Trần Xuân An - ĐỌC LẠI THƠ MÌNH VỀ CUỘC CHIẾN TRANH ĐỎ – VÀNG Ở NƯỚC TA

Nhân ngày 27-7-2016

ĐỌC LẠI 10 BÀI THƠ MỚI VIẾT

& CHÙM THƠ VIẾT ĐÃ LÂU

VỀ CUỘC CHIẾN TRANH ĐỎ – VÀNG Ở NƯỚC TA

(cùng vài nét cảm nghĩ về tôn giáo thuần túy

và khía cạnh can dự của tôn giáo vào chính trị)

.

.

PDF & cũng có thể tại đây: PDF

.

.

.

Bài 8

KÍNH GỬI ÔNG OBAMA:

ĐÂY THỐNG NHẤT VIỆT NAM

Trần Xuân An

trán vẫn còn nếp hằn sai lệch

hãy đặt tay lên đầu, đặt tay lên tim

tay nào cũng thép nung và đều sen nở

sự thật hiện lên cho mắt kiếm tìm

Mỹ vẫn tự ghi công mặc dù chiến bại

hư vô hoá chăng triệu người lính vàng?

Việt Nam nói không! Hai Miền vẫn là chủ thể

bi kịch là dựa vào hai Khối xâm lăng!

chào Obama, sao quên Gorbachov

một trả độc lập cho bao nước Đông Âu

một thắng hàng rào màu da Hiệp Chủng

Việt Nam thống nhất, cũng đặt tay lên tim, lên đầu

không phải đón chào nếp hằn sai lệch

nhìn thẳng lịch sử đi, đôi mắt Obama!

vẫn là chủ thể, hàng triệu lính, vàng Nam, đỏ Bắc

bàn tay nào cũng vuốt phẳng, nở hoa.

T.X.A.

08:12 – 09:51, 31-05-2016 (HB16)

.

.

.

Bài 9

VIẾT THÊM VÀO BÀI THƠ THỨ TƯ

KÍNH GỬI TỔNG THỐNG MỸ OBAMA

Trần Xuân An

xâm lăng? Đồng minh? Anh em Đỏ?

sau củ cà rốt nào cũng có gậy chỉ huy

cuộc chiến Đỏ – Vàng, gậy treo cờ cường quốc

Chiến tranh Lạnh hết rồi, sách trắng đó, ngại chi!

T.X.A.

07:01, 02-6-2016 (HB16)

.

.

.

Bài 10

SUY NIỆM NỖI NIỀM THƯƠNG BINH TỬ SĨ

Trần Xuân An

đâu chỉ ba thập niên và hơn một thập niên

một trăm ba mươi mốt năm (1),

mãi bi hùng trong hàng ngàn năm máu đổ

khát vọng sử học công bằng,

công bằng nhờ sáng tỏ

vết thương đầu tiên ở Sơn Trà (2)

còn đỏ tươi Hoàng Sa, Vị Xuyên, Gạc Ma…

T.X.A.

6:10 – 7:15, 24-7 HB14 (2014)

(1) 1858-1989.

(2) Sơn Chà (Sơn Trà); chính xác: địa danh cũ là Sơn Chà.

.

.

.

— 0O0O0 —

.

.

.

VÀ NHỮNG BÀI THƠ YÊU THÍCH ĐƯỢC VIẾT TỪ LÂU

.

.

Bài 11

BÀI THƠ VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ LÊ DUẨN (1907-1986)

Dù sao đi nữa, lịch sử cũng là chuyện đã rồi! Nước ta không thể như các nước thuộc địa khác của Phương Tây, sau Thế chiến thứ II (1945), thoát ách thực dân, mở ra một kỉ nguyên mới là độc lập dân tộc, mà phải trải qua 30 năm chiến tranh chống ngoại xâm từ hai Khối (chống Pháp, Mỹ, chống Xô, Trung), giữa “hai con đường” (1945-1954-1975), hơn 10 năm lúng túng, đói nghèo, chiến tranh biên giới, mới Đổi mới (1986) và thoát ách bảo hộ Liên Xô (1991)! Đó là con đường vòng oan nghiệt: Để tiến lên chủ nghĩa tư bản văn minh, nước ta phải kinh qua chủ nghĩa xã hội trói buộc, lạc hậu, trì trệ như lịch sử đã diễn ra.

