Tiến hành kiểm định

QUY TRÌNH KIỂM ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN TRỤC TẢI GIẾNG NGHIÊNG

8. TIẾN HÀNH KIỂM ĐỊNH

Khi tiến hành kiểm định phải thực hiện theo trình tự sau:

8.1. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật bên ngoài

8.1.1. Kiểm tra tình trạng lắp đặt thiết bị: Bao gồm hệ thống điện, hàng rào bảo vệ, mặt bằng, khoảng cách và các biện pháp an toàn, các chướng ngại vật cần l­ưu ý trong suốt quá trình tiến hành kiểm định; sự phù hợp của các bộ phận, chi tiết và thông số kỹ thuật của thiết bị so với hồ sơ, lý lịch.

8.1.2. Kiểm tra chi tiết

8.1.2.1. Kiểm tra lần l­ượt và toàn bộ các cơ cấu, bộ phận của trục tải giếng nghiêng;

8.1.2.2. Kiểm tra kết cấu kim loại bao gồm liên kết của kết cấu thép, mối hàn, mối ghép đinh tán, mối ghép bulông và buồng điều khiển, thang, sàn và che chắn;

8.1.2.3. Kiểm tra dẫn hướng và cóc hãm goòng trên đường ray đối với goòng chở hàng;

8.1.2.4. Kiểm tra cơ cấu tác động khi goòng chạy vượt tốc được lắp đặt trên đường ray (nếu có);

8.1.2.5. Kiểm tra barie chân tầng và đầu tầng; Kiểm tra barie mềm hãm (nếu có).

8.1.2.6. Kiểm tra cáp tải:

- Kiểm tra chủng loại, đường kính của cáp được lắp đặt theo hồ sơ thiết bị;

- Kiểm tra độ mòn, giảm tiết diện của cáp thép theo Điều 90-6a, b QCVN 01: 2011/BCT và 6.3 TCVN 6780-2: 2009;

- Kiểm tra số sợi đứt trên một bước bện của cáp theo Điều 90 6.b QCVN 01: 2011/BCT và 6.2.3 TCVN 6780-2: 2009;

- Kiểm tra sự han gỉ hoặc các hư hỏng khác của cáp theo Điều 6.3.1 TCVN 6780-2: 2009;

- Kiểm tra kẹp cáp (Đáp ứng yêu cầu của nhà chế tạo hoặc theo Phụ lục 18C, 21 TCVN 4244: 2005 và điều 7.6 TCVN 6780-2: 2009);

- Kiểm tra tình trạng cáp trên tang.

8.1.2.7. Kiểm tra các cơ cấu nối móc theo quy định tại khoản 1, Điều 92 QCVN 01:2011/BCT.

+ Kiểm tra cơ cấu nối móc toa xe chở người, goòng với cáp kéo chính;

+ Kiểm tra móc nối toa xe chở người, goòng so với hồ sơ thiết bị.

8.1.2.8. Kiểm tra hộp giảm tốc:

- Kiểm tra phát hiện tiếng kêu khác thường theo Điều 4.3.6 –TCVN 6997 - 2002;

- Kiểm tra nhiệt độ bên ngoài của hộp giảm tốc theo Điều 4.3.6 –TCVN 6997 - 2002, nhiệt độ đo được phải đáp ứng tiêu chí của nhà chế tạo thiết bị.

8.1.2.9. Kiểm tra động cơ điện theo Điều 99, QCVN 01:2011/BCT.

8.1.2.10. Kiểm tra tang quấn cáp và các thiết bị kèm theo, theo quy định tại Điều 68 và Điều 84, QCVN 01: 2011/BCT; khoản 6, Điều 7, TCVN 6780-2: 2009.

8.1.2.11. Kiểm tra Pu ly đỡ cáp và chuyển hướng cáp: kiểm tra và đánh giá theo điều 82-12 QCVN 01:2011/BCT; phụ lục 20A, 20B TCVN 4244: 2005.

