Trích sách “PHÁN XÉT” của thượng tướng công an NGUYỄN VĂN HƯỞNG

.

TƯ LIỆU ĐỌC THÊM:

CUỐI NĂM DƯƠNG LỊCH 2018, THẤY TRÊN MẠNG TOÀN CẦU & ĐỌC THEO CÁCH ĐÃI LỌC CÁC THÔNG TIN KHÁCH QUAN CỦA PHƯƠNG PHÁP SỬ HỌC

——————————————-

Bình luận về cuốn “Phán xét” trong bài

LƯNG RỒNG, “TÀU” & CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 17-2

Trương Huy San

(Facebook)

https://www.facebook.com/100000755701241/posts/1915841591784346/

Trích:

”Hôm trước tôi có nói đến cuốn Phán Xét; cuốn sách này không mới về tư liệu mà mới ở chỗ, lần đầu tiên một thượng tướng An ninh sử dụng tư liệu lịch sử nhiều nguồn để khẳng định rằng, nguồn gốc Cộng sản của Việt Minh là cản trở quan trọng nhất để các phe phái công nhận độc lập cho chính phủ Hồ Chí Minh và ý thức hệ đóng vai trò quyết định khi đặt VN vào các cuộc chiến sau đó. Phán Xét cũng nói rất nhiều đến vai trò Trung Cộng trong việc chia cắt nước ta ở sông Bến Hải.

Phán Xét cũng nói đến súng đạn và cố vấn TQ, đặc biệt nói đến con số 320 nghìn binh sỹ Trung Quốc từng có mặt ở miền Bắc Việt Nam một thời gian trong thập niên 1960s.

Chúng ta biết rất nhiều về Lê Duẩn với vai trò như một người hùng chống Trung Quốc. Nhưng chúng ta rất ít nói đến vai trò TQ đứng rất lâu sau lưng Lê Duẩn.

Sau 1956, khi Trường Chinh mất chức TBT để cứu uy tín của Đảng trong CCRĐ, Bắc Kinh ngăn cản ứng cử viên Tướng Giáp. Sau đó, Bắc Kinh tìm cách đưa Lê Duẩn ra Bắc. Năm 1957, chiếc xe và lái xe đưa Lê Duẩn đào thoát từ Sài Gòn sang Phnom Pênh là của người Hoa. Một điệp viên người Hoa đón Lê Duẩn ở Phnom Pênh và sau đó một điệp viên người Hoa khác đưa Lê Duẩn về HK rồi Trung Hoa Lục Địa. Bắc Kinh rất quan tâm tới con cái Lê Duẩn và bà vợ thứ Hai của ông trong thời gian bà ở Bắc Kinh.

Trong cuộc chiến tranh của Lê Duẩn ở miền Nam, ngoài súng đạn, Bắc Kinh trang bị cho bộ đội miền Bắc đến từng cái kim sợi chỉ; cung ứng ngoại tệ cho Lê Duẩn nhiều tới mức, sau ngày 30-4 vẫn còn hơn một trăm triệu đô la tiền mặt chưa dùng đến.

Khúc ngoặt quan trọng nhất trong mối quan hệ Lê Duẩn – Bắc Kinh là từ phản ứng của Lê Duẩn sau sự kiện Nixon bắt tay với Mao. Nhưng, nếu không có cú bắt tay này, Mỹ có buông miền Nam như thế… Có lẽ Lê Duẩn chỉ nhìn thấy trong sự kiện đó sự “trở mặt” của Bắc Kinh mà không nhìn thấy nó khởi đầu cho một sự thay đổi hoàn toàn bàn cờ thế giới. Sau 1972, quân cờ VN không còn quá quan trọng trong tay hai phe nữa.

Sau Chiến tranh 1979 nổ ra, có “riu mơ”, năm 1973 khi Kissinger sang Hà Nội, ông ta chỉ tay về phương Bắc và nói với Lê Đức Thọ rằng, “Từ nay kẻ thù của VN là đây chứ không phải là Mỹ nữa”. Năm 2006, tôi mang câu chuyện này hỏi lại Kissinger (khi phỏng vấn ông ở Boston), Kissinger cười, “Tôi tới HN, Lê Đức Thọ dẫn tôi đi thăm bảo tàng lịch sử, khi đó ở đấy chưa có phần nào trưng bày về chiến tranh với Mỹ nhưng có rất nhiều phần trưng bày về chiến tranh với Trung Quốc. Anh nghĩ người VN còn cần tôi dạy họ ai mới là kẻ thù của họ sao”.