T.X.A.

THĂM NHÀ LƯU NIỆM

CỐ TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (1907-1986)

Trần Xuân An

chiều đưa về với Bích La

bóng tre chỉ lối tìm qua bên này

Hậu Kiên, thời mở cõi đây (1)

bốn trăm năm, vút đỉnh mây sáng bừng

đề đốc uất buồn kiếm cung

trần lưng thợ mộc, cao nung lá nguồn

sinh Người, thông sáng lạ thường

đành làm thư kí bên đường sắt Tây! (2)

ngậm hờn nước mất, đắng cay

lao vào cách mạng. Tù đày, xiềng gông

ngấm đau khổ nhục, bền lòng

thắng Tây. Mỹ xé núi sông. Sao đành!

tắt chiến tranh bằng chiến tranh

xua đói nghèo, tóc trắng nhanh, vẫn nghèo

Tàu kia mặt nạ rơi vèo! (3)

suối sông bờ cõi: trong veo – đục mờ!

ba năm chạm trán hư vô (4)

Người nghe đất biển Liên Xô rạn dần

con đường cứu nước trọn phần

dở dang, rẽ lối cứu dân, vắng Người!

trưa Nhà Lưu niệm nắng tươi

chiều về hoa lá vẫn ngời hoàng hôn

dấu chân thơ dại mãi còn

và còn muôn thuở nước non giọng Người.

T.X.A.

19: – 21:40, 21-11 HB10

(1) Ông được sinh ra tại nguyên quán: Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị, nhưng thời tuổi nhỏ, sống tại làng Hậu Kiên, gần đó. Hiện nay, Nhà Lưu niệm được xây dựng tại Hậu Kiên.

(2) Xem: Lê Bá Tạo, “Gia đình đồng chí Lê Duẩn những năm 1946-1953 ở Bích La Đông”, đăng trong tạp chí Cửa Việt, số 151 (bộ mới), tháng 4-2007, tr. 83-85; cũng đã đăng trên báo Quảng Trị và tập san Tình Quê của Hội Đồng hương Quảng Trị tại Đà Nẵng. Cố tổng bí thư Lê Duẩn có thời làm thư kí kho vật tư tại ga xe lửa Đà Nẵng, Hà Nội, dưới thời Pháp xâm lược, thống trị, cũng như chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có thời là lính thợ của thực dân Pháp (tôi viết câu thơ này trong tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc). Tuy nhiên, ông sớm tham gia cách mạng (1930), trải qua hai lần tù tại Côn Đảo, 1931-1936 và 1940-1945…

(3) Xem: Bộ Ngoại giao Nước CHXHCN. Việt Nam, “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc 30 năm qua”, Nxb. Sự Thật, 10-1979.

(4) Ông bắt đầu ngã bệnh vào năm 1982.

.

.

.

Bài 12

Đức Phật Thích Ca là một thái tử đã từ bỏ ngai vàng quyền lực chính trị mà vua cha dành sẵn để trao cho. Đức Phật hoàn toàn hoà vào nhân dân. Phật giáo là tôn giáo, tuyệt đối không phải là tổ chức chính trị. Mỗi giáo hội của mỗi nước đều độc lập với nhau, giáo hội của nước này tuyệt đối không có quyền chỉ đạo giáo hội nước khác, tuyệt đối không có một ông vua tôn giáo (giáo hoàng) thống trị mọi giáo hội chư hầu cấp quốc gia, thống trị mọi đạo hữu (tín đồ) trên thế giới.

.

T.X.A.

28-6-2016 (HB16).

TIẾNG CHUÔNG XƯA

Trần Xuân An

sáng nay em đi chùa

lòng tôi buồn hơn xưa

một thời con dế nhỏ

ngậm sương mùa tương tư

một thời con kiến nhỏ

khóc vùi trên đường mưa

sáng nay em đi chùa

tóc em cài hoa xưa

thắp lên mùi hương khói

trên bình nhang linh hư

môi em thuyền bát nhã

xa tôi bờ đời mưa

ngắn dài câu gian dối

ướt sũng lời lọc lừa

sáng nay em đi chùa

em mặc áo người xưa

dìm tôi dòng mộng cũ

ngậm nhánh rong mơ hồ

sáng nay em đi chùa

lá ngủ còn hương xưa

tôi làm con chim nhớ

hót mừng ai giao mùa?

tôi là chim đổi xứ

tìm hoài mùa ngây thơ

tôi mang thân cổ thụ

níu mãi mây ngu ngơ

một đời còn thương nhớ

khi nghe tiếng chuông xưa.

