Chuẩn bị kiểm định

Trước khi tiến hành kiểm định phải thực hiện các công việc chuẩn bị sau:

7.1. Thống nhất kế hoạch kiểm định, công việc chuẩn bị và phối hợp giữa tổ chức kiểm định với cơ sở, bao gồm cả những nội dung sau:

7.1.1. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của lô chai.

7.1.2. Xác định các chai cần kiểm định :

- Kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu : Chọn lựa mẫu ngẫu nhiên 5% trong lô chai kiểm định ( Các chai lựa chọn phải đảm bảo có đại diện của các tiểu lô chai ). Nếu trong số chai kiểm định phát hiện một chai không đạt yêu cầu thì phải tiến hành kiểm định 100% số chai trong lô.(Điều 4.2 TCVN 6156:1996).

- Kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ, bất thường : 100% số chai.

7.1.3. Lập biên bản giao nhận, chuẩn bị điều kiện về nhân lực, phương tiện để vận chuyển tập kết về nơi tiến hành kiểm định .

7.1.4. Kiểm tra và xử lý sơ bộ:

- Loại bỏ ngay các chai không thuộc sở hữu của cơ sở hoặc không được cơ sở ủy quyền đề nghị kiểm định;

- Loại bỏ ngay các chai không có trong danh sách, không có hoặc không rõ thông số ghi trên tay sách, các chai có khuyết tật quá mức đánh giá loại bỏ như : phồng, rãnh cắt hoặc vết đục giao nhau, vết nứt, hư hỏng do cháy, vết cháy do hồ quang hoặc đèn hàn;

- Tiến hành xả và xử lý khí dư còn trong chai, đảm bảo chắc chắn chai không còn áp suất và khí dư;

- Tiến hành vệ sinh làm sạch bề mặt ngoài các chai không đảm bảo yêu cầu.

7.2. Kiểm tra hồ sơ, lý lịch lô chai.

Căn cứ vào các hình thức kiểm định để kiểm tra, xem xét các hồ sơ sau:

7.2.1. Khi tiến hành kiểm định lần đầu phải xem xét các hồ sơ sau:

7.2.1.1. Kiểm tra Lý lịch của lô chai theo mẫu QCVN: 01-2008-BLĐTBXH.

Lưu ý xem xét các tài liệu sau:

- Thiết kế chi tiết của chai và chứng nhận phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền;

- Bản vẽ cấu tạo ghi đầy đủ các kích thước chính;

- Hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa;

- Giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức được chỉ định cấp theo quy định, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với đối tượng kiểm định.

7.2.1.2. Hồ sơ xuất xưởng của lô chai:

- Chứng nhận của nhà chế tạo chai, tiêu chuẩn áp dụng;

- Biên bản, bảng ghi kết quả kiểm tra cơ tính ,hóa tính kim loại chế tạo lớp lót;

- Báo cáo lớp bọc ngoài :

+ Chất liêu sợi, quy cách và yêu cầu về đặc tính cơ học của sợi;

+ Kết cấu sợi, cấu trúc hình học của tao sợi, kết cấu và cách xử lý;

+ Thành phần nhựa tổng hợp, quy trình, thời gian và nhiệt độ lưu hóa.

Các kết quả kiểm tra chai:

+ Áp suất thử thủy lực;

+ Áp suất nổ của chai;

+ Áp suất nổ của lớp lót;

+ Chu kỳ áp suất;

+ Lão hóa nhân tạo;

+ Khả năng chịu nhiệt của chai;

+ Kiểm tra va chạm;

+ Kiểm tra thả rơi;

+ Kiểm tra chu kỳ nhiệt độ giới hạn;

+ Kiểm tra tính chịu lửa của chai;

+ Kết quả kiểm tra vật đâm thủng;

+ Kết quả về kiểm tra tính thấm;

+ Kết quả kiểm tra lực xiết ren cổ chai;

+ Kết quả kiểm tra độ bền của cổ chai.

7.2.2. Khi kiểm định kỹ thuật an toàn định kỳ, bất thường phải xem xét các hồ sơ sau:

7.2.2.1 Kiểm tra lý lịch lô chai, biên bản kiểm định và phiếu kết quả kiểm định lần trước.

7.2.2.2. Hồ sơ về quản lý sử dụng, sửa chữa; biên bản thanh tra, kiểm tra ( nếu có).

7.2.3. Trường hợp sau khi chai chứa LPG không sử dụng từ 12 tháng trở lên xem xét hồ sơ như kiểm định định kỳ.

Đánh giá kết quả hồ sơ, lý lịch: Hồ sơ đạt yêu cầu khi đầy đủ và đáp ứng các quy định tại Bảng A.4 prEN 14427:2004. Nếu không đảm bảo, cơ sở phải có biện pháp khắc phục bổ xung.

7.3. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kiểm định phù hợp để phục vụ quá trình kiểm định.

7.4. Xây dựng và thống nhất thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn với cơ sở trước khi kiểm định. Trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn trong quá trình kiểm định.