Tiến hành kiểm định

Khi tiến hành kiểm định phải thực hiện theo trình tự sau:

8.1. Đối với chai kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu:

8.1.1. Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài:

- Kiểm tra các thông số kỹ thuật của chai đóng trên tay xách so sánh với hồ sơ xuất xưởng của lô chai;

- Kiểm tra mối ghép ren cổ chai và van, kiểm tra tình trạng bề mặt, các mối hàn, chân đế, tay xách;

- Kiểm tra chiều dầy chai, đối chiếu với hồ sơ chế tạo cụ thể: đo tại đáy chai 3 điểm, đầu chai 3 điểm, thân chai 6 điểm chia đều theo chu vi;

- Trong trường hợp có nghi ngờ, yêu cầu cơ sở áp dụng thêm các phương pháp kiểm tra thích hợp khác.

Đánh giá kết quả: Kết quả đạt yêu cầu khi tình trạng các bộ phận bình thường, không có hiện tượng gì bất thường, các thông số trên chai đúng với hồ sơ và quy định ghi nhãn.

8.1.2. Kiểm tra kỹ thuật bên trong:

- Tháo van đầu chai ra khỏi chai, tránh va đập gây biến dạng hỏng van hoặc ren cổ chai;

- Kiểm tra bên trong chai có bằng thiết bị chuyên dùng để đánh giá tình trạng bề mặt kim loại, mối hàn phía trong chai;

- Trong trường hợp có nghi ngờ, yêu cầu cơ sở áp dụng thêm các phương pháp kiểm tra thích hợp khác.

Đánh giá kết quả: Kết quả đạt yêu cầu khi tình trạng bên trong chai bình thường, không có hiện tượng gì bất thường.

8.1.3. Kiểm tra kỹ thuật khả năng chịu áp lực (thử bền):

- Có thể thực hiện việc thử bền với từng chai hoặc một nhóm chai tùy theo thiết kế của hệ thống thử bền;

- Môi chất thử: Nước;

- Áp suất thử bằng áp suất thử ghi nhãn trên chai, nhưng không vượt quá 10% hoặc 2 bar (chọn giá trị nhỏ hơn) và không nhỏ hơn 30 bar. Theo 5.4.2.4.d TCVN 7832:2007;

- Thời gian duy trì tại áp suất thử: tối thiểu là 01 phút;

- Trình tự tiến hành thử bền:

Nạp đầy nước vào chai. Tiến hành tăng từ từ áp suất trong chai tới khi đạt áp suất thử, duy trì áp suất này trong khoảng thời gian thử. Trong khoảng thời gian này tiến hành kiểm tra toàn bộ bề mặt chai, các mối hàn, các biến dạng, vết nứt, rò rỉ. Sau đó giảm từ từ áp suất xuống và xả hết nước ra khỏi chai;

- Nếu có sự rò rỉ trong hệ thống áp suất thì phải được khắc phục sửa chữa sau đó tiến hành thử lại các chai.

Đánh giá kết quả: Chai thử bền đạt yêu cầu khi: Áp suất không giảm khi duy trì ở áp suất thử, không có sự rò rỉ nào trên thân chai, các mối hàn hoặc không có bất kỳ biến dạng dư nào nhìn thấy được.

8.1.4. Thử kín chai:

- Có thể thực hiện việc thử kín với từng chai hoặc một nhóm chai tùy theo thiết kế của hệ thống thử kín;

- Môi chất thử: Không khí hoặc khí trơ;

- Áp suất thử: Bằng áp suất thử ghi trên chai hoặc theo yêu cầu của cơ sở nhưng không được nhỏ hơn 13 bar;

- Thời gian duy trì áp suất thử: Tối thiểu 5÷7 giây (Mục 5.4.4.2.a TCVN 7832:2007).

- Trình tự tiến hành thử kín:

Các chai phải được lắp van đầu chai theo 7.4 TCVN 7832:2007, nạp môi chất thử tới áp suất thử, được ngắt hoàn toàn khỏi nguồn áp suất và duy trì áp suất trong thời gian thử. Toàn bộ chai sẽ được nhúng ngập trong nước hoặc bằng phương pháp tương đương khác và được kiểm ra bằng mắt sự rò rỉ ở toàn bộ bề mặt chai, các mối hàn, mối nối cổ chai và van chai. Các chai bị rò rỉ tại vị trí lắp van phải được để riêng xem xét khắc phục và phải được thử lại theo đúng trình tự.