T.X.A.

1973

.

.

.

Bài 13

Hình tượng cô gái trong bài thơ “Truyền thuyết về khát vọng cứu rỗi” của tôi dưới đây: Một cô gái tiếp xúc trực tiếp với Chúa Jesus (Yê-su), không hề thông qua giáo hội nào, nhà nguyện nào, giáo đường nào, giáo hoàng nào, linh mục hay mục sư nào cả. Cô gái ấy yêu kính Chúa Jesus như một nhân vật có thật trong lịch sử và đã được truyền thuyết hoá trong Kinh thánh (Bible). Trái tim cô gái ấy là giáo đường trong lồng ngực cô và trong bài thơ này của tôi.

T.X.A.

6-2016 (HB16)

VỚI TRUYỀN THUYẾT

VỀ KHÁT VỌNG CỨU RỖI

Trần Xuân An

“Người đã bị người-ta khinh-dể và chán-bỏ, từng trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm, bị khinh như kẻ mà người-ta che mặt chẳng thèm xem; chúng-ta cũng chẳng coi Người ra gì. Chính Ngài đã lấy tật-nguyền của chúng-ta, và gánh lấy bệnh-hoạn của chúng-ta”.

(ÊSAI 53: 2-4 / MATHIƠ 8:17)

nhịp trái tim mãi ban sơ

giáo đường nhạc vút xanh lơ sớm chiều

trầm tư, lắng tuổi xế xiêu

ngấm trong sầu khổ đã nhiều phúc âm

ngát thơm nguồn sáng từ tâm

hồn em cúi xuống, vọng thầm sóng mơ

vai oằn thập giá bao giờ

tôi tìm Đức Mẹ đọc thơ tình người

em là ngọn nến trong tôi

xua đi bóng tối truyền lời yêu thương

máu cứu rỗi sáng con đường

ánh vàng Núi Sọ rung chuông chói loà

xin nhân danh Đất Trời và

nỗi Khổ Đau và Thăng Hoa giữa Đời

nhà người thợ rất thánh ơi

mồ hôi nước mắt muôn thời hương bay

cõi trần gian còn đắng cay

vẫn còn khát vọng như ngày xa xưa

nắng ngời tiếng hát bốn mùa

hai ngàn năm nếu chẳng mưa máu Đời! (*)

T.X.A.

1992

Cước chú của bài Với truyền thuyết về khát vọng cứu rỗi:

(*) Nguyên văn trong bản in năm 1992 là:

hai ngàn năm dịu gió mưa

nắng ngời tiếng hát bốn mùa cho nhau.

Ở bản chép lại trên máy vi tính lần này (08. 03. 2005), tôi xin sửa lại như trên.

Xin lưu ý: TRUYỀN THUYẾT…

.

.

.

Bài 14

Bài thơ “MÁI TRANH”, tôi viết về Bác Hồ, năm 1977, khi tôi 21 tuổi, sau dịp cùng lớp ngữ văn 74-78 của chúng tôi ra thăm Vinh và các di tích lịch sử quanh đó…

T.X.A.

7-2016

MÁI TRANH

Trần Xuân An

1

dưới hai hàng cây xanh

tôi về thăm quê Bác

nắng dọc đường đi êm ả hiền lành

hiện dần trong tôi nho nhỏ mái nhà tranh

tôi đã thấy qua thơ qua tiếng hát

(khúc ca nào lắng sâu hóa nỗi niềm riêng)

tôi đã thấy qua bao xóm làng quê hương thân thuộc

một nếp tranh vàng rất đỗi dân gian

dưới bóng tre xanh, xanh tự ngàn năm

2

lần đầu tiên ra thăm

sao như trở lại lòng mình

3

ngõ hóp chống cao, vạt lúa, đất phèn

hàng giậu xanh non dẫn vào nhà Ngoại

nếp nhà tranh lùi lại cuối góc vườn

ôi tiếng khóc sơ sinh của Bác Hồ cất lên ở đấy

4

mảnh sân con tuổi thơ Người chật chội

bước chập chững vin vào khung cửi

giữa tiếng ngâm thơ và tiếng xa quay

dĩa đèn dầu dập dềnh bóng tối

khát vọng trăm miền nặng tiếng à ơi

nói tiếng đầu tiên

khi ánh đuốc nghĩa quân rực cháy

nên Đất nước đau thương từ đấy có Người!