8.1.2.11. Kiểm tra hệ thống tiếp đất bảo vệ và chống sét:

- Kiểm tra, đo thông số điện trở tiếp đất: yêu cầu tổng điện trở của lưới tiếp đất đo ở vị trí bất kỳ vật tiếp đất nào tối đa là 2Ω theo quy định tại khoản 22 Điều 102, QCVN 01:2011/BCT;

- Kiểm tra kết quả đo hệ thống chống sét theo quy định tại TCXDVN 9385:2012.

8.1.2.12. Kiểm tra khớp nối giữa động cơ và hộp giảm tốc, giữa hộp giảm tốc và tang cuốn cáp.

8.1.2.13. Kiểm tra bàn điều khiển và các thiết bị đo lắp trên bàn điều khiển.

8.1.2.14. Kiểm tra cơ cấu chỉ báo độ sâu theo quy định tại khoản 3, Điều 84, QCVN 01: 2011/BCT.

8.1.2.15. Kiểm tra hệ thống thủy lực:

- Kiểm tra sự lắp đặt và các thông số so với thiết kế;

- Kiểm tra lượng dầu thủy lực, rò rỉ dầu tại các mối nối, ống dẫn thủy lực và các mặt bích theo quy định tại TCVN 5179: 1990.

8.1.2.16. Kiểm tra hệ thống bôi trơn:

- Kiểm tra lượng dầu bôi trơn;

- Kiểm tra việc rò rỉ dầu tại các mối nối, đường ống thủy lực và các mặt bích.

8.1.2.17. Kiểm tra phanh công tác:

- Kiểm tra lắp đặt và các thông số so với thiết kế của phanh công tác;

- Kiểm tra chiều dày má phanh công tác;

- Kiểm tra khe hở má phanh công tác theo Khoản 3.1, Điều 4, TCVN 6997 – 2002.

8.1.2.18. Kiểm tra phanh an toàn:

- Kiểm tra lắp đặt và các thông số so với thiết kế;

- Kiểm tra chiều dầy má phanh;

- Kiểm tra khe hở má phanh theo khoản 3.1, Điều 4, TCVN 6997 – 2002.

8.1.2.19. Kiểm tra các cơ cấu bảo vệ an toàn liên động về điện:

- Kiểm tra sự làm việc của cơ cấu hạn chế hành trình nâng, hạ theo quy định của điểm b, khoản 8, Điều 82, QCVN 01:2011/BCT và khoản 3.9, Điều 4, TCVN 6997 – 2002;

- Kiểm tra sự làm việc của cơ cấu bảo vệ khe hở má phanh theo quy định tại khoản 9, Điều 82, QCVN 01/2011 và khoản 3.9, Điều 4, TCVN 6997 – 2002;

- Kiểm tra sự làm việc của cơ cấu bảo vệ mức dầu bôi trơn và áp lực dầu;

- Kiểm tra sự làm việc của các thiết bị bảo vệ và khóa liên động theo khoản 11, Điều 82, QCVN 01:2011/BCT.

8.1.2.20. Kiểm tra hệ thống tín hiệu, liên lạc.

8.1.2.21. Kiểm tra hệ thống chiếu sáng: kiểm tra chiếu sáng trong khu vực đặt trục tải.

8.1.2.22. Kiểm tra toa xe chở người

Kiểm tra toa xe chở người không thử tải:

- Kiểm tra các thông số cơ bản của toa xe;

- Phải đáp ứng yêu cầu về: liên kết lắp đặt, số lượng, chủng loại toa xe theo thiết kế của nhà chế tạo và QCVN 01: 2011/BCT;

- Kiểm tra kết cấu toa xe và các bộ phận chịu lực;

- Kiểm tra bánh xe và khoảng cách gờ chặn giữa hai bánh xe so với cương cự đường ray;

- Kiểm tra góc nghiêng của ghế ngồi trên toa xe so với góc nghiêng của đường ray;

- Kiểm tra giảm sóc;

- Kiểm tra kết cấu khung;

- Kiểm tra kết cấu treo của hệ thống di chuyển;

- Kiểm tra gối đỡ, trục và bánh xe;

- Kiểm tra các xích chắn bảo vệ an toàn cửa toa xe;

- Kiểm tra các liên kết móc, nối toa xe;

- Kiểm tra liên kết và làm việc của hệ thống phanh trên toa xe.