Ông Trần Việt Phương, Trợ lý cố thủ tướng Phạm Văn Đồng và là một người rất gần gũi HCM, nói, “Trong lịch sử nghìn năm giữ nước, chưa có thời nào ngây thơ (quốc tế vô sản) và mất cảnh giác với Trung Quốc như thời đại HCM”.

Thay vì cấm đoán những cuốn sách như Lưng Rồng, nên ủng hộ cái nhìn nhiều chiều về văn hoá và lịch sử. Tôi hy vọng Phán Xét là một tín hiệu – phát đi từ trong nội bộ Đảng – cho thấy, chính người Việt Cộng sản cũng đang có nhu cầu mổ xẻ các bài học của mình về cách ứng xử bên cạnh một láng giềng như Trung Quốc”.

T.H.S.

(Osin)

Phối kiểm thông tin:

Bài “CHA TÔI, LÊ DUẨN VÀ KỶ NIỆM VỚI TRUNG QUỐC”

(Ông Lê Kiên Thành trả lời phỏng vấn)

Trích:

”Qua những lần xuất hiện trên báo chí để nói về cha mình, cũng như qua những lời chúng tôi ghi lại dưới đây, ông Lê Kiên Thành, người con trai thứ của cố Tổng bí thư Lê Duẩn giúp độc giả hôm nay hiểu hơn về bản lĩnh của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn đầy thử thách và oanh liệt của lịch sử dân tộc (1958 -1986).

… Năm 1957, đang là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, cha tôi được Bác Hồ gọi ra Bắc. Khi ấy, ông đã chọn một hành trình rất ngoạn mục là đi qua Nam Vang (Phnôm Pênh), Hồng Công tới Quảng Châu về Gia Lâm với sự giúp đỡ nhiệt thành của những người bạn Trung Quốc.

Mẹ tôi, các chị tôi và tôi cũng từng có thời gian học tập ở Trung Quốc. Đặc biệt, mẹ tôi trong cuốn nhật ký của mình từng có những trang viết ghi lại những kỷ niệm sâu sắc trong quãng thời gian bà vừa học vừa nuôi con tại Trung Quốc. Trong đó, bà cũng đã ghi nhận sự quan tâm của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, cố Thủ tướng Chu Ân Lai”.

https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/cha-toi-le-duan-va-ky-niem-voi-trung-quoc-c46a533480.html

.

Trích sách “PHÁN XÉT – Các nước lớn đã can thiệp vào Chiến tranh Việt Nam như thế nào?” (Lưu hành nội bộ) của thượng tướng công an NGUYỄN VĂN HƯỞNG (Nxb. CAND., quý IV, 2016)

https :// ordi. vn/giai-phap-bao-dai-va-tinh-toan-cua-phap-trong-chien-tranh-dong-duong-1946-1954. html

Giải pháp Bảo Đại

và tính toán của Pháp

trong Chiến tranh Đông Dương (1946-1954)

Bảo Đại là một giải pháp được Mỹ hậu thuẫn ngay từ đầu bởi cựu hoàng là nhân vật mà Mỹ cho rằng có thể là ngọn cờ tập hợp lực lượng theo xu hướng dân tộc nhưng phi Cộng sản ở Việt Nam. Ngay trước khi Pháp đàm phán thỏa thuận với Bảo Đại, tháng 12 năm 1947, cựu Đại sứ Mỹ tại Pháp William C. Bullit đã viết các bài báo trên tạp chí Life kêu gọi chấm dứt cuộc chiến đau khổ ở Đông Dương bằng cách chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam được xây dựng quanh Bảo Đại phải giành chiến thắng áp đảo trước Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Cộng sản. Pháp coi quan điểm như vậy là quan điểm chính thức của Mỹ ủng hộ Pháp và giải pháp Bảo Đại. Công điện ngày 30 tháng 8 năm 1948 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gửi Paris cũng tái khẳng định quan điểm phát triển các nhóm dân tộc dân chủ phi Cộng sản ở Việt Nam:

“Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm tất cả để củng cố các nhóm chủ nghĩa dân tộc thực sự tại Đông Dương và giảm thiểu sự góp mặt của các nhóm ủng hộ Việt Minh. Việc này sẽ không có hiệu quả trừ khi các nhóm chủ nghĩa dân tộc có thể đưa ra bằng chứng cụ thể về việc Pháp đang chuẩn bị tiến hành xây dựng một Nhà nước Việt Nam tự do liên minh với Liên hiệp Pháp, và nhà nước này có các thuộc tính của một nhà nước tự do…” (1)

Vào tháng 9 năm 1948, Đại sứ Mỹ tiếp tục thúc giục Bộ Hải ngoại Pháp về một giải pháp phi Cộng sản.