5

đứng lên! đồng bào ơi!

ngân vang gió suốt chiều dài Đất nước

ai hát trên rừng xưa, bây giờ tôi hát

bỗng thấy cả vòm trời bao la

dưới mái tranh nghèo

hiểu khung vải dệt thời gian

dệt tiếng ru

trĩu nặng

hóa cờ bay phấp phới cả trời sao

từ dĩa đèn dầu hắt hiu ấu thơ Người đó

đến hừng đông cho bao dân tộc tôi đòi

từ mái tranh nho nhỏ

Bác Hồ ơi…

6

“Miền Nam trong trái tim tôi”

Miền Nam ơi

nỗi khổ mỗi người

nỗi khổ mỗi nhà

thành nỗi đau trĩu nặng lòng ai

nỗi cháy bỏng nhớ thương về Huế

cả Phan Thiết, Sài Gòn và trăm nơi

trái tim Người ấp ủ…

tuổi trẻ Người đi qua dưới cơn mưa nô lệ

chưa nắng đủ lòng vui, mưa Miền Nam đã ướt lại áo Người

rồi cơn đau cuối đời! Bác không về được nữa

Di Chúc vẫn lên đường, phấp phới nắng trăm nơi

7

con đường Bác đi, từ mái tranh nho nhỏ

nơi dừng lại bao la là giữa loài người

con đường Việt Nam, từ bùn đen loang máu

đã bừng lên rạng rỡ đóa sen tươi

mái tranh nho nhỏ

trở thành nơi hội tụ lòng người

8

tôi về thăm

gặp cả vòm trời

thu lại rất sâu trong từng đôi mắt

ánh mắt nào cũng chan chứa yêu thương

sáng lên từ Bác –

nhân hậu mênh mang sâu thẳm ngàn năm

tôi về thăm

mái tranh vàng sắc nắng dân gian

bóng tre tỏa hòa bình yêu thương lên mặt đất

và ai rưng nước mắt

thấm nụ cười ấm áp sâu xa

khúc ca nào vọng về thầm lặng ngân nga…

9

tôi cảm nhận Cõi Người

qua hồn ông cha, Đất Nước

dưới vòm trời xanh bao la

xanh sắc Quê Nhà.

T.X.A.

Vinh – Huế, 1977

Facebook:

Bấm vào đây

.

.

http://www.tranxuanan-writer.net

http://www.txawriter.wordpress.com ( cauyhe.net )

http://www.facebook.com/tranxuanan.writer

.

.

.

.

Bài 1

BÀNG HOÀNG VỀ BÁC HỒ

Trần Xuân An

bốn mươi năm Sài Gòn mang tên Bác

tự thuở ấu thơ đã kính yêu Người

tuy không bằng

trân trọng nghĩa binh Cần Vương chống Pháp

có ngờ đâu

Người từng là lính Pháp

ở châu Âu xa xôi!

bài thơ đầu tiên tôi viết về Người

bị gác lại do cụm từ bó đuốc Cần Vương rực cháy

bởi thân sinh Người thuở ấy, thờ ơ đến vậy

Người là sen, vượt bùn nhà, bùn tự bản thân!

anh chị Người suốt đời làm dân

yêu nước vô danh chăng? Chẳng rõ

nhưng hình như chưa bao giờ đứng về phía Đỏ

vẫn xa Người, dù Người đã về gần?

lịch sử sẽ rửa cho Người: đoá sen vị quốc duy dân (*)?

dẫu buộc tội Người, có bao lời bùn đen tàn độc nhất

Người vẫn là cành sen cắt lìa

trên bàn tròn về thời chống Pháp

bình sứ cũng là bùn

bùn trắng

óng men đời

đoá sen vị quốc duy dân? Lịch sử rửa cho Người?

