Tranh Chấp Tài Sản Chung Sau Thừa Kế Giải Quyết Như Thế Nào?

Ngày đăng: 05:15:03 18-03-2020

Khi một người chết, tài sản của người đó chuyển thành di sản thừa kế và những người thừa kế được hưởng di sản đó. Trong một số trường hợp, di sản sẽ trở thành tài sản chung của những người thừa kế. Các tranh chấp di sản thừa kế rất dễ xảy ra trong trường hợp này. Trong bài viết chúng tôi sẽ hướng dẫn giải quyết tranh chấp tài sản chung sau thừa kế.

Tài sản chung sau thừa kế của những người đồng thừa kế

1. Quy định chung về thừa kế theo quy định pháp luật Việt Nam

Hiện nay, pháp luật ghi nhận cá nhân có quyền LẬP DI CHÚC để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

    • Về thời điểm mở thừa kế: Là thời điểm người có tài sản chết, trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (sau đây gọi là BLDS 2015).

    • Về người thừa kế: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế (Điều 613 BLDS 2015)

    • Thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

2. Thời điểm di sản trở thành tài sản chung sau thừa kế

Luật sư tư vấn thời điểm di sản trở thành tài sản chung của những người thừa kế

    1. Các theo di chúc hoặc các đồng thừa kế theo pháp luật tự thỏa thuận với nhau về việc không phân chia di sản thừa kế mà xác định đó là tài sản chung cùng quản lý, sử dụng hoặc phân công người quản lý, sử dụng di sản.

    2. Theo quy định tại Điểm a Tiểu mục 2.4 Mục 2 Phần I của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế thì di sản đó chuyển thành tài sản chung.

    3. Theo quy định tại Điểm a Tiểu mục 2.4 Mục 2 Phần I của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì sau khi kết thúc thời hạn mười năm nêu trên mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.

3. Giải quyết tranh chấp di sản trở thành tài sản chung sau thừa kế

Theo hướng giải quyết theo quy định tại Tiểu mục 2.4 Mục 2 Phần I của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP như sau:

    • Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

    • Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

    • Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo ủy quyền... thì những người thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

4. Các thủ tục tố tụng giải quyết tranh chấp đối với tài sản chung sau thừa kế

Việc giải quyết tranh chấp tài sản chung sau thừa kế phải tuân theo các thủ tục tố tụng do pháp luật quy định

Căn cứ theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện là Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế.

    1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn khởi kiện phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung được quy định trong BLTTDS 2015.

    2. Tòa án qua bộ phận tiếp nhận đơn phải nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

    3. Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 191 BLTTDS 2015 trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

    4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu đủ điều kiện thụ lý hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn hoặc trả lại đơn khởi kiện.

    5. Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề trền. Nếu Quý bạn đọc có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ các thủ tục tố tụng tố tụng tại Tòa án để bảo về quyền lợi của mình, hãy liên hệ Công ty Luật Long Phan PMT để được hỗ trợ.

Tham khảo thêm:

Long Phan PMT: Công ty luật sư, tư vấn pháp luật miễn phí, cung cấp dịch vụ luật sư uy tín tại TPHCM. Điều hành bởi Thạc sĩ – Luật sư Phan Mạnh Thăng.