Đánh giá kết quả: Chai thử kín đạt yêu cầu khi đảm bảo độ kín, không có hiện tượng rò rỉ ở bất cứ điểm nào trên toàn bộ bề mặt chai, van chai và mối ghép giữa van với cổ chai.

Lưu ý: Ánh sáng tại khu vực kiểm tra phải đủ sáng cho mắt thường quan sát. Bể nước dùng để dìm chai phải được vệ sinh và thay thế thường xuyên đảm bảo độ trong cần thiết để quan sát được những bọt khí nổi lên. Khi dìm chai xong phải để mặt nước tĩnh lặng mới thực hiện quá trình kiểm tra.

8.1.5. Xả khí và hút chân không:

- Các chai đã được thử kín đạt yêu cầu được tiến hành xả khí và hút chân không;

- Áp suất trong chai sau khi hút chân không đạt đến giá trị trong khoảng (- 0,3÷ - 0,5 bar).

8.1.6. Kiểm tra khối lượng bì chai:

Cân và xác định khối lượng bì (theo 10.2 TCVN 6292:1997). Kiểm tra và so sánh với khối lượng bì mà nhà chế tạo đã đóng trên chai. Trong trường hợp những chai có khối lượng bì chênh lệch ≥ 200g so với khối lượng bì đóng trên chai thì phải đóng lại khối lượng bì theo thực tế kiểm tra.

8.2. Đối với chai kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ, bất thường:

8.2.1. Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài:

- Kiểm tra các thông số kỹ thuật của chai đóng trên tay xách so sánh với hồ sơ, lý lịch hoặc các thông tin của chai;

- Kiểm tra mối ghép ren cổ chai và van, kiểm tra tình trạng bề mặt, các mối hàn, chân đế, tay xách. Xác định các khuyết tật vật lý, ăn mòn trên thành chai và các khuyết tật khác không lớn hơn giới hạn loại bỏ;

- Trong trường hợp có nghi ngờ, yêu cầu cơ sở áp dụng thêm các phương pháp kiểm tra thích hợp khác như đo chiều dầy v.v...

Đánh giá kết quả:

- Chai đạt yêu cầu khi tình trạng các bộ phận bình thường, không có hiện tượng gì bất thường, các thông số trên chai đúng với hồ sơ và quy định ghi nhãn;

- Loại bỏ các chai có thời hạn sử dụng trên 26 năm;

- Loại bỏ các chai có các khuyết tật vượt quá giới hạn loại bỏ theo bảng 1, bảng 2, bảng 3 Điều 5.3 TCVN 7832:2007.

8.2.2. Kiểm tra kỹ thuật bên trong :

- Tháo van đầu chai ra khỏi chai, tránh va đập gây biến dạng hỏng van hoặc ren cổ chai;

- Kiểm tra bên trong chai bằng thiết bị chuyên dùng để đánh giá tình trạng bề mặt kim loại, mối hàn, tình trạng ăn mòn phía trong chai;

- Trong trường hợp có nghi ngờ, yêu cầu cơ sở áp dụng thêm các phương pháp kiểm tra thích hợp khác.

Đánh giá kết quả: Chai đạt yêu cầu khi tình trạng bên trong chai bình thường, không có hiện tượng gì bất thường.

8.2.3. Kiểm tra kỹ thuật khả năng chịu áp lực (thử bền) :

- Có thể thực hiện việc thử bền với từng chai hoặc một nhóm chai tùy theo thiết kế của hệ thống thử bền;

- Môi chất thử: Nước;

- Áp suất thử bằng áp suất thử ghi nhãn trên chai, nhưng không vượt quá 10% hoặc 2 bar (chọn giá trị nhỏ hơn) và không nhỏ hơn 30 bar. Theo 5.4.2.4.d TCVN 7832:2007;

- Thời gian duy trì tại áp suất thử: Tối thiểu là 01 phút;

- Trình tự tiến hành thử bền:

Nạp đầy nước vào chai. Tiến hành tăng từ từ áp suất trong chai tới khi đạt áp suất thử, duy trì áp suất này trong khoảng thời gian thử. Trong khoảng thời gian này tiến hành kiểm tra toàn bộ bề mặt chai, các mối hàn,các biến dạng, vết nứt, rò rỉ. Sau đó giảm từ từ áp suất xuống và xả hết nước ra khỏi chai;

- Nếu có sự rò rỉ trong hệ thống áp suất thì phải được khắc phục sửa chữa sau đó tiến hành thử lại các chai.