T.X.A.

9:01, 03-7-2016 (HB16)

.

(*) Vị quốc duy dân: chỉ vì đất nước, vì dân tộc, nhân dân, “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”… (chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đất nước / tổ quốc). Không phải là danh từ riêng.

————–

Vài chú thích khác:

Đội Cấn (khởi nghĩa Thái Nguyên, 1917), Đội Cung (khởi nghĩa Đô Lương, 1941) là lính Pháp thuộc, và còn có rất nhiều lính tập thời Pháp thuộc tham gia khởi nghĩa Yên Báy, 1930 (Quốc dân đảng, Nguyễn Thái Học)…

.

Ngày xưa, trước 1975, ở Miền Nam và cả tại Sài Gòn, hầu như ai cũng biết HCM. đã đánh thắng Pháp, nhưng đều nghi ngờ HCM. cũng đồng thời là tay sai của Liên Xô và sau đó, của Trung Quốc nữa. Người ta kính trọng nghĩa binh Cần Vương hơn, vì họ không “dựa” vào cường quốc nào.

.

.

.

Bài 2

2016, ĐỌC LẠI 4 BẢN DI CHÚC QUÁ TẢ CỦA BÁC HỒ

Trần Xuân An

đang làm thơ, tôi lại tìm xem Di chúc Đỏ

hiểu Bác mãi ở nơi nào cùng cụ Mác, cụ Lê

cõi có các đàn anh cách mạng khác

Việt Nam, Nam Đàn, hồn Bác chẳng về! (1)

Bác chỉ theo tổ tiên trong thơ Tố Hữu (2)

tổ tiên nào? Các vị tổ học thuyết chăng?

có một thời, lãnh tụ say men quá tả

Việt Nam nhân vào Quốc tế, xương máu gấp ngàn lần!

ôi công sức Bác góp vào cách mạng vô sản thế giới (3)

làm đau thương dân tộc đến vậy đó ư?

sử học mai sau hiểu rõ, nhưng làm sao hiểu nổi

con người quốc tế tam vô (3)! Sai cộng thêm, sai cả loại trừ

hậu thế hiểu vì sao chia đôi đất nước

mấy chục triệu dân đã chống lại Người

không chống một-nửa-Hồ-Chí-Minh thắng Pháp

nhưng chống nửa-kia-Hồ-Chí-Minh chỉ đổi ách tôi đòi?

hậu thế hiểu, không thể tay không đánh đuổi giặc Pháp

Bác phải thành cộng sản, giương ngọn cờ hồng

ngọn cờ hồng thách thức hai phần ba thế giới

nên can thiệp Mỹ nhảy vào, bom dội nát non sông

duy nhất đúng, đánh tan giặc Pháp

bao sai lạc kia là cái giá phải trả cho thế cho thời

học lịch sử, tri ân song song phê phán

Bác Hồ là danh nhân, cũng là con người của một thuở qua rồi.

T.X.A.

06-7-2016 (HB16)

.

(1) Trích: “Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột” (nguyên văn Di chúc của HCM., bản công bố 1969; câu này ở các bản khác vẫn y như thế, chỉ khác ít chữ nhưng ý vẫn tuyệt đối giống nhau). Trong Di chúc, HCM. không một lần đề cập đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên, khi viết về “nơi sẽ đến” sau khi chết, mà chỉ là cụ Mác, cụ Lê-nin, các vị cách mạng đàn anh khác (cách mạng vô sản).

ĐỐI CHIẾU 4 BẢN DI CHÚC HỒ CHÍ MINH:

a) Bản 15-5-1965: “Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

b) Bản không ghi ngày tháng năm (có lẽ 1968): “Vì vậy, tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.

c) Bản 5-1969: “Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

d) Bản 10-5-1969: “Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Nguồn:

Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12 (1966 – 1969), xuất bản lần thứ hai, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

Bản PDF: http:// dangcongsan. vn /data/0/upload/392220152551956-hochiminh-tap12.pdf

(2) Trích: (Xem ảnh)

“Bác đã lên đường, nhẹ gót tiên

Mác – Lênin, thế giới Người hiền

Ánh hào quang đỏ thêm sông núi

Dắt chúng con cùng nhau tiến lên!”