8.2. Kiểm tra kỹ thuật thử không tải:

8.2.1. Kiểm tra sự làm việc của hệ thống thông tin liên lạc: Chuông báo hiệu, đèn tín hiệu, điện thoại liên lạc nội bộ và các thiết bị khác (nếu có);

8.2.2. Kiểm tra các thông số qua thiết bị đo lường so sánh với thiết kế:

- Kiểm tra sự hoạt động của các thiết bị đo lường;

- Kiểm tra các thiết bị chỉ báo về dầu bôi trơn và dầu thủy lực;

- Kiểm tra sự phù hợp của các thông số kỹ thuật được thông báo trên màn hình hiển thị và kết quả đo thực tế của thiết bị (tốc độ, dòng điện, hiệu điện thế...);

8.2.3. Kiểm tra sự làm việc của thiết bị chỉ báo độ sâu.

8.2.4. Kiểm tra bảo vệ quá tốc độ theo quy định tại Khoản 9, Điều 82, QCVN 01:2011/BCT và khoản 3.9, Điều 4, TCVN 6997-2002;

8.2.5. Kiểm tra chế độ làm việc trục tải với thiết bị giám sát tốc độ theo hành trình (nếu có);

8.2.6. Kiểm tra sự làm việc của phanh công tác và phanh an toàn khi không tải theo quy định tại khoản 5 Điều 84, QCVN 01:2011/BCT;

8.2.7. Kiểm tra tổng thể sự hoạt động của trục tải theo chiều lên và xuống theo hết chiều dài đường trục;

8.2.8. Kiểm tra các thiết bị điện điều khiển, chiếu sáng, tín hiệu.

Các phép thử trên đ­ược thực hiện 03 (ba) lần.

Đánh giá: Kết quả đạt yêu cầu khi không phát hiện các hư hỏng kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật an toàn theo hồ sơ của nhà chế tạo và các điều của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nêu trên.

8.3. Các chế độ thử tải

Kiểm tra và thử tải với hai trường hợp sử dụng thiết bị mang tải:

- Xe goòng chở vật liệu;

- Toa xe chở người.

8.3.1. Kiểm định và thử tải với trục tải giếng nghiêng sử dụng xe goong chở vật liệu.

8.3.1.1. Kiểm tra mô men hãm:

Thực hiện theo khoản 6, Điều 84 - QCVN 01:2011/BCT:

- Phương pháp thử thực hiện theo một trong các phương pháp sau:

+ + Thử mô men hãm theo phương pháp kéo tải trọng. Khi thực hiện phương pháp này phải đảm bảo an toàn và không gây biến dạng, hỏng các kết cấu xếp tải (xe goong);

+ Thử mô men hãm theo phương pháp neo giữ cáp tải để kéo trực tiếp trên tang. Khi thực hiện phương án này việc neo giữ cố định cáp trong những trường hợp thiết bị cụ thể phải được tính toán đạt yêu cầu về kỹ thuật an toàn.

- Tải trọng thử: được tính toán dựa trên tải trọng thiết kế hoặc tải trọng sử dụng (tải trọng sử dụng không được lớn hơn tải trọng thiết kế và phải phù hợp với chất lượng thực tế của thiết bị), kết hợp với hệ số theo góc nghiêng của đường lò được quy định tại Bảng IV.5, điểm a, khoản 6, Điều 84, QCVN 01:2011/BCT và điểm e, khoản 6, Điều 84, QCVN 01:2011/BCT.

