Trần Xuân An - Quan Âm Thị Kính và nhân quả - Chùm thơ về đề tài Phật giáo

Lời ngỏ ngắn: Quy luật nhân quả vừa có giá trị khoa học, vừa có tác dụng đạo đức. Nhưng chính nó cũng gây ra oan khốc. Ví dụ, một người hiền, học giỏi, nhưng thi rớt, thì đâu phải do quả báo (xem “Lều chõng” của Ngô Tất Tố). Tuy vậy, người ấy có thể bị mang tiếng oan là do quả báo. Vì thế, Phật giáo có Quan Thế Âm để giải trừ những nỗi oan tương tự mà tôi gọi là oan nhân quả.

QUAN ÂM & NHÂN QUẢ

Trần Xuân An

ai một đời hoa sen

bị giày oan xéo khổ

suốt đời ai gieo cỏ

lại sen ngát tuổi tên

đường đời luôn sắc đen

tiền căn nào, gót đỏ?

ai thương ai gối hèn

phải đâu tiền kiếp nợ!

Quan Âm vốn như gió (*)

nhưng hiện thực thắp lên

chín kiếp bồ tát độ

oan nhân quả, tâm yên

mưa tuyết thành bông len

Cao xưa sang Việt cổ (**)

tượng Quan Âm không vỡ

sen vượt số, toả đèn.

T.X.A.

17 & 20-9-2016 HB16

Trân trọng mời xem lại:

CHÙM THƠ VỀ ĐỀ TÀI PHẬT GIÁO

___________________________________

Trần Xuân An

1

ĐỨC PHẬT THÍCH CA

VÀ VÔ VÀN MÙA SEN

Trần Xuân An

dưới gốc vô ưu, sinh ra (*)

bước ban sơ, gót nở hoa sen hồng

gươm trai trẻ sáng cầu vồng

cung tên bắn loé vầng hồng tâm xa

sách uyên bác cưới ngọc ngà

cho thái tử được làm cha, vẹn toàn

im nhạc ngựa, lắng tiếng than

thấy đời nước mắt mênh mang ngoài thành

sống, khổ dài, vui thoáng nhanh

tuổi già gục úa như cành lá khô

trăm cơn bệnh, một nắm tro

người lạc phúc ngẫm sững sờ bi thương

tóc xoăn mượt, cắt khuya sương

cỗi cằn khổ hạnh trơ xương giữa rừng

dưới cội bồ đề, sáng bừng

lẽ trung đạo, tránh hai cùng cực xa

bốn bước diệt khổ, lòng ta

tám nẻo tu, cũng tâm và trí thôi

soi rọi cõi đời, hiểu đời

sát sanh: thóc giã, gạo sôi, xót hồn

nghe đau khi ngắt rau non

nói chi đến dĩa thịt ngon, đũa chùng!

kính Phật để lòng trung dung

trần gian thanh nhẹ bớt lừng men say

đời vẫn yêu cõi đời này

có quy luật trong mây bay giữa trời

hiểu tất yếu, tự do rồi

cái tất yếu không phải lời viển vông

chuông chùa thức đoá nhang hồng

đèn soi quốc sử tâm không quên đời

vẫn Đức Phật thoảng môi cười:

ngai vàng chính trị Người rời bỏ đi

bát khất thực, áo đắp y

vạn dặm đường, thuyết từ bi, không sờn

để quy luật nhẹ nhàng hơn!

Người viên tịch, nhắc khổ còn miếng ăn!

sen Phật đài, đầm thế gian

sen gần đời, mặc ngai vàng bệ cao

đi phương nao, sống thời nào

mãi còn Đức Phật ngọt ngào bảo ban

sen nhân dân, Phật nhân dân

triệu sen phật tính, căn phần bùn đen.

T.X.A.

15: 05 – 18:23, 07-9-2016 (HB16)

(*) Câu thơ thứ nhất này có thể được sửa lại như bản viết đầu tiên: sinh ra dưới gốc sa la

— Cây sa la (shorea robusta) khác với cây vô ưu (asoka). Có sự lầm lẫn giữa hai cây này trong một số tài liệu.