(Thơ Tố Hữu, bài “Bác ơi!”, Nxb. Văn học giải phóng, 10-1975, tr. 221)

Xin lưu ý, ở một vài bản khác, câu thứ nhất của khổ thơ này là: “Bác đã lên đường theo tổ tiên”.

(3) Trích: “VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN THẾ GIỚI – là một người suốt đời phục vụ cách mạng… (….)…” (Di chúc HCM.). Ở đây là cách mạng vô sản thế giới.

(4) Tam vô, nhị các. Xem: http://www.tranxuanan-writer.net/Home/danh-muc-tac-pham-txa/tieu-luan-1/bai3

.

.

.

Bài 3

CÂN VÀ QUẲNG ÁO NGOẠI LAI

Trần Xuân An

đòn gánh trên vai hai đầu thúng rỗng

sử rơi trước mặt hình tượng chiếc cân

Đỏ, Vàng, Vàng – trắng (1), ai đòi cân thử

cởi áo ngoại lai, đâu khác gì dân!

mạn phép xưa sau, cân hai chiếc áo

áo Thập giá đây, đây áo Búa liềm

đều từ châu Âu, thực dân, xích hoá

sao chọn Việt Nam bùng nổ thù hiềm!

bốn nước chia lìa (2), riêng mình đẫm máu

đặt hai đầu cân, ai cũng rõ rồi

quẳng áo ngoại lai, Việt Nam chỉ một

áo bốn nghìn năm hợp cốt cách người

áo Thập giá kia xui mình thuộc Pháp

triều Nguyễn xé rồi, Quốc gia xé thêm

Búa liềm đánh Pháp, xích hoá Tổ quốc

mặc vào công nông chủ nghĩa cũ mèm!

sĩ nông công thương chan hoà, quy luật

giông bão vặn xô tre mãi dẻo dai

tâm như trụ cân làm cây bút thẳng

phản ánh là bút, giấy gánh hai vai

Quốc gia, Cộng hoà vốn không Thập giá

bị đồng minh Mỹ phản bội mấy lần?

không áo ngoại lai, chỉ tình dân tộc

bi tráng ngút trời, có đặt lên cân?

cân là người mẹ, cân là đất nước

gánh thóc hai miền, đôi vai Hiền Lương

cân là công lí, mắt ngời trông biển

di lụy giặc Tây, đảo còn máu xương?

Quốc gia, Cộng hoà vốn không Thập giá

Nhưng bị Thập giá cưỡng đoạt mấy lần?

không áo ngoại lai, chỉ tình dân tộc

bi tráng ngút trời, có đặt lên cân?

T.X.A.

Sáng 13-7-2016 (HB16)

& buổi chiều cùng ngày.

(1) Cờ đỏ (cờ Việt Nam dân chủ cộng hoà); cờ vàng (cờ Quốc gia Việt Nam, Việt Nam cộng hoà); và cờ vàng – trắng (cờ Thiên Chúa giáo – Vatican).

(3) Bốn nước chia lìa: Tây Đức – Đông Đức, Hàn Quốc – Triều Tiên, Trung Quốc – Đài Loan, Bắc Việt – Nam Việt.

.

.

.

Bài 4

GIẢI OAN QUỐC GIA, CỘNG HOÀ

Trần Xuân An (viết thay)

tôi là nắng cũng là mưa

hai bờ Bến Hải cho vừa lòng sông

T.X.A.

đất nước rối bời, tìm chút chính danh

dẫu biết ngai vua tròng trành phiêu giạt

Pháp lại qua, thời thực dân rã nát

chỉ để đầu hàng! Và Mỹ đồng minh

ngỡ quân đội Quốc gia vượt lên mình

giữ được chính danh, chặn chân Tàu đỏ

đình chùa nguyên, tổ tiên không phải bỏ

nhưng chút chính danh, đạo Chúa tiếm cờ!