“…Mỹ cũng mong muốn hỗ trợ Chính phủ Pháp về tài chính… Với điều kiện có tiến bộ thực sự của giải pháp không Cộng sản dựa trên sự hợp tác của những người theo chủ nghĩa dân tộc thực thụ của đất nước đó…” (2)

Về phía Pháp, trong bối cảnh tình thế của Pháp ở Đông Dương vào năm 1947 – 1948 lâm vào bế tắc toàn diện, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Pháp bắt đầu cân nhắc và tiếp xúc với Bảo Đại.

Năm 1947, Bảo Ðại sống ở Hồng Kông và vẫn gặp gỡ rất nhiều nhân vật thuộc những nhóm và bè phái không Cộng sản ở Việt Nam trong đó có cả Ngô Đình Diệm. Cùng năm đó, Pháp đã tiếp cận và đề xuất với Bảo Đại thành lập một Chính phủ thay thế cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Chính phủ đó sẽ được công nhận độc lập và thống nhất trong Liên hiệp Pháp. Vào cuối năm 1947, Bảo Đại xuôi theo ý của Pháp, trở thành “trung gian” giữa chủ nghĩa thực dân của Pháp và “chủ nghĩa quốc gia” của Việt Nam. Bảo Đại trở lại Việt Nam trong một thời gian ngắn vào tháng 12 năm 1947 để vận động thành lập một chính phủ Việt Nam mới trong Liên hiệp Pháp do chính Bảo Đại đứng đầu.

[[[[Chú thích ảnh: Cựu hoàng Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu cùng các chính khách phi cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Hongkong 1947]]]]

Tháng 3 năm 1948, Bảo Ðại thông báo cho một số lãnh đạo phe nhóm người Việt phi Cộng sản khác rằng ông sẽ thành lập chính phủ mới với các điều kiện do Pháp đưa ra. Sau đó, cựu hoàng tiếp tục đàm phán với Pháp về việc trao độc lập cho Việt Nam như một “nhà nước Liên hiệp” trong Liên hiệp Pháp. Sau một số vòng đàm phán nữa, ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp và Bảo Đại đàm phán thành công Thỏa thuận Élysée, theo đó tái khẳng định Việt Nam là quốc gia liên kết độc lập trong Liên hiệp Pháp. Ngày 14 tháng 6 năm 1949, Cao ủy Pháp ở Đông Dương và Bảo Đại trao đổi thư tín ở Sài Gòn để công nhận Thỏa thuận Élysée, chính thức thừa nhận độc lập của Quốc gia Việt Nam.

Nội bộ Pháp cũng có những mâu thuẫn liên quan tới cách giải quyết vấn đề Việt Nam bằng giải pháp Bảo Đại. Cánh tả ủng hộ ngừng bắn ngay lập tức để đàm phán với Việt Minh. Cánh hữu hướng tới giải pháp Bảo Đại để loại Hồ Chí Minh. Luận điểm của phe hữu đã thắng thế và trở thành quan điểm chính thức của chính quyền Pháp.

Pháp dùng con bài “Bảo Đại” để đổ lỗi cho Cộng sản ở Việt Nam là nhân tố cản trở hòa bình cho Việt Nam khi “cố tình” chiến đấu trong khi Pháp đang nỗ lực thiết lập chính quyền độc lập cho Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp René Pleven tuyên bố:

“Sẽ rất cần thiết cho nhân dân Pháp biết rằng, hiện tại chỉ có một kẻ thù duy nhất cho hòa bình tại Việt Nam là Đảng Cộng sản. Vì các thành viên Đảng Cộng sản biết rằng, hòa bình ở Đông Dương sẽ được thiết lập bằng chính sách độc lập mà chúng ta đang xây dựng.” (3)

Trên thực tế, chưa hề có một nền độc lập cho Việt Nam. Hiệp ước Élysée năm 1949 thiết lập một nền tự trị hành chính có giới hạn cho Việt Nam, nhưng cho Pháp toàn quyền về chính sách ngoại giao, kinh tế và quân sự. Ngay sau Hiệp ước Élysée, Bảo Ðại trở lại Việt Nam và tuyên bố trở thành quốc trưởng của một Quốc gia Việt Nam mới, độc lập trên danh nghĩa.

Ngay sau Thỏa thuận Élysée giữa Pháp và Bảo Đại, Mỹ thông báo cho lãnh sự ở Sài Gòn vào ngày 10 tháng 5 năm 1949 rằng “thí nghiệm Bảo Đại” là lựa chọn duy nhất nên Mỹ sẽ khích lệ thí nghiệm ấy thành công.