- Tính mô men hãm:

Mô men hãm được tính toán dựa trên lực kéo sinh ra bởi tải trọng thử. Mô men hãm này có thể tính toán chia đều cho các phanh khi thử (thử từng cụm phanh). Phương pháp tính mô men hãm khi thử từng cụm phanh, được tính theo công thức sau: Mi = Mh /n. Trong đó:

+ Mi: Mô men hãm khi thử cho một cụm phanh.

+ Mh: Mô men hãm của trục tải.

+ n: Số lượng cụm phanh được tách ra khi thử.

8.3.1.2. Thử tĩnh trục tải giếng nghiêng lắp xe goòng chở vật liệu:

- Tải trọng thử: Qtt = Qsd x 125%.

Tải trọng sử dụng (Qsd) không được lớn hơn tải trọng và số lượng xe goòng kéo theo thiết kế.

- Vị trí thử: Đặt ở vị trí cách cuối đường đường dốc (chân tầng) khoảng 0,5m.

- Thời gian thử: 10 phút.

- Đo đạc, kiểm tra các thông số kỹ thuật an toàn sau khi thử:

+ Biến dạng, hỏng hóc kết cấu cơ khí;

+ Độ trôi của goòng;

+ Độ dịch chuyển của góc tang.

- Đánh giá: Thử mô men hãm và thử tĩnh đạt đạt yêu cầu khi xe goòng không trôi, sau khi hạ tải xuống, các cơ cấu và bộ phận của thiết bị không có vết nứt, không có biến dạng dư hoặc các hư­ hỏng, khoảng dịch chuyển của góc tang trong giới hạn cho phép.

Ghi chú: Trong trường hợp đã thử mô men phanh với tải thử lớn hơn hoặc bằng tải thử tĩnh thì có thể kết hợp thử tĩnh và thử mô men phanh, không cần phải thử tĩnh với mức tải 125 % Qsd.

8.3.1.3. Thử động trục tải giếng nghiêng lắp xe goòng chở vật liệu:

- Tải trọng thử: Q = 110 % Qsd;

- Hình thức thử: Nâng hạ tải 03 lần trong suốt hành trình;

- Thiết bị làm việc phải đạt yêu các cầu kỹ thuật theo thiết kế;

- Kiểm tra thiết bị tại các vị trí chất, dỡ tải;

- Kiểm tra sự làm việc của phanh công tác theo F3, Phụ lục F, TCVN 6997-2002;

- Kiểm tra sự làm việc của phanh an toàn.

Đánh giá: Đạt yêu cầu khi các cơ cấu và bộ phận của thiết bị hoạt động đúng tính năng thiết kế và đạt các yêu cầu kỹ thuật an toàn theo quy định.

8.3.2. Thử tải với trục tải giếng nghiêng sử dụng toa xe chở người:

8.3.2.1. Kiểm tra mô men hãm:

Thực hiện theo khoản 6, Điều 84 - QCVN 01:2011/BCT:

- Phương pháp thử thực hiện theo một trong các phương pháp sau:

+ Thử mô men hãm theo phương pháp kéo tải trọng. Khi thực hiện phương pháp này phải đảm bảo an toàn và không gây biến dạng, hỏng các kết cấu xếp tải (toa xe chở người);

+ Thử mô men hãm theo phương pháp neo giữ cáp tải để kéo trực tiếp trên tang. Khi thực hiện phương án này việc neo giữ cố định cáp trong những trường hợp thiết bị cụ thể phải được tính toán đạt yêu cầu về kỹ thuật an toàn.

- Tải trọng thử: được tính toán dựa trên tải trọng sử dụng kết hợp với hệ số theo góc nghiêng của đường lò được quy định tại Bảng IV.5, điểm a, khoản 6, Điều 84, QCVN 01:2011/BCT và điểm e, khoản 6, Điều 84, QCVN 01:2011/BCT.

+ Tải trọng sử dụng được tính theo công thức:

Qsd = ∑ n x 70 (kg/người ) + Qt tr . Trong đó:

∑n: Tổng số người trên các toa xe.

Qt tr: Tự trọng của tất cả các toa xe.