Đánh giá kết quả: Chai thử bền đạt yêu cầu khi: Áp suất không giảm khi duy trì ở áp suất thử, không có sự rò rỉ nào trên thân chai, các mối hàn.

8.2.4. Thử giãn nở thể tích:

- Thử giãn nở thể tích phải thực hiện khi kiểm định chai đã sử dụng trên 20 năm;

- Việc thử giãn nở thể tích được thực hiện đồng thời với thử bền.

Đánh giá kết quả: Chai thử giãn nở thể tích đạt yêu cầu khi độ giãn nở thể tích vĩnh cửu nhỏ hơn 10% độ giãn nỡ thể tích tổng.

8.2.5. Kiểm tra van chai:

- Kiểm tra bên ngoài van bằng mắt: Các van không có hiện tượng móp méo.

- Kiểm tra tình trạng ren để đảm bảo ren có hình dạng thích hợp, toàn vẹn, không có bavia, vết nứt….

- Kiểm tra độ kín của van bằng khí nén với áp suất phù hợp trên thiết bị thử van chuyên dùng.

Đánh giá kết quả: Van chai đạt yêu cầu khi có tình trạng bình thường và đảm bảo kín, không có hiện tượng xì hở ở ty van hoặc đầu ra của van.

8.2.6. Thử kín chai:

- Có thể thực hiện việc thử kín với từng chai hoặc một nhóm chai tùy theo thiết kế của hệ thống thử kín;

- Môi chất thử: Không khí hoặc khí trơ;

- Áp suất thử: bằng áp suất thử ghi trên chai hoặc theo yêu cầu của cơ sở nhưng không được nhỏ hơn 13 bar;

- Thời gian duy trì áp suất thử: tối thiểu 5÷7 giây (Mục 5.4.4.2.a TCVN 7832:2007);

- Trình tự tiến hành thử kín:

Các chai phải được lắp van đầu chai theo 7.4 TCVN 7832:2007, nạp môi chất thử tới áp suất thử, được ngắt hoàn toàn khỏi nguồn áp suất và duy trì áp suất trong thời gian thử.Toàn bộ chai sẽ được nhúng ngập trong nước hoặc bằng phương pháp tương đương khác và được kiểm ra bằng mắt sự rò rỉ ở toàn bộ bề mặt chai, các mối hàn, mối nối cổ chai và van chai. Các chai bị rò rỉ tại vị trí lắp van phải được để riêng xem xét khắc phục và phải được thử lại theo đúng trình tự.

Đánh giá kết quả: Chai thử kín đạt yêu cầu khi đảm bảo độ kín, không có hiện tượng rò rỉ ở bất cứ điểm nào trên toàn bộ bề mặt chai, van chai và mối ghép giữa van với cổ chai.

Lưu ý: Ánh sáng tại khu vực kiểm tra phải đủ sáng cho mắt thường quan sát. Bể nước dùng để dìm chai phải được vệ sinh và thay thế thường xuyên đảm bảo độ trong cần thiết để quan sát được những bọt khí nổi lên. Khi dìm chai xong phải để mặt nước tĩnh lặng mới thực hiện quá trình kiểm tra.

8.2.7. Xả khí và hút chân không:

- Các chai đã được thử kín đạt yêu cầu được tiến hành xả khí và hút chân không;

- Áp suất trong chai sau khi hút chân không đạt đến giá trị trong khoảng (- 0,3÷ - 0,5 bar).

8.2.8. Kiểm tra khối lượng bì chai:

Cân và xác định khối lượng bì (theo 10.2 TCVN 6292:1997). Kiểm tra và so sánh với khối lượng bì mà nhà chế tạo đã đóng trên chai;

- Trong trường hợp những chai có khối lượng bì chênh lệch ≥ 200g so với khối lượng bì đóng trên chai thì phải đóng lại khối lượng bì theo thực tế kiểm tra;

- Nếu khối lượng bì nhỏ hơn 95% khối lượng bì ban đầu thì loại bỏ chai đó.