“Ở thời điểm và tình huống thích hợp, Bộ Ngoại giao sẽ công nhận chính phủ Bảo Đại và biểu thị khả năng chấp nhận đề nghị được giúp đỡ tài chính và khí tài từ chính phủ đó. Tuy thế, chương trình hỗ trợ kiểu này cần Quốc hội đồng ý. Vì Mỹ khó có thể hỗ trợ một chính phủ có đặc điểm và khả năng là bù nhìn.” (4)

Trên thực tế, cho dù tháng 2 năm 1950, Quốc hội Pháp thông qua độc lập chính trị và thống nhất lãnh thổ cho chính quyền Bảo Đại với 396 phiếu thuận và 193 phiếu chống. Tuy nhiên, sự công nhận này hoàn toàn mang tính hình thức bởi không có sự chuyển đổi quyền lực nào trên thực tế đã xảy ra.

Pháp vẫn tiếp tục kiểm soát tài chính, thương mại, ngoại giao và quân sự của Việt Nam. Chính quyền Bảo Đại là “bù nhìn” bởi không có cơ sở ủng hộ mạnh của quần chúng, chủ yếu bao gồm các điền chủ miền Nam giàu có, không đại diện cho nhân dân. Chính Bảo Đại đã thừa nhận một cách thảm hại rằng, giải pháp Bảo Đại “chỉ là một giải pháp của người Pháp” (5).

Tháng 2 năm 1950, chính quyền Truman chính thức công nhận chính phủ của Bảo Đại, đồng thời bắt đầu kế hoạch viện trợ kinh tế và kỹ thuật để hỗ trợ cho chính quyền này.

Mỹ ủng hộ Bảo Đại bởi không muốn Việt Nam có một chính phủ do Cộng sản lãnh đạo. Mỹ hậu thuẫn cho Pháp lập Bảo Đại để thành lập một chính quyền dân tộc dân chủ thân phương Tây, từng bước thay thế Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Một lý do quan trọng khác là Mỹ quan ngại Cộng sản Trung Quốc, sau khi giành chính quyền từ tay Tưởng Giới Thạch năm 1949, sẽ phát huy ảnh hưởng của họ ở Đông Dương nên tìm mọi cách thúc Pháp thành lập một lực lượng chính trị do người Việt cầm đầu, nhưng đủ năng lực tổ chức và có được sự ủng hộ của dân chúng để thay thế Cộng sản. Hồ sơ Lầu Năm Góc thừa nhận: “Giải pháp Bảo Đại chỉ là cách bảo vệ Việt Nam khỏi sự dòm ngó của Cộng sản Trung Quốc”. (6)

Chú thích:

1 Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 1.

2 Nt

3 Nt

4 Nt

5 Herring, G. (2013). Cuộc chiến dài ngày giữa Mỹ và Việt Nam, 1950 – 1975. McGraw-Hill Higher Education.

6 Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về Quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam – Quyển 1.

(trích Phán xét – Nguyễn Văn Hưởng)

—————————————-

Tư liệu: KẾ HOẠCH MỸ LOẠI TRỪ PHÁP Ở ĐÔNG DƯƠNG

(TÀI LIỆU THAM KHẢO)

”Involvement in the Franco-Viet Minh War, 1950-1954″, Trích “The U.S.-French ties in Europe (NATO, Marshall Plan, Mutual Defense Assistance Program) only marginally strengthened U.S. urgings that France make concessions to Vietnamese nationalism.

[…]

(1) Washington wanted France to fight the anti-communist war and win, preferably with U.S. guidance and advice; and (2) Washington expected the French, when battlefield victory was assured, to magnanimously withdraw from Indochina.”

(nguồn: Wikipedia, dẫn chứng/ chú thích, “Quốc gia Việt Nam”).

“Sự tham gia vào Chiến tranh Pháp – Việt Minh 1950-1954”

/ Trích/

Mối quan hệ Mỹ-Pháp ở châu Âu (NATO, Kế hoạch Marshall, Chương trình Hỗ trợ Quốc phòng lẫn nhau) chỉ tăng cường thúc đẩy Mỹ kêu gọi Pháp nhượng bộ cho chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.

[…]

(1) Washington muốn Pháp chiến đấu (trong) cuộc chiến chống cộng sản và giành chiến thắng, tốt nhất là với sự hướng dẫn và tư vấn của Hoa Kỳ; và (2) Washington mong đợi người Pháp, khi chiến thắng chiến trường được đảm bảo, [thì] để rút lui một cách hào phóng khỏi Đông Dương. “

(Nguồn: Google)

_______________________

Google Sites / host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ... / HOST, SEARCH & CACHE