Ngô Đình Diệm chết thảm, chẳng bất ngờ

tướng Thiệu đoạt Cộng hoà… Rồi Mỹ chạy

triệu quân-chống-Đỏ-ngoại-xâm sa bẫy

mất chính danh, chính nghĩa, hoá tàn binh!

danh dự Quốc gia, Cộng hoà: trung trinh

tình dân tộc và nỗi lòng yêu nước!

họ nghĩ tâm mình chưa từng nhơ nhuốc:

chống Búa liềm, cả Thập giá ngoại lai.

T.X.A.

chiều 18-7-2016 (HB16)

Bài 4 (NHÁP, thơ phác thảo)

Trần Xuân An

.

xin một vài phút ngẫm nghĩ

về bao người lính Quốc gia, Cộng hoà

hàng triệu đứa con sinh ra

từ bốn ngàn năm dân tộc

họ bị Ngô Đình Diệm cướp quyền

giáo gian độc tài, áp bức

nên Diệm chết thảm khốc

Nguyễn Văn Thiệu, ngờ đâu

không biết rút ra bài học

vẫn phải muối mặt dựa lưng Vatican!

họ còn bị đồng minh Mỹ cam tâm

phản bội

.

bốn mươi năm

buông súng, nhục nhằn

.

dẫu sao, lịch sử cũng phải minh oan

nếu không phải giáo gian

họ chống cộng: Xô, Trung súng tiền, ý hệ

không phải là không chính nghĩa!

với sử Việt Nam

hậu sinh nghìn sau, đọc chiến tranh đỏ – vàng

cũng thấy làm sao có thể vô can

trước bao dấu hỏi!

xin hiểu đích xác một từ hoà giải

cho sử Việt sáng trong

ngay thẳng

công bằng

ngọn bút: trụ cân.

T.X.A.

11-7-2016 (HB16)

.

.

.

Bài 5

LỊCH SỬ LÀ CHUYỆN ĐÃ RỒI!

Trần Xuân An

lịch sử là chuyện đã rồi!

– chúng mình đều có lúc thở dài, im lặng

chưa thể quên núi rừng xương trắng

đỏ máu ruộng vườn, phố thị xám tan hoang

lịch sử là chuyện đã rồi!

– chúng mình đều có lúc ngả đầu, chắt lưỡi

nhìn ra thế giới

bốn nước như Tổ quốc mình, Chiến tranh Lạnh cắt chia

lịch sử là chuyện đã rồi!

– chúng mình đều đã xế chiều, nghĩ khác thời trẻ dại

như bao người không thể dựng lại ngôi nhà, vườn trái

sau khi chấp nhận chiến tranh chém đốt nổ tan

thôi thì, lịch sử là chuyện đã rồi!

– chúng mình đều đã rủ nhau đi con đường vòng, quanh co đèo dốc

không quên con đường, bằng đạn bom, thống nhất, mặc dù lún sụt

tự an ủi xem như chưa bỏ dở hành trình

lịch sử đã diễn ra như thế rồi!

– chúng mình đều ngoảnh lại, chắt chiu cả bên bồi cùng bên lở

trân trọng xương trắng rợn hai bờ, hai bờ đầm đìa máu đỏ

để lớp trẻ đi nhanh hơn chúng mình

lịch sử đã diễn ra như thế rồi!

– chúng mình đều muốn kẻ chức quyền hiểu rõ

và chôn sâu những chiếc áo chính trị ngoại lai, ngoại lai lãnh tụ

chỉ cho lớp trẻ chùi sáng dân tộc ta, không hi sinh cho tên tuổi ngoại cường

lịch sử đã diễn ra như thế rồi!

– chúng mình đều không chối bỏ bao sai lầm, mộng mơ, ảo tưởng

nhưng thấu hiểu, không gàn bướng

thước đo là thực tiễn, sàng lọc là thời gian

dẫu sao, lịch sử đã diễn ra như thế rồi!

– chúng mình đều thấm thía bao chiêu bài giả dối

lẽ đời phũ phàng, bại thì vong, thắng thì lợi

thế gian cũng chỉ chào đón kẻ có thế có quyền

dẫu sao, lịch sử là chuyện đã rồi!

– nhưng chúng mình đều hiểu, nhìn thẳng về sự thật

về được và mất, về dân quyền, nhân quyền là pháp luật

không thể để lừa bịp mọi người!

T.X.A.