.

(*) Lai vô ảnh, khứ vô hình (đến và đi đều không hiện ra bóng dáng).

(**) Hình tượng Quan Âm Thị Kính, căn cứ vào các bản truyện thơ, vốn có xuất xứ từ nước Cao Ly (Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay). Tuy nhiên, có một số tài liệu cho rằng Cao Ly chỉ là biến âm của Câu Ly hay Câu Lại (Koli), quê hương của bà Maya, mẫu thân Phật Thích Ca. Hoặc giả, theo tôi, có thể đó chỉ là một địa danh biểu tượng về một nơi không xác định.

.

Ghi chú thêm:

1) Biệt nghiệp và cộng ghiệp trong tiền kiếp thì không một ai thuộc phàm nhân biết rõ. Người đời chỉ nhìn quả hiện kiếp để suy đoán nghiệp tiền kiếp. Nghiệp hiện kiếp còn bị suy đoán do quả hiện kiếp nữa. Do đó, hình tượng Quan Âm với chín kiếp bồ tát đã giải oan cho tiền kiếp của phàm nhân. Nghiệp (oan) hiện kiếp như Thị Kính giết chồng (oan) dẫn đến quả bị Thị Mầu vu vạ (cũng oan) là đã giải oan cho hiện kiếp phàm nhân.

2) Tại sao học giỏi, đạo đức mà thi rớt? Vì nghiệp báo. Nhưng cái này mang tiếng nhẹ hơn. Ví dụ khác: Nguyễn Trãi và án Lệ Chi viên, ba họ bị chém đầu, thanh danh bị lấm lem, sự nghiệp chính trị bị xoá sổ, trước tác bị đốt hủy, cũng là huyền tích báo oán đó

.

BIỆN CHỨNG NHÂN QUẢ

(Trích từ một bài viết của Trần Xuân An, 1996)

“… Làm thơ, in thơ như một sự trả nợ cuộc đời, cho dẫu vay nhiều nhưng chỉ trả toàn những vô nghĩa và vô ích? Phải chăng, vô nghĩa, vô ích vẫn không phải Hư Vô? Phải chăng, nỗ lực một đời vẫn còn đâu đó trong vô thức trần gian với những tương tác biện chứng, dẫu giấy và chữ và người cùng thời, cùng sẻ chia, sẽ trở về cát bụi trong chuỗi hóa sinh sinh hóa ngẫu nhiên – tất yếu, nhân quả luân hồi, tự vô cùng đến vô cùng, là quy luật khách quan? Hơn nữa, tại sao không hát mãi với vô tận, vì cho dẫu tận thế, một cõi thế khác sẽ lại sinh thành từ những vụn vỡ tan tác, vì sinh rồi diệt và từ diệt lại sinh, mãi mãi? Mãi mãi không tan mất, dẫu một thoáng giai điệu bâng quơ. Thoáng ấy mãi lưu trong phần chìm trí nhớ và ngấm ngầm chi phối cả một đời người. Đời người ấy còn tương tác với bao người khác nữa, với cả Dòng Sống mãi mãi trôi chảy, lặng lờ, cuồn cuộn. Khái quát hơn, quả (hiện thực đời người, xã hội) được (hay bị) gieo bởi chính ta? hoặc ngoài ta? do cả nội tâm lẫn ngoại giới? Một bàn tay gieo lúa, vạn bàn tay gieo cỏ, hoặc ngược lại, trên một thửa đất, và còn nhiều tỉ lệ, điều kiện, tình huống khác nữa, sẽ nhận được quả nào? Gieo lúa, có thể ăn cỏ, nếu… (…). Đẩy xa hơn cái quy luật nhân quả vào Vô Cùng, quả ấy được (bị) gieo truyền qua sóng sinh điện với bao tín hiệu (kì quái?) đã mã hóa từ nhân ai gieo trong chu kì vũ trụ từng có trước đây (một vũ trụ vật chất cách đây hàng tỉ năm đã hình thành và đã hủy diệt, chỉ còn các nguyên tố và mã tín hiệu cho vũ trụ hiện có)…”.

