Trần Xuân An - Đề xuất xây dựng: Khắc phục trong bầu cử

KHẮC PHỤC KHÔNG KHÍ GIẢ TẠO HOẶC LÙM XÙM:

HAI PHƯƠNG ÁN BẦU CỬ

Trần Xuân An

Tôi không quan tâm đến các cuộc bầu cử ở các đại hội cơ sở, nhưng bỗng dưng tự đưa ra câu hỏi, vì sao lại có một không khí hết sức giả tạo thời mới thống nhất sau 1975 và hiện nay, lại quá lùm xùm, chưa thật lịch sự?

Tôi thử mạo muội, mạn phép vẽ vời hai phương án:

1) Ví dụ như ở một hội nhà văn thành phố trực thuộc trung ương chẳng hạn (không phải là hội cụ thể nào), trước ngày đại hội, khoảng một đến hai tháng, ban tổ chức bầu cử của hội ấy gửi tthông báo đến toàn thể hội viên, trong đó đưa ra các điều kiện ứng cử, có thể ứng cử đơn danh tất hoặc liên danh tất (một trong hai hình thức). Đến một ngày nhất định là hạn chót nộp đơn ứng cử. Nếu hợp lệ, các ứng cử viên đơn danh (hoặc các liên danh) có thể vận động tranh cử. Nội dung tranh cử là nội dung công việc sẽ làm nếu đắc cử và tự giới thiệu lí lịch trích ngang của các ứng cử viên. Như vậy toàn thể hội viên đều biết tiểu sử các ứng cử viên và cân nhắc mình sẽ bỏ phiếu cho ai (hoặc liên danh nào), vì nội dung mục tiêu, đầu việc gì. Đến ngày đại hội, thời gian bỏ phiếu bầu cử sẽ rất ngắn, không khí cũng nhẹ nhàng, lịch sự, văn minh.

2) Nếu các hội chuyên ngành (xin giới hạn như thế) vẫn phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ (hay dân chủ tập trung) thì vẫn như phương án trên. Tuy vậy, phải có thêm các điều kiện ngoài điều kiện tuân thủ hiến pháp, pháp luật, điều lệ hội chuyên ngành, là điều kiện ứng cử viên phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lí lịch tư pháp (*) mới nhất (ngay trong quãng thời gian tranh cử) hoặc hội đủ bao nhiêu chữ kí của hội viên đồng ý về việc ứng cử của ứng cử viên, nếu chưa vào Đảng, vào Đoàn. Nếu với hình thức liên danh, trong mỗi liên danh phải hội đủ tỉ lệ đảng viên, đoàn viên nhất định nào đó. Như vậy, cũng với phương án 1 trên nhưng có thêm các điều kiện thuộc nguyên tắc tập trung dân chủ ấy, ở các đại hội, thời gian bầu cử rất ngắn và không khí rất văn minh, lịch sự.

Cũng xin nói thêm: Từ trước đến nay, việc ban chấp hành cũ giới thiệu số ứng cử viên ra ứng cử để hình thành ban chấp hành mới, chỉ chừa tỉ lệ 35% cho ứng cử, đề cử tại đại hội là thuộc nguyên tắc dân chủ tập trung nghiêm ngặt. Nếu đã thế, thì việc ứng cử, đề cử trong phạm vi tỉ lệ 35% ấy cũng nên tiến hành trước đại hội vài tháng qua việc nộp đơn tại văn phòng hội. Trong đại hội, ban tổ chức chỉ báo cáo lại công đoạn nhận đơn, xét đơn ứng cử, đề cử đó một cách minh bạch, cụ thể mà thôi.

Theo đó, phương án 1 là khá dân chủ; phương án 2 (dân chủ tập trung) chỉ bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; phương án 2 nếu như cũ (ban chấp hành cũ giới thiệu ban chấp hành mới, có thêm 35% linh động ở đại hội), ít dân chủ nhất. Nhưng trọng tâm bàn ở đây là cách nào để đại hội không mất thì giờ, không lùm xùm, chứ không dám lạm bàn.

Trong thực tế, không phải hội viên nào cũng thích ứng cử vào ban chấp hành hội. Phần lớn, các hội viên chú trọng vào sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật và cũng bận bịu nhiều công việc khác, họ không ứng cử. Nếu không ai ứng cử, thì ban tổ chức và Đảng bộ hội phải vận động, thuyết phục các hội viên, và các hội viên cũng đề cử trước, với cách thức người đề cử phải trao đổi với người được đề cử (công đoạn thuyết phục, đề cử này phải tiến hành trước ngày đại hội). Dù sao, các hội đều phải có bầu cử để có các ban chấp hành. Và không khí dân chủ giả tạo (sắp xếp rồi, chỉ bầu cử cho có vẻ) hoặc lùm xùm, tốn nhiều thì giờ (ứng cử tại chỗ bằng cách đưa tay, đề cử – từ chối đề cử cũng tại chỗ…) là có thật. Tôi mạo muội đề xuất hai phương án như trên với ý thức xây dựng.

T.X.A.

15:12-17:45, 15-01-2021

………..

(*) Lí lịch tư pháp là cụm từ chỉ loại giấy chứng nhận về mặt tư pháp của công dân (không có tiền án, tiền sự; có tiền án hay đang chấp hành án hoặc đã chấp hành án xong, được phục hồi trọn vẹn quyền công dân…). Đây là loại giấy chứng nhận của ngành Tư pháp, chế độ cũ Việt Nam cộng hoà gọi là PHIẾU SỐ 3 (về mặt tư pháp), mà ngay cả việc nộp đơn xin tuyển dụng làm việc, thi vào đại học cũng phải có.

https://www.facebook.com/tranxuanan.writer/posts/2807432306197369/

“LÙM XÙM” CÓ NGHĨA LÀ GÌ?

Lùm xùm: Nghĩa đen: Lùm (bụi cây gồm nhiều cây cành; đống lớn như lùm cây); xùm (xùm xoà, có nghĩa là rậm rạp, um tùm): Bụi cây rậm rạp, cành lá đan vào nhau. Nghĩa bóng là rối rắm, rắc rối, xôn xao, ồn ào, mất trật tự… như cái lùm xùm xoà.

_______________________

Google Sites / host

WORDPRESS, GOOGLE PAGE CREATOR, DOTSTER, MSN. & YAHOO ... / HOST, SEARCH & CACHE