Tải trọng sử dụng (Qsd) không được lớn hơn tải trọng và số lượng toa xe được kéo theo thiết kế.

- Tính mô men hãm:

Mô men hãm được tính toán dựa trên lực kéo sinh ra bởi tải trọng thử. Mô men hãm này có thể tính toán chia đều cho các phanh khi thử (thử từng cụm phanh). Phương pháp tính mô men hãm khi thử từng cụm phanh, được tính theo công thức sau: Mi = Mh /n. Trong đó:

Mi: Mô men hãm khi thử cho một cụm phanh.

Mh: Mô men hãm của trục tải.

n: Số lượng cụm phanh được tách ra khi thử.

8.3.2.2. Thử tĩnh:

- Tải trọng thử:

Qtt = 125%.Qsd

Trong đó:

+ Qtt: Tải trọng thử tĩnh;

+ Qsd: Tải trọng sử dụng;

- Vị trí thử: Đặt ở vị trí cách cuối đường đường dốc (chân tầng) khoảng 0,5m.

- Thời gian thử: 10 phút.

- Đo đạc, kiểm tra các thông số kỹ thuật an toàn sau khi thử:

+ Biến dạng, hỏng hóc kết cấu cơ khí;

+ Độ trôi của toa xe;

+ Độ dịch chuyển của góc tang.

- Đánh giá: thử mô men hãm và thử tĩnh đạt đạt yêu cầu khi toa xe không trôi, sau khi hạ tải xuống, các cơ cấu và bộ phận của thiết bị không có vết nứt, không có biến dạng dư hoặc các hư­ hỏng, khoảng dịch chuyển của góc tang trong giới hạn cho phép.

Ghi chú: Trong trường hợp đã thử mô men phanh với tải thử lớn hơn hoặc bằng tải thử tĩnh thì có thể kết hợp thử tĩnh và thử mô men phanh, không cần phải thử tĩnh với mức tải 125 % Qsd.

8.3.2.3. Thử động:

Tải trọng thử: Qtt = 110%.Qsd.

- Hình thức thử: Nâng hạ tải 03 lần;

- Thiết bị làm việc phải đạt yêu các cầu kỹ thuật theo thiết kế;

- Kiểm tra thiết bị tại các điểm dừng đỗ trả đón người;

- Kiểm tra sự làm việc của phanh công tác.

Đánh giá: Đạt yêu cầu khi các cơ cấu và bộ phận của thiết bị hoạt động đúng tính năng thiết kế và đạt các yêu cầu kỹ thuật an toàn theo quy định.

8.3.4. Kiểm tra phanh hãm an toàn toa xe:

- Tải trọng thử: Qtt = 100%.Qsd, với vận tốc thử nhỏ hơn hoặc bằng vận tốc định mức;

- Kiểm tra khi tác động bằng tay: kiểm tra khả năng làm việc của phanh an toàn toa xe khi tác động bằng tay thực hiện tại vị trí bất lợi nhất (góc dốc lớn nhất);

- Kiểm tra các thông số kỹ thuật an toàn sau thử:

+ Tình trạng má phanh khi kẹp chặt trên ray;

+ Khoảng trượt của má phanh trên ray;

+ Độ giãn của cáp giảm xung.

- Kiểm tra khi chùng hoặc đứt cáp tác động tự động: tạo chùng cáp hoặc đứt cáp để thử khả năng tác động tự động và khả năng hãm của phanh an toàn toa xe. Kiểm tra khi chùng cáp hoặc đứt cáp tác động tự động có thể thực hiện trên mặt bằng hoặc dưới chân ngầm.

- Kiểm tra các thông số kỹ thuật an toàn sau thử:

+ Tình trạng má phanh khi kẹp chặt trên ray;

+ Khả năng tác động của phanh.

Đánh giá: Đạt yêu cầu khi các cơ cấu và bộ phận của thiết bị hoạt động đúng tính năng thiết kế và các yêu cầu của các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành, phanh phải không có vết nứt, không có biến dạng hoặc các hư­ hỏng khác.