T.X.A.

Viết tại Tịnh xá Tâm Không

Tháng chạp năm Ất hợi (giêng 1996)

.

.

Ảnh minh họa: Google search

.

2

QUAN ÂM & NHÂN QUẢ

Trần Xuân An

ai một đời hoa sen

bị giày oan xéo khổ

suốt đời ai gieo cỏ

lại sen ngát tuổi tên

đường đời luôn sắc đen

tiền căn nào, gót đỏ?

ai thương ai gối hèn

phải đâu tiền kiếp nợ!

Quan Âm vốn như gió (*)

nhưng hiện thực thắp lên

chín kiếp bồ tát độ

oan nhân quả, tâm yên

mưa tuyết thành bông len

Cao xưa sang Việt cổ (**)

tượng Quan Âm không vỡ

sen vượt số, toả đèn.

T.X.A.

17 & 20-9-2016 HB16

(*) Lai vô ảnh, khứ vô hình (đến và đi đều không hiện ra bóng dáng).

(**) Hình tượng Quan Âm Thị Kính, căn cứ vào các bản truyện thơ, vốn có xuất xứ từ nước Cao Ly (Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay). Tuy nhiên, có một số tài liệu cho rằng Cao Ly chỉ là biến âm của Câu Ly hay Câu Lại (Koli), quê hương của bà Maya, mẫu thân Phật Thích Ca. Hoặc giả, theo tôi, có thể đó chỉ là một địa danh biểu tượng về một nơi không xác định.

3

VU LAN

Trần Xuân An

rằm tháng bảy nghe Văn Chiêu hồn

cài hồng trắng tiếc thương hồng đỏ

nhớ tuổi nhỏ sắm vai chia cỗ

mẹ viếng chùa ấm nẻo hoàng hôn.

T.X.A.

15-8-2016

(tối 13 tháng bảy, Bính Thân HB16).

VU LAN, MỤC KIỀN LIÊN, HIẾU NGHĨA Y NGUYÊN

Trần Xuân An

.

Kiền Liên thương mẹ, thêm tâm Phật

người mẹ thương con, Ấn giáo truyền

xung đột nội tâm như nội chiến

ngỡ tan hiếu nghĩa, nhưng y nguyên

mẹ sa ngục đói, con tìm cứu

kẻ hận băm con, mẹ vọng hồn

chân lí chạm nhau, đời loé sáng

dội vào hiếu nghĩa mẹ cùng con

thánh chiến? Toạ thiền và lửa kiếm

Kiền Liên và mẹ, nạn nhân buồn

rồi sau tất cả là hiếu nghĩa

sâu thẳm Vu Lan ngân tiếng chuông

nhớ một tuần phim trong cõi Huế

bao nhiêu nước mắt sân chùa rơi

thấy trăm giáo thuyết đều phi nghĩa

nếu hiếu và ân khô cạn rồi!

thương quý Kiền Liên, lòng mẹ rộng

dẫu không kính Phật cùng chư tăng

Kiền Liên ơn mẹ, sâu muôn thuở

Đức Phật cùng tăng thương vạn năm.

T.X.A.

sáng Rằm tháng bảy HB16

(17-8-2016).

VU LAN, HIẾU VỚI DÂN VÀ NƯỚC

Trần Xuân An

chính Phật ba lần thân chặn giặc

xâm lăng còn lướt tới vây thành

Kiền Liên nghênh chiến, năm trăm lính

bình bát máu tràn cây cỏ xanh!

giọt máu cuối rơi càng rõ nghiệp

chánh tâm kháng cự, nghiệp tà tan

sử xanh thế giới đều tanh máu

dẫu bại, mãi ngời đức hiếu dân.

T.X.A.

tối 18 & sáng sớm 19-8-2016

(Vu Lan PL.2559 – HB16)

.

_______________________

Google Sites / host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ... / HOST, SEARCH & CACHE