16: 12 – 18:04, 15-7-2016 (HB16)

.

.

.

Bài 6

NGÀY 20-7, THỜI HẬU CHIẾN

Trần Xuân An

tôi nghe tiếng gió ai hoài

trầm tư dáng tượng không phai bên đường

nghĩa trang Biên Hoà toả hương

cũng hương liệt sĩ cõi Trường Sơn xa

như sông Bến Hải quê nhà

hai bờ mưa, nắng, vẫn là một sông

bàn cờ vẫn một giữa lòng

triệu nghĩa trang triệu cầu vồng nối nhau

vở ô li đọng triệu câu

phím rung máy tính, mãi đau, thương hoài

để nghìn sau gió rộng dài

tôi thời hậu chiến mở hai phía nhìn.

T.X.A.

sáng sớm 20-7-2016 (HB16)

.

.

.

Bài 7

BẢN CHẤT, CÒN TÌM Ở NƠI ĐÂU?

Trần Xuân An

bao trang sách giáo khoa mở sáng tận trường làng

khắc sâu tâm trí ấu thơ và trẻ tuổi

bao tên trường, tên đường âm vang như chữ nổi

nhắc mọi lớp người, và cả những ai trót mù sử nước nhà

như bảo tàng có vài nơi vương rác, sứt cột, mẻ đà

dăm cành tên tuổi nở sai, hoa sự nghiệp vết tay ai che lấp

vẫn lừng tráng ca thuở tổ tiên chống Tàu, cha ông chống Pháp

trong triệu sách giáo khoa, trong vạn tên phố, tên trường

bạn sinh ra, lớn lên bên tê bờ Hiền Lương

vô bên ni bờ Hiền Lương, bật khóc

xem giáo khoa Miền Nam, đi trên đường phố Miền Nam,

đậm hồn quật cường dân tộc

bỗng đau vết chém nước non: những sông Bến Hải trên trán mình

vào thăm Huế, bên bờ dòng Hương trong vắt, đẹp xinh

ngôi trường xây theo dáng hình hai cuốn sách

mở ra bốn phía, sáu chiều, ba hướng, đều chống Tàu, chống Pháp

bất giác tự hỏi, chẳng lẽ ba mươi năm gọi lầm?

gọi lính Miền Nam là nguỵ tặc, hai mươi mốt năm

là gọi lầm Hùng Vương, Lê Lợi, Trần Cao Vân, Đội Cung, Trương Định…

gọi lầm Phạm Hồng Thái, gọi lầm Nguyễn Thái Học, gọi lầm Hoàng Hoa Thám… (1)

và gọi lầm tầm nhìn xa chống Nhật: Phan Châu Trinh?

bấy chừ, ngoài nớ mới thật hiểu trong ni, bạn mới thật hiểu mình

khi chúng mình đổi cho nhau, xem trang sách giáo khoa tuổi thơ, tuổi trẻ

khi nghe âm vang tên trường, tên đường, xua tan mấy thời nô lệ

bản chất đích thực nào, còn tìm ở nơi đâu?

Stalin ư? Mao ư? Mị học trò, mị nhân dân ở đâu, tìm đâu?

có phải mươi tên trường “tả đạo”, dăm tên đường chống cộng?

có phải trong sách giáo khoa là vài khoảng trống? (2)

Miền Nam vẫn ngày đêm bừng sôi hồn sử,

chống mọi thứ ngoại xâm.

T.X.A.

25-7-2016 (HB16)

(1) Những tên đường chung quanh và gần kề Trường Đại học Sư phạm Huế, trước 1975.

(2) Chương trình giáo khoa môn lịch sử tại Miền Nam trước 1975 gồm tất cả các thời kì từ 1954 trở về trước; không có giai đoạn từ 1954 trở về sau (bấy giờ, giai đoạn này chưa định hình, mới diễn ra và đang diễn ra; nếu đưa vào chương trình giảng dạy, dễ thiếu khách quan, khoa học). Nhưng về tên đường phố, lại có tên một vài nhân vật chống cộng sau 1945, 1954, đã chết, như Trình Minh Thế, Phạm Phú Quốc, Hồ Đắc Khanh…

.

.

.

_______________________

Google Sites / host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ... / HOST, SEARCH & CACHE