận, thì một số vua chúa cũng lại xin triều cống để chấp nhận địa vị tiểu nhược.

Nếu chúng ta biết rằng quốc gia Việt Nam nhỏ hơn mười lần về nhân số, đây là một ưu điểm cho Việt Nam trong giáo dục để vượt qua tiêu chuẩn người Tàu.

Thực hiện được kết quả này, Việt Nam sẽ tuyệt vời trong thế đứng của cộng đồng thế giới.

… Thời cận đại, kể từ ngày đình chiến của chiến tranh Việt – Trung 1988, ba mươi năm trải qua, chính quyền Việt Nam đã ngủ trên hiệp ước đình chiến, không làm gì ...

Trung Hoa đi vào giai đoạn kỹ nghệ hóa, phát triển kinh tế, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên toàn cầu. Tái thiết võ trang nhất là Hải Quân, không giấu tham vọng chiếm toàn thể Biển Đông! Với mọi thái độ hung hăng đe dọa để xâm lấn ...

7. TÌNH TƯƠNG TRỢ - TÌNH DÂN TỘC

Mọi người Việt cảm thấy những ấm áp trong lòng khi nhìn lại năm qua 2020, nhờ đầy biến động tinh thần tương trợ của người Việt lại bộc phát mạnh mẽ.

· GIÚP GẠO

Trong suốt năm 2020, nhiều hiện tượng làm ấm lòng người dân Việt Nam qua những thiên tai và biến cố thiên nhiên.

Trước hết nạn dịch Virus Wuhan gọi là Covid-19 làm ngưng trệ hoàn toàn guồng máy kinh tế của thế giới và của Việt Nam.

Xứ đã nghèo lại bị đại họa, hậu quả là thất nghiệp, tiền bạc thiếu thốn, thiếu ăn, nghèo đói, nhất là những người trong xã hội lao động ở các thành phố và những người ở vùng quê xa xăm.

Rồi cái máy người Việt gọi là máy ATM PHÁT GẠO, một máy tự động cung cấp GẠO một cách thiện tâm, không lấy tiền, xuất phát từ một ông chủ trẻ của doanh nghiệp nhỏ ở Saigon. Một thành công rất lớn, không phải vì kỹ thuật của máy mà là tinh thần của máy.

Thành công vang dội cho mọi tầng lớp. Những Mạnh Thường Quân mọi tầng lớp, lớn nhỏ, tặng gạo, tặng tài chính.

Hình ảnh người dân nghèo, người lao động, tụ đông tại những điểm phát GẠO. Hình ảnh cảm động.

Những dân chúng này học hỏi được bài học là xếp hàng trật tự đến trước đến sau. Một bài học căn bản rất cần cho ý thức công dân giáo dục cho người Việt.

· GIÚP TIỀN

Tháng 10 năm 2020, nạn lụt năm tỉnh miền Trung. Những tỉnh bị lũ lụt : Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Lũ lụt thật trầm trọng. Điều ngạc nhiên là Quân Đội không tham dự cứu trợ ...(*)

(*) Tại Âu Châu, ngay cả Quân Đội Nga, theo tôi biết khi có thiên tai, lực lượng Quân Đội đứng ngay hàng đầu để tổ chức cứu trợ. Tổ chức với tất cả những phương tiện to lớn, cơ khí, xe cộ, Không Quân, Hải Quân, lực lượng đặc biệt, mọi nhân lực và cơ khí quân đội. Tại Việt Nam ?!

Tại một đập thủy điện ở vùng sâu của Thừa Thiên. Đập thủy điện bị núi sạc lở. Trong lúc tìm kiếm nạn nhân, một phái đoàn Quân Đội Việt Nam tham dự và cũng bị nạn và mất một chỉ huy cấp Tướng. Báo chí lại đinh ninh là Quân Đội có tham dự vụ cứu lụt.

Thật ra trong vụ lũ lụt này, Hải Quân Việt Nam không tham dự chút nào.

Điều ngạc nhiên !

Sự cứu trợ lũ lụt này qua tay những cơ quan tư nhân không dính líu đến chính phủ.

Mọi người Việt đóng góp rộng rãi, một cách cảm động. Nhiều tỉnh thành miền Bắc và miền Nam tập trung cả đoàn xe cộ để chở quà cứu trợ đi xuyên miền Trung để đến chỗ cứu trợ.

Những giúp đỡ tài chính đến tận tay những gia đình nạn nhân.

Mọi người thiện tâm giúp đỡ, chỉ cầu mong là khi trở về thôn làng những nạn nhân này không bị những cán bộ Trưởng Thôn tịch biên tiền bạc nhận được.

· GIÚP NHÀ

Khoảng đầu năm 2000 mọc lên phong trào xây Cầu Tình Thương. Những cây cầu nhỏ đi qua những con rạch vùng đồng bằng sông nước Cửu Long.

Đa số các nhà Mạnh Thường Quân từ Mỹ và Âu Châu góp tiền để tài chính cho những cây cầu này.

Đến khoảng năm 2008, lại có phong trào hay đẹp của nhiều Hội Đoàn Cựu Học Sinh ở ngoại quốc (Pháp, Mỹ) tổ chức quỹ để xây nhà cho người nghèo. Tên đặt là Nhà Tình Thương.

Đây là phương thức thiện nguyện giúp người nghèo quý giá nhất.

Phong trào càng ngày càng phát triển. Bây giờ nhiều Youtuber đứng ra làm việc này.

Đa số sống tại Tiền Giang và Hậu Giang. Công việc Youtuber thành công, về đề tài phước thiện.

Chỉ cần coi số người trong và ngoài nước theo dõi số vidéo này. Công việc rất đáng khen thưởng và ủng hộ.

Họ tập trung mọi giúp đỡ tài chính, đi quan sát và tìm những gia đình nghèo sống sâu trong những vùng đầm lầy, sông rạch Rừng U Minh, rồi quyết định xây cất nhà cửa cho từng gia đình được chọn theo tiêu chuẩn nghèo.

Hình ảnh cặp vợ chồng nghèo vui vẻ sung sướng khi nhận được căn nhà đẹp và hình ảnh đẹp nhất vẫn là những em bé chạy tung tăng quanh nhà.

Hai năm qua rất nhiều gia đình nghèo khổ đã được hưởng những cái Tết đầm ấm với món quà quý giá nhất, đó là ngôi NHÀ TÌNH THƯƠNG.

Những người Việt này, nghèo, với căn nhà mới này ngày nay có thể nghĩ đến tương lai cho con cái. Một việc thiện được xây dựng với chiều sâu.

Đây là TẤM LÒNG TƯƠNG TRỢ và TÌNH DÂN TỘC cao quý nhất mà mấy chục năm trước không có trong hình thức này.

Paris, ngày 